Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Lê Mạnh Hùng - Chuyện dạy học bằng tiếng Anh tại Pháp 


Lê Mạnh Hùng

Anh và Pháp hai nước tuy chỉ cách một cái eo biển mà người Pháp gọi là cánh tay áo (La Manche) và người Anh gọi là cái rãnh (English Channel), nhưng vẫn là kẻ thù truyền kiếp từ nhiều thế kỷ nay. Tuy rằng sau này, trước nguy cơ vượt lên của Ðức hai nước đã hòa hợp với nhau, nhưng sự kình chống ngấm ngầm vẫn còn tiếp tục. Năm 1966, khi nước Anh nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu thì chính Tướng de Gaulle, tổng thống Pháp đã phủ quyết không cho Anh vào.


Trên phương diện văn hóa cuộc cạnh tranh càng gay gắt hơn. Trong nhiều thế kỷ, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính của Châu Âu. Giới thượng lưu trí thức của châu này, dù người Nga, Ðức hay nước nào chăng nữa đều nói được tiếng Pháp. Cho đến những năm 1950 chẳng hạn, tại Anh, những ai muốn vào làm cho Bộ Ngoại Giao Anh bắt buộc đều phải nói được tiếng Pháp.

Nhưng càng về sau này, tiếng Pháp càng bị lép vế so với tiếng Anh. Ngay cả tại những thuộc địa cũ như Việt Nam, số người biết tiếng Pháp càng ngày càng ít. Và số người học tiếng Pháp lại càng ít hơn. Thành ra vừa qua, chính phủ Xã Hội của Tổng Thống Francois Hollande đã tạo ra một cuộc tranh cãi sôi nổi và một làn sóng phản đối ồn ào khi đưa ra một dự luật cho phép các trường đại học được quyền dạy học bằng tiếng ngoại quốc (ám chỉ tiếng Anh).

Một số nghiệp đoàn đã kêu gọi biểu tình hôm Thứ Tư tuần này để phản đối dự luật này, trùng hợp với ngày mà Quốc Hội đưa ra thảo luận một dự luật về cải tổ giáo dục đại học nhằm giúp Pháp thu hút nhiều sinh viên nước ngoài hơn. Việc cho phép các trường đại học dậy bằng tiếng Anh là một phần của dự luật này.

Liberation, một tờ báo cánh tả, đã mở đầu cuộc tranh luận bằng cách xuất bản nguyên trang đầu của mình bằng tiếng Anh kể cả dòng tít lớn nhất “Teaching in English, let's do it.”

Trong bài xã luận, bằng tiếng Pháp, Liberation hoàn toàn ủng hộ đề nghị này, nói rằng cái “scandal thật sự” là sự “dốt nát không thể chấp nhận được của người Pháp đối với ngôn ngữ của Shakespeare.” Tờ báo kết luận bài xã luận bằng câu, “Hãy ngừng làm như mình là đại biểu cuối cùng của một ngôi làng Gaulois bị bao vây,” một câu ám chỉ đến hai nhân vật hí họa Asterix và Obelix trong các truyện hí họa trẻ em của Pháp.

Nhưng số người chống đối gay gắt thì nhiều hơn nhiều và thuộc cả hai cánh tả và hữu. Ðề nghị thay đổi này đã đụng vào một vấn đề cực kỳ tế nhị đối với người Pháp: tiếng Pháp vốn trước kia là ngôn ngữ của của ngoại giao và trí thức nay đã bị tiếng Anh qua mặt. Không những vậy những từ ngữ tiếng Anh đã xâm nhập ngày một tăng vào tiếng Pháp dẫn người Pháp phải đặt ra một từ ngữ riêng để chỉ những từ này: “Franglais.”

Hàn Lâm Viện Pháp Quốc, cơ quan bảo vệ chính thức cho tiếng Pháp đã lên tiếng đòi phải hủy điều khoản này trong dự luật việc xâm nhập của tiếng Anh vào giáo dục đại học Pháp đã quá lớn. Biện pháp này “khuyến khích sự biên duyên hóa ngôn ngữ của chúng ta.”

Jacques Attali, một nhà kinh tế có tên tuổi của Pháp và trước kia làm cố vấn cho Tổng Thống Francois Mitterrand viết một bài dài trên tạp chí L'Express nói rằng, “Không những một cải cách như vậy là đi ngược với Hiến Pháp, mà ta còn không thể tưởng tượng được một điều ngu xuẩn hơn, phản tác dụng hơn, nguy hiểm hơn và chống lại quyền lợi của nước Pháp hơn.”

Ông Attali viết thay vì giúp chính phủ Pháp đạt được mục tiêu gia tăng số sinh viên nước ngoài du học tại Pháp từ 13% lên 15%, số sinh viên nước ngoài sẽ giảm đi vì tiêu chuẩn dạy dỗ chắc chắn là sẽ sút giảm. Và ông Attali nói thêm tiếng Pháp “sẽ là một tài sản quý báu cho tương lai” với tư cách là tiếng nói lớn thứ năm trên thế giới sau tiếng Hoa Phổ Thông, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hindi với 220 triệu người. Ông viết thêm “Trong 40 năm tiếng Pháp có thể trở thành tiếng thứ tư nếu chúng ta tiếp tục dạy tiếng Pháp tại Phi Châu và Á Châu.”

Bà Geneviève Fioraso, bộ trưởng đại học thì lên án những người chống lại là “giả đạo đức” nói rằng đề nghị của bà chỉ là mở ra cho các trường đại học một điều mà đã được khai thác một cách mạnh mẽ bởi những trường chuyên môn nổi tiếng nhất của Pháp - Les Grandes Ecoles - những trường thương mại như INSEAD hoặc là những trường tư như Sciences Po tại Paris (trường HEC chẳng hạn có hơn một nửa số môn học bằng tiếng Anh).

Bà Fioroso nói thêm rằng những thay đổi này chỉ ảnh hưởng khoảng 1 phần trăm số môn dậy trên đại học, nhưng nó sẽ giúp hấp dẫn sinh viên tại những nền kinh tế quan trọng như Trung Quốc, Nam Hàn hoặc là Ấn Ðộ và giúp các trường đại học mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Bà nói: “Nếu không thì cuối cùng chúng ta sẽ chỉ còn như năm chuyên gia về Proust chung quanh một cái bàn nói chuyện.”

Tổng Thống Pháp Hollande, vốn đối thoại với những người nói tiếng Anh không cần thông dịch nhưng trả lời bằng tiếng Pháp, tuần trước đã lên tiếng ủng hộ đề nghị này, nói rằng nó sẽ giúp các trường đại học Pháp hấp dẫn hơn.

Trong khi đó tiếng Anh những năm gần đây đã càng ngày càng xâm nhập vào tiếng Pháp đặc biệt là trong lãnh vực doanh nghiệp và bình dân. Con số những từ ngữ tiếng Anh nay trở thành thông dụng đã tăng vọt, đặc biệt là với sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số (digital) với những từ ngữ như “text,” “mail” và “forward” được sử dụng hầu như thường xuyên bởi tất cả mọi người. Những cố gắng để thay thế những từ ngữ này bằng một từ tiếng Pháp thuần túy đã không được ai hoan nghênh. Ðề nghị của Ủy Ban Commission Générale de Terminologie et de Néologisme vốn có trách nhiệm loại trừ ra khỏi tiếng Pháp những từ ngữ mới bị coi như là lai căng, thay chữ “email” bằng chữ “courriel” đã bị tất cả mọi người không ai đếm xỉa đến.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/le-manh-hung-chuyen-day-hoc-bang-tieng.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001