Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Đề án Nobel: giữa mộng và thực

Đề án Nobel: giữa mộng và thực




Thật là thú vị! Và, thi vị. Có hẳn một  đề án để đoạt giải Nobel (sẽ gọi tắt là “đề án Nobel”) với sự hỗ trợ bằng tiền của PetroVietnam dưới thời ngài Đinh La Thăng. Có thể đây là đề án độc đáo trên thế giới. Nhưng hình như có một sự thi vị hoá vấn đề ở đây …


Người Việt chúng ta dĩ nhiên nổi tiếng là yêu thơ. Yêu thơ gần như là một đặc tính dân tộc. Nhà văn hoá Đào Duy Anh từng nhận xét người Việt rằng "[…] Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. ... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Đọc lịch sử thời xưa, chúng ta thấy Việt Nam có nhiều thi sĩ và tướng quân hơn là nhà khoa học. Không biết có ai làm thống kê so sánh số nhà thơ và nhà văn với nhà khoa học, nhưng thấy Hội Nhà văn hoành tráng tôi nghĩ sỉ số hai nhóm này chắc tương đương nhau. Chúng ta thường thi vị hóa cuộc đời, ngay cả trong chiến tranh. Hôm qua đọc được câu thơ sau đây của Hoàng Cầm, “Xương tôi, tôi bắt nên cầu / Cho đàn con bước lên lầu Tự Do”, thoạt đầu thì xúc động, nhưng nghĩ kĩ thì hình như chỉ là … thi vị hóa thôi, chứ không phải thực tế.
Có thể ví giấc mơ giải Nobel là một thi vị hóa khoa học. Mơ thì không hẳn là sự thật, là thực tế. Thi vị hóa còn đơn giản hóa sự việc. Sự đơn giản là các tác giả của đề án này nghĩ rằng hễ có tiền là có giải thưởng danh giá. Lĩnh vực nào thì không rõ, nhưng trong khoa học thì tiền, tuy quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định cho phẩm chất. Những giải thưởng danh giá được trao cho những công trình có phẩm chất cao, mà tiền thì không mua được phẩm chất.
Giải Nobel thường được trao cho tác giả của những công trình nghiên cứu đã công bố trước đó 10, 20, thậm chí 30 năm. Trong lĩnh vực y sinh học, không có giải Nobel nào được trao cho những công trình dưới 10 tuổi cả. Điều này đúng và cần thiết, vì những công trình tiên phong thường cần một thời gian tương đối dài để đồng nghiệp thẩm định giá trị, trước khi trở thành một trường phái phổ quát. Chẳng hạn như công trình knock-out gene được công bố từ thập niên 80, nhưng phải chờ đến gần 30 năm sau mới được đề cửa và xét duyệt tặng giải Nobel.
Những công trình đẳng cấp Nobel hầu như chỉ công bố trên những tập san khoa học danh giá hàng đầu trên thế giới. Những tập san như thế có thể kể đến như Nature, Science, Cell, PNAS, New England Journal of Medicine, Lancet, v.v. Trong suốt 30 năm qua, chưa có công trình nghiên cứu thuần tuý nào của Việt Nam được công bố trên Nature hay Science. Có một số công trình trên New England Journal of Medicine  Lancet nhưng chủ đề tài không phải là người Việt.
Có tiền là tốt, nhưng tiền không phải là điều kiện tiên quyết để đoạt giải Nobel. Nghiên cứu khoa học cần tiền, và điều này thì ai cũng biết. Nghiên cứu khoa học đẳng cấp quốc tế cỡ Nature và Science hay Cell chắc chắn cũng cần nhiều tiền. Có tiền thì mới mua được thiết bị tốt. Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả tiền là ý tưởng. Công trình đẳng cấp Nobel phải xuất phát từ những ý tưởng mang tính cách mạng, những ý tưởng dẫn đến một mô thức (paradigm) mới. Có tiền mà không có ý tưởng tốt thì chẳng khác gì trọc phú đầy tiền bạc nhưng kém suy nghĩ.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết -- quan trọng hơn cả tiền và ý tưởng – là con người. Ý tưởng xuất phát từ con người. “Con người” ở đây là những nhà khoa học hàng đầu (leading scientist). “Hàng đầu” ở đây không chỉ có nghĩa là có bài trên những tập san hàng đầu, mà công trình có gây ảnh hưởng qua chỉ số trích dẫn hay chỉ số H. Hàng đầu còn có thể đánh giá qua tư cách được mời giảng (invited speaker) trong các plenary session của các hội nghị quốc tế với hàng vạn [chứ không phải vài trăm] người dự. Phải có những nhà khoa học như thế thì mới có ý tưởng đẳng cấp quốc tế. Việt Nam có những nhà khoa học hàng đầu chưa? Hình như Việt Nam chưa có những nhà khoa học đẳng cấp như thế.
Nên nhớ rằng cho dù có công bố trên các tập san danh giá trên cũng chưa đảm bảo được trao giải Nobel. Lí do đơn giản là cũng như bất cứ lĩnh vực nào, giải Nobel cũng phải qua bình bầu. Chẳng hạn như giải Nobel y sinh học phải thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong Karolinska trước khi gửi ra ngoài để bình duyệt. Điều này có nghĩa là không phải chỉ công bố mà còn phải … ngoại giao khoa học. Nói chung, đồng nghiệp Việt Nam còn yếu về cái khoản ngoại giao khoa học.
Câu hỏi đặt ra là trong 20 năm tới, Việt Nam có thể đoạt giải Nobel hay không? Không ai dám tiên đoán tương lai một cách khẳng định, chỉ dám nói với … xác suất thôi. Nhưng đối chiếu những yếu tố trên, có thể nói rằng xác suất Việt Nam đoạt giải Nobel trong 20 năm tới chắc rất thấp. Thấp là vì yếu tố thời gian chưa cho phép một nền khoa học cất cánh. Thấp là vì thiếu những nhà khoa học hàng đầu. Thấp là vì quá khứ cho thấy tiêu tiền nhiều nhưng không đem đến hiệu quả khoa học cao. Tiền chỉ là một điều kiện cần (và nhỏ), chứ chưa đủ để đoạt giải Nobel.
Nhưng tôi nghĩ chú tâm vào đoạt giải Nobel là sai, là làm lạc hướng vấn đề. Vấn đề của chúng ta là khoa học chưa có cái nền vững chắc, chưa có cái mà tiếng Anh gọi là critical mass. Chưa có những cái căn bản đó thì khoa học chưa “cất cánh” được. Cho đến hôm nay, thế kỉ 21, mà giới khoa học vẫn còn bàn những vấn đề hiển nhiên mà thế giới đã hoàn thiện cả trăm năm! Điều đó cho thấy chúng ta đang ở đâu đó quá thấp trong bậc thang khoa học quốc tế. Chưa có cái nền vững và critical mass, thậm chí chưa có văn hoá khoa học, mà nhắm đến những mục tiêu quá xa hay quá cao thì e rằng không hợp lí, chẳng khác gì người còn chập chững tập đi mà đã ao ước muốn bay. Giả thuyết rằng trong 5 năm tới Việt Nam đoạt 5 giải Nobel thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Năm giải đó không giúp gì cho nền khoa học hiện nay, càng không nâng cao vị thế của đất nước trên trường khoa học quốc tế. Những tác giả của đề án Nobel có lẽ quên câu chiếc áo không làm nên thầy tu, hay bỏ ngoài tai lời dạy của tiền nhân rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Chúng ta cần thực chất chứ không cần đuổi theo những giá trị phù phiếm.
Cần phải phân biệt giữa khoa học và thi ca. Chợt nhớ ngày xưa có câu có sức người sỏi đá cũng thành cơm, nghe cứ như là một câu thơ hay, nhưng trong thực tế trần trụi thì không ai có thể biến đá thành cơm được. (Nếu được thì đã xứng đáng giải Nobel!) Chúng ta mơ tưởng nhiều quá mà quên đi thực tế. Triết gia Nietzsche từng nhận xét rằng Á châu vẫn chưa phân biệt được sự thật và thi ca. Tương tự, cũng có thể nói rằng các tác giả đề án Nobel chưa phân biệt được thực tế và mộng tưởng (hoặc phân biệt được nhưng cứ lờ đi). Làm khoa học khác với làm thơ.
NVT
===
PS. Không phải chỉ người Việt mới mộng mơ giải Nobel, ngay cả người Mã Lai cũng thế. Có tin dưới đây cho biết Chính phủ Mã Lai cũng có chiến lược để đoạt giải Nobel.


(nguồn internet)
=====================================================================


1 nhận xét:

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001