Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Cú bắt tay

Liem
Hình như chúng ta chỉ quen được giáo dục cách vỗ tay, khi có hiệu lệnh.

Năm 2009, dân Mỹ nổi giận khi chứng kiến qua truyền hình hình ảnh Tổng thống Barack Obama cúi đầu để bắt tay Nhật hoàng ở Tokyo.
Một bài viết, dù trên mục blog, của tờ Los Angeles Times đã rút tít đầy khiêu khích: “Liệu ông ấy còn cúi thấp hơn thế nào nữa?”. Cây  bút Rick Moran thậm chí đã viết rằng: Người Mỹ đã phải chiến đấu để giành độc lập vì thế không phải cúi mình trước dân tộc khác. “Không bao giờ cúi đầu chính là điều các tổng thống Mỹ luôn làm suốt 240 năm nay”.
Khi những hình ảnh “Tổng thống Mỹ cúi đầu” được đăng tải trên truyền thông Việt Nam, thật tuyệt vời, cư dân mạng đã cực kỳ chính xác khi cho rằng đó là một “cử chỉ đẹp”, rằng “Việc cúi chào mang tính tôn trọng bậc tiền bối” và chẳng nên nhìn nhận ở giác độ chính trị mà coi đó là sự hạ thấp mình, đối với một hành vi văn hóa

.ct1
Nếu phải kể đến những “cú bắt tay” nổi tiếng tầm cỡ thế giới, hẳn nhiên không thể không nhắc đến cú bắt tay giữa Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Mỹ Obama trong một cuộc gặp đầy bất ngờ bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ. Ông Hugo Chavez, người nổi tiếng chỉ trích Mỹ đến độ mạt sát, đã chủ động tiến đến, chìa tay và nói “Tôi muốn làm bạn với ông”. Obama, với nụ cười nửa miệng, chìa tay ra bắt.
Trong khi đó, cũng chính Obama đã gần như phớt lờ bàn tay mà Thủ tướng Ý Berlusconi chìa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G8, bỏ mặc sự bối rối của vị Thủ tướng nước chủ nhà. Cần phải nói thêm rằng Berlusconi khi đó đang dính vào scandal gái gọi khi ông bị chính phu nhân tố cáo. Thư ký báo chí Nhà Trắng sau đó phủ nhận việc Obama cố tình làm bẽ mặt Thủ tướng chủ nhà. “Tôi không đọc được gì trong đó cả- ông nói- Đôi khi chúng tôi chỉ nói nghĩa đen mà không có “mật mã” gì trong đó cả”.
3 tư thế. 3 đối tượng. Và bạn có thể đọc được gì từ việc “cúi người trước con trai của Nhật hoàng Hirohito, từng lãnh đạo nước Nhật trong Thế chiến II”, bắt tay người chửi Mỹ nhiều thứ 2, sau Ahmadinejad, và “phớt lờ” bàn tay Berlusconi?
Chúng có điểm chung là sự chủ động, ngay cả khi “đối thủ” chìa tay. Là cái “tư thế” ngay trong việc cúi đầu. Và chứa đầy thông điệp từ chính việc phớt lờ một nghi lễ ngoại giao đáng lẽ không thể thiếu.
ct7

Hôm qua, một tấm hình đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm sau khi giành ngôi vô địch bắt tay người bị thủ hòa, đã gây tranh luận trên mạng. Bức ảnh mô tả Liêm, trong tư thế ngồi, mặt lạnh như băng, có vẻ bị động đưa tay ra bắt. Trong khi đối thủ của anh Siêu đại kiện tướng quốc tế Berkes, mỉm cười chân thành, chủ động ở tư thế đứng bắt tay anh.
So sánh Lê Quang Liêm với Barack Obama quả thực khiên cưỡng. Nhưng Liêm là kỳ thủ hạt giống số 1 với hệ số elo cao nhất giải. Anh được thi đấu trên sân nhà. Và cái giải mang tên một ngân hàng trong nước dường như cũng thiết kế để anh Vô địch. Nhìn cái tư thế đó, có người đã bảo: Liêm, trong chính mình, chưa chuẩn bị được chuẩn bị tư thế của người chiến thắng.
Hình như cái tư thế đó bắt đầu ngay từ việc, dù được cầm quân trước, dù thi đấu trên sân nhà, dù hơn điểm Berkes, anh đã thủ hòa để giành chiến thắng.
Thật khó chấp nhận người chiến thắng “ngồi bắt tay”.
Hình thức bên ngoài không phải là tất cả, nhưng nó phản ánh cái văn hóa, và cả tư thế nữa, ở bên trong.
Hình như chúng ta chỉ quen được giáo dục cách vỗ tay, khi có hiệu lệnh.

Đào Tuấn

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/03/27/cu-bat-tay/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001