(Dân trí) - Thu nhiều khoản tiền “tự nguyện”,
giáo viên bật mí: dòng tiền chảy vào túi…Hiệu trưởng (và cả Ban Giám
hiệu), rồi từ đó chảy ngược lên những chỗ cao hơn. Còn tiền từ “tự
nguyện học thêm”, phụ huynh và học sinh chỉ có quyền mơ về một điều
ước...
>> Yêu cầu trả lại nhiều khoản thu
>> "Tự nguyện" dẫn tới những cách nhìn “xấu xí” về giáo dục
Thợ cày trên cánh đồng chữ
Than thân trách phận,
vò đầu bứt tai tính tới tính lui, cân nhắc giữa cái được với cái mất khi
phải chi quá nhiều trong số tiền ít ỏi kiếm được cho con đi học thời
nay, rất nhiều bậc cha mẹ học sinh có lẽ rồi cũng phải kêu lên:
“Cái vụ này (tự nguyện đóng tiền và tự nguyện ép con học thêm) còn lâu mới dẹp được! Hãy tin tôi đi, phải đến… Tết Cônggô!” - Tung: tungtungbay@yahoo.com.vn
Nhưng bao giờ cho đến… Tết Cônggô, để các bậc cha mẹ có được tâm trạng thoải mái như Hoang Dinh Xuyen: xuyenhd_nhim@yahoo.com.vn:
“Tôi có đứa con đang
học lớp 12, chỉ còn mấy tháng nữa là THOÁT NẠN HỌC rồi! Tôi không thể
hiểu nổi tại sao con mình học rất tốt những năm trước đây, mà bây giờ
vẫn phải CÀY ẢI LIÊN TỤC NGÀY 3 CA, TUẦN 7 NGÀY? Tôi hy vọng ngành giáo
dục phải nhìn thẳng vào sự thật, sớm đưa ra những giải pháp phù hợp với
xu thế thời đại. Cụ thể theo tôi là: cải cách toàn diện nội dung sách
giáo khoa, kiên quyết loại bỏ những kiến thức thừa, vô bổ, rút ngắn
chương trình phổ thông (11 năm) như thời chống Mỹ. Và quan trọng nhất là
KIÊN QUYẾT CHỐNG DẠY THÊM, HỌC THÊM DƯỚI BẤT KỲ HÌNH THỨC NÀO”.
Phan Văn Sáu saukythuatcl@yahoo.com.vn
viện dẫn ra những con số cụ thể để minh chứng cho cái sự học trò
giờ không khác gì các thợ cày suốt ngày miệt mài trên cánh đồng chữ:
“Các bạn nói đều
rất đúng. Như con mình học trường TT đây, các cháu học cả ngày
đến chiều đón về đã mệt, đi còn như không muốn bước nữa. Vậy
mà lớp nào cũng đưa ra chương trình tự nguyện tham gia câu lạc
bộ nào là bóng đá, cờ vua, vẽ, học nhảy ....Vậy là mỗi tuần
một buổi các cháu ở lại từ 4h30 đến 5h30 để học. Như thế mỗi
tháng các cháu ở lại học thêm 4 buổi. Mà nói là 4 buổi chứ
học được gì vào lúc đó, phần vì mệt, phần vì ở sân trường
học sinh ra về, phụ huynh đón lộn xộn… Vậy thì học được cái
gì vào đầu nữa nhỉ?
Thế là mỗi tháng
đóng thêm 150k/hs. Nếu ai không tham gia thì liên tục ngày nào các
cháu cũng nhắc nhở: Cô giáo bảo còn ai chưa đóng thì nói bố mẹ
đóng ngay…. Thực ra PH nào cũng hiểu rõ sự vô lý ở đây, nhưng
không ai dám nói thật lòng mình cũng chỉ vì sợ con mình bị trù
dập. Tôi thấy thà rằng nhà nước qui định đóng thêm học phí còn
hơn là đóng tiền “tự nguyện” và “học tự nguyện” như thế này gây
bức xúc quá. Tôi lo là cứ thế sẽ có nguy cơ hỏng hết cả xã hội và lớp trẻ tương lai của đất nước sẽ thế nào?”
Huynh Sam tin_bin_son@yahoo.com
tiếp tục nhấn mạnh về ý nghĩa mập mờ của 2 chữ "tự nguyện”, đồng thời
cũng chất vấn ngược lại chính các PHHS vì sao… không dám dũng cảm:
“… Về tự nguyện đăng ký
học thêm. Ngay trong các khoản thu đầu năm đã có những khoản thu theo
thỏa thuận, từ tiền ăn đến tiền học các môn không bắt buộc. Nhưng vấn đề
ở đây là phụ huynh chúng ta chưa phát huy hết quyền của mình. Đã là
thỏa thuận thì chúng ta có quyền đưa ra ý kiến để không thỏa thuận,
nhưng với lý do phải chính xác mang tính thuyết phục, thì tôi tin nhà
trường cũng sẽ đứng về phía chúng ta thôi.
Học thêm, lâu nay trong
phụ huynh chúng ta có rất nhiều vị có suy nghĩ là: nếu không cho con đi
học thêm thầy cô bộ môn thì con mình sẽ bị trù úm. Với suy nghĩ đó vô
tình chúng ta đã gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ lệch lạc như thế.
Lấy kinh nghiệm gia đình chúng tôi KHÔNG BAO GIỜ cho con mình đi học
thêm thầy cô trong lớp. Tôi chỉ cho con học ít nhưng phải chắc và liên
tục, nên 10 năm qua cháu vẫn là HS giỏi mà không thầy cô nào “đì” cả. Do
vậy các PHHS ơi, chúng ta hãy nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích
cực, cũng là để đừng làm vẩn đục đầu óc ngây thơ của con mình, các vị
nhé!”
Nhìn từ hướng tích cực là vậy, còn từ những hướng khác thì sao? Tuan: tuanxdvt@yahoo.com nêu 1 kinh nghiệm xương máu khác:
“Bộ
trưởng Bộ GDĐT nên trả lời rõ ràng việc này trước Quốc hội. Đừng để
nhân dân bức xúc nhiều, kể cả việc học thêm " tự nguyện". Các giáo viên
giờ thường không dạy hết kiến thức trong giờ chính khóa, mà chuyển sang
dạy thêm để lại thu tiền thêm…” - Gửi Hùng: hoanghung@gmail.com. Nhận
xét của anh rất chính xác. như trường hợp con tôi học lớp 5 tại 1 trường
ở TP Vũng Tàu. Vì không đi học thêm nên môn tiếng Việt bị cô chấm 1
điểm liên tục trong vở. Tôi mới kiểm tra thì thật quá chán và chỉ muốn
gặp ngay cô giáo chủ nhiệm để hỏi: Vì sao học sinh học toàn điểm 1 mà cô
không căn dặn gì với phụ huynh để cùng kèm. Tôi mang sách tiếng Việt và
Toán 5 ra rồi dạy con luôn cả 2 môn Toán và tiếng Việt xem cô có cho 1
điểm nữa hay không. Nếu vẫn còn cho thì tôi sẽ trực tiếp gặp Hiệu trưởng
xem thực tế như thế nào. Từ đó toán thì toàn 7,8,9,10 điểm. Tiếng Anh
thì con tôi học từ lớp 2 nên toàn 10. Mà con tôi từ lớp 1 ->4 đều là
học sinh giỏi và tiên tiến. Pó tay!”
Đinh Văn Nam namka512@gmail.com điểm danh thêm các chiêu trò làm kinh tế trong giáo dục:
“Còn nhiều trường bắt
học sinh phải đi học phụ đạo, nếu không đi cũng phải đóng tiền. Chữ tiền
ở đây là lớn nhất. Trời ơi, ngày xưa trường học là nơi trồng người, bây
giờ thì sao, có lẽ phải nói là
"trồng tiền" thì đúng hơn. Các cán bộ cấp trên ơi, mong hãy giúp các em,
giúp các bậc phụ huynh và nhất là giúp cho xã hội Việt Nam
mình có một nguồn nhân lực dồi dào với. Chứ không cứ để như thế này thì
ngày càng tệ quá. Chúng tôi thật sự rất phẫn nộ vì thời đại ngày nay
không biết phải gọi là ngành giáo dục hay thay bằng cụm từ "làm kinh tế"
thay cho "giáo dục" đây?”
Nguyễn Văn nhanhot73@gmail.com bày tỏ nỗi niềm chắc không của riêng ai:
“Tôi chỉ đang đau đầu
tìm cách làm sao để con tôi không đi học mà vẫn “được” nộp tiền học thêm
cho cô, để cô không ghét nó. Như vậy chắc
cháu sẽ khỏe mạnh, học giỏi lên rất nhiều. Tôi không sợ bị trù dập
trong công việc, nhưng tôi sợ con tôi vì mấy đồng học thêm mà cháu bị
trù dập. Con ơi, không lẽ để tránh chuyện học, ba… mua bò cho con chăn?
Mà chăn bò cũng phải có kiến thức. Ba có lỗi với con vì cô thầy bắt con
học thêm mà ba bất lực, không lẽ ba chuyển nhà về nông thôn? Nhưng ruộng
đâu ba cày hả con?”
Lê Khánh Hưng khanhhung0978@yahoo.com.vn có ngay dẫn chứng về sự linh hoạt trong đối phó với thanh kiểm tra tệ dạy thêm, học thêm:
“Sắp tới có đoàn thanh
tra toàn diện về dạy thêm, học thêm tại tất cả các trường trên địa bàn
Tp Hà Nội. Theo tôi được biết thì... nhiều trường đã chuẩn bị đối phó.
Cô giáo đã dặn trước tất cả học sinh: Ai có hỏi thì bảo là các con không
đi học thêm ở đâu cả. Để chắc chắn, Ban Giám hiệu còn xuống từng lớp
hỏi thử. Nhưng có học sinh vẫn trả lời là: Con đi học thêm ở trung tâm
và do chính giáo viên chủ nhiệm lớp dạy. Sau đó học sinh này được "chỉnh
đốn" ngay. Công nhận nền giáo dục của Việt Nam ... "ưu việt" thật, khi dạy các cháu từ nhỏ đã thích ứng được với hoàn cảnh xã hội bằng cách nói dối để đối phó như thế!!!”
Hoang hoangd_20072@yahoo.com.vn bộc bạch nỗi lo về sự đổ vỡ niềm tin rất sớm trong tâm hồn con trẻ:
“Nếu nền móng mà yếu
thì làm sao có một xã hội đủ mạnh được. Con em chúng ta từ lớp 1 đến lớp
12 luôn luôn ở trong tình trạng bị các thầy cô o ép học thêm, nếu không
học thì sợ bị trù úm nên học tập rất căng thẳng. Phụ huynh thì nộp đủ
các loại tiền theo “sáng kiến” của nhà trường với toàn hình thức "tự
nguyện". Trải qua 12 năm học phổ thông như vậy, đứa trẻ từ rất trong
sáng đã được chứng kiến quá nhiều việc không hay, bảo sao khi lớn lên
chúng không cơ hội, bon chen... Mất niềm tin quá đi thôi!”
(ảnh minh họa, nguồn: Lao Động)
Thợ… vẽ trên trang giấy trắng học trò
Trước thực tế có quá nhiều khoản
phải đóng góp, nhiều trường buộc học sinh học ngày học đêm và tất nhiên
cha mẹ càng phải nai lưng ra đóng tiền, ăn bớt thời gian làm việc để lo
đưa đón con… Anh Anh dieuhuongeabhp@gmail.com chốt lại vấn đề bằng kết luận tưởng đâu liên quan tới ngành hội họa:
“Nhiều
thầy cô bây giờ hình như chỉ tập trung… học "vẽ" thôi, nên thầy cô nào
“vẽ” cũng giỏi, cũng đẹp, cũng hay. Vẽ ra đủ thứ rồi yêu cầu PHHS đóng
góp trên tinh thần "tự nguyện” (bị ép buộc). Còn các bác trên Bộ thì
đúng là nói giỏi, nói hay nhưng cũng có thay đổi được gì đâu. Giới trẻ
bây giờ gọi như thế là "chém gió", nhưng nói thật bọn trẻ con bây giờ
còn "chém gió" hay hơn và giỏi hơn các bác, các thầy cô nữa đấy.
Con tôi học mẫu giáo.
Năm đầu tiên vào trường, nhà trường thu tiền "xã hội hoá". PH hỏi đóng
bao nhiêu. Nhà trường nói cái này tuỳ tâm các PH đóng góp, nhưng tối
thiểu phải là 1 triệu đồng. Vậy cái tuỳ tâm mà nhà trường nói là tuỳ tâm
gì? Năm thứ 2, cô giáo nói các PHHS đóng tiền mua tivi tinh thể lỏng to
và đầu đĩa để cho các cháu học. Mỗi PHHS đóng 500k x 40 cháu = 20
triệu. Sang năm các cháu chuyển lên lớp lớn hơn, học lớp khác, liệu có
vác được tivi đi theo không hay là lại 1 cái điệp khúc: đóng tiền để mua
cho các cháu học tập???
Trong khi đó phải đóng
quỹ nhà trường 600k/cháu/năm x 40 cháu/lớp x 10 lớp = 240tr. Tiền này
dùng để làm gì? Để mua hoa, quà tặng các thầy cô Tết DL, 8/3, 30/4, 1/5,
20/10, 20/11, 2/9, Tết nguyên đán. Tiền quỹ lớp 700k/cháu/năm x 40
cháu/ lớp = 28trđ trong đó: 35 đề tài học/năm x 5.000k/1 đề tài = 175k.
Tiền khăn mặt, nước uống, mua hoa & quà tặng cô các ngày lễ kể trên
….Có quỹ trường, quỹ lớp rồi, nhưng đến 1/6, Tết trung thu các cháu vẫn
phải đóng thêm mỗi ngày lễ là 100k để các cô tổ chức cho các cháu vui
chơi.
Nói tóm lại, đóng quỹ
chủ yếu để phục vụ nhu cầu của các cô là chính, còn các cháu chỉ là cái
tờ giấy, các cô thích vẽ gì thì vẽ thôi. Chưa hết nhé, ngoài tiền học
tiền ăn, mỗi cháu phải đóng thêm các khoản phụ phí gọi là hỗ trợ: nào là
tiền chất đốt, tiền nước uống, tiền điện nước, tiền trông xe,…Đủ thứ
tiền. Chắc cũng nên cho con đi học “vẽ” thôi, các bác ạ”.
Trong khi đó, Quang Anh qanh@yahoo.com cho rằng vấn đề nằm ở sự chỉ đạo chung không đúng với thực tế XH hiện nay:
“... Ngành giáo dục cho
rằng kêu ca về phí thu từ phụ huynh làm xấu mặt ngành. Xin thưa nếu có
chính sách tốt, rõ ràng và cán bộ thực hiện công tâm, minh bạch thì
người dân chẳng hơi đâu mà kêu ca với khiếu kiện. Với ngành giáo dục,
tôi nghĩ chính chỉ đạo chung không đúng đang hành hạ ta: Sao cứ phải
nhồi nhét kiến thức cho học sinh trong khi khả năng của hệ thống và tài
chính còn hạn chế? Giáo viên không đủ, thiếu trình độ, học trò và gia
đình căng thẳng về thời gian và sức ép kiến thức. Do vậy, chi phí chung
của xã hội cho giáo dục đã quá sức chịu đựng của hệ thống rồi”.
Quỳnh Anh ho_danghoa@yahoo.com nêu rõ sức ép của chính sách giáo dục đang đè nặng lên XH, để rồi hậu quả không khác gì “gậy ông lại đập lưng ông”:
“Tôi nghĩ là tại ở
chính sách giáo dục. Chính sách giáo dục này gây sức ép lên toàn xã hội,
mà đối tượng hứng chịu trực tiếp là học sinh và phụ huynh. Hệ thống này
tự tạo ra sự quá tải của hệ thống bằng quy định các chương trình giáo
dục quá nặng với nhiều nội dung vô bổ. Hệ thống này cũng tạo ra những
phương pháp giáo dục phản khoa học. Kết quả là dù đầu tư nhiều cho giáo
dục, thì đội ngũ lao động Việt Nam
nhìn chung vẫn bị đánh giá là kém về chất lượng. Đồng thời đời sống văn
hóa, tinh thần của người dân nói chung vẫn nghèo nàn. Thực ra với tỷ lệ
đầu tư cho giáo dục của xã hội VN hiện nay, theo tôi được biết, là vào
diện cao trong khu vực và trên bảng xếp hạng của thế giới. Nên tôi nghĩ
nếu có chính sách đúng và chương trình phù hợp, giáo dục Việt Nam đã không tệ như hiện nay. Ta đang hại ta chứ chẳng phải bị ai khác hại cả”.
Đợi chờ… đến Tết Cônggô
Phan Lê phanle@gmail.com.vn nêu quan điểm chung với nhiều PHHS qua kiến nghị về 1 kế sách xem ra rất dễ thực hiện mà hiệu quả lại tức thời:
“Không cần kiểm tra đâu
xa, các trường nội thành thu tiền PHHS nhiều lắm. Chỉ cần UBND thành
phố ra quyết định: nếu trường nào thu sai quy định thì kỷ luật hiệu
trưởng với mức buộc thôi việc; Giáo viên nào thu tiền dạy thêm sai quy
định bị đình chỉ công tác. Tình hình tất sẽ nghiêm minh ngay. Người nào
tố giác đúng sự thực cần được pháp luật bảo vệ, có thưởng giá trị cao.
Tôi nghĩ, đấy mới là kế sách hiệu quả”.
Đào Thục Hiền daothuchien@yahoo.com.vn cũng nhấn mạnh sự cần thiết chấn chỉnh lại đội ngũ hiệu trưởng bởi vai trò đầu tàu của họ trong các trường:
“Trường học nào có hiệu
trưởng có tài, có tâm thì giáo viên, học sinh và PHHS được nhờ. Người
dân tha thiết mong được Bộ Chính trị lấy ngành giáo dục làm điểm để thực
hiện NQTƯ4. Cần kiểm điểm sâu sắc từ cấp Bộ đến cơ sở. Cần sắp xếp lại
đội ngũ hiệu trưởng trước khi cải cách giáo dục. Tôi xin trích một nhận
định rất hay của một cán bộ quản lý có đức độ : "Hiệu trưởng là người
đứng đầu nhà trường, quyết định thành công hay thất bại của nhà trường
trong việc triển khai phương hướng cũng như chương trình đào tạo. Hiệu
trưởng còn ảnh hưởng rất lớn với các giáo viên, học sinh trong trường về
lối sống, văn hóa dạy, học và ứng xử. Vì vậy, chọn trường cũng là chọn
hiệu trưởng. Muốn đảm bảo ngôi trường mình chọn được điều hành và hoạt
động với tinh thần trách nhiệm, lương tâm cao, hãy xin gặp và trao đổi
với hiệu trưởng để cảm nhận".
Mong muốn là vậy, nhưng… “Tết Cônggô” chỉ là khái niệm không có thực trong đời.
Kiều Anh
nguồn:http://dantri.com.vn/c701/s701-645694/uoc-co-mot-ngay-day-themhoc-them-bien-mat.htm
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001