Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Hùng Tâm - Từ Cyprus đến Syria
Hùng Tâm/Người Việt

Trận đấu Nga-Đức trên đảo Cyprus

Sau khi đã mất cả ngàn tỷ Euro trong bốn năm qua để chuộc nợ cho các nước bị khủng hoảng, đa số ở miền Nam, khối Euro có thể bị lại khủng hoảng nữa vì Cộng hoà Cyprus thiếu một ngân khoản rất nhỏ là gần sáu tỷ Euro. 


(AP Photo/Narciso Contreras)

Chính quyền Cyprus trù tính huy động số tiền đó bằng cách đánh thuế trên tiền ký thác ngân hàng nên gây hốt hoảng cho cả thế giới trong mấy ngày qua. Sau cùng thì đề nghị bất thường này bị Quốc hội Cyprus bác bỏ, không có được một phiếu ủng hộ dù là từ đảng cầm quyền. Quyết định ấy của Cyprus đẩy lãnh đạo của khối Euro vào bế tắc và sẽ là thời sự đầy bất an trong những ngày tới.

Nhưng, xuyên qua vụ khủng hoảng bất ngờ, người ta còn thấy ra một điều bất tường có hậu quả sâu rộng hơn là một hồ sơ kinh tế tài chánh: Cộng hoà Liên bang Đức gây áp lực để Cộng hoà Cyprus (mà nhiều người Việt trong nước phiên âm là "Cộng hoà Síp") phải tìm ra sáu tỷ Euro như phần hy sinh của mình song song với 10 tỷ mà các nước đã thỏa thuận để cấp cứu. Từ quyết định ấy, Chính quyền Cyprus mới tính đến việc đánh thuế trên tiền ký thác vào các ngân hàng Cyprus. Nhưng vì một số khá lớn của các khoản ký thác này lại đến từ Liên bang Nga nên mâu thuẫn Nga-Đức đã ngấm ngầm bùng nổ vì vụ khủng hoảng tại thủ đô Nicosia của Cyprus.

"Hồ sơ Người Việt" sẽ tìm hiểu về những mắc mứu kỳ lạ này.

Khủng hoảng Cyprus

Cyprus là một hòn đảo nằm tại hướng cực Đông của biển Địa Trung Hải, phía Đông của Hy Lạp và phía Nam của Turkey, sát với khu vực Trung Đông. Với diện tích gần 10 ngàn cây số vuông và dân số khoảng một triệu mà 77% là người gốc Hy Lạp, Cyprus là một xứ nghèo của Âu Châu, đã gia nhập Liên hiệp Âu châu từ năm 2004 và khối tiền tệ thống nhất Âu Châu từ năm 2008, có sản lượng kinh tế bằng nửa phần trăm của khối Euro, trị giá chừng 24 tỷ Mỹ kim, hay hơn 20 tỷ Euro (hồ sơ này tạm dùng hối suất một Euro ăn 1.30 Mỹ kim cho dễ nhớ).

Như mọi xứ nhỏ nằm giữa một vùng giao lưu của quốc tế (Singapore, Thụy Sĩ hay Hong Kong), Cyprus cũng phát triển thành một trung tâm tài chánh và tổng số tài sản của các ngân hàng cao gấp bảy hay gấp tám sản lượng kinh tế. Do hoàn cảnh địa dư và sắc tộc, các ngân hàng Cyprus giao dịch mạnh với thị trường Hy Lạp nên xứ này lãnh hậu quả từ những biến động tài chánh tại Hy Lạp và các nước bị khủng hoảng tại miền Nam (Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha).

Nhược điểm kinh tế của Cyprus là khả năng cạnh tranh kém trong khi các khoản nợ công và tư cứ tăng đều, rồi xứ này bị vạ lây từ vụ chấn động tài chánh của khối Euro. Sau nhiều dự án viện trợ vào các năm 2008-2009, đầu năm 2012, Cyprus được Liên bang Nga cho vay một ngân khoản trị giá hai tỷ rưỡi Euro để đắp vào khoản bội chi ngân sách và trang trải một số nợ đáo hạn. 

Đến giữa năm 2012, Cyprus cầu cứu các định chế Âu Châu để được chuộc nợ trong khuôn khổ của hai chương trình ổn định tài chánh Âu Châu. Ba định chế được gọi là "tam đầu chế" gồm có Hội đồng Âu châu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB, đã cứu xét lời yêu cầu của Cyprus và mất nhiều tháng đàm phán để đi tới một kế hoạch cứu nguy, trong đó có cả điều kiện giảm chi, tăng thuế, chấp nhận khắc khổ, v.v... Được công bố cuối Tháng 11 năm ngoái, kế hoạch đã bị dân chúng và các đảng phái cánh tả phản đối và khủng hoảng kinh tế lan rộng thành khủng hoảng chính trị.

Ngày 16 vừa qua, các tổng trưởng tài chánh của khối Euro đã thoả thuận với Tam đầu chế là Hội đồng Âu châu, IMF và ECB về một kế hoạch cứu nguy khác: Âu Châu sẽ cung cấp 10 tỷ Euro để Cyprus chuộc nợ, với điều kiện là Chính quyền Cyprus tại Nicosia cũng phải chia sẻ một phần gánh nặng và huy động được sáu tỷ Euro. Việc huy động bằng cách đánh thuế trên tiền ký thác vừa được đề nghị là gây chấn động toàn cầu và bị Quốc hội Cyprus bác bỏ hôm 19 vừa rồi.

Nhưng vì sao chuyện ấy của Âu Châu lại liên quan đến nước Nga và vì sao Moscow đã tung ra hai tỷ rưỡi để cấp cứu Nicosia?

Dân Cyprus và tiền Nga

Cyprus liên quan chặt chẽ với Hy Lạp nên kinh tế và ngân hàng bị chấn động vì khủng hoảng tài chánh Hy Lạp. Nhưng do vị trí địa dư và quan hệ lịch sử, Cyprus cũng có 18% dân số là người Thổ của xứ Turkey. Mâu thuẫn giữa Turkey và Hy Lạp đã gây khó khăn cho Cyprus từ những năm 1960-1970. Khi dân Thổ tại miền Bắc Cyprus đòi ly khai và thành lập một nước riêng vào năm 1974 thì chỉ có Turkey công nhận, đó là Cộng hòa Turkish tại Miền Bắc Cyprus (Turkish Republic of North Cyprus). 

Chuyện ấy đã rắc rối, nhưng còn rắc rối hơn nữa là mối quan hệ tài chánh và ngân hàng của Cyprus với nước Nga, có từ thời Liên bang Xô viết và càng sâu đậm hơn sau khi Liên Xô tan rã.

Ngay trong thời Chiến tranh lạnh – trước 1991 – Moscow đã có quan hệ thân hữu với Nicosia vì Cyprus là một ngả giao lưu và đầu cầu cho Liên Xô đi vào vùng biển ấm của miền Nam. Trong vụ tranh chấp với Turkey về nước Cộng hoà TRNC, quan điểm của Nicosia được Moscow ủng hộ và Cyprus là một cơ sở tình báo và tài chánh cho các tổ chức Xô viết ở Địa Trung Hải.

Sau khi Liên Xô tan rã từ cuối năm 1991, Cyprus trở thành trung tâm tài chánh cho các đại gia Xô viết và tài phiệt Nga tẩu tán tài sản và rửa tiền. Trong số các trương chủ ký thác tiền bạc vào hệ thống ngân hàng của Cyprus, có rất nhiều thân chủ là tài phiệt Nga. Đấy là một chuyện, vì tài sản của Nga trong các ngân hàng này có thể lên tới 31 tỷ Euro trong tổng số được ước lượng là 68 tỷ. Đây chỉ là phần ước lượng thôi vì khó ai biết được tông tích của các thân chủ đặc biệt này. 

Năm 2009, Moscow đã từng đề nghị cho Nicosia vay tiền để chuộc nợ với điều kiện là cung cấp thông tin về những người giàu có của nước Nga đã qua gửi tiền hoặc rửa tiền tại Cyprus.

Ngoài chuyện tiền bạc, một lý do ly kỳ không kém là Cyprus có thể mua hỏa tiễn phòng không loại S-300 mà Liên bang Nga không bán được cho xứ khác. Không chỉ là trung tâm rửa tiền, Cyprus còn là kho chứa võ khí phế thải của Nga! Lý do chiến lược hơn vậy là Cyprus khó gia nhập Minh ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương vì quan điểm của Turkey, một thành viên của Minh ước NATO, và vì lập trường thân Nga của Nicosia. 

Vì thế, với Liên bang Nga, Cyprus có thể là một đầu cầu chiến lược cho Moscow.

Vai trò ấy càng trở thành giải pháp khi Liên bang Nga đang mất một đầu cầu khác cho hạm đội Hắc hải của mình là quân cảng Tartus của Syria. Nội chiến tại Syria khiến Nga có thể mất cửa khẩu Tartus nên lãnh đạo Moscow nhìn vào đảo Cyprus với con mắt khác. 

Ngần ấy lý do tài chánh và an ninh khiến Moscow chú ý đến Cyprus. Điều ấy cũng giải thích vì sao Tổng thống Vladimir Putin đả kích quyết định đánh thuế của Cyprus là "bất công, không chuyên nghiệp và nguy hiểm". Thủ tướng Dmitri Medvedev gọi đó là "một biện pháp tịch thu tài sản của thiên hạ" và tỷ phú Mikhail Prokhorov của Nga còn cảnh báo rằng đấy là một tiền lệ đáng ngại vì xâm phạm vào quyền tư hữu của người khác. Do phản ứng gay gắt của Nga là Bộ trưởng Tài chính Cyprus đã phải bay qua Moscow hôm 19 để giải thích, và cũng để bàn lại về khoản tiền hai tỷ rưỡi mà Nga đã cho Nicosia vay.
Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vậy vì vai trò của Cộng hoà Liên bang Đức!

Tiền Đức và nợ Nga

Mọi người đều có thể ngạc nhiên là vì sao Cyprus lại lấy một quyết định kỳ lạ và phi lý là tịch thu tài sản của các trương chủ ký thác. Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn, chúng ta còn thấy ra nhiều điều kỳ lạ hơn thế.

Trong bốn năm khủng hoảng của khối Euro, Cộng hoà Liên bang Đức đã chi tiền rất bộn để cứu lấy đồng bạc Âu châu và quyền lợi kinh tế của mình, như một nước xuất cảng mạnh nhất. Cứu lấy đồng Euro cũng có nghĩa là chuộc nợ cho bốn nước lâm nạn ở miền Nam (và một xứ ở miền Bắc là Ireland). Nhưng Đức chỉ có thể làm như vậy khi các nước kia chấp nhận hy sinh và các chủ nợ cũng chịu một phần thiệt hại. 

Thủ tướng Angela Merkel phải xoay trở với bài toán quốc tế này, trong khi dư luận ở nhà và cử tri trong cuộc bầu cử vào Tháng Chín tới đây cũng đặt vấn đề là vì sao họ lại phải hy sinh cho các chế độ bao cấp và vô trách nhiệm ở miền Nam. Đấy là lý do khiến Berlin gây áp lực rất mạnh với Nicosia về kế hoạch cấp cứu, kể cả biện pháp huy động đâu đó sáu tỷ Euro để bổ xung cho 10 tỷ của Âu châu. 
Chìm sâu hơn bên dưới là vai trò của Nga. Có lý gì mà dân Đức phải mất tiền cứu Cyprus để bảo vệ tiền bạc mà tài phiệt Nga đang gửi gấm tại đảo quốc này không?

Nhìn trên tổng thể, chúng ta thấy ra một khía cạnh khác của vấn đề. Đức và Nga đều đang chi tiền viện trợ cho Cyprus, mỗi nước theo một cách và vì một mục tiêu riêng. 

Berlin muốn Nicosia chấn chỉnh chi thu, cải tổ hệ thống ngân hàng và kinh doanh, kể cả cho nước ngoài giám định lại giá trị tài sản của các ngân hàng và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao khả năng cạnh tranh. Moscow cho Nicosia vay tiền để nâng tầm ảnh hưởng chiến lược của mình, bảo vệ quyền lợi của trương chủ người Nga trong khi cũng giúp mình điều tra các ông trùm tham nhũng đã tẩu tán tài sản vào ngân hàng Cyprus. Và y như bài toán của bà Merkel, Putin không muốn bị dân chúng than phiền là châm tiền cho Cyprus để bảo vệ tài sản của các tài phiệt tham ô.

Trên trận địa cấp cứu Cyprus, Moscow còn muốn trở thành một đối tác của Liên hiệp Âu châu và có thể nói chuyện ngang ngửa với Berlin. Chuyện đáng nói hơn thế là các nước Âu châu cũng đang gây áp lực rất mạnh về vai trò mờ ám của Liên bang Nga tại Syria. Moscow tiếp tục viện trợ võ khí cho chế độ Damascus tàn sát người dân và tấn công các lực lương dân chủ.

Như chưa đủ nhức đầu, người ta không quên rằng Đức là quốc gia nhập cảng khí đốt từ Nga và là khách hàng lớn nhất của Nga về loại năng lượng chiến lược này. Bây giờ, do áp lực của Đức mà Cyprus lại xâm phạm vào tài sản của dân Nga và đẩy lui ảnh hưởng của Moscow tại Nicosia thì vấn đề không chỉ là đồng Euro.

Kết luận ở đây là gì?

Sự đời rắc rối vô lường!

Khủng hoảng của đồng Euro sẽ còn kéo dài, Cyprus có thể ra khỏi khối Euro. Nhưng nếu vì vậy mà càng nghiêng về Liên bang Nga thì đấy sẽ là chuyện khác. 

Thủ tướng Đức gặp khó khăn và có thể thất cử nếu không làm cho dân Đức hiểu ra sự thể về nhu cầu tung tiền cấp cứu đồng Euro. Trong bối cảnh ấy, quan hệ Đức-Nga sẽ gặp nhiều thử thách và chúng ta nên theo dõi thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel vào ngày mùng bốn tháng tới.

Khi nào thấy ngân hàng Gazprombank của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga lên tiếng hoặc tung tiền vào cấp cứu Cyprus thì chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong một "Hồ sơ Người Việt" khác!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/hung-tam-tu-cyprus-en-syria.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001