Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Ông Bầu Xuân và đoàn Dạ Lý Hương 

Ngành Mai, thông tín viên RFA 
2013-03-18
    gal_103190_50f97f3d94c5f-305.jpg
    Bìa đĩa cải lương Yêu Người Điên, soạn giả Thiếu Lĩnh, đoàn cải lương Dạ Lý Hương.
    Photo courtesy of trongtam78


    Có những người mà trong cuộc đời họ không hề nghĩ đến nghề ca hát, cũng không hề đi coi cải lương, vậy mà về sau họ lại là những người có công lớn đối với cải lương, đóng góp một cách thiết thực cho bộ môn nghệ thuật sân khấu. Do tình thế đưa đẩy họ đứng ra làm bầu gánh cải lương, mà lại là đoàn hát lớn, danh tiếng lẫy lừng, và ông Bầu Xuân là một trong những nhân vật ấy.

    Vượt qua khó khăn

    Về tiểu sử của Bầu Xuân thì người ta được biết ông là người sinh trưởng ở Bình Trị Đông gần Chợ Lớn, thuở nhỏ học ở trường Phú Lâm, nhà nghèo vừa đi học vừa đội bánh bò đi bán. Rồi thì thời gian sau thân phụ ông kinh doanh dầu ở Chợ Lớn trở nên phát đạt nên đã gởi Bầu Xuân sang Hồng Kông học chữ Anh và chữ Trung Hoa đến hết trình độ trung học. Năm 24 tuổi (1958) Bầu Xuân trở về nước được cha cho theo tàu chở hàng buôn đường Sài Gòn, Nam Vang. Hai năm sau ông trở về Sài Gòn thành lập công ty xuất nhập cảng Nam Hiệp Công Thương ở đường Thái Lập Thành, sau dời về đường Nguyễn Công Trứ. Đồng thời ông cũng là nhà thầu xây dựng và chủ nhân hãng giấy Kiss Me.
    Hãng thầu của Bầu Xuân có một nhà kho trên mảnh đất một mẫu ở Tham Lương, ngang hãng dệt Vinatexco. Lúc bấy giờ Bầu Hiếu của đoàn Hoa Thủy Tiên (gia đình vốn quen biết với Bầu Xuân) gặp nguy nan vì đoàn Hoa Thủy Tiên rã gánh tại Bà Quẹo. Bầu Hiếu năn nỉ Bầu Xuân cho anh chị em đoàn hát dọn vào nhà kho ở tạm. Bầu Xuân bằng lòng và còn cung cấp gạo, tiền để nghệ sĩ sống tạm qua ngày.
    Mấy tháng sau, soạn giả Bạch Diệp, Minh Nguyên của đoàn gặp Bầu Xuân đề nghị ông bỏ ra số tiền lập lại đoàn hát, để anh chị em nghệ sĩ có dịp hành nghề sinh sống, tốt hơn là cứ nuôi mãi thì biết bao nhiêu tiền cho đủ. Bầu Xuân bằng lòng và bắt đầu làm bầu cải lương từ tháng 6 năm 1962. Trước tiên ông bỏ ra 300 ngàn đồng thành lập đoàn Hoa Mùa Xuân, khai trương vở “Tiếng Chuông Chùa Xá Lợi” của Bạch Diệp Minh Nguyên tại rạp Thuận Hóa, Sóc Trăng. Đoàn lưu diễn lần về Sài Gòn qua Vĩnh Long, Mỹ Tho đều thất bại, hết vốn 300 ngàn đồng. Bầu Xuân làm lại đoàn Hoa Mùa Xuân đợt mới với Tấn Tài, Như Ngọc diễn vở Lòng Mẹ của Thiếu Linh và rồi cũng thất bại luôn lần thứ nhì.
    Lúc bấy giờ nơi công ty hãng thầu nhiều người phản ứng yêu cầu Bầu Xuân nghỉ không làm đoàn hát nữa, vì như thế ông mất nhiều thì giờ làm thiệt hại cho hãng thầu; hãy xem hai lần thất bại như là đánh bài thua một canh bạc thế thôi.
    Về vấn đề này Bầu Xuân cảm thấy buồn và tự ái. Buồn vì cả đoàn hát anh chị em nghệ sĩ thất nghiệp đang kỳ vọng nơi ông. Tự ái vì ông là người hoạt động thành công nổi tiếng ở thương trường mà không làm thành công được một đoàn hát hay sao? Ông tâm sự với Tư Hiếu, phó giám đốc đoàn như vậy.

    Đổi mới


    imagecl-250.jpg
    Poster quảng cáo vở cải lương Nửa Đời Hương Phấn với Nghệ sĩ Hữu Phước và Út Bạch Lan. File photo.
    Sau hai lần làm bầu cải lương đã có kinh nghiệm, Bầu Xuân có ý muốn đổi mới sân khấu cải lương nên đã mời nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Thiếu Linh họp bàn, đi đến quyết định thành lập đoàn Dạ Lý Hương. Bàn cách xóa bỏ lề lối phong kiến lâu đời ở đoàn hát, người nghệ sĩ được tôn trọng đúng mức và không phải khúm núm đối với bầu. Tất cả thành viên đoàn hát đều ký hợp đồng với số tiền tùy theo tên tuổi của nghệ sĩ và sự thỏa thuận của đôi bên. Khi mãn hợp đồng được tặng luôn số tiền, còn bỏ đoàn ngang thì bồi thường đúng số tiền hợp đồng đã ký; bỏ ngang đêm hát phải bồi thường cả xuất hát.
    Bệnh nghỉ phải có giấy bác sĩ chứng nhận. Tập tuồng đến trễ phải phạt một cứ nước uống cho tất cả anh em. Biểu diễn cương ngoài kịch bản, cợt đùa lố bịch bị khán giả chê nghệ thuật của đoàn thì diễn viên phải đến bồi danh dự thương mại cho bảng hiệu. Về ăn ở thì đoàn hát lo hết cho nghệ sĩ. Mỗi đêm hễ mở màn hát là phát lương đủ chớ không có vấn đề phát phân nửa hoặc một phần tư lương, v.v... Tóm lại Bầu Xuân đã làm cuộc cách mạng sân khấu, và đó cũng là yếu tố đem lại sự thành công cho đoàn Dạ Lý Hương sau này.
    Trên cơ sở đó đoàn Dạ Lý Hương của Bầu Xuân được thành lập với số vốn được bỏ ra ban đầu là 3 triệu đồng. Với một doanh nhân thành đạt như ông, số vốn lớn đó vẫn là “chuyện nhỏ”. Đoàn Dạ Lý Hương ra đời năm 1963 là một đại ban vững mạnh. Giám đốc là Bầu Xuân, phó giám đốc đoàn là ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc nghệ thuật là nghệ sĩ Ba Vân, đài trưởng là đạo diễn Hoàng Việt. Soạn giả thường trực: Thiếu Linh, Hà Triều, Hoa Phượng. Coi như mãi đến lần thứ ba thành lập đoàn hát Bầu Xuân mới thành công và đoàn Dạ Lý Hương trở thành một trong năm đoàn loại A thời bấy giờ.
    Năm 1964, Dạ Lý Hương cải tiến có mời thêm những nghệ sĩ về đoàn như Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Hoàng Giang, Văn Chung, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Sau này còn có Viễn Châu về làm soạn giả thường trực. Đoàn cho ra đời những kịch bản xã hội ăn khách như: Tuyết Tình Ca (ông cò Quận 9), Nỗi Buồn Con Gái, Thảm Kịch Tuổi Xanh, Trường Kịch 20 Năm, Lấy Chồng Xứ Lạ...
    Đoàn Dạ Lý Hương oai trùm suốt thời gian gần 5 năm, thì bị cái Tết  Mậu Thân, cải lương khủng hoảng, xuống dốc trầm trọng, nhiều đoàn hát rã gánh, đoàn nào còn sống cũng tình trạng ngất ngư, một đêm hát vài ba đêm nghỉ. Dĩ nhiên đoàn Dạ Lý Hương cũng không tránh khỏi tình trạng bấp bênh. Tuy vậy nhờ có vốn nhiều, đoàn cũng sống cầm chừng chớ không cho rã gánh.
    Đến tháng 10 – 1974 đoàn Dạ Lý Hương diễn vở hát cuối cùng là “Người Thua Cuộc” của soạn giả Nguyên Thảo tại rạp Quốc Thanh có mặt nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Đêm ấy đoàn có 300 khán giả đến xem, Thanh Nga từ chối không lãnh lương. Cô nói vì “khán giả chỉ có 300 người, khán giả ít lắm, nghệ sĩ lãnh lương kỳ quá”... Sau đó đoàn Dạ Lý Hương giải thể sau 12 năm hoạt động.
    Sau 30 – 4 – 1975 ông Bầu Xuân thành lập trở lại đoàn Dạ Lý Hương (Tỉnh Sông Bé). Đến năm 1978, Bầu Xuân định dàn dựng vở “Kiều” trên sân khấu của ông và hỏi ý kiến nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Năm Châu đã khuyên Bầu Xuân không nên dựng diễn vở “Kiều” vì sẽ gặp chuyện không may, ông nêu trường hợp đoàn Bạch Tuyết Hùng Cường diễn “Kiều” rồi liền sau đó đoàn hát này bi rã gánh. Bầu Xuân có vẻ không tin điều này. Sau này khi nghệ sĩ Năm Châu qua đời, giữa năm 1978, Bầu Xuân nhờ đạo diễn Hoàng Sa dựng vở “Kiều” diễn tại Miễu Quốc Công (Vĩnh Long) khán giả đầy rạp suốt một tuần lễ. Đến đêm chót tại đây, Bầu Xuân bị tai nạn phải đi học tập nơi xa suốt thời gian 3 năm 9 tháng.
    Kỳ tới tôi sẽ nói tiếp chuyện của Bầu Xuân. Và bây giờ mời quí vị thưởng thức điệu đờn nhạc sĩ Lê Khiêm, Bà Tu, Út Tỵ cùng hoa tấu bài bản Tổ.
    nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bau-xuan-and-da-ly-huong-nm-03182013095229.html
    ======================================================================
    Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
              Sẽ xóa những comment nói tục
              Thinhoi001

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
    Sẽ xóa những comment không phù hợp
    Thinhoi001