Nam Mô - Nick và vài chuyện khác
Nam Mô
"...mặc cho thiêng hay không, ở chùa nhà hay chùa chợ, chỉ muốn lưu ý
các cụ rằng, Bụt trước sau vẫn là một người đàn ông ngoại quốc."
Trao đổi về bài viết “Hiện tượng Nick Vujicic bóc trần thói sính ngoại của người Việt?” của tác giả Phan Anh.http://www.reds.vn/index.php/thoi-su/cong-dong-mang/4424-hien-tuong-nick-vujicic-va-thoi-sinh-ngoai-cua-nguoi-viet
Cách tiêu tiền của Tôn Hoa Sen
Trong bài viết của mình tác giả Phan Anh đã đưa ra con số 32 tỷ đồng,
được cho là chi phí Tôn Hoa Sen bỏ ra để tổ chức các sự kiện liên quan
đến Nick ở Việt Nam.
Tôn Hoa Sen
Không khẳng định trực tiếp nhưng có thể thấy được tác giả cho rằng có
vấn đề không ổn trong cách tiêu tiền của công ty này, theo một số lập
luận về lý do như sau:
Đầu tiên, tác giả gắn số tiền trên với hoàn cảnh kinh tế đất nước:
“32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các
doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang
ngập chìm trong khó khăn”
Câu hỏi đặt ra là, Tôn Hoa Sen có trách nhiệm gì trong cuộc khủng hoảng
này không hoặc có phải đã khiến người dân ‘ngập chìm trong khó khăn’
chăng? Nếu câu trả lời là không, vậy việc tiêu tiền của Tôn Hoa Sen có
liên quan gì đến tình cảnh kinh tế quốc gia.
Thứ hai, tác giả cho rằng:
“Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những “cú hích” về tinh thần mà Nick đã mang tới.”
Không rõ sự thiết thực mà tác giả muốn nói đến là gì? Tiêu chí nào để
đánh giá sự thiết thực đó? Khi đặt sự thiết thực trong so sánh với ‘cú
hích tinh thần’, phải chăng tác giả đang cho rằng chỉ có ‘vật chất’ –
tiền hoặc quà, là thiết thực đối với người khuyết tật?
Bên cạnh đó, lập luận này đặt trên tiền đề là đối tượng duy nhất mà sự
kiện này hướng đến là người khuyết tật ở Việt Nam, trong khi đó, hoàn
toàn có thể Tôn Hoa Sen muốn hướng đến cả những người không khuyết tật –
những người đang mong muốn nhận được cảm hứng để vận động cơ thể lành
lặn một cách có ích hơn.
Sau cùng, tác giả đưa ra lời khuyên cho Tôn Hoa Sen,
“Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu Hoa Sen chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó
thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ
vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền
thông lẫn ý nghĩa xã hội.”
Tôi nghĩ rằng tác giả đã có sự nhầm lẫn khi đặt đối xứng giữa ‘truyền
thông’ và ‘ý nghĩa xã hội’ để suy ra là, Tôn Hoa Sen, qua sự kiện vừa
rồi, chỉ đạt được ‘mặt truyền thông’ mà thất bại ở về ‘ý nghĩa xã hội’.
Nhưng, lưu ý rằng, ‘truyền thông’ là một phương tiện, còn ‘ý nghĩa xã
hội’ thuộc về phạm trù mục đích. Tôn Hoa Sen dùng ‘truyền thông’ để đạt
được ‘ý nghĩa xã hội’; ý nghĩa này có thể lớn – nhỏ tùy vào đánh giá của
mỗi người, song thật khó có thể phủ nhận sự tồn tại của nó trong sự
kiện vừa qua của họ.
Với đề nghị rằng, Tôn Hoa Sen nên ‘bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để
giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên’ thì mới có thể đạt
được ‘ý nghĩa xã hội’, tác giả, một lần nữa, đã đánh đồng một phương
tiện cụ thể (ở đây là tặng quà-tiền) với mục đích (ý nghĩa xã hội), đồng
thời ưu việt hóa phương tiện này so với những phương tiện khác (chẳng
hạn như truyền thông) – điều rõ ràng không hợp lý trong thời đại thông
tin ngày nay, khi mà truyền thông đại chúng có vai trò quyết định đối
với nhận thức và hành vi của con người.
Thử đặt một giả thiết: sự kiện của Tôn Hoa Sen dẫu không giúp người
khuyết tật có thêm một đồng nào, song có thể thay đổi nhận thức của
những người lành lặn theo hướng từ bỏ sự kỳ thị, đồng thời khuyến khích
sự cảm thông với họ. Nhận thức xã hội từ đó sẽ chuyển biến, và khả năng
có được những chính sách xã hội tốt cho người khuyết tật sẽ cao hơn. Nếu
vậy, liệu có thể khẳng định rằng những sự kiện kiểu này hoàn toàn không
‘thiết thực’ và không có ‘ý nghĩa xã hội’ chăng?
Quyền được tiêu tiền tự do
Thực ra, tồn tại một vấn đề lớn hơn, ngụ ý trong bài viết của tác giả,
vốn được nhiều người đồng tình, song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với
đời sống tự do đang dần bắt rễ vào xã hội Việt Nam. Đó là, việc chất vấn
đạo đức đối với cách chi tiêu của người khác.
Với số tiền Tôn Hoa Sen bỏ ra, tác giả nhìn nhận, “32 tỷ đồng, một con
số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang lao
đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó
khăn”
Với các bạn trẻ dự khán, tác giả viết ,“nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ 2
triệu để nghe Nick nói chuyện về nỗi khổ, về nghị lực sống... trong khi
họ sẵn sàng bĩu môi và không thèm bố thí một đồng cho người ăn xin tàn
tật.”
Những chất vấn kiểu này vừa nguy hiểm vừa nguy hại. Nguy hại vì nếu được
nhân rộng, không sớm thì muộn sẽ dẫn xã hội đến bình quân chủ nghĩa.
Nguy hiểm vì nó dễ thu hút số đông, bởi tính chất cảm tính của nó phù
hợp với bản năng khao khát bình đẳng tuyệt đối nơi con người.
Lưu ý rằng, trừ phi chứng tỏ được tiền bạc của một ai đó có được là do
phạm pháp, hoặc việc tiêu tiền của người đó gây hại đến quyền lợi của
người khác, chúng ta không được quyền chất vấn hay đặt ra vấn đề đạo đức
đối với cách họ xài tiền. Đây là cách ứng xử trong một xã hội tự do và
tôn trọng lẫn nhau.
Nhớ rằng, việc thực hiện quyền tự do của một số cá nhân đôi khi tạo ra
những thứ không đẹp trong mắt bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng
thực sự xấu. Và, ngoài sự thăng tiến tự do của mỗi cá nhân, xã hội sẽ
không có cách nào tìm được sự thăng tiến thực sự cho nó.
“Sản phẩm truyền thông”, “Sính ngoại” hay một căn bệnh khác
Trong bài viết, tác giả khẳng định “Nói đơn giản hơn, Nick cũng chỉ là
một sản phẩm truyền thông”. Chúng ta hiểu nhận xét này như thế nào?
Truyền thông là sự truyền đạt thông tin giữa người với người thông qua
nhiều phương tiện và cách thức khác nhau. Với nghĩa này thì không chỉ
Nick mà tất cả chúng ta đều là sản phẩm truyền thông, của nhau và trong
nhau. Song, như thế thì chẳng có gì đáng nói, và có lẽ, đây không phải
là điều tác giả muốn ngụ ý.
Liên hệ với các nội dung khác trong bài, có lẽ tác giả cho rằng Nick
không quá đặc biệt, ít ra là so với những người khuyết tật nổi tiếng
khác của Việt Nam, nhưng chỉ nhờ các cơ quan truyền thông mà nhận được
sự chú ý.
Thật khó và đồng thời cũng thật nhẫn tâm, nếu những người lành lặn, ngồi
đo đếm xem ai đặc biệt hơn ai, Nick hay những người khuyết tật có tiếng
ở Việt Nam như Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Phạm Thị Thu.
Song cần lưu ý rằng, nếu coi Nick là sản phẩm của truyền thông thì ba
người khuyết tật Việt Nam kể trên cũng vậy. Cũng đã có những cơ quan
truyền thông đưa câu chuyện của họ đến với chúng ta, để giờ đây chúng ta
biết và bàn về họ. Nếu có một điều gì khác biệt thì đó là những cơ quan
truyền thông khai thác chuyện của Nick đã biết cách ‘kể’ hay hơn, bằng
một cách làm việc hiệu quả hơn so với các cơ quan ‘truyền thông’ chuyện
của Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Phạm Thị Thu.
Chuyển qua chuyện sính ngoại, xin bàn đôi chút về nguồn gốc của tâm lý
này. Con người nhìn chung khi được lựa chọn sẽ tìm đến cái tốt hơn. Nếu
chúng ta đồng ý với nhau rằng, Việt Nam là một nước chậm tiến về mọi mặt
so với nhiều nước trên thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng giải thích được
tâm lý này. Nói gọn hơn, cũng như bao dân tộc khác, người Việt Nam
‘sính’ cái tốt hơn, và trong đa số trường hợp, chẳng may, cái tốt hơn đó
có xuất xứ ngoại quốc.
Nhưng theo tôi, dường như có một vấn đề sâu xa hơn trong cách nhìn nhận câu chuyện của Nick.
Nhìn Nick, quả tình tôi chỉ thấy một phận người bẩm sinh bất hạnh song
nhờ nghị lực đã vượt qua được số phận để góp ích cho đời. Tôi chẳng quan
tâm anh ta là người nước nào, trước mắt tôi độc nhất một thân phận.
Rõ ràng, đang có một cái lăng kính ‘quốc gia-dân tộc’ được đặt ra trước
mắt nhiều người trong số chúng ta khi nhìn bất kỳ con người hay sự việc
nào trên đời.
Dường như nhiều người trong chúng ta mắc một căn bệnh khác, có liên quan
đến dân tộc chủ nghĩa, mà tôi cho rằng đáng lo hơn thói ‘sính ngoại’
rất hợp lý nói trên.
Cuối cùng, khi nghe tác giả chỉ dẫn đến truyền thống, “các cụ ta nói cấm
có sai, Bụt chùa nhà không thiêng là vậy...,” tôi tự hỏi rằng không
biết ông bà của tôi có từng nói câu này hay không. Song, mặc cho thiêng
hay không, ở chùa nhà hay chùa chợ, chỉ muốn lưu ý các cụ rằng, Bụt
trước sau vẫn là một người đàn ông ngoại quốc.
Nick. Nguồn: Vnexpress.vn
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/nam-mo-nick-va-vai-chuyen-khac.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001