Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

SỰ TÍCH HOA PHƯỢNG
Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước..
Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn… Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng… Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
- Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:
-Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó! Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: “Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết…” Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
-Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay! Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: “Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa…” Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ: “Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ”. Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên. Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất… Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người bố đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là cây hoa Phượng ngày nay. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước..
(nguồn giohangcuaban)






































































Phượng ơi! Đừng nở nữa













Đỗ Trường (Danlambao) - Tôi muốn chạy trốn tất cả, xung quanh đây đâu cũng là nàng. Tôi đã quyết định đi thật xa, để đừng bao giờ nhìn thấy mùa phượng nở và tiếng ve gọi hè. Tôi đã sang lao động ở Đức. Những ngày tháng lao động cực nhọc trên xứ người, cũng không làm tôi quên được hình ảnh của nàng. Ai đã cướp đi mùa hè của tôi? Ai đã cướp đi những con đường quen thuộc mà chúng tôi đã đi? Và Phượng ơi! Phượng cũng không nở trong trái tim Long trên mảnh đất Tây Đức này. Mặc dù ngoài kia nắng đã tỏa, cây đã đâm chồi và nảy lộc. Long chỉ có một mùa Phượng nở và mãi mãi không bao giờ nở nữa...

*

Thực ra tôi và Long cũng mới quen nhau, ngày cùng chuyển về trại ti nạn Ingelheim. Tôi từ Tây Berlin sang, anh từ Eisenach đến. Chúng tôi được xắp xếp ở chung phòng, chung giường tầng. Long ở trên, tôi ở dưới. Trong phòng còn Trương Văn Quyền người Sàigòn, thời kỳ này đang làm giấy tờ sang Mỹ do bố bảo lãnh và Phạm Văn Phú người Phan Thiết. Bốn chúng tôi trạc tuổi nhau, lại cùng là công nhân lao động, nên thân nhau ngay.

Ở trong trại, chúng tôi được ăn uống đầy đủ, nhận tiền mua quần áo, và tiền tiêu vặt. Bốn đứa chúng tôi đều ở Đức đã khá lâu, nên có nhiều quần áo còn tốt, không có nhu cầu mua sắm, cộng với tiền Ostmark mang theo đổi ra tiền DM, thằng nào cũng rủng rỉnh trong túi. Chiều nào chúng tôi cũng gầy độ nhậu, đến lúc khật khừ là đàn hát om xòm. Qủa thực Long chơi đàn và hát khá hay, nhất là những bản của Vũ Thành An. Đàn hát chán, tiếp theo những câu chuyện không đầu không đuôi được đưa lên bàn nhậu. Bốn thằng tôi đã bước vào tuổi băm, nhưng chỉ có Trương văn Quyền là có vợ con còn ở Việt Nam. Quyền gãi đầu, gãi tai bảo:

- Con vợ tao nó muốn sống ở Mẽo, nên nó lệnh cho tao làm đơn theo ông già, sau đó bảo lãnh nó qua, nhưng tao cứ thích ở lại Đức.

Tôi và Phú đã có bạn gái, nhưng đều còn ở lại bên Đông, thông tin vẫn qua lại, hẹn ngày đoàn tụ sau. Theo như chuyên gia Quyền, sau khi đã nghiên cứu thư từ, phán:

-Tình yêu của hai thằng bay vẫn còn trong thời kỳ nồng "khắm". Còn ông bạn Long đã tuổi băm, chưa vợ con, không tình yêu, chắc là có vấn đề. Không chịu khai rõ, thằng Phú, thằng Trường đè nó xuống, kiểm tra coi. Quyền nói như ra lệnh.

Ôi! cái ông bạn Long to cao đẹp trai như vậy mà nhát như con gái. Ba thằng chúng tôi chưa kịp hành động gì đã xua tay chịu thua. – Thôi... thôi được rồi, tôi kể cho các bố nghe...

- Ơ... cái thằng lầm lì như vậy mà kể hay đáo để. Phú hích tay vào mạng sườn tôi nói như vậy. Qủa thật lời kể của ông bạn Long trong lúc xúc động hồi tưởng, chứ không phải trong tình trạng rượu kể chuyện. Quyền đuột mặt ngồi nghe, thi thoảng chêm vào:

- Sau đó thế nào, tiếp đi mày….

Nghe xong, Quyền vỗ đùi đen đét, quay sang bảo tôi:

- Ông viết truyện ngắn, truyện dài ở những đâu đâu ấy. Chuyện tình của thằng Long ở thời buổi này mới đáng viết. Ông nghiên cứu, viết đi...

Còn Phú bảo Long:

- Chuyện của ông, tôi thấy như trong phim ấy. Có lẽ trong người đã sương sương, ông bạn lành như đất này mới hăng lên, dốc ngược ba lô, đưa ra cả tập thư từ, những kỷ vật làm bằng chứng...

Tháng sau được về nơi định cư, tôi và Quyền về Pirmasens. Long và Phú về Ludwigshalfen. Lúc chia tay, tôi bảo Long:

- Về nơi đinh cư ổn định, tôi sẽ viết và gửi cho ông đọc trước.

Long cười buồn, xiết chặt tay chúng tôi……

Không biết có bao thi sĩ, văn sĩ có thi hứng gửi gắm tình cảm của mình vào chiều thu vàng xào xạc, và những mùa xuân thật mong manh với cơn mưa bay nhè nhẹ. Nhưng với tôi khi tiếng ve kêu và cây phượng trước sân trường trổ bông là mùa đẹp nhất. Tôi không nghĩ là mình sẽ mất, mà đời người ai cũng có một lần, đó là tình yêu và thuở học trò. Thế mà từng cánh phượng rơi, tàn tã trong tôi đã mười năm rồi:

- Đề nghị Phượng hát lại đi.

Tiếng vỗ tay, tiếng la hét ầm ĩ của học sinh trung học Chu Văn An.

Phượng phải hát đi hát lại đến khan cả cổ, theo tiếng đàn của tôi. Đêm liên hoan văn nghệ từ giã mái trường, từ giã tuổi thơ, nó cứ theo tôi mãi những năm tháng sau này. Phải đến nửa đêm, chúng tôi mới chịu giải tán. Tôi và Phượng dắt xe ra sau cùng. Đêm trời tháng năm thật đẹp, ánh trăng dịu dàng tỏa sáng, thỉnh thoảng những làn mây lững thững trôi tạo nên một màn đêm thật tuyệt hảo. Gió Hồ tây, nhè nhẹ thổi làm cho làn tóc dài thướt tha của Phượng bồng bềnh như những áng mây trôi. Dưới ánh trăng, chiếc áo dài tím bó sát cơ thể đầy đặn, đang tuổi dậy thì càng tăng thêm vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng. Đi sát bên nàng, một mùi hương toát ra làm cho tâm hồn tôi rạo rực, ngất ngây. Tôi đưa tay nắm lấy tay Phượng.

- Hôm nay chúng mình đi bộ về nhé, Phượng không muốn đi xe đâu!

Phượng với mắt nhìn xa xăm, và nói tiếp:

- Hôm nay trăng đẹp quá, Long có thấy như vậy không?

Tôi gật đầu và đi chầm chậm bên nàng:

- Phượng này! Từ mai chúng ta phải xa mái trường Chu Văn An mãi mãi, Phượng có nhớ không?

- Nhớ chứ, vì ở đó chúng ta có nhau. Ôi! Phượng cứ mong chúng ta mãi mãi như hôm nay.

Rồi Phượng cất tiếng ke kẽ hát: "Thời gian ơi hãy ngừng trôi…"

Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi dựng xe bảo Phượng:

- Phượng có nhìn thấy gì ở mặt hồ không?

- Thấy gì cơ?

- Bóng của Long chồng lên Phượng kìa.

Phượng nhìn theo tay tôi chỉ, và cúi xuống nhặt một viên sỏi ném tõm xuống mặt hồ, làm bóng chúng tôi nhòa theo mặt nước. Bất chợt tôi kéo Phương vào lòng, nàng cứ để nguyên như vậy. Mùi hương của nàng rất gần, rất gần, làm tôi khẽ rùng mình.

- Long ơi! Phượng hơi lạnh.

Tôi ôm nàng chặt hơn. Một cảm giác lạ chưa bao giờ có, chạy dọc cơ thể tôi. Đôi môi tôi đã tìm đến môi nàng một cách vụng về:

- Phượng ơi! Long yêu Phượng nhiều lắm.

Nàng xiết chặt cổ tôi, âu yếm:

- Sao tham thế, hôn lâu đến bỏng cả môi người ta rồi.

Tôi cười:

- Để nhớ.

Nhà Phượng ở phố Nguyễn Cảnh Chân, khu phố villa này giành riêng cho cán bộ trung ương. Cả hai yên lặng đi bên nhau, để tận hưởng hết những hương vị của tình yêu. Không gian như dừng lại, dường chỉ còn những chú ve sầu kêu rời rã, lọt thỏm vào không gian yên lặng ấy.

Nàng nhẹ hôn tôi, thì thầm:

-Tới nhà rồi, ngủ ngon nhé.

Tôi gật đầu và đứng nhìn theo cái dáng mảnh mai của nàng, khuất sau cánh cửa sắt nặng nề khép lại...
Chiến tranh biên giới phía Nam vẫn còn gay go, quyết liệt, biên giới phía Bắc lại bùng nổ. Lũ con trai chúng tôi, hôm trước mừng rỡ nhận được giấy báo vào học đại học, hôm sau nhận được lệnh tổng động viên vào quân đội. Được tin này Phượng buồn lắm. Nàng lo cho tôi phải chịu đựng gian khổ ở chiến trường, sợ buồn khi vắng tôi.

- Hay Phượng nói với ba can thiệp, để Long được nhập trường học nhé.

Nghe Phượng đề nghị như vậy, tôi gạt ngay:

- Không được đâu, ba Phượng là cán bộ cao cấp, gia đình Long như thế này. Ngay quan hệ của chúng ta còn bị cấm nói chi đến chuyện khác. Tốt nhất, hãy im lặng, bằng không gia đình lại ầm ĩ lên đấy.

Phượng biết nói cũng không được, nên nàng thở dài, đặt bàn tay vào lòng bàn tay tôi, nói một cách dứt khoát:

- Long không được học tiếp, Phượng cũng không học đâu, Phượng sẽ xin đi làm, chờ Long về cùng học.

Tôi cảm động, hôn tới tấp lên môi, và lên cả những giọt nước mắt của nàng đang chảy xuống…

Sáng hôm sau tôi lên đường, tối nay Phượng đến thật sớm, nàng đã mua cho tôi thật nhiều thứ. Nhưng tấm vỏ chăn nàng thêu cành phượng đỏ rực là tôi thích nhất. Đêm nay chúng tôi dành trọn vẹn cho nhau. Nàng bảo, chúng ta sẽ đàn và hát những bài ca hai đứa cùng thích. Rồi Phượng hát thật nhiều. Chúng tôi quen nhau từ khi còn học tiểu học, nghe Phượng hát đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Phượng hát hay như đêm nay. Đêm thanh vắng càng làm cho lòng tôi khắc khoải, nỗi niềm mênh mang theo từng câu hát.

"…Yêu nhau trong cuộc đời… mơ duyên tình dài, gắn bó đôi lời… Rồi từ mai ngăn cách… Biết rồi là khi đưa đón, có mấy ai không buồn…"

Trăng đã nhạt dần và rọi chếch vào trong khung cửa, mùi hoa phượng theo làn gió về thoang thoảng đâu đây. Tiếng còi tầu rời ga, nghe hun hút, làm cho Phượng khẽ rùng mình, ngừng hát. Hình như tôi nghe được cả tiếng thở, và con tim của Phượng đang đập dồn nơi lồng ngực. Phượng thu người lại, lọt thỏm vào lòng tôi. Những làn mây như như tấm màn nhung dập dờn, bất chợt từ đâu đến, che kín cả bầu trời. Như có ngàn cục than hồng đã được ủ trong người, tôi ghì chặt lấy Phượng. Nàng xoay người, làm chúng tôi đổ xuống giường. Ngọn lửa đã bùng lên, trong cái man dại của tình ái, chúng tôi đã trao cho nhau tất cả. Và cũng trong hơi thở, vồn vã hạnh phúc ấy, nàng bảo:

- Phượng linh cảm, có một điều gì không may mắn đến với chúng ta.

Tôi động viên nàng:

- Mọi điều sẽ tốt đẹp cả thôi. Phượng cố gắng đợi Long về.

Sau khi huấn luyện, chúng tôi hành quân lên chót đầu của biên giới phía bắc. Tôi vẫn thường xuyên nhận được thư của Phượng. Đúng như Phượng nói, nàng đã không học tiếp, xin vào làm ở xí nghiệp may thêu, bất chấp sự phản đối của gia đinh. Phượng quyết tâm đợi tôi về. …

…Thời gian hai năm, trong ba lô của tôi đầy thư của Phượng. Qủa thực, nếu như không có thư và những lời động viên của Phượng, tôi không thể trụ nổi trên tuyến đầu khắc nghiệt này. Rồi bặt đi một thời gian... tôi không nhận được thư... Người tôi như ngồi trên đống lửa, bao phen tôi định bỏ về tuyến sau…

Vào một buổi chiều, sau một ngày đêm quần nhau tả tơi với những người lính “anh em“ phương bắc, quần áo tôi còn dính đầy máu và mồ hôi. Chưa kịp trấn tĩnh trở lại, ông bạn quân bưu ấn vào túi áo tôi lá thư của người bạn học. Bạn tôi đã báo tin về Phượng, cái tin như một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Gia đình ép nàng lấy một kỹ sư mới ở nước ngoài về, con ông bộ trưởng gần nhà. Nàng đã cự tuyệt. Nhưng vì củng cố địa vị, và danh lợi gia đình đã ép Phượng đến cùng. Cha Phượng là cán bộ cấp trung ương, ông lấy mệnh lệnh bảo thủ, những gì ông đang làm ngoài xã hội áp dụng vào chính con gái ông. Nhiều lần Phượng đã phải bỏ đến gia đình bạn bè ở nhờ. Nhưng không được lâu, Phượng lại phải quay về nhà. Ba mẹ Phượng cho rằng, nàng làm vậy chỉ dọa dẫm gia đình, nên lại càng thúc ép…

Dường như Phượng đã chuẩn bị sẵn cho cuộc ra đi mãi mãi này. Cũng vào một đêm muà hè sau hai năm tôi đi, nàng đã viết cho tôi một bức thư cuối cùng. Không gửi. Phượng đã ra đi, trong cơn đau đớn tột cùng bằng một liều thuốc ngủ mạnh…

Được tin Phượng không còn, tôi cảm thấy không còn là chính mình.Tôi như một cái bóng không hồn. Nhưng chiến sự ngày càng tàn khốc, là người lính trên tuyến đầu, ngày đêm đương đầu với súng đạn gian khổ, người tôi gầy rộc đi. Nhiều lần tôi ngất ngay trên nóc hầm. Đến năm sau, biết tôi không còn sức chiến đấu, đơn vị buộc phải cho tôi xuất ngũ.

Bước chân về đến Hà nội, tôi cảm thấy cô đơn đến lạ lùng. Tất cả là một sự thiếu vắng, chết chóc dưới con mắt của tôi, từ những con đường, hàng cây cũng trở nên xa lạ. Mặt hồ cũng lặng phắt sóng, không gian như dừng lại. Tôi đã đến nhà nàng.Từ ngày Phượng ra đi, mẹ nàng ân hận trở thành điên khùng. Cha nàng nhìn tôi không nói. Ông lạnh lùng đưa cho tôi bức thư của Phượng, những hàng chữ thân quen đã nhòe đi vì nước mắt. Đọc xong, tôi gấp lá thư vào ngực mình. Và tôi khóc, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã khóc. Tôi đi như chạy ra khỏi nhà nàng. Đến cửa Nam, tôi mua một vòng hoa trắng, vòng về đường Lý thường Kiêt bẻ một cành phượng vĩ, sau đó tôi đạp xe xuống nơi nàng yên nghỉ. Tôi ngồi bên mộ Phượng không biết là bao lâu:

- Phượng ơi! Long đã về đây….

Tôi đã sống trong tâm trạng dằn vặt khổ sở. Tôi đã mất Phượng vĩnh viễn… Phượng ơi! Làm sao Long tiếp tục học đại học khi không còn Phượng nữa.

Tôi muốn chạy trốn tất cả, xung quanh đây đâu cũng là nàng. Tôi đã quyết định đi thật xa, để đừng bao giờ nhìn thấy mùa phượng nở và tiếng ve gọi hè. Tôi đã sang lao động ở Đức. Những ngày tháng lao động cực nhọc trên xứ người, cũng không làm tôi quên được hình ảnh của nàng. Ai đã cướp đi mùa hè của tôi? Ai đã cướp đi những con đường quen thuộc mà chúng tôi đã đi?

Và Phượng ơi! Phượng cũng không nở trong trái tim Long trên mảnh đất Tây Đức này. Mặc dù ngoài kia nắng đã tỏa, cây đã đâm chồi và nảy lộc. Long chỉ có một mùa Phượng nở và mãi mãi không bao giờ nở nữa:

"…Hãy cứ để mùa đông thành vĩnh cửu
Cây thông buồn trơ trọi giữa đồi hoang.
Đừng thức tỉnh những chồi non, chim hót.
Và xin người đừng nói những lời yêu
Vì tình ta đã chết tự bao giờ..."
(Nói Với Xuân- Đỗ Trường)


(TB- May mắn, nếu như bạn Trương Văn Quyền đọc lại truyện này hãy liên lạc với Đỗ Trường. Tiện báo cho Quyền rõ, Long đã chuyển về München vẫn độc thân, thỉnh thoảng về Leipzig thăm tôi. Phú vẫn ở Lugwigshalfen.

Trương Văn Quyền, quê Sàigòn, sinh năm 1957 sang Đức năm 1986, được bố bảo lãnh sang Mỹ năm 1992, ở CaLi hay Houston? Vì Quyền bảo, nơi Quyền ở toàn người Việt, học lái xe cũng bằng tiếng Việt. Bác nào biết bạn Quyền, xin nhắn giúp mấy chữ vào địa chỉ. dotruong07@yahoo.de- Cảm ơn rất nhiều.)


(nguồn danlambao)




Hoa Phượng tím chỉ có ở Đà lạt hay ở ngoại quốc









(TH sưu tm hình ảnh qua internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001