Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Trọng Thành - Trung Quốc : Sự nổi dậy của các nữ tù lao cải 


Trọng Thành (RFI)

Mặc dù tiếng ác của các trại lao cải Trung Quốc đã lan truyền từ lâu, cho đến thời gian gần đây hàng loạt cựu tù nhân mới có thể trực tiếp lên tiếng tố cáo những nỗi đau khổ do các cai tù gây ra. Chương trình Phóng sự lớn của RFI ghi nhận tiếng nói của nhiều nữ tù tại một vườn hoa ở trung tâm Bắc Kinh, nơi họ đến đây để cung cấp các bằng chứng nhằm tố cáo một cỗ máy đàn áp hết sức tàn bạo của chế độ cộng sản độc đoán tại Trung Quốc. 

Đường vào trại lao cải Mã Tam Gia. Ảnh đăng trên tạp chí Lens, tháng 4/2013.

Nhiều người trong số các tù nhân trại lao cải bị chính quyền bắt giam, đày đọa chỉ vì « tội » đã tới Bắc Kinh để khiếu kiện. Lần này những phụ nữ - vốn là tù nhân cải tạo này - không đến Bắc Kinh với các lá đơn kiện, mà họ đến với các tài liệu, các bức hình và những bài hát để bày tỏ nỗi đau đớn về thể chất và tinh thần mà họ phải chịu đựng trong thời gian sống tại trại lao cải Mã Tam Gia. Chương trình phóng sự lớn của RFI đưa chúng ta đến với các nhân chứng tại khu vườn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Tại đây có rất nhiều người khiếu kiện, đặc biệt các phụ nữ từ trại lao cải Mã Tam Gia (Masanjia), tỉnh Liêu Ninh miền Đông Bắc Trung Quốc. Phóng sự do phóng viên thường trú của RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde thực hiện.

Âm nhạc trong phóng sự được trích từ bộ phim tài liệu « Những phụ nữ sống trên đầu ma quỷ ». Bài hát ở giữa phóng sự là sáng tác của cựu tù nhân Xu Feng’e, nguyên giáo viên toán trung học, trong những giờ phút tuyệt vọng nhất. Quý thính độc giả có thể xem thêm nhiều tư liệu viết về Mã Tam Gia qua trang blog của Stéphane Lagarde. 

Mở đầu phóng sự là tiếng nức nở nghẹn ngào của một phụ nữ, cựu tù lao cải, vốn là một giáo viên toán trung học. Nỗi đau đớn và sự gắn bó giữa các cựu tù nhân là những gì còn lại ở những người từng bị đày ải tại trại lao cải. Nhân chứng đầu tiên, bà Zhu Guiqin, người bị giam tại Mã Tam Gia từ năm 2004 đến 2007, chỉ cho phóng viên bức ảnh về những dấu vết thương tật :
« Như ông thấy trên bức ảnh này, viên phụ trách trại giam đã dùng dùi cui điện đánh vào hai thái dương tôi, vào má tôi và vào tai tôi. Có thể thấy cả các lớp máu trên mặt tôi. Bởi vì người ta đã giam tôi rất lâu trong một căn phòng cách ly, nên tôi không thể nào rửa ráy được. Tôi đã gãi đến ứa máu. Họ không cho phép tôi đi bệnh viện. Họ đã giam tôi trong một tháng rưỡi để gia đình tôi không thấy được các vết thương trên người tôi, không thấy các cục u và khuôn mặt tôi thì sưng tướng như cái bánh đa. »

Về thủ phạm của những hành động độc ác này, bà Zhu Guiqin kể tiếp :
« Đấy là phó trại Masanjia. Ở trại, người ta gọi bà ta là sếp Vương. Chính bà ấy là người tra tấn. Bà ấy tát, rứt tóc, đấy là những điều ít tồi tệ nhất mà bà ấy có thể làm. Nếu không chuyên môn chính của bà ta là dùi cui điện. Đêm nào bà ta cũng nạp điện dùi cui. Rồi bà ấy đập vào mặt, vào thái dương, vào tay, vào chân, vào bụng, chúng tôi. Chỉ riêng tiếng ồn của chiếc dùi cui đã đủ gây sợ hãi. Khi bà ta tiến gần đến bạn, bạn chỉ có khiếp vía ».

2008 : Năm kinh hoàng với những người khiếu kiện 

Tình hình đặc biệt nặng nề vào năm 2008, năm kinh khủng đối với những người khiếu kiện tại Trung Quốc. Vào thời điểm Thế vận hội, các trại lao cải đầy ắp người. Gai Fengzen là người bốn lần bị đưa vào trại Mã Tam Gia, lần đầu tiên vào năm 2003, và bị kết án ba năm. Ra khỏi trại, bà bị bắt trở lại lần nữa vào đầu năm 2008, khi đến Bắc Kinh để khiếu kiện. Bị các cực hình tra tấn khủng khiếp, bà đã toan tự sát. Gai Fengzen kể lại thời điểm 2008 :
« Năm 2008, chính quyền trung ương sợ những người khiếu kiện đến làm cản trở Thế vận hội và làm xấu đi hình ảnh đất nước. Họ giam chúng tôi lại để chúng tôi không đến được Bắc Kinh. Một số người bị giam trong các bệnh viện tâm thần. Một số người khác trong các trại lao cải, một số khác thì bị đưa vào tù với các lý do ngụy tạo. Ngay cả người chồng tàn tật của tôi cũng bị đưa vào trại lao cải ».

Mã Tam Gia in dấu trong ký ức của những cựu tù nhân. Vẫn bà Gai Fengjen, người cựu tù lâu năm của trại, mô tả nơi đã bà đã trải qua những năm tháng hãi hùng :
« Có hai dãy nhà chính. Nơi để ngủ nằm ở tòa nhà phía đông nam, còn các phòng tra tấn và phòng biệt giam thì nằm ở tòa nhà của những người quản lý trại ở phía tây bắc. Có 4 tầng, ở mỗi tầng có một đội lính gác. Nhiều người trong số chúng tôi phải trải qua nơi này. Ở tầng 4, đằng sau một cánh cửa lớn bằng sắt, có các phòng giam ở đây rộng khoảng 4m² và cửa sổ đóng kín ».

Tạp chí Lens và bộ phim « Những phụ nữ sống trên đầu ma quỷ »

Tháng tư vừa rồi, Lens - một trong tạp chí ảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, theo khuynh hướng tự do thuộc tập đoàn truyền thông Caixun Media Group Beijing -, đã có một số dành riêng để mô tả nỗi kinh hoàng tại trại lao cải Trung Quốc. Số tạp chí đặc biệt này dành 14 trang cho trại lao cải, đã gây chấn động Trung Quốc, buộc chính quyền phải làm một cuộc điều tra kiểm chứng, nhằm bác bỏ các cáo buộc của những nhân chứng trong tờ tạp chí. 
 
Tiếp theo tạp chí ảnh Lens, tại Hồng Kông, vào đầu tháng 5 này, đã ra mắt một bộ phim tài liệu mang tên « Những phụ nữ sống trên đầu ma quỷ » (Tiểu quỷ thủ thượng đích nữ nhân/The Women of Masanjia Labour Camp), về những gì khủng khiếp tại trại lao cải Mã Tam Gia, phim do đạo diễn Đỗ Bân (Du Bin), nhà nhiếp ảnh làm việc cho New York Times thực hiện. Đỗ Bân cũng là người thực hiện bộ ảnh về Mã Tam Gia cho tạp chí Lens. Phim không được chiếu tại Trung Quốc, còn tạp chí ảnh Lens thì bị kiểm duyệt. Trả lời câu hỏi : Ông là đạo diễn bộ phim « Những phụ nữ sống trên đầu ma quỷ » về trại lao cải Mã Tam Gia. Trước khi đến quán cafe này, có người theo dõi và chụp hình ông, đấy có phải là chuyện bình thường không ? Đạo diễn trả lời một cách hóm hỉnh :
« Không, không có ai theo dõi tôi cả, các nhân viên an ninh đều rất bận rộn. Họ đang bận tiến hành một cuộc điều tra để kiểm chứng về những gì diễn ra tại trại Mã Tam Gia, theo các cáo buộc ».

Khi chúng tôi nói muốn biết làm thế nào mà một phóng sự ảnh về trại lao cải nói trên và một bộ phim tài liệu về nó lại có thể được thực hiện, Đỗ Bân đáp lời :
« Trước hết, cần phải cám ơn ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) - người đứng đầu ngành công an Trung Quốc -, người đã tuyên bố đóng cửa các trại lao cải năm nay. Nếu không phải là ông ta, thì không ai khác dám yêu cầu như vậy. Ông ta là người đầu tiên. »

Một nguồn thu mầu mỡ cho chính quyền

Các trại tập trung nổi tiếng của Trung Quốc đã được thành lập dưới thời Mao, cho phép bắt giam những người bị coi là kẻ thù, không cần qua các thủ tục pháp lý. Từ năm 1983, Đặng Tiểu Bình đã biến những trại này thành các đơn vị độc lập hoạt động trong ngành khai thác mỏ hay biên chế thành các nhà máy. Các trại lao cải là một nguồn tài chính mầu mỡ cho ngành an ninh của chế độ độc đảng toàn trị tại Trung Quốc.

Từ đầu năm ngoái đã có tin hệ thống trại lao cải tại Trung Quốc sẽ bị đóng cửa. Mặc dù điều này đã được thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhắc lại vào dịp họp Quốc hội nước này vào tháng 3/2013 và một số thay đổi được gọi là « cải cách » đã diễn ra, nhưng trên quy mô toàn Trung Quốc, hệ thống trại lao cải vẫn tồn tại.

Bất kể ai, dù là giáo viên, viên chức, thương gia, một ngày nào đó, một khi đã trở thành các cản trở đối với chính quyền địa phương, đều có khả năng bị đưa vào trại lao cải. Nguyên nhân để bị đưa vào trại có nhiều : Có thể là do làm hỏng một đồ dùng tại cơ quan công an, phản đối việc chính quyền bán nhà ở của mình, hoặc đơn giản là làm cho các công chức địa phương không hài lòng... Một trong những con đường "dễ nhất" để bị đưa vào trại thường là : Khi khiếu kiện tại thủ đô, họ bị các nhân viên của chính quyền địa phương mà họ cư trú bắt giữ, thoạt tiên họ bị giữ trong các « nhà tù đen » (tức nơi giam giữ bất hợp pháp). Tiếp theo đó, người đi khiếu kiện bị đưa về tỉnh nơi họ ở, rồi hoặc bị đưa vào trại tâm thần, hoặc vào trại lao cải.

Bị vắt kiệt sức 

Một khi vào đến trại, người tù mới sẽ gặp đủ loại người bị loại khỏi xã hội Trung Quốc, các thành viên của giáo phái Pháp Luân Công, tín đồ của các tổ chức Thiên chúa giáo bị cấm, những nhà tranh đấu thuộc các nhóm thiểu số, người nghiện ma túy, mại dâm… Mã Tam Gia là nơi người tù cải tạo phải lao động đến kiệt lực. Bà Wang Yuping cho biết :
« Chúng tôi làm việc gần 20 giờ một ngày. Tại trại giam chúng tôi sản xuất các trang phục cho quân đội, đặc biệt là các chiếc vét bằng vải bông và quần. Hàng ngày chúng tôi phải hoàn thành 200 chiếc áo vét và 800 chiếc quần. Một lần người ta yêu cầu tôi phải là ủi 1000 chiếc quần áo, tôi không thể kết thúc được công việc này, người trưởng trại đòi tôi phải trả tiền phạt là 220 yuan. 

Lương rất thấp tại các trại, tôi nhận được 5 yuan hàng tháng. Hiển nhiên là số tiền này không đủ, vì phải trả tiền nhiều thứ khác, ngay cả nhiều thứ miễn phí như xà phòng rửa bát, khăn ăn, khăn lau, cả thìa muỗng nữa cũng phải trả tiền. Khi nước máy không hoạt động chúng tôi cũng phải thêm tiền. »

Đủ mọi hình thức tra tấn tàn khốc 

Xu Feng’e, 58 tuổi, nguyên là một giáo viên toán. Năm 23 tuổi, bà bắt đầu đi kiện, vì những bất công do sự trả thù của một viên trưởng công an thị trấn. Năm 2010, bà bị đưa vào Mã Tam Gia trong tình trạng sức khỏe tồi tệ, sau khi trải qua hai tháng bị tay chân của chính quyền hành hạ tra tấn tại một “nhà tù đen”, vì đến Bắc Kinh khiếu kiện. Mặc dù mắc bệnh tim, Xu Feng’e buộc phải làm việc như mọi người. Cựu tù nhân Xu Feng’e kể lại :
« Trong trại lao cải, bị đánh đập là chuyện thường tình. Người ta sử dụng những gái mại dâm, những người nghiện để đánh đập những người đi khiếu kiện. Tôi cũng sẵn sàng để chứng kiến những điều đó, nhưng phải nói rằng những gì diễn ra còn tồi tệ hơn ta nghĩ. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình có thể sống nổi mà ra khỏi nơi này. 

Ngày 05/11/2011, tôi đến phân xưởng của trại vào lúc 6 giờ sáng. Tôi nhìn thấy một tấm ván trên mặt đất. Tôi muốn nhắc nó lên, nhưng thể trạng của tôi đã không cho phép tôi làm được điều này. Trưởng trại chửi bới tôi. Bà ta kéo tôi vào phòng chống cháy, và ở đó bà ta đá vào đầu tôi nhiều cú, nhưng tôi không nói gì cả, vì tôi cảm thấy không việc gì phải khóc trước mặt họ. 

Tôi không biết thời gian kéo dài bao lâu nữa. Bà ta không ngừng đá tôi. Tôi nghe thấy tiếng xương mình kêu lên răng rắc. Rồi tôi ngất lịm đi ».

Trong cuốn phim tài liệu Những phụ nữ sống trên đầu ma quỷ của đạo diễn Đỗ Bân, có trích đoạn nhật ký của một cựu tù nhân, cho thấy những hình thức tra tấn còn ghê rợn và đê tiện hơn, đặc biệt là đối với những tín đồ giáo phái Pháp Luân Công : « Họ đánh vào vú, vào các bộ phận sinh dục của chúng tôi bằng dùi cui điện, chọc gậy hay bơm nước bột ớt vào âm hộ… ».

Sự bệnh hoạn của cai tù 

Đối với nhân chứng thứ 5 của chúng tôi, những kẻ tra tấn tù nhân ở những trại lao cải phải bị đưa ra xét xử, trước hết là người đứng đầu trại.

« Tôi nhớ mãi buổi tối ngày 27/09/2012, tôi vẫn nhớ khuôn mặt bà ta, bàn tay bà ta siết cổ tôi và cả giọng nói của bà ta. Wang Yan Ping đe dọa tôi, nếu tôi không vâng lời bà ta, người ta sẽ đưa tôi vào nhà tù Dabei. Lúc đó tôi đã sợ hãi, vì mẹ tôi 85 tuổi, con gái tôi học ở trường đại học. Làm thế nào mà họ có thể sống không có tôi ? 

Những lời nói và cử chỉ của trại trưởng Wang vẫn in mãi trong tôi. Wang không phải là một công an, mà là một kẻ mắc bệnh tâm thần. 

Tôi nói với bà ta, sở dĩ bà ghét những người đi kiện, vì bà bị một người đi kiện cào vào mặt phải không. Bà ta bảo tôi, đến cào tao đi, như vậy tao sẽ được thưởng thêm huân chương. Thật dễ dàng để có được phần thưởng với chúng mày. 

Tôi được trả tự do năm ngoái vào ngày 30/12, nhưng Wang Yan Ping vẫn luôn luôn ở đó. Bà ta đã tra tấn hàng trăm phụ nữ, kẻ bệnh hoạn đó vẫn tiếp tục là công chức nhà nước, vẫn tiếp tục làm hại cuộc sống của bao nhiều người bị giam giữ. »

Cũng như nhiều nơi khác, trong trại lao cải Mã Tam Gia, tra tấn là điều phổ biến, người cựu tù Gai Fengjen kể :
« Trong trại có đủ loại tra tấn. Kỹ thuật kéo căng người là một trong  những hình thức tra tấn khủng khiếp nhất. Có loại căng theo hình chữ thập, đó là khi bạn bị khóa hai tay vào hai đầu mút của giường và hai chân bị trói vào nhau. Người ta cũng có thể bị căng treo lơ lửng. Đấy là hình thức tàn khốc nhất : bạn cảm thấy người bị xé rách khắp nơi, tôi đã thổ ra cả máu. Đôi khi người bị tra tấn ngất đi hay đại tiểu tiện tại chỗ. Bạn đau đến mức gào thét điên cuồng, nhưng điều đấy chẳng có ích gì, vì bạn bị biệt giam. Chẳng ai nghe thấy tiếng bạn, chẳng ai can thiệp cả. »

Trong trại, không chỉ các cai tù, mà cả đến các nhân viên y tế cũng có thể là đao phủ. Bà Wang Yuping thuật lại :
« Lần tôi bị phẫu thuật thứ hai, họ không cho tôi thuốc mê. Viên bác sĩ của trại cũng không tẩy trùng các dụng cụ phẫu thuật. Tôi nhắc ông ta, thì ông ta rất giận dữ rạch da tôi và đặt một cục bông bẩn vào dưới da tôi. Tôi vẫn giữ nó ngày hôm nay. Hiện tại tôi có thể bỏ nó đi, nhưng tôi không muốn, bất kể nó khiến tôi đau đớn. Tôi muốn giữ lại như một dấu vết về những điều mà họ đã bắt tôi phải chịu tại trại lao cải, tôi muốn nhớ mãi nỗi đau thể chất và tinh thần mà tôi đã trải qua. Cần phải đóng cửa các trại lao cải !»

Những hậu quả lâu dài… 

Thời gian ở Mã Tam Gia để lại những hậu quả nặng nề kéo dài đối với các nữ tù nhân. Một nạn nhân trại lao cải tâm sự :
« Khi rời khỏi trại Mã Tam Gia, ta hoàn toàn tan nát, ta không thể làm gì được. Có rất nhiều lỗ hổng trong ký ức của tôi. Tôi mắc chứng hay quên. Khi tôi rời khỏi xe buýt, tôi quên cả chiếc túi xách của mình ». 

Trả lời phóng viên, Đỗ Bân - đạo diễn bộ phim về địa ngục trần gian tại Mã Tam Gia - giải thích vì sao ông lại bất chấp mọi khó khăn để thực hiện bộ phim này :
« Nhiều bạn bè tôi đã nói với tôi. Tại sao bạn không chọn một chủ đề nào thuận lợi hơn ? Tôi trả lời rằng không ai có thể chấp nhận những gì diễn ra tại các trại lao cải, không ai chấp nhận cách đối xử với những người phụ nữ bị giam giữ như vậy. Vì vậy tôi làm bộ phim này ». 

Cuộc trường chinh đòi công lý vừa bắt đầu

Trong phần kết, để khép lại tạp chí, phóng viên Stéphane Lagarde chuyển đến thính giả một số thông tin bổ sung về hệ thống lao cải. Theo ông, việc một số giới chức cao cấp trong chính quyền Trung Quốc tuyên bố chấm dứt hệ thống lao cải mới đây đã mang lại một cơ hội cho các nạn nhân của hệ thống này lên tiếng, và họ sẵn sàng đấu tranh đến cùng để sự thật được thừa nhận và công lý được phục hồi. Đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống giam giữ và đàn áp người tù tại một trại lao cải được phơi trần qua mô tả của các cựu tù nhân. Theo số liệu chính thức của Nhà nước Trung Quốc, có khoảng 190.000 người bị giam giữ tại các trại lao cải. Còn theo một tổ chức bảo vệ nhân quyền, thì có đến 400.000 người.

Các trại lao cải tại Trung Quốc là nơi hàng chục nghìn người đang sống trong tuyệt vọng. Cách đây ít lâu, một câu chuyện kỳ lạ xẩy ra : Tại Mỹ, một khách hàng tình cờ mua một hộp đồ chơi, phát hiện thấy trong đó một bức thư kêu cứu của một tù nhân trại lao cải Mã Tam Gia. Trại tù Mã Tam Gia chính là nơi sản xuất thứ đồ chơi xuất khẩu này sang Mỹ. Bức thư, do người tù bất chấp hiểm nguy lén gửi ra bên ngoài, mô tả cảnh sống cùng cực trong trại và kêu gọi sự can thiệp của giới bảo vệ nhân quyền.

Hiện tại, cho đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn bác bỏ các chứng cứ về việc các tù nhân Mã Tam Gia bị tra tấn. Tuy nhiên, chỉ nhìn những nỗi đau còn lại nơi các cựu tù là đủ cảm thấy được họ đã trải qua những gì. Nhiều người trong số họ bị rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần sau thời gian ở trại. Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn còn đang sống và vẫn còn tiếp tục con đường trường chinh đi đòi công lý đến khi hơi tàn lực kiệt.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/trong-thanh-trung-quoc-su-noi-day-cua.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001