Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Ngày này cách đây tròn 1 năm, 7/3/2012, tôi bị Công an Thanh Trì ập vào nhà, cưỡng bức lên xe, áp giải về trụ sở công an Thanh Trì. Sau khi giam giữ, khống chế tôi suốt 7 giờ, chúng thả tôi ra, không có bất cứ một lý do gì. 

Việc xúc phạm đến thân thể và danh dự công dân trong trường hợp này tuy không mang lại hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân tôi nhưng nó nói lên sự ngang nhiên chà đạp lên pháp luật của ngành công an hiện nay, thích bắt ai thì bắt giam chơi rồi thả ra. Sự chiều chuộng, dung túng, chỉ đạo cho cấp dưới làm bậy của những quan chức, đảng viên cao cấp đã làm cho lực lượng công an trở thành đám kiêu binh và ngày càng thối nát. Đó mới là vấn đề đáng nói.

Xin giới thiệu lại ghi chép “Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì”

1. BỊ BẮT

Lúc ấy vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 7/3/2012.
Tôi vừa hoàn thành bài viết trong loạt bài hướng về ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngả lưng mới được chừng 15 phút.  Vợ tôi lên lay dậy:
-    Có mấy cậu công an hỏi anh.
Tôi liền xuống ngay, thấy một cậu mặc sắc phục công an và 2 người đang ngồi ở phòng khách, mặt lạnh lùng. Tôi quan sát, không khí có vẻ nặng nề, căng thẳng. Cậu mặc sắc phục bảo:
-    Bác có giấy triệu tập, mời bác đi theo chúng tôi.
Rồi cậu ta chìa cho tôi xem mảnh giấy triệu tập nhưng giữ khư khư như sợ tôi giật mất. Tôi liếc qua thấy giấy triệu tập của công an Thanh Trì yêu cầu tôi có mặt vào 15 giờ hôm đó (7/3/2012), lý do: kích động biểu tình (tôi không thuộc nguyên văn), đến gặp ông Nguyễn Văn Sửa. Giấy do ông Nguyễn Anh Minh (hay Nguyễn Quang Minh?), phó tưởng công an huyện Thanh Trì ký.
Giấy triệu tập này không bao giờ họ giao cho tôi.
Tôi bảo:
-    Triệu tập à? Triệu tập thì phải gửi giấy trước cho tôi còn sắp xếp, chuẩn bị, bố trí thời gian chứ?
Thằng mặc sắc phục công an từ lúc này tỏ ra rất hùng hổ, bộ mặt rất nghiêm trọng:
-    Yêu cầu bác đi ngay.
Tôi bảo:
-    Nếu tôi không đi ngay thì sao? Cưỡng bức à.
Vẫn thằng mặc sắc phục:
-    Vâng, chúng tôi sẽ có biện pháp.
Thằng này thì tôi đã quá quen mặt. Nó hay có mặt trong những tốp công an vào nhà tôi vì một việc gì đó nhưng không giữ vai trò chính. Đôi khi, tôi có hỏi nó vài câu nhưng không để ý tên nó là gì. Bây giờ bộ mặt, thái độ nó khác hẳn những lần trước.
Tôi đứng dậy:
-    Vậy chờ tôi mấy phút để tôi đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh đã …
Nó không nghe, yêu cầu tôi đi ngay. Tôi bực:
-    Tôi không phải là tội phạm. Không việc gì phải gấp thế. Tôi đang ngủ, có nhu cầu vệ sinh cá nhân. Tôi cũng muốn thay quần áo đàng hoàng khi làm việc với các anh.
Lúc này, tôi đang trong tình trạng: mặc áo phông, đi dép lê, đầu tóc rối bù, mặt chưa rửa. Tôi chưa bao giờ ra khỏi nhà trong tình trạng như vậy. Tác phong này tôi được rèn luyện trong quân đội.
Chúng không thèm trả lời, xông vào. Trước cửa còn mấy đứa nữa chực sẵn. Đứa túm tay, đứa đẩy. Tôi bảo: “Tôi đang trong vòng vây các anh, tôi chạy đi đâu được mà tôi cũng chẳng thèm chạy. Để tôi tự đi.
Nhưng chúng vẫn tiếp tục túm, đẩy tôi như thế. Ra gần chiếc xe công an chực sẵn thì chúng khiêng tôi nhét lên xe. Tôi chưa chịu vào ngay, hét to:
-    Các anh để tôi dặn vợ tôi 1 câu đã …
Lúc này, vợ tôi bị 2 thằng chặn lại, không cho đến gần xe. Mấy thằng cầm chân tôi nhét nốt vào trong.
Tất nhiên, trên đường đi, tôi lớn tiếng phản đối kiểu bắt người tùy tiện. Tôi rút điện thoại định gọi cho vợ, thằng ngồi bên cạnh lập tức không chế.
Tôi láng máng nghĩ việc bắt tôi có liên quan đến buổi gặp mặt tôn vinh phụ nữ nhân ngày Phụ nữ quốc tế sẽ được tổ chức chiều tối hôm đó. Mục đích của công an Thanh Trì sẽ là giữ tôi không cho tôi tham gia mà thôi.
Tôi suy nghĩ, kể từ khi chúng vào nhà, gặp tôi rồi thì chúng hoàn toàn khống chế được tôi, tại sao chúng phải bắt tôi gấp và cưỡng bức tôi như thế? nhằm mục đích gì nữa? Tôi cho rằng, cách chúng hối hả bắt và bắt tôi như là bắt tội phạm nhằm 2 mục đích khác:
-    Khủng bố tinh thần tôi ngay từ phút đầu.
-    Làm cho nhân dân nơi tôi ở nghĩ tôi là tội phạm, triệt hạ uy tín của tôi.
Nếu nhằm vào 2 mục đích này thì chúng đã nhầm. Làm sao lại có chuyện tôi sợ mấy thằng trẻ con khi tôi tự biết tôi không phạm tội gì. Năm 1970, khi tôi đi bộ đội, chúng còn trong cõi hư vô nào đó. Lúc tôi về hưu, chắc gì chúng đã biết chữ. Chúng nhỏ tuổi, tôi cũng từng qua lứa tuổi bọn chúng. Điều cần nói là, chúng tưởng chúng là công an, được cấp trên, được chính quyền bảo kê nên chúng không lo gì cả. Mặt khác, chúng muốn thể hiện mình là công an, có thể muốn làm gì cũng được, trước con mắt nể sợ, thèm thuồng của không ít người.
Tôi đả dành cả một khoảng đời tuổi trẻ, sung mãn nhất phục vụ trong quân đội, chịu đựng đã quá nhiều, đã mấy lần chút nữa thì bị tước đi mạng sống. Bằng ấy năm trên đời, trải nghiệm, học, đọc sách và hoàn thiện nhân cách, làm gì có kẻ phi nghĩa nào khủng bố được tinh thần tôi. Cái đám bắt tôi cũng chỉ tầm tuổi con tôi còn tôi là bậc thầy chúng về nhiều mặt. Tất nhiên, tôi không bao giờ làm thầy chúng vì tôi không muốn có những đứa học trò như thế.
Còn làm xấu hình ảnh tôi ư? Cũng thế thôi. Chúng không bao giờ làm được. Khu tôi ở, trừ một hai đứa lưu manh thì bà con có nhiều ân nghĩa với tôi lắm. Năm 2003, tôi đã từng giúp bà con giữ hàng ngàn mét vuông đất không bị san phẳng là một ví dụ, đến nay vẫn còn nhiều người nhắc lại. Nhưng thôi, chuyện này khi nào thong thả, tôi sẽ kể sau.
Khi đến đồn công an, tôi nhiều lần phản đối việc bắt người trái luật. Tôi bảo, hình ảnh công an trong con mắt nhân dân đã xấu lắm rồi, các anh đừng bôi bẩn thêm nữa. Cứ nghĩ đến việc chúng xúc phạm đến tôi, tôi tức giận run lên. Lúc thì chúng cãi đó triệu tập, lúc thì cãi là mời. Triệu tập hay mời ư? Cãi thế nào thì cãi, vấn đề là hành động của họ: hành động như thế thì là mời, là triệu tập hay là bắt? Điều này, đứa trẻ con nó cũng biết chứ đừng nói là quan tòa, ít nhất cũng có bằng cử nhân luật.
Trong Bộ luật hình sự, điều 123 qui định về  tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 
Bộ luạt dân sự, điều 37 xác nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. XÂM PHẠM BÍ MẬT ĐỜI TƯ

Ra đến Công an Thanh Trì, thằng chỉ huy bắt tôi yêu cầu tôi bỏ điện thoại ra bàn và tắt máy. Tôi bảo:
-    Đây là tài sản cá nhân của tôi. Tôi có quyền giữ, nó cũng không phải là phương tiện dùng vào việc phạm pháp.
Nó nhắc lại thêm mấy lần nữa, tôi bảo:
Tôi đang ở trong tay các anh, nếu tôi sử dụng máy như nghe, gọi, nhắn tin, nhận tìn, các anh hoàn toàn khống chế được tôi, tôi muốn cũng không được. Vì vậy tôi thấy không cần thiết phải bỏ lên bàn, tắt máy. Nó ở trong túi tôi hay để lên bàn cũng thế thôi. Tôi không làm theo yêu cầu của các anh. Nếu các anh dùng sức mạnh của số đông đông cướp máy của tôi như đã áp giải tôi ra đây thì cứ việc.
Không thấy nó cưỡng bức tôi để lấy máy. Đến khi có tín hiệu báo tin nhắn, một đứa bảo: tin nhắn hẹn đến địa điểm gặp mặt đấy. Tôi vừa rút máy ra thì chúng giật ngay lấy, tắt đi rồi bỏ lên bàn.
Tôi định giằng lấy điện thoại cất vào túi nhưng lại nghĩ, để đấy hay cất đi thì cũng thế thôi. Tôi bảo: “Việc gì các anh cứ phải tìm mọi cách để lấy được điện thoại. Các anh cho rằng đấy là một thắng lợi à? Nó chẳng có tác dụng gì hơn cả”.
Một đứa nhìn thấy túi quần bên trái tôi cộm lên, nó bảo tôi máy ghi âm à, bỏ ra. Sao chúng nó sợ ghi âm, chụp ảnh thế nhỉ. Làm việc đàng hoàng, đúng pháp luật thì sao lại sợ điều đó cơ chứ. Có phải là bí mật quốc gia đâu.
Tôi rút cái mà chúng nó bảo là máy ghi âm ấy quẳng lên bàn: đó là gói thuốc lá vinataba hút dở, chỉ còn 3 điếu.
Sau khi làm biên bản xong (chuyện này tôi kể vào một kỳ riêng), thì chúng làm thủ tục kiểm tra điện thoại của tôi. Tôi biết là phản đối cũng không được. Tôi bảo, các anh kiểm tra cũng chỉ là vô ích thôi, thông tin trong ấy chẳng có giá trị gì với các anh đâu.
Chúng kiểm tra kỹ lắm, từ tin nhắn,  đi, đến, các số máy gọi đi gọi đến đều ghi hết sức tỉ mỉ. Có những tin nhắn kiểu như: “Chúc mừng em nhân ngày 8/3″ “Cảm ơn anh nhiều! Chúc toàn thể phái nữ gia đình ta happy!” chúng cũng ghi vào biên bản.
Chúng còn kiểm tra xem máy của tôi có chức năng ghi âm, chụp ảnh không. Máy của tôi là loại máy hãng nokia, tôi mua có hơn 400000 đồng, chỉ có thể làm được việc gọi đi gọi đến, nhắn và nhận tin nhắn, nhìn qua ai cũng biết là nó chẳng thể ghi âm chụp ảnh gì hết. Chiếc máy này tôi mua cách đây gần 2 năm, sau khi điện thoại cũ của tôi bị côn đồ bị cướp khi đánh tôi ngay trước mặt công an Thanh Trì và xã Vình Quỳnh. Số công an này được điều đến sau khi tôi gọi 113 nhờ cứu chúng tôi khỏi bàn tay côn đồ hôm 10/5/2010. (xem bài  Bảo kê cho côn đồ?)
Hành động này của chúng có được pháp luật cho phép không, xin mời độc giả tham khảo những điều luật có liên quan:
Bộ luật dân sự, Điều 38. Quyền bí mật đời tư  
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 

 3. LÀM VIỆC VỚI AN NINH

Tới sân công an huyện, tôi bảo mấy thằng bắt tôi:
-    Để tao tự đi, đừng làm cái trò áp giải nữa.
Bây giờ thì chúng nó làm theo ý tôi. Chắc là lúc này không có người dân nào chứng kiến nên nghĩ không thể bôi xấu hình ảnh tôi trước mặt họ được nữa.
Chúng dẫn tôi vào một phòng. Tôi nhìn qua, thấy có vẻ sơ sài, tạm bợ. Mấy hộp bao bì các tông lẫn với giấy in xếp đống ở phía cửa sau. Phòng như lâu ngày không được quét dọn.
Một cậu bảo:
-    Bác thông cảm, cơ sở vật chất còn nghèo quá.
Tôi nói:
-    Có gì đâu, bớt những khoản chi vô bổ đi thôi mà.
Mấy cậu nhanh nhẹn pha nước mời:
-    Bác cứ thong thả uống nước, ngồi nghỉ cho đỡ bức xúc đi đã.
-    Bắt người kiểu ấy, không bức xúc sao được. Việc làm ấy không bôi nhọ được tôi mà bôi nhọ cho chính các anh. Hình ảnh công an đã xấu lắm rồi, đừng làm cho nó xấu hơn nữa.
-    Đó là chúng cháu mời bác ra đây làm việc đấy chứ.
-    Như thế gọi là mời à? Bây giờ các cậu quay lại hỏi dân chỗ tôi vừa chứng kiến cảnh “mời” ấy xem, nó là mời hay là bắt?
Tôi nhìn quanh thấy khoảng 4, 5 cậu, trong đó có một cậu trong ban chuyên án trên Bộ, đã từng làm việc với tôi về lá đơn xin trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. Mấy cậu khác tôi đoán cũng là an ninh trên Bộ hay công an huyện nhưng tôi không hỏi cụ thể. Như thế, việc bắt  tôi không phải là chủ trương của công an Thanh Trì.
Một cậu bảo: “Nghe nói tối nay có cuộc họp mặt nào đó à bác”.
Tôi không trả lời.
Ngồi được uống nước được một lúc, vẫn không thấy ai làm việc, tôi bảo:
-    Bố trí người làm việc đi chứ. Tôi không có nhiều thời gian ngồi chơi.
Phải lúc lâu sau nữa, có một vị đến, nói là ở đội an ninh huyện và xưng tên. Tôi hỏi tên họ đầy đủ rồi bảo:
-   Theo giấy triệu tập thì tôi đến đây gặp ông Nguyễn Văn Sửa nào đó cơ mà.
Anh ta bảo:
-    Nhưng tôi được phân công làm việc với bác.
-    Tôi không biết, giấy triệu tập ghi là đến gặp ông Sửa thì tôi chỉ làm việc với ông Sửa.
Nhì nhằng mấy câu nữa, anh ta có vẻ lúng túng, nhưng tôi bảo:
-    Thôi được, kể ra điều đó cũng không quan trọng lắm. Lẽ ra, tôi có quyền từ chối làm việc với anh, nhưng để tỏ thiện chí hợp tác, tôi chấp nhận.
Anh ta lôi ra một tập biên bản lấy lời khai in theo mẫu. Tôi liếc qua, nói:
-    Trước hết, tôi cần phải nói, tôi không phải là kẻ phạm tội, cũng không có dấu hiệu phạm tội. Tôi không phải khai mà các anh gọi là lấy lời khai. Các anh có thể hỏi chuyện, còn ghi hay không, ghi như thế nào thì tùy nhưng tôi nói trước, tôi không ký đâu đấy.
Lại hỏi tên tuổi, chỗ ở, quê quán, quá trình công tác. Tôi biết, những thông tin họ lấy từ tôi đối với họ chẳng có chút giá trị gì vì họ đã biết về tôi và những gì chưa biết có nói hết cũng chẳng có gì giúp ích cho họ. Dùng máy kiểm tra ý nghĩ hay bổ não tôi ra xem cũng chỉ có thế. Mục đích của họ là câu lưu tôi cho qua buổi họp mặt vinh danh phụ nữ tối nay mà thôi. Chẳng lẽ bắt tôi ra đây lại cứ để tôi ngồi uống nước. Vì vậy tôi trả lời hết sức vắn tắt.
Hỏi đến tên bố mẹ tôi, tôi kiên quyết không trả lời:
-    Bố mẹ tôi chẳng có liên quan gì và cũng chẳng có trách nhiệm gì đến việc làm của tôi. Mặt khác, bố mẹ tôi mất từ lâu rồi, giờ còn sống cũng hơn trăm tuổi. Hãy để bố mẹ tôi yên. Nếu các anh cần thì đến cơ quan cũ hay về quê tôi mà hỏi, thiếu gì cách. Hỏi về vợ con tôi thì được.
-    Nhưng đây là thủ tục
-    Thủ tục gì thì cũng kệ các anh thôi.
Trong nội dung làm việc, nhiều câu hỏi mà tôi biết tôi có nói thì cũng chẳng để làm gì nên phần lớn tôi trả lời trên tinh thần là không biết.
Khi thì một cậu bảo, bác nói như vậy là mâu thuẫn, lúc khác thì bảo bác giấu giếm, lúc lại bảo bác cần trung thực. Tôi nói:
-    Các anh không được nói tôi giấm giếm hay không trung thực. Tôi chỉ có những điều nói ra hay không nói ra mà thôi. Tôi không có nghĩa vụ phải khai với các anh.
-    Bác đi biểu tình bao nhiêu lần rồi?
Cậu ngồi bên cạnh bảo:
-    Chắc là đủ 11 lần.
Tôi nói:
-    Tôi không có được nhiệt tình như thế đâu. Nhưng thôi, các anh cứ ghi vào 11 lần cho tôi vinh dự, cho mọi người nể nang. Nhưng tính tôi, cái gì không nói thì thôi, đã nói là nói thật kẻo người ta bảo tôi ăn gian. Tôi không muốn nhận những gì không phải của mình. Hôm nói chuyện với cô chủ tịch xã, cô nói tôi đi biểu tình những ngày nào, bằng phương tiện gì, tôi còn nhắc, vậy là cô sót của tôi một buổi rồi.
Rồi tôi kể với họ tôi đi biểu tình từ khi nào, tham gia những lần nào …
Với những câu đại loại như: bác đi biểu tình quen những ai, đi ăn với những ai, bao nhiêu lần … Kể tỉ mỉ ra thì bao nhiêu thời gian cho nó hết, thêm mệt ra. Có kể hết nó cũng chẳng hại gì cho tôi hoặc bạn bè của tôi nên tôi chỉ nói cho qua chuyện. Họ muốn biết, chỉ cần đọc blog của tôi ra thì rõ hết.
-    Nếu có kêu gọi biểu tình thì bác có đi nữa không?
-    Cái đó tôi chưa biết, có thể đi và có thể không.
-    Bác nghĩ như thế nào về thông báo cấm biểu tình của thành phố?
Câu hỏi này làm tôi nhiệt tình hẳn lên:
-    Đó là một văn bản vi hiến, không có giá trị.
-    Vì sao?
-    Vì văn bản không có người ký, không có số, đóng dấu treo. Quyền biểu tình đã được ghi vào Hiến pháp.
-     Ý kiến của bác về việc triệu tập bác hôm nay?
-    Tôi kịch liệt phản đối việc bắt người trái phép. Nó không phải là triệu tập. Triệu tập không ai làm thế.
Với những câu hỏi về buổi vinh danh phụ nữ chiều tối nay, tôi trả không biết. Tôi nghĩ, họ cũng đã biết cả rồi, cần gì phải nói.
Trong khi làm việc có 3 lần phóng viên nước ngoài gọi điện đến (lúc này, điện thoại của tôi đã được khám xét xong, tôi đã nhận lại). Tôi trả lời là đang làm việc với an ninh, có gì để lúc khác. Qua câu hỏi của họ, tôi biết Nguyễn Xuân Diện cũng bị bắt. Vậy là tôi hiểu vì sao họ bắt chúng tôi. Còn việc bắt Nguyễn Kim Môn, sau khi được trả tự do, tôi mới biết.
17 giờ 30 phút thì họ làm xong biên bản và ký với nhau, tôi mặc kệ họ.
Họ cho người mang lên 1 suất cơm, có đủ món như một suất cơm bình thường:
-    Bác ăn cơm đi, xong rồi làm việc tiếp, còn chút việc nữa.
Tôi bảo:
-    Tôi không ăn. Và tôi cũng không làm việc gì nữa. Tôi đã mệt mỏi rồi. Còn gì thì hẹn các anh vào buổi khác, tôi sẵn sàng nhưng nhớ đừng khiêng tôi lên xe như hôm nay đấy.
Họ mời đi mời lại, tôi nhất định không ăn. Đúng ra là tôi không ăn được. Còn bụng dạ nào mà ăn khi đầu óc tôi cứ để vào buổi họp mặt. Mãi sau, vị an ninh làm việc chính thức với tôi mang giấy tờ ra:
-    Bác không ăn thì làm việc tiếp vậy. Buổi tối nay vinh danh những thành phần phụ nữ như thế nào?
-    Tôi đã nói rồi. Tôi không làm việc nữa. Các anh muốn làm gì tôi thì làm.
Biết là không ép được tôi, anh ta đi ra.
Mấy cậu công an, an ninh cũng ăn vì đã đến bữa. Thấy các cậu ăn hộp xôi như một suất ăn sáng chứ không có suất như tôi, tôi đẩy suất ăn của tôi tới bảo, các cháu ăn đi, bác không ăn đâu. Nhưng các cậu ấy không ăn, bảo đấy bác xem, chúng cháu ăn uống cũng đạm bạc lắm. Lại thấy có cậu trả lời điện thoại của vợ rồi nói không  biết khi nào anh về. Tôi nghĩ, có mỗi mình mình mà làm bao nhiêu đứa khổ theo.
Những người đi đòi trả tự do cho tôi tới cổng vào chừng 8 giờ 30 phút tối. Tôi ra hành lang đứng nhìn nhưng không nói không goi gì cả. Không biết mọi người có nhận ra tôi không. Tôi ra được 2 lần như thế thì một đứa trong tốp đi bắt tôi đẩy tôi vào. Kể từ đấy, tôi không được đi vệ sinh bằng lối cũ nữa mà họ phải mở cửa sau cho tôi đi. Tại sao nó lại sợ chúng tôi nhìn thấy nhau nhỉ.
Tôi bảo một cậu:
-    Cháu cho bác nằm tạm ở đâu đó. Bác cần được nghỉ ngơi.
Mấy cậu có vẻ lúng túng:
-    Cơ quan không phòng nào có giường. Hay là bác nằm trên bàn.
-    Thôi, xếp mấy bó giấy in cho bác nằm tạm cũng được.
Mấy cậu nhanh nhẹn xếp những gói giấy in thành hai hàng, để thêm một bó lên trên làm gối, được một chỗ nằm cũng không đến nỗi nào.
Tôi nằm ngả lưng. Nhưng không sao chợp mắt được.
Chừng hơn 9 giờ thì một người vào phòng. Tôi để ý phong cách, đoán là sếp công an huyện. Tôi nhìn qua rồi tiếp tục nhắm mắt lại. Ông bảo:
-    Anh ngồi lên ghế nói chuyện.
Tôi uể oải lên ghế ngồi. Ông tự giới thiệu. Thì ra chính ông này ký giấy triệu tập để bắt tôi.
Tôi lại phản đối việc bắt tôi chiều nay. Nhưng rồi ông bảo mấy cậu lên phòng ông lấy nước khoáng có ga cho tôi uống. Ông rót ra cốc, ân cần:
-    Anh uống nước này cho đỡ mệt. Thực ra hôm nay triệu tập anh đến đây là để tách anh ra khỏi đám họp mặt thôi.
Vậy là mục đích bắt tôi, họ đã công khai.
Có vẻ như ông không có ý định vặn vẹo hay giáo huấn gì tôi, chỉ nói:
-    Anh đừng đi với họ làm gì. Đi biểu tình lại vi phạm pháp luật.
Tôi hỏi:
-    Sao lại vi phạm pháp luật?
Ông không trả lời, quay sang chuyện khác:
-    Chúng tôi định cho anh về nhưng còn đám đông ngoài kia (ý ông nói là đám đòi thả người). Khi nào họ về thì anh về thôi. Anh nên ra khuyên họ về.
Tôi bảo:
-    Việc ấy là của họ. Tôi không bảo họ đến đây thì tôi bảo họ về sao được. Các anh chưa trả tự do cho tôi thì không bao giờ họ về đâu, tôi biết chắc như thế. Còn các anh thả tôi thì họ cũng về ngay thôi. Họ đến vì tôi, tôi được trả tự do rồi thì họ còn ở lại làm gì.
Ông nói:
-    Trả anh về lúc này, anh lại đi tụ tập ăn uống cùng với họ.
Ông bảo rồi sẽ cho xe đưa tôi về, tôi nói:
-    Thôi, đừng điều xe mà tốn thêm tiền của dân. Tôi đã có người đón. Vợ tôi đang đợi tôi ngoài kia.
Ông còn bảo khi nào có thời gian, tôi sẽ đến thăm anh. Tôi nói:
-    Các anh nên năng tiếp xúc với dân. Các anh xa dân quá rồi đấy.
Rồi họ cũng phải cho tôi về. Trước khi về, tôi nói với ông phó công an huyện:
-    Nếu thằng Trung Quốc còn gây hấn một lần nữa như vụ cắt cáp tàu Bình Minh chẳng hạn thì chắc chắn tôi sẽ xuống đường, các anh có bỏ tù cũng được.

4. VÒNG TAY ĐỒNG ĐỘI

Tôi bước ra khỏi phòng. Vừa thấy bóng tôi, tiếng reo hò vang dội. Không khí thật náo nhiệt. Tôi giơ hai tay lên quá đầu vẫy mọi người, đi qua một khoảng sân rộng để ra cổng.
Khi tôi còn đang làm việc với an ninh, chừng 8 giờ 30 tối thì bạn bè tôi đã kéo đến. Tôi ngồi trong phòng nghe thấy những tiếng hô đòi thả người, tiếng phản đối công an về việc bắt người trái phép, cả tiếng gọi “bố Thụy ơi!” của mấy cô bé.
Bây giờ, những âm thanh ấy lại vang lên, không phải phẫn nộ nữa mà là vui mừng. Đến gần cổng, thấy nghìn nghịt những người. Quân ta ở đâu ra mà đông thế này? Ra khỏi cổng, tôi sà ngay vào vòng tay của đồng đội.Chưa bao giờ, tôi thấy mình hạnh phúc như lúc này. Tôi từng có mặt ở nhiều trụ sở công an cùng mọi người đòi trả người bị bắt, bị giữ. Tôi hiểu, khi một người bị giam giữ, thấy đồng đội của mình ở ngoài vì mình thì tinh thần phấn chấn, vững vàng thêm bao nhiêu. Tôi biết những người biểu tình không ai sợ bị bắt vì việc làm của họ là chính nghĩa. Còn nhớ những lần đi biểu tình chống Trung Quốc, khi công an bắt người, nhiều người khác cũng ào cả lên xe bus tình nguyện làm người “được bắt”. Không ai muốn những người bị bắt đơn độc.
Những người trong nhóm đi đón Xuân Diện ở số 6 Quang Trung (Hà Đông) cho biết Xuân Diện được trả tự do trước tôi vài phút, giờ chỉ còn Kim Môn đang bị giữ ở công an thị trấn Văn Điển.
Thú thực là ban đầu, tôi vẫn có hy vọng là họ trả tự do cho tôi sớm một chút để tôi có thể chạy đến nơi giao lưu gặp mọi người, dù chỉ kịp vào mấy phút cuối cùng. Đến khi thấy mọi người kéo đến, tôi biết buổi giao lưu đã kết thúc sớm hơn dự định để đi đòi người. Vì vậy, tôi không thiết về nữa. Họ có thể giữ tôi mấy ngày cũng được.
Khi nằm trên đống giấy in, tôi đã suy nghĩ về khả năng họ sẽ giữ tôi vài ba ngày, có thể tôi bị đánh, bị cắt trọc như Phan Trọng Khang, Vũ Quốc Ngữ. Tôi còn lường trước tình huống xấu hơn nữa. Chấp nhận thôi. Sẽ không có một chút dù mảy may nào để họ nghĩ rằng tôi vì bị khủng bố mà nhụt chí.
Nguyễn Hữu Vinh hỏi tôi:
-    Thế anh ra có giấy tờ biên bản gì không?
-    Làm gì có, ngay cả giấy triệu tập họ cũng giữ cơ mà.
-    Không được, làm việc gì cũng phải có biên bản. Anh vào đòi họ đưa giấy cho anh ra. Làm ăn kiểu này, lần sau họ đánh chết anh rồi đổ cho anh tự tử thì sao.
Mấy cậu hưởng ứng:
-   Phải đấy, anh cứ vào đòi giấy tờ cho bằng được. Không thì anh cứ ở đấy, không cần về.
Tôi bảo, bây giờ ra rồi, nó không cho vào lại đâu. Nhưng mấy cậu cứ cùng tôi đến cổng để đòi vào. Lúc này, cổng vẫn khóa như khi bạn tôi kéo đến đòi người
Biết là không thể nhưng tôi vẫn cứ nói với với mấy cậu canh cổng, yêu cầu cho tôi vào. Tất nhiên là họ không cho.
Chợt một cậu phát hiện ra:
-    Chúng nó làm gì anh mà áo anh rách thế này?
Lúc này, tôi mới để ý áo tôi bị rách hai đường ở vai và thấy xót ở khuỷu tay phải. Tôi biết áo rách và khủy tay xây xát là lúc chúng cưỡng bức tôi lên xe.
Mọi người liền lập biên bản về tình trạng của tôi khi ra khỏi đồn công an. Một người đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm mới để về, một người giao cả cuốn sổ ghi biên bản cho tôi giữ.
Tôi ngồi sau xe máy đưa tay vẫy bà con hai bên đường. Những cánh tay tíu tít vẫy lại. Những nụ cười rạng rỡ. Bè bạn rồng rắn đưa tôi về đến tận cửa nhà. Tôi nhìn bao quát, thấy chừng 40 người. Vậy là đám đông dân kéo đến theo dõi vụ đòi người trước cổng đồn công an còn gấp mấy lần hơn thế.
Mọi người không kịp vào nhà. Tôi nghẹn ngào nhìn những gương mặt thân yêu vội vã chia tay tôi rồi hối hả đến công an thị trấn Văn Điển đòi trả Nguyễn Kim Môn.

5. NGÀNH CÔNG AN ĐƯỢC GÌ VÀ MẤT GÌ

Cho đến bây giờ, tôi rất khó hiểu tại sao công an lại hành động như vậy. Họ có suy nghĩ, tính toán đến mục tiêu sẽ đạt được những gì? những gì sẽ không đạt được và hậu quả có thể xảy ra như thế nào không?
Người ta thường bảo an ninh nhìn vào đâu cũng thấy phản động. Lúc nào cũng thấy nói đến thế lực thù địch đừng đằng sau. Khi ở trong đồn, tôi có nói với họ, chính việc làm của các anh đã đẩy dần dân về phía thù địch.
Có người cứ nhắc đến công an là ghét cay ghét đắng, thậm chí cho họ là một lũ ngu si dốt nát. Tôi cố gắng tránh sa vào cực đoan. Khi tiếp xúc với các tầng lớp xã hội, nhất là với công an, tôi hay để ý về nhân cách, về nhận thức của từng người. Đôi khi (đôi khi thôi), tôi cũng gặp được những người có  kiến thức, có tư duy đúng về các vấn đề xã hội. Có những kẻ mãi mãi vẫn là kẻ phản nước hại dân, dù chế độ nào nó vẫn thế thôi, nó chỉ thích tiền và quyền lực. Cũng có người, bên cạnh những việc làm đáng ghét, vẫn còn điều gì đấy mà người ta không coi là thù nghịch. Khi tiếp xúc với họ, tôi cũng cố gắng phân biệt người nào bản chất vốn độc ác, người nào hăng hái tích cực lập thành tích với bản chất hãnh tiến và người nào miễn cưỡng thi hành mệnh lệnh trái pháp luật, trái lòng dân.
Nhưng việc bắt bớ chúng tôi, tôi nghĩ không phải là chủ trương của cá nhân nào, nghĩa là đó là chủ trương của một tập thể. Người ta thường nói trí tuệ tập thể cơ mà. Vì thế, tôi càng khó hiểu về những gì ngành công an hành động để đối phó với buổi họp mặt tôn vinh phụ nữ nhân ngày 8/3 hôm đó.
Hãy phân tích xem ngành công an đạt được những gì:
-    Một là, tách được ba trong số cả trăm người ra khỏi buổi gặp mặt. Điều đó cũng có nghĩa là làm cho ba người phụ nữ không được chồng tặng hoa nhân ngày Quốc tế phụ nữ.
-    Hai là, thời gian buổi họp mặt kết thúc sớm hơn so với dự kiến vì phải lo chia đi các hướng đòi trả tự do cho những người bị bắt.
Thế thôi. Liệu kết quả này có gì đáng nể không, có đáng huy động bao nhiêu công an, mật vụ, phương tiện không?
Còn những thứ mất hoặc những điều không đạt được thì nhiều lắm:
-   Tôi chưa tìm hiểu xem ở số 6 Quang Trung (Hà Đông), nơi câu lưu Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện như thế nào nhưng ở công an Thanh Trì, việc đòi người bị bắt đã thu hút hàng trăm dân địa phương. Họ nói là chưa từng chứng kiến những việc như thế này. Họ bảo thấy công an hỏi đến là chúng tôi sợ lắm. Nhiều người tỏ ý đồng tình, khích lệ những người đi đòi trả tự do cho tôi. Ngược lại, đoàn đòi thả người đã tiếp cho họ can đảm để biết vượt qua nỗi sợ. Những người biểu tình viên chống TQ can đảm rồi, sẽ can đảm nữa.
-    Hành động bắt bớ của công an làm cho người biểu tình thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, điều này hẳn cơ quan công an không muốn.
-    Dù có chuyện bắt bớ, buổi họp mặt vẫn diễn ra, với đủ các gương mặt lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn, nhà thơ. đặc biệt trong số đó có mặt cụ Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng được Tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm Chính, lão tướng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh oanh liệt với một thời trận mạc.
Những biểu tình viên không hề được dự định thay thế đã tự đứng lên, lãnh lấy trách nhiệm điều hành. Mọi người hỏi han nhau, chúc những điều tốt đẹp cho nhau, cho đất nước. Những bài thơ yêu nước, tôn vinh phụ nữ được chính tác giả trình bày, gây cảm xúc mạnh mẽ cho mọi người. Những phụ nữ thật đẹp, lộng lẫy với những tà áo dài. Tôi về xem lại loạt ảnh buổi gặp mặt hôm ấy, thấy không khí thật vui và cảm động.
Trong khi đó, bên ngoài là những an ninh, mật vụ đứng thập thò ở những bóng cây hay góc khuất, dưới những ngọn đèn đã tắt. Không khí trong và ngoài nhà hàng khác hẳn nhau.
-    Điều này quan trọng hơn cả. Sau khi ba chúng tôi bị bắt ít phút, đã có hai đài truyền thông quốc tế loan tin cùng rất nhiều trang mạng khác. Cả thế giới biết vào giờ này, ngày này, tại thủ đô Hà Nội, có cuộc bắt bớ, trấn áp chỉ vì một buổi tôn vinh những người phụ nữ, là những người đã từng xuống đường biểu tình vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước cùng những người vợ sát cánh bên chồng  hoặc làm hậu phương vững chắc, tạo điều kiện cho chồng hoạt động trong phong trào yêu nước.
-    Tất cả những việc làm tùy tiện, bất chấp pháp luật, sự kém cỏi của ngành công an cũng  tiếp tục được phơi bày trên các phương tiện truyền thông và trước con mắt của những người dân.
-    Việc thị uy, khủng bố phủ đầu cũng hoàn toàn thất bại, điều này tôi đã nói tới trong kỳ 1.
-    Tôi tin chắc rằng, những người cũng bị bắt như tôi: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, luật gia Nguyễn Kim Môn không một ai nao núng, sẵn sàng đảm nhiệm vai trò của mình trong những sự kiện tương tự.
Càng phân tích thiệt hơn, càng thấy khó hiểu. Tại sao ngành công an lại làm như vậy? Tôi đành quay sang một lối lý giải khác. Không phải là họ không biết những việc làm đó không được pháp luật cho phép, không phải họ không biết ngành công an đã mất lòng dân nhưng đã trót xấu rồi nên chẳng cần giữ gìn gì nữa.
Có một câu chuyện xưa kể rằng:
Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: “Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi ra phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố này đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày; sau quanh vào trong thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân dẫm phải đống bùn, từ bấy giờ cứ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đến đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn dỡ”.
Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy.
Thiết nghĩ mọi người nên lấy điều ấy làm răn. Dẫu việc nhỏ mọn thế nào, cũng phải cẩn thận giữ gìn, nếu không thì chỉ có lần đầu là khó, rồi hễ đã quen một lần là quen mãi.
Đến đây, bạn đọc đã hiểu tại sao trong bài viết “Lời vắn với bạn đọc của NTTblog”, tôi có khái quát một câu:
Việc bắt giữ tôi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Kim Môn có thể áp dụng câu nói của Nhà thơ Bằng Việt trước phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ mà cho rằng, đấy là một sự ngu xuẩn, “Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác”.
Không biết ngành công an sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm như thế nào nhưng chắc chắn họ không ấu trĩ tới mức cho rằng đây là trận đánh đẹp, “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay” “có thể viết thành sách” như vị đại tá nào đó ở Hải Phòng.
.
Tháng 3/2012
HẾT
nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/03/08/bay-gio-bi-giu-trong-cong-an-thanh-tri/
======================================================================
Hai lá đơn liên quan đến vụ bắt người trái luật ngày 7/3/2012
.
Ngay sau khi xảy ra vụ bắt người trái luật ngày 7/3/2012, chúng tôi đã gửi đi 2 lá đơn nhưng đến nay ngành công an vẫn không thèm trả lời
Việc công an, chính quyền không thèm trả lời đơn thư của dân ở chế độ này đã trở thành “xưa như trái đất”, chẳng làm cho ai ngạc nhiên. Nó chỉ là 2 trong hàng vạn lá đơn oan khốc trên khắp đất nước Việt Nam rơi vào im lặng

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội ngày 10 tháng 3  năm 2012

ĐƠN PHẢN ÁNH

                                                                                                                       
     Kính gửi:  -  ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG, BỘ TRƯỞNG CÔNG AN
                          -  ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH GIÁM ĐỐC CA HÀ NỘI
                          –  CỤ LÊ HIỀN ĐỨC, NGƯỜI ĐƯỢC TỔ CHỨC MINH BẠCH
                            QUỐC TẾ TRAO GIẢI THƯỞNG LIÊM CHÍNH
     Thưa cụ;
     Thưa hai ông;
     Tôi là Phạm Thị Lân, sinh năm 1962
     Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
     Tôi viết đơn này phản ánh với cụ và hai ông một chuyện sau đây:
     Vào hồi 14 giờ 45, chồng tôi là Nguyễn Tường Thụy bị Công an Thanh Trì bắt, khi ấy tôi không rõ vì lý do gì. Khi bắt chồng tôi, họ không cho tôi đến gần hỏi han dặn dò và nhìn chồng tôi trước khi đưa đi. Về việc chồng tôi bị bắt, chồng tôi sẽ có ý kiến riêng của anh ấy.
     Vì tôi hiểu chồng tôi không làm điều gì nên tội mà bị bắt, cộng thêm thái độ và hành vi của những người bắt anh ấy đi, tôi không rõ có thực là công an hay không, nhỡ ra là bọn lưu manh côn đồ nào đó thì sao nên tôi vô cùng hốt hoảng. Ngay sau đó, tôi ra Công an huyện Thanh Trì để hỏi rõ thực hư.
     Khi đến cổng cơ quan Công an Thanh Trì, hai cậu trực ban nhất định không cho vào. Tôi trình bày thì các cậu ấy bảo tôi chẳng thấy bắt ai vào đây cả, vậy người bắt chồng chị tên là gì. Nghe thấy thế, tôi càng lo, tôi nghĩ đúng là chồng tôi bị côn đồ bắt thật rồi. Tôi bảo tôi làm sao mà biết được tên chỉ biết là họ bắt chồng tôi đi thôi. Các cậu ấy nhất định đuổi tôi ra. Tôi phản đối. Một cậu nói với tôi là chị đến cửa quan mà thái độ như vậy thì sẽ bất lợi cho chị và hại cho chồng chị. Họ vừa bảo không có ai bị bắt vào đây, giờ lại nói như thế. Tôi hỏi tại sao các anh lại bảo đây là cửa quan. Đây là cơ quan công an nhân dân cơ mà. Tôi làm gì mà bất lợi với có hại ở đây?
     Tôi suy nghĩ mãi về câu cậu công an nói đây là cửa quan, và thái độ của tôi có hại cho chồng tôi.
     Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là một công an nhân dân lại cho rằng cơ quan công an là cửa quan. Còn thái độ của tôi hay dở thế nào thì tôi chịu trách nhiệm chứ sao lại liên quan đến chồng tôi.
     Tôi không hiểu các ông đào tạo, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ công an như thế nào hoặc là sự tiếp thu sự giáo dục của chiến sĩ ấy thế nào mà lại nói như vậy.
     Thưa các ông;
     Chỉ một câu nói nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực ra, nó xuất phát từ nhận thức rất lệch lạc.Tôi nghĩ rằng, không chỉ một chiến sĩ công an nói trên mà có thể còn nhiều chiến sĩ khác cũng có nhận thức như thế.
     Lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an ngày càng suy giảm, điều này hẳn các ông đã biết. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân cũng nói lên hình ánh của chế độ. Vì vậy, tôi viết đơn này phản ánh với các ông để các ông biết mà có biện pháp giáo dục chiến sĩ của các ông. Nếu lá đơn của tôi được các ông lưu tâm, có việc làm tích cực nhằm chấn chỉnh những hành vi sai trái cũng như nhận thức, quan điểm lệch lạc của mỗi chiến sĩ công an thì tôi lấy làm mừng lắm.
     Kính chúc cụ Lê Hiền Đức và hai ông sức khỏe, làm được nhiều việc tốt cho đất nước, cho dân tộc.
Kính đơn
Phạm Thị Lân.
.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 =================
Hà Nội ngày 07 tháng 04 năm 2012

 

ĐƠN TỐ CÁO

(Về việc CA Thanh Trì bắt người trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân)
   
      Kính gửi:  ÔNG GIÁM ĐỐC CÔNG AN TP HÀ NỘI
     Tôi là Nguyễn Tường Thụy;
     Cựu chiến binh Việt nam, đã nghỉ hưu;
     Chứng minh nhân dân số: 012424536 do CA Hà Nội cấp ngày 30/3/2001;
     Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội;
     ĐT: (04) 36884297 / 0983485952.
     Tôi viết đơn này tố cáo việc bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân của Công an Thanh Trì như sau:
     Vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 07/03/2012, khi tôi đang nghỉ trưa thì một tốp người đến nhà tôi hỏi tôi. Tôi xuống thì thấy 3 người đang ngồi ở phòng khách và khoảng 1-2 người ở ngoài đường. Trong đó có 1 người mặc sắc phục công an. Người mặc sắc phục công an chìa ra một mảnh giấy bảo là tôi có giấy triệu tập và yêu cầu tôi đi ngay.
     Tôi yêu cầu được đi toa lét và làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo nhưng chúng không cho. Lập tức chúng áp giải tôi ra xe, đứa thì túm lôi đi, đứa thì đẩy rồi nhét tôi lên xe, đưa về trụ sở Công an Thanh Trì. Thái độ của chúng rất hung hãn.
     Người ký giấy triệu tập là ông Nguyễn Anh Minh, Phó chỉ huy trưởng Công an Thanh Trì. Trong giấy triệu tập ghi tôi phải gặp ông Nguyễn Văn Sửa để làm việc. Nhưng người làm việc chính với tôi theo người ấy cho biết là Nguyễn Quang Thắng ở đội an ninh huyện. Cùng làm việc có 2 người cho biết tên là Tuấn và Tấn.
     Trong khi làm việc, chúng giật điện thoại từ tay tôi để khám xét và lập biên bản những thông tin cá nhân lưu trữ trong điện thoại của tôi.
     Không ai nói tôi phạm tội gì, chỉ hỏi một số thông tin liên quan đến buổi họp mặt chào mừng ngày phụ nữ quốc tế tối hôm đó. Họ cho biết việc giữ tôi là để không cho tôi đến buổi họp mặt này.
     Tới 22 giờ thì họ thả tôi về. Tôi không được giữ bất cứ biên bản nào trong tay, kể cả giấy triệu tập. Việc cưỡng bức tôi lên xe làm áo tôi bị rách và khuỷu tay phải bị xây xát.
     Tôi thấy, hành vi của Công an Thanh Trì không phải là triệu tập mà là bắt và giữ người trái phép và xâm phạm quyền tự do cá nhân.
     Trong Bộ luật hình sự, điều 123 qui định về  tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
     Điều 125 qui định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 
     Bộ luạt dân sự, điều 37 xác nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
      Với ý thức bảo vệ pháp luật và cho rằng quyền con người được pháp luật ghi nhận phải được bảo vệ, tôi viết đơn tố cáo này gửi ông và yêu cầu ông khởi tố vụ án hình sự theo điều 123 và 125 của Bộ luật hình sự.
Trân trọng
Người làm đơn
Nguyễn Tường Thụy
(đã ký)

nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/03/08/6620/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001