Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Đào Tuấn - Mật danh 4 Ệ, 5 C 

Đào Tuấn

Ở Việt Nam, còn có một thứ “hối lộ” khác tạm gọi là “hối lộ tình cảm”. Hối lộ tình cảm, không phải là “hối lộ tình dục”, mà chỉ đơn thuần là chuyện dân gian hay gọi là “Con cháu các cụ cả”
Một tờ báo vừa kể lại một vụ chạy biên chế cười ra nước mắt. Đại ý, một cử nhân ngành xã hội học đang công tác ở tại một Trung tâm khoa học xã hội thuộc TP Huế đã bỏ tiền cho cò, chạy một chân biên chế ngạch tư pháp ở Nghệ An. Giá chạy việc là 70 triệu.
Tất nhiên, chuyện chẳng thành thì mới được đưa lên báo. Anh cử nhân mất một số tiền cọc, và do đã bỏ việc ở Huế, sau vụ “thịt lừa”, anh trở nên thất nghiệp.
“Do cả tin” nên nạn nhân phải “nhận quả đắng”- bài báo kết luận.
Cả tin có lẽ trong trường hợp này không phải là vì khối cơ quan nhà  nước không có chuyện “chạy việc” mà có khi, chua chát hơn, là bởi số tiền 70 triệu quá ít cho một xuất biên chế.
Và cả tin chỉ là cá biệt trong trường hợp cá biệt của anh cử nhân, trước một thực tế không hề “cá biệt”.
Bởi nhìn vào báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2012, cũng vừa được công bố hôm 14.5, nhiều người đã giật mình khi nhìn nhận một thực tế xã hội, rằng 44% cho biết phải hối lộ mới xin được việc trong khu vực nhà nước (Năm 2011, chỉ số này là 29%).
44%, có nghĩa là gần một nửa. Và “gần một nửa”, có nghĩa là những nỗi lo lắng về một sự cam chịu, hoặc thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực, không phải là cái gì quá đáng. Huống chi dù tiếng là “tham nhũng vặt” với hình ảnh chiếc phong bì, nhưng theo đánh giá của báo cáo PAPI: Hối lộ là một vấn đề lớn đối với nhiều người, với số tiền đáng kể phải trả cho chi phí không chính thức.
Tất nhiên, không thể hiểu là cứ 100 người thì 44 người phải “chạy”,  phải hối lộ để có công việc, bởi ở Việt Nam, còn có một thứ “hối lộ” khác tạm gọi là “hối lộ tình cảm”.
Xin nói ngay, hối lộ tình cảm, không phải là “hối lộ tình dục”, điều cho đến giờ chưa có tiền lệ ở Việt Nam, mà chỉ đơn thuần là chuyện dân gian hay gọi là “Con cháu các cụ cả”.
Báo cáo PAPI dẫn một thực tế hết sức cay đắng, nhưng chính xác tuyệt đối: “Người dân cho rằng để xin việc trong cơ quan nhà nước, việc quen biết với người có chức, có quyền quan trọng hơn so với năng lực tự thân”. Một thực tế “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, na tiền tệ, nốn trí tuệ” đã được nhắc tới tại nghị trường Quốc hội. Một thực tế từ lâu đã trở thành thành ngữ dân gian với nụ cười mai mỉa là “Mật danh 4 ệ 5C”.
Muốn được một nụ cười, người bệnh phải phong bì cho bác sĩ với “chỉ số hối lộ” tăng 31% năm 2011 lên 42% năm 2012. Muốn con cái được chăm sóc dạy dỗ “đỡ tệ”, các bậc phụ huynh phải “quà cáp” với tỷ lệ 25% thay cho 17% năm 2011. Muốn làm thủ tục “nhanh một tí” trong lĩnh vực đất đai, từ 21%, giờ 32% nhận định phải “cảm ơn hậu hĩnh”. Tại sao tham nhũng vặt ngày càng tăng, tại sao lại càng ngày càng nhiều người phải chấp nhận hối lộ.
Câu trả lời thực ra đã có. Vì chỉ số hối lộ 44% khi ai đó muốn xin việc làm trong khu vực nhà nước, khu vực đang gây ra một định kiến là chỉ cần tiền hoặc “Mật danh 5C”.
Tỷ lệ người dân chấp nhận phải hối lộ tăng, phải chăng là vì “chỉ số hối lộ” trong lĩnh vực chạy việc (chưa nói đến chạy chức chạy quyền) đang tăng? Và điều đó có đồng nghĩa với chỉ số tỷ lệ ở cuộc chiến chống tham nhũng đang tăng ngược với những lời tuyên bố?
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 18/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130518/dao-tuan-mat-danh-4-e-5-c
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001