Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

2/Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 9 - 15)

Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 9)


Dịch giả: Nguyễn Quang A

PANEL SÁU: CÁC NHÓM ỦNG HỘ ĐÀM PHÁN
Mieczysław Rakowski
… Vậy cái gì đang đè nặng trái tim tôi? Phải, là một sự thực rằng tôi bị chứng nghẹn. Tôi không thể tiếp tục nuốt những ý kiến được nói ra ở đây hôm nay và đã được thốt ra ở đây hôm qua. Và những ý kiến đó tuyên bố rằng các ý định của chúng tôi – khi tôi nói “chúng tôi” tôi ám chỉ phe chính phủ lúc đó – từ tất cả những ý kiến đó, thì rõ ràng rằng ý định của chúng tôi đã xấu xa, và tất cả đã đều xấu xa. Và chúng tôi bị từ chối bất kỳ loại thiện chí và lý trí nào….

Tôi cũng đã nghe rằng chúng tôi đã được trao một cách hào phóng quyền để sống, bởi vì tôi trích dẫn, “không phụ thuộc vào tiểu sử của họ,” tại Bàn Tròn, “họ vẫn đã làm một cái gì đó cho Ba Lan.” Cho nên chúng tôi vẫn được phép thở và dự thi về sự gắn bó của chúng tôi với nền dân chủ….
Không ai sẽ ngạc nhiên khi tôi nói rằng không phải một lần và không phải hai lần trong vòng mười năm qua, tôi đã trải qua một sự đánh giá phê phán về cuộc đời tôi, đã phân tích thái độ của tôi, cuộc sống của tôi, cách nhìn và ý kiến của tôi, và vân vân. Tôi đã làm việc đó vì ý riêng của mình, và cũng dựa trên một số cáo buộc được đưa ra chống lại Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và những người đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đó. Tôi thừa nhận không phải dễ để nói về bản thân mình nhưng có một số hoàn cảnh mà chúng phá vỡ sự ức chế tự nhiên và dễ hiểu. Bạn biết đấy, tôi không nghĩ ai đó người không thiên vị, ai đó người không mặc áo giáp của một vị thánh đang đánh một con rồng lại coi tôi là người ở giữa những người cứng rắn, “đảng bê tông”. Tôi phân loại bản thân mình vào cánh cải cách của PZPR và tôi không chắc sự phát triển của Ba Lan đã diễn biến ra sao [nếu] không có cánh mà tôi đại diện. Cánh cải cách, tôi tin, xứng đáng được phân tích một cách dựa trên sự thực và thân thiện, và không bị đối xử như cái chân thứ năm của một con chó…
Không phải vấn đề quan trọng nhất là các nhà cải cách đã tạo thành một thiểu số. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã không thể có đủ khả năng để nói không một cách công khai và để tổ chức mình bên trong đảng. Vì sao? Phải, vì sao chúng tôi đã không đủ khả năng đó? Bởi vì trong nhiều năm chúng tôi đã là các tù nhân của một vài giáo điều xác định hành vi và thái độ của chúng tôi. Có một giáo điều về tác hại của sự phân mảnh, và xuất phát từ giáo điều đó là một giáo điều khác, giáo điều về sự thống nhất của đảng như một điều cốt yếu tuyệt đối. Và tôi phải thừa nhận rằng sự thống nhất như vậy đã không tồn tại. Đảng Cộng sản Ba Lan đã thu thập tất cả các loại thái độ, từ các nhà dân chủ quốc gia đến một số người bảo thủ cực đoan thực sự cứng đầu. Chúng tôi cũng đã là tù nhân của giáo điều về vai trò lãnh đạo của đảng, vai trò không bị nghi ngờ của giáo điều lãnh đạo, và cuối cùng là giáo điều về ưu thế tuyệt đối của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế tư bản. Và cuối cùng, chúng tôi, những đảng viên hăng hái cải cách, cũng đã là tù nhân của giáo điều rao giảng về tác hại tuyệt đối của bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Liên Xô…
Một lần tôi đã nói với một trong những nhà lãnh đạo trong phe đối lập, một người tôi rất tôn trọng, người đã bị giam giữ trong chín năm, và tôi đã hỏi ông, “Nghe này, ai đã đúng? Anh hay tôi?” Và ông đã nói, “Đã cần cả hai chúng ta…”
“… Tôi không xem mình là một kẻ bị thua; tôi là một gã, người đại diện cho một đảng mà trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử năm 89 đã nhận được bốn triệu bốn trăm năm mươi ngàn (4.450.000) phiếu bầu, và đó là hai mươi tám phần trăm (28%), và Đoàn Kết đã nhận được ba mươi tám phần trăm (38%). Vì mục đích so sánh, trong cuộc bầu cử vừa qua AWS (Hành động Bầu cử Đoàn kết) đã nhận được bốn triệu bốn trăm hai mươi bảy ngàn năm trăm (4.427.500) phiếu bầu. Phải, tôi không tin, tôi không mong đợi một đánh giá công bằng, thế nhưng tôi tin rằng sẽ là tốt để nhận thức thực tế Ba Lan lúc đó như một thực tế đa dạng, nhiều màu sắc, có nhiều mặt, phức tạp, và rằng chúng tôi đã không chỉ là những con rối múa may bằng các sợi dây được kéo bởi một ai đó đứng ở bên ngoài…”
Tôi muốn nói rằng tôi đã coi Bàn Tròn như một sự khởi đầu của một sự thay đổi tiến hóa của hệ thống. Tôi đã tin rằng những cải cách kinh tế, bất chấp phạm vi của chúng, sẽ dẫn đến sự phân tầng trong khu vực vật chất, và sự phân tầng có thể gây ra sự xuất hiện của các đảng chính trị có lợi ích khác nhau…
Tôi đơn giản đã không chấp nhận vào lúc đó, và ngày nay tôi vẫn không chấp nhận kết luận rằng chúng ta đã chỉ cần chặt mọi thứ đến tận rễ, toàn bộ hệ thống của [Cộng hòa] Nhân dân Ba Lan, và sau đó chúng ta sẽ hoàn toàn có một nước dân chủ, tuyệt vời. Có vẻ như tôi cho rằng bất cứ ai, người từ bỏ cách mạng và sự đổ máu, phải ủng hộ những thay đổi tiến hóa hơn.
Jan Lityński
Một người tham gia các cuộc Đàm phán Bàn Tròn cho phe đối lập và một nhà toán học, Jan Lityński (sinh năm 1946) đã là một Dân biểu trong Sejm (Hạ viện) từ 1989. Lityński đã bị đuổi khỏi Đại học Warsaw và bị bỏ tù trong năm 1968 vì sự tham gia của ông vào các cuộc biểu tình sinh viên. Chín năm sau ông đã trở thành một thành viên sáng lập của Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) và đã biên tập các báo Biuletyn Informacyjny và Robotnik. Vì là thành viên của Đoàn Kết, ông đã bị tù từ 1981 đến 1983 và buộc phải lẩn trốn từ 1983 đến 1986. Từ 1989, Lityński đã đại diện cho Câu lạc bộ Nghị viện Công dân, Liên minh Dân chủ, và Liên minh Tự do trong Sejm; từ 1994, ông đã là một thành viên của Hội đồng Quốc gia vì Tự do.
Liên quan đến câu hỏi về tính đại diện, tại Bàn Tròn, sự đại diện đã tương đối hạn chế. Đã là hạn chế đối với xu hướng đó, mà bản thân nó đã không đồng nhất, xu hướng đặt cược cao lên giải pháp đó, lên giải pháp đàm phán…
Trong chừng mực nào đó tôi đã là một người hưởng lợi của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì nhờ vào chủ nghĩa cộng sản tôi đã có một cuộc sống rất thú vị, tôi đã có nhiều tình bạn thân thiết, tôi đã có ý thức về mối ràng buộc chung nào đó. Không có chủ nghĩa cộng sản, có lẽ tôi đã không có. Và hơn nữa cái tôi làm bây giờ tôi hàm ơn sự thực rằng chủ nghĩa cộng sản đã hiện diện một thời. Cho nên tôi sẽ không đóng vai nạn nhân quá lố. Khi nói đến việc tham gia Bàn Tròn, tôi nói rằng trách nhiệm kép nào đó đã là động lực của chúng tôi. Trên hết, đã là trách nhiệm đối với những người đã thực sự bị ngược đãi, những người thực sự bị mất một cái gì đó sau thiết quân luật bởi vì các hoạt động Đoàn Kết của họ. Nó đã hoàn toàn khác với chúng tôi. Trong năm 1989, chúng tôi đã khá giả, chúng tôi đã biết làm thế nào để sống trong hệ thống này, nhưng những người khác thì không. Họ thực sự đã bị ngược đãi, họ đã bị mất việc làm và đã không có cơ hội trong cuộc sống. Đây đã là một điều và điều khác đã là nhờ chủ nghĩa cộng sản tôi có thể đã được khá đầy đủ, nhưng Ba Lan thì không. Và đã là cần thiết để tìm những cách thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Cho nên Bàn Tròn lúc đó đã có vẻ là cách duy nhất. Và còn nhiều hơn thế, và tôi đã nhắc đến điều này trước đây, đã chẳng ai nghĩ ra cách khác.
Đại sứ Stanisław Ciosek
Phải, tôi muốn báo với các bạn rằng Pikuś đã chết, và không phải vì nhìn thấy ống tiêm, và không phải vì dùng quá liều thuốc, mà đơn giản bởi vì tuổi già. Hệ thống mà chúng ta nói tới ở đây đã chết vì lý do đó. Pikuś đã sống quá lâu, quả thực nó đã rất già. Và tôi muốn nói với các bạn rằng chúng ta có một con chó mới. Đó là một con chó đa chủng loại, đa nguyên lạ thường, và nó khỏe…
Chúng tôi không hẳn đã sợ bản thân Đoàn Kết mà chính là sợ Đoàn Kết sẽ không có khả năng nhốt lại ông thần vào chai…
Giáo hội Ba Lan đã rất quan trọng trong việc đạt được thỏa hiệp. Đó là một trang vĩ đại, đáng vinh dự trong lịch sử của nó, và tôi chắc chắn rằng các thế hệ tương lai sẽ thừa nhận nó khi khoảng cách xa thêm từ thời điểm đó và những đánh giá có thể duy lý hơn. Một cấu trúc được vận hành tập trung, một đảng, đã hiểu kỹ và đã tin cậy một cấu trúc mạnh, hơn là một Đoàn Kết được thả lỏng mà chỉ trong tình trạng mới nổi lên… Giáo hội đã đạt được một vị trí chính thức rất quan trọng trong nước, một vị trí vẫn ràng buộc cho đến ngày nay. Bởi vì Đoàn Kết cũng đã quay sang Giáo hội để được che chở và giúp đỡ, nó tự nhiên trở thành trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập. Tôi tin rằng nó đã nhiều hơn chỉ sự hòa giải thụ động. Giáo hội đã tích cực tạo hình sự thỏa hiệp Ba Lan….
…Tôi phải nói dứt khoát rằng điều cơ bản đã là ý chí để thay đổi và đạt được thỏa hiệp. Tướng Wojciech Jaruzelski đã có ý chí đó. Ông đã có quyền lực thực sự và các thứ ở Ba Lan đã không phải đi theo con đường chúng đã đi. Phải, đã có thể dùng thủ đoạn, làm chậm trễ, bỏ qua bầu cử toàn dân của các cuộc bầu cử tháng Sáu năm 89. Chúng tôi đã nghe thấy lời khuyên như vậy. Jaruzelski, tuy nhiên, đã chấp nhận thách thức và, tôi nghĩ, với nhận thức đầy đủ về các hậu quả tiềm năng của nó. Lech Walesa và các đồng nghiệp của ông từ ban lãnh đạo Đoàn Kết cũng đã có đủ trí tưởng tượng và lòng can đảm. Nhìn lại, chúng ta có thể nói rõ ràng rằng cả hai bên đã hành động thiện chí, và các cuộc đàm phán đã được tiến hành theo sách…
Logic của các sự kiện cho thấy rằng các thứ đã được trộn lẫn, các ranh giới đã hay thay đổi, và đã không có bức tranh đen hoặc trắng nào… Cách trình bày vấn đề này, tôi tin, dưới dạng các phe đối lập, là có vấn đề về phương pháp luận, tôi xin lỗi phải nói.
Lech Kaczyński
Một người tham gia Bàn Tròn cho phe đối lập, Lech Kaczyński (sinh năm 1949) đã tốt nghiệp từ Khoa Luật của Đại học Warsaw trong năm 1971 và muộn hơn đã hoàn tất những nghiên cứu tiến sỹ về luật tại Đại học Gdańsk. Trong đầu các năm 1980 Kaczyński đã chỉ huy Văn phòng Can thiệp của Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) và đã tư vấn cho các công nhân đình công ở Xưởng đóng tàu Lenin ở Gdańsk năm 1980. Từ 1982 đến 1989, ông đã là thành viên của Ủy ban Helsinki ở Ba Lan. Ông đã là Thư ký của Ủy ban Điều phối Lâm thời (1986-87) và Ủy ban Điều hành Quốc gia (1987-89), và một thành viên của Ủy Ban Công dân (1988-91) của Đoàn Kết. Kaczyński trở thành Thượng nghị sỹ đại diện cho Câu lạc bộ Nghị viện Công dân (1989-91) và Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc gia cho Đoàn Kết (1990-91). Năm 1991, ông đã được bầu vào Sejm cho Liên minh Trung tâm và đã là cố vấn tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia. Kaczyński đã là Tổng Thanh tra Nhà nước từ 1992 đến 1995. Một giảng viên về luật, hiện ông là Giáo sư Luật tại Học viện Thần học Công giáo ở Warsaw. [Sau này, từ tháng 12-2005, đã là Tổng thống Ba Lan đến 10-4-2010 khi ông chết vì tai nạn máy bay, NQA].
Nguồn quan trọng của cuộc đấu tranh quyền lực đã là gì, ít nhất là về một sự kiểm soát một phần đối với công đoàn? Phải, theo ý tôi, mấu chốt của vấn đề ở đây đã là một sự khác biệt khá lớn về các quan niệm chính trị. Ngắn gọn, có thể đơn giản hóa nó như một cuộc tranh luận về việc liệu Đoàn Kết với tư cách một phong trào xã hội phải có một người thừa kế chính trị dưới hình thức của đảng chính trị Đoàn Kết, phong trào Đoàn Kết, dù tên có là gì đi nữa, và nhân tiện, tôi tin rằng khái niệm liên tục tiến hóa, hay Đoàn Kết cần có nhiều thừa kế chính trị….
…Tôi đã tin tưởng sâu sắc, sâu sắc rằng sự cân bằng mới được tạo ra bởi Bàn Tròn, rằng sự cân bằng mới mà đã là tất cả về loại bỏ sự lãnh đạo của đảng trong xã hội nhưng đồng thời duy trì loại nào đó của quyền lực chính trị, tức là sự kiểm soát đất nước, bởi đảng sẽ phải là tạm thời và sẽ không thể để tồn tại bốn năm, như thực tế đã được quyết định tại Bàn Tròn. Thế nhưng, vào tháng Năm trước cuộc bầu cử, tôi đã không chắc chắn rằng nó sẽ chỉ kéo dài một vài tháng, nhưng chúng tôi đơn giản đã tin rằng những tiếp xúc này là đáng có, bởi vì trong bối cảnh tổng thể của những thay đổi chúng có thể hóa ra rất hữu ích…
Trong nước tại thời điểm đó, cảm giác là chúng ta đã tồi đi về kinh tế, và nguyên nhân của sự khốn khổ kinh tế này là hệ thống cộng sản. Và đã có hy vọng lớn, nhân tiện, vô cùng nguy hiểm, rằng chính sự thay đổi tình trạng này sẽ tạo ra sự cải thiện về tình hình kinh tế của người dân. Nhìn chung, trong toàn bộ chiến dịch tranh cử câu hỏi đầu tiên đã là: khi nào mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn?

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:04
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_11.html
======================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 10)


Dịch giả: Nguyễn Quang A

PANEL BẢY: THAY ĐỔI TOÀN CẦU VÀ BÀN TRÒN
László Bruszt
Đồng sáng lập và Thư ký Quốc gia của Liên đoàn Dân chủ của các Nghiệp đoàn Độc lập từ 1988 đến 1992, László Bruszt (sinh năm 1953) đã đại diện các nghiệp đoàn trong Bàn Tròn Đối lập (EKA) vàtại các cuộc đàm phán giữa EKA và chính phủ cộng sản. Bruszt có bằng thạc sỹ xã hội học từ Đại học Budapest và học vị tiến sỹ về xã hội học từ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Phó Giáo sư trong Bộ môn Khoa học Chính trị tại Đại học Trung Âu (CEU) ở Budapest từ 1993, ông đã là Hiệu phó về các Vấn đề Học thuật của CEU từ 1995 và đã là Quyền Hiệu trưởng và Chủ tịch trong năm 1996-97. Trong các năm 1998-99, ông đã là một Research Fellow (Nghiên cứu Viên) tại Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về các Khoa học Hành vi (Center for Advanced Study in the Behavioral Sciences) tại Đại học Stanford, CA. Bruszt đã công bố nhiều sách và bài báo về biến đổi chính trị của Đông Trung Âu.

Trong nửa cuối của thập niên 80, Đông Âu được nhìn nhận, một cách ngắn gọn, như một trong những khu vực vô vọng nhất thế giới. Theo các phân tích chính thức của Hoa Kỳ được thực hiện vào giữa thập niên 80, Đông Âu được xem là khu vực khủng hoảng tiềm năng lớn thứ hai trên thế giới, hoàn toàn gần như, hoặc chỉ sau Trung Đông một chút….
… Những người Ba Lan đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, về cơ bản cho đến cuối tháng Tám năm 89. Họ đã báo hiệu, hoặc họ đã tạo ra các sự kiện mà đã báo hiệu cho các công dân và các nhà cai trị của khu vực, những gì là có thể, họ có thể đi xa đến đâu, những gì được chấp nhận và chiến lược nào tạo ra các sự kiện như vậy….
Để tiến hành đàm phán thỏa hiệp, và như thế là một kiểu dân chủ hóa, thì cần được giả định trước là phát biểu nhân danh xã hội. Điều đó đã nổi lên từ từ ở Ba Lan, vào cuối năm 88, và nó đã không xảy ra [ở Hungary], phe đối lập Hungary đã không bao giờ có khả năng, đã chẳng bao giờ cảm thấy rằng nó có thể lên tiếng nhân danh xã hội, ngay cả khi các cuộc đàm phán bắt đầu, lập trường của họ đã tương phản rất rõ ràng với Đoàn Kết ở Ba Lan. Họ đã có thể đủ khả năng để tham gia vào thỏa hiệp, chúng tôi không thể làm điều đó, bởi vì chúng tôi không thể nói [nhân danh xã hội], chúng tôi không có kiểu ủy nhiệm đó….
Các cuộc đàm phán hòa bình Ba Lan đã có một tác động không chỉ lên Hungary hoặc các cuộc đàm phán khác, mà sự thỏa hiệp này cũng đã có một tác động lên những thay đổi chế độ như Czech hoặc Đức, nơi việc huy động quần chúng đã cao đến mức các nhà lãnh đạo chính trị của phe đối lập đã có thể dễ dàng dẫn quần chúng chống lại các trụ sở đảng và bắt đầu sự thay đổi chế độ bằng bạo lực. Và lý do vì sao họ đã không làm điều đó, lý do quan trọng nhất vì sao họ đã không làm điều đó, họ đã được dẫn dắt bởi cùng các giá trị tinh thần đã dẫn dắt các nhà đàm phán Ba Lan và phe đối lập dân chủ Ba Lan, rằng người ta không thể có được, không thể thiết lập được nền pháp trị... theo một cách ngỗ ngược – rằng nhân quyền phải được tôn trọng và bản chất hoà bình và bất bạo động của các cuộc đàm phán là vô cùng quan trọng và là một giá trị tự thân.
Dai Qing – Đới Tình
Được đào tạo như kỹ sư tên lửa, Đới Tình (sinh năm 1941) là một nhà báo và nhà văn Trung Quốc xuất sắc. Các phóng sự điều tra của Đới về các nhân vật bất đồng chính kiến bị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngược đãi trong các năm 1940 và 1950 đã được công bố trong các năm 1980. Bà đã đồng tổ chức việc vận động hành lang (lobby) môi trường đầu tiên trong năm 1989 chống lại Dự án Đập Tam Hiệp trên Sông Dương Tử. Mặc dù bị cấm sau nhiều lần in ở Trung Quốc, tuyển tập của bà gồm các tiểu luận của các trí thức Trung Quốc xuất chúng phê phán dự án thủy điện, cuốn “Dương tử! Dương tử!”, đã phần nhiều khiến cho chính phủ quyết định tạm thời hoãn việc xây đập. Sau khi công khai lên án cuộc tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu và từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 5 tháng Sáu, Đới bị bỏ tù mười tháng và đã không còn khả năng xuất bản ở Trung Quốc. Hiện bà là một Học giả Cư trú (Scholar in Residence) tại Trung tâm Quốc tế cho các Học giả (Woodrow Wilson International Center for Scholars), bà đã được nhiều học bổng và giải thưởng quốc tế.
So với các cuộc đàm phán Bàn Tròn tại Ba Lan, cái đã xảy ra ở Bắc Kinh cách đây mười năm đã không phải là một phong trào dân chủ lớn, như nó được hiểu một cách rộng rãi, mà đã là một thụt lùi nghiêm trọng đối với nền dân chủ, một thảm kịch…
Có rất nhiều kinh nghiệm mà Ba Lan có thể truyền lại cho Trung Quốc, nhưng kinh nghiệm đầu tiên là dân chủ chỉ có thể đến thông qua hòa giải và thỏa thuận giữa nhà nước và xã hội. Việc đạt được nó chỉ có thể có được thông qua một nỗ lực không mệt mỏi, thông qua các mối đe dọa và các mối phản-đe dọa, thông qua cạnh tranh, đối thoại và đàm phán.
María de los Angeles Torres
María de los Angeles Torres, Phó Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học DePaul ở Chicago, cóbằng tiến sỹ về khoa học chính trị từ Đại học Michigan. Tích cực trong phục vụ cộng đồng ở Chicago trong nhiều năm, Torres đã là Giám đốc Điều hành của Ủy ban Tư vấn của Thị trưởng về các Vấn đề Latino từ 1983 đến 1987. Bà đã là thành viên Hội đồng Quản trị của Ủy Ban Quỹ Nghiên cứu và Giáo dục Cuba Mỹ (Cuban American Committee Research and Education Fund) (1979-94) và Hội đồng Cố vấn của Catedra de Cultura Cubana của Quỹ Pablo Milanes ở Havana (1993-95). Một thành viên của Nhóm Đặc nhiệm về Địa vị của những người Latino của Chủ tịch Hội Khoa học Chính trị Mỹ từ 1991 đến 1994, bà đã là điều phối viên của Nhóm Công tác về Cộng đồng Cuba Mỹ của Hội Nghiên cứu Mỹ Latin từ 1990 và Nhóm Đặc nhiệm về Các quan hệ Học giả với Cuba từ năm 1992. Torres là tác giả của rất nhiều công bố về các quan hệ chính trị và xã hội hiện thời giữa Cuba và Hoa Kỳ và sự di cư và các cộng đồng Latino ở Hoa Kỳ.
… Michael… đã muốn tôi nói về khả năng áp dụng kinh nghiệm Bàn Tròn Ba Lan vào Cuba. Và theo một nghĩa nhất định, đó sẽ là một bài nói rất nhanh ở đây, bởi vì tôi thực sự nghĩ rằng nó không thể áp dụng được. Tuy nhiên những gì tôi muốn nói, là lý do tại sao tôi lại nghĩ rằng nó không thể áp dụng được, có lẽ nhìn vào một số nhân tố chính trị và thể chế mà trong trường hợp Ba Lan, từ những gì tôi hiểu, đã là hết sức cốt yếu đối với Bàn Tròn, và vì sao chúng là khác ở Cuba… Chính phủ Cuba, bất kể nó đã trở thành cái gì, là một chính phủ đã nổi lên từ một cuộc cách mạng nhân dân, cấp tiến, dân tộc chủ nghĩa. Và với tư cách như vậy, vẫn nhận là có tính hợp pháp nhất định đối với dự án cụ thể đó. Thứ hai, Hoa Kỳ, không giống như sự giúp đỡ mà nó đã trao cho nền dân chủ ở Ba Lan, đã không nhất thiết là một người bạn của các nền dân chủ ở châu Mỹ Latin, đặc biệt không ở Cuba… Bản thân Giáo hội là rất khác, tình hình là rất, rất khác ở Cuba. Họ nói rằng những người Cuba là những người Công giáo vào Chủ nhật và thế đó, và tôi sẽ nói có lẽ còn ít hơn thế… Có một lịch sử lâu dài của Giáo hội thực sự là một phần của chính quyền thực dân, và với tư cách như vậy đã không có ở đó khi quốc gia Cuba hình thành.
Konstanty Gebert
Tác giả, Tổng biên tập Midrasz, và Moderator cho panel về “Thay đổi Toàn cầu và Bàn Tròn.”
Bất chấp chúng tôi đã nghĩ gì về “họ” ở Ba Lan, và “họ” đã nghĩ gì về chúng tôi, đã không có sự phủ nhận nào rằng tất cả chúng ta đều là người Ba Lan. Bây giờ, chúng tôi chắc chắn đã nghĩ rằng “họ” là những người Ba Lan xấu, còn họ chắc chắn đã nghĩ rằng chúng tôi là những người Ba Lan xấu, nhưng đều là người Ba Lan cả. Thành ngữ đã được trao đi đổi lại về, “jak Polak z Polakiem,” “như Người Ba Lan với Người Ba Lan,” cách đàm phán, kinh doanh. Đây đã không chỉ là lời nói, nghĩa của nó đã là, rằng đã có một cộng đồng có thể nhận thức được mà tất cả chúng ta đã đều thuộc về, và một dự án chung có thể nhận thức được mà tất cả chúng ta đã muốn đóng góp….
Tôi chỉ tiếc rằng phòng này không đầy các đối thủ Ba Lan của Bàn Tròn. Những người đó nói rằng nó đã là một tội ác, hoặc sự phản bội, hoặc ít nhất là một sai lầm, để họ có thể nghe thấy Maria, Đới Tình, nói với chúng tôi họ sẽ thích đến thế nào một tội ác, một sự phản bội, một sai lầm như vậy xảy ra trong đất nước họ, và nhiều hơn nữa những sai lầm như vậy.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:09
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_12.html
======================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 11)


Dịch giả: Nguyễn Quang A

PANEL TÁM: NHÌN LẠI BÀN TRÒN BA LAN - NGHỆ THUẬT ĐÀM PHÁN
Adam Michnik
Bàn Tròn đã khởi đầu một giai đoạn mới của việc dỡ bỏ các chế độ độc tài thông qua thương lượng. Đây có lẽ đã là phát minh quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi, thế kỷ của chế độ độc tài toàn trị, thế kỷ của Auschwitz và Holocaust, thế kỷ của chủ nghĩa Stalin, Katyn, và Gulag….

… Một sự ân xá, được, chứng mất trí nhớ, không. Chúng ta nên biết làm thế nào để hòa giải và sống chung với nhau, nhưng chúng ta không được quên những gì đã xảy ra. Chúng ta phải tiếp tục nhìn thấu nó, tò mò về nó, ít nhất là vì một lý do, để nó không bao giờ xảy ra nữa…
… Tôi nhớ những lúc ngay cả trước khi người ta bước vào phòng xử án, người ta đã bị xử và bị trừng phạt rồi. Và tôi đã là một người như vậy. Tôi đã bị kết án nhiều năm tù giam theo các thủ tục đó, trong một bầu không khí cuồng loạn nơi các thẩm phán đã quá sợ hãi để tuyên một án công bằng. Cho nên tôi đã hứa với chính mình rằng trong đời tôi tại Ba Lan tự do tôi sẽ chẳng bao giờ bắt chước những người tại quảng trường nào đó ở Jerusalem để hét lên: “Hãy treo hắn lên cây thánh giá, treo hắn lên cây thánh giá.”
Lech Kaczyński
Tuy vậy, để làm rõ ràng một điểm, tôi tin rằng những thay đổi này vẫn còn quá nông cạn, tuy vào thời điểm này các cấu trúc mới đã không thể đơn giản được tạo ra đầy đủ từ con số không, vì điều đó đã thực sự không thực tế. Nói cách khác, nhà nước cũ, dính dáng vào rất nhiều lợi ích khác nhau, vẫn còn là công cụ cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ xã hội và quốc gia. Tác động của nhân tố này lên tái cấu trúc xã hội là gì? Tôi tin sâu sắc rằng tác động này đã là: tranh đua cho một vị trí mới trong xã hội chúng ta sau năm 1989, những người tham gia vào hệ thống cũ đã có thuận lợi ban đầu trong cuộc đua…
Và nếu sự độc lập của Ba Lan và dân chủ của nó là tốt, thì Bàn Tròn là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu đó. Điều đó là hiển nhiên. Và không có nghi ngờ gì rằng đây là đóng góp của Đoàn Kết, nhưng cũng là một đóng góp của các đại diện của phía bên kia của bàn đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán mà tôi đã đích thân chứng kiến. Nhưng Bàn Tròn đã trở thành một cái gì đó có thể được xác định như một sự hình dung trước nào đó của các hiện tượng mà sau này rốt cuộc đã mang lại những kết quả tiêu cực. Cho nên, như tất cả mọi thứ trên thế giới này, Bàn Tròn đã có một số mặt hoàn toàn tích cực nhưng nó cũng có những hậu quả tiêu cực nữa.
Grażyna Staniszewska
… Bàn Tròn, đối với chúng tôi, các nhà hoạt động Đoàn Kết lúc đó, đã là một sự may rủi lớn. Trong khi ngồi vào Bàn Tròn, chúng tôi đã nhận thức được rằng nếu công việc thất bại, chúng tôi có thể mất điều đáng mong muốn duy nhất mà chúng tôi có, thanh danh của chúng tôi, chẳng hạn, và đó là cái vốn duy nhất, tài sản duy nhất mà chúng tôi đã có vào lúc đó. Và chúng tôi đã ngồi xuống mà không có bất kỳ nhận thức nào rằng chúng tôi sắp tháo dỡ hệ thống. Chúng tôi đã coi những phiên họp đó, những cuộc thảo luận đó, chỉ như một giai đoạn khác trong cuộc đấu tranh của chúng tôi vì một chút tự do. Đó là những gì chúng tôi đã nghĩ lúc đó….
… Tôi sẽ trung thực ở đây và nói rằng tôi thành thật lấy làm tiếc rằng bầu không khí này, khi chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đang tạo ra một Ba Lan mới, nơi mà mỗi người có quyền cho một sự khởi đầu mới, đã chỉ ngắn ngủi như vậy….
Aleksander Kwaśniewski
Tổng thống Ba Lan từ 1995, Aleksander Kwaśniewski (sinh năm 1954) đã giúp để khởi xướng các cuộc Đàm phán Bàn Tròn. Cùng với Tadeusz Mazowiecki, ông đã đồng chủ tọa bàn nhỏ về đa nguyên nghiệp đoàn. Kwaśniewski đã học kinh doanh quốc tế tại Đại học Gdańsk. Một đảng viên của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan từ 1977 đến 1990, ông đã tích cực trong các phong trào thanh niên, đã là một lãnh đạo của Hiệp hội Sinh viên Xã hội chủ nghĩa Ba Lan và biên tập viên của tuần báo Itd và của nhật báo Sztandar Młodych. Ông đã là Bộ trưởng về các Vấn đề Thanh niên từ 1985 đến 1987 và Chủ tịch của Ủy ban về Thanh niên và Thể lực từ 1987 đến 1990. Kwaśniewski đã là một Dân biểu tại Sejm của Liên minh Cánh Tả Dân chủ và lãnh đạo của (Đảng) Dân chủ Xã hội của Cộng hòa Ba Lan cho đến khi ông được bầu làm Tổng thống trong năm 1995.
Bàn Tròn thực sự đã là một sự kiện nghịch lý theo nghĩa nào đó. Một mặt, nó đã do sự suy yếu gây ra. Đảng đã yếu, chính phủ đã yếu, và Đoàn Kết đã yếu. Và Liên Xô cũng đã yếu. Mọi người đã đều yếu. Mặt khác, nó là kết quả của sức mạnh của những người đã nghĩ rằng một bước đột phá là có thể và rằng nó có thể được thực hiện. Adam Michnik đã nhắc đến ông Walesa và Wojciech Jaruzelski. Và tôi nghĩ rằng chúng ta mắc nợ sự tôn trọng của chúng ta với hai người này, vì tại thời điểm đặc biệt đó, khi đã có quá nhiều yếu tố chưa được biết và các điểm không rõ ràng, họ đã tiến hành nỗ lực mà chính họ và bất cứ ai trong chúng ta, những người tham gia Bàn Tròn, cũng đã chẳng thể đoán trước kết quả…
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:31
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_13.html
=======================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 12)



Dịch giả: Nguyễn Quang A

Làm ra Lịch sử và làm im Ký ức
BriaPorter
Khi đầu tiên chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch một hội nghị để kỷ niệm mười năm Bàn Tròn Ba Lan, chúng tôi đã ít hình dung rằng chúng tôi sẽ nhận được hơn năm trăm thư phản đối, rằng chúng tôi thấy mình bị phỉ báng trong nhiều xuất bản phẩm Ba Lan và Ba Lan-Mỹ, hoặc rằng một số khách mời của chúng tôi có thể sợ những hậu quả chính trị của việc tham gia vào sự kiện này. Chúng tôi, các sử gia, thường kêu ca rằng công việc của chúng tôi nhận được ít sự chú ý từ công chúng, và chúng tôi khắc khoải lo âu về sự cân bằng giữa một mặt là sự tinh vi uyên bác và mặt khác là khả năng có thể tiếp cận được (hặc thậm chí tính xác đáng). Tôi đã cho rằng bất cứ cuộc tụ họp nào bao gồm những người như Adam Michnik và Tổng thống Aleksander Kwaśniewski sẽ vượt qua sang khu vực độc giả không-hàn lâm, nhưng tôi đã chẳng bao giờ đoán trước loại công nhận mà tôi và các đồng nghiệp tổ chức của tôi đã nhận được. Quả thực, tôi đã chẳng bao giờ tưởng tượng rằng bất kỳ thứ gì tôi từng làm trong sự nghiệp chuyên môn của mình sẽ khích động xúc cảm đủ để sinh ra những thư từ căm ghét. Hội nghị về “Sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản,” tuy vậy, đã làm đúng việc này.

Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 là một chủ đề quyến rũ, với những bài học quan trọng về các quá trình biến đổi chính trị, động học của việc đàm phán, và mối quan hệ giữa nhân quả (causation) và sự bất ngờ (contingency). Nhưng Lễ Kỷ niệm Bàn Tròn của Đại học Michigan năm 1999 cũng quyến rũ ngang thế, bởi vì nó rọi ánh sáng lên chính bản chất của lịch sử – trí nhớ cá nhân và công cộng của nó, sự trình bày chuyên nghiệp (thường của các giáo sư) của nó, và ý nghĩa chính trị của nó. Trong các nhận xét dẫn nhập vào ngày đầu tiên của hội nghị, Michael Kennedy đã nói, “Các học giả không phải là các nhà diễn giải duy nhất của lịch sử, và đặc biệt là hầu hết họ không phải là những người làm nên lịch sử. Những người chúng tôi mời dự hội nghị này đã làm nên lịch sử.”[1] Nhưng xem xét thêm, sự phân biệt này giữa các nhà tổ chức hội nghị và các vị khách bị vỡ, bởi vì chúng tôi các học giả thực ra là những người làm ra lịch sử, theo nghĩa rằng chúng tôi hợp pháp hóa một câu chuyện cụ thể về cuối các năm 1980 ở Ba Lan, và làm im bất kỳ ký ức nào có thể thách thức các diễn giải của chúng tôi. Theo nghĩa đen chúng tôi đã dựng sân khấu cho tranh luận về 1989, và khi làm như vậy chúng tôi đã buộc một số ý kiến phải cất lên từ ngoài sân khấu và các ý kiến khác phải im bặt hoàn toàn. Điều này có thể đã là việc xấu – có thể những người bị loại trừ xứng đáng số phận của họ – nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng các nỗ lực tổ chức và kỷ niệm của chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc thảo luận về 1989 trong năm 1999. Từ địa vị có thẩm quyền của chúng tôi với tư cách “các chuyên gia” quốc tế về Ba Lan, và như các nhà tổ chức việc xem xét lại công khai lớn nhất và rõ rệt nhất về Bàn Tròn (ở Ba Lan hay ở nước ngoài), chúng tôi đã giúp xác lập các vấn đề được tranh luận, các câu hỏi được nêu lên, khung thời gian cho việc kể các câu chuyện, và (có lẽ quan trọng nhất) những người được phép nói. Khi đó, chúng tôi đã cố gắng một cách cần cù và chân thành để giữ sự khách quan và khoảng cách: chúng tôi đã là những người ngoài vô tư, các học giả không vướng víu (tuy hiển nhiên không phải không quan tâm). Nhưng chính xác bởi vì chúng tôi đã hoạt động với tư cách các sử gia, chúng tôi đã nhất thiết xây dựng các cột mốc ranh giới xung quanh quá khứ, vạch ra các đường giữa cái có thể nhìn thấy và cái vô hình, [giữa] lời ca và khoảng lặng.
Một bài học quan trọng về Hội thảo về Bàn Tròn năm 1999 (độc lập, theo nghĩa này, với các cuộc Đàm phán Bàn Tròn năm 1989) là, lịch sử luôn luôn mang tính chính trị, bất luận chúng ta thích nó hay không. Đây cũng là cùng bài học được rút ra bởi các sử gia Mỹ, những người đã thử cộng tác với (Bảo tàng) Smithsonian Museum để trưng bày Enola Gay [máy bay B-29 đã ném bom nguyên tử ngày 6-8-1945]; nó là bài học được rút ra bởi những người đã thử (và đã thất bại) để đưa ra một bộ các tiêu chuẩn lịch sử cho các học  sinh trung học Mỹ. Tại thời điểm của cả hai sự tranh cãi đó, nhiều người đã phàn nàn rằng sự thật lịch sử và tính khách quan hẳn đã bị hy sinh khi các học giả bước lên vũ đài công khai, nhưng phản ứng này đã không thích hợp. Thay vào đó, chúng ta nên diễn giải nỗ lực của chúng tôi để kỷ niệm năm 1989, cùng với những tranh luận sớm hơn này, như các thí dụ đầy kịch tính khác thường về lịch sử luôn luôn được tạo ra, bị thách thức, và được tái tạo như thế nào. Kinh nghiệm này phải giúp dạy chúng ta – và giúp chúng ta dạy các sinh viên của mình – rằng bản thân lịch sử không phải là một đối tượng để được khám phá ra và để được học, mà là một không gian biện luận lỏng, dễ thay đổi mà trong đó tất cả chúng ta tranh luận về quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Câu chuyện về hội thảo của chúng tôi bắt đầu vào cuối năm 1997, trong phòng trước của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu (CREES) của Đại học Michigan. Tôi đã tán gẫu ngẫu nhiên với Marysia Ostafin, người quản lý chính của chương trình nghiên cứu Ba Lan của chúng tôi, về việc nên làm gì cho Bài giảng Copernicus 1998/99, một sự kiện chúng tôi tổ chức hàng năm để thúc đẩy nghiên cứu về Ba Lan. Một người trong chúng tôi đã nhắc rằng năm 1999 sẽ là kỷ niệm lần thứ mười của sự sụp đổ của chế độ cộng sản, cho nên là có ý nghĩa để làm cái gì đó để kỷ niệm thời khắc này. “Nhưng chúng ta phải mời những ai?” Marysia hỏi. Cá nhân duy nhất nào có lẽ có thể thâu tóm toàn bộ tính phức tạp và độ lớn của sự kiện đó? Không suy nghĩ thực sự, tôi đã trả lời, “Hãy mời tất cả họ!” Marysia rên rỉ vì cô đã xét đến lượng công việc sẽ dính líu đến trong một dự án như vậy, nhưng ý tưởng để tái tạo Bàn Tròn của năm 1989 đã sinh ra.
Nan đề tổ chức đầu tiên đến khi chúng tôi nhận ra rằng các cuộc đàm phán Bàn Tròn gồm quá nhiều người. Không chỉ chiếc bàn thật đã có 56 ghế – nhiều hơn số chúng tôi có thể hy vọng mời đến Ann Arbor rất nhiều – mà thêm nhiều người đã tham gia trong các bàn nhỏ khác nhau, và còn nhiều người hơn nữa đã ảnh hưởng đến quá trình từ bên ngoài các phòng đàm phán (một số bằng sự phản đối việc loại trừ họ khỏi các phòng đó, một số khác bằng việc phủ nhận tính hợp pháp của bản thân các cuộc đàm phán). Trong chính cuộc họp đầu tiên của ban tổ chức, chúng tôi đã quyết định hạn chế lời mời của chúng tôi chỉ cho những người đã thực sự tham gia trong các cuộc đàm phán. Mục đích của chúng tôi là nêu ra các câu hỏi về quá trình đàm phán, mà không đề cập trực tiếp đến giá trị hay sự  khôn ngoan của bản thân các cuộc đàm phán. Chúng tôi sẽ tổ chức các phiên xung quanh các câu hỏi như “các điều kiện nào đã làm cho có thể để bước vào đối thoại,” “mối quan hệ giữa những người tham gia và các cử tri [nhóm ủng hộ, cơ sở xã hội] của họ đã như thế nào,” và “những bài học cụ thể nào từ Bàn Tròn Ba Lan có thể được áp dụng cho các cuộc xung đột ở nơi khác”? Nỗ lực của chúng tôi để tránh các vấn đề gây tranh cãi nhất đã hoá ra vô ích, chúng tôi bắt đầu quá trình thiết lập các đường ranh giới xung quanh chủ đề của chúng tôi – một quá trình trở nên đặc biệt lôi thôi. 
Một vấn đề khác đã nảy sinh tại cuộc họp đầu tiên: chúng tôi có nên mời Tướng Wojciech Jaruzelski? Trong năm 1970, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã chịu trách nhiệm (trực tiếp hay gián tiếp) về việc thảm sát các công nhân phản kháng ở Gdańsk, và với tư cách quốc trưởng trong năm 1981 ông đã thử đè bẹp phong trào Đoàn Kết bằng tuyên bố thiết quân luật. Bởi vì bối cảnh này, một số trong ban tổ chức của chúng tôi đã không thoải mái mời ông ta phát biểu, nhưng hầu hết chúng tôi đã cảm thấy rằng vai trò của ông  trong các cuộc đàm phán năm 1989 đã là quá quan trọng, không thể bỏ qua. Vì chúng tôi cũng đã có ý định mời một đạo quân mạnh từ phía Đoàn Kết – kể cả bản thân Lech Wałęsa – đã có vẻ rõ (chí ít đối với tôi) rằng chúng tôi đã không tán thành mời Tướng Jaruzelski. Chúng tôi đã mau chóng biết rằng một sự tán thành như vậy được thừa nhận, bất chấp các ý định của chúng tôi.
Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận sự phê phán từ nhiều hướng khác nhau. Một trong những đồng nghiệp của tôi đã bảo tôi rằng một hội nghị như vậy sẽ không có sự quan tâm nào đối của sinh viên hay giảng viên bên ngoài chương trình nghiên cứu Ba Lan, bởi vì khách của chúng tôi đã bị hạn chế ở “một nhúm các chính trị gia đàn ông không có tiếng tăm.” Người khác đã gạt bỏ nó như một sự kiện quảng cáo với ít nội dung trí tuệ. Mặc dù chúng tôi đã có khả năng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình – và tiền – từ ban quản lý đại học, tôi tiếp tục cảm thấy sự thờ ơ của các bạn đồng nhiệp trong trường. Hiển nhiên chúng tôi đã bước dài một cách nguy hiểm đến gần đường ranh giữa uyên thâm và bình dân. Mối lo ngại lớn hơn nhiều đã là sự phản đối thô bạo xuất hiện từ bên ngoài đại học. Tháng Mười 1998, Michael Kennedy (Giám đốc của CREES khi đó) đã thăm Ba Lan để trao giấy mời riêng cho những người mà chúng tôi hy vọng đưa sang Ann Arbor. Hiển nhiên cuộc viếng thăm này đã đưa các kế hoạch của chúng tôi đến sự chú ý của những người đã từ lâu phản đối Bàn Tròn và những thỏa hiệp mà nó đã gây ra. Tờ báo cánh hữu Głos đã đăng một bài báo thúc giục bạn đọc phản đối các kế hoạch cung cấp diễn đàn cho “các tội phạm” cộng sản của chúng tôi.[2] Lời kêu gọi này, và những lời kêu gọi khác giống nó trong các xuất bản phẩm Ba Lan-Mỹ và trên các danh sách e-mail Ba Lan, đã gây ra một trận lở tuyết của các lá thư gửi đến CREES và đến hiệu trưởng Đại học Michigan, Lee Bollinger. Như một trong những người phản đối của chúng tôi diễn đạt, “ĐIỂM CHÍNH của hội nghị là gì? Vì sao nó không được tổ chức ở BA LAN? Có phải các trái tim uyên thâm rỉ máu này không biết rằng một số người được mời có máu trên bàn tay của họ?… Có phải lịch sử lại được tẩy trắng vì lợi ích của một số bài báo uyên thâm?”[3] Một người Mỹ gốc Ba Lan gay gắt hơn, Mirosław M. Krupiński, thậm chí còn gửi cho chúng tôi một bài thơ, trong đó ông phàn nàn về “những kẻ phản bội”, những người “mười năm sau, béo ị và kiêu căng/ ăn đầy lợi nhuận, và chiến thắng/ mà không có bất cứ tranh chấp nào, bất cứ bất đồng nào/ lại lần nữa nâng cốc – ở Michigan.”[4]
Một người phê phán khác, Tadeusz Witkowski, đã soạn một bài báo cho một tờ báo Ba Lan-Mỹ được gọi là Periphery, trong đó ông đã phàn nàn bởi vì chúng tôi đã giới hạn lời mời của chúng tôi cho “các cá nhân đại diện cánh tả, cánh trung, và cánh hữu rất ôn hòa.” Bằng cách tập trung vào những người thực sự đã đóng vai trò trong các cuộc đàm phán của năm 1989, chúng tôi đã bỏ qua nhiều người Ba Lan, những người đã phản đối các cuộc đàm phán. Tuy vậy, cái quấy rầy Witkowski nhất, là “các ý tưởng chính trị đằng sau hội nghị” – tức là, chương trình nghị sự riêng của chúng tôi. “Một số học giả Mỹ,” ông viết, “rõ ràng thử đo phúc lợi của xã hội Ba Lan chỉ dưới dạng của cái làm lợi cho thế lực chính trị hôm nay và giai cấp kinh doanh Ba Lan mới.” Ở đây Witkowski đã hòa vào một nềm tin chung (tuy thiểu số) rằng Bàn Tròn đã không đánh dấu sự kết thúc của chế độ cộng sản, mà thay vào đó đã là một sự dàn xếp được thương lượng cho phép những người cộng sản giữ của cải và ảnh hưởng của họ dưới hoàn cảnh mới. Như Witkowski diễn đạt,
“đối với những người Mỹ không hiểu quang cảnh chính trị Ba Lan, Bàn Tròn đã có thể là cái gì đó “đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Đông Âu và toàn bộ thế giới” [đây là trích dẫn từ tài liệu trước-hội nghị của chính chúng tôi]. Đối với nhiều người Ba Lan nó chỉ là một sự lừa gạt thêm và một hành động phân chia quyền lực. Nhiều người thích để “sự mở ra một kỷ nguyên mới” cho những người khác và người ở Ba Lan thanh toán với những người chịu trách nhiệm vì các tội ác của kỷ nguyên cộng sản … Tại Bàn Tròn, một giới elite mới đã nổi lên đã hấp thu giới elite cũ.”
Đối với Witkowski, Bàn Tròn chịu trách nhiệm về “một chủ nghĩa hư vô ảnh hưởng đến những người Ba Lan trẻ như một kết quả của ý thức của họ về sự miễn hình phạt cho tội lỗi do những người cộng sản phạm phải và một sự làm mất giá những khẩu hiệu yêu nước được sử dụng bởi một số đại diện của phe đối lập, những người sau đó đã đổi chúng lấy tiền.”[5] Những ý kiến như vậy tuyệt nhiên không chỉ giới hạn ở những người lưu vong như Witkowski. Trong dịp kỷ niệm Bàn Tròn trong năm 1998, một đảng chính trị cánh hữu đã đưa ra một bản tuyên bố rằng “chín năm trước những người cộng sản đã đi đến thảo thuận với ban lãnh đạo hồng của Đoàn Kết,  chia Ba Lan giống như chia một chiếc bánh …Tất cả bọn họ đã chỉ nghĩ về chính mình, chỉ để lại những miếng vụn cho xã hội.”[6]
Đã là dễ để gạt bỏ các thuyết âm mưu liên quan đến Bàn Tròn, đặc biệt khi chúng lên án chúng tôi về việc dính líu vào một âm mưu bí hiểm để giữ “bọn hồng và bọn đỏ” cầm quyền, và đồng thời để ủng hộ các lợi ích của giới elite kinh doanh Mỹ. Trong sự nổi nóng lúc đó, với sự giận dữ tôi đã phản ứng lại lời cáo buộc rằng tôi theo đuổi một chương trình nghị sự chính trị. Viết trong báo Ba Lan Gazeta Wyborcza vào tháng Hai 1999, tôi đã thử đáp lại những phê phán này.
Chúng tôi biết kỹ rằng ký ức về 1989 vẫn còn có thể gây tranh cãi, và chúng tôi nhận ra rằng không thích hợp đối với một tổ chức Mỹ để đóng dấu chuẩn y của nó lên bất kỳ diễn giải cá biệt nào về quá khứ của Ba Lan. Nhưng dù người ta có coi những chi tiết các thỏa ước tháng Tư là tốt hay xấu, không thể phủ nhận rằng quá trình đàm phán đáng được nghiên cứu thêm. Chúng tôi muốn học cái gì đó về Bàn Tròn, không chỉ ca ngợi nó. Trên hết, chúng tôi đã muốn hiểu làm thế nào những người Ba Lan đã đi đến nhận thức rõ, rằng họ có thể thay đổi tiến trình lịch sử. Ngay cả những người phản đối các cuộc đàm phán cũng tin rằng họ đã đưa ra những quyết định quan trọng, cho nên chúng tôi cũng muốn nghe cả họ nữa.[7]
Michael Kennedy đã cũng khăng khăng một cách tương tự về sự giữ khoảng cách và tính khách quan của chúng tôi. Trong những nhận xét khai mạc tại hội nghị ông đã nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tham vọng của chúng tôi ở đây không phải là để tán dương hoặc đổ lỗi cho những người đã thực hiện Bàn Tròn, đúng hơn tham vọng của chúng tôi là để hiểu rõ hơn hoàn cảnh, những sự bất ngờ, và các hậu quả của các lựa chọn chính trị đã dẫn đến Bàn Tròn và sự sụp đổ được thương lượng của chế độ cộng sản.”[8]
Cả hai chúng tôi đều đã chân thành – nhưng cả hai chúng tôi đã không hiểu tầm quan trọng. Bởi vì những lời buộc tội chĩa vào chống chúng tôi đã có vẻ hết sức giả mạo và có tính kích động, và bởi vì các tác giả của những lời oán trách này đã tự làm mất uy tín với các thuyết âm mưu của chính họ, tôi đã không xem xét nghiêm túc hơn cách mà, thực ra, chúng tôi đã củng cố một cách giải thích cụ thể về lịch sử của các năm 1980. Các giá trị của chúng tôi và sự hiểu về sự sụp đổ của chế độ cộng sản của chúng tôi đã được phản ảnh trong mọi khía cạnh của hội thảo, từ việc lập kế hoạch của nó đến cách chúng tôi sắp xếp bản thân các phiên. Mỉa mai thay, các nhà phê bình của chúng tôi đã đúng; sai lầm duy nhất của họ đã là để tưởng tượng rằng tình hình đã có thể khác đi.
Nếu có một chủ đề đơn nhất đã liên hiệp tất cả các bài trình bày tại hội thảo của chúng tôi, thì đó là mong muốn “sự thật,” và sự tin chắc rằng chúng tôi đã tạo cơ hội để trình bày sự thật này. Adam Michnik đã mở đầu hội thảo với một sự tố cáo rằng “vì lợi ích ngắn hạn, có xu hướng nào đó để xuyên tạc lịch sử Ba Lan hiện đại. Những lời bóng gió như vậy khiến cho đối thoại là không thể. Chúng giúp tạo ra một hình ảnh về một kẻ phản bội và kẻ thù, hơn là hình ảnh của một nhà luận chiến và nhà phê bình. Tôi cho rằng loại chép sử sai lạc này gây ra chính sách sai..”[9] Để sửa chữa việc này, Michnik đã trích dẫn các tài liệu và đã gợi lên những ký ước của riêng ông trong việc tìm kiếm bức tranh “thật” của các sự kiện của 1989. Mieczysław Rakowski muộn hơn đã đáp lại một số người  phê bình ông với tiếng kêu, “Đây là một sự dối trá lịch sử!” Ông cũng đã khăng khăng rằng sự thật phải được phép chiến thắng (mặc dù sự thật của ông đã không cùng như sự thật của Michnik).[10]Stanisław Ciosek đã tìm cách giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp, khi ông cảnh cáo chúng tôi chống lại xu hướng dựa vào các tài liệu thành văn từ các năm 1980. “Các tài liệu còn sót lại từ những năm đó,” ông nói, “… đã không được viết cho lịch sử, mà chỉ trình bày thủ tục nào đó, nhưng trong thực tế, các quyết định được đưa ra trong các giới mà... chẳng để lại dấu vết nào. Các ghi chú nhỏ đó đây và có lẽ đã còn lại nhưng tôi nghĩ rằng bằng chứng tốt nhất là lời chứng của nhân chứng… vì vậy tôi muốn cảnh báo các bạn đừng coi giấy tờ như bằng chứng duy nhất, bởi vì chúng sẽ không luôn luôn nói sự thật.”[11] Ở đây, cũng như ở nơi khác, “sự thật” nằm trong lời chứng của những người đã trải nghiệm sự sụp đổ của chế độ cộng sản, nó ở trong ký ức, không phải trong nền tảng tư liệu của việc viết sử.
Nhưng tại hội thảo của chúng tôi, ký ức đã bị bao bọc về nhiều phía bởi lịch sử. Lịch sử thường là – và những ngoại lệ quả thực là hiếm – thể loại chuyện kể.[12] Việc kể của nó đã bén rễ vào hai điểm: quá khứ trước câu chuyện của chúng ta, và hiện tại. Hầu như mọi văn bản lịch sử đều bắt đầu với sự thảo luận nào đó về “nền” hay “khung cảnh” của tài liệu kế theo. Sử gia phải dựng sân khấu, và khi làm như vậy sử gia phác họa cái gì sẽ được cho là “xác đáng” và cái gì bị gạt bỏ như “tầm thường.” Những lựa chọn như vậy, như chúng ta sẽ thấy trong trường hợp của Hội thảo Bàn Tròn, có thể chẳng bao giờ là hoàn toàn vô tội. Hơi ít bắt buộc, tuy nhiên vẫn hầu như phổ quát, đối với việc viết sử để chỉ tới sự lo ngại nào đó của thời kỳ hiện tại. Việc này có thể xảy ra như một khẳng định tường minh về sự xác đáng, như trong công thức magistra vitae (lịch sử là thầy giáo của cuộc sống) cổ điển, hoặc gợi lên sự tranh luận thịnh hành nào đó về việc chép sử. Khi hiện tại bị bỏ qua hoàn toàn, khi những tranh cãi về kỷ luật ngày nay được tránh để ủng hộ sự tái hiện chi tiết của khắc quá khứ nào đó, không có sự ủng hộ nào hướng tới hiện tại, thì chúng ta phê phán các công trình như vậy là “đồ cổ,” và chê bai các tác giả của chúng chỉ là “những con mọt sử” (hơn là “các học giả thật”). Như thế đứng giữa quá khứ và hiện tại – và cố gắng kết nối chúng – văn xuôi lịch sử được lôi cuốn hầu như luôn luôn thời về phía hình thức chuyện kể, mà trong đó sự  rối loạn không thể giảm thiểu được của quá khứ được đặt bên trong những hạn chế của một câu chuyện với một sự mở đầu và một sự kết thúc, với một cốt truyện, với các nhân vật đóng vai, và với nhiều thứ ước lệ tu từ học đặc thù cho việc kể chuyện.
Một thí dụ về việc này có thể được thấy trong vài đoạn tài liệu quảng cáo tôi đã soạn ra cho hội thảo Bàn Tròn vào đầu năm 1998.
Vào ngày 5 tháng Tư năm 1989, thế giới như chúng ta đã biết khi đó đã bắt đầu được gỡ mối. Trong ngày trọng đại đó, “Các cuộc Đàm phán Bàn Tròn,” một quá trình dài hai tháng của các cuộc thương lượng giữa đảng Cộng sản Ba Lan và phe đối lập, đã đi đến một kết thúc tuyệt vời. Phong trào “Đoàn Kết,” bị loại ra ngoài vòng pháp luật gần một thập kỷ, đã được tái hợp pháp hóa, và các cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên tại Ba Lan sau chiến tranh đã được dự định vào một ngày cụ thể. Khi cuộc bầu cử đó được tổ chức hai tháng sau đó, những người cộng sản đã bị thua hầu như mọi ghế quốc hội được để cho cạnh tranh. Trong các tháng tiếp theo, các chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Rumania, Bulgaria, và cuối cùng tại bản thân Liên Xô. Mặc dù sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng Mười Một năm 1989, đã cung cấp cho thế giới một ẩn dụ thị giác cho những biến đổi chính trị của năm trọng đại đó, sự trao quyền lực được thương lượng một cách hòa bình ở Ba Lan bảy tháng trước đã mở ra một thời đại mới cho Đông Âu và toàn thế giới… Từ ngày 7-10, tháng Tư, năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu sẽ tập họp tại Ann Arbor các nhân vật hàng đầu – các chính trị gia, các nhà lãnh đạo Giáo hội, và các trí thức xuất chúng – từ tất cả các nhóm đã tham gia vào các sự kiện vô tiền khoáng hậu của năm 1989. Mục tiêu của chúng tôi sẽ là tái tạo lại bầu không khí của Bàn Tròn và đặt kỷ nguyên này của “các cuộc cách mạng được thương thuyết” vào viễn cảnh lịch sử và toàn cầu.
Điểm chính của đoạn này định vị Bàn Tròn bên trong một câu chuyện về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Cho dù chúng ta có đặt sang một bên các từ mang tính đánh giá rõ ràng như “trọng đại” (hai lần!) và “tuyệt vời,” chúng ta vẫn để lại với các công cụ thuyết phục mạnh mẽ nhất đó, thể văn kể chuyện. Chúng ta bắt đầu với hồi một, nơi chúng ta thấy Đoàn Kết “đã bị loại ra khỏi vòng pháp luật trong gần một thập kỷ” bởi một chế độ cộng sản không ai ưa một cách ngấm ngầm. Rồi đến hồi hai, “cuộc cách mạng được thương lượng” đã bắt đầu quá trình “gỡ mối thế giới như chúng ta đã biết khi đó.” Cho hồi cuối chúng ta có một kết thúc có hậu, trong đó tấm gương của Ba Lan “mở ra một thời đại mới cho Đông Âu và toàn thế giới.” Tại hội thảo chúng tôi đã chú tâm vào quá trình của sự thay đổi được thương lượng, để thu hẹp ống kính của chúng tôi đến một vấn đề hầu như kỹ thuật: người ta chuyển thế nào từ xung đột sang đối thoại trong các tình huống của sự phân cực chính trị và xã hội. Nhưng từ đầu chúng tôi đã định vị sự thẩm tra uyên thâm này bên trong một câu chuyện lớn đã gán giá trị cho các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, đã chấp nhận các tính tốt được cho là của chế độ xã hội-kinh tế hậu cộng sản, và đã ngăn cách những cách giải thích thay thế khả dĩ khác về 1989. Việc này không phải bởi vì chúng tôi đã là những người bị lừa bịp trong tay elite hiện hành của Ba Lan, cũng chẳng phải là kết quả của bất kỳ nỗ lực cố ý nào để “xoay” câu chuyện của năm 1989 theo bất kỳ hướng cá biệt nào. Thay vào đó, nó đã là một thí dụ về lịch sử – mọi lịch sử – được tạo ra như thế nào.
Michael Kennedy, một nhà xã hội học được đào tạo, có lẽ đã ít nhờ cậy vào hình thức kể chuyện, nhưng sự chú tâm của ông đến hiện tại xã hội học đã lôi kéo ông đến với thể loại bất chấp bản thân ông. Sự căng thẳng trong bài bình luận của ông trong hội thảo là hùng hồn: “Một mặt, việc mở rộng của NATO, và mặt khác, sự tan rã của Đông Nam Âu, có lẽ có thể được xem như cái nền đương đại cho một số câu hỏi mà chúng ta thảo luận trong hội thảo này. Chắc chắn, hội thảo của chúng ta đựa trên tiền đề ý tưởng rằng biến đổi căn bản có thể được thực hiện không chỉ bằng bạo lực, mà cả bằng cách hòa bình nữa. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc hội thảo về chính trị đương đại ở Ba Lan hay Nam Tư. Nó là về những diễn biến bất ngờ của năm 1989.”[13] Tất cả chúng tôi đều nhắc lại dòng tư duy này suốt hội thảo: đây đã không phải là một cuộc thảo luận về những tranh cãi chính trị ầm ĩ của ngày hôm nay; nó đã không phải là cách bố trí tương phản với cái nền là Nam Tư (chí ít cũng không tương phản không quá mức); nó đã không là “presentist”* (để dùng từ thóa mạ được yêu thích nhất của sử gia). Sử gia suốt đời bị giằng xé giữa sự khát khao để là xác đáng, và nỗi sợ bị sai niên đại. Đây không là một sự căng thẳng có thể giải quyết được: nó là mâu thuẫn cơ bản tại trung tâm của môn học của chúng ta, và là sự thúc đẩy ở đằng sau bản thân hình thức kể chuyện.
Nhưng ký ức không chia sẻ sự mâu thuẫn này, và ký ức không cần phải thể hiện như một chuyện kể (tuy đôi khi là một chuyện kể). Stanisław Ciosek nêu vấn đề này một cách hữu hiệu khi ông phản đối sự hạn chế mà chủ đề panel ông tham dự đã đặt ra cho ông (“Tranh đua Chính trị, 1986-1988”). “Lịch sử không thể được chia thành nhiều mảnh,” ông lập luận. “Điều đó ngược lại những khuynh hướng tự nhiên của các sử gia, những người muốn tất cả mọi thứ theo thứ tự, muốn số lượng tối đa các sự kiện được thu thập. Mặt khác, tình hình ở Ba Lan, và chủ đề này mà chúng ta đang thảo luận, không thể được đưa vào khung của giai đoạn hai hoặc ba năm, mà chúng ta đang tập trung vào ở đây.” Nếu Ciosek đã thách thức một cách dứt khoát kỷ luật kể chuyện mà chúng tôi đã áp đặt cho ông, thì Giám mục Alojzy Orszulik đã bác bỏ nó một cách ngấm ngầm. Bài nói của ông đã cung cấp những mẩu của sự thấu hiểu và sự hồi tưởng bị tước mất cả sự tiến triển về niên đại lẫn cấu trúc logic.[14] Ông đã là, ấy là nói như vậy, ký ức thô, không bị dàn xếp bởi mong muốn để làm ra lịch sử, với hình thức kể chuyện tất yếu của nó. Trong mức độ ít nhiều, nhiều bài trình bày tại hội thảo đã chia sẻ đặc trưng này. Nhiều khách tham gia của chúng tôi đã nói vo, khi họ để cho ký ức của họ (và đôi khi cảm xúc của họ, như với những giọt nước mắt đột ngột đầy cảm xúc gây ra bởi sự hồi tưởng của Giám mục Dembowski[15]) tuôn chảy trên và qua họ. Nếu chúng tôi đã thử công bố bản gỡ băng hội thảo mà không có biên tập và chú giải sâu rộng, thì hầu hết bạn đọc sẽ bác bỏ chúng như những lời xác nhận gây lẫn lộn, được tổ chức một cách ngẫu nhiên về quá khứ. Ít người sẽ chấp nhận điều này như một đóng góp thuộc bất kỳ loại nào cho văn sử, bởi vì nó có vẻ thiếu hình thức kể chuyện mà chúng ta kỳ vọng từ bài viết như vậy.
Quả thực, đấy vẫn chưa phải là lịch sử. Dù được dùng như một việc được giao ở lớp học hay một mẩu dữ liệu trong một dự án khoa học, đây là “tư liệu thô,” một “nguồn” mà từ đó sử gia áp dụng nghề của mình. Chúng tôi được yêu cầu để hiểu được những ám chỉ và lời bóng gió mơ hồ, để tạo ra cái nền cần thiết để đặt những bình luận này vào ngữ cảnh nào đó, và trước hết để định hình toàn bộ như một chuyện kể. Lịch sử phải là lịch sử. Chúng tôi có thể cố gắng để kìm nén những thành kiến riêng của mình, để khách quan ở mức có thể, để mô tả các thứ như chúng thực sự đã là, nhưng chúng tôi không thể trốn thoát sự thực rằng chúng tôi hỏi các câu hỏi về các sự kiện, chúng tôi vẽ ra phông cảnh nền, chúng tôi sắp đặt cảnh phông đó với các nhân vật mà chúng tôi lựa chọn (bỏ các thứ khác sang một bên, vì các lý do cả tốt lẫn xấu), và chúng tôi quyết định những gì các nhân vật đó sẽ nói hay làm. Trước hết ở mức cơ bản nhất, chúng tôi quyết định khi nào câu chuyện sẽ bắt đầu và khi nào sẽ kết thúc. Chúng tôi đã có thể làm tất cả việc này với một chương trình nghị sự cụ thể trong đầu, lựa chọn một cách chiến thuật các yếu tố tốt nhất để ủng hộ quan điểm cá biệt của chúng tôi. Hoặc, như trong trường hợp hội thảo Bàn Tròn của chúng tôi, chúng tôi đã có thể thử vạch ra các đường ranh giới của chúng tôi để tránh các lĩnh vực tranh luận rắc rối, để làm cho hội thảo càng khoa học càng tốt (cứ như khoa học đã từng không mang tính chính trị và bị tranh cãi). Nhưng trong cả hai trường hợp, kết quả vẫn như nhau: sự (tái) dựng lịch sử nói về những mong muốn, các mục tiêu, và các ý tưởng của chúng tôi cũng gần ngang với nói về cái thứ vô định hình được gọi là “quá khứ.”
Trong trường hợp cụ thể của chúng tôi, chúng tôi đã đưa ra một số quyết định chọc tức các đối thủ của chúng tôi và làm cho hội thảo xoay như chong chóng. Đầu tiên, bản thân chủ đề đã có vấn đề, nhiều hơn mức chúng tôi đã nhận ra ban đầu. Wiesław Chrzanowski đầu tiên đã chỉ ra điều này khi ông mở đầu bài trình bày của mình với tuyên bố, “tôi hoàn toàn phản đối … bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng một huyền thoại về Bàn Tròn, liên quan đến kỷ niệm lần thứ mười của nó.”[16] Chrzanowski đã tranh cãi rằng Bàn Tròn “đã tăng tốc chỉ vài tháng sự thay đổi đội gác quyền lực ở Ba Lan,” và khi làm vậy nó “đã tạo ra lợi thế có thể đo lường được, mặc dù tại thời điểm đó không thể dự đoán được hoàn toàn, cho các đối tác tham gia.” Những lợi thế này đến từ sự thực rằng những người cộng sản đã chọn các đối tác đàm phán của họ từ những người một thời đã từng là đảng viên, cho dù sau đó đã trở thành những người bất đồng chính kiến. “Đối với phe đối lập cánh tả,” Chrzanowski nói, “…[Bàn Tròn đã] là một cơ hội để loại bỏ hoặc để hạn chế ảnh hưởng cánh hữu của phe đối lập.” Nếu bản thân Bàn Tròn đã chỉ là một thủ đoạn chính trị, thì các cuộc bầu cử ngày 4 tháng Sáu đã quan trọng hơn nhiều. Lúc đó, Chrzanowski tranh luận, công chúng đã bác bỏ các Thỏa ước Bàn Tròn bằng cách bỏ phiếu ủng hộ Đoàn Kết một cách áp đảo, như thế làm cho các thỏa thuận trước đó về sự duy trì quyền lực của đảng trở nên vô nghĩa.[17] Thiếu sót cơ bản trong hội thảo của chúng tôi, trong trường hợp ấy, đã là sự chú tâm của nó vào các cuộc đàm phán từ tháng Hai đến tháng Tư, 1989: bằng cách thiết lập các ranh giới về thời gian này chúng tôi đã chắc chắn diễn giải nhầm động học thật của sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Tương tự, các rào cản thời gian của chúng tôi đã xác định loại các vấn đề mà chúng tôi có thể nêu lên, cắt mất những cách thay thế khả dĩ về việc xem xét quá khứ và hiện tại của Ba Lan. Chrzanowski đã muốn đẩy các ranh giới xa hơn vào quá khứ: “Mười năm trước, phe cộng sản đã gần… với địa vị của những kẻ chiếm đóng Ba Lan trong [thế kỷ thứ mười chín] hơn là với phía chính phủ của nước dân chủ, mặc dù phe này đã gồm những người Ba Lan… Các hành động của nhiều thành viên phe chính phủ đã được thúc đẩy bởi sự nghiệp ý thức hệ, nhưng chúng đã là sự nghiệp quốc tế hơn là sự nghiệp Ba Lan.”[18] Chỉ với việc sử dụng góc ống kính rộng, Chrzanowski mới có thể tấn công những người cộng sản với sự chỉ trích đạo đức tàn nhẫn đến như vậy. Câu chuyện lịch sử được kể bởi cánh hữu là một câu chuyện trong đó Ba Lan đã liên tục phải chiến đấu chống lại sự thống trị của Đức và Nga, và các sự kiện của 200 năm qua có ý nghĩa đối với họ bên trong khung khổ này. Cuộc đấu tranh là liên tục; chỉ có những đấu thủ thay đổi. Bên trong tầm nhìn lịch sử này, những người cộng sản – với các mối quan hệ không thể chối cãi được của họ với Moscow – chỉ có thể được cảm thấy như các tay sai. Câu chuyện này không thể được kể nếu người ta tự giới hạn mình trong thời kỳ giữa 1986-1989, như chúng tôi đã yêu cầu cho hội thảo của chúng tôi. Trong những năm đó các mối quan hệ giữa Warsaw và Moscow đã đặc biệt (Chrzanowski đã có thể nói khác thường và tạm thời) yếu, và đã rất có thể là Jaruzelski đã có ảnh hưởng nhiều lên Gorbachev hơn là ngược lại. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu câu chuyện của chúng ta trong năm 1795 (sự chia cắt Ba Lan lần thứ ba) hoặc thậm chí trong năm 1945, thì tính hung ác chống dân tộc của chế độ cộng sản có thể được mô tả dễ hơn. Từ một viễn cảnh hoàn toàn khác, cả Stanisław Ciosek lẫn Mieczysław Rakowski đã phàn nàn rằng các mốc thời gian do chúng tôi lựa chọn đã làm cho không thể để đánh giá đúng tính chất trọng đại của sự thay đổi bên trong đảng cộng sản, hay sự thực rằng ban lãnh đạo đã thực sự theo đuổi cải cách trong nhiều năm trời, nếu không phải hàng thập kỷ. Rakowski đã chỉ ra sự nổi lên của “chủ nghĩa cộng sản dân tộc” trong các năm 1960 như bước đầu tiên di chuyển Ba Lan khỏi mô hình Soviet, và sau đó đã tranh luận rằng những người đã đi sang phương Tây trong các năm 1970 đã “không còn là tù nhân của một ý thức hệ nữa bởi vì họ đã có cơ hội để đối sánh ý thức hệ đã được nhồi vào họ với thực tế ở phương Tây.”[19] Ciosek đã thậm chí còn khăng khăng, cho rằng “sau giai đoạn Stalinist, đảng Ba Lan đã cố gắng nhiều lần để hoàn thiện hệ thống, để nới lỏng học thuyết của nó và để đạt được tăng trưởng kinh tế. Và chúng tôi đã đạt một số kết quả, tương phản với khung cảnh của các nước xung quanh giáo điều hơn chúng tôi…”[20]
Cho nên dù người ta đến từ viễn cảnh dân tộc chủ nghĩa hoặc cộng sản, khung thời gian của 1986-1989 đã làm cho việc kể chuyện là không thể. Như tôi đã tranh luận đầy đủ chi tiết ở nơi khác, cách người ta sắp đặt thời gian lịch sử là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ thế giới quan nào.[21] Thời gian dù được định hình như tiến lên, đồng đều, suy tàn, hay vòng quanh đều quyết định mạnh việc người ta tiếp cận thế nào các vấn đề trung tâm của triết lý chính trị hay lý thuyết xã hội. Tương tự, việc người ta mở rộng hay thu hẹp trường của tính niên đại sẽ làm thay đổi căn bản cảm nhận của người ta về bất kỳ vấn đề nào. Hãy xem xét sự khác biệt giữa việc kể chuyện về Chủ nghĩa Stalin Ba Lan bên trong lịch sử về bạo lực chính trị thế kỷ hai mươi, hoặc (lựa chọn khả dĩ khác) bên trong lịch sử Ba Lan sau Chiến tranh Thế giới II. Trong trường hợp trước, giai đoạn tương đối ngắn từ sự tiếp quản quyền lực của những người cộng sản đến cái chết của Stalin sẽ xuất hiện như một sự cố ít quan trọng, khi đặt cạnh những cảnh khủng khiếp ghê rợn của Holocaust và Chủ nghĩa Stalin Soviet. Trong trường hợp sau, tuy vậy, bạo lực mà với nó chế độ cộng sản đã lên nắm quyền ở Ba Lan sẽ nổi bật lên hoàn toàn. Trong việc lập kế hoạch hội thảo của chúng tôi, chúng tôi đã chân thành bảo chính mình rằng chúng tôi đã phải vạch ra một số đường ranh giới nhằm để giữ cho việc thảo luận được tập trung, và thời kỳ 1986-1989 đã có vẻ hợp lý. Nhưng thích hay không thích, một quyết định như vậy đã phải chịu những hệ lụy quan trọng.
Các vị khách của chúng tôi đã có thể thách thức khung thời gian của chúng tôi, nhưng một số ràng buộc khác mà chúng tôi áp đặt đã mạnh đến mức chúng đã làm im mọi tranh cãi. Rakowski đã minh họa bằng thí dụ lĩnh vực bất đồng khả dĩ đã hẹp đến thế nào khi ông nói, “Đúng,…không nghi ngờ gì [chế độ cộng sản] sẽ bước vào mộ của nó, nhưng chẳng ai biết khi nào. Đã không được khắc trên bia đá rằng việc đó phải xảy ra trong cuối những năm 1980.”[22]Zbigniew Bujak đã có vẻ chỉ dùng lý lẽ để biện hộ cho tính không xác định khi ông nói, “tôi cho rằng có lẽ nếu giả như chúng tôi đã thiếu thận trọng một chút vào thời điểm đó và mất kiểm soát, một tình huống hoàn toàn khác đã có thể xuất hiện ở nước chúng tôi.”[23] Thực ra, lập trường được diễn đạt rõ ràng (có lẽ một cách buồn bã) bởi Rakowski đã được chia sẻ một cách phổ quát bởi mọi diễn giả tại hội thảo của chúng tôi: chế độ cộng sản đã tận số, và câu hỏi duy nhất đã chỉ là nó rút khỏi vũ đài lịch sử thế nào. Được gắn vào sự đồng thuận này là một thế giới quan phóng khoáng đã thấm vào chính lõi của sự đàm luận công khai ở Ba Lan và ở Hoa Kỳ. Chủ nghĩa Cộng sản đã được nhắc tới trong thời gian hội thảo như một “thí nghiệm” và một “giấc mơ,” nhưng nó đã luôn luôn được đối sánh (như Rakowski, trong số tất cả mọi người, đã gợi ý) với “thực tế” của đời sống ở phương Tây.[24] Chủ nghĩa tư bản rõ ràng đã được tự nhiên hóa, đến mức rằng ngay cả các lãnh đạo của hệ thống thay thế đã tồn tại bốn thập kỷ ở Đông Âu có thể chỉ nói về cuộc sống trước đây của họ như phù du, quá độ, và (toát ra theo từng từ) sai lầm. Điểm cốt yếu của tôi ở đây không phải để tranh luận rằng họ sai, mà để chỉ ra tính không thể về ngay cả sự gợi ý rằng họ đã có thể sai. Các cột mốc ranh giới của các sử gia đứng vững trong trường hợp này: chúng tôi đã xác định các năm giữa Chiến tranh Thế giới II và 1989 như một sự sai lầm, một thí nghiệm ngu xuẩn, hay có lẽ thậm chí một sự ngự trị được mở rộng của khủng bố. Điều này làm cho khó để nghĩ một cách nghiêm túc về sự sa sút mức sống ở Ba Lan trong các năm 1990, hay để hiểu các làn sóng phản đối đã gây tai họa cho đất nước trong các năm gần đây. Các câu hỏi được nêu lên tại hội thảo của chúng tôi đã củng cố bá quyền này. Câu hỏi phổ biến nhất đã là biến thể nào đó về chủ đề, “khi nào bạn nhận ra rằng bạn đã phải thương lượng sự giao lại quyền lực?” Tất cả các vị khách của chúng tôi đã có loại câu trả lời nào đó, ngay cả khi họ đã không đồng ý về sự đa dạng rộng của những diễn giải và ký ức bên trong giới hạn của câu hỏi này. Nhưng đã vắng mặt (bởi vì cách chúng tôi ngay từ đầu đã xác định chủ đề của hội thảo) bất kỳ cựu đảng viên cộng sản nào tin rằng chủ nghĩa xã hội đã vẫn đáng để thử. Trong môi trường của ngày hôm nay, bất kỳ ai, người thậm chí bày tỏ một lập trường như vậy, sẽ được xem như người kỳ quặc, nếu không phải điên.
Mà thật ra, đã có khá nhiều sự điên rồ tại hội thảo của chúng tôi, và giữa những người đã phản đối nhưng đã không đến. Chúng tôi đã phải đấu tranh với rất nhiều cá nhân bị rối loạn tâm lý, từ các nhà lý thuyết âm mưu được nhắc tới ở trên đến quý ông rõ ràng bị điên, người đã đến với trang điểm bằng y phục quân sự để thúc đẩy khẳng định (to tiếng) của ông rằng những người Đức đã bí mật xâm chiếm Ba Lan. Khi một nhóm những người phản đối đã trương một poster kêu gọi tổ chức một cuộc phản-biểu tình chống lại “Lễ Kỷ niệm Đoàn Kết” tại “Đại học Bang Michigan,” và rồi sau đó đã xuất hiện ở East Lansing vào ngày hội thảo, tất cả chúng tôi đã được một trận cười thoải mái (mặc dù những người trong chúng tôi có dòng dõi tổ tiên Ba Lan đã hỏi vì sao các đối thủ của chúng tôi đã phải tạo ra các trò đùa Ba Lan trong đời thực này). Đã là dễ dàng đối với chúng tôi để cảm thấy an ủi trong sự thực rằng hầu hết sự phê phán đã giới hạn ở các trí thức lưu vong bị đặt sang bên lề hay các báo cánh hữu có số phát hành ít ở Ba Lan. Chúng tôi đã nhận được những lời khen ngợi từ Rzeczpospolita và Gazeta Wyborcza (hai báo lớn nhất ở Ba Lan); chúng tôi đã có các đại diện từ tất cả các đảng chính trị lớn và Giáo hội giữa các vị khách của chúng tôi; chúng tôi đã có sự tài trợ từ các công ty lớn và từ ban quản lý đại học riêng của chúng tôi. Cho nên chúng tôi đã có thể nói rằng bất kỳ ai muốn cung cấp một câu chuyện khác về 1989 đã bị cô lập (nếu không mất trí), và như thế không quan trọng. Tuy vậy, người ta cũng đã có thể tranh luận, rằng chuyện kể về việc giải quyết xung đột và cách mạng hòa bình đã được tóm tắt cô đọng trong tài liệu quảng cáo của chúng tôi đến mức đã trở nên bá chủ, đến mức người ta phải là người điên rồ mới đi thách thức nó. Quả thực, như Foucault đã gợi ý, đây đã có thể là bài học mà chứng điên phải dạy chúng ta.[25] Bất cứ ai có chút ý thức nào sẽ đều hoạt động bên trong khung khổ của cuộc đàm luận chi phối – hệt như chúng tôi đã làm trong tổ chức hội thảo của chúng tôi.
Bài học cần học từ Hội thảo Bàn Tròn năm 1999 là, lịch sử luôn luôn mang tính chính trị, bất luận chúng ta thích hay không thích. Chọn một khung khổ thứ tự thời gian, xác định những tiếng nói nào sẽ được nghe và những tiếng nói nào sẽ bị im lặng, nhận diện cái gì là quan trọng và cái gì là tầm thường: tất cả những quyết định này có thể được coi là cần thiết, vì mọi câu chuyện lịch sử phải có một số giới hạn để khỏi thoái hóa thành một bản tường thuật lộn xộn về các sự kiện được chọn lọc một cách bừa bãi. Nhưng cách chúng ta vạch ra các giới hạn này là quan trọng – quả thực, nó đã có thể quan trọng hơn các lý lẽ tường minh rất nhiều. Người ta có thể không đồng ý với một lý lẽ, nhưng cực kỳ khó để thách thức các ranh giới đã được chấp nhận của một chủ đề, một khi các ranh giới này đã được chấp nhận một cách rộng rãi. Bằng cách nhận diện Bàn Tròn như điểm then chốt để nhớ từ năm 1989, chúng tôi đã giúp kiến tạo một cuộc tranh luận về ngày kỷ niệm đó cả ở Hoa Kỳ và ở Ba Lan. Những người muốn làm nổi bật các khoảnh khắc khả dĩ khác, và những người coi sự kỷ niệm như thảm kịch hơn là chiến thắng lớn, đã có khó khăn để khiến cho bản thân họ được nghe thấy. Nhưng đó là cái lịch sử luôn luôn làm: nó không chỉ trao hình thức kể chuyện cho ký ức, mà cũng bắt những người, người đã có thể nhớ khác đi, phải im lặng.
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
[1] Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, Kasia Kietlinska dịch, Donna Parmelee biên tập (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999), 2. Tất cả các trích dẫn của tôi là từ phiên bản in đầy đủ của bản dịch tiếng Anh của bản gỡ băng hội nghị. Không phải tất cả các đoạn trích được nhắc tới ở đây được bao gồm trong các đoạn trích được in lại ở trên. Về văn bản đầy đủ, xem <www.umich.edu/~iinet/ PolishRoundTable/frame.html>.
[2] Tin về bài báo này đến với chúng tôi nhờ David Ost, trong một bản tin e-mail từ ngày 3 tháng Mười Một, 1998. Rất tiếc, tôi đã không có khả năng để lần ra bài báo gốc
[3] E-mail từ Maryann Poniecka đến Don Benkowski, 2-3-1999. Cảm ơn Benkowski vì đã chuyển thư này cho tôi.
[4] Ông Krupiński đã gửi một e-mail bày tỏ những lo ngại của ông vào ngày 5 tháng Tư. Bài thơ của ông có thể thấy tại <worf.albanyis.com.au/~matuzal/PG29.htm>.
[5] Tadeusz Witkowski, “A Legitimate Concern,” Periphery 4-5 (Feb.1999). Vn bản online tại <www-personal.engin.umich.edu/~zbigniew/Periphery/No4-5/editorial01.html>.
[6] Văn bản này, từ Federacja Młodych ROP, ban đầu được post tại <friko5.onet.pl/wa/
fmrop>, tuy nhiên sau đó đã bị bỏ khỏi site của đảng.
[7] Brian Porter, “Ucieczka z więzienia historii,” Gazeta Wyborcza 29 (4 February 1999): 19.
[8] Communism’s Negotiated Collapse, 7.
[9] Ibid., 9.
[10] Ibid., 22.
[11] Ibid., 40.
[12] Đã hầu như là ba mươi năm kể từ khi Hayden White lần đầu tiên đưa ra nhận xét này,và đã thăm dò các ngụ ý của nó, trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn của ông, Metahistory: The Historical Imagination in Nineteenth-Century Europe (Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1973). Ngày nay hầu như mọi sinh viên cao học đều đọc tác phẩm kinh điển này, mà được xem một cách rộng rãi như tia lửa mà đã kích thích một sự xem xét lại kỹ lưỡng các nền tảng lý thuyết của lịch sử. Một mẫu của một số công trình tốt nhất mà đã nảy sinh sau đó bao gồm: Joyce Appleby, Lynn Hunt and Margaret Jacob, Telling the Truth about History (New York: Norton, 1994); Robert F. Berkhofer, Beyond the Great Story: History as Text and Discourse (Cambridge: Harvard University Press, 1995); Victoria E.Bonnell and Lynn Hunt, Beyond the Cultural Turn: New Directions in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999); Alex Callinicos, Theories and Narratives: Reflections on the Philosophy of History (Durham: Duke, 1995); Michel de Certeau, The Writing of History (New York: Columbia University Press, 1988); Roger Chartier, Cultural History: Between Practices and Representations (Cambridge: Polity Press, 1988); Nicholas B. Dirks, Geoff Eley, and Sherry B.Ortner, eds., Culture/Power/History: A Reader in Contemporary Social Theory (Princeton: Princeton University Press, 1994); Jacques Le Goff, History and Memory (New York: Columbia University Press, 1992); David Couzens Hoy, The Critical Circle: Literature, History, and Philosophical Hermeneutics (Berkeley: University of California Press, 1982); Patrick H. Hutton, History as an Art of Memory (Hanover, NH: University Press of New England, 1993); Keith Jenkins, ed., The Postmodern History Reader (New York: Routledge, 1997); Dominick LaCapra and Steven L. Kaplan,Modern European Intellectual History: Reappraisals and New Perspectives (Ithaca: Cornell University Press, 1982); Peter Novick, That Noble Dream: The ‘Objectivity Question’ and the American Historical Profession (New York: Cambridge University Press, 1988); Bryan D. Palmer, Descent into Discourse: The Reification of Language and the Writing of Social History (Philadelphia: Temple University Press,1990); Mark Poster, Cultural History and Postmodernity: Disciplinary Readings and Challenges (New York: Columbia University Press, 1997); David D. Roberts, Nothing but History: Reconstruction and Extremity after Metaphysics (Berkeley: University of California Press, 1995); Michel-Rolph Trouillot, Silencing the Past: Power and the Production of History (Boston: Beacon Press, 1995).
[13] Communism’s Negotiated Collapse, 4.
* presentist là người theo presentism (hiện tại luận), một phương thức phân tích lịch sử (hay văn học) trong đó các ý tưởng và viễn cảnh hiện tại được đưa vào sự diễn giải quá khứ.
[14] Ibid., 52-59
[15] Ibid., 74.
[16] Ibid., 25.
[17] Ibid., 25-29.
[18] Ibid., 25.
[19] Ibid., 20.
[20] Ibid., 40.
[21] Brian Porter, When Nationalism Began to Hate: Imagining Modern Politics in Nineteenth-Century Poland (New York: Oxford University Press, 2000).
[22] Communism’s Negotiated Collapse, 19.
[23] Ibid., 39.
[24] Ibid., 20.
[25] Michel Foucault, Discipline and Punish: The Birth of the Prison, trans. by Alan Sheridan (New York: Pantheon Books, 1977).
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:35
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_14.html
=======================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 13)


Dịch giả: Nguyễn Quang A

Quyền lực, Đặc ân và Hệ tư tưởng
trong sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản
MichaeD. Kennedy

“Ai được gì và vì sao?” Nhà xã hội học Mỹ Gerhard Lenski đã trình bày câu hỏi cô đọng nhất này trong nghiên cứu về phân tầng xã hội.[1] Ông đã tranh luận rằng, trong suốt tiến trình lịch sử, đã có hai câu trả lời cơ bản. Luận đề bảo thủ, bảo vệ hiện trạng, giải thích “sự phân bố hiện tồn của các sự thưởng công là công bằng, hợp lý, và thường cũng không thể tránh được.” Phản đề cấp tiến thì phê phán, “lên án hệ thống phân bố cơ bản là bất công và không cần thiết”.[2] Bản thân Lenski đưa ra một sự tổng hợp của hai quan điểm này trong việc giải thích sự bất bình đẳng trong các xã hội người trong suốt tiến trình tồn tại của chúng.
Các cuộc đàm phán Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 gợi ý một sự tổng hợp khác. Trong khi chỉ là vài tháng trong một nước duy nhất, các cuộc đàm phán này tuy vậy đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử con người bằng cách cung cấp một mô hình cho sự thương lượng cơ bản, nhưng hòa bình, về những khác biệt căn bản trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Sự thành công của sự sụp đổ được dàn xếp của chế độ cộng sản đã phụ thuộc vào những người cộng sản và những người có tư tưởng phóng khoáng (liberal) tập họp lại để diễn đạt mạch lạc, cùng với các lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, một nhu cầu chung để thỏa hiệp và phát triển một nước Ba Lan cởi mở hơn và đa nguyên, dù là bất bình đẳng hơn. Nó cũng đã phụ thuộc, tuy vậy, vào sự mất quyền lực trên mọi lĩnh vực.
Trong tiểu luận này, tôi sẽ nhờ đến những suy ngẫm khác nhau về các cuộc đàm phán Bàn Tròn Ba Lan năm 1989, chủ yếu đặc biệt vào một hội thảo mà các đồng nghiệp của tôi và tôi đã tổ chức tại Đại học Michigan từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Tư năm 1999 cho một số người tham gia chủ chốt của các cuộc đàm phán này, cuộc đàm phán đã kết liễu chế độ cộng sản.[3] Tôi sẽ bắt đầu, tuy vậy, với những suy ngẫm thêm về mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và sự bất bình đẳng, vì chúng ta không thể hiểu quyền lực, đặc ân và Bàn Tròn mà không có sự hiểu biết về hệ tư tưởng vận hành ra sao trong việc định hình sự bất bình đẳng.
Hệ tư tưởng và sự Bất bình đẳng
Lập trường bảo thủ về sự bất bình đẳng được đại diện trong tác phẩm của Lenski hầu như không hiển nhiên trong xã hội học Mỹ ngày nay, nhưng vào lúc đó, xã hội học Mỹ đã có một quan điểm chức năng luận (functionalist) quan trọng. Các nhà chức năng luận đã mô tả sự bất bình đẳng xã hội như “một công cụ được tiến hóa một cách vô thức mà với nó các xã hội bảo đảm rằng các vị trí quan trọng nhất được bổ nhiệm một cách tận tâm bởi những người có đủ tư cách nhất.”[4] Talcott Parsons đặt các giá trị vào trung tâm của cách tiếp cận chức năng luận của ông và cho rằng những người được tưởng thưởng nhiều nhất trong một xã hội nắm giữ các phẩm chất phản ánh các giá trị của xã hội đó.[5] Lý thuyết xã hội học Marxist đã chỉ bắt đầu có ảnh hưởng trong xã hội học Mỹ giữa những năm 1960, nhưng C. Wright Mills và những người khác quanh ông đã bày tỏ một quan điểm cấp tiến tương tự. Trường phái “mâu thuẫn” này cho rằng sự bất bình đẳng đã là kết quả của “cuộc đấu tranh vì các hàng hóa và dịch vụ quý khan hiếm.”[6]
Những khác biệt này giữa hệ thuyết (paradigm) chức năng và mâu thuẫn, đến lượt nó, lại dựa trên những giả thiết khác cơ bản hơn về các xã hội người. Lenski đã nhận diện tám sự khác biệt như vậy.[7]
1) Những người bảo thủ không tin bản tính con người và tin rằng các định chế phải chế ngự tính khí đó, còn những người cấp tiến thì không tin các định chế đó và lạc quan về bản tính con người;
2) Những người bảo thủ nghĩ rằng các xã hội có các nhu cầu, còn những người cấp tiến nghĩ về xã hội như một môi trường trong đó các cuộc đấu tranh diễn ra;
3) Những người bảo thủ thấy vai trò nhỏ của sự ép buộc trong việc giải thích sự bất bình đẳng, còn những người cấp tiến nhấn mạnh nó;
4) Những người bảo thủ tối thiểu hóa vai trò của bất bình đẳng trong việc gây ra xung đột, còn những người cấp tiến nhấn mạnh nó;
5) Những người bảo thủ coi các phương tiện hợp pháp như nguồn của đặc ân, còn những người cấp tiến nhấn mạnh các phương tiện bất hợp pháp;
6) Những người bảo thủ coi bất bình đẳng là không thể tránh được, còn những người cấp tiến coi nó như cái gì đó có thể thay đổi.
7) Những người bảo thủ xem nhà nước và luật như các phương tiện cho lợi ích chung, còn những người cấp tiến coi chúng như các công cụ đàn áp.
8) Những người bảo thủ nghĩ về giai cấp như một công cụ heuristic (khám phá) để mô tả, còn những người cấp tiến coi giai cấp như các nhóm xã hội thực.
Lenski đã phát triển một sự tổng hợp của các quan điểm này. Dựa trên việc soát lại rộng rãi lịch sử về bất bình đẳng trong các xã hội người, ông cho rằng đã có các yếu tố đúng đối với cả hai quan điểm. Ông đã thấy quan điểm bảo thủ thuyết phục nhất trong sự đánh giá của nó về bản tính con người, nhưng quan điểm cấp tiến hơn đã có lý hơn trong cách tiếp cận của nó đến bản chất của xã hội, đặc biệt ở các mức công nghệ tiên tiến hơn. Vì sự phát triển công nghệ tạo ra những thặng dư xã hội lớn hơn, sự phân bố quyền lực bên trong xã hội có khả năng hơn để định hình sự phân bố đặc ân trong xã hội đó. Những người cai trị được nhiều nhất, và những người chiến đấu thành công bên trong hệ thống đó được nhiều hơn những người không thành công. Ngược lại, trong các xã hội ít tiên tiến về công nghệ, nơi người dân tương thuộc vào nhau hơn, các lý lẽ chức năng luận bảo thủ hơn có ý nghĩa. Nhu cầu của xã hội đã có thể tỏ ra nổi bật hơn trong phân bổ hàng hóa và dịch vụ nơi người dân chịu ơn nhau hơn, và sự ép buộc là ít hiệu quả.
Giống Lenski, nhà xã hội học Ba Lan Stanisław Ossowski đã giải thích những biến thể trong quan niệm về bất bình đẳng, phân biệt cách tiếp cận phân đôi khỏi cách tiếp cận tiệm tiến và cả hai khỏi cách tiếp cận chức năng. Tuy vậy, ông đã không đưa ra một lý thuyết tổng hợp về bất bình đẳng xã hội trong các xã hội người. Thay vào đó, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong diễn giải sự bất bình đẳng. Ông đã viết, “Sự lựa chọn một sơ đồ cấu trúc giai cấp trong một trường hợp cá biệt là triệu chứng hoặc của các vấn đề quan tâm đến những người áp dụng sơ đồ hoặc của các quan điểm của họ về thực tại mà họ mô tả.”[8] Thí dụ, Ossowski lưu ý rằng các tầm nhìn phân đôi, đơn giản phân biệt những người cai trị khỏi những người bị trị, hiếm khi thỏa đáng trong việc mô tả tính phức tạp của sự bất bình đẳng, đặc biệt trong các xã hội công nghiệp hiện đại. Tuy vậy, chúng trở nên khá quan trọng khi chúng giúp để tạo ra các tầm nhìn hữu ích trong việc huy động các xung đột xã hội.[9]
Lenski cũng lưu ý tầm quan trọng của hệ tư tưởng, và thậm chí tính cách của các nhà lãnh đạo, đối vớ việc hiểu sự phân phát đặc ân trong các xã hội người, đặc biệt trong các xã hội với những công nghệ tinh vi hơn.[10] Trong khi cả Lenski và Ossowski lưu ý tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong hình mẫu bất bình đẳng, quan điểm của Ossowski truyền đạt kiến thức cơ bản về xã hội học tri thức nâng cao không chỉ những diễn giải của các nhà lãnh đạo chính trị, mà cả những diễn giải của các nhà phân tích giai cấp, bất luận chúng mang tính học thuật hay chính trị theo nhiệm vụ của chúng. Cuối cùng, ông biện luận, những diễn giải cấu trúc giai cấp trở thành các sự thực xã hội, mà đến lượt chúng, lại ảnh hưởng đến các xã hội và các chính sách thực tiễn định hình chúng.[11] Nếu người ta cho rằng sự bất bình đẳng dựa trên những khác biệt tiệm tiến, chẳng hạn, thì người ta giúp để nguyên tử hóa các nhóm được tổ chức xung quanh sự bất bình đẳng; nếu, mặt khác, người ta vẽ một bức ảnh phân đôi với những khác biệt cơ bản giữa hai giai cấp trong một xã hội, thì người ta giúp tạo ra các điều kiện cho xung đột của chúng.
Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 tạo một cơ hội cực kỳ để mở rộng những hiểu biết sâu sắc của cả hai nhà lý thuyết này về địa vị và quyền lực. Thật ra mà nói, ý nghĩa của Bàn Tròn, và mối quan hệ của nó với bất bình đẳng trong xã hội Ba Lan, là không hiển nhiên theo kinh nghiệm. Lý lẽ của Ossowski về tầm quan trọng của viễn cảnh và cách hiểu chắc chắn cần được áp dụng ở đây. Đồng thời, tham vọng tổng hợp của Lenski là quyến rũ, nhưng sự áp dụng của nó vào Bàn Tròn đòi hỏi một sự bóp méo nào đó. Trong khi Lenski nhờ đến toàn bộ lịch sử của các xã hội người, tiểu luận này tập trung vào một thời khắc duy nhất trong lịch sử, bên trong một nước duy nhất. Tuy vậy, “thời khắc quyết định”[12] trong lịch sử loài người cho thấy sự kết hợp với quyền lực và đặc ân đã có thể được làm mới để phát triển một khả năng mới trong lịch sử loài người. Không chỉ “cuộc cách mạng được thương thuyết”[13] này phải làm thay đổi cách mà theo đó chúng ta nghĩ về sự thay đổi xã hội cơ bản,[14] và ý nghĩa của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cấp tiến. Nó cũng đã có thể khiến chúng ta nghĩ khác đi về những cách mà theo đó sự liên kết giữa quyền lực và đặc ân nên được xem xét trong thành công của sự thay đổi cơ bản, nhưng hòa bình.
Thành công của Bàn Tròn Ba Lan
Không ai biết Ba Lan có thể bắt đầu câu chuyện về Bàn Tròn vào năm 1988 hay 1989. Đối với phe đối lập, câu chuyện phải quay chí ít về 31 tháng Tám năm 1980, khi phong trào Đoàn Kết ra đời. Trong gần mười lăm tháng, một nghiệp đoàn độc lập và phong trào xã hội của hơn chín triệu đàn ông và đàn bà đã biến đổi Ba Lan và đã hứa hẹn thay đổi bản thân chế độ cộng sản. Vào ngày 13 tháng Mười Hai năm 1981, quân luật được ban bố và hầu hết ban lãnh đạo của Đoàn Kết đã bị giam giữ. Thời kỳ đó và đỉnh điểm của nó trong quân luật đã giúp tạo ra một cấu trúc giai cấp “phân đôi trong xã hội Ba Lan: một cách nhìn xã hội gồm “chúng tôi” và “họ.”[15]
Với cách nhìn phân đôi đó được gắn vào cuộc tranh đua chính trị, mối quan hệ giữa các nhà chức trách và xã hội đã không thể giải quyết được. Các điều kiện quốc tế đã giúp duy trì sự bất ổn định đó. Việc trao Giải Nobel Hòa bình cho Lech Wałęsa trong năm 1983 đã đóng dấu quốc tế phê chuẩn Đoàn Kết, và Wałęsa được tặng thưởng và phong trào mà ông đã ủng hộ biểu lộ uy tín và sự quý trọng chống lại hệ thống giá trị mà xung quanh đó nước Ba Lan cộng sản đã được tổ chức. Bản thân chính phủ Mỹ đã sử dụng các nguồn lực của nó trong cả hoạt động chính trị quốc tế lẫn thương mại để cô lập Ba Lan và thúc ép các nhà chức trách đàm phán với nghiệp đoàn. Ảnh hưởng Mỹ này ở bên trong hệ thống giai cấp Ba Lan đã hiển nhiên ngay cả trong đời sống hàng ngày, khi Đại sứ Mỹ John Davis và vợ ông Helen Davis đã tiếp đãi các lãnh đạo của phe đối lập tại tư dinh của họ.
Ở bên kia, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nói về virus Ba Lan và sự cần thiết để ngăn chặn nó bằng mọi giá. Mối đe dọa liên miên của sự can thiệp Soviet đã ủng hộ, theo một cách kỳ quặc, địa vị của các nhà lãnh đạo Ba Lan. Các nhà lãnh đạo này đã có thể chỉ ra ở các nước khác mọi việc đã tồi tệ thế nào, và chứng tỏ cho các công dân của họ rằng ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan này đưa ra cái tốt nhất của các thế giới khả dĩ, trong một thế giới bị chia rẽ.[16] Mặc dù bị tranh cãi kịch liệt, người đã áp đặt quân luật ở Ba Lan, Tướng Wojciech Jaruzelski, cho rằng ông đã phải áp đặt quân luật để tránh sự xâm chiếm Soviet. Dùng hình tượng của nhà lãnh đạo Đoàn Kết Jacek Kuroń, Tướng Jaruzelski đã nói rằng Đoàn Kết trong năm 1981 đã giống một đoàn xe lửa không có người lái và đang tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết. Vị Tướng đã nói ông áp đặt quân luật không để phá hủy nghiệp đoàn mà đúng hơn để “làm đóng băng nó,” sao cho các cuộc đàm phán có thể được tổ chức muộn hơn, khi các điều kiện quốc tế thích hợp.[17]
Tất nhiên là khó để tưởng tượng rằng trong năm 1981 các Tướng Jaruzelski và Kiszczak đã hình dung rằng năm sáu năm sau Liên Xô có thể ủng hộ các tướng này trong sự tìm kiếm của họ để thương lượng với Đoàn Kết. Bản thân xã hội Ba Lan đã nghi ngờ về các cuộc thương lượng như vậy, nhìn thấy trong các cuộc trưng cầu dân ý và những đề nghị đối thoại là các nỗ lực để thâu nạp và chia rẽ phe đối lập.[18] Mãi đến tháng Hai 1988, một trong những trí thức chủ chốt được công chúng biết đến của Đoàn Kết, Adam Michnik, đã nói điều này khi trả lời một câu hỏi về “sáng kiến hòa bình” của Jaruzelski:
Lời nói về sáng kiến hòa bình của Jaruzelski là một lời nói đùa – đặt không đúng chỗ, cứ như nó đến từ Tướng Pinochet hay tổng thống Nam Phi. Tướng Jaruzelski đã có thể tạo ra hòa bình thật sự bằng cách tìm nối lại tình hữu nghị hòa bình với chính dân tộc ông. Nhưng cho đến nay ông đã chưa làm thế… Vấn đề quan trọng đối với tôi là liệu Tướng Jaruzelski có ý định hủy bỏ hệ thống apartheid của chúng tôi bằng việc nuôi dưỡng sự bình đẳng giữa các công dân của chúng tôi hay không. Điều này đòi hỏi sự phá hủy quyền lực của nomenklatura, mà có thể so sánh được với cư dân da trắng ở Nam Phi. Cho đến nay, Jaruzelski không cho thấy dấu hiệu nào về sự mong muốn xóa bỏ hình thức apartheid của chúng tôi. Mọi thứ ông làm đều duy trì quyền lực của nhóm cầm quyền được gọi là nomenklatura.[19]
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã chính thức bắt đầu vào ngày 6 tháng Hai năm 1989 và đã kéo dài hai tháng. Hơn 400 người đã tham gia trong các cuộc đàm phán khác nhau. Đã có ba bàn chính – về cải cách chính trị, về cải cách kinh tế và về chủ nghĩa đa nguyên tổ chức – quan tâm chủ yếu đến tái hợp pháp hóa Đoàn Kết. Đã cũng có mười một bàn nhỏ dành cho các vấn đề về media (truyền thông đại chúng), y tế, khai khoáng, thanh niên và các vấn đề khác. Các cuộc đàm phán đã dễ một cách đáng kinh ngạc về vấn đề hợp pháp hóa Đoàn Kết; nhưng đã đặc biệt khó trong lĩnh vực chính trị, vì cả hai phía đã nhận ra rằng họ đang thương lượng cấu trúc chính trị tương lai của Ba Lan. Ngoài các cuộc họp công khai, các cuộc họp riêng giữa các nhà đàm phán chóp bu đã được tổ chức tại Magdalenka, một resort ở ngoại ô Warsaw. Trong các cuộc họp hoàn toàn không được ghi lại này, các trở ngại sâu sắc nhất đã được khắc phục. Cuối cùng đã đạt được các thỏa hiệp, nhưng những kết quả của các cuộc đàm phán đó đã không như đa số đã kỳ vọng.
Phe đối lập đã thành thật ngạc nhiên bởi bao nhiêu điều đã được hoàn tất trong các cuộc đàm phán. Vượt xa hơn sự hợp pháp hóa Đoàn Kết, các cuộc bầu cử hoàn toàn cạnh tranh đã được dàn xếp để tổ chức vào ngày 4 tháng Sáu 1989 cho Thượng viện mới; ba mươi lăm phần trăm số ghế trong hạ viện của Quốc hội, trong Sejm, cũng sẽ được tranh đua. Phần còn lại được phân bổ cho liên minh cầm quyền. Quốc hội đã được phân trách nhiệm bầu ra Tổng thống. Với những người cộng sản và các đồng minh của họ được bảo đảm hầu hết số ghế (trong Sejm), các nhà đàm phán đã giả thiết rằng Quốc hội sẽ bầu Tướng Jaruzelski làm Tổng thống với quyền hạn không được định rõ một cách tương đối.
Kết quả bầu cử đã làm tất cả mọi người ngạc nhiên. Các nhà chức trách đoán trước rằng Đoàn Kết sẽ thắng nhiều nhất bốn mươi phần trăm số ghế trong Thượng viện, chứ không phải 99 trong số 100 ghế như cuối cùng họ đã đạt được. Họ đã không nghĩ rằng đã có ít đến vậy những người cộng sản và đồng minh của họ đạt số phiếu tối thiểu cần thiết để vào quốc hội trong vòng bầu cử đầu tiên. Họ đã bị  sốc về việc họ đã nhận được ít sự ủng hộ đến thế nào.[20] Với các lá phiếu được bỏ, và các xe tăng lăn vào Quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc, những người Ba Lan đã đợi để xem kết quả bầu cử sẽ có được tôn trọng hay không. Ngay cả một số nhà đàm phán cho những người cộng sản đã lo sợ rằng các kết quả bầu cử có thể bị hủy bỏ.[21] Thay vào đó, các kết quả bầu cử đã được tôn trọng và những người cộng sản đã cố gắng để thành lập chính phủ.
Với số phiếu kinh khủng này mà phe đối lập nhận được từ xã hội, ngay cả những người trước kia đã liên minh với những người cộng sản đã bắt đầu suy nghĩ lại lòng trung thành của họ. Việc di chuyển của các đại biểu thuộc Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ khỏi những người cộng sản sang bên Đoàn Kết, thực ra, đã làm cho biệc bầu Tướng Jaruzelski làm Tổng thống có vẻ đặc biệt không chắc chắn. Giả như vài đại biểu Đoàn Kết đã không vắng mặt khỏi cuộc bỏ phiếu, thì Tướng Jaruzelski có thể đã không được bầu làm tổng thống. Giả như ông đã không được bầu, một số người sợ rằng các cơ hội cho sự thay đổi hòa bình đã có thể bị mất.[22]
Cuối cùng, Tổng thống Jaruzelski đã yêu cầu Tướng Kiszczak lập chính phủ đầu tiên, nhưng Kiszczak đã không thể; các đại biểu Đoàn Kết đã giải thích cho ông ta rằng họ không thể chịu trách nhiệm về các chức bộ trưởng kinh tế trong chính phủ của ông, và ông đã không thể thành lập chính phủ mà không có họ. Xã hội đã bỏ phiếu cho sự thay đổi, và để thành lập một chính phủ với liên minh cầm quyền cũ sẽ là không thể. Quay sang những từ ma thuật đó do Adam Michnik đưa ra vào ngày 3 tháng Bảy trong tờ báo của ông Gazeta Wyborcza, Tướng Jaruzelski (“tổng thống của các ông”) cuối cùng đã yêu cầu Tadeusz Mazowiecki (“thủ tướng của chúng tôi”) để thành lập chính phủ vào ngày 24 tháng Tám 24.[23]Cách nhìn phân đôi đó về hiện trạng và quyền lực tuy vậy đã mang lại một chính phủ dựa trên một liên minh lớn của tất cả các lực lượng chính trị hàng đầu.
Bàn Tròn đã đặt nền móng cho sự chuyển một cách hòa bình sự phân đôi thành một sự thống nhất dân tộc tạm thời và dân chủ. Bàn Tròn cũng đã tạo ra một mô hình cho sự biến đổi của các nước cộng sản khác. Các bài học của nó không chấm dứt ở đây, tất nhiên. Các đồng nghiệp của tôi và tôi đã tổ chức một hội thảo lớn tập hợp những người từ xung quanh Bàn Tròn Ba Lan tại Đại học Michigan trong năm 1999 để suy ngẫm về ý nghĩa của năm 1989.[24] Một câu hỏi gây cảm hứng cho sự quan tâm của chúng tôi đã là: làm thế nào một xã hội, mà sự tranh đua chính trị của nó đã thấm nhuần cách nhìn phân đôi về xã hội, giữa “chúng tôi” và “họ,” lại đã có thể đàm phán một cách hòa bình về sự kết liễu của một hệ thống. Rốt cuộc, hầu hết các nhà xã hội học những người nghiên cứu sự thay đổi xã hội cơ bản, đặc biệt với lăng kính nhấn mạnh các bức tranh phân đôi về sự bất bình đẳng xã hội, có khuynh hướng để nhìn sự phân cực xã hội, và sự sụp đổ của nhà nước, như mang tính quyết định cho việc tạo ra sự thay đổi căn bản. Sự sụp đổ được thương lượng của chế độ cộng sản đã là khác. Nhưng đó cũng là một vấn đề về viễn cảnh, góc nhìn, như Ossowski nhắc nhở chúng ta.
Những người Bảo thủ Cấp tiến và Những người cánh Tả Bảo thủ
Một trong những sự khác biệt quan trọng nhất về ý kiến xung quanh “cách mạng được đàm phán” nằm ở sự đánh giá về sự sụp đổ hệ thống. Một trong những diễn giả của hội thảo, Wiesław Chrzanowski, một cố vấn ban đầu của Đoàn Kết, một trong những người sáng lập của Liên minh Dân tộc Thiên chúa giáo và một cựu Chủ tịch của Sejm, đã tranh cãi rằng Bàn Tròn đã là hệ quả của sự sụp đổ của hệ thống, chứ không phải nguyên nhân của sự phân hủy của hệ thống. Rốt cuộc, ông lưu ý, “mấy tháng sau Bàn Tròn, cùng với sự sụp đổ của bức Tường Berlin, các chế độ cộng sản khác ở Trung Âu, trừ Rumania, đã sụp đổ một cách hòa bình.”[25] Theo ý kiến của ông, Bàn Tròn này đã không là công cụ để chấm dứt chế độ cộng sản, mà đúng hơn là một cách cho một số nhóm cải thiện địa vị của họ trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Phong trào đối lập với chế độ cộng sản, ông biện luận, đã là thứ quan trọng hơn gây ra sự sụp đổ của hệ thống, cùng với sự ủng hộ yếu đi từ Liên Xô. Chính quyền cộng sản đã trình bày ý tưởng này về Bàn Tròn để thâu nạp phe đối lập đó và làm cho sự sụp đổ được lường trước của họ khỏi quyền lực được suôn sẻ. Chính quyền như thế đã thử tạo hình các đối tác của họ trong đàm phán, sao cho họ có thể đạt được thỏa thuận trao đổi tốt nhất. Bản thân phe đối lập cũng đã thấy điều này như một cơ hội. Chắc chắn, những cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến một số mục tiêu họ bám vào: “mở rộng lề của tự do, khôi phục Đoàn Kết hợp pháp… ngăn chặn loại va chạm trực diện nào đó.”[26] Chrzanowski, tuy vậy, cũng đã thấy rằng đây đã là một cơ hội cho “phe đối lập cánh tả,” mà không bao gồm Chrzanowski, để “loại bỏ hay hạn chế ảnh hưởng của cánh hữu của phe đối lập,” mà với nó ý ông đã muốn nói là các phần tử dân tộc chủ nghĩa hay Dân chủ Thiên chúa giáo.[27] Cùng với lợi thế chính trị này là đặc ân nào đó, một số “lợi thế,”[28] cái mà muộn hơn tại hội thảo Chrzanowski đã gọi là “váng kem”[29]:
… như một kết quả của thỏa thuận được thảo luận (Bàn Tròn), phe chính phủ trước tháng Sáu (những người cộng sản), thay cho việc đầu hàng và hình phạt vì quá khứ, đã tìm thấy chỗ của nó một cách êm dịu bên trong trật tự mới của nền dân chủ nghị viện, và giữ lại các tài sản vật chất và tổ chức của nó. Công thức được chấp nhận về một nhà nước pháp quyền thường được dùng như một nơi trú ẩn khỏi sự trừng phạt tình trạng vô luật pháp. Trong số các lợi ích của đối tác khác là khả năng đưa ra các quyết định nhân sự liên quan đến một phần ba số ghế được thương lượng của Hạ viện năm 1989… Liên quan đến việc tiếp quản phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng, là đủ để nhắc đến Gazeta Wyborcza, hiện nay là tờ báo của ông Michnik, mà sự xuất bản nó đã là một sự nhượng bộ cho Đoàn Kết được dàn xếp tại Bàn Tròn từ chính phủ.[30]
Mặc dù Chrzanowski là một luật sư bảo thủ và một nhà lãnh đạo chính trị, sự đánh giá của ông dựa khá rõ ràng vào một bức chân dung “cấp tiến” của xã hội trong sự kết hợp của quyền lực và đặc ân của nó. Ông đã nhận diện rất rõ cách nhìn phân đôi của xã hội, mà tất nhiên đã hầu như không giới hạn ở phe đối lập cánh hữu. Nhưng đánh giá của ông về Bàn Tròn là đặc thù hơn đối với cánh hữu và na ná như các bức tranh cấp tiến về sự bất bình đẳng trong sự kết hợp trực tiếp của chúng giữa quyền lực và đặc ân. Những người cấp tiến có xu hướng tin những người nắm quyền, mà họ chống đối, hành động theo cách tạo ra những lợi ích ích kỷ. Chrzanowski quy khá rõ ràng động cơ này cho việc tham gia Bàn Tròn của những người cộng sản, nhưng ông ngụ ý rằng các cựu đồng nghiệp, thiên tả hơn, của ông trong Đoàn Kết cũng đã có cùng tham vọng.[31]
Adam Michnik, tuy vậy, đã khá bối rối bởi cáo buộc của Chrzanowski. Michnik đã phản công rằng Chrzanowski đang tạo ra một “truyền thuyết đen” gắn với Bàn Tròn, bằng cách cho rằng thỏa thuận này đã được làm ra vì lợi ích của những người đã đàm phán, hơn là vì lợi ích của Ba Lan. Đúng là tờ báo của Michnik là một trong những tờ báo thành công nhất ở Ba Lan, và ở Đông Âu nói chung, nhưng câu trả lời dí dỏm của Michnik cho Chrzanowski gợi ý một lý do cho sự thành công của nó: “Ông lo lắng rằng tôi có “váng kem” từ Gazeta và tôi rất vui vì Ba Lan có một tờ báo hay. Và tôi rất vui vì không có nước hậu cộng sản khác nào có một tờ báo tốt như thế. Và tôi muốn ông và bạn bè chính trị của ông có thể làm một tờ nhật báo như vậy và chúng ta sẽ có hai tờ báo tốt nhất!”[32]
Bỏ sự dí dỏm sang một bên, sự trao đổi lời qua tiếng lại này chạm vào tâm của một trong những vấn đề làm mất tính chính đáng về mặt chính trị nhất với Bàn Tròn. Đấy đã có là một “thỏa thuận trao đổi bí mật” giữa những người cộng sản và những bộ phận nào đó của phe đối lập Đoàn Kết để tạo ra lợi thế cho tất cả các nhà đàm phán hay không? Ngay cả vị Giám mục người đã gắn bó nhất với các cuộc đàm phán Bàn Tròn, Alojzy Orszulik, sau mười năm đã có thể bày tỏ sự thất vọng với việc Bàn Tròn phân bổ đặc ân. Rốt cuộc, ông nói, những biến đổi của mười năm vừa qua đã làm tổn thương các công nhân và nông dân nhiều nhất. Họ là các nạn nhân, họ là những người nghèo, của sự biến đổi này. Còn ngược lại,
một số người từ chế độ (cộng sản), phải, thậm chí rất nhiều người trong số họ, đã vẫn khá lên, trong một tình trạng tốt, không chỉ vì họ giữ căn hộ của họ, mà cũng bởi vì tiền lương và những cơ hội để có được việc làm trong công việc béo bở khác của họ. Tôi nhớ khi ông Sekula rời đi, ngay lập tức người Nhật đề nghị ông vị trí của một chuyên gia, tôi nghĩ một trăm năm mươi ngàn zloty một tháng. Hôm nay, tôi nhìn vào bản thân mình, nhìn lại và như một người già bảy mươi bảy tuổi, sau khi đã chính thức làm việc tại Ban thư ký của Hội đồng Giám mục trong ba mươi ba năm, tôi có lương hưu, tôi nghĩ, khoảng bốn trăm ba mươi zloty trước thuế và sau thuế là ba trăm chín mươi sáu zloty. Cho nên đó cũng là một hành động bất công.[33]
Những người chấp nhận quan điểm “cấp tiến” về các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, và khảo sát mối quan hệ giữa các lợi ích của những người có quyền thế lớn và quá trình thay đổi, thì chắc vì thế sẽ thấy cái gì đó ít anh hùng hơn về Bàn Tròn. Nhưng là quan trọng để thử phân biệt giữa những kết quả của Bàn Tròn, và sự thành công của cuộc cách mạng được thương lượng đó.
Một người tham dự khác của hội thảo, Lech Kaczyński, đã nói về Bàn Tròn bằng những từ ngữ tương tự như Giám mục Orszulik. Cả vị Giám mục lẫn nhà chính trị đều đồng ý rằng Bàn Tròn đã là một phương tiện rất tích cực để phát triển một nước Ba Lan độc lập và dân chủ, một cách hòa bình. Nó đã hợp pháp hóa Đoàn Kết và nó đã mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ. Trên nền tảng đó Đoàn Kết đã thành công và đã thắng các cuộc bầu cử. Họ thậm chí đã tận dụng lợi thế của thắng lợi đó để lập một chính phủ, do Tadeusz Mazowiecki đứng đầu. Nhưng sau khi chế độ cộng sản đã sụp đổ ở phần còn lại của khu vực, Kaczyński tin rằng chính phủ Đoàn Kết đã phải chuyển nhanh để làm sâu sắc những thay đổi, để tư nhân hóa công nghiệp nhanh hơn, để tạo ra các quyền tự do dân sự và các thủ tục dân chủ nhanh hơn, để xây dựng một nhà nước mới, và để tái cấu trúc xã hội một cách cơ bản hơn. Kaczyński cho rằng sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên khắp khu vực đã phải có một bước đi xông xáo hơn để thiết lập công lý, để trừng phạt những kẻ đã phạm những tội trắng trợn dưới sự cai trị cộng sản và chắc chắn chấm dứt các đặc ân của họ.[34]
Quan điểm này có thể được đồng nhất với chủ nghĩa cấp tiến của Chrzanowski, nhưng Kaczyński thấy rõ sự thỏa hiệp Bàn Tròn này là “cần thiết.” Với sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở khắp khu vực, tuy vậy, sự thỏa hiệp đó phải được bãi bỏ và những người đã được đặc ân trong hệ thống cũ không được nhận đặc ân trong chế độ mới. Theo nghĩa này, Kaczyński đúng ra giống Lenski hơn là Chrzanowski, vì ông cho rằng chúng ta phải xem các điều kiện trong đó quyền lực và đặc ân được phân bổ. Đôi khi sự bất bình đẳng có thể là vì lợi ích của xã hội, nhưng trong những lúc khác, nó là kết quả của sự bất công. Thỏa hiệp với những người cộng sản đã là tốt khi đã không rõ liệu chế độ cộng sản có thể quay lại hay không; một khi nó đã chết và đã qua, các thỏa thuận đó phải bị tuyên vô giá trị.
Người mà hầu hết các nhân vật bảo thủ và trung dung này tranh cãi chống lại, là Adam Michnik, người mà Ira Katznelson đã gọi là nhà trí thức dân chủ biểu tượng của Đông Âu.”[35] Trong khi ông thường được chỉ ra như một người cánh tả, ông giống một người bảo thủ hơn nhiều, theo nghĩa của Lenski về từ này. Ông mô tả Bàn  Tròn như một công cụ chính trị đã phục vụ các giá trị của Ba Lan, chứ không phải của bất cứ một nhóm cá biệt nào. Và được gắn vào bên trong phương pháp biến đổi của nó là một mô hình thay thế khả dĩ về xã hội mà đã đáng để mô phỏng.
Tất nhiên Michnik tin rằng mỗi bên đã có một mục tiêu chiến lược. “Mục tiêu chiến lược của đảng cộng sản đã là để có được một tính chính đáng mới cho sự cai trị cộng sản ở Ba Lan và nước ngoài, và việc cho phép hình thức nào đó của đối lập được hợp pháp hóa đã là cái giá cho điều đó. Mặt khác, các mục tiêu chiến lược của phe đối lập Đoàn Kết đã là hợp pháp hoá Đoàn Kết và phát động quá trình chuyển đổi dân chủ”[36] Đã không có thỏa thuận bí mật nào, gống như Lech Kaczyński và những người khác cũng đã xác nhận, nhưng nó đã là một thỏa hiệp. Và như Michnik lưu ý, tất cả các thỏa hiệp tạo ra những lời buộc tội sau đó của “những người cực đoan” về sự phản bội.[37]
Michnik tin rằng trong khi sự đàm phán Bàn Tròn này đã không tạo ra một giá trị tinh thần (ethos), nó đã được gắn vào một loại bầu không khí khác “mà đã làm cho hai thế giới, nói hai ngôn ngữ khác nhau, có thể giao tiếp.”[38] Quả thực, ông đã học trong ngữ cảnh đó rằng trong khi quan điểm cộng sản này đã chắc chắn là đáng trách theo một số cách, nó cũng đã có ảnh hưởng hơn ông hay các đồng nghiệp của ông đã thừa nhận rất nhiều. Những người cộng sản này, ông biện luận, thậm chí những người
chấp nhận chính quyền cộng sản vì lợi ích riêng của họ, là một phần của dân tộc Ba Lan, mà không thể bị loại bỏ khỏi Ba Lan, trừ phi người ta muốn tiêu diệt cộng đồng dân tộc Ba Lan. Và đây là cái tôi đã học được ở Bàn Tròn. Có hai triết lý. Hôm nay chúng ta có thể nói với những người, những người từng là kẻ thù của tôi khi đó, và những người đã thường nhốt tôi vào nhà tù, ... chúng ta có thể nói: “Bạn có cơ hội để trở thành hoặc một người bạn của Ba Lan dân chủ độc lập, một Ba Lan hướng tới phương Tây và có một nền kinh tế thị trường tự do, hoặc bạn có thể đưa ra một sự lựa chọn có ý thức và lựa chọn địa vị của một kẻ thù của nước Ba Lan mới.” Nói cách khác, có hai triết lý đối mặt với bất kỳ nhóm nào muốn tham gia vào chính phủ sau thời của chế độ độc tài cộng sản, toàn trị, hoặc nửa toàn trị. Hai logic. Logic của sự tái chinh phục và logic của sự hòa giải… logic của tái chinh phục những gì đã mất, tái chinh phục đất nước, là một logic phản dân chủ sâu sắc theo ý nghĩa là nó thực sự làm suy yếu tính đa nguyên của xã hội chúng ta.[39]
Theo nghĩa này, Michnik tìm cách để đề cao giá trị nào đó mà ông đã học được tại Bàn Tròn và một cách tư duy khác, một bản sắc khác cho nhà nước Ba Lan.[40] Bản sắc này, dựa trên triết lý của sự hòa hợp, giả sử rằng “những người đã chiến đấu chống lại Cộng hòa Nhân dân và những người đã phục vụ Cộng hòa Nhân dân” cả hai đều là bộ phận của một tương lai dân chủ..[41]
“Sự bảo vệ” này cho hiện trạng được tạo ra bởi Bàn Tròn là chắc chắn bảo thủ. Hơn nữa, nó tạo ra mức độ phẫn uất cơ bản nào đó không chỉ về đặc ân gắn với một số người đã ngồi ở Bàn Tròn mà cũng ngang thế đối với sự thực rằng Bàn Tròn này bây giờ lại được biến thành một truyền thuyết anh hùng. Nếu đây là chủ nghĩa đa nguyên, nó cũng là bất công. Những người cấp tiến bên cánh hữu, và những người cấp tiến trung dung, cho rằng Michnik đang áp đặt một tầm nhìn về Ba Lan mà thực ra đã sinh ra tại Bàn Tròn, trong thỏa thuận đổi chác giữa “bọn đỏ và bọn hồng.” Và sự mỉa mai là ở đây. Những người bảo thủ trong nền chính trị Ba Lan gắn kết mật thiết nhất với truyền thống “cấp tiến” theo nghĩa của Lenski, trong khi các nhà chức năng luận được mô tả như bọn hồng. Nhưng phải nói thật, bọn đỏ cũ thậm chí còn bảo thủ hơn.
(Phần này còn tiếp)
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
[1] Gerhard Lenski, Power and Privilege: A Theory of Social Stratification (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 1984 [1966]), 2. Lenski đã cảnh báo rằng việc này phải được nghĩ ít hơn như một vấn đề về cấu trúc, và nhiều hơn như một vấn đề của quá trình phân phối.
[2] Ibid., 5.
[3] Hội thảo “Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years After” đã xảy ra tại Đại học, 7-10/4/1999. Các cuộc thảo luận với những người tham dự hội thảo đó, và các đồng nghiệp cùng tổ chức hội nghị – Brian Porter, Marysia Ostafin, Piotr Michałowski, Ewa Junczyk-Ziomecka và Zbigniew Bujak – đã rất quý giá cho bài báo này. Tôi đánh giá cao sự đóng góp, mà đã làm cho hội thảo đó có thể, của Đại học Michigan, LOT Airlines, American Airlines, McKinley Associates/Ron and Eileen Weiser, Miller, Canfield, Paddock and Stone, P.L.C., Video Studio Gdańsk, the Earhart Foundation, the Kosciuszko Foundation, Robert Donia và Monica và Victor Markowicz. Ngoài ra, sự tài trợ từ the United States Institute for Peace và từ the National Council for Eurasian and East European Research đã cho phép tôi và các đồng nghiệp của tôi Brian Porter và Andrzej Paczkowski để tiến hành các cuộc phỏng vấn thêm vượt quá bản thân hội thảo. Bản gỡ băng, Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, được dịch bởi Kasia Kietlinska, được biên tập bởi Donna Parmelee (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies,1999), có sẵn tại <www.umich.edu/~iinet/PolishRoundTable/frame.html>. Số trang trong chú thích dẫn chiếu đến số trang của bản in gốc của bản gỡ băng, mà đã đã được cung cấp cho các tác giả của tập hướng dẫn này để tham khảo. Các số trang này có thể không tương ứng với bản gỡ băng có sẵn trên web hay các phiên bản in sau đó.
[4] Lenski dựa vào Kingsly Davis, Human Society (New York: MacMillan, 1949), 367.
[5] Talcott Parsons, “A Revised Analytical Approach to the Theory of Social Stratification,”in Reinhard Bendix and S.M. Lipset, eds., Class, Status and Power: A Reader in Social Stratification (New York: Free Press, 1953), 92-128.
[6] Lenski, 16.
[7] Ibid., 22-23.
[8] Ibid., 176.
[9] Stanisław Ossowski, Class Structure in the Social Consciousness (New York: Free Press of Glencoe, 1963), 33-34.
[10] Ibid., 437-38.
[11] Ibid., 172, 174.
[12] Anthony Giddens mô tả một “thời khắc quyết định-critical moment” trong The Constitution of Society (Berkeley: University of California Press, 1984).
[13] Về cách tiếp cận của tôi đến cuộc cách mạng này, xem Michael D. Kennedy, “Contingencies and the Alternatives of 1989: Toward a Theory and Practice of Negotiating Revolution,” East European Politics and Society 13:1(1999): 301-10. Tôi không là người duy nhất gợi ý một cách tiếp cận như vậy, tất nhiên. Giữa các thí dụ hữu ích nhất về loại phân tích này là các công trình Rudolf Tokes, Hungary’s Negotiated Revolution (Cambridge: Cambridge University Press, 1996); David Stark and László Bruszt, “Remaking the Political Field: Strategic Interactions and Contingent Choices,” in Postsocialist Pathways (Cambridge: Cambridge University Press, 1998), 15-48; Andrzej Paczkowski, “Polska 1986-1989: od kooptacji do negocjacji: Kilka uwag o wchodzeniu w process zmiany systemowej,” Instytut Studiów Politycznych Polskiej Akademii Nauk, Warszawa, 1997.
[14] Xem, thí dụ, Andrew Arato, “Revolution, Restoration and Legitimation: Ideological Problems of the Transition from State Socialism”, in Michael D. Kennedy, ed., Envisioning Eastern Europe: Postcommunist Cultural Studies (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1994), 180-246.
[15] Sách của Teresa Torańska, Them (New York: Harper and Row, 1987; đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ba Lan như Oni), đã dựa trên các phỏng vấn với các cựu lãnh đạo cộng sản, và My (Bản dịch tiếng Anh: Us”) (Warsaw: Most, 1994), dựa trên các phỏng vấn với với các lãnh đạo của Đoàn Kết, minh họa điều này bằng thí dụ. Về một tổng quan về những cách tiếp cận giai cấp đến giai đoạn Đoàn kết ban đầu này, xem Chương 5 của Michael D. Kennedy, Professionals, Power and Solidarity in Poland: A Critical Sociology of Soviet-type Society (Cambridge: Cambridge University Press, 1991).
[16] Xem, thí dụ, các bình luận của Mieczysław Rakowski, Communism’s Negotiated Collapse, 21-22, và Janusz Reykowski, Ibid., 111.
[17] Phóng vấn Wojciech Jaruzelski, tháng Mười 1998. Cuộc phỏng vấn này và nhiều cuộc khác được trích dẫn trong bài báo này đã được tiến hành với sự tài trợ từ một hợp đồng với National Council for Eurasian and East European Research (NCEEER), dưới thẩm quyền của Title VIII grant từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho dự án, “Negotiating Revolution in Poland: Conversion and Opportunity in 1989.” Cả NCEEER lẫn Chính phủ Hoa Kỳ đều không chịu trách nhiệm về các ý kiến được bày tỏ ở đây. Xem cả các bình luận của Stanisław Ciosek trong Communism’s Negotiated Collapse, 41.
[18] Xem Paczkowski.
[19] Adam Michnik, “Towards a Civil Society: Hopes for Polish Democracy,” in Letters from Freedom: Post-Cold War Realities and Perspectives (Berkeley: University of California Press, 1998), 98-99.
[20] Thực ra một phần của vấn đề của họ đã là, những người cộng sản đã chọn một loại đặc biệt của hệ thống bầu cử - hệ thống bầu cử vòng hai theo đa số hơn là hệ thống bầu cử đơn nhất có thể chuyển được [cho ứng viên khác] – mà đã khuếch đại thất bại cộng sản. Xem Marek Kamiński, “Jak Komuniści Mogli Zachować Władze po Okrągłym Stole: Rzecz o (nie) Kontrolowanej Odwilży, Sondażach Opinii Publicznej i Ordynacji Wyborczej,” Studia Socjologiczne 145:2(1997): 5-34.
[21] Phỏng vấn Janusz Reykowski, April 10, 1999. Xem cả Communism’s Negotiated Collapse, 112.
[22] Phỏng vấn Andrzej Gdula, October 10, 1998.
[23] “Your President, Our Prime Minister” is reprinted on pp. 129-31 of Letters from Freedom.
[24] Website với bản ghi chép gỡ băng từ hội thảo đó là <www.umich.edu/~iinet/PolishRoundTable/frame.html>.
[25] Communism’s Negotiated Collapse, 28.
[26] Ibid., 27.
[27] Ibid.
[28] Ibid., 28.
[29] Ibid., 123.
[30] Ibid., 29.
[31] Mặc dù ông thừa nhận rằng những lợi thế theo sau này đã không “lường trước được” lúc đó. Xem Communism’s Negotiated Collapse, 123.
[32] Communism’s Negotiated Collapse, 126.
[33] Ibid., 259.
[34] Ibid., 238-39.
[35] Ira Katznelson, Liberalism’s Crooked Circle: Letters to Adam Michnik (Princeton: Princeton University Press, 1996), 11.
[36] Communism’s Negotiated Collapse, 10.
[37] Ibid., 16.
[38] Ibid., 108.
[39] Ibid., 109.
[40] Ibid., 234.
[41] Ibid., 16.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:39
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_15.html
========================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 14)


Dịch giả: Nguyễn Quang A
Quyền lực, Đặc ân và Hệ tư tưởng
trong sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản
(tiếp theo)
MichaeD. Kennedy

Những người hậu-Cộng sản Bảo thủ

Tại hội thảo này, Mieczysław Rakowski đã đưa ra các lý lẽ bảo thủ quen thuộc nhất bảo vệ mối quan hệ giữa quyền lực và đặc ân. Ông đã không quay lại chỉ Bàn Tròn, mà đã quay lại đến 1945, và đặc biệt 1956, để viết lại sự cai trị của những người Cộng sản và sự phục vụ của họ cho dân tộc Ba Lan. Chính quyền cộng sản Ba Lan đã cử chín ngàn rưởi người đã tốt nghiệp các đại học Ba Lan, đa số họ là đảng viên, sang phương Tây để nghiên cứu, và quay về nước, họ đã tạo ra một bầu không khí mới, một bầu không khí cởi mở phóng khoáng hơn nhiều.[1] Những người Cộng sản Ba Lan cũng đã bảo vệ việc làm ăn tư nhân của nông dân sau 1956, cho phép Ba Lan trở thành nước duy nhất dưới sự thống trị Soviet trực tiếp để có một “khu vực đỗ xe-parking orbit”[2] như vậy cho tinh thần kinh doanh.[3] Gomułka, nhà lãnh đạo của Ba Lan giữa năm 1956 và 1970, đã đặc biệt quan tâm giữ gìn chủ quyền của Ba Lan chống lại một thỏa thuận mới giữa những người Đức và những người Nga, và đã làm những gì có thể để giữ gìn nó.[4] Ngay cả người anti-Semitic (bài Do Thái) nhất đó trong số những người cộng sản Ba Lan, Mieczysław Moczar, cũng đã giúp để xây dựng nhân tố dân tộc của những người Cộng sản Ba Lan.[5] Tóm lại, Rakowski biện luận: những người Cộng sản, mặc dù tất cả các nhân tố tiêu cực của họ, đã làm những gì họ có thể để nâng cao quyền tự do bên trong Ba Lan và bảo vệ chủ quyền của nó. Vì thế, ta không được nghĩ về sự tham gia của họ vào Bàn Tròn như bất cứ thứ gì kỳ lạ, mà đúng hơn là nhất quán với việc làm những gì họ đã có thể để mở rộng quyền tự do và chủ quyền và hợp lý hóa nền kinh tế. Và chính sự cai trị tương đối thoải mái của những người Cộng sản đã là cái cho phép bản thân phe đối lập hình thành.[6] Tất nhiên phần lớn lãnh đạo của Đảng, thậm chí đến tận cuối năm 1988, đã tin rằng họ đã có thể, và đã phải, làm mà không có phe đối lập. Nhưng Rakowski cho rằng chính những người Cộng sản, cuối cùng, đã là những người đã cho phép sự thay đổi này xảy ra, và trên thực tế, chính sự thay đổi thái độ của những người Cộng sản Ba Lan đã dẫn đến sự kết thúc của chính chế độ cộng sản. Stanisław Ciosek, một nhân vật cựu Cộng sản hàng đầu, người sau đó đã trở thành Đại sứ Ba Lan ở Nga, đã đưa ra một lý lẽ khác theo cùng chủ đề: mối quan tâm hàng đầu của chính quyền cộng sản đã là để tránh nội chiến.
Nhưng hệ thống đã có thể bị sụp đổ trong một thời gian dài và theo cách khá đẫm máu. Đó là một sáo ngữ, nhưng trước khi một cái gì đó thực sự kết thúc, nó có thể đi theo nhiều cách khác nhau. Lịch sử không luôn luôn đi về phía trước. Ba Lan đã không bị định mệnh buộc để thỏa hiệp... tất cả mọi thứ đã xảy ra ở Ba Lan đã thực sự không logic. Nó trái với những kết luận rút ra từ kinh nghiệm trước đây. Nó thực sự đã không có quyền xảy ra, nhưng dẫu sao đi nữa nó vẫn đã xảy ra!… Có thể đã có Thượng đế Linh thiêng, Đức Chúa, canh gác các bước đi của chúng ta. Theo lẽ thường, và theo kết luận rút ra từ lịch sử của hệ thống, điều này đã phải dẫn đến cuộc đối đầu đẫm máu. Đã có thể đủ cho các tùy chọn khác thắng ở Liên Xô và ở Ba Lan, và khi đó không cần quá nhiều trí tưởng tượng, chúng ta có thể giả định các nỗ lực cải cách kinh tế mà không có bất kỳ thay đổi nào về hệ thống chính trị, thậm chí kể cả khả năng trải qua… Quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc… Điều này đã là thật, nỗi sợ này về nội chiến, nó thực sự đã thúc đẩy chúng tôi.[7]
Chắc chắn, đã có những sự đối đầu đẫm máu giữa chính quyền cộng sản Ba Lan và các công nhân và những người khác trong quá khứ. Những người cộng sản Ba Lan gặp khó khăn để thuyết phục nhiều trong số các nạn nhân trước đây của nó rằng loại đối đầu này đã là không nhất quán với các giá trị của họ. Quả thực, có lẽ đúng là điều này đã nhất quán với chí ít một số giá trị cộng sản. Nhiều người cộng sản đã kháng cự lại ý tưởng thỏa hiệp, nhận ra trong nó sự chấm dứt quyền lực và đặc ân của họ. Thí dụ, Janusz Reykowski, một trong những nhà đàm phán cộng sản, đã mô tả cảm  nhận đó về sự phản bội mà bản thân ông đã phải đối mặt. Vào ngày đảng cộng sản Ba Lan giải thể, “một thanh niên đã đến gần tôi, đưa tay ra, và với một cái nhăn mặt giận dữ trên khuôn mặt anh, đã nói, ‘Phải, cảm ơn ông rất nhiều vì đã phá hủy đảng’.”[8] Mặt khác, đối với Reykowski, lòng trung thành chính của ông, ông lập luận, đã là với “nhà nước, đất nước, và không phải bất kỳ hệ thống tổ chức chính trị cụ thể nào.”[9]
Với một quan điểm cấp tiến về quyền lực và đặc ân trong các xã hội do cộng sản cai trị, khó để ấp ủ ý tưởng rằng bất kỳ người cộng sản nào sẽ thấy sự liên kết của họ với những người có quyền thế và có đặc ân như một vấn đề về lòng trung thành với dân tộc hay đất nước. Những người cấp tiến không thể tưởng tượng rằng những người nắm quyền lực sử dụng ảnh hưởng của họ cho lợi ích xã hội. Ngay cả những người nhấn mạnh khát vọng tôn giáo để yêu thương kẻ thù của mình, như Giám mục Bronisław Dembowski, cũng có các lý do mạnh mẽ để không tin các yêu sách cộng sản đối với tính chính đáng. Nhớ lại cuộc đời riêng của mình, ông đã gợi lại một thời khắc cảm động, khi với tư cách một
thành viên của “Đội ngũ Xám” (szare szeregi), một cá nhân trong trung đoàn 72 của Quân đội Quê hương khu vực Radom, lời thề trung thành trong năm 1943, ở tuổi mười sáu, một người tham gia Chiến dịch Bão táp từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1944. Tháng tư năm 1945, tại Radom, tôi đã thấy áp phích, “Bọn cướp Quân đội Quê hương biến đi” và “thằng lùn thò lò mũi xanh, phản động.” Và đó đã là phần thưởng.... Nước mắt đang trong mắt tôi bây giờ... đây đã là phần thưởng cho cậu bé sẵn sàng chết cho Ba Lan... “Thằng lùn thò lò mũi xanh, phản động”! Tôi xin lỗi... Phải, bạn có thể thấy nó vẫn còn sống, nó lại trở về?[10]
Đối với những người đã chịu đau khổ kinh khủng đến vậy dưới tay chính quyền cộng sản, thì cách nhìn cấp tiến, cách nhìn phân đôi đó về “chúng tôi versus họ,” đến một cách dễ dàng. Người ta có thể cho rằng ngược lại với hoàn cảnh nơi chủ nghĩa cấp tiến là một quan điểm thiểu số và các ý tưởng bảo thủ là bá chủ, tại Ba Lan chủ nghĩa cấp tiến đã áp đảo, và chủ nghĩa cấp tiến đó, “văn hóa chống cộng” đó, là cái diễn đạt mạch lạc quan điểm về công lý trong việc phân bổ quyền lực và đặc ân. Người ta không thể dễ dàng cho phép rằng những người cộng sản hoạt động nhân danh dân tộc. Những đòi hỏi của những người như Mieczysław Rakowski hay Stanisław Ciosek không dễ dàng được chấp nhận bởi vì chúng không hợp với văn hóa cách mạng, tuy vậy trừ phi đây là một loại cách mạng khác, dựa trên một ý nghĩa khác về quyền lực.
Cấp lực cho Cách mạng Hòa bình
Cách nhìn “cấp tiến bảo thủ” vể sự sụp đổ của chế độ cộng sản dễ thích hợp nhất với hầu hết các lý thuyết quy ước về cách mạng. Một mặt, hệ thống đã đang suy yếu vì các mâu thuẫn nội tại của nó, và mặt khác, phe đối lập ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn. Tuy vậy, điều quan trọng là lưu ý phong trào này đã thử phát triển mạnh hơn như thế nào.
Zbigniew Bujak, một lãnh đạo của phong trào phản kháng ngầm từ 1981 qua việc ông bị bắt năm 1986, đã mô tả chiến lược của phong trào. Nó đã không quan tâm đến những cuộc đối đầu và biểu tình trên đường phố. Mỗi lần họ thử “chiến thắng phía bên kia bằng đấu tranh vũ trang,” họ đều thua. Vì thế, họ đã quyết định rằng “chiến đấu mà không có bạo lực đã là tốt nhất.” Tất nhiên đã có những khả năng khác.
… trong những ngày đầu tiên của thiết quân luật, một số người trẻ tuổi đã quyết định để có được vũ khí. Họ đã cố gắng lấy vũ khí từ một cảnh sát, một phát đạn vang lên, và cảnh sát đó đã chết. Cảnh sát mặc đồng phục đã không phải là đối thủ của chúng tôi và chúng tôi đã không thực sự chiến đấu chống lại họ. Đối thủ thật sự của chúng tôi là công an mật. Vì vậy, đó là một cái chết bi thảm và không cần thiết. Tuy vậy, tất nhiên, những người trẻ, những người hoạt động trong các tổ chức ngầm thực ra đã đang được vũ trang. Họ đã đơn giản mua vũ khí, mua lựu đạn,… Tuy vậy, chúng tôi đã thành công để thuyết phục những người trẻ tuổi ấy rằng đó không phải là cách đúng đắn để theo. Nếu giả như chúng tôi đã bước vào con đường đó, chúng tôi đã thua. Bởi vì phía bên kia thực sự muốn điều này. Và chúng tôi cũng đã biết rằng hành động khiêu khích này để đẩy chúng tôi vào vị trí khủng bố đã được chuẩn bị. Nhưng chúng tôi đã xoay xở để bảo vệ mình khỏi điều này, và tôi sẽ trung thực về nó, đã cần một nỗ lực thực sự. Những vũ khí tôi đề cập đến đã thực sự chìm dưới sông Vistula và tất cả đã là nhờ những người đứng đầu các tổ chức ngầm đã hiểu chiến lược của chúng tôi…[11]
Bujak đã nhận diện Mahatma Ghandi và Martin Luther King, Jr. như các tấm gương của phong trào.[12] Tất nhiên họ cũng đã có khát vọng tôn giáo quốc gia của họ.
Không phải tất cả mọi người đều đã theo Công giáo La Mã trong phe đối lập Ba Lan, nhưng Giáo hội Công giáo La Mã đã ủng hộ rõ ràng Đoàn Kết trong cuộc đấu tranh hòa bình của nó. Giáo hội đã phục vụ như một “nhân chứng” của các cuộc đàm phán, nhưng tất cả mọi người đã đều biết Giáo hội đã ủng hộ ai. Hơn nữa Giáo hoàng John Paul II thậm chí đã ủng hộ một nỗ lực của Đoàn Kết để đưa vào các nghiệp đoàn liên kết riêng với Giáo hội, nhận ra rằng những người cộng sản đã tìm cách chia rẽ và vì thế làm suy yếu phe đối lập.[13] Trước khi họ đi đến Magdalenka để đàm phán bí mật, phe đối lập, cả những người có định hướng Công giáo lẫn không-Công giáo, tập hợp tại Hội đồng Giám mục. Giám mục Orszulik nhớ lại: “Một lần, chúng tôi đi đến đó, chúng tôi đi xuống cầu thang, tôi, Đức Giám mục Goclowski, tất cả những người khác. Chúng tôi đang gần đến cửa, và Mazowiecki nói, ‘Nghe này, nhưng đầu tiên chúng ta phải đi đến nhà nguyện để cầu nguyện.’ Và tất cả chúng tôi đã quay trở lại, tất cả chúng tôi đã quỳ xuống, và tất cả chúng tôi đã cầu nguyện. Và đó đã là sự thống nhất. Một nhóm, một đội.”[14] Đây đã là nhiều hơn một lễ nghi. Đoàn Kết, như một giá trị, đã có nghĩa là cái gì đó sâu thẳm. Như Orszulik đã mô tả nó,
Chỉ có một giá trị cho chúng tôi: Đoàn Kết. Và bên trong Đoàn Kết, đã có tất cả mọi người, những người theo định hướng chính trị khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đã hết sức vất vả trong các cuộc gặp gỡ đầu tiên với phía chính phủ, khi đã có các nỗ lực để loại trừ ông Michnik và ông Kuron, để... Chúng tôi đã chống lại điều đó, hệt như Walesa lúc ấy, tin rằng có một nhu cầu để tạo ra một phổ, một nền tảng xã hội rộng lớn hơn, để cho thành công của các cuộc đàm phán đó hiện thực hơn. Cho nên đã không có ai tô vẽ cánh tả như những Trotskyite, nguy hiểm đối với Giáo hội, và nhân tiện, tại Bàn Tròn chúng tôi đã không quan tâm đến bản thân Giáo hội. Mối quan tâm của chúng tôi đã tập trung vào dân tộc, đất nước, những thay đổi trong nước, sự cải thiện tình hình ở Ba Lan, cuộc sống của người dân. Đó đã là mối quan tâm của chúng tôi chứ không phải phân chia mọi người thành những người chúng tôi thích và những người chúng tôi không thích.[15]
Đây đã là Đoàn Kết. Không chỉ là tổ chức tập thể cần thiết để thúc đẩy sự nghiệp của những người không có quyền lực chống lại những người quyền thế, mà cũng là một giá trị đạo đức, một nguyên tắc đạo lý tạo sức sống cho cuộc đấu tranh hòa bình. Giám mục Dembowski đã minh họa một số điểm của đạo lý đó trong khi nhớ lại về ý nghĩa của “các kẻ thù” đối với Giáo hội. Ông đã hoàn toàn bị ấn tượng bởi những từ xuất hiện vào đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của John Paul II: “Giáo hội không có kẻ thù nào, cho dù có nhiều người coi Giáo hội là kẻ thù của họ.” Đức Giám mục đã mô tả chính quyền cộng sản cũng thế: họ không là kẻ thù của ông, nhưng “các nhà chức trách đã đặt bản thân họ đối lập với xã hội bằng cách áp đặt một hệ thống xã hội-kinh tế và chủ nghĩa vô thần.”[16]Theo nghĩa này, một tầm nhìn của Đoàn Kết đã được tạo ra để ngỏ cho những người hối hận và gia nhập vào xã hội. Theo tri giác này, được sinh ra từ St. Paul và được tái tạo bởi Cha Józef Tischner, Đoàn Kết là để “mang gánh nặng của nhau.”[17]
Khó để tưởng tượng việc mang gánh nặng đó thuộc những người cộng sản, nhưng có lẽ có thể hình dung được về việc mang gánh nặng của sự thỏa hiệp, và của sự đối thoại.
Tôi đã mời Janusz Reykowski tham gia một panel đề cấp đến đạo đức học. Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng thế giới này ban đầu đã chống lại ý tưởng, nghĩ rằng sự đóng góp của ông sẽ bị phủ nhận bởi sự thực ông đã đàm phán cho những người cộng sản. Những người đã chịu đau khổ nhất, và những người trông giống các thánh hơn ông, có thể đã hầu như không thay đổi ý kiến để cho ông là có đạo đức, ông đã sợ. Hơn nữa, ông đã là một trong số người phóng khoáng ngày càng ít trong đảng cộng sản mà tin vào sự đối thoại. Khi chính quyền áp đặt quân luật trong năm 1981, nhiều nhà cải cách đã bỏ Đảng. Ông đã không bỏ và đã có khá nhiều người cộng sản chống lại sự thỏa hiệp này với kẻ thù. Quan điểm này thậm chí đã sống sót và đã có được sức mạnh nào đó với mười năm vừa qua. Một nhân vật xuất chúng từ chế độ cộng sản đã bảo ông về lý do cho Bàn Tròn.
“…những người sai đã nắm quyền lực. Nếu giả như chúng tôi đã kịp thời loại bỏ họ, chúng tôi đã thoát khỏi Jaruzelski, Rakowski và Ciosek, và đã thay họ bằng những người xã hội chủ nghĩa thực sự và những người yêu nước thực sự, thì đã chẳng cần đến toàn bộ Bàn Tròn. Và “Hãy nhìn xem,” ông ta nói, “hãy nhìn những gì đã xảy ra, bao nhiêu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói bây giờ, và có bao nhiêu sự giàu có đã được tạo ra bằng việc lấy cắp tài sản nhà nước, bởi cả nomenklatura cũ và nomenklatura mới.” … có một thời điểm, đó là giữa ngày 6 và ngày 8 tháng Sáu, khi những người tư duy theo các đường lối đó đã được huy động và tràn ngập Bộ Chính trị và Ban Bí thư với yêu cầu của họ để hủy bỏ kết quả bầu cử, khi họ đã chuẩn bị một báo cáo chuyên gia rằng giải pháp duy nhất đã là hủy bỏ các cuộc bầu cử. Và đã có một cuộc đấu tranh đầy kịch tính do báo cáo đó gây ra và đã có một nỗ lực để vô hiệu hóa loại tư duy đó. Nếu bạn nói, thưa quý bà và quý ông, như ông Chủ tịch [Quốc hội] Chrzanowski đã nói, rằng quân đội sẽ không ủng hộ loại yêu cầu đó, tôi sẽ nói: ừ, tốt hơn là chúng ta đã không phải kiểm tra việc đó.[18]
Cách nhìn này về Bàn Tròn như sự phụ bạc, sự phản bội, như thế có thể thấy ở cả phía cộng sản lẫn phía bảo thủ. Cả hai bên tin vào tính đúng đắn của cuộc chiến đấu, và tầm quan trọng của việc tránh thỏa hiệp với kẻ thù. Trong cuộc đối đầu với nhau, họ đã có thể tạo ra chính cái bạo lực đã thúc đẩy Reykowski đấu tranh cho việc thương lượng và Bujak quăng vũ khí xuống sông. Mặc dù Bujak và Reykowski đã ở các bên đối diện nhau của chiếc bàn, họ đã chia sẻ chí ít một giá trị: giải quyết một cách hòa bình những khác biệt cơ bản của họ. Tuy vậy, giá trị này về đối thoại hợp ra rao với bức tranh về quyền lực và đặc ân được mô tả trong hầu hết các công trình phân tích giai cấp? Rốt cục, nghe có vẻ giống như một sự biện minh bảo thủ cho hiện trạng, nơi quyền lực được sử dụng vì lợi ích của xã hội.
Quyền lực, Đặc ân và Thương lượng
Aleksander Kwaśniewski, Tổng thống Ba Lan và một nhà đàm phán trước đây cho bên cộng sản, đã đưa ra một luận điểm hấp dẫn cho mối quan hệ giữa quyền lực và thương lượng. Bàn Tròn đã
do sự suy yếu gây ra. Đảng đã yếu, chính phủ đã yếu, và Đoàn Kết đã yếu. Và Liên Xô cũng đã yếu. Mọi người đã đều yếu. Mặt khác, nó là kết quả của sức mạnh của những người đã nghĩ rằng một bước đột phá là có thể và rằng nó có thể được thực hiện. Adam Michnik đã nhắc đến ông Walesa và Wojciech Jaruzelski. Và tôi nghĩ rằng chúng ta mắc nợ sự tôn trọng của chúng ta với hai người này, vì tại thời điểm đặc biệt đó, khi đã có quá nhiều yếu tố chưa được biết và các điểm không rõ ràng, họ đã tiến hành nỗ lực mà chính họ và bất cứ ai trong chúng ta, những người tham gia Bàn Tròn, cũng đã chẳng thể đoán trước kết quả. Nhưng điều đó đã cho thấy sức mạnh, sức mạnh mà tôi có thể nói là kết quả của kinh nghiệm Ba Lan,… Như thế một mặt, sự yếu kém, và mặt khác, sức mạnh để đưa ra một quyết định mang tầm cỡ lịch sử, như bây giờ chúng ta có thể thấy.[19]
Lý lẽ này có tính quyết định. Đã chẳng bên nào có thể “áp đặt” giải pháp riêng của mình cho bên kia, và các bộ phận đáng kể của xã hội Ba Lan “đã không tin” các bộ phận khác. Ngay cả Lech Wałęsa đã không được hơn bốn mươi phần trăm công chúng Ba Lan tin, và những người từ Đoàn Kết ngầm một thời đã tổ chức nhà máy Ursus, như Zbigniew Janas, đã không còn có thể huy động một cuộc đình công ở đó nữa.[20]
“Sự yếu” này, tất nhiên, không có nghĩa rằng họ đã buộc phải thương lượng. Những sự kích động đã là có thể, và sự đối đầu bạo lực, tất nhiên, đã là một cách để ra khỏi sự bế tắc. Trong cả hai trường hợp, tuy vậy, Jaruzelski và Wałęsa đã có khả năng thể hiện đủ vai trò lãnh đạo đối với lực lượng riêng của họ để ngăn chặn một sự chạm trán bạo lực trong cuối các năm 1989. Khi đó, trường hợp này đã có thể gợi ý rằng cuộc cách mạng được thương lượng này đã phụ thuộc vào một điều kiện về quyền lực kép bên trong một nước, với mỗi bên có một lãnh tụ rõ ràng và không bị tranh chấp, nhưng với mỗi bên có ý định thương lượng một sự thỏa hiệp, hơn là áp đặt một chiến thắng. Và điều này có liên quan trực tiếp đến lý lẽ của Lenski về hoàn cảnh khi các lý lẽ “chức năng luận” có ý nghĩa trong đàm luận về quyền lực và đặc ân.
Trong các xã hội săn bắt và hái lượm, Lenski biện luận, mức bất bình đẳng là nhỏ bởi vì có “thặng dư” hạn chế trong xã hội. Như thế có các phương tiện hạn chế mà với chúng bất kỳ một nhóm hay một cá nhân nào có thể sử dụng quyền lực đối với những (nhóm) người khác. Trong các xã hội này, sự phân bổ hàng hóa và dịch vụ có khuynh hướng được phân bố trên cơ sở nhu cầu.[21] Trong các xã hội khác, một lý lẽ từ quyền lực ngự trị. Tuy vậy, người ta đã có thể mở rộng lý lẽ này để nói rằng: trong những điều kiện nơi quyền lực được phân bổ rộng rãi, và không hệ thống thứ bậc duy nhất nào về quyền lực ngự trị, thì sự tranh đua giữa các thế lực có thể dẫn đến sự thỏa hiệp phục vụ cho lợi ích rộng hơn. Nơi mọi người đều yếu, hoặc chúng ta sẽ nói mọi người tương thuộc vào nhau, thì tăng thêm cơ hội cho nhu cầu xã hội sẽ bao trùm nhu cầu nhóm.
Chắc chắn gợi ý này cần được làm tăng thêm bởi hệ tư tưởng, theo hai cách. Thứ nhất, không có một hệ tư tưởng thúc đẩy sự thỏa hiệp nhân danh tất cả, thì “sự thỏa hiệp” chỉ có thể hoạt động nhân danh các nhóm trực tiếp đàm phán vì quyền lực. Để cho sự thỏa hiệp trở nên mối quan tâm rộng hơn, thỏa hiệp đó phải được gắn vào một hệ tư tưởng với giá trị và hệ quả xã hội rộng hơn. Giá trị tinh thần của Đoàn Kết - mang gánh nặng của những người khác - đã có thể là chính giá trị đó, nhưng kết quả của mười năm vừa qua, và mức độ bất bình đẳng của nó, gợi ý rằng Bàn Tròn đã có thể là phương tiện cho sự giàu lên của một số và sự nghèo đi của đa số. Giá trị tinh thần của Đoàn Kết, trong khi là hữu hiệu cho việc kháng cự những người cộng sản, đã có thể là không đủ để bù cho việc xây dựng chủ nghĩa tư bản.
Mặc dù Bàn Tròn đã được thúc đẩy bởi những sự quan tâm xã hội, nó đã hoạt động khá tự trị từ các giai cấp và xung đột của chúng. Phần lớn đã là một sự tranh luận giữa các trí thức.[22] Đã chắc chắn có ít sự chú ý đến quan niệm bất bình đẳng giới, Grażyna Staniszewska, chẳng hạn, đã không nhận thấy sự phân biệt nào trong các cuộc đàm phán này (cho dù khu vực của cô đã cảm thấy hơi xấu hổ rằng một phụ nữ đại diện cho họ!).[23] Janina Jankowska đã phê phán hơn về chiều này của sự bất bình đẳng, và đã đồng ý rằng phụ nữ đã “vô hình” trong những biến đổi này, cho dù toàn bộ mạng lưới âm mưu “đã đặt trên vai phụ nữ.”[24]
Khu vực nông thôn cũng đã không nổi bật trong các cuộc đàm phán. Theo một trong những nhân vật hàng đầu của nó, Gabriel Janowski, các nông dân đã đứng ở bên ngoài tòa nhà trong đó Bàn Tròn được đàm phán, phản đối và đòi lương tử tế, và mười năm sau, họ vẫn đang làm cùng việc ấy.[25] Giai cấp công nhân đã nổi bật hơn trong các cuộc đàm phán, đặc biệt những người trong khu vực khai khoáng. Họ đã có Bàn Tròn riêng của họ, mà những sự khác biệt đã chẳng bao giờ được giải quyết một cách hoàn toàn.
Tuy vậy, nhìn chung, trong khi sự ủng hộ cho Đoàn Kết và sự thay đổi được thúc đẩy bởi sự hoảng sợ trước các điều kiện xã hội của cuộc sống, cả các lãnh đạo của Đoàn Kết lẫn những người Cộng sản đều không có một kế hoạch kinh tế mà sẽ mở rộng giá trị tinh thần của Đoàn Kết vào chủ nghĩa tư bản. Và các công nhân, nông dân và  phụ nữ bị đẩy ra bên lề đã để cho các chuyên gia tính toán việc đó. Như Grażyna Staniszewska đã gợi ý, dân thường đã nghĩ việc này là trò chơi của chuyên gia nhiều hơn, một sự đàm phán cho giới tinh hoa và các trí thức hàng đầu, một việc sẽ “tạo ra một số vị trí đổ bộ sẽ cho phép chúng tôi hoạt động sau đó.”[26] Hợp pháp hóa chủ nghĩa đa nguyên nghiệp đoàn, lúc đó đã là một bước tiến lớn, và một cơ hội để đánh bại những người Cộng sản thông qua các phương tiện bầu cử đã là nền tảng cho sự ủng hộ lạ thường của Đoàn Kết trong các cuộc bầu cử ngày 4 tháng Sáu.
Cả chủ nghĩa đa nguyên lẫn sự chống cộng sản đã làm sôi động Bàn Tròn và các hệ quả của nó. Trong Bàn Tròn đã có ít về sự bình đẳng tự nó. Tuy vậy, trong Bàn Tròn đó đã có nhiều sự quan tâm về việc làm sao để bảo đảm một quá trình hòa bình theo hướng thay đổi dân chủ. Đoàn Kết đã nghĩ chỉ về mặt chính trị, chứ không về mặt xã hội, và đó là một cơ sở mạnh mẽ cho sự phê phán Bàn Tròn hiện nay. Những người bảo thủ cấp tiến, và nhiều người Cộng sản ít cấp tiến hơn, có thể cho rằng Bàn Tròn đã phá hủy cơ sở xã hội của Đoàn Kết với sự phóng đại sự bất bình đẳng.
Hơn chục năm sau việc xuất bản của cuốn Power and Privilege (Quyền lực và Đặc ân), Gerhard Lenski đã biện luận rằng: với tính bền của sự bất bình đẳng ở các xã hội tiên tiến, bất kỳ nỗ lực nào để giảm sự bất bình đẳng kinh tế sẽ có xu hướng làm tăng sự bất bình đẳng chính trị.[27] Trong một sự mở rộng hơn của luận đề Lenski, ta có thể xem xét ở đây rằng cơ hội để làm bằng phẳng sân chơi chính trị với cải cách dân chủ đã đòi hỏi loại nào đó của sự sao nhãng những bất bình đẳng kinh tế. Đó, chí ít, đã là sự thống nhất hệ tư tưởng đã gom các nhà cải cách Cộng sản và Đoàn Kết lại với nhau, trong việc chống lại nghiệp đoàn chính thống vốn đã thử hủy hoại các thỏa ước Bàn Tròn bằng việc đưa ra các đòi hỏi cấp tiến hơn về chỉ số hóa tiền lương.[28] Tóm lại, sự làm bằng phẳng này trong sân chơi chính trị đã đi cùng với sự phóng đại sự bất bình đẳng trong sân chơi xã hội. Khó để nói liệu đây đã có phải là một sự cần thiết xã hội học hay không. Tuy vậy, nó đã là một sự cần thiết về hệ tư tưởng.
Cuộc cách mạng được thương lượng một cách hòa bình có thể đã thành công bởi vì các nhà đàm phán đã đang mất quyền lực của họ trong toàn thể xã hội, trở nên ngày càng yếu, và ngày càng phụ thuộc vào nhau để tạo ra một cơ sở mới cho quyền lực. Tính chính đáng của họ đã không thể dễ dàng phụ thuộc vào các nhóm ủng hộ (cử tri) cũ của họ, đặc biệt vì logic của đàm phán và thỏa hiệp đã tạo ra một cử tri (nhóm ủng hộ) mới cho cả hai bên: (sự ủng hộ) lẫn nhau. Sức mạnh của các nhà đàm phán rốt cuộc phụ thuộc vào sự ủng hộ tính chính đáng và giá trị của sự thỏa hiệp.
Vì thế, người ta có thể biện luận rằng Bàn Tròn đã tạo ra một “giá trị” mới mà trên đó những người đàm phán đã nhận được địa vị. Giá trị mới này, một phần của một Ba Lan mới, đã là giá trị dựa trên sự thỏa hiệp với kẻ thù của họ và quyền của mọi người để tính toán chỗ riêng của họ trong một xã hội cởi mở hơn, và có lẽ không bình đẳng hơn. Giá trị mới này cũng đã có thể phân biệt các nhà đàm phán từ những người sẽ khăng khăng về một chiến thắng hoàn toàn cho một bên đối với bên kia và tính bất chính đáng của sự bất bình đẳng mới này. Trong khi có thể có vẻ rằng các nhà đàm phán đã quan tâm đến xã hội ít hơn và đã nghĩ về bản thân mình nhiều hơn, người ta cũng đã có thể lưu ý rằng những người nhấn mạnh tính bất chính đáng của sự bất bình đẳng và tầm quan trọng của chiến thắng hoàn toàn cũng ít nghĩ về các điều kiện của sự thay đổi hòa bình. Và ở đây chúng ta đi đến ý nghĩa của sự diễn giải và sự thách thức của quyền lực và đặc ân.
Kết luận: Chủ nghĩa Cấp tiến, Chủ nghĩa Bảo thủ, Quyền lực và Đặc ân
Nghiên cứu về bất bình đẳng trong nhập môn xã hội học vẫn được tổ chức xung quanh những thảo luận về chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cấp tiến, về các lý thuyết chức năng và xung đột. Những bức tranh thay thế khả dĩ này đã chủ yếu được tạo ra trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, và khi chúng được mở rộng sang các xã hội bị cộng sản cai trị,[29] những sự phân biệt đã vẫn có lý. Giai cấp thống trị đã có khuynh hướng thảo luận sự bất bình đẳng bằng các thuật ngữ bảo thủ, còn những người nhận diện sự áp bức thì sử dụng các thuật ngữ từ trường phái xung đột. Tuy vậy, khi chúng ta nghĩ về quyền lực và đặc ân trong thời kỳ thay đổi cơ bản, mối quan hệ giữa quyền lực, đặc ân và công lý là không rõ ràng như vậy, đặc biệt khi những thay đổi đó gắn với sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Những người cấp tiến hiếm khi tưởng tượng rằng quyền lực và đặc ân có thể được tổ chức xung quanh một sự thỏa hiệp với các nhà cai trị trước đây, dựa trên các giá trị cho toàn xã hội. Bàn Tròn, tuy vậy, đã phụ thuộc vào sự tưởng tượng đó. Những người thương lượng đã phải quan niệm vai trò của họ như vai trò cho toàn Ba Lan, vì các nhóm cử tri của họ đã nghi ngờ rằng thỏa thuận trao đổi  với kẻ thù từng đã có thể tạo ra bất cứ thứ gì khác hơn sự phản bội. Vì thế, người ta có thể cho rằng một cách nhìn bảo thủ hơn về quyền lực và đặc ân, một cách nhìn mà trong đó sự phân bổ của nó phục vụ cho lợi ích xã hội hơn là cho lợi ích nhóm, là cần thiết cho sự thay đổi hòa bình xảy ra. Chủ nghĩa cấp tiến có tính quyết định cho việc tổ chức sự phản kháng bất công, nhưng quan điểm bảo thủ hơn, nhấn mạnh các giá trị chung, có thể có tính quyết định để nghĩ tới các cuộc đàm phán hợp pháp.
Thành công của các cuộc đàm phán này đến lượt nó có thể phụ thuộc vào một sự tái dựng cấp tiến của các điều kiện thực nghiệm “thực” của sự bất bình đẳng. Cả hai bên phải nhận ra rằng quyền lực của họ trong mối quan hệ với nhau, và với các đối thủ chính thống hơn của họ, đang giảm đi và rằng cách duy nhất mà theo đó họ có thể tăng quyền lực của mình là sử dụng một nguồn mới: đối thủ của họ. Khi điều đó xảy ra, một giá trị mới được đưa vào cuộc thảo luận về quyền lực và đặc ân: vấn đề hòa bình.
Tuy vậy, đến lượt nó, điều này đòi hỏi việc tạo ra một tập hợp mới của các giá trị cốt lõi, thấy cái gì đó trong kẻ cựu thù của họ có giá trị hơn những gì mà việc biến cựu thù thành quỷ đã có thể phục vụ cho việc huy động các nhóm ủng hộ cốt lõi. Làm sao người ta có thể hình dung một kẻ thù như một đối thủ, hay thậm chí một đối tác, trong việc tạo ra một trật tự mới? Bàn Tròn gợi ý câu trả lời đó. 
Một mặt, những người Cộng sản đã phải nâng cao một trong những bản sắc của họ, như những người tối đa hóa lợi ích quốc gia, chứ không phải phúc lợi của Đảng. Điều đó đã đòi hỏi rằng họ thừa nhận tiềm lực của Đoàn Kết cho việc tạo ra sự thay đổi hòa bình. Mặt khác, Đoàn Kết đã phải chấp nhận một tầm nhìn của sự đoàn kết mà đã có thể gắn với tầm nhìn của Giáo hoàng, một tầm nhìn nơi cái thiện không tạo ra các kẻ thù, mà đúng hơn, cái xấu tạo ra các kẻ thù của những người khác. Cả hai bên vì thế đã có thể nhận ra trong bên kia khả năng cho các cuộc đàm phán thiện ý, nơi nhằm để thực hiện sứ mệnh đạo đức của họ, họ đã cần bên kia để phục vụ quốc gia, hoặc để phục vụ một trật tự cao hơn.
Giá trị cốt lõi mới này, như Michnik đã nói, dựa trên một quốc gia dân chủ bao gồm “những người đã chiến đấu chống Cộng hòa Nhân dân và những người đã phục vụ Cộng hòa Nhân dân”[30], có thể bị công kích bởi sự liên kết việc nhấn mạnh chủ nghĩa đa nguyên và sự thừa nhận lẫn nhau với một sự phân bổ không công bằng về đặc ân. Để chỉ ra sự giàu có của những người Cộng sản trước kia, hay sự thành công của tờ báo của Michnik, là một phương pháp để làm xói mòn những đòi hỏi của các nhà đàm phán về sự tận tâm cho dân tộc và sự đoàn kết đạo đức. Tất nhiên, thật rõ ràng rằng trong chính lời cáo buộc này người ta phải bỏ qua rủi ro của bạo lực.
Bàn Tròn vì thế là đối tượng của những diễn giải rất khác, và sự nhắc nhở của Ossowski để chú trọng đến hệ tư tưởng trong đánh giá sự bất bình đẳng là quan trọng. Các nhà phê bình cả ở bên hữu lẫn bên tả có thể diễn đạt sự phê phán căn bản bằng cách gắn việc đàm phán với các đặc ân bất công sau đó, trong khi những người bảo vệ Bàn Tròn thay vào đó lại nhấn mạnh các giá trị đã tạo ra cho quốc gia như một tổng thể. Cách tiếp cận của Lenski đến chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa bảo thủ và nghiên cứu của ông cho sự tổng hợp của chúng, tuy vậy, vẫn còn là một hướng dẫn hữu ích cho suy nghĩ về việc làm thế nào để phân xử cuộc tranh luận này. Người ta đã có  thể lưu ý để xem các nhà đàm phán đã được lợi bao nhiêu từ thỏa thuận trao đổi này, nhằm quyết định liệu một quan điểm bảo thủ hay một quan điểm cấp tiến là hữu ích nhất trong diễn giải Bàn Tròn. Một cách thay thế khác, người ta cũng đã có thể hỏi cái gì đó khác. Rủi ro bạo lực đã lớn thế nào? Hoặc cái giá của hòa bình phải là gì? Các giá trị của Bàn Tròn có đóng góp cho khả năng của một xã hội dựa trên sự thương lượng hòa bình những khác biệt quan trọng? Nếu như vậy, thì tư duy chức năng luận có thể xứng đáng sự chú ý nhiều hơn trong việc tạo ra sự thay đổi cơ bản, nhưng hòa bình, và hệ tư tưởng phục vụ phân tích giai cấp có thể giải quyết không chỉ giá trị của sự bình đẳng, mà cả những cách mà theo đó bức tranh của nó về xã hội đóng góp cho một cách tiếp cận hòa bình đến thương lượng sự khác biệt.
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
[1] Ibid., 19-20
[2] Ivan Szelenyi et al., Socialist Entrepreneurs (Madison: University of Wisconsin Press, 1988), sử dụng thuật ngữ “parking orbit” này để mô tả các không gian xã hội cho phép duy trì tinh thần kinh doanh nghiệp chủ dưới sự cai trị cộng sản.
[3] Communism’s Negotiated Collapse, 20.
[4] Ibid., 20.
[5] Ibid., 20.
[6] Cũng lưu ý Janusz Reykowski viện dẫn thế nào sự so sánh này để bảo vệ vai trò tích cực của những người cộng sản khai phóng (Communism’s Negotiated Collapse, 111).
[7] Communism’s Negotiated Collapse, 42
[8] Ibid., 119.
[9] Ibid.
[10] Ibid., 74.
[11] Ibid., 37.
[12] Ibid., 39.
[13] Ibid., 38.
[14] Ibid., 155.
[15] Ibid., 148-49.
[16] Ibid., 114.
[17] Ibid., 115.
[18] Ibid., 112.
[19] Ibid., 246.
[20] Ibid., 76.
[21] Lenski, 46-47.
[22] Về thảo luận thêm về lý lẽ này, xem Michael D. Kennedy, Cultural Formations of Postcommunism (sắp ra, University of Minnesota Press).
[23] Communism’s Negotiated Collapse, 152.
[24] Ibid., 88.
[25] Ibid., 82.
[26] Ibid., 153.
[27] Gerhard Lenski, “Marxist Experiments in Destratification: An Appraisal,” Social Forces 57 (1978): 364-83.
[28] Alfred Miodowicz, lãnh đạo của OPZZ, hay Công đoàn Toàn Ba Lan, đã thấy các cuộc đàm phán giữa những người Cộng sản và Đoàn Kết như một mối đe dọa đối với địa vị của riêng ông ta, và đã là một trong những người, giữa các nhà chức trách cộng sản, phản đối nghiêm trọng nhất đối với thỏa thuận này.
[29] Lưu ý bức tranh của Alvin Gouldner trong The Coming Crisis of Western Sociology (New York:Basic Books, 1970), cũng như thảo luận của Ossowski.
[30] Communism’s Negotiated Collapse, 16.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:10
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_16.html
=======================================================================
Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 15) 




Dịch giả: Nguyễn Quang A

Bàn Tròn Ba Lan năm 1989:

Chiều Văn hóa của sự Thay đổi Chế độ được Dàn xếp

Jan Kubik
1. Dẫn nhập. Mô hình hóa quá trình Bàn Tròn (BT) như hiện tượng văn hóa-chính trị.

Trong tiểu luận này, tôi sẽ ngó tới Bàn Tròn Ba Lan (BT) từ một viễn cảnh “văn hóa chính trị.” Không có chỗ ở đây để trình bày một bức tranh đầy đủ và toàn diện về viễn cảnh này và vị trí của nó trong sự lý thuyết hóa gần đây nhất về văn hóa. Tôi tóm tắt các giả thiết chính của cách tiếp cận của tôi trong Phụ lục 1; nó bị ảnh hưởng mạnh bởi bài báo tổng hợp mới đây của Sewell.[1] Về phần văn hóa chính trị, tôi chấp nhận và sử dụng định nghĩa của Gamson: “Một khái niệm không dư thừa về văn hóa chính trị nói đến các hệ thống ý nghĩa mà sẵn có về mặt văn hóa cho việc nói, viết, và suy nghĩ về các đối tượng chính trị: các huyền thoại và ẩn dụ, ngôn ngữ và các yếu tố ý tưởng, các cấu trúc, các hệ tư tưởng, các giá trị, và các biểu tượng cô đọng.”[2] Tôi chú tâm, vì thế, vào “các hệ thống ý nghĩa” (hay ‘các mạng ý nghĩa”) mà đã được phát triển và sử dụng bởi những người tham gia khác nhau của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn để hình dung, khái niệm hóa, phân tích, phê phán, đánh giá và truyền bá các chiến lược của hoạt động (chính trị) họ và các đối thủ của họ đã áp dụng.
Một cách cụ thể, cấu trúc lý thuyết của tiểu luận này dựa trên:
1. Một cách tiếp cận đến nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, được thông báo bởi (a) định nghĩa Geertzian về văn hóa như một “mạng ý nghĩa- web of significance” và (b) ý tưởng của Swidler để giải thích “ý nghĩa nhân quả của văn hóa không trong việc vạch rõ các mục đích của hành động, mà trong việc cung cấp các thành phần văn hóa mà được dùng để xây dựng các chiến lược của hành động.”[3]
2. Những sự khái niệm hóa của các quá trình xã hội mà đặt vấn đề một cách rõ ràng phép biện chứng giữa hoạt động xã hội và sự văn bản hóa của thực tế xã hội (tường thuật hóa, dựng cốt truyện). Ở đây tôi vay mượn nhiều từ nhân loại học văn hóa (đặc biệt Geertz và Victor Turner) và xã hội học về văn hóa.[4]
3. Những nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa về giải quyết xung đột.[5]
Khái niệm của Victor Turner về vở kịch xã hội sẽ phục vụ như công cụ tổ chức chính cho bài báo này:
Đơn giản nhất, vở kịch gồm một mô hình có bốn giai đoạn, xuất phát từ mối bất hòa của quan hệ nào đó được coi là có tính quyết định trong nhóm xã hội thích hợp, mà cung cấp không chỉ khung cảnh của nó mà cả nhiều mục tiêu của nó, qua một pha của khủng hoảng tăng lên nhanh chóng theo hướng của sự chia tách phân đôi chủ yếu của nhóm, đến việc áp dụng các công cụ pháp lý hay lễ nghi về sự đền bù hay hòa giải giữa các bên xung đột mà soạn ra cảnh hành động. Giai đoạn cuối cùng hoặc là sự bày tỏ công khai và hình tượng về sự hòa giải hoặc khác đi về sự phân ly không thể sửa chữa được.[6]
Đối với chuỗi bốn pha này, Bất hòa, Khủng hoảng, Đền bù, Hòa giải/Phân ly, tôi sẽ cho thêm một pha: Trước-đền bù. Đây là một thời kỳ trong diễn tiến của vở kịch xã hội khi những sự thay đổi sớm nhất trong các sơ đồ văn hóa của các diễn viên xảy ra và khi các mối tiếp xúc sơ bộ giữa các đối thủ được xác lập. Nhưng, toàn bộ quá trình tại thời điểm này dễ có thể bị đảo ngược, không có cam kết chắc chắn nào đối với hành động đền bù, và một cơ cấu định chế cho sự đền bù vẫn chưa được tạo ra. Vì mục đích đơn giản hóa, tôi gộp hai pha Bất hòa và Khủng hoảng lại với nhau, và như thế cô lập trong quá trình BT, được khái niệm hóa như một vở kịch xã hội, bốn pha:
(1) Thời kỳ trước-BT (1980-1986). Nó bắt đầu với sự Bất hòa trong hiện trạng xã hội chủ nghĩa, tức là sự tạo ra Đoàn kết trong năm 1980. Tiếp theo, một pha dài của Khủng hoảng đi theo sau (với thời kỳ Quân luật là một phần cốt yếu của nó).
(2) Ân xá ngày 11 tháng Chín năm 1986 (tất cả các nhà hoạt động Đoàn kết được thả khỏi nhà tù) mở đầu pha Trước-Đền bù. Trong tiết đoạn này tôi nhấn mạnh nét đặc trưng của sự kháng cự Ba Lan đói với chế độ cộng sản.
(3) Quá trình BT tự nó (6 tháng Hai năm 1989 – 24 tháng Tám năm 1989 [hình thành nội các Mazowiecki]), tạo thành pha Đền bù. Ở đây tôi tập trung vào hai cặp mâu thuẫn/căng thẳng: đối đầu versus (vs-đối lại) thỏa hiệp và loại trừ versus bao gồm.
(4) Thời kỳ hậu-BT: Phân ly hay Hòa giải? Sự nhấn mạnh giải tích được đặt lên xung đột giữa những diễn giải khác nhau về BT và sự xác đáng chính trị của chúng.
Cơ sở kinh nghiệm của dự án bao gồm:
1. Tài liệu được tạo ra bên trong dự án Michigan, gồm: (a) bản ghi gỡ băng của hội thảo và (b) các bản ghi gỡ băng các cuộc phỏng vấn với nhiều người tham gia chủ chốt của các cuộc đàm phán BT[7];
2. Ký ức và các ghi chú riêng của tôi về các cuộc trò chuyện và các cuộc tranh luận không chính thức mà tôi đã có với nhiều người tham gia ở Ann Arbor (tháng Tư 1999) và nơi khác;
3. Nhiều tường thuật và phân tích lịch sử và xã hội học hiện có về Bàn Tròn (BT);[8]
4. Tài liệu do những người tham gia Ba Lan tạo ra.[9]
Nhằm để lần dấu vết động học của quá trình BT, đối với mỗi pha tôi sẽ thử xác định tập hợp các đặc tính sau đây:
1. (Các) tầm nhìn tượng trưng chi phối của chính thể
2. Mối quan hệ chi phối giữa elite và những người đi theo trong Đoàn kết
3. Mối quan hệ chi phối giữa elite và những người đi theo trong nhà nước-đảng
4. Phương thức tương tác chi phối giữa các đối thủ chính.
Ngoài ra, nhằm để gợi ý những khái quát hóa khả dĩ và các bài học để học từ kinh nghiệm Ba Lan, tôi cũng sẽ:
5. Nhận diện đặc tính chủ yếu của mỗi pha
6. Đưa ra vài điểm lý thuyết đơn giản học được từ hoặc xác đáng cho mỗi pha
2. Thời kỳ trước-BT: Bất hòa và Khủng hoảng
Khi những người cộng sản Ba Lan đã thừa nhận đầy đủ sự công nhận hợp pháp cho Đoàn kết trong mùa thu năm 1980, họ đã đình chỉ các quy tắc của trò chơi chính trị mà những người Soviet đã áp đặt lên Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới II. Một tổ chức khổng lồ, hoàn toàn tự trị và thoát được sự kiểm soát của họ, đã được thành lập. Nhưng, lúc đó, sự bất hòa đã tỏ ra là quá cấp tiến, và với sự áp đặt Quân Luật và rút lại tính hợp pháp của Đoàn kết vào ngày 31 tháng Mười Hai, 1981, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã cố gắng tái khẳng định mình. Quá trình, được biết đến như “bình thường hóa,” tuy vậy, đã không có kết quả. Phong trào Đoàn kết đã quá to lớn và đã ăn quá sâu vào xã hội để bị đập tan. Đất nước đã bước vào thời kỳ 5 năm khủng hoảng sắp sôi. Trong thời gian khủng hoảng này một sự phân cực văn hóa-chính trị của chính thể đã được tăng cường.
2.1. Tầm nhìn Chi phối của Chính thể: Sự Chia tách Hai Cực: Đoàn kết Vs Những người Cộng sản.

Như tôi đã giải thích ở nơi khác,[10] “cuộc cách mạng” chống cộng Ba Lan đã là một hiện tượng văn hóa-chính trị có tầm vóc to lớn, khi so sánh với các nước Đông Âu khác. Trong các năm 1970 và đầu các năm 1980, một số lớn những người đã tham gia vào việc trình bày một cách có hệ thống, phát triển và bảo vệ một tầm nhìn chống-bá quyền, mà đã được dùng để phi pháp hóa hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa và, đồng thời, đã cho phép những người này để tự tạo thành như một giai cấp văn hóa “đối lập” của Đoàn kết. Diễn đạt theo cách khác, Đoàn kết đã chưa bao giờ đơn giản là một nghiệp đoàn hay một phong trào, mà là một giai cấp văn hóa in statu nascendi (trong trạng thái sơ sinh), đã chưa bao giờ “được củng cố” đầy đủ, đã phải chịu những căng thẳng ly tâm nội tại to lớn mà đã hoạt động cùng các lực hướng tâm của sự thống nhất tượng trưng. Vào năm 1991, những căng thẳng chính trị ly tâm (cả về mặt cương lĩnh lẫn cá nhân) đã tàn phá Đoàn kết (với tư cách một giai cấp “văn hóa” đặc thù), nhưng suốt các năm 1980 một phần đáng kể của dân chúng Ba Lan “đã thuộc về” nó, hoặc một cách tích cực, bằng cách tham gia vào các hoạt động bí mật khác nhau; hay một cách thụ động, bằng cách cho nó “sự ủng hộ đạo đức” của họ. Cấu trúc văn hóa mà đã giữ giai cấp này lại với nhau đã được xây dựng như một tầm nhìn phân cực về “chúng tôi/nhân dân/Đoàn kết” đối lại (vs.) “họ/chính quyền/những người cộng sản.”
Nhiều nhà nghiên cứu về thời kỳ 1981-1989 ở Ba Lan đã kết luận rằng sức sống văn hóa và ý nghĩa chính trị của cấu trúc phân cực này trong các năm này không chỉ đã không giảm, mà dường như đã tăng. Anna Uhlig, tác giả của một nghiên cứu xuất sắc về chủ nghĩa biểu tượng chính trị trong các năm 1980, đã viết: “sau ngày 13 tháng mười Hai, 1981 sự nỗ lực của phe đối lập để phân biệt giữa ‘Ba Lan của chúng tôi’ (Cộng hòa Đoàn kết) khỏi ‘Ba Lan của họ’ (Cộng hòa Nhân dân Ba Lan) tăng lên.”[11] Các sự kiện mà đã giúp “phe đối lập” để dựng lên sự chia tách phân cực quyền lãnh đạo này đã bao gồm hai cuộc viếng thăm của Giáo hoàng, việc sát hại Cha Jerzy Popiełuszko và sự nổi lên ngay tức khắc của sự sùng bái ông, và vô số các cuộc biểu tình trên đường phố và những đụng độ với cảnh sát cũng như các cuộc đình công công nghiệp lớn trong năm 1988. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đã tham gia vào sự đối đầu chính trị và biểu tượng đang tiếp diễn này với chế độ, và không phải tất cả mọi người đã chấp nhận tầm nhìn phân cực này về xung đột. Thực ra, con số thực của những người ủng hộ Đoàn kết đã tiếp tục giảm suốt các năm 1980 và đã tăng lại chỉ sau chiến thắng bầu cử ngoạn mục của Đoàn kết trong năm 1989.[12] Thế nhưng cảm nhận về xung đột quyền lãnh đạo giữa “chúng tôi” và “họ” đã tiếp tục là đặc tính đặc trưng nhất của văn hóa chính trị bình dân Ba Lan. Jasiewicz và Adamski đã tóm tắt một nghiên cứu theo chiều dọc về thái độ Ba Lan theo cách sau đây: “Những câu trả lời tự phát cho thấy rằng trong năm 1988 hơi ít người trả lời hơn năm 1984 một chút cảm nhận sự hiện diện của xung đột trong xã hội Ba Lan, mà, tuy vậy, đã được cảm nhận bởi gần một nửa những người trả lời. Tuyệt đại đa số những người mà cảm thấy xung đột, đã xác định nó như giữa chính quyền và xã hội.”[13]
Vì thế là rõ rằng trong các năm tàn tạ của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan (1976-1989), một sự khái niệm hóa cực đoan, hai cực của không gian công (“chúng tôi” vs. “họ”) đã hình thành và trở thành một vũ khí chủ yếu trong cuộc đấu tranh của “xã hội” chống lại chế độ không ai mong muốn. Sự khái niệm hóa hai cực này ((di)vision – (sự chia rẽ) tầm nhìn) này đã không được chia sẻ bởi tất cả mọi người, thế nhưng nó đã phục vụ như cơ cấu huy động cho các cá nhân và các nhóm tích cực nhất.
2.2. Đoàn kết: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.
Trong pha đó, Đoàn kết đã thống nhất cao độ và hầu hết những người đi theo đã cảm thấy rằng họ đã “được đại diện tốt” bởi các cấu trúc ngầm; một ý thức về sự bao hàm rõ ràng đã chi phối trong phong trào. Quan trọng để nhớ, tuy vậy, rằng số những người đi theo đã teo lại và các nhà hoạt động Đoàn kết đã phải dùng đến các chiến lược tượng trưng khác nhau phóng đại sức mạnh thực và mức độ thống nhất của phong trào.[14]
2.3. Đảng-Nhà nước: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.
Trong pha này, đảng-nhà nước có vẻ đã thống nhất mạnh mẽ đằng sau nhà lãnh đạo của mình, Tướng Wojciech Jaruzelski. Ý thức bao hồm giữa bộ máy đảng (nomenklatura) tại các mức khác nhau hẳn đã phải cao.[15]
2.4. Phương thức Tương tác Chi phối Giữa các Đối thủ.
Đảng-nhà nước và Đoàn kết đã tiến hành một sự đối đầu dữ dội, nhiều mức. Vì Đoàn kết đã phát triển các cấu trúc ngầm rộng lớn và đôi khi đã giao chiến với các lực lượng an ninh trong các cuộc đối đầu bạo lực thường xuyên, nhà nước đã dựa vào những kỹ thuật đàn áp. Vì cấu trúc chính trị độc đoán và sự thiếu tiếp xúc giữa cả hai bên, sở trường của sự tranh cãi chính trị đã bị giới hạn ở các cuộc biểu tình đường phố và các cuộc đình công thưa thớt.
2.5. Đặc điểm Chi phối của Pha này đã là sự Phân hai Cực Tượng trưng của Chính thể và Xã hội.
2.6. Các điểm Lý thuyết.
A. Dưới những điều kiện của sự phân cực tượng trưng mạnh và một bối cảnh chính trị bên ngoài ổn định và “thù địch”, xung đột trở nên khó trị. Thế nhưng:
B. Các nhà nghiên cứu phải chú tâm vào cách chính trị biểu tượng được chơi (cuộc tranh cãi về bá quyền văn hóa đối lại phản-bá quyền) và thử nhận diện những sự mở cửa khả dĩ cho một sự đối thoại. Trong trường hợp này, “sự vét kiệt” khả năng của hệ thống hiện tồn cho tăng trưởng kinh tế đã trở nên ngày càng rõ đối với “các nhà cải cách” nào đó ở bên trong elite cầm quyền.[16] Đồng thời, một số nhà hoạt động Đoàn kết đã đang nhận ra rằng sự đối thoại và thỏa hiệp cuối cùng đã là không thể tránh khỏi; các chiến lược khác (như đối đầu bạo lực và lật đổ) đã ngày càng không thể biện hộ được.[17]
C. Bài báo ngắn của Kriesberg về chuyển tiếp từ các xung đột khó trị sang dễ trị là rất hữu ích. Mô tả của ông về xung đột dễ trị hợp hoàn hảo với các pha trước-Đền bù và Đền bù của xung đột Ba Lan: “Các chuẩn đối sánh tối thiểu của các xung đột dễ trị bao gồm ba đặc tính sau đây. Thứ nhất, các bên thù địch nhận ra các lợi ích chung đáng kể và bản sắc chung, và không chỉ các lợi ích không tương thích của các bản sắc riêng biệt, loại trừ nhau. Thứ hai, số thành viên đáng kể của mỗi bên thù địch thừa nhận các quyền tối thiểu của bên kia và sự thích đáng của các yêu sách của bên kia. Thứ ba, các địch thủ đồng ý để dựa vào các phương tiện bất bạo động của việc theo đuổi xung đột của họ và các thủ tục để giải quyết các vấn đề cụ thể trong sự tranh chấp giữa họ.”[18]
3. Pha Trước-Đền bù (11 tháng Chín, 1986 – 6 tháng Hai, 1989).
Pha này bắt dầu với lệnh ân xá đầy đủ vào ngày 11 tháng Chín, 1986. Theo nhiều người được phỏng vấn, đây đã là điểm đột phá thực sự quan trọng. Nó đã báo hiệu sự sẵn sàng của chế độ để chuyển từ đối đầu sang đối thoại với phe đối lập.[19] Các nhân tố nào đã gây ra sự thay đổi này? Một danh sách tối thiểu phải bao gồm những thứ sau đây:
1. Các nhân tố chính trị bên ngoài: Một sự thay đổi cấu trúc cơ hội chính trị (political opportunity structure - POS) và sự định khung của nó, gây ra bởi những cải cách của Gorbachev ở Liên Xô.[20]
2. Các nhân tố chính trị và kinh tế nội địa: một sự bế tắc chính trị ngày càng sâu sắc giữa Đoàn kết và đảng-nhà nước. Các cuộc đình công tháng Năm và tháng Tám 1988 đã chứng tỏ sức dẻo dai của Đoàn kết (dù có bị yếu đến đâu). Cũng quan trọng ngang thế là, trong nửa sau của thập kỷ một số thành viên chủ chốt của elite cầm quyền đã đi đến kết luận rằng nhà nước xã hội chủ nghĩa đã đạt một trạng thái “kiệt quệ” mang tính hệ thống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.[21]
3.1. (Các) Tầm nhìn tượng trưng chi phối của chính thể.
Trong pha này những thủ đoạn văn hóa/biểu tượng là đặc biệt quan trọng, vì nhiều người bắt đầu xem xét lại các bản sắc riêng của mình và của các kẻ thù của họ. Một quá trình từ từ để dỡ bỏ các định kiến trước bắt đầu. Tại Ba Lan, pha này đã vẫn bị chi phối bởi sự phân hai cực tượng trưng (Đoàn kết versus những người cộng sản), và sự thống nhất tượng trưng của Đoàn kết đã được các nhà hoạt động chủ chốt nhận thức như một điều kiện tiên quyết cần thiết của thành công cuối cùng. Michnik đã lưu ý: “Tôi đã nghĩ rằng phương pháp duy nhất để dỡ bỏ chế độ cộng sản là một bản sắc xã hội mạnh, và bản sắc này được cung cấp bởi Đoàn kết và Wałęsa.”[22] Thế nhưng, một sự tái khái niệm hóa chậm chạp về bản đồ xã hội-chính trị đã bắt đầu. Trong quá trình đó một số “kẻ thù” được định nghĩa lại như “các đối thủ mà người ta có thể nói với” và một sự tìm kiếm một cương lĩnh chính trị chung đã được khởi xướng. Kaczyński đã lưu ý bản chất nghịch lý của pha này: “đã có sự mập mờ nào đó giữa việc coi những người cộng sản như các kẻ thù và sự cần thiết của các cuộc đàm phán cuối cùng với họ.”[23] Geremek đã tóm tắt một cách cô đọng toàn bộ vấn đề như một sự khó khăn để chuyển từ “một giá trị tinh thần của chiến đấu và thù ngịch sang một giá trị tinh thần của trò chơi chính trị văn minh.”[24]
Không nghi ngờ gì, việc từ từ nối lại mối quan hệ hữu hảo này đã được khởi động bởi những thay đổi thực tế và được cảm nhận trong cấu trúc cơ hội chính trị, được nhắc tới ở trên. Nhưng, trong khi một số thành viên của cả hai giới tinh hoa đã bắt đầu chuyển hướng đến một sự đối thoại, thì những người khác đã nuôi dưỡng sự thù địch không nao núng của họ đối với phía bên kia. Các nhân tố nào giúp giải thích sự phân kỳ gia tăng này trong ứng xử chính trị, có vẻ, đã xác nhận một khả năng để học các kịch bản văn hóa mới?
Khả năng của người dân để tiến hành “việc học mang tính chiến lược” như vậy đã thay đổi.[25] Hầu hết, nếu không phải tất cả, những người tham gia quá trình BT đã chứng tỏ tính linh hoạt và sự sẵn sàng nào đó cho việc học như vậy. Một động cơ thúc đẩy tối thiểu để bước vào các cuộc đàm phán đến từ một sự tin chắc rằng đã không có thay thế khả dĩ có thể tồn tại nào khác.[26] Nhưng cũng đã có các cơ chế khác nữa. Trong khi đọc kỹ các bản ghi phỏng vấn và các tuyên bố khác nhau, tôi đã nhận diện ra ba cơ chế như vậy:
A. Các nhân vật “đối thoại” có tiếng. Michnik đã mô tả chi tiết bối cảnh xuất thân riêng của ông (“một gia đình cộng sản”) đã dẫn ông thế nào để nhìn trong những người cộng sản thấy những con người. Ngoài ra, ông đã có khả năng nhìn thấy một sự khác biệt giữa giáo lý cộng sản (mà ông luôn luôn sẵn sàng chiến đấu với) và các viên chức cộng sản, các đồng bào có khả năng sai lầm và thay đổi, và các đối tác tiềm năng cho một sự đối thoại.
B. Những đồng cảm triết lý. Một số người tham gia BT đã nhấn mạnh sự đồng cảm triết lý với một số thành viên của “bên kia.” Sự đồng cảm này đã dựa trên sự tán thành các giáo lý được hiểu một cách lỏng lẻo của chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) thiên tả.[27] Những người ủng hộ tín điều triết học này đã có thể thấy giữa các thành viên trẻ hơn của “phe cộng sản.”[28] Quan sát này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thay đổi thế hệ.
C. Các đặc tính chung về Văn hóa. Tôi đã có thể phát hiện ra ba đặc tính chung:
- “Tính Ba Lan” (Rakowski, Reykowski). Theo Reykowski, trong một trong những tranh luận chính trị có tính quyết định ai đó đã nhận xét: “Có gì không tốt với việc Đoàn kết tiếp quản quyền lực? Họ cũng là những người Ba Lan.”[29] Gebert viết: “…Ở Ba Lan (ngược với Nam Tư - JK) chúng tôi đã có thể quăng sang bên cộng sản ý tưởng rằng tất cả chúng ta đều là những người Ba Lan với nhau. Bất luận những khác biệt chính trị, chúng ta đều là những người Ba Lan vui vẻ, những người yêu nước tử tế, chúng ta đều yêu đất nước chúng ta.”;[30]
- Các nhà hoạt động của cả hai bên đôi khi đã nhấn mạnh “lương tri” và “chủ nghĩa thực dụng” của những người đối thoại của họ (thí dụ, Reykowski về Michnik, Staniszewska về Kwaśniewski);[31]
- Một thiên hướng quyết định đối với các kịch bản văn hóa “không đổ máu,” được chia sẻ bởi cả hai bên. Thiên hướng này đến từ một sự diễn giải cụ thể về lịch sử Ba Lan (chung), mà gợi ý một bài học quan trọng đặc biệt: không đổ máu nữa.[32]
3.2. Đoàn kết: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.
Một sự dịch chuyển dần dần từ đối đầu sang đối thoại đã gây ra một quá trình phân cực (hay đa dạng hóa) bên trong giới tinh hoa (elite) Đoàn kết.[33] Một nhóm các nhà hoạt động có ảnh hưởng đã nổi lên, những người đã diễn giải sự nối lại quan hệ hữu hảo với những người cộng sản như “sự phản bội.” Theo họ, những người cộng sản đã đang chuẩn bị “một trò bịp bợm khác.”[34] Tuy nhiên, Wałęsa và các cố vấn thân cận nhất của ông lúc đó đã ngày càng tin rằng chỉ có một con đường ra duy nhất khỏi cuộc khủng hoảng đang lún sâu: các cuộc đàm phán.[35]
3.3. Đảng-nhà nước: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.
Một quá trình song song về phân hóa (hay phân cực) đã bắt đầu giữa elite cầm quyền.[36] Một thăm dò dư luận bí mật được tiến hành trong tháng Mười Một năm 1988, giữa hơn một trăm bí thư đảng khu vực đã tiết lộ rằng tám mươi lăm phần trăm số họ đã chống lại sự “vượt quá các đặc tính căn bản của hệ thống.”[37] Điều đó đã có nghĩa là một sự bác bỏ dứt khoát bất kỳ sự nối lại quan hệ hữu hảo nào với Đoàn kết. Stelmachowski báo cáo rằng sau tuyên bố về cuộc gặp Wałęsa - Kiszczak ngày 31 tháng Tám, 1988, ba mươi hai bí thư đảng khu vực (województwo) đã gửi cho Ban chấp hành Trung ương các bức thư báo bày tỏ sự phản đối của họ chống lại một cuộc gặp như vậy. Theo Stelmachowski, một trong số họ đã tranh luận: “Trong nhiều năm chính phủ đã cho rằng Wałęsa là ngu đần, và bây giờ nó quyết định đàm phán với ông ta. Vì thế câu hỏi của chúng tôi là: ông ta đã trở nên khôn ngoan hơn hay chính phủ đã trở nên ngu đần hơn?”[38] Thành ngữ nổi tiếng nhất, tóm tắt thái độ của nhiều đảng viên đối với cách tiếp cận mới với Đoàn kết, đã được Stanisław Ciosek tạo ra. Khi ông diễn đạt: “Đảng đã hét lên.”
Tóm lại, quyết định để thiết lập các mối tiếp xúc ban đầu với Đoàn kết đã gây ra sự phân cực ngày càng tăng bên trong giới tinh hoa đảng-nhà nước. Bộ phận “ủng hộ-Đoàn kết” của giới elite này đã đang trôi xa khỏi các đảng viên của nomenklatura những người đã cảm thấy bị đe dọa bởi sự nổi lên của khả năng sửa đổi hoặc, thậm chí, thay đổi chế độ.[39] Trong một nỗ lực để làm dịu sự phân cực bắt đầu nảy nở này, “những người cải cách” trong đảng đã phải nghĩ ra một loạt bước tuyên truyền mà tạo ra một chút vững dạ cho các apparatchik (cán bộ) bất bình. Tầm quan trọng chính trị của sự liên lạc giữa elite và “cơ sở” của nó đã tăng đột ngột. Thực ra, cả hai giới elite đã phải chơi một trò chơi truyền thông liên lạc kép. Họ đã phải tương tác với các đối thủ của mình, với elite “bên kia”, theo các quy tắc không rõ ràng của một trò chơi phức tạp của các tín hiệu, các đề nghị và những bước rút lui chiến thuật. Đồng thời họ đã phải nói chuyện với “cơ sở” của chính họ. Các tín hiệu được gửi đi qua các kênh này thường đã phải hoàn toàn khác nhau. Một thí dụ tuyệt vời được cung cấp bởi Dubiński.[40] Ngày 31 tháng Tám, Thông tấn Xã Ba Lan (PAP) đã công bố rằng Tướng Kiszczak đã gặp Lech Wałęsa. Nó đã là một sự kiện vô cùng quan trọng. Sự nhắc chính thức này đến Wałęsa, trước đó được nhắc tới bởi người phát ngôn của chế độ như một cá nhân không có gì quan trọng, đã đại diện cho một sự thể hiện nữa của việc quay lại lĩnh vực công của Đoàn kết. Trong một nỗ lực để làm loãng tầm quan trọng của sự kiện này, trong cùng ngày PAP đã đưa ra hai thông cáo, thông báo cho công chúng về các cuộc gặp gỡ khác của Kiszczak. Tín hiệu cho “cơ sở” đã là rõ: không có chuyện gì lớn với tay Wałęsa này, Kiszczak chỉ vừa gặp rất nhiều người từ các tổ chức khác nhau.
3.4. Phương thức tương tác chi phối giữa các đối thủ chính.
Tinh thần chung của sự tương tác đã bắt đầu thay đổi từ đối đầu sang đối thoại. Sự thay đổi đã xảy ra đồng thời trong nhiều chiều.
Thứ nhất, cả hai bên, nhưng đặc biệt Đoàn kết, đã phải tái lập “chứng thư” của họ: để báo hiệu sự hiện diện của họ như một lực lượng “nghiêm túc” và chứng tỏ sự thống nhất của họ. Trước tháng Giêng 1989, đã không có thăm dò dư luận nào được phép đo lường sự ủng hộ của Đoàn kết, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà xã hội học Ba Lan sự ủng hộ này đã teo lại một cách có hệ thống từ 1980.[41] Vì thế, việc tiếp sinh lực lại của địa vị công khai của Đoàn kết đã không phải là vấn đề nhỏ. Một cơ hội để làm vậy đã xuất hiện khi Miodowicz, thủ lĩnh của liên đoàn công đoàn (OPZZ) được chế độ ủng hộ, đã thách thức Wałęsa để tranh luận với ông ta trong “một cuộc đấu tay đôi trên TV.” Bất chấp những sự sợ hãi và e ngại kinh khủng (mà bản thân nó cho thấy một sự hiểu sắc bén về khía cạnh “quan hệ công chúng” của cuộc đấu tranh chính trị), Wałęsa, được chuẩn bị bởi Andrzej Wajda và các chuyên gia truyền thông khác, đã chấp nhận thách thức và, rồi sau đó, “đã hớt váng” Miodowicz (như Michnik đã diễn đạt trong một phỏng vấn).[42] Đây đã là một sự đột phá tượng trưng: Wałęsa đã không chỉ chứng minh rằng Đoàn kết đã vẫn còn sống mà ông cũng đã chứng tỏ rằng ông và phong trào đã là một lực lượng nghiêm túc, đáng tin và tương đối hùng mạnh trên sân khấu công cộng. Như Paczkowski thuật lại, sự ủng hộ việc hợp pháp hóa Đoàn kết đã tăng từ bốn mươi hai phần trăm vào tháng Tám 1988 lên sáu mươi hai phần trăm một ngày sau cuộc tranh luận.[43] Nói chung, như nhiều người tham gia đã xác nhận, trò chơi nhận thức lẫn nhau, mà thông qua nó cả hai bên đã cố gắng kiểm tra sự yếu và sức mạnh tương đối của mình, đã rất quan trọng tại giai đoạn này.[44]
Thứ hai, vì cả hai bên đã đang theo dõi một cách tượng trưng vị trí của mình đối với nhau, họ cũng đã phải bắt đầu xây dựng những chiếc cầu liên lạc sơ bộ. Vào giai đoạn này, sự lựa chọn cách diễn đạt thích hợp đã rất quan trọng. Ngôn ngữ và hình tượng văn hóa mà định khung tình thế và bản sắc của cả hai bên đã phải được lựa chọn một cách cẩn thận. Như Stelmachowski đã nhận xét: “Bạn có thể nghĩ đây là việc buồn cười, nhưng tôi đã phải dùng ngôn ngữ của họ, bởi vì khác đi thì chẳng có gì sẽ đã xảy ra liên quan đến các cuộc đàm phán này.”[45]
Thứ ba, nếu sự liên lạc đã không hề xảy ra, thì đã phải thiết lập các chỗ phù hợp cho các mối tiếp xúc sơ bộ. Để mô tả các chỗ đó Kaczyński đã dùng ẩn dụ về “các khóa.” Ban đầu chúng được cung cấp bởi (a) các căn hộ riêng, (b) các địa điểm của Giáo hội và (c) các seminar hay các hội đồng tư vấn do nhà nước bảo trợ. Muộn hơn, villa Magdalenka nổi (khét) tiếng đã trở thành “khóa” chính giữa hai bên.[46]
Thứ tư, quá trình từ lúc bắt đầu đã được tạo thuận lợi bởi sự có mặt liên tục của người trung gian: Giáo hội Công giáo La Mã, lúc đó có quyền uy to lớn và không bị thách thức trong xã hội.
3.5. Các đặc điểm chính của pha này:
1. Sự điều chỉnh lẫn nhau của bản sắc và chiến lược;
2. Chủ nghĩa tiệm tiến (thuyết gia tăng dần): nước đi từ đối đầu sang đối thoại là từ từ và “đối thoại” từ đầu;
3. Phía văn hóa/biểu tượng của quá trình này có ý nghĩa chính. Các biểu tượng, hình ảnh và hình thái tu từ, được dùng đồng thời để (a) tăng cường vị thế tương đối của cả hai đối thủ và (b) để xây dựng những chiếc cầu thảo luận giữa họ.[47]
3.6. Các điểm lý thuyết chính học được từ pha này:
A. Sau một sự thay đổi bên trong bối cảnh “khách quan” mở ra khả năng chuyển xung đột từ pha khó trị sang dễ trị, bản thân các diễn viên phải đưa ra sáng kiến và các bước sơ bộ trên con đường tới thỏa hiệp. Các kịch bản văn hóa/biểu tượng, mà định hình các bản sắc, các chiến lược và sự nhận thức lẫn nhau, là có tầm quan trọng quyết định tại giai đoạn này. Tóm lại, giai đoạn này bị chi phối bởi chính kiến văn hóa.
B. Các dấu hiệu về sự nối lại quan hệ hữu hảo khả dĩ phải đến từ các trung tâm quyền lực (các giới quanh Jaruzelski và Wałęsa) phải là đáng tin.
(Phần này còn tiếp)
Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN
[1] William H. Sewell, Jr., “The Concept(s) of Culture,” in Victoria E. Bonnell and Lynn Hunt, eds., Beyond The Cultural Turn: New Direction in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999).
[2] William A. Gamson, “Political Discourse and Collective Action,” in Bert Klandermans, Hanspeter Kriesi, and Sidney Tarrow, eds., International Social Movement Research, Vol. 1, From Structure to Action: Comparing Social Movement Research Across Cultures (Greenwich, CT: JAI Press, 1988), 220.
[3] Ann Swidler, “Culture in Action: Symbols and Strategies” American Sociological Review 51 (April 1986): 272.
[4] Geoff Eley, and Sherry B. Ortner, eds., Culture/Power/History (Princeton: Princeton University Press, 1994), 3-45; Victoria E. Bonnell and Lynn Hunt, eds., Beyond The Cultural Turn. New Direction in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999); Claudia Strauss and Naomi Quinn, A Cognitive Theory of Cultural Meaning (Cambridge: Cambridge University Press, 1997); Victoria E. Bonnell, Iconography of Power. Soviet Political Posters under Lenin and Stalin (Berkeley: University of California Press, 1997); Michael D. Kennedy, Cultural Formations of Postcommunism: Emancipation, Transition, Nation and War (book manuscript, 1999); Mabel Berezin, Making The Fascist Self. The Văn hóa chính trị of Interwar Italy (Ithaca: Cornell University Press, 1997).
[5] Kevin Avruch, Peter W. Black and Joseph A. Scimecca, eds., Conflict Resolution. Cross-Cultural Perspectives (Westport: Praeger, 1991).
[6] Victor Turner, Dramas, Fields, Metaphors. Symbolic Action in Human Society (Ithaca: Cornell University Press, 1974), 79.
[7] Các cuộc phỏng vấn được tiến hành với nhiều người tham gia trong hội nghị tháng Tư 1999 trong khi họ ở Ann Arbor. Các băng ghi âm phỏng vấn sau đó đã được gỡ băng ghi chép lại dưới sự bảo trợ của một hợp đồng từ the National Council for Eurasian and East European Research (NCEEER-Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu Á Âu và Đông Âu), dưới hiệu lực của một khoản tài trợ theo Title VIII từ Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ, cho dự án, “Thương lượng Cách mạng ở Ba Lan: Sự Hoán chuyển và Cơ hội trong năm 1989.” (Hợp đồng này, được trao cho Michael D. Kennedy và Brian Porter, cũng đã hỗ trợ các cuộc phỏng vấn thêm ở Ba Lan với cả những người tham gia, và những người phản đối, các cuộc đàm phán BT.) Cả NCEEER lẫn Chính phủ Hoa Kỳ đều không phải chịu trách nhiệm vì các ý kiến được phản ánh bên trong văn bản này.
[8] Andrzej Paczkowski, Od sfałszowanego zwycięstwa do prawdziwej klęski (Kraków:Wydawnictwo Literackie, 1999); Marjorie Castle, Changing Arenas, Changing Players: Regime and Opposition in Poland’s Transition from Communist Rule (bản thảo sách, không có ngày tháng); John Elster, ed., The Roundtable Talks and the Breakdown of Communism (Chicago: University of Chicago Press,1996).
[9] Bronisław Geremek (with Jacek Żakowski), Geremek Opowiada, Żakowski Pyta. Rok 1989 (Warsaw: Plejada, 1990); Krzysztof Dubiński, Okrągły Stół (Warsaw: KAP, 1990); Krzysztof Dubiński, Magdalenka: Transakcja Epoki (Warsaw: Sylvia, 1990).
[10] Jan Kubik, The Power of Symbols Against the Symbols of Power. The Rise of Solidarity and the Fall of State Socialism in Poland (University Park: The Pennsylvania State University Press, 1994).
[11] Anna Uhlig, W kręgu symbolu. O polskiej kulturze politycznej lat osiemdziesiątych (Warsaw: Uniwersytet Warszawski, Instytut Nauk Politycznych, 1989), 61.
[12] Krzysztof Jasiewicz, “Polish Politics on the Eve of the 1993 Elections: Towards Fragmentation or Pluralism?” Communist and Postcommunist Studies 26 (4) (1993): 10-12.
[13] Krzysztof Jasiewicz and Władysław Adamski, “Evolution of the oppositional consciousness,” in Władysław W. Adamski, ed., Societal Conflict and Systemic Change. The Case of Ba Lan 1980-1992 (Warsaw: IFiS Publishers, 1993), 55.
[14] Grażyna Staniszewska, các cuộc trò chuyện ở Ann Arbor, tháng Tư 1999 và trong Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings do Kasia Kietlinska dịch, Donna Parmelee biên tập (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999). Các dẫn chiếu đến bản nghi gỡ băng Bàn Tròn tương ứng với phiên bản in gốc của ghi chép. Chúng có thể không tương ứng với các phiên bản hiện có sẵn trên web hay được in sau đó.
[15] Tính do dự của sự đánh giá này được biện minh bởi sự hiếm có của dữ liệu kinh nghiệm.
[16] Rakowski, Interview Transcript; Gdula, Interview Transcript.
[17] Kaczyński, Interview Transcript; Bujak, Communism’s Negotiated Collapse, 37.
[18] Louis Kreisberg, “Intractable Conflicts,” in Weiner, Eugene, ed., The Handbook of Interethnic Coexistence (New York: Continuum, 1998), 337.
[19] Kaczyński, Interview Transcript; Rakowski, Interview Transcript; Michnik, trò chuyện (April 1999).
[20] Paczkowski, 165. Thí dụ, ngày 4-1-1989 Rakowski đã thông báo cho Hội đồng Giám mục: “bây giờ chúng ta hoàn toàn tự do để làm mới lại nhà của chúng ta.”
[21] Paczkowski, 171; Rakowski, Interview Transcript; Reykowski, Interview Transcript.
[22] Interview Transcript.
[23] Kaczyński, Interview Transcript, 5.
[24] Geremek, 146
[25] Trong việc học mang tính chiến lược người dân “xét lại những nhận thức của họ về cái gì là khả thi, có khả năng và quả thực đáng mong muốn theo ánh sáng của sự đánh giá của họ về khả năng riêng của họ để thực hiện các mục tiêu trước của mình (và của những người khác), khi họ hiêu hóa ‘thông tin’ mới” [Colin Hay and Daniel Wincott, “Interrogating Institutionalism, Interrogating Institutions: Beyond ‘Calculus’ and ‘Cultural’ Approaches” (paper downloaded from CLIO, 1999, 12-13)].
[26] Kaczyński, Interview Transcript.
[27] Reykowski, Interview Transcript.
[28] Gdula, Interview Transcript; Rakowski, Interview Transcript.
[29] Reykowski, Interview Transcript, 7.
[30] Konstanty Gebert, “Ten Years After: Reflections on the Round Table,” Bulletin. East and Central Europe Program, The Graduate Faculty, New School University, vol. 9/3 (October 1999): 4.
[31] Xem, thí dụ, Reykowski, Communism’s Negotiated Collapse, 140.
[32] Gebert; cả trao đổi riêng với Gebert. Laura Edles chứng tỏ rằng một thủ đoạn văn hóa tương tự (cần phải có một sự diễn giải đặc thù về lịch sử) đã được thực hiện thành công bởi elite Tây Ban Nha. Xem Laura Edles, Symbol and Ritual in the New Spain. The Transition to Democracy after Franco (Cambridge: Cambridge University Press, 1998).
[33] Chrzanowski, Communism’s Negotiated Collapse; Hall, Communism’s Negotiated Collapse; Michnik, Interview Transcript.
[34] Michnik, Interview Transcript.
[35] Geremek; Kaczyński, Interview Transcript; Lech Kaczyński and Jan Lityński, “Kompromisu blaski i cienie,” Rzeczpospolita, September 11, 1999.
[36] Rakowski Interview Transcript, 9.
[37] Paczkowski, 160-61.
[38] Andrzej Stelmachowski, “Telefon do Sekretarza,” Rzeczpospolita, February 6, 1999.
[39] Orszulik (Communism’s Negotiated Collapse, 58) trong cuộc gặp đầu tiên ở Magdalenka (16 tháng Chín, 1988): “Tôi đã ngồi cạnh hai đảng viên nổi bật như vậy [theo phái cứng rắn - JK] và họ đã nói: ‘Họ muốn cái quái gì? Họ đòi hỏi cái gì? Đây là điều không thể!’”
[40] Dubiński, Okrągły Stół, 52.
[41] Krzysztof Jasiewicz, personal communication; Castle, Chapter 4, 1-3.
[42] Michnik, Interview Transcript; Geremek, 24-28.
[43] Paczkowski, 158.
[44] Xem, đặc biệt, bài trình bày của Jaruzelski cho Ban Bí thư của Ban chấp hành Trung ương từ 5 tháng Mười Hai, 1988 [Stanisław Perzkowski, ed., Ostatni rok władzy 1988-1989. Tajne Dokumenty Biura Politycznego i Sekretariatu KC (London: Aneks, 1994), 196-99]. Xem cả, đóng góp của Staniszewska cho Hội thảo và tranh luận tiếp sau, trong Communism’s Negotiated Collapse, 143-48.
[45] Stelmachowski. Geremek mô tả làm sao ông đã phải chọn một ngôn ngữ chấp nhận được đối với chính quyền trong bài báo có ảnh hưởng của ông từ tháng Giêng 1988, trong đó ông đã kiến nghị lập ra một “hiệp ước chống khủng hoảng”, 9-10.
[46] Geremek, 20.
[47] Một sự xác nhận gây quyến rũ của đề xuất này đến từ bản thân Jaruzelski. Trong bài trình bày của ông cho ban lãnh đạo Đảng người ta thấy đoạn sau đây: “Hòa ước–đấu tranh. Hiển nhiên chúng ta luôn luôn cho rằng hòa ước và đấu tranh là không thể tách rời. Trọng lượng của hai từ này thay đổi, tùy thuộc vào tình hình...” (Ostatni rok władzy, 1999).

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:01
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/thuong-luong-su-thay-oi-co-ban-hieu-va_17.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001