Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Michael Munger - Dân chủ là một phương tiện, không phải là cứu cánh

Michael Munger
Các nước dân chủ có những quyền tự do cá nhân, quyền tư  hữu và tinh thần thượng tôn luật pháp, nhưng đó không phải là nhờ dân chủ. Thật ra các quốc gia đó đã có các ưu điểm đó ở trong tất cả những cái mà người ta gọi là truyền thống chính quyền tốt của Tây phương.
Ai cũng thích dân chủ. Nếu hỏi một người Mỹ là có hình thức cai trị  nào tốt hơn thì người đó sẽ cảm thấy như bị xúc phạm. Quý vị cũng tin vào dân chủ phải không? Nhưng mà như vậy quý vị tin vào cái gì? Khi nghĩ về dân chủ người ta cho đó là tổng hợp mơ hồ gồm các yếu tố như một chính quyền tốt, bảo vệ quyền cá nhân, sự tham gia chính trị rất là rộng rãi, một xã hội trong đó mọi giới đều được hưởng chung sự phồn vinh kinh tế. Nhưng] ta cũng có thể cộng vào danh sách này những khái niệm như chỉ số lý tưởng về trọng lượng của con người và công thức nấu bánh kẹp. Thêm những điều này vào thì cũng tốt thôi, nhưng chẳng có ý nghĩa gì cả, và rất ít người chịu suy nghĩ xem thực sự dân chủ có ý nghĩa như thế nào.
Ca ngợi các thành quả đã đạt được trong thể chế dân chủ là một điều tốt. Nhưng ca ngợi như vậy là lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả. Cái lý do mà những nước dân chủ có quyền tự do cá nhân, quyền tư hữu, và [nguyên tắc] pháp trị, không phải là vì đó là những nước dân chủ, mà phải nói cho đúng là những nước nào có được những quyền và nguyên tắc đó là những nước được thừa hưởng toàn bộ và trọn gói truyền thống “chính quyền tốt” của Tây phương. Cái truyền thống này đòi hỏi mọi hành vi của chính quyền phải được đặt trên sự đồng ý của người dân, và chính là mối dây ràng buộc tất cả những điều này thành một gói, chứ không phải là chính cái gói đó. Fareed Zakaria đã xác định cái vấn nạn “trọn gói” này một cách hoàn hảo như sau:
Đối với người Tây phương dân chủ có nghĩa là dân chủ tự do, tức là một hệ thống chính trị có những đặc điểm không những là bầu cử tự do và công bằng, mà còn có sự cai trị theo luật pháp, sự phân quyền và sự bảo vệ các quyền tự do căn bản về ngôn luận, hội họp, tôn giáo và sở hữu tài sản. Tuy nhiên, cái tập hợp các quyền tự do đó – chúng ta có thể gọi là quyền tự do theo hiến pháp – tự nó không có liên hệ gì tới dân chủ. Thực ra các quyền tự do đó không phải lúc nào cũng đi đôi với dân chủ, ngay cả trong các nước Tây phương. Chính Adolf Hitler đã trở thành quốc trưởng Liên bang Đức qua một cuộc bầu cử tự do. (The Future of Freedom, trang 17, phần in nghiêng nhấn mạnh do tác giả (Munger) viết).
Như vậy thì dân chủ là gì? Trong sự suy nghĩ hỗn độn của chúng ta về dân chủ thì chính quyền tốt là điều chúng ta nghĩ tới ngay. Nhưng chính quyền tốt nghĩa là gì? Cái điểm đầu tiên là phải có bỏ phiếu và cai trị theo đa số. Cái đa số có thể lựa chọn thay cho tất cả mọi người và đa số có thể áp đặt ý muốn lên trên thiểu số.
Công nhận quyền quyết định của đa số khiến tôi phân vân không biết dân chủ là một sự lừa dối hay là một sự tự cao tự đại. Như Willliam Riker[1] đã nhận định trong cuốn sách Chủ nghĩa Tự do đối lập với Chủ nghĩa Dân túy,[2] xuất bản vào năm 1982, về cái lập luận cho rằng thể thức “công bằng” luôn luôn, hay vẫn thường, dẫn đến kết quả “tốt” là đã bỏ qua các yếu tố như định chế hay sự thay đổi về định chế. Nếu người dân bất đồng ý kiến, và nếu có nhiều sự lựa chọn, thì dân chủ có thể bị thao túng, và còn có thể trở thành chuyên chế độc tài nữa. Ngành chính trị học hiện đại gọi vấn nạn này là “Vấn nạn Arrow” (Arrow Problem), theo Kenneth Arrow.[3]
Nếu chúng ta nghĩ dân chủ chỉ là một huyền thoại về dân sự hay là một điều tự cao tự đại thì đó cũng là một điều có ích. Ý tưởng về dân chủ làm cho người thường dân cảm thấy tự hào, làm cho người ta yên tâm hơn và làm cho nghị hội vui lòng hơn. Tuy nhiên, nếu dân chủ là một sự lừa đảo, thì chúng ta đang đi vào một lãnh vực đen tối và hiểm độc. Cho rằng đa số luôn luôn đúng là một điều rất nguy hiểm: nhiều người trong chúng ta muốn áp đặt cái “khôn ngoan” của mình lên những người khác. Đề cao sự khôn ngoan của tập thể cũng chỉ là một hình thức để áp bức các công dân khác, trong khi đó thì cướp đoạt tài sản của họ và đẩy con em họ lên đường chinh chiến.
Tình trạng này từ xưa đến nay vẫn như vậy, như Polybius[4] đã nói cho chúng ta biết:
Nền dân chủ Athen luôn luôn như là một con tàu không người chỉ huy. Trong một con tàu như vậy, khi có sự đe dọa của kẻ thù hay một trận bão, thì thủy thủ có thể nhất trí tuân theo người lái tàu, và do đó mọi việc đều tốt. Nhưng khi họ đã hết sợ thì họ bắt đầu coi khinh những cấp chỉ huy của mình và cãi lộn với nhau vì họ không còn nhất trí với nhau nữa. Nhóm này muốn tiếp tục đi, nhóm khác lại muốn bỏ neo, người thì muốn thả dây lèo ra, người thì muốn kéo dây lèo vào và ra lệnh cuốn buồm. Sự bất đồng ý kiến và cãi lộn của họ đối với những người ngoài cuộc chỉ là điều khó coi nhưng lại rất nguy hiểm cho những người cùng đi trên con tàu đó. Thường thường kết quả là sau khi đã thoát khỏi những nguy hiểm của sóng gió và bão táp thì chính những người đó đã phá hoại con tàu ngay trong bến đậu hay khi đã gần tới bờ”- Polybius, Lịch sử, Quyển VI, chương 44, khoảng 130 B.C. (bản dịch của Evelyn S. Shuckburgh, 1889)
Tuy nhiên nói như vậy không phải là chúng ta muốn độc tài. Cốt lõi  của Vấn nạn Arrow là mọi xã hội đều phải lựa chọn giữa hai điều tệ hại: một là sự chuyên quyền như Hitler, hai là sự bất nhất có thể có được như Polybius đã mô tả. Luận điểm chính của tôi là “dân chủ” mà không có sự bảo vệ của nền tự do theo hiến pháp thì có thể vừa chuyên chế và vừa hỗn loạn. Đó là tình trạng tệ hại nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được.

Nước Mỹ không phải là một nước dân chủ

Mấy điều này không phải là các vị lập quốc của Mỹ không biết tới. Bầu cử giúp cho công dân có thể kiểm soát được những người được dân bầu ra, chỉ có thế thôi. Các nhà lập quốc đã bầy tỏ mối hoài nghi đó rất rõ trong đoạn sau đây trong Luận cương Liên bang số 10[5]:
… Một nền dân chủ thuần túy, tôi muốn nói là một xã hội trong đó có một số nhỏ các công dân họp lại để tự cai trị lấy, không thể nào có giải pháp cho tệ nạn phe đảng. Khi có một sự ham thích hay sự quan tâm chung nào đó thì hầu như người ta luôn luôn cho rằng tất cả mọi người trong nhóm cũng cảm thấy như vậy. Thế là tất cả chế độ cai trị ấy lại đồng thanh phổ biến cùng một luận điệu. Không có gì có thể ngăn cản khuynh hướng muốn lấn át phe yếu kém hay một cá nhân chống đối. Do đó những nền dân chủ như vậy luôn luôn có sự tranh chấp hỗn loạn, không thuận lợi cho sự an toàn cá nhân hay quyền tư hữu; [các chế độ đó] thường không tồn tại được lâu và thường cáo chung trong bạo loạn. Các nhà chính trị lý thuyết chủ trương loại chế độ này mắc điều sai lầm khi cho rằng nếu con người được hoàn toàn bình đẳng trong quyền chính trị thì đương nhiên họ sẽ hoàn toàn bình đẳng và đồng hóa trong quyền tư hữu, trong ý kiến và ý thích.
Nước Mỹ là một cộng hoà liên bang có sự phân quyền hàng ngang giữa quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp, và sự phân quyền hàng dọc giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Bản Tuyên ngôn Độc lập nói rất rõ: Chế độ Huê Kỳ dựa trên căn bản là tất cả các công dân đều có quyền và “Để bảo đảm cái quyền đó các chính quyền được thành lập, và quyền lực chính đáng của chính quyền là do người dân đồng ý trao cho.” Như vậy có nghĩa rằng bầu cử vẫn còn quan trọng. Chúng ta cần có bầu cử và thật sự nhờ vào bầu cử, thì chế độ mới hoạt động được. Nhưng bầu cử không phải là mục đích tối hậu của chính quyền mà là phương tiện để người công dân có thể bày tỏ sự tán trợ hay không tán trợ của họ [đối với chính quyền].
Vấn đề là những luật lệ, thể thức và những cơ cấu căn bản để lựa chọn qua cuộc bầu cử với vai trò là một phương tiện đã không theo kịp với niềm tin coi dân chủ là một cứu cánh của dân chúng. Chúng ta đoán ý muốn của dân chúng, các ý định của dân chúng về những vấn đề phức tạp. Không ai có thể quên sự kiện diễn ra ở Florida vào năm 2000, khi các viên chức cầm từng lá phiếu đưa lên trời để nhìn qua những cái lỗ bấm phiếu chưa thủng hết.
[Tôi không đồng ý] với những người còn tin một cách lý tưởng rằng trong chính trị có “chân lý,” chân lý đó sẽ được tìm ra, và một khi đã tìm ra được thì sẽ được giải thích cho những người biết lẽ phải. Chúng ta sinh sống cùng với nhau vì tổ chức xã hội cho chúng ta những phương tiện hữu hiệu để thực hiện các mục đích cá nhân, chứ không phải cho chúng ta những phương tiện để đi tới một sự hạnh phúc cao siêu chung nào đó. Chính trị là một diễn trình để dung hoà các sự khác nhau. Chúng ta có những ý kiến rất khác nhau về những mục đích tập thể, cũng như chúng ta có ý kiến khác nhau về các món đồ mà chúng ta thích tiêu dùng. Trong quan niệm xét đoán về sự thực trong chính trị, có lẽ tốt hơn là ta nên đưa ra một số quy luật chung thế nào là một xã hội tốt. Điều hợp lý là nên nhờ một số các nhà chuyên môn tìm ra những tiêu chuẩn có thể coi như khách quan. Ngược lại, khi chúng ta coi chính trị như là một diễn trình-một phương tiện qua đó những sự khác biệt về các nhóm khác nhau có thể được hòa giải-thì bất cứ một nỗ lực nào nhằm đưa ra những tiêu chuẩn đều trở nên vô ích, mà có khi còn có hại nữa, ngay cả với một người tự cho mình là một chuyên gia.- James M. Buchanan,[6] (Những giới hạn của tự do, trang 1, đoạn 7.1.1).
Bầu cử không thể tiến hành như thế này được, nhất là trong một nước có bốn vùng giờ địa phương (đó là chưa kể đến Alaska hoặc Hawaii). Tuy rằng trong các khía cạnh khác của cuộc sống của chúng ta, chúng ta đòi phải có thông tin ngay lập tức, nhưng sự công bằng trong một cuộc bầu cử đòi hỏi là các tiểu bang không được phổ biến các thông tin cho tới khi các phòng phiếu đã đóng cửa. Các khu bầu cử địa phương phải hy sinh sự hữu hiệu của bầu cử (như dùng kỹ thuật bỏ phiếu mà không cần giấy) để giữ cho việc bỏ phiếu được hợp pháp, tức là phải dùng các lá phiếu bằng giấy và các lá phiếu phải được thực sự đếm lại từng lá phiếu một, khi cần.
Nhưng chúng ta ai cũng biết vấn đề này rồi, đó là một vấn đề phần lớn có tính cách kỹ thuật. Tôi muốn đưa ra đây một vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Đó là không những chúng ta đòi hỏi quá ít về thể thức dân chủ, mà chúng ta lại mong đợi quá nhiều về tiến trình dân chủ. Hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ đã không đáp ứng được sự mong đợi của sinh viên học sinh, bởi vì chúng ta không biết được cái giới hạn trong sự lựa chọn hầu như vô hạn của dân chủ. Chúng ta dậy sinh viên rằng đồng thuận tự nó là một điều rất có giá trị, mặc dầu chúng ta biết rằng sự đồng thuận chỉ có thể có trong một chế độ độc tài hoặc là đối với các quyết định có tính cách hạn hẹp.
Như James Buchanan, Kenneth Arrow và một số các nhà nghiên cứu về sự lựa chọn của công chúng[7] (public choice) đã cho thấy, tập thể không thể nào có ý thích giống như cá nhân. Nói một cách khác, bất đồng ý kiến với nhau là điều rất có thể và rất hợp lý. Vai trò của dân chủ không phải là loại bỏ những sự bất đồng ý kiến, nhưng mà là ngăn ngừa những sự bất đồng ý kiến về chính trị trở thành những đối nghịch bằng võ lực.
Như vậy thì nói rằng chính quyền lệ thuộc vào sự đồng ý của dân chúng là có nghĩa như thế nào? Chế độ Hoa Kỳ có vẻ rất rườm rà, nhưng nó phối hợp được các ý niệm về thể chế cộng hoà, trong đó sự lựa chọn về chính sách được thực hiện một cách gián tiếp qua việc quyền lập pháp được phân chia nhưng phải có sự trùng hợp về đồng thuận. Phải có được sự chấp thuận bởi đa số dân chúng thì Hạ Viện mới thông qua. Sau đó lại còn phải được đa số trong phần lớn các tiểu bang trong Thượng Viện thông qua. Rồi mới tới Tổng Thống, mà cử tri của Tổng Thống tức là nhân dân toàn quốc. Tổng Thống phải chấp thuận trước khi dự luật được trở thành luật. Rút cục là thể thức này rất khác xa cái mà chúng ta gọi là dân chủ, nhưng nó đã bảo đảm một nguyên tắc căn bản về dân chủ: đó là chính quyền không thể áp đặt một cái gì lên dân chúng trừ phi dân chúng đồng ý. Các cuộc bầu cử là một hình thức để ngăn chận sự chuyên quyền, chứ không phải là một phép màu để thể hiện cái ý muốn của dân chúng.

Vậy thì ta phải làm gì bây giờ?

Các nhà làm chính sách phải hiểu là có hai điểm lỗi thời khiến cho sự thất bại của các tổ chức bầu phiếu và lý tưởng dân chủ tại Hoa Kỳ trở nên phức tạp. Quả thực là có hai điểm lỗi thời khác biệt nhau và mỗi một điểm lỗi thời đòi hỏi chúng ta phải lưu ý đến ngay.
Thứ nhất là kỹ thuật [bầu cử] dân chủ của chúng ta đã quá cổ, và có khuynh hướng bị lạm dụng hay ít ra là khiến cho người ta mất tin tưởng. Chúng ta phải đưa kỹ thuật bỏ phiếu lên tới trình độ của thế kỷ 21, bởi vì hiện nay chúng ta chấp nhận một trình độ kỹ thuật ở mức quá thấp so với trình độ có thể có. Chúng ta phải giải quyết ngay vấn đề bảo đảm cho cái cơ chế ghi và đếm phiếu được hoàn toàn không bị chê trách. Như cuộc bầu cử năm 2004 đã cho ta thấy, chúng ta gần như là quá lạc hậu về điểm này.
Điểm lỗi thời thứ hai là cái lý tưởng của chúng ta về dân chủ, cái quan niệm của chúng ta về những điều mà dân chủ có thể thực hiện, cũng lỗi thời. Nhưng trong trường hợp này, sự lỗi thời đó không phải từ quá khứ mà lại xuất phát từ một ý niệm không tưởng của khoa học giả tưởng tương lai. Do đó, chúng ta cần phải đưa cái lý tưởng bỏ phiếu trở lại với cái lý tưởng hồi thế kỷ thứ 19, là cái thời gian nẩy sinh lý tưởng bỏ phiếu. Chúng ta đã trông đợi quá nhiều vào khả năng mà nền dân chủ và các định chế dân chủ có thể thực hiện được.
Tiểu luận này khiến cho tôi có vẻ như là thù nghịch đối với chế độ dân chủ, hay là một kẻ trí thức gàn dở. Quả thật cũng không hẳn là sai, nhưng đưa ra các thiếu sót của nền dân chủ không có nghĩa là ca tụng các ưu điểm của giới trí thức hay của chế độ độc tài. Tôi chỉ muốn đưa ra một điểm hoài nghi rất bình thường về dân chủ để biết dân chủ là gì và dân chủ thực hiện được những gì. Nhiều mâu thuẫn về chính sách xoay quanh vấn đề là công chúng có thể bắt buộc cá nhân phải làm gì. Có một điều tế nhị mà những cuộc tranh luận về chính sách thường không để ý tới: đó là có sự khác biệt giữa quyết định công cộng và quyết định tập thể. Quyết định công cộng, do cái bản chất của sự lựa chọn, thì ảnh hưởng đến tất cả mọi người: chẳng hạn như chúng ta chỉ có thể có một ngân sách quốc phòng, hay là nếu các sông bị ô nhiễm thì sẽ gây hại không những cho nước của tôi, mà còn cho nước của quý vị nữa.
Quyết định tập thể, mặt khác, ảnh hưởng đến chúng ta chỉ vì đa số được trao quyền áp đặt ý muốn của họ lên mọi người. Quyết định tập thể trong việc lập chính sách không nhất thiết là quyết định công cộng vì chúng ta đã rút quyền quyết định của mỗi người và trao quyền đó vào tay một nhóm người ô hợp.
Phải công nhận rằng có nhiều quyết định tập thể cũng có tính cách công cộng. Nhưng chúng ta cần nhận rõ được lằn ranh giữa sự lựa chọn cá nhân và lựa chọn tập thể để quyết liệt bảo vệ ranh giới đó. Như P. J. O’Rourke[8]đã nói, chỉ vì đa số thích một cái gì đó không có nghĩa là đa số có quyền lựa chọn cái đó cho tất cả mọi người.
Nguyên tắc quyết định theo đa số là một điều thiêng liêng quý báu, đáng bảo vệ bằng tính mạng của mình. Nhưng-cũng như các điều thiêng liêng, quý báu khác, như nhà cửa và gia đình-nguyên tắc này không những đáng cho chúng ta hy sinh mạng sống vì nó, mà cũng có thể chính nó làm cho chúng ta khổ đến chết. Hãy tưởng tượng rằng tất cả mọi việc trong cuộc sống phải tuân theo quyết dịnh của đa số. Mỗi bữa ăn phải là pizza. Mỗi cái quần, ngay cả các quần trong các bộ com-lê Brooks Brothers[9], phải là quần may bằng vải denim bạc màu. Các sách về chế độ ăn uống và sách tập thể dục của các tài tử là những cuốn sách duy nhất  có trong thư viện. Và vì phụ nữ chiếm đa số trong dân số nên ai cũng phải lấy tài tử Mel Gibson. (O’Rourke, Parliament of Whores, 1991, trang 5).
Chìa khoá thực sự của tự do là bảo vệ người dân chống lại [sự áp bức] của chuyên chế của đa số, hay bảo vệ quyền tự do chống lại [sự lạm dụng] của dân chủ. Như vậy thì vấn đề trở thành điều mà Fareed Zakaria gọi là “dân chủ phi tự do.” Phải nói một cách giản dị như vậy vì chúng ta cần ghi nhớ điều đó khi cố vấn cho người khác.
Trong phần lớn lịch sử hiện đại, điều khác biệt giữa các chính quyền ở châu Âu và Bắc Mỹ và các chính quyền khác trên thế giới không phải là dân chủ mà là chủ nghĩa tự do theo hiến pháp. Biểu tượng của “Mô thức chính quyền Tây phương” không phải là trưng cầu ý kiến toàn dân mà là vị thẩm phán công bình. (Fareed Zakaria, The Future of Freedom, trang 20.)
Những người soạn thảo Hiến pháp của Hoa Kỳ biết rõ rằng trong dân chủ không có gì, tuyệt đối không có gì, là bảo vệ tự do hay quyền tư hữu của con người. Khi chúng ta cố vấn các quốc gia khác về việc cải tiến các hệ thống chính quyền, mà chúng ta lại quên sự hoài nghi về sức mạnh của dân chủ ngay trong lịch sử của chúng ta thì đó là điều nguy hiểm cho chính chúng ta. Khi giúp một quốc gia đang phát triển thành lập chính quyền, chúng ta nên mạnh dạn chủ trương lập một chính quyền theo mô thức của Hoa Kỳ. Thomas Hobbes đã nói: "Giao ước mà không đi đôi với gươm thì chỉ là giao ước suông”[10]. Phương châm tương đương hiện nay có thể là: “Dân chủ mà không có Tuyên ngôn Nhân quyền thì chỉ là bạo quyền”
© Học Viện Công Dân 2012
Nguồn: “Democracy is a Means, Not an End” của Michael Munger, Trưởng Phân Khoa Chính Trị Học tại Đại học Duke (North Carolina)
[1] William Riker (1920- 1993): học giả có tầm nhìn xa, nhà xây dựng định chế, nhà trí thức áp dụng phương pháp suy luận toán học vào nghiên cứu chính trị.
[2] Chủ nghĩa Dân túy (populism) là một triết lý chính trị chú trọng vào việc phát huy những quyền và sức mạnh của người dân thấp cổ bé họng trước những thành phần có đặc quyền, đặc lợi hay ngay cả những định chế chính trị. Từ chủ nghĩa này phát sinh ra những phong trào, đảng phái “vì dân.” Tại Mỹ trong thập niên 1890, đảng Vì Dân được thành lập nhằm đối phó với sự bành trướng và phát triển những đại công ty đã khống chế đời sống kinh tế của cả xã hội. Những đảng phái theo dân túy dễ bị nghiêng theo khuynh hướng cực hữu hoặc mỵ dân.
[3] Kenneth Arrow (1921- ) nhà kinh tế Hoa kỳ được giải Nobel Kinh tế năm 1972 cùng với Sir John Hicks. Trong luận án tiến sĩ của ông, Arrow đưa ra định đề nổi tiếng gọi là “impossibility theorem.” (định đề bất khả thực hiện) chứng minh rằng trong một số điều kiện giả định về ý thích khác nhau của một nhóm người thì không thể có một cách biểu
quyết nào để đưa ra một sự lựa chọn mà đa số đều thích.

[4] Polybius (khoảng 200-118 BC), sử gia người Hy lạp. Ông nổi tiếng về tư tưởng phân quyền. Về sau tư tưởng này đã được Montesquieu chủ trương trong tác phẩm L’esprit des lois
(Tinh thần của luật pháp) và được áp dụng trong việc soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ.

[5] Luận cương Liên bang 10 (Federalist Number 10) của James Madison là bài thứ 10 trong loạt bài Federalist Papers để thuyết phục cho việc phê chuẩn Hiến pháp Hoa kỳ.
[6] James McGill Buchanan, Jr. (sinh năm 1919): kinh tế gia Mỹ được biết đến qua các tác phẩm viết về lý thuyết của sự lựa chọn công cộng và do đó được giải Nobel về Kinh tế năm 1986. Tác phẩm của ông khởi xướng các công trình nghiên cứu lợi ích riêng tư của các chính trị gia và những yếu tố ngoài kinh tế ảnh hưởng ra sao vào chính sách kinh tế của chính quyền.
[7] Lý thuyết Sự Chọn lựa của Công chúng (public choice theory) dựa trên lý thuyết kinh tế, nhằm lý giải hành vi của cá nhân trong một tập thể cũng giống như hành vi của cá nhân trong môi trường cá nhân, nghĩa là, tìm cách tăng gia lợi ích cho bản thân (lựa chọn tư đối lại với lựa chọn công). Thí dụ, một dự luật nhằm bảo vệ khu gia cư tại một vùng nào đó khỏi bị lut lội bằng một dự án mà kinh phí do cư dân đóng một khoản thuế. Những người ở trong khu bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ đồng ý ngay, nhưng những người không bị ảnh hưởng trực tiếp
sẽ không đồng ý về dự luật này.

[8] Patrick Jake O’Rourke (sinh năm 1947), tác giả người Mỹ là nhà văn, nhà báo châm biếm chính trị.
[9] Brooks Brothers là một công ty may y phục đẹp và lịch sự nổi tiếng tại Mỹ được giới thượng lưu rất ưa chuộng.
[10] Câu nói “Giao ước mà không đi đôi với gươm đao thì chỉ là giao ước suông” trong đoạn 2, chương 17 của cuốn Leviathan của Thomas Hobbes (1651).
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 08/03/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130307/michael-munger-dan-chu-la-mot-phuong-tien-khong-phai-la-cuu-canh
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001