Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

NHẠC SĨ NGỌC ĐẠI: TÔI ĐỒI TRỤY CHỖ NÀO? 

KHÁNH LINH (thực hiện)
Ngay sau khi Cục nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có công văn thu hồi và tiêu hủy toàn bộ CD “Thằng mõ 1 – Cái nường 8x”, “nhân vật chính” đã tuyên bố tuyệt giao với báo chí vì cho rằng ông đang bị truyền thông bủa vây, cô lập. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới có thể thuyết phục ông dành cho báo GĐ&XH Cuối tuần một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Nhạc sĩ Ngọc Đại về CD gây xôn xao dư luận “Thằng Mõ 1 - Cái nường 8x”: Tôi đồi trụy chỗ nào? 1
Nhạc sĩ Ngọc Đại vẫn tỏ ra bình thản trước sự lên án của dư luận (Ảnh:T.G)

“Thằng Mõ” là định mệnh của cuộc đời
Nhiều người bảo ông làm Thằng Mõ là để tạo scandal, để dư luận chú ý vì cái tên Ngọc Đại từ sau “Dệt tầm gai” hợp tác với Vi Thùy Linh và Trần Thu Hà đang dần chìm vào quên lãng?
Tôi sợ chìm vào quên lãng, ai bảo vậy? Người nào nói như thế chứng tỏ chẳng hiểu gì về Ngọc Đại này. Từ lâu, tôi đã thích rút vào ở ẩn, âm thầm sáng tác và sáng tạo, lánh xa ồn ào của showbiz. Tôi đã bao giờ thích làm mấy thứ âm nhạc thị trường đâu. Tôi kiên trì đi  theo con đường riêng của mình, mặc kệ mọi khen chê. Ai thích thì tìm đến, ai hiểu thì nghe. Còn bảo tôi cố tình tạo scandal, tôi làm gì mà bảo tạo scandal. Không họp báo, không post lên mạng, không chụp ảnh chung với người mẫu ở truồng, không phát hành đĩa, không chủ động lên báo chí phát biểu này nọ. Đơn giản là tôi làm việc mình cần làm. Làm xong, tôi gửi anh em bạn bè. Tôi làm đĩa phải mất tiền nên tôi không tặng. Họ thấy hay và biết trân trọng sáng tạo của mình thì trả tiền cho tôi. Thế thôi!
Hẳn ông cũng biết tập thơ “Chẹc chẹc” của Nguyễn Đình Chính không được cấp phép xuất bản ở Việt Nam, nó được bán qua Amazon Kindle? Ông đã dự cảm được mình làm như thế là phạm luật?
Về việc tại sao “Chẹc chẹc” bị cấm thì phải hỏi tác giả, đừng hỏi tôi. Tôi chỉ biết nhạc sĩ có quyền phổ nhạc những gì mà mình thích. Không có văn bản nào cấm nhạc sĩ không được phổ nhạc những bài thơ chưa được xuất bản chính thống cả. Nói thật đọc xong tập thơ này, tôi thấy cắn rứt lương tâm, thấy thôi thúc, thấy âm thanh vọng về. Từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau, tôi đã làm một mạch 12 bài. Thật sự choáng váng. Viết xong, tôi có cảm giác như mình trả xong một gánh nợ đời. Nó thỏa mãn vô biên. Đấy chính là định mệnh cuộc đời.
Nghệ thuật của tôi không quan trọng số đông
Ông nghĩ sao khi người ta có thể cho rằng khả năng cảm thụ thơ ca của ông có vấn đề?
Đúng là có “vấn đề”. Thơ có vấn đề mới lọt vào mắt tôi. Cái tạng tôi nó thế. Tôi phổ “Hoa gạo” của Phan Huyền Thư. Sau này, Phan Huyền Thư nổi tiếng. Tôi phổ thơ Vi Thùy Linh. Sau đó, Vi Thùy Linh nổi như cồn. Trước đó, ai biết Thư là ai đâu. Linh cũng mới thập thò xuất hiện. Không phải tôi tự hào, nhưng tôi nghĩ tôi là một trong số ít người có tâm với thơ, có con mắt xanh để tìm đến với những tác giả thơ mà tôi cho là xuất sắc.
“Tôi sẽ tiếp tục làm Thằng Mõ. Tôi đã phổ xong 36 bài. Mỗi CD tôi làm 9 bài. Như vậy chắc chắn Thằng Mõ 2, Thằng Mõ 3, Thằng Mõ 4 sẽ ra đời. Nếu họ cho tôi phát hành thì tôi phát hành. Không tôi vẫn làm như lần này. Mà nếu như không nhà in nào dám in nữa thì tôi sẽ ôm đàn hát trong nhà. Ai thích nghe thì đến đây trả tiền tôi sẽ ôm đàn hát cho mà nghe. Tôi chắc chắn một khi mình dấn thân vì nghệ thuật thì dần dần công chúng và xã hội sẽ hiểu”, nhạc sĩ Ngọc Đại chia sẻ.
Hẳn ông đã biết công văn thu hồi CD của Cục Nghệ thuật biểu diễn?
Việc họ thu hồi là việc của họ. Trong xã hội mình hiện nay, thì việc đó gần như là đương nhiên. Nói thật, nếu báo chí không xắn tay áo làm to chuyện một cách thiếu thiện cảm, lệch lạc thì họ cũng chẳng thèm để ý. Tôi có phát hành chính thống hay trình diễn bán vé gì đâu, cũng chỉ là thú chơi thôi. Người ta in lậu hàng triệu đĩa bán tràn lan thu lời bất chính tiền tỉ họ có làm được gì đâu. Tôi chỉ là anh nhạc sĩ quèn, dấn thân vì âm nhạc, bỏ tiền ra làm đĩa để chơi rồi tặng anh em. Họ thích họ thương thì họ trả tiền, mà tiền thu được cũng chỉ đủ số tiền sản xuất thôi. Cơ quan quản lí phải làm việc của mình, tôi không có ý kiến gì. Còn tôi, tôi làm việc của tôi.
Nhưng vấn đề ở đây không hẳn chỉ là sản xuất phát hành đĩa lậu. Với CD Thằng Mõ, Cục NTBD cho rằng nó có nội dung “đồi trụy”?
Tôi đồi trụy chỗ nào? Họ nói như thế là nói không đúng bản chất vấn đề, là đánh tráo giá trị nghệ thuật. Tôi viết “Đùi ơi, mông ơi, háng ơi, nõn nường ơi”, họ nghĩ là khiêu dâm. Thế háng không gọi là háng, mông không gọi là mông thì gọi là gì? Họ đâu hiểu đấy là nỗi xót xa, là nỗi day dứt, là sự mặc cảm, là chút cảm thông với cái đẹp trời ban, là cảm thức sẻ chia của cái hồng nhan bạc mệnh. Tôi cho rằng không có vùng cấm kị nào trong sáng tác và các nghệ sĩ cần được tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Tôi không đặt barrier trong đầu mình.
Nhưng không chỉ nhà quản lí mà đa phần các ý kiến người nghe trên mạng đều cho rằng nội dung CD này là dung tục, thiếu văn hóa, bệnh hoạn?
Họ thấy thế thì họ đừng nghe. Tôi không làm nghệ thuật cho số đông. Tôi sáng tạo cho một số ít, cho sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Nghệ sĩ mà chạy theo số đông thì sáng tạo nỗi gì, chỉ đơn giản là hành nghề thôi. Họ thích nghe nhạc thị trường thì họ cứ nghe, họ thích ca từ mượt mà, giai điệu dễ nghe thì họ tìm đến với dòng nhạc của mình. Còn tôi thấy nó chối tai lắm, thậm chí đầy rẫy bài phải nói là ngô nghê.
Đừng vội quy kết…
Ông có bao giờ nghĩ, CD này không hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc ta. Nó có vẻ quá thô thiển, dễ gây phản cảm?
Mọi người có thói quen đánh giá ca khúc thông qua ca từ. Ca từ thì tôi nói rồi, tôi phổ thơ, tôi có bịa tạc ra chữ nào đâu. Tôi đồ rằng họ chẳng biết đến nốt nhạc nào cả. Tôi buồn vì đôi khi mọi người không chịu nghe hết tác phẩm của tôi đã vội vàng quy kết. Họ chỉ chăm chăm săm soi vào một hai ca từ mà không đặt nó vào chỉnh thể của nó. Họ chỉ bàn đến phần thơ mà bỏ qua bản chất âm nhạc. Ca dao tục ngữ cũng đâu phải là không đề cập tới cái tục. Giữa tục và tục tĩu khác nhau rất xa, một khi chưa thực sự hiểu thì đừng vội đưa ra đánh giá.
Có phải ông vẫn sẽ cố tình cho in và phát hành CD Thằng Mõ bất chấp công văn của cơ quan quản lý nhà nước?
Ban đầu, tôi định in thêm 1000 đĩa nữa. Ngày nào cũng có người gọi đến đòi mua đĩa. Cả ở nước ngoài, họ cũng gọi và sẵn sàng mua hàng trăm đĩa. Nhưng tôi cũng đã cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Tiền thì ai cũng quý, nhất là với người làm sáng tạo nghiêm cẩn thuần túy như tôi. Nhưng tôi không bao giờ làm việc gì liên quan đến âm nhạc chỉ thuần túy vì tiền. Tôi quyết định dừng lại. Tôi già rồi và cũng chỉ ở một mình, chẳng có nhu cầu gì lớn. Tôi cũng chẳng muốn đối đầu với ai.
Xin cảm ơn ông!
NS Ngọc Đại chưa làm việc với Sở VH-TT&DL Hà Nội
Theo lịch dự kiến, chiều 13/5, NS Ngọc Đại sẽ có buổi làm việc với Sở VH-TT&DL Hà Nội về CD Thằng Mõ – Cái nường 8x. Tuy nhiên, trao đổi cùng PV báo GĐ&XH Cuối tuần, NS Ngọc Đại cho biết ông chưa thực hiện cuộc gặp này. “Hiện tại, sau hai lần nhận giấy triệu tập của Sở, tôi cũng đã phản hồi bằng văn bản chưa thể lên gặp vì lý do sức khỏe”. Về thông tin Sở VH-TT&DL Hà Nội gửi hồ sơ vi phạm của CD Thằng Mõ – Cái nường 8x sang cơ quan công an, NS Ngọc Đại từ chối bình luận nhưng nhấn mạnh: “Tôi không quá lo lắng”.
Dư luận trái chiều xung quanh CD “Thằng Mõ 1 – Cái nường 8x” của Ngọc Đại
Những tranh cãi về CD “Thằng Mõ 1 – Cái nường 8x” của Ngọc Đại chưa thể chấm dứt kể cả sau công văn vừa ban hành của Cục NTBD. Có không ít chuyên gia cũng cho rằng tác phẩm mà nhạc sĩ Ngọc Đại làm ra đáng để thưởng thức, trong khi đó, nhiều người khác lại bức xúc lên tiếng chỉ trích ca từ của CD dung tục, đồi trụy.
Nhà Phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội): “Một sự dấn thân về nghệ thuật đáng trân trọng”
Tôi thấy trước hết đây là một tác phẩm lạ, đúng với phong cách Ngọc Đại. Nhạc Ngọc Đại luôn khác biệt và gây ra dư luận trái chiều. Tiếp nữa, tôi khẳng định đây là một sự dấn thân về nghệ thuật đáng trân trọng. Ngọc Đại luôn dành cho các nhà thơ một sự tôn trọng đặc biệt. Người ta có thể thích hay không thích Thằng Mõ nhưng chắc chắn một người hiểu biết về nghệ thuật sẽ khâm phục thái độ lao động hết mình của ông?
Về cá nhân, tôi không hề thấy sốc. Tôi thấy chấp nhận được dù rằng đôi lúc, nhạc sĩ có sa vào tự nhiên chủ nghĩa. Quan trọng là mình xem xét nó trên góc độ nào. Có người xem tranh khỏa thân thấy sự thanh thản, có người thấy dâm ô. Tôi luôn ủng hộ cái mới dù là già hay trẻ, và tôi cho rằng trong CD này ngoài một hai ca từ có vẻ nhạy cảm còn lại đều là những ca khúc tuyệt vời ca ngợi quê hương và vẻ đẹp người phụ nữ. Tôi nghĩ chúng ta nên nghe thật kĩ CD này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Tôi biết ông Đại tự thu âm và tự đi phát hành. Tôi nghĩ nếu ông ấy chỉ tặng hoặc nửa bán nửa tặng cho bạn bè mà không phát hành rộng rãi thì việc thu hồi là không cần thiết. Còn nếu các cơ quan pháp luật chứng minh được ông ấy phát hành qua trung gian là các cửa hàng băng đĩa, các công ty âm nhạc, các nhà sách thì rõ ràng ông ấy đã vi phạm luật xuất bản. Nhà nước có quyền thu hồi, tiêu hủy.
Ông ấy chỉ phổ nhạc từ thơ của bạn bè. Mà tôi nghĩ, cơ bản đây đều là những bài thơ hay. Nếu nó dâm ô thì người chịu trách nhiệm là nhà thơ chứ không phải là nhạc sĩ. Nếu phát hành rộng rãi cũng được. Còn cẩn thận hơn, cơ quan chức năng có thể lưu ý tác giả một đôi chỗ về ca từ, nó chỉ là chuyện nhỏ không làm thay đổi bản chất thẩm mĩ hay nội dung tư tưởng của CD này. Tự tình ca, Tục ca của cụ Phạm Duy còn nhạy cảm hơn nhiều ấy chứ.
T.S Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học): “Vấn đề là cách diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ”
Về mặt lý thuyết mà nói, không có chất liệu ngôn ngữ nào bị coi là vùng cấm của nghệ thuật và văn hóa chỉ có điều, cách sử dụng và diễn đạt ra làm sao. Thành ngữ tục ngữ vừa thuộc về văn học, vừa thuộc văn hóa dân gian đã cho chúng ta vài trăm câu tục ngữ chứa yếu tố sinh thực khí.
Theo thống kê của tôi, có tới 102 câu tục ngữ thành ngữ chứa yếu tố sinh thực khí gọi tên chính danh và 78 câu thành ngữ tục ngữ có từ tục nhưng giá trị của chúng là ở chỗ có in dấu những thông điệp khác ngoài sự vật trần trụi được miêu tả cho nên cái cảm giác tục bị nhường chỗ cho những cảm giác khác. Còn ở những câu có chứa từ tục trong thơ Nguyễn Đình Chính và trở thành ca từ của Ngọc Đại, ta thấy đó là những từ tục trần trụi, trần trụi của hiện thực, của sự vật miêu tả theo nghĩa đen. Vì thế, cái sự khó tiếp nhận là đương nhiên, thậm chí bị coi là phản cảm với những người khó tính.
K.L
 Nguồn: Giadinh.net
nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/05/28/nhac-si-ngoc-dai-toi-doi-truy-cho-nao/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001