Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

PHẢN HỒI BÀI VIẾT “KHI PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ MỘT CHIÊU BÀI”

Ts Vũ Thị Nhuận - Đại học Tokyo, Nhật Bản
12-03-2013
Bài viết này là bài phản hồi của cá nhân tôi tới tác giả Huỳnh Tấn với bài viết KHI PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ MỘT CHIÊU BÀI * đăng trên báo Nhân Dân điện tử có tuyên ngôn “CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM”.
Thưa ông/bà Huỳnh Tấn

Tôi đọc bài viết của ông/bà được giới thiệu là bài viết trong mục bình luận phê phán của trang báo Nhân Dân điện tử, đã làm cho tôi không khỏi bức xúc. Trong phần mở đầu của bài viết có nói “Ngày nay, có thể nói mạng internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt. Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế… Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng” được trích dẫn của tác giả Nguyên Anh trong bài viết “thế giới mạng và sinh mạng thứ hai”, ngay lập tức tôi đã tìm tên tác giả hay bút danh của Nguyên Anh và của ông/bà, Huỳnh Tấn; thế nhưng hình như cả hai cái tên hay bút danh này chỉ xuất hiện một lần trong bài viết đã đề cập ở trên (hay sự tìm kiếm của tôi có phần không chính xác????). Vậy nếu ông/bà là người có chuyên môn làm báo thì dễ dàng hiểu, chính hai cái tên trên hình như cũng đang mang một khuôn mặt khác hay “mang nhiều hơn một khuôn mặt ” và “hành xử như một người vô danh”.
Để công bằng, tôi dùng tên thật của tôi, nơi tôi đang công tác và địa chỉ email bên dưới bài viết nếu ông/bà cần trao đổi để khẳng định với nhau rằng tôi là người thật, “không có nhiều hơn một khuôn mặt và không hành xử như một người vô danh”
Trước khi bàn về những lập luận của ông /bà trong bài báo, tôi xin nói sơ qua lý do đưa tôi trở thành một người lên tiếng phản biện ở những diễn đàn trên mạng internet thông qua kênh blog/diễn đàn/facebook, (mà không theo kênh báo chí chính thống của chính quyền Việt Nam hiện nay) để bày tỏ ý kiến của mình (xin chỉ nêu ra  hai ví dụ gần đây).
Tôi là một người có chuyên môn về Y sinh, sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với đầy khao khát muốn đóng góp phụng sự cho tổ quốc máu thịt của mình, đó cũng chính là lý do tôi vẫn là một công dân quốc tịch VN.
Vô tình vào ngày 22/07/2012, báo Người đưa tin đưa thông tin “Dự án khả thi giải trình tự và phân tích bộ gen người Việt Nam” đang được Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam khởi động dưới tài trợ của Bộ KHCN, người chủ trì dự án là PGs.Ts Nông Văn Hải, nhằm giúp phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh và tìm kiếm các gen tốt nhằm cải tạo giống nòi”… với nguồn kinh phí đầu tư là 30 triệu đô la Mỹ [1]. Với một chút kiến thức chuyên môn, tôi vội vã tìm tất cả những thông tin liên quan tới bài viết thì được biết “công trình” trên đã được quảng bá rầm rộ trong hơn hai tháng trước đó với những viễn cảnh “tốt đẹp” của dự án. Tôi đã viết một bài phản biện ngay sau đó trong vòng 30 phút để phản hồi cho bài viết trên. Tôi nghĩ, sẽ không gửi bài ở đâu tốt bằng chính trang báo người đưa tin đã đăng bài tôi muốn phản hồi. Trong thư gửi toà soạn, tôi ghi rất rõ, không đòi hỏi nhuận bút, cung cấp địa chỉ email, địa chỉ cơ quan tôi đang công tác và sẵn sàng đối chất với những người có trách nhiệm liên quan qua các thông tin tôi trình bày. Ngay sau đó, tôi nhận được phản hồi, toà soạn đã nhận được bài gửi và cám ơn sự hợp tác; họ không hề thông báo có đăng bài hay không. Tôi chờ hai ngày tức là vào ngày 24/07/1012 thì nhận được một email phản hồi như sau, tôi  xin chụp lại màn hình cho có sức thuyết phục.
Trong đó, họ từ chối đăng bài viết của tôi chỉ với lý do “tuy nhiên, hiện nay Nguoiduatin.vn chưa có chính sách cho CTV nên không thể sử dụng các bài bạn gửi” dù tôi không đòi hỏi tiền nhuận bút.
Tôi không thể không lên tiếng cho một vấn đề mà nằm trong khả năng chuyên môn của mình, môt vấn đề khá viễn vong với một mức kinh phí khủng như thế. Và trang Boxit đã là một cứu cánh, tôi gửi bài viết cho ban quản lý của trang, để rồi ngay ngày hôm sau bài viết của tôi đã đến với cư dân mạng và nhận được rất nhiều sự cổ vũ mà không hề bị cắt bỏ, chỉnh sửa bất kỳ ý kiến nào.
Hãy đọc lại bài viết của tôi [2] để thấy đơn thuần chỉ bàn về những luận cứ khoa học với những thông tin hết sức phổ quát, không hề bàn gì đến chính trị. Vậy thì tại sao bài viết của tôi bị từ chối trong khi tôi đã lên tiếng sẵn sàng đối chất hay về nước ngay lập tức để đối thoại về luận cứ khoa học của dự án này?
Lần thứ hai, tôi lại tiếp tục bị từ chối, cũng với một bài viết về chuyên môn sâu.
Ngày 15/08/2012 một người xưng tên là Nông Khắc Ý, biên tập viên của tờ báo Đất Việt, đã viết thư trực tiếp hỏi tôi về dự án XÉT NGHIỆM GENE ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THỂ THAO đăng trên tờ Đất Việt cùng ngày [3], dựa vào những tuyên bố của ông Ts. Luyện Quốc Hải, tổng giám đốc công ty Bionet Việt Nam [4&5].
Trong đó anh Nông Khắc Ý cũng công nhận “bài viết của chị đăng trên BoxitVN đã gây được chú ý trong dư luận”. Tôi đã viết  một bài phản hồi sau đó vài gửi cho anh Ý, thế nhưng, anh Ý lại trình bày những lý do “hết sức tế nhị” đồng thời mong nhận được sự thông cảm của tôi khi yêu cầu muốn cắt bỏ một số đoạn trong bài viết trên. Tôi đã không đồng ý vì tôi nghĩ, trong khoa học không có chỗ cho sự “thông cảm” cũng như những ý kiến thiếu tính khoa học. Lại một lần nữa, trang Boxit đã giúp tôi đưa đến dư luận vấn đề tôi muốn trình bày và dĩ nhiên rất nhiều lời động viên, đồng tình vì những bằng chứng thuyết phục mà tôi đưa ra [6].
Trước đây, tôi đã rất nhiều lần bị từ chối bài viết về nhiều vấn đề như giáo dục, môi trường, sử dụng chất xám, …. tuy nhiên, tôi không lưu lại những bằng chứng đó.
Có phải chăng, chính những tờ báo chính thống đã từ chối những bài phản biện của chúng tôi, những người viết bài chỉ với một chữ TÂM trong sáng và sự công bằng để phản biện một vấn đề trong chuyên môn sâu, mà không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào? Phải chăng những tờ báo đó muốn chúng tôi im lặng, thoả hiệp với sự mập mờ, cẩu thả, là những thứ cần loại bỏ trong một tuyên cáo khoa học có tính đao to búa lớn?
Vậy thì, đừng trách tại sao, những tiếng nói phản biện chân thành, công bằng lại tìm đến các trang mạng xã hội, những trang blog/website mà ở đó chúng tôi được nói tiếng nói trung thực từ tim mình. Chính họ đã xua đuổi chúng tôi, để chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là đến với cộng đồng mạng để lên tiếng cho những vấn đề chúng tôi quan tâm.
Trở lại với bài viết của ông/bà, tôi xin đi vào ba vấn đề
Thứ nhất
Từ khi Việt Nam hòa nhập vào thế giới mạng, không cần phải bàn cãi, nó đã đem đến cho chúng ta những mặt tích cực nhiều hơn tiêu cực. Thế giới mạng làm cho không gian trở nên gần hơn, con người giao lưu với nhau dễ dàng hơn và quan trọng nhất trong thế giới ấy không một sự thật nào có thể bị bưng bít và che dấu. Tri thức của nhân loại nói chung và của từng cá nhân tham gia vào thế giới mạng đã đạt một bước nhảy vọt khổng lồ. Tất cả những quốc gia có sự cấm đoán, ngăn chặn công dân của họ tiếp xúc với thế giới mạng, đều là những quốc gia nghèo đói, lạc hậu và kém phát triển như Bắc Hàn, Cu Ba, Myamar,…Đó không những là thủ đoạn của nhà cầm quyền độc tài sử dụng nhằm đè bẹp kiềm hãm công dân của mình mà còn là tội ác chống lại sự tiến bộ của nhân loại, bưng bít thông tin, che dấu sự thật. Ông kết án“comment chửi bới, vu cáo, xúc phạm bất kỳ người nào có ý kiến khác mình”những kẻ cực đoan sử dụng internet cho mục đích không trong sáng thì đại bộ phận cư dân mạng đều sử dụng nó để hỗ trợ cho nhu cầu chính đáng của mình. Không thể không cảm ơn internet khi mà chỉ vài phút sau khi tung những tấm hình làm thổn thức lương tri về những phận người trên thế giới, nó đã nhận được sự lên tiếng, sự ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất cho những con người bất hạnh đó (Những bức ảnh đau lòng nhất thế giới) Không thể không cảm ơn internet khi mà những lời kêu gọi ủng hộ cho bầu chọn Vịnh Hạ Long của VN thành kỳ quan thế giới, kêu gọi thế giới lên án sự hoành hành của tệ nạn hiếp dâm ở Ấn Độ,….. Hơn nữa khi tri thức mở ra, cư dân mạng buộc mình phải là những người đọc thông minh, phải biết cách chọn lọc thông tin để tiếp nhận, những phát biểu tiêu cực, phiến diện, quy chụp sẽ nhận đủ sự lên án, giận dữ, phản đối, tẩy chay của dư luận, công dân mạng thừa trí tuệ để hiểu điều đó thưa ông/bà Huỳnh Tấn ạ.
Thứ hai
Khi ông bàn về cách “hành xử như một người vô danh”, xin hãy đọc lại ngay bài viết của mình, liệu có đủ sức thuyết phục không khi ông lại lấy dẫn chứng từ chính cái “vô danh” đó.
Trích
- Bình luận về tình trạng hỷ nộ ái ố trên, một blogger viết: “Ðứng trên góc độ một người được giáo dục thì phải biết tôn ti trật tự, biết tôn trọng các quy định chung của xã hội, của cộng đồng. Ðó là cái lễ. Các vị mang danh là “trí thức” thì chắc chắn đã được giáo dục rồi, thậm chí họ còn đi giáo dục người khác nữa chứ!
- Blogger khác bình luận: “Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình một loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi các chức danh đó… vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị”
Cũng trong bài viết ông dùng rất nhiều những “chỉ định vô danh” để quy chụp cho
-Ðứng đầu danh sách ký tên vào “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… thường là một nhóm người nếu tên tuổi không gắn với một chức danh, học vị thì cũng đi liền với một hai chức vụ thời quá khứ và hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!?
- Như ông “phó giáo sư” nọ lại tự giới thiệu là “giáo sư”, rồi ông “chủ tịch hội đồng khoa học” một viện nghiên cứu – chức vụ mang tính lâm thời, về hưu từ lâu mà vẫn xăm xắn với chữ “chủ tịch”
- Thật sửng sốt khi thấy một vị tiến sĩ hùng hổ quát tháo, mày tao chi tớ với nhân viên bảo vệ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh…”
Trong khi chính ông/bà lên án cái gọi là “vô danh”, thế thì tại sao ông/bà không chỉ đích danh họ là ai, làm gì, ở đâu, để thuyết phục người đọc cái khuynh hướng phản đối cá nhân vô danh mà ông/bà đề cập?
Trong bài viết, ông/bà dẫn rất nhiều phát ngôn của ông Gs Trần Chung Ngọc, tòa soạn sachhiem.net. Một luận cứ, một quan điểm khoa học mà lại chỉ được trích dẫn chỉ bởi một cá nhân liệu có công bằng không nếu ông Gs này theo khuynh hướng cực đoan? Riêng về ông Gs Trần Chung Ngọc nào đó, dù với chức danh Gs, tôi không hề biết một cái tên Trần Chung Ngọc nào trên trang mạng Web of Knowledge (một trang mạng công bố tất cả các công trình khoa học có ISI được giới học thuật thừa nhận) [7] với những công bố khoa học về một chuyên ngành nào. Nếu ông ta sống ở Mỹ, có lẽ đó chỉ là một chức danh dành cho người làm nghề dạy học, nhân vật Gs Trần Chung Ngọc của ông hết sức mờ nhạt cũng như một ông A hay bà B nào đó mà thôi. Bài viết trở nên quá yếu kém, thiếu thuyết phục và đầy quy chụp khi chính ông cũng đã không công bằng và không thể đưa ra nhiều hơn những ý kiến hay phát biểu của nhiều nhà khoa học thực sự có danh tiếng khác trên công đồng mạng. Một người làm khoa học nghiêm túc, họ luôn luôn có trách nhiệm với những phát ngôn của mình.
Thứ ba
Trích “Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án, v.v. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ… Ðây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lĩnh vực chính trị
Chính vì phản biện là điều không phải trí thức nào cũng làm được nên rất cần nhiều tiếng nói để từ đó nhân dân nhận ra đâu là ý kiến xác đáng, đâu là phát ngôn thiên kiến. Một xã hội tiến bộ là xã hội khuyến khích sự lên tiếng của trí thức, đóng góp của trí thức, dù ý kiến đó có thể là không giống với đa số, tại sao lại hạn chế, lại bịt miệng những tiếng nói phản biện? Một thể chế chính trị, một nhà nước mà khi đó trí thức quay lưng ngoảnh mặt đi, thể chế chính trị và nhà nước đó nhất định không thể tập hợp được nguồn trí lực của dân tộc, không thể phát triển thịnh vượng, giàu có và có thể bị suy thoái, tiêu vong.
Ông biết gì về về chế độ bầu cử ở Mỹ mà lại viết “Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote)” để rồi đưa đến một kết luận hết sức hồ đồ “Ðây không hẳn là dân chủ theo nghĩa “thiểu số phục tùng đa số”? Ông biết gì về một nhà nước Iraq, một nhà nước mà “Từ năm 1979 cho đến năm 2003 Iraq là một quốc gia độc tài, toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung trong tay đảng Ba’ath dưới sự lãnh đạo của tổng thống Saddam Hussein. Chính quyền này tự cho là dân chủ nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống gian dối cuối cùng Saddam Hussein đã nhận được 100% số phiếu bầu với 100% số phiếu được kiểm” [8] biết gì về mục đích sâu xa của chiến tranh Iraq do Mỹ tiến hành? Hãy nằm lòng trong đầu, người Mỹ họ hành xử mọi chuyện với mục tiêu tối thượng được đặt ra là “lợi ích của nước Mỹ” khi Iraq là một trong những nước có vị trí chiến lược và giàu khoáng sản là dầu mỏ đứng hàng đầu thế giới.
Tôi không bàn về những thiên kiến chính trị, vì chính trị là một vấn đề phức tạp, người ta dễ sử dụng nó để quy chụp cho người khác, bỏ tù người khác vì những ý muốn chủ quan hay những bản án bỏ túi, tôi chỉ muốn nói lên quan điểm và vấn đề cá nhân mà tôi mắc phải cũng như những mẫu thuẫn trong chính bài viết của ông. Với bài viết này, tôi tin rằng, những người đọc thông minh sẽ khó chấp nhận, nhất là một bài viết lại mang danh một tờ báo của Đảng Cộng Sản VN, một đảng lãnh đạo duy nhất và toàn diện dân tộc VN; mang danh là đại diện cho tiếng nói của người dân VN. Phải chăng chính ông/bà đã góp phần làm giảm uy tín của tờ báo chính thống này khi ban biên tập đã quyết định công bố bài viết của ông bà lên cộng động mạng?
Email liên hệ: vtnhuan@ims.u-tokyo.ac.jp
——-
Tài Liệu tham khảo:
[1] http://www.nguoiduatin.vn/viet-nam-chi-600-ty-giai-ma-bi-an-gene-de-cai-tao-giong-noi-a49743.html
[2] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/07/nghien-cuu-bo-gen-nguoi-lieu-co-cai.html
[3] http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/Nang-gia-the-thao-Viet-Nam-bang-xet-nghiem-gene/20128/228386.datviet
[4] http://bionet.vn/
[5] http://www.dienkinh.vn/xet-nghiem-gene-danh-gia-tiem-nang-the-thao.htm
[6] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/08/co-xet-nghiem-gen-e-nang-gia-cho-nen.html
[7] http://apps.webofknowledge.com/WOS_GeneralSearch_input.do?highlighted_tab=WOS&product=WOS&last_prod=WOS&SID=Y2c1Mfhh51io6Jm23Mh&search_mode=GeneralSearch
[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Iraq

* Ghi chú: Bài đã đăng trên blog Ba Sàm tại địa chỉ http://anhbasamvn.wordpress.com, nhưng do bị tin tặc phá, nên đăng lại ở trang mới này.
nguồn:http://anhbasamnew.wordpress.com/2013/03/13/phan-hoi-bai-viet-khi-phan-bien-xa-hoi-duoc-su-dung-nhu-mot-chieu-bai/
======================================================================
Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện

Vũ Thị Nhuận, Tokyo, Nhật Bản

Tôi đang sống trong một trạng thái mâu thuẫn, bất an, lo lắng chưa từng có trong cuộc đời mình, nó diễn ra trong một tâm lý không rõ ràng xen lẫn những cảm giác ức chế. Cảm giác đó là tiêu cực (tôi cho là thế) khi mà đầu óc tôi không còn tập trung vào công việc chuyên môn được nữa. Tôi đã mất ngủ cả đêm qua để rồi ngày hôm nay, hiện thời là 14h10phút giờ địa phương, tôi vẫn chưa thể thoát mình khỏi những lo lắng ấy.Có thể tôi là một người phụ nữ rất yếu đuối, cả thể chất và tinh thần. Thế nhưng tôi vẫn thường thức đến 2 giờ sáng để đọc báo, viết lách hay làm việc và vẫn đủ sức khỏe tỉnh táo thức 7 giờ sáng một cách đều đặn 5-6 ngày trong tuần mà không hề mệt mỏi. Nhưng hôm nay lại là một ngày  khác……
Tôi viết ra đây xem như một sự chia sẻ.
Hôm qua, khi bài viết của tôi được online [1] nhờ những trang mạng xã hội mà trong một chừng mực nào đó bị cấm đoán, nhiều bài viết từ các trang báo chính thống tại Việt Nam đả phá, châm biếm, tôi đã nhận được hàng chục những lá thư gửi vào địa chỉ hòm thư mà tôi khai báo bên dưới bài viết. Trong số rất nhiều lá thư bày tỏ sự ủng hộ, khuyến khích, động viên thì cũng không ít những lá thư với những lời lẽ không hay lắm, họ quy chụp tôi như những kẻ tôn sùng Mỹ, quên đi “tội ác” mà Mỹ đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Không ít những comments trên diễn đàn anhbasam (đã bị tin tặc chiếm quyền kiểm soát), những lá thư dè bỉu rằng, sao không về Việt Nam mà cống hiến, chỉ được cái mồm; quy chụp tôi là phần tử phản động, chống lại đảng và nhà nước… Và cũng không thiếu những lá thư nói (hoặc ám chỉ) rằng tôi sẽ bị theo dõi, có thể bị truy  tố vì những lập luận mà tôi đưa ra.
Thật lạ, tôi chỉ phản hồi lại những điểm mà cá nhân tôi cho là không  thuyết phục, là mâu thuẫn trong bài viết của tác giả Huỳnh Tấn nào đó [2], đăng trên tờ Nhân Dân điện tử, tờ báo tuyên bố là tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếng nói của người dân Việt Nam. Trong đó, tôi cũng trích dẫn lại những bài viết mà tôi gửi đăng trên các trang mạng xã hội khi bị từ chối đăng trên những trang mạng chính thống của chính quyền [3&4].
Những người đả phá/lên án, thậm chí hăm dọa tôi, họ có thực sự hiểu những gì tôi viết? Nếu có những bất đồng, họ có thể lên tiếng bằng những bài phản hồi để tôi nhận ra thiếu sót của mình, ở đó người đọc thông minh trong cộng đồng mạng sẽ phán xét những luận cứ mà cả hai bên đưa ra, sao họ lại hành xử như thế?
Có thể là phiến diện nếu tự nhận xét bản thân mình rằng, tôi – một người rất hèn nhát, rất sợ những gì phức tạp, những vấn đề gây tranh cãi trong dư luận – trong đó chính trị là một vấn đề vô cùng phức tạp. Khi đọc bài viết của tôi, một cô bạn rất thân tình đã chia sẻ: “Cô khuyên em là, nếu em lên tiếng như thế này, tốt nhất hãy ở lại nước ngoài, đừng về Việt Nam nữa, họ sẽ không cho em thoải mái  đâu”. Lúc đó đơn giản tôi chỉ cười: “Em có nói gì tới chính trị đâu?”. Cô ấy lắc đầu: “Nhưng bài viết của em lại không đúng ý của họ…”. Hóa ra vấn đề lại phức tạp đến thế. Và vài tiếng sau khi bài viết online, tôi đã bắt đầu tin… khi mà hệ thống cảnh báo malware/virus của trường Đại học Tokyo liên tục nhấp nháy trên màn hình trong hộp thư của tôi, một sự cố mà tôi chưa bao giờ gặp phải khi sử dụng tài khoản này.
Đại loại như
A virus was detected from the following email you sent.
We notify you that the virus has been removed from your email.
You may have a virus on your computer and it is highly advised to
do a virus scan on your computer.
*** Virus Email Info ***
Subject: price-13-Mar-2013
Recipient: vtnhuan@ims.u-tokyo.ac.jp
Date: Wed, 13 Mar 2013 08:24:43 +0700Process
Result: An incurable virus(W32/Bagle-RB) is detected in attached file(new_price13-Mar-2013.zip)
Hay những cảnh báo khi gửi phản hồi
This is the mail system at host mailv1.ecc.u-tokyo.ac.jp.
I’m sorry to have to inform you that your message could not
be delivered to one or more recipients. It’s attached below.
For further assistance, please send mail to <postmaster>
If you do so, please include this problem report. You can
delete your own text from the attached returned message……
Tôi đọc lại những bài phản biện của mình…, nhiều lần. Có cái gì ở đây “lọt vào vùng cấm đoán” hay nhạy cảm? Không gì cả. Trong cuộc sống người ta cần phản biện ở tất cả các vấn đề, chính phản biện giúp họ nhìn lại mình, rồi nhìn lại nhau, có nhiều hơn một lựa chọn, một con đường để đi tới đích.
Điều đó là “phản xạ có điều kiện” là tố chất không thể thiếu của một người làm việc nghiên cứu khoa học, tức là khả năng phản biện, không chỉ phản biện người khác mà phải biết phản biện chính bản thân mình, luôn biết nghi ngờ bản thân mình, luôn biết đặt câu hỏi tại sao, vì đâu. Tôi không dám nhận mình là một trí thức nhưng tôi là người đang làm công việc nghiên cứu. Sẽ là sai lầm nghiên trọng khi một đề xuất khoa học lại không được phản biện một cách rất nghiêm túc, vì điều đó sẽ dẫn tới sai lầm có thể gây hậu quả nhẹ (lãng phí sức người sức của), hoặc nặng (gây chết người hay đưa ra những dẫn cứ làm lệch lạc tri thức nhân loại trong thời gian dài). Phản biện giống như một tấm gương phản chiếu, giúp người ta soi lại mình, nhìn vào mình ở những góc khuất nhất mà bản thân họ không thể tự nhìn ra.
Tôi thích một câu danh ngôn “Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện”.
Mâu thuẫn đó từ đâu, từ những nghi ngờ, từ những thái độ không đồng tình thậm chí là phản đối, được lên tiếng để bày tỏ quan điểm từ chính bản thân người đó hay từ người khác; đó chính là khái niệm “phản biện” mà nhiều người hay dùng.
Hãy nhớ lại xem, nhân loại đã có công thức tính khối lượng riêngra đời cách đây hơn hai nghìn năm (khi con người chưa hề có một thiết bị máy móc nào hỗ trợ); nhờ phản biện, nghi ngờ bản thân mà Archimedes đã tìm ra [5]; đã có một Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton [6] khi ông nghi ngờ rồi tự phản biện mình rằng phải có một lực hút nào đó nằm trong lòng quả đất để quả táo rơi xuống chứ không bay lên trời. Phản biện cũng đã cho ra Học thuyết tiến hóa của Darwin [7], sau cuộc đấu tranh nảy lửa giữa những tư tưởng tôn giáo duy tâm siêu hình nhằm nộ lệ, kìm kẹp người dân và những bằng chứng về nguồn gốc loài người, rằng không hề có chủ thuyết “mục đích luận”. Phản biện cũng sinh ra một loại kháng sinh có thể xem là đầu tiên Penicilline [8], đến nay vẫn là một loại thuốc kháng sinh được sản xuất và sử dụng nhiều nhất, do nhà khoa học ngườiScotland, Alexander Flemming tìm ra. Penicilline đã cứu sống hàng hiệu người, nhất là trong chiến tranh thế giới lần 2, nơi xảy ra sự hoành hành về nhiễm trùng vết thương. Chính nhờ sự nghi ngờ những kiến thức mình hiện có, cộng với sự phản biện lại chính mình,  Penicilline đem đến cho Fleming một giải thưởng Nobel cao quý. Phản biện góp phần thúc đẩy những giá trị văn minh, tiến bộ, nhân văn đến với con người sớm hơn. Nói không ngoa, phản biện là “mẹ đẻ” của chân lý. 
Một xã hội ở ở đó, người ta nghi ngờ phản biện, không dám phản biện hay tệ hại hơn là không biết phản biện một vấn đề, xã hội đó chỉ bị bao trùm bởi nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát và suy thoái mà thôi.
Tôi vẫn còn đang mong chờ một sự phản biện, có thể là gay gắt, đại  loại như “phản biện lại bài viết “Phản hồi cho bài viết ‘Khi phản biện được sử dụng như một chiêu bài’”, tạm gọi là “phản phản biện” để biết được nguồn cơn những thái độ lên án, chỉ trích, dè bỉu bài viết của tôi.
Đấy là lý thuyết… Còn cá nhân tôi, dù có một chuyên môn đang nằm trong lĩnh vực được chào đón ở nhiều nước phát triển, dù ý định của tôi là sẽ chấm dứt hợp đồng vào cuối năm nay để trở về nước làm việc (một hợp đồng mà tôi có thể kéo dài thêm nữa với một mức lương đáng mơ ước kèm theo rất nhiều tiện ích tốt nhất cho một người làm nghiên cứu), tôi cũng đang nghi ngờ cái giá trị của phản biện, khi mà những gì xảy ra với tôi chỉ trong một ngày. Nó đã làm tôi “co dúm” lại, nghi ngờ chính cái chân lý muôn đời mà xã hội văn minh của nhân loại đã khẳng định “Chân lý luôn được phát hiện từ những mâu thuẫn được phản biện”. Có thể nào đó lại là lý do sẽ dẫn tới một quyết định cuối cùng “không mong muốn” là, tôi sẽ không trở về Việt Nam làm việc nữa dù máu trong tim tôi vẫn ào ạt chảy là dòng máu Việt Nam?
V. T. N.
Tài liệu tham khảo
[1] http://boxitvn.blogspot.jp/2013/03/phan-hoi-bai-viet-khi-phan-bien-xa-hoi.html
[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/19747902-khi-phản-biện-xã-hội-được-sử-dụng-như-một-chiêu-bài.html
[3] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/07/nghien-cuu-bo-gen-nguoi-lieu-co-cai.html
[4 http://boxitvn.blogspot.jp/2012/08/co-xet-nghiem-gen-e-nang-gia-cho-nen.html
[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Archimedes
[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Isaac_Newton
[7] http://en.wikipedia.org/wiki/Charles_Darwin
[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Penicillin
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/45602
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

1 nhận xét:

  1. http://anhbasam04.wordpress.com/doc-gia-viet/ve-mot-dan-chung-sai-trong-bai-cua-ts-vu-thi-nhuan/

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001