Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

56 tỷ, 4 tấm lưới và “vinashin của ngành điện ảnh”

LathanhHuyen
Không ai dám trả lời về số phận bộ phim, kể cả người đã ký quyết định đầu tư, để ngậm miệng chấp nhận sự thực bộ phim chính là một Vinashin của ngành điện ảnh.

Những hình ảnh duy nhất là những người đóng thuế có thể xem về phim Thái sư Trần Thủ độ là cảnh 4 tấm lưới được…quăng trên sông. Và với nhõn 4 cảnh quăng lưới đó, những người ký quyết định làm “bộ phim bí mật” cũng đã quăng 56 tỷ tiền thuế của dân ra sông, ra biển. Và vì thế, việc Thái sư Trần Thủ Độ đoạt 3 giải quan trọng của giải Cánh Diều vàng năm nay giống y như việc chọc kim vào cục tức tưởng đã lành trong trí nhớ của những người đóng thuế.
Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim nằm trong chương trình mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, được bấm máy từ năm 2009 gồm 30 tập, với kinh phí  56 tỷ đồng do đạo diễn Đào Duy Phúc và hãng phim truyện I sản xuất. Bộ phim dự kiến lên sóng vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tháng 10.2010. Nhưng suốt 3 năm qua, bộ phim vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”. Và thực ra, cả đạo diễn, nhà sản xuất, lần UBND TP Hà Nội, không ai muốn trả lời về số phận của 56 tỷ đồng này.
Tháng 10 năm ngoái, PV Báo Dân trí đã liên lạc với GĐ Hãng phim truyện I, đặt câu hỏi với UBND TP Hà Nội, đơn vị ký quyết định đầu tư, và nhận lại 2 cái lắc đầu. Giám đốc hãng phim Tất Bình, đạo diễn Đào Duy Phúc trả lời họ chỉ chịu trách nhiệm sản xuất. Còn đại diện UBND TP thì trả lời cũng như không: “Khi nào có lịch chiếu, phim sẽ lên sóng”.
3 năm qua, Thái sư Trần Thủ Độ đương nhiên vẫn chưa có lịch chiếu, dù năm ngoái, Hà Nội đã phải lập Hội đồng nghiệm thu với xủng xoảng những đạo diễn điện ảnh, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, giáo sư sử học với đủ loại trưởng phó cục, chánh phó các ban bệ.
Nói cho công bằng, phim 56 tỷ cũng được chiếu cho số ít nhân dân. Nhưng đó chỉ là vài thành viên của Ban giám khảo.
Nói cho chính xác, Thái sư Trần Thủ Độ, dù chưa công chiếu, cũng đã gây “tiếng vang”. Chỉ có điều đó là “tiếng vang” từ những scandal chẳng liên quan gì đến phim. Chẳng hạn việc Á hậu Thiên Lý bất ngờ bị loại. “Nguyên phi Trần Thị Dung- Lã Thanh Huyền” sau đó mặc xường xám ngoài đời bị ném đá chí chết. Hay lời giải thích nhăng nhít của Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sau khi tiêu trọn 56 tỷ đồng tiền thuế, rằng: “Không thể cho phim lên sóng bởi về lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý. Đó là chuyện nhạy cảm lịch sử.”
Thưa ông Trưởng ban, tiền là từ thuế của dân chứ không phải vỏ hến để có thể giải thích qua quýt chỉ bằng mấy chữ “nhạy cảm lịch sử”.
Nhưng bi kịch nằm ở chỗ dù đã đoạt tới 3 giải thưởng quan trọng, vẫn không ai biết số phận sau đó của bộ phim.
Còn nhớ sau khi nhận giải, Đạo diễn Đào Duy Phúc tâm sự rằng mong muốn lớn nhất của đoàn làm phim là Thái sư Trần Thủ Độ sớm được lên sóng.
Không một đạo diễn nào muốn phim của mình, dù đoạt giải hay không, phải nằm đắp chiếu. Không một diễn viên nào muốn lao động nghệ thuật của mình bị ném vào kho. Và nhân dân lại càng muốn, và có quyền được biết số phận những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của mình.
Chỉ có điều, không ai dám trả lời về số phận bộ phim, kể cả người đã ký quyết định đầu tư, để ngậm miệng chấp nhận sự thực bộ phim chính là một Vinashin của ngành điện ảnh.


Đào Tuấn

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/03/18/56-ty-4-tam-luoi-va-vinashin-cua-nganh-dien-anh/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001