Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Phan Văn Song - Lời cuối về các bài ‘phản biện’ của ông Trương Nhân Tuấn

Phan Văn Song - Lời cuối về các bài ‘phản biện’ của ông Trương Nhân Tuấn 



Phan Văn Song
Trong bài viết "Có thật vẽ vậy không được?" đã đăng trên trang BauxiteVN, tôi có đề ra mục đích là ‘vạch ra một số chỗ chưa đúng trong lập luận của ông Tuấn nhằm giải toả những ngộ nhận có thể có ở bạn đọc có đọc hai bài viết này' và qua đó cũng để trả lời cầu hỏi đặt ra ở tựa bài cùng câu hỏi trong bài viết của ông Trương Nhân Tuấn ("Vẽ vậy được sao?") cho bạn đọc. Bạn đọc có thể tự đánh giá bài viết của tôi có đạt được mục đích đó hay không dễ dàng qua đối chiếu với hai bài liên quan (ở đâyở đây) của ông Trương Nhân Tuấn (TNT).
Tuy tôi không đối thoại trực tiếp với ông nhưng với tư cách là một bạn đọc của trang BauxiteVN chắc hẳn ông Trương Nhân Tuấn đã đọc được những gì tôi viết, từ đó có thể rút kinh nghiệm tìm tòi, học hỏi để viết lách tử tế, chính xác hơn. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục ‘điếc không sợ súng’, phát biểu bừa trong khi tung hoả mù bằng một loạt các bản đồ, thuật ngữ, khái niệm để đánh lừa bạn đọc cả tin về sự ‘thông thái’ của ông. Trong bài viết này và cũng là bài cuối cùng về đề tài này, tôi xin được vạch ra tiếp một vài sai lầm điển hình trong các bài viết mới của ông để cho thấy rằng đã quá đủ, bạn đọc và tôi có lẽ không cần phải theo dõi các bài viết như thế nữa vì chúng hoàn toàn chưa ‘sạch nước cản’ về mặt trình bày và nhất là về mặt kiến thức, chưa nói đến mặt văn hoá tranh luận. Sau đây là một vài sai lầm điển hình:
1. Ngay ở tựa bài, vốn là ‘mặt tiền’ của bài viết “Thử xét tính "cần thiết và bổ ích" của công trình…” mà ông cũng đã cẩu thả đi trích dẫn sai. Trong bài trước tôi viết ‘…cần thiết và ích…’ thì khi trích dẫn ông chuyển thành "cần thiết và bổ ích". Trong tiếng Việt ai cũng biết hai từ này có nghĩa không hoàn toàn như nhau (có ích với nghĩa trung tính, có ích lợi trong chừng mực nào đó bao nhiêu cũng được; bổ ích với nghĩa tích cực, có ích lợi rất nhiều) thế mà ông ta đã sửa từ ngữ mà vẫn đưa vào như trích dẫn (để trong ngoặc kép). Đó là một hành động sai trái khó thể chấp nhận cho một nhà nghiên cứu như ông.
2. Trong bài mới nhất, để ‘phản biện’ ông Phạm Quang Tuấn, ông viết “…đã sử dụng phép chiếu Gauss-Krüger…Phép chiếu này giống như phép chiếu thẳng, chỉ khác nhau, thay vì mặt hình trụ tiếp tuyến với đường xích đạo, thì lại tiếp tuyến với một đường vĩ tuyến chọn trước (Việt Nam chọn đường 6° thì phải)…” Chỉ trong đoạn trích ngắn này, ngoài sai sót nhỏ về dùng từ (dùng danh từ ‘tiếp tuyến’ thay vì động từ ‘tiếp xúc’) ông vướng ít ra 2 cái sai trầm trọng hơn về kiến thức:
Thứ nhất, ông Trương Nhân Tuấn đã sai khi nói mặt trụ trong phép chiếu Gauss – Krüger tiếp xúc với mặt cầu theo vĩ tuyến [chọn trước]!?? Chỉ với óc tưởng tượng không gian tối thiểu, ai cũng có thể thấy được là một mặt trụ thì không thể nào tiếp xúc mặt cầu theo một vĩ tuyến, trừ khi vĩ tuyến đó là xích đạo (hay thay mặt trụ đó thành mặt nón [xem hình 1], mặt nón cụt hay một mặt tròn xoay đặc biệt nào đó!). Thế mà ông Trương Nhân Tuấn phán ngon ơ rằng mặt trụ tiếp xúc mặt cầu theo vĩ tuyến 6°!???

danluan_d00129_0.jpg


Hình 1: Phép chiếu nón có mặt nón tiếp xúc mặt cầu theo vĩ tuyến

(Hình vẽ này cũng cho thấy các vĩ tuyến trên bản đồ là các cung tròn đồng tâm còn các kinh tuyến là 1/2 đường [đoạn] thẳng, - không phải là đường cong như ông Trương Nhân Tuấn khẳng định sai ở bài trước)
(Nguồn: https://www.e-education.psu.edu/geog160/node/1918)
Thứ hai là cái sai liên quan đến vĩ tuyến 6° này. Trước nhất, vĩ tuyến 6° chẳng dính dáng gì tới Việt Nam (nằm trong các vĩ độ từ 8°27’ tới 23°23’) và càng không dính dáng tới biên giới Việt – Trung. Ngoài ra, như tôi đã có nêu trong bài trước là người ta thường dùng phép chiếu Gauss – Krüger để vẽ bản đồ từng múi rộng 6° của trái đất (3° phía Đông và 3° về phía Tây của kinh tuyến mà theo đó mặt trụ tiếp xúc mặt cầu – kinh tuyến này được gọi là kinh tuyến trung ương). Lí do là càng xa kinh tuyến trung ương vị trí các điểm trên bản đồ sai lệch rất xa so với thực tế. Ông Tuấn không hiểu gì về phép chiếu này nên ‘ép’ mặt trụ phải tiếp xúc cho được mặt cầu trái đất theo vĩ tuyến 6°!?? Trên thực tế, vì biên giới phía Việt – Trung nằm từ kinh tuyến 102° tới hơn 108°, nên người ta đã chọn kinh tuyến 105° làm kinh tuyến trung ương, sử dụng phép chiếu Gauss – Krüger cho múi trái đất 6° với kinh tuyến trung ương 105° thì sẽ vẽ được gần như toàn bộ biên giới Việt – Trung. Với những địa điểm có kinh độ lớn hơn 108°, người ta dùng thêm phép chiếu Gauss – Krüger với kinh tuyến trung tâm 111°.
3. Cũng trong bài mới nhất, ông ta viết "…phép chiếu Gauss-Krüger, lấy vĩ tuyến 6° làm trục chiếu….”. Phần trích chỉ khoảng 10 chữ nhưng ông Trương Nhân Tuấn đã sai phạm mấy lỗi nặng vể từ ngữ và kiến thức.
Thứ nhất, khi nói tới ‘trục’ thì chỉ có trục thẳng chẳng bao giờ có trục cong mà ông Trương Nhân Tuấn lại ‘phát minh’ ra cả loại trục là đường tròn [vĩ tuyến]!??

pvs2.jpg

Hình 2: Phép chiếu Gauss – Krüger là phép chiếu có tâm chiếu là tâm trái đất, chiếu các điểm từ mặt cầu trái đất thành những điểm trên mặt trụ (tiếp xúc với mặt cầu theo [2] kinh tuyến [đối nhau])
(Nguồn: https://www.e-education.psu.edu/natureofgeoinfo/c2_p22.html)
Thứ hai, phép chiếu Gauss – Krüger, như đã mô tả, là một phép chiếu phối cảnh có tâm chiếu là tâm trái đất, không hề có khái niệm phương chiếu (giả định ông Trương Nhân Tuấn hiểu phương chiếutrục chiếu) trong phép chiếu này. Chỉ có phép chiếu song song (bất cứ ai đã từng học phổ thông đều biết dùng phép chiếu này như khi muốn tìm hoành độ, tung độ của một điểm trong một mặt phẳng toạ độ chẳng hạn) mới có phương chiếu, và hơn nữa phương chiếu bao giờ cũng là đường thẳng (từ ‘chiếu’ mượn từ đời thường: chiếu một tia sáng phát ra từ một điểm hướng về điểm khác) chứ không hề có khái niệm phương chiếu cong (ánh sáng chỉ truyền theo đường thẳng, ngoại trừ khi truyền trong cáp quang hay bị một tác động vật lí nào đó). Giả sử có một phép chiếu với phương chiếu là đường tròn vĩ tuyến thì tia sáng cứ chạy vòng trong đường tròn làm sao gặp được mặt trụ mà có được hình chiếu!??
Thứ ba, đó là cái sai liên quan tới số đo 6° mà tôi đã bàn ở trên.
Tôi nghĩ với bấy nhiêu sai lầm nghiệm trọng như vậy có lẽ chẳng cần điểm thêm tới những cái sai khác trong các bài mới của ông. Không rành bốn phép tính số học cơ bản thì làm sao trông mong bàn luận đúng về phương trình. Và thực tế ông cũng phạm sai lầm đầy rẫy trong những phần khác.
Với mấy bài viết mà ông mắc những sai lầm nghiêm trọng như tôi đã vạch ra, có lẽ không thể có kết luận nào khác là ông Trương Nhân Tuấn chưa có đủ kiến thức cần thiết về đề tài này để có thể thảo luận một cách nghiêm túc và tử tế. Tôi nghĩ trang BauxiteVN, Dân Luận hay bất cứ các trạng mạng nào khác đều có lí do chính đáng để từ chối đăng những bài gieo rắc cho bạn đọc những điều sai lầm như thế. Không ai có thể phí chỗ để đăng những bài sai lầm về kiến thức, phí công và thời giờ để theo dõi và làm việc khử trừ các nọc độc kiến thức mà ông phát tán cho bạn đọc. Cứ để ông và các fan tin ông vô điều kiện về đề tài này (nếu có) ‘tự sướng’ với các nọc độc đó.
Thấy người thì cũng ngẫm đến mình. Bạn đọc tinh ý có thể đã phát hiện bài viết trước của tôi có một lỗi về lập luận (không phải về kiến thức). Tôi đã phạm một sai lầm về lập luận khi viết "có thể nói theo Nghị Định Thư này thì phép chiếu Gauss – Krüger chỉ dùng để chuyển đổi từ toạ độ địa lí sang toạ độ vuông góc mặt phẳng của các cột mốc, chứ không phải để vẽ bản đồ như ông Tuấn ngộ nhận". Điều này không đúng ở chỗ Nghị Định Thư không nói thì không có nghĩa bản đồ không được phép vẽ theo phương pháp này. Trên thực tế, 35 bản đồ chi tiết các cột mốc biên giới đã được vẽ theo phép chiếu Gauss – Krüger. Do nóng lòng muốn công bố bài viết sớm tôi đã không rà soát lại kĩ và để phạm lỗi này, xin thành thật xin lỗi bạn đọc cùng trang BauxiteVN và xin được đính chính về sai sót này như vừa nêu.
Phan Văn Song
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 27/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130927/phan-van-song-loi-cuoi-ve-cac-bai-phan-bien-cua-ong-truong-nhan-tuan
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001