Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

1239. TRUNG QUỐC VỚI VẤN ĐỀ KHAI THÁC BIỂN ĐÔNG
Posted by basamnews on 05/09/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TRUNG QUỐC VỚI VẤN ĐỀ KHAI THÁC BIỂN ĐÔNG

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 4/9/2012
TTXVN (Bắc Kinh 28/8)
Ngày 20/8, mạng “Tin tức Hải Nam” (Trung Quốc) đăng bài viết của Hạ Phong – chuyên gia của Viện Nghiên cứu cải cách phát triển (Nam Hải) Trung Quốc, trong đó tác giả cho rằng Nam Hải (Biển Đông) có nguồn năng lượng vô cùng phong phú, và dầu khí là trọng điểm tranh thủ khai thác hiện nay. Bên cạnh tình hình môi trường, an ninh năng lượng của Trung Quốc có nhiều thay đổi, địa vị chiến lược của Nam Hải đối với Trung Quốc cũng ngày càng nổi bật, đẩy nhanh khai thác nguồn dầu khí Nam Hải đã trở thành nhận thức chung của các giới tại Trung Quốc.

Tác giả cho rằng đẩy nhanh khai thác dầu khí Nam Hải là một trong những trọng điểm để tìm lối thoát cho vấn đề năng lượng của Trung Quốc. Việc thành lập thành phố Tam Sa cho thấy rõ khai thác nguồn tài nguyên và xây dựng căn cứ chiến lược tại Nam Hải được từng bước nâng lên thành chiến lược quốc gia. Nam Hải cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ về mọi mặt, mọi cấp, nhanh chóng thực hiện bước đột phá trọng điểm về khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ chiến lược tại Nam Hải.
Xu thế nút thắt cổ chai trong cung ứng năng lượng của Trung Quốc ngày càng nổi cộm. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Trung Quốc duy trì ở mức trên 10%, nhưng mức tiêu hao năng lượng đang tăng lên ở biên độ lớn. Nếu không thực hiện chuyển đổi mô hình triệt để về sử dụng năng lượng, vấn đề năng lượng sẽ trở thành nút thắt cổ chai lớn nhất trói buộc sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Theo tác giả, trong 20 năm tới an ninh năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn không lạc quan. Hiện nay, nút thắt cổ chai trong cung ứng năng lượng trong nước của Trung Quốc ngày càng nổi cộm, từ năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Trong thời gian tới, muốn duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định, tương đối nhanh, nhu cầu đối với năng lượng của Trung Quốc tất sẽ tăng lên đáng kể. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy các quốc gia châu Á đang phát triển là động lực chủ yếu của tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm 54% nhu cầu năng lượng được tăng lên trong 20 năm tới, trong khi tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu của hai nước này cũng tăng từ 21% năm 2007 lên 31% như hiện nay. Các dự báo đều cho thấy viễn cảnh cung ứng năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn không lạc quan.
Theo các số liệu dự đoán Nam Hải có trữ lượng dầu khí phong phú, ước đạt hơn 50 tỉ tấn, là một trong 4 khu vực có trữ lượng dầu khí lớn trên thế giới (vịnh Pécxích, vịnh Mêhicô và Biển Bắc). Vì thế, nguồn tài nguyên dầu khí có địa vị đặc biệt quan trọng trong an ninh năng lượng của Trung Quốc. Nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của Nam Hải có thể là căn cứ cung ứng tiềm tàng cho nhu cầu năng lượng Trung Quốc trong tương lai, ở một mức độ nhất định sẽ tạo dựng lại cục diện chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Nhưng từ tình hình khai thác thực tế năng lượng dầu khí Nam Hải, sự tranh giành nguồn dầu khí giữa các nước xung quanh với Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt.
Tác giả cho rằng hiện nay việc khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Nam Hải chỉ giới hạn tới thềm lục địa phía Bắc Nam Hải (Bắc Biển Đông), tức vùng biển Vịnh Bắc Bộ và duyên hải bán đảo Lôi Châu, Hải Nam. Xuất phát từ nhân tố chính trị, hiện Trung Quốc vẫn chưa khai thác được giếng dầu nào tại các khu vực tranh chấp ở Nam Hải.
Hải Nam có ưu thế vị trí tốt nhất để trở thành căn cứ chiến lược khai thác tổng hợp Nam Hải. Tỉnh Hải Nam nằm ở đầu cực Nam của Trung Quốc, bên trong dựa vào vành đai kinh tế Hoa Nam, bên ngoài tiếp giáp khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí trung tâm địa lý của Khu Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN, là vùng xung yếu giao thông lối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và là khu vực nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu của Trung Quốc, giao thông trên biển hết sức thuận tiện.
Theo tác giả đảo Hải Nam nằm ở phía Bắc Nam Hải, là dải lục địa gần nhất đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa), có vị trí chiến lược quan trọng bất kể là đối với khai thác tổng hợp dầu khí Nam Hải hay là con đường chiến lược của Nam Hải. Ngoài việc có các cảng biển tự nhiên lớn, đảo này còn là một trong những khu vực tốt nhất để Trung Quốc tham gia chiến lược khai thác dầu khí trong vòng 10 năm tới. Với điều kiện địa lý tương đối khép kín, xây dựng căn cứ chiến lược khai thác tổng hợp Nam Hải sẽ tạo thuận tiện cho việc tập trung quản lý và điều phối. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng của Nam Hải không ngừng được cải thiện đã đặt điều kiện nền móng cho Trung Quốc thẳng tiến ra Nam Hải.
Tác giả cho rằng công tác thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên lục địa của Trung Quốc đã đạt đến tầm cao mang tính lịch sử, bất kể là về thời cơ, tài chính, kỹ thuật, nhân tài hay về thay đổi kết cấu tiêu thụ năng lượng mang tính căn bản, đều đã đến thời điểm cần tiến quân ra biển. Nam hải có nguồn dầu khí phong phú và con đường chiến lược quan trọng, ngày càng có địa vị chiến lược nổi bật trong việc bảo đảm an ninh kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia và mở rộng cửa với bên ngoài. Đẩy nhanh khai thác tài nguyên Nam Hải và xây dựng căn cứ dịch vụ là yêu cầu chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cũng là yêu cầu tất yếu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.
Tác giả cho biết, chỉ khi được Trung ương ủng hộ việc khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ ở Nam Hải mới có thể thực hiện bước đột phá mang tính thực chất. Trong “Một số ý kiến chỉ đạo của Quốc vụ viện Trung Quốc về việc thúc đẩy phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam” đã xác định chiến lược về “khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Nam Hải”, nhưng gần 3 năm nay, do bị ràng buộc bởi nhiều nhân tố, khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Nam Hải vẫn không có đột phá thực chất, cần có sự giúp đỡ từ cấp độ Nhà nước mới có thể nhanh chóng thực hiện chủ trương trên.
Cuối cùng, tác giả kiến nghị cần đồng thời thúc đẩy xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam với khai thác nguồn tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Nam Hải, “lấy mở cửa thúc đẩy khai thác, lấy khai thác thúc đẩy bảo vệ chủ quyền”, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương đối với thành phố Tam Sa về cơ sở hạ tầng, các dự án quan trọng và vốn, nhanh chóng thúc đẩy khai thác tài nguyên và xây dựng căn cứ dịch vụ Nam Hải.
* * *
TTXVN (Niu Yoóc 3/9)
Đánh giá nguyên nhân, chính sách mập mờ và hành động quyết đoán của Trung Quốc đang gây căng thẳng trên Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), tạp chí “Stars & Stripes” của Mỹ gần đây nhận định nhiều người coi Trung Quốc như một gã khổng lồ bị Bắc Kinh kiểm soát gắt gao, do vậy khi một cuộc xung đột ngoại giao phát triển, chẳng hạn các cuộc đối đầu xảy ra gần đây ở Biển Đông, chắc chắn là một phần trong kế hoạch quan trọng của Bắc Kinh. Nhưng một số nhà phân tích coi bộ máy quan liệu của Trung Quốc như một con “Bạch tuộc khổng lồ” gồm các bộ và các tỉnh được quyền đề ra chương trình nghị sự khi bộ cạnh tranh ảnh hưởng và lợi nhuận với nhau – miễn là vẫn trung thành với Nhà nước Bắc Kinh. Trong triết học Trung Quốc, đặc biệt ở một số tỉnh phía Nam, có câu ngạn ngữ: “Trời thì cao mà Hoàng đế ở xa”. Điều đó đôi khi buộc Chính quyền Bắc Kinh phải ra tay dàn xếp các vụ lộn xộn ngoại giao không mong muốn. Chẳng hạn, chính sách biển hiện nay của Trung Quốc chủ yếu do 5 cơ quan quốc gia và các chính quyền địa phương khác tự đề ra. Để nỗ lực gây ấn tượng với chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, các cơ quan này được phép thực hiện chính sách chiếm đoạt các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tấm bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc để khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển này.
Chính sách biển của Trung Quốc đã và đang gây nhiều căng thẳng với các nước tuyên bố chủ quyền khác và nỗi lo ngại về chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc từng đóng một vai trò trong quyết định của Mỹ nhằm chuyển các nguồn lực quân sự nhiều hơn đến châu Á và khiến Philippin, Việt Nam và Thái Lan trở nên cởi mở hơn trước sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực. Một số nước ở Biển Đông bị lôi kéo vào các tranh chấp chủ quyền đảo trước đây tìm thấy một con đường phía trước thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng Trung Quốc nổi giận trước đề nghị: chính sách Biển Đông và hành động của Trung Quốc cần được các nước ASEAN hoặc các nhóm khu vực khác đem ra thảo luận. Đáng lẽ Bộ Ngoại giao Trung Quốc giống như Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ là cơ quan thiết lập và phối hợp chính sách giữa các cơ quan chính phủ và các chính quyền địa phương có lợi ích ở các vùng biển tranh chấp. Nhưng thực tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ có một chút thực quyền. Tương tự, lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phần lớn vẫn đứng ngoài xung đột, một phần do các nhà lãnh đạo sợ rằng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ sẽ thúc đẩy cuộc đối đầu nhỏ thành xung đột vũ trang. Khi chiến lược hải quân khu vực của quân đội Trung Quốc vẫn mập mờ, các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ theo dõi và nắm các tín hiệu từ những hành động của các cơ quan thực thi luật biển của Trung Quốc. Do đó, chiến lược trở lại châu Á của Lầu Năm Góc được công bố gần đây có ý định chuyển 10% các loại tàu nổi và tàu ngầm đang hoạt động ở Đại Tây Dương về Thái Bình Dương trong thời gian 8 năm. Việc chuyển đổi đó một phần do Mỹ nhận thức rằng Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa khu vực.
Để làm tình hình phức tạp hơn, cuối tháng 7/2012 Trung Quốc quyết định nâng cấp thành phố Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Nằm cách tỉnh phía Nam của lục địa Hải Nam khoảng 220 dặm, thành phố Tam Sa sẽ chính thức giám sát khoảng 770.000 dặm vuông vùng biển tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc như đã được xác định một cách mập mờ trên tấm bản đồ 9 đoạn. Khu vực này bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Bãi đá Hoàng Nham và nhiều khu vực khác. Ông Dali L.Yang, giáo sư khoa học chính quy của Đại học Tổng hợp Chicagô có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định: “Bộ máy quan liêu của Trung Quốc là một hệ thống phức tạp khổng lồ… Bộ Ngoại giao (MFA) không có tàu chiến riêng. Gần đây MFA mới thành lập một ban liên quan đến các đại dương. Nhưng cơ quan này không thể biết những gì đang xảy ra trên các vùng biển bởi vì không có khả năng để giám sát”. Ông Larry Wortzel, quan chức thuộc Ủy ban Xem xét Kinh tế và An ninh của Quốc hội Mỹ, cho rằng chưa bao giờ Trung Quốc có một Bộ trưởng Ngoại giao nằm trong danh sách 25 ủy viên Bộ Chính trị để nâng cao vị thế của Bộ Ngoại giao và có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết định quan trọng nhất. Tháng 4/2012, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế – một Viện Nghiên cứu đặt trụ sở tại Brúcxen, công bố một bản báo cáo đánh giá hoạt động của các cơ quan thực thi hàng hải của Trung Quốc liên quan đến việc giám sát các vùng biển. Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế khẳng định sự cạnh tranh quyền lực, ngân sách lớn hơn và uy tín giữa các cơ quan này, cùng với việc các chính quyền địa phương tìm kiếm các khoản thu nhập, đã góp phần làm tăng căng thẳng ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả ngoại giao khôn lường. Bà Stephanie Kleine – Ahlbrandt, Giám đốc khu vực Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Bắc Kinh, cho biết thực tế việc phân cấp quyền lực là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng phối hợp không hiệu quả giữa các cơ quan của Trung Quốc. Ví dụ, các chính quyền địa phương khuyến khích ngư dân đánh cá ở các vùng biển ra hơn trên Biển Đông để tránh gây ô nhiễm và đánh bắt cá quá gần đất liền.
Các cơ quan thực thi hàng hải của Trung Quốc theo dõi hoạt động này sẽ dẫn đến đâu – dẫn đến một số cuộc đối đầu với tàu chiến của Nhật Bản, Philippin và Việt Nam. Họ cũng tìm cách để thúc đẩy du lịch trên quần đảo Hoàng Sa nhằm tăng doanh thu. Đáng lo ngại hơn, hiện nay 5 cơ quan thực thi hàng hải chủ yếu của Trung Quốc đang vận hành 2.400 tàu thuyền để theo dõi tình hình trên các vùng biển và đất liền của Trung Quốc, trong đó một số tàu được trang bị súng máy và các loại pháo phòng không. Cơ quan Hải giám Trung Quốc còn công bố các kế hoạch tăng số lượng nhân viên từ 9.000 người hiện nay lên 15.000 người, đồng thời tăng số lượng tàu chiến từ 280 chiếc lên 520 chiếc vào năm 2020. Ngoài ra, ban Chỉ huy Tăng cường Luật Đánh bắt hải sản dự kiến tăng thêm 5 tàu tuần tiễu có trọng tải trên 3.000 tấn và được trang bị các máy bay trực thăng vào năm 2015. Ông Yang khẳng định rõ ràng đây là một cơ hội lớn để mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc. Và những hoạt động trên Biển Đông là những gì mà 5 cơ quan tăng cường hàng hải và các chính quyền địa phương Trung Quốc đang tìm cách thể hiện với cấp trên. Ông nói: “Nếu là một quan chức ở Bắc Kinh, tôi sẽ nói “Hãy xem, chúng tôi đang giúp mở rộng chủ quyền quốc gia của chúng ta. Chúng tôi đang hành động và đưa nhiều tàu đến các vùng biển”. Về cơ bản, đó là những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện nay”.
Theo báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, các cơ quan thực thi hàng hải của Trung Quốc đã thể hiện bản chất tự do thực hiện các nhiệm vụ của họ. Thực tế hệ thống thực thi hàng hải này hầu như không có thời gian để phát triển. Thậm chí cách đây 10 năm, Chính phủ trung ương Trung Quốc không quan tâm nhiều đến những gì đang xảy ra ở bên ngoài biên giới Trung Quốc. Do đó, các cơ quan thực thi hàng hải của Trung Quốc thể hiện những thủ đoạn xảo quyệt trong chính sách biển quốc gia và nhận thức sâu sắc các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Chính phủ trung ương ở Biển Đông và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc đối đầu biển đảo. Một số nhà phân tích khẳng định Trung Quốc đã cố ý áp dụng một chính sách quyết đoán hơn ở Biển Đông và cố gắng duy trì nguyên trạng bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng. Trong tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ được phát hành tháng trước, Phó Giáo sư Lyle Goldstein của Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Newport, Rhode Island, nhận định: “Nhiều người coi sự hung hăng của Trung Quốc là nguyên nhân gây nên những căng chẳng hiện nay có thể được hỏi: Tại sao Bắc Kinh chỉ quản lý 6 hòn đảo ở Trường Sa (so với 29 đảo do Việt Nam quản lý)? Tại sao Bắc Kinh là một trong các nước tuyên bố chủ quyền duy nhất không khai thác dầu khí ở Biển Đông? Và tại sao hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa lại do Đài Loan chiếm đóng?” Câu trả lời ngắn gọn nhất là: thực tế chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay chủ yếu là phản ứng trong hoàn cảnh lịch sử và hiện tại và điều đó thể hiện tính không rõ ràng trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan tăng cường hàng hải, nhưng chưa dấu hiệu nào chứng tỏ các cơ quan này sẵn sàng chấp nhận từ bỏ ảnh hưởng và lợi ích của họ để thúc đẩy tình hình theo hướng triển vọng tốt hơn. Nhà nghiên cứu Masayuki Masuda của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản cho biết qua các cuộc thảo luận ở Trung Quốc, ông nhận thấy cạnh tranh giữa các cơ quan tăng cường hàng hải của Trung Quốc đang tồn tại và phát triển mạnh trong tiến trình chiến lược diễn ra hiện nay. Một số cơ quan đó sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với quân đội để củng cố vị thế của họ với Chính phủ trung ương./.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/09/05/1239-trung-quoc-voi-van-de-khai-thac-bien-dong/#more-74189
===================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001