Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Nữ cử nhân bưng bê và vị giáo sư 500 triệu 

thatnghiep
Liệu có chính sách thu hút nhân tài nào chỉ nhăm nhăm nhìn vào sự sang trọng của học hàm học vị, thậm chí, dựa trên xuất xứ của một tấm bằng?

Tháng 10-2012, Báo điện tử Bạc Liêu kể lại câu chuyện gian nan tìm việc của một “cử nhân ngữ văn”. Bắt đầu bằng việc “gõ cửa” cùng lúc 3 cơ quan đang có nhu cầu tuyển người, nhiều tháng sau đó, những lá đơn của cô vẫn bóng chim tăm cá. Không nản lòng, cô tiếp tục gửi hồ sơ đến 3 cơ quan khác và tất lẽ dĩ ngẫu vẫn là… tăm cá bóng chim. Đến giờ, không rõ số phận nữ cử nhân ra sao. Cũng chẳng loại trừ cô phải đi “bưng bê” ở đâu đó, cử nhân gì thì cũng phải có miếng đút miệng để sống. Và trường hợp của cô, thật tròn vạnh cho một hiện thực không ít phổ biến: Tri thức, hay chất xám, mà không có điều kiện đảm bảo, chẳng hạn như dân gian vẫn gọi là 4C, hay nói như  PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác – Lênin là tệ “ấm tử, ấm sinh” (tình trạng bố trí, cất nhắc con em, người thân vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước), thì tất nhiên sẽ bị loại “ngay từ vòng gửi xe”.
Nữ cử nhân ngữ văn không phải là bi kịch duy nhất ở Bạc Liêu. Một chàng kỹ sư nuôi trồng thủy sản sau khi “gõ hết các cửa”, đánh liều xin làm công nhân cho một DN. “Giở hồ sơ thấy cái bằng đại học, họ không chịu nhận”. Kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở một tỉnh “miệt biển” như Bạc Liêu mà thất nghiệp. Nghĩ cũng bi kịch. Nhưng bi kịch nhất là lời than thở của chàng kỹ sư “Tốt nghiệp đại học mà xin “cao” cũng chẳng được. Xin “thấp” cũng không xong”.
Những bi kịch này, theo báo Bạc Liêu, là do tấm bằng cử nhân có xuất xứ từ “Đại học Bạc Liêu”. “Nghe “Đại học Bạc Liêu”, nhiều cơ quan tỏ ra không còn mặn mà gì với việc xem xét hồ sơ. Thậm chí, có một số cơ quan như Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng NN&PTNT… đã loại ngay từ vòng… nộp hồ sơ”- bài báo viết.
Các cơ quan công quyền ở Bạc Liêu, kỳ thị con em Bạc Liêu, chỉ vì họ tốt nghiệp đại học Bạc Liêu. Đúng là chuyện chỉ có ở Bạc Liêu.
Nhưng đó không chỉ là chuyện ở Bạc Liêu. Còn nhớ trong một hội nghị về công tác nhân tài, PGS-TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương đã nói ra một sự thật: “Giả thiết nếu Bill Gates có làm việc trong hệ thống chính trị nước ta thì đến già cũng không lên được trưởng phòng…”.
Những cử nhân “Chính gốc Bạc Liêu” hẳn sẽ ngậm ngùi lắm khi hôm qua, họ đọc trên báo dòng tin về chính sách trải thảm đỏ của tỉnh nhà. Sau Quảng Ngãi, Bạc Liêu đã đưa ra những con số khủng để “thu hút nhân tài”. Ừ thì giáo sư được hỗ trợ 500 triệu khi ok về công tác tại Bạc Liêu. Ừ thì bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ được “trăm bảy đến hai trăm hai”. Ừ thì học hàm học vị. Ừ thì trọng nhân tài. Nhưng còn những cử nhân bản địa với ước mơ lãng mạn đóng góp xây dựng quê nhà?
Liệu có chính sách thu hút nhân tài nào chỉ nhăm nhăm nhìn vào sự sang trọng của học hàm học vị, thậm chí, dựa trên xuất xứ của một tấm bằng?
Liệu có sự thành công nào có được bằng việc vọng ngoại, và kỳ thị nguồn nhân lực bản địa đang ế chỏng ế trơ?
Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2008, Tổng thống Lý Quang Diệu, người đã biến Singapore thành một nơi “quần hào tụ hội” đã chân thành, rằng: Quan trọng là không để trì trệ nằm trong dòng chảy của mình.
Hình như chính sách trải thảm ở Quảng Ngãi, ở Bạc Liêu phải được bắt đầu bằng việc dẹp bỏ sự trì trệ trong tư duy những người làm công tác cán bộ.

Đào Tuấn 

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2013/03/25/nu-cu-nhan-bung-be-va-vi-giao-su-500-trieu/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001