Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Bàn về Hệ thống Quản lý Nhà nước

“Muốn đổi mới xã hội thì trước hết
                                                                                        phải đổi mới tư duy và hành động”
Hiến pháp nước ta quy định:
  • Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
  • Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam.
Điều 4 của Hiến pháp lại quy định: Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là điều mâu thuẫn trong Hiến pháp vì: 
1. Đảng viên Đảng cộng sản hiện nay không phải là những đại diện ưu tú nhất trong xã hội. Tuyệt đại đa số đảng viên là những công chức trong các bộ máy chính quyền Nhà nước và trong các doanh nghiệp Nhà nước. Do vậy những người vào Đảng hiện nay phần đông là những người cơ hội muốn thăng tiến trong sự nghiệp chứ không phải để “phục vụ nhân dân” như trong lý thuyết;
2. Quốc hội trong đó hơn 90% là đảng viên phần đông thực sự không phải là đại biểu của nhân dân. Vì những người được bầu vào Quốc hội phải được Ủy ban Mặt trận tổ quốc giới thiệu. Mà Ủy ban này thực chất là cơ quan nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
 Vì vậy bản chất  Nhà nước chúng ta hiện nay là Nhà nước của Đảng Cộng sản, là Nhà nước đại diện cho quyền lợi của 3 triệu đảng viên, chiếm khoảng 4% dân số Việt Nam.
 Vậy để xây dựng một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thật sự thì chúng ta phải làm gì:
1.     Nhận thức rõ những bất cập và yếu kém trong vai trò quản lý xã hội của Hệ thống quản lý Nhà nước hiện nay;
2.     Xây dựng một mô hình Hệ thống Quản lý Nhà nước hợp lý hơn;
3.     Chuyển đổi dần hệ thống hiện hành sang hệ thống mới.   
Bài viết này sẽ lần lượt đề cập đến 3 vấn đề nêu trên.
1.     Những bất cập và yếu kém trong vai trò quản lý xã hội của Hệ thống quản lý Nhà nước hiện nay.
Hệ thống quản lý Nhà nước là một tổng thể bao gồm Hệ thống pháp luật và các cơ quan Lập pháp, hành pháp và tư pháp từ trung ương đến địa phương.
Đứng đầu hệ thống pháp luật là Hiến pháp, là hệ tiên đề của các bộ luật khác.
Đứng đầu Nhà nước là Quốc hội, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ViệtNam. 
Một khoa học nếu như có hệ tiên đề tự mâu thuẫn thì khoa học ấy không thể chấp nhận được. Vì vậy như phần đầu đã đề cập chúng ta hiện nay đang có mâu thuẫn trong Hiến pháp và do đó dẫn đến các mâu thuẫn khác trong xã hội là điều tất yếu:
  1. Quyền bầu cử và của công dân bị lạm dụng: công dân chỉ được quyền bầu những người đã được cơ quan Đảng lựa chọn trước.
  2. Quyền tự do ngôn luận của công dân bị hạn chế: báo chí chỉ có các cơ quan do Nhà nước quản lý mới được phát hành. Các ý kiến của công dân bị báo chí kiểm duyệt trước khi đưa ra công luận. Những người có ý kiến bất đồng thì bị bắt giữ và chụp mũ cho tội phản động.
  3. Hệ thống quản lý Nhà nước chồng chéo trong các công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp khiến các hoạt động của Nhà nước trì trệ và nhiều chỗ chưa minh bạch. 
  4. Nhiều cán bộ Đảng và Nhà nước có điều kiện dễ dàng tham nhũng và lãng phí vì đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng hiện nay lại là những người đứng đầu các cơ quan hành pháp. Tệ nạn này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra sự bất công lớn trong xã hội: Những kẻ bất lương đội lốt đày tớ của dân càng ngày càng sẽ giàu lên nhanh chóng, trong khi đại đa số nhân dân lao động càng ngày càng bị ăn cắp và ăn cướp trắng trợn tài sản do công sức lao động của mình tạo nên.
  5. v.v và v.v.….
Hiểu rõ những bất hợp lý trên đây chúng ta thực sự thấy cần thiết phải có sự cải cách sâu rộng toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước từ hệ thống pháp luật đến tổ chức hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.   
2.      Xây dựng một mô hình Hệ thống Quản lý Nhà nước hợp lý hơn.
2.1.  Mục đích:
Hệ thống Quản lý Nhà nước hợp lý  là hệ thống nhằm đạt mục tiêu cơ bản  là đảm bảo cho một xã hội phát triển cân bằng và bền vững. Cụ thể là phải đảm bảo những yếu tố sau:
2.1.1.     Quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ và an ninh quốc gia, quyền được chung sống hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển với các dân tộc khác trên toàn thế giới.  
2.1.2.     Quyền bình đẳng về mọi mặt của tất cả các công dân và tất cả tổ chức trong xã hội. Ở đây chúng ta hiểu tổ chức theo nghĩa rộng bao gồm các tổ chức chính trị; các tổ chức xã hội như hiệp hội, đoàn thể, tôn giáo; các tổ chức kinh tế  như doanh nghiệp, doanh nhân…     
2.1.3.     Các quyền cơ bản của công dân và tổ chức như quy định trong Hiến pháp hiện hành: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm;  quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do lập hội; quyền tham gia quản lý Nhà nước…
2.1.4.     Nghĩa vụ của tất cả các công dân và tổ chức phải tôn trọng  pháp luật, tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. 
2.1.5.     Vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo ổn định quốc phòng an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo cho mọi công dân và tổ chức được tự do phát triển tài năng và trí tuệ, đảm bảo các công trình hạ tầng cơ sở và phúc lợi xã hội, đảm bảo các chính sách kinh tế vĩ mô để xã hội phát triển ổn định và bền vững.       
2.2.  Các tiền đề của Hệ thống Quản lý Nhà nước
2.2.1.  Nhà nước là Nhà nước của nhân dân: Nhân dân phải được quyền thông qua các tổ chức hợp pháp của mình tham gia quản lý Nhà nước, bình đẳng trong việc giới thiệu hoặc tự ứng cử vào Quốc hội cũng như các chức vụ trong các cơ quan dân cử khác.
2.2.2. Nhà nước là Nhà nước do nhân dân và vì nhân dân: Ngân sách hoạt động của Nhà nước là tiền thuế của nhân dân lao động và lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước là tài sản chung của cả cộng đồng. Vì vậy các dân biểu cũng như các công chức phải có thái độ tôn trọng nhân dân, tận tụy với công việc được giao và qua đó phải được hưởng chế độ thù lao thỏa đáng. Mọi hành vi lạm quyền, tham nhũng hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho tài sản nhân dân phải bị nghiêm trị.   
2.2.3. Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước: Không một tổ chức nào kể cả Đảng Cộng sản có quyền lũng đoạn hoạt động của Quốc hội.
2.2.4.  Hệ thống Quản lý Nhà nước phải tách bạch các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp: Như vậy thì các hoạt động của các cơ quan hành pháp sẽ tinh giản gọn nhẹ hơn, đạt hiệu quả cao hơn và được giám sát chặt chẽ để phòng chống tham nhũng.
2.2.5. Hoạt động của Nhà nước phải đảm bảo các vai trò nêu trong mục 2.1.5.
 2.3.   Những nội dung cơ bản của  Hệ thống Quản lý Nhà nước mới
Trên cơ sở những phân tích trên đây xin được đưa ra những nét chính của Hệ thống Quản lý Nhà nước mới.
2.3.1.  Hệ thống pháp luật
Hiến pháp phải tuân thủ các tiền đề trong mục 2.2. , nêu rõ các mục đích trong mục 2.1. và như vậy phải thể hiện những điểm sau: 
  • Quy định vai trò, quyền hạn và nghĩa vụ của của Nhà nước đối với Quốc gia và xã hội.
  • Quy định những quyền và nghĩa vụ của công dân và tổ chức. Quy định quyền của công dân được phép tham gia vào những tổ chức theo sở thích và khả năng của mình để mưu sinh, phát triển tài năng trí tuệ của mình và đóng góp cho cộng đồng.
  • Quy định những hành vi cấm đối với công dân và tổ chức. Ngoài những hành vi này công dân và tổ chức được tư do hoạt động trong mọi lĩnh vực khác.
  • Quy định chung về tổ chức hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết thông qua. 
Các bộ luật phải tuân thủ các quy định trong hiến pháp. Các bộ luật phải cụ thể  và chi tiết hóa để dễ thực hiện. Quan trọng trong luật phải thể hiện được các chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm pháp luật.    
2.3.2. Quốc hội  và công tác lập pháp
Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước. Đây là cơ quan được nhân dân bầu lên thay mặt mình lãnh đạo và quản lý  đất  nước và xã hội. Đại biểu Quốc hội phải là là những ngườiđại diện ưu tú của nhân dân.Vì vậy việc bầu cử ứng cử đại biểu Quốc hội phải được bình đẳng giữa các công dân và tổ chức xã hội. Vì vậy cơ chế bầu cử quốc hội được tổ chức như sau:
  • Những người đứng đầu  Hội đồng Bầu cử Trung ương và các các Hội đồng Bầu cử các tỉnh thành phố là những đại biểu quốc hội khóa hiện tại nhưng không tham gia tái ứng cử nhiệm kỳ tới. Có như vậy mới đảm bảo tính chính xác và khách quan trong công tác bầu cử.
  • Có các tiêu chuẩn rõ ràng cho đại biểu quốc hội về đạo đức và khả năng.
  • Các công dân và các tổ chức theo các tiêu chuẩn đó được tự do tự ứng cử và giới thiệu người ứng cử vào Quốc hội. Việc xét duyệt những người tham gia ứng cử vào danh sách ứng cử chính thức do hội đồng bầu cử các địa phương phụ trách với sự tham gia của nhân dân và của các cơ quan chức năng khác.
Công tác lập pháp của quốc hội phải có một hội đồng chuyên trách bao gồm một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia lập pháp. Hội đồng này soạn thảo các bộ luật , trưng cầu ý kiến và trình Quốc hội thông qua.   
2.3.3.  Hệ thống hành pháp
Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng là cơ quan hành pháp điều hành công tác quản lý Nhà nước. Hoạt  động của các Chính phủ và các cơ quan trực thuộc phải tuân thủ luật pháp, chịu sự kiểm soát của Quốc hội và các cơ quan tư pháp. Như vậy trong Luật hoạt động của chính phủ phải quy định rõ những chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên trong Chính phủ.
2.3.4. Hệ thống tư pháp
Hệ thống tư pháp bao gồm Viện Kiểm sát giữ vai trò điều tra, công tố và Tòa án giữ vai trò xét xử.  
Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao và Chánh án Tòa án tối cao chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ngang hàng với Thủ tướng Chính phủ.
3.   Chuyển đổi dần hệ thống hiện hành sang hệ thống mới.   
Mục 2 trên đây đã trình bày vắn tắt một số nội dung của Hệ thống Quản lý Nhà nước mới. Việc chuyển đổi sang hệ thống này hoàn toàn có thể thực thi nếu hội đủ những yếu tố sau:
3.1.   Sự đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản.  Đảng cộng sản từ trước đến nay vẫn tự  coi mình là lực lượng ưu tú nhất của xã hội và nghiễm nhiên được quyền lãnh đạo Nhà nước.  Nhưng thực ra Đảng Cộng sản cũng chỉ là một tổ chức chính trị trong xã hội, trong hoạt động có những ưu điểm nhưng cũng có nhiều khiếm khuyết. Đặc biệt hiện nay trong nội bộ Đảng Cộng sản có không ít những kẻ cơ hội, nhiều con sâu bự vì lạm quyền và tham nhũng.
3.2.   Nhà nước không ngăn cấm hoạt động của những tổ chức chính trị xã hội khác, miễn là hoạt động của những tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật, tôn trọng các công dân, tôn trọng các tổ chức khác và không đi ngược lại với quyền lợi của Quốc gia và Dân tộc.
3.3.   Sự tôn trọng quyền của công dân và tổ chức trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay. Hình như hiện nay Đảng vẫn coi trọng đặc quyền đặc lợi của mình hơn là coi Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Mong các đồng chí kiểm điểm lại.
Để có những yếu tố đó cần có sự đồng thuận của công luận, của nhân dân trên mọi miền của Tổ quốc và đặc biệt là của những Đảng viên trung kiên, tận tụy hết lòng hết sức vì một xã hội dân chủ công bằng văn minh.
Trên đây là vài ý kiến mạn đàm chắc không tránh khỏi những sơ sót. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc xa gần.          
Nguyễn Hữu Hoàn
thuydunghoan@yahoo.com
nguồn:http://nguyenhuuhoan.wordpress.com/h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-qu%E1%BA%A3n-ly-nha-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001