Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Chuyện ngôn ngữ ở sân bay 
Chữ viết sai chính tả Infomation (Thông tin) đã được xóa trắng vào hôm 19.3.2013 - Ảnh: Độc Lập (Báo Thanh Niên)
Chữ viết sai chính tả Infomation (Thông tin) đã được xóa trắng vào hôm 19.3.2013 – Ảnh: Độc Lập (Báo Thanh Niên)
Báo Thanh Niên vừa có loạt bài chê tiếng Anh không chuẩn trên các biển báo hướng dẫn hành khách tại  Sân bay Tân Sơn Nhất vì những lỗi chính tả và những lỗi mà tác giả loạt bài này cho là “lỗi dịch thuật”.
Mình đồng ý rằng các lỗi chính tả thì phải sửa ngay. Còn những thứ gọi là “lỗi” khác – như một số “chuyên gia về tiếng Anh” bảo là “người Anh không nói thế”  (*) thì nếu sửa được thì cũng tốt nếu thực sự “người Anh không nói thế” thật. Nhưng bảo rằng những lỗi này (nếu có) mà làm “trò cười của cộng đồng quốc tế” như  Báo Thanh Niên đề cập thì e hơi quá. Mình nghĩ trên đất nước ta còn có rất nhiều “trò” để “cộng đồng quốc tế”  đáng cười hơn ba cái chữ nghĩa tiếng Anh được sử dụng tại một đất nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức này.
Nhưng nếu đã “cười” về chuyện tiếng Anh ở sân bay thì sao chưa thấy ai “cười” về ngôn ngữ tiếng Việt được dùng ở đây nhỉ? Từ  khá lâu rồi mình vẫn thấy tại khu vực đặt các băng chuyền nhận hành lý ký gửi và các khu vực đón khách đến tại sân bay Nội Bài đều có những cái bảng cảnh báo của Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Bắc (thuộc Bộ GTVT)  lưu ý hành khách cẩn thận với các đối tượng cò mồi, tắc xi dù, chân gỗ, tiếp thị, rằng ai phát hiện bọn cò mồi, tắc xi dù, chân gỗ, tiếp thị thì cần thông báo ngay cho nhân viên an ninh… (**)
Bảng cảnh báo hành khách về các đối tượng "cò mồi, tắc xi dù, chân gỗ, tiếp thị” tại Sân bay Nội Bài
Bảng cảnh báo hành khách về các đối tượng “cò mồi, tắc xi dù, chân gỗ, tiếp thị” tại Sân bay Nội Bài
Những tiếng lóng như “cò mồi, “tắc xi dù”, “chân gỗ”… mà lại được một cơ quan của Bộ GTVT sử dụng một cách vô tư như thế làm mình choáng luôn.  Không những thứ ngôn từ vỉa hè này không nên được dùng trong các văn bản nghiêm túc, nhất là trong các văn bản của cơ quan Nhà nước mà cách sử dụng chúng trong những biển báo này còn đưa ra những thông tin méo mó  như quy chụp cho những người làm “tiếp thị” đều là bọn lừa đảo bất lương cả, đấy là chưa nói đến người tàn tật có thể rất tủi thân vì cái cụm từ …  “chân gỗ”. Mình cũng đã nêu ra trong một bài viết vui vui cách đây hơn 3 năm rồi mà gần đây vẫn thấy mấy cái biển báo ấy, không biết bây giờ người ta đã thay chúng chưa.
__________________________________________________________
(*) Mình nghĩ  “Người Anh có nói thế” hay không thì chỉ có đi hỏi người Anh mới dám chắc. Mình không tin vào những câu đại loại như thế này nếu nó được phát ngôn bởi mấy ông, mấy bà người Việt – dù là giáo sư  hay “chuyên gia về tiếng Anh”.  Nhưng đó không phải chủ đề của bài viết này. Mời đọc thêm chuyện vui vui về tiếng Anh ở ĐÂY
(**) Bảng thông báo này cũng có phần dịch ra tiếng Anh ở phía dưới, trong đó  “tắc xi dù” được dịch là illegal taxi drivercòn “cò mồi, chân gỗ, tiếp thị” được dịch chung là double dealer, taker-in  – Tây đọc thì nó cười hay nó khóc thì mình không rõ nên không dám bình luận.
nguồn:http://hahien.wordpress.com/2013/03/22/chuyen-ngon-ngu-o-san-bay/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001