Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Lực lượng vũ trang không phải trung thành với một đảng là phi chính trị?

Kiến nghị 7 điểm được khởi xướng bởi 72 nhân sỹ trí thức (gọi tắt: Kiến nghị 72), tính đến hôm nay (4/3 – đợt 20) đã có 6611 chữ ký hưởng ứng. Mặc dù vấp phải sự răn đe của hai ông đầu trò Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng vào các hôm 25 và 27/2. Tới ngày khoá sổ (31/3), chắc chắn con số sẽ còn tăng thêm. Điều này chứng tỏ, người dân Việt Nam đã dần vượt qua sợ hãi để vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Bất chấp mọi tai ương.

Một trong những điều gây tranh cãi nhiều nhất. Lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân Việt Nam), khi không còn phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam (như Kiến nghị thứ năm của các nhân sỹ) có phải là “phi chính trị“ như lời ông Trọng cảnh tỉnh hay không?

Với kiến thức còn hạn hẹp của mình, tôi có vài nhời thử “loạn bàn“ xem sao. Rất mong các bậc cao minh chỉ giáo để được sáng mắt thêm!

Thông thường ở các nước dù khác nhau về hệ thống chính trị hay địa lý nhưng lực lượng vũ trang vẫn bao gồm Lực lượng vũ trang theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, là lực lượng chiến đấu của nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninhquốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội…. những lực lượng chính là quân độicảnh sát và dân quân. Có nhiều nước chỉ tính quân đội. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia, chống ngoại xâm. Cảnh sát có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự nội địa. Dân quân là lực lượng bán vũ trang, thường được các quốc gia tổ chức như là một lực lượng dự phòng nhằm huy động sức mạnh từ số đông quần chúng. Ngoài ra, còn một lực lượng nữa cũng nằm trong lực lượng vũ trang là lực lượng an ninh, có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia.

Còn theo Từ điển Tiếng Việt, Lực lượng vũ trang của một nước phải phục vụ cho mục đích chính trị. Hai từ chính trị, tưởng đơn giản. Song hiểu cho thấu đáo không phải ai cũng tỏ tường. Chính trị được người Trung Hoa thời cổ đại viết bằng chữ tượng hình như sau: 政治.

Theo giải thích của GS Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), chữ chính, trong Hán văn gồm hai phần: bên trái là chữ chính có nghiã là ngay thẳng, bên phải là bộ phác hàm ý hành động. Chữ trị cũng gồm hai phần: bên trái là bộ thủy là nước, bên phải làn âm để đọc là trị. Theo nghiã đen, trị có nghiã là dùng thuốc để chữa bệnh. Chữ trị là bộ thủy, lúc ban sơ người Trung Hoa đã biết dùng thảo mộc nấu trong nước (sắc thuốc) đem uống (hoặc bôi) trị bệnh. Về sau chữ trị được mở rộng nghiã, chỉ việc dùng sự trừng phạt để loại bỏ những phàn tử hủ bại xấu xa khiến xã hội được ổn định.

Như thế, nghiã gốc của từ chính trị (政治) nói chung là việc làm ngay thẳng, lành mạnh.

Người Tây Phương cũng có định nghiã chính trị (politics, politique, polis *) một cách tương đồng – Học giả người Pháp – Jehan Bodin (1529-1596), viết trong bộ sách Republique (Cộng hòa), cho rằng: “Chính trị là sự điều khiển ngay thẳng nhiều gia đình và những gì chung cho các gia đình ấy với một quyền lực tối cao“ (“République est un droit gouvernement de plusieurs ménages et de ce qui leur est commun, avec puissance souveraine”).

Trở lại với câu chuyện sửa đổi Hiến Pháp 1992, Kiến nghị 72 của các nhân sỹ (trong phần kiến nghị thứ năm) có đúng là “phi chính trị hóa quân đội“ như qui kết của TBT Nguyễn Phú Trọng? Khi kiến nghị cho rằng, mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân…. yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ cần trung thành với Tổ quốc và nhân dân… là đủ.

Trong chế độ toàn trị như ở xứ ta, những ai bị qui kết là “phi (vô) chính trị“ là một tội khá nặng. Tuy chỉ vài câu nói nhỏ nhẹ của ông Trọng ở Vĩnh Phúc hôm 25/2 “các đồng chí quan tâm xử lý cái này“. Nhưng đó chính là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu chế độ. Nhằm mục đích ngăn chặn những ý kiến góp ý trái với khẩu vị của đảng. Cho dù, cách đây chưa lâu, vào ngày 28/12/2012, thay mặt Bộ chính trị, TBT Nguyễn Phú Trọng ký Chỉ thị số 22-CT/TW về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chỉ thị nêu rõ: “Đây là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân”.

Nhận xét về các phát biểu thiếu nhất quán của ông Trọng. Nhà báo Minh Diện đã chẩn ông Tổng bị mắc “căn bệnh” nói trước quên sau **.

Còn Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trả lời BBC ngày 28/2, cho rằng, điều này (quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) là đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Vĩnh nói: “Trước đây Hồ Chủ tịch chỉ nói quân đội phải trung với nước, hiếu với dân.”

“Lâu nay người ta nói học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mà sao bây giờ người ta lại muốn làm trái là thế nào? Sao lại thay đổi ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh?”

“Gọi quân đội là quân đội nhân dân, thế thì là từ nhân dân mà ra. Cho nên phải trung với nước, hiếu với dân là đúng rồi. Chứ không ai nói là quân đội Đảng Cộng sản.” ***

Ngược với ý kiến của vị tướng già, Tạp chí Cộng sản ngày 1/3/2013, trong bài “Quân đội không thể và không nên trung lập” đã đanh thép đập lại: “Quân đội luôn là một lực lượng chính trị, một bộ phận đặc biệt quan trọng của chính quyền nhà nước. Mọi điều kêu gọi trung lập hay chia tách sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền đối với quân đội đều là vô nghĩa, phản khoa học, kéo theo những tư tưởng chính trị phản động…“ ****

Thật đúng là “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay“. Chả nhẽ trên đời này có hai cách hiểu trái ngược nhau về chính trị hay chính trị có thể đổi thay theo thời tiết hoặc sức khoẻ tâm thần của từng con người?

TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Vĩnh Phúc hôm 25/2/2013. 

Theo cảm nhận của tôi, chính câu nói của ông Trọng hôm 25/2 mới là “phi chính trị“. Bởi vì nếu xét theo tiêu chí chính trị là một việc làm chính danh, đạo đức (ngay thẳng) thì sự riêng sự nói trước quên sau (nuốt lời) đã thể hiện đầy đủ tính phi chính trị của người cầm quyền. Còn Tướng Vĩnh nói riêng và 72 nhân sỹ trí thức hàng đầu nói chung đã bày tỏ thái độ chính trị rõ ràng và tích cực. Khi hưởng ứng lời kêu gọi của đảng nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết.. đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành pháp luật mà viết rằng: “Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản ViệtNam“.

Bởi chỉ thây ma của chế độ phong kiến lạc hậu. Hay các thể chế quân phiệt phát xít mới khăng khăng bắt các lực lượng vũ trang phải trung thành với ngôi báu (quyền cai trị) bất chấp quyền lợi của nhân dân và quyền lợi và an nguy của quốc gia dân tộc.

Có ý kiến còn ngộ nhận rằng: “nếu nói “Quân đội nhân dân Việt nam chỉ cần trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, và nhân dân Việt Nam” là còn trừu tượng, chưa đầy đủ và chưa cụ thể…. “muốn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, Quân đội trước tiên phải trung thành với Đảng cái đã.“ (trích phản hồi của: lockim, on Tháng Ba 2, 2013 at 3:16)

Chắc ông Trọng chưa khi nào nhìn thấy cái ca này? 

Tóm lại, nếu công cuộc góp ý sửa đổi bản Hiến pháp 1992 do đảng phát động mà biết phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận của nhân dân để toàn dân chung tay đóng góp, xây dựng, hoàn thiện Đạo luật gốc như nhời đảng thì đã không có những động thái phản cảm phi chính trị của các vị chóp bu chế độ như vừa rồi. Khiến những bất kỳ ai quan tâm tới thời cuộc, có nhận thức trung bình như tôi cũng lờ mờ nhận ra, cơ hội có được bản Hiến pháp (thực sự của dân, do dân, vì dân) lại một lần nữa bị nhỡ tàu. Bởi căn bệnh ”tứ chứng nan y” của chế độ đã kháng thuốc. Chỉ tới khi con bệnh ”tắc tử” hẳn. May ra cái ”bếp lò” ướt sũng của các vị có tật nói trước quên sau mới có thể bén lửa được.

Để kết cho entry này, tôi xin dẫn lời của Thánh Khổng, khi trả lời Qúi Khương Tử hỏi về chính trị. Khổng Tử đã theo đúng từ nguyên và bảo rằng: “Chính giả, chính dã, Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?“ (Chính trị là làm cho ngay thẳng. Ngài lấy sự ngay thẳng mà sai khiến người thì còn ai dám không ngay thẳng? – Theo: Luận ngữ, Nhan Uyên 7).

…………………………………………..

* Ở Hy Lạp cổ đại, Polis là một thị trấn độc lập và có đủ quyền như một quốc gia ngày nay và trong ngôn ngữ Hy Lạp, politicos (số ít) hay politica (số nhiều) là những từ dính dáng đến quốc gia. Do gốc chữ này mà các từ điển Tây Phương ngày nay thường định nghiã politics hay politique là chính trị là “ khoa học hoặc nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia“.

** Bùi Văn Bồng: “CĂN BỆNH“ NÓI TRƯỚC QUÊN SAU ?

http://bvbong.blogspot.de/2013/02/can-benh-noi-truoc-quen-sau.html?showComment=1361982587830

*** Theo BBC Tiếng Việt – https://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/02/130228_nguyentrongvinh_in

**** Theo: cpv.org.vn - http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2013/20381/Quan-doi-khong-the-va-khong-nen-trung-lap-Lich-su.aspx
nguồn:http://quechoa.vn/2013/03/05/luc-luong-vu-trang-khong-phai-trung-thanh-voi-mot-dang-la-phi-chinh-tri/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001