Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Sông Tranh không êm đềm

Thu, 03/21/2013 - 19:16 — ledienduc
Lê Diễn Đức

Sông Tranh thật sự không êm đềm, nhất là suốt năm 2012, liên tục động đất xảy ra và hàng loạt các sự cố kỹ thuật bị hư hại gây tranh cãi.
Dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 danh chính ngôn thuận do Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phụ trách, giao cho Tổng công ty Cơ khí xây dựng COMA là chủ đầu tư. Nhưng thực chất là thầu của thầu. Gói thầu kỹ thuật có giá trị 640 tỷ đồng cung cấp thiết bị cơ điện, dịch vụ kỹ thuật, được ký kết với nhà thầu ECIDI-ALSTOM - Trung Quốc.
Thủy điện Sông Tranh 2 được khởi công từ tháng 3/2006, công suất  190 MW, với tổng mức đầu tư dự tính 4.150 tỉ đồng đã lên tới 5.200 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 697,6 triệu kWh. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ phát điện vào năm 2010.
Nhưng tới ngày 7/1/2011, EVN mới khánh thành tổ máy số 1 và chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ 3 của miền Trung, sau nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) và A Vương (Quảng Nam).
Lựa chọn sai lầm
Sau những vụ động đất tháng 9/2012, dân chúng bỏ nhà cửa lên rừng tìm chỗ ở, cộng với việc rò rỉ đập, đã nảy sinh ra những vấn đề gây tranh cãi.
"Địa diểm chọn làm thuỷ điện Sông Tranh 2 nằm ở vị trí có đới đứt gãy hoạt động, trên nền móng đá granit. Hiện Sông Tranh 2 mới ở cao trình 140m đã xảy ra động đất 4,2 độ richter. Nếu mực nước lên cao trình 172m, khả năng phát sinh động đất cực đại là rất lớn. Chủ đầu tư Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm trước nỗi hoang mang của nhân dân” - ông Tiến sĩ Khoa học Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Trả lời về việc có nên ngừng hay phá đập. Ông Quýnh nói:
"Theo tôi, bây giờ phá không nổi mà ngừng vận hành đập cũng không xong. Các tổ máy mở hết nhưng nếu lũ lớn, nước vẫn có khả năng lên đến trên 170m. Đây là cái dở của việc không làm cửa xả đáy. Không biết đó có phải ý tưởng của nhà thầu Trung Quốc không, nhưng rõ là nó làm ta không có khả năng giảm nước xuống thêm".
Ông Quýnh cũng khẳng định khẳng định ngay cả khi không động đất, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn có nguy cơ trôi.
Tuy nhiên, sau khi cho trám trét thủ công những nơi rò rỉ trên thân đập, và nhiều lần thanh tra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vẫn khẳng định "Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn".
Lỗi kỹ thuật bị ỉm đi còn lớn hơn
Đó là tiêu đề bài viết ngày 21/03/2013 của Nguyễn Mạnh Tuấn trên trang bauxite VN.
"Nếu ai đó đặt câu hỏi: liệu có còn sự vụ nào khác, kiểu như rò rỉ đập Sông Tranh 2 nữa không? Thì xin thưa rằng: rò rỉ đập Sông Tranh 2 chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Nó còn nghiêm trọng hơn nhiều rò rỉ đập Sông Tranh nhưng đã bị “lặng lẽ ỉm đi”. Đó là hầm dẫn nước (từ hồ chứa vào tua bin) khi mới xây dựng xong đã bị nứt vỡ nghiêm trọng (xem ảnh). Sự nứt vỡ nóc hầm "ghê sợ" như vậy sẽ dẫn đến sập hầm", ông Tuấn viết.
Một công trình nhà máy thủy điện bao gồm 3 hạng mục quan trọng nhất gồm: đập chắn nước, hầm dẫn nước và nhà máy. Trong đó đập chắn và hầm dẫn chiếm trên 70% tổng chi phí xây dựng, và chất lượng xây dựng của 2 hạng mục này cũng quyết định sự tồn vong của nhà máy.
"Sự cố rò rỉ đập sẽ gây lên hậu quả nhãn tiền, tức là mọi người dân đều biết đều thấy, đều sợ vỡ đập, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân vùng hạ lưu và cho toàn xã hội, thậm chí nếu không khắc phục thì có thể dẫn đến vỡ đập cuốn trôi dân chúng vùng hạ lưu. Còn sự cố nứt hầm dẫn nước do nằm sâu kín trong núi nên ít người biết đến, chỉ những cán bộ hữu trách của tập đoàn nhà nước là biết rõ, nhưng vì “chiếc ghế đặc quyền đè bẹp lương tâm” nên họ tìm cách bưng bít thông tin, ém nhẹm nó đi, để rồi giả như không biết mà vẫn cứ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Sự nứt vỡ nóc hầm như vậy sau một thời gian thì vết nứt ngày càng phát triển mở rộng, cốt thép trong kết cấu vỏ hầm sẽ ngày càng hoen rỉ trương nở đánh bục bê tông, và đến một ngày nào đó khi mà vỏ hầm dập nứt bục vỡ tới độ không còn khả năng chống đỡ áp lực của đất đá bên trên thì dẫn đến sập sụt một đoạn hầm, tắc hầm dẫn nước và tua bin phát điện dừng hoạt động, khi đó kinh phí thi công sửa chữa là rất lớn (hàng trăm tỷ đồng), và thời gian dừng phát điện tính đến hàng năm trời (thất thu do không bán được điện là hơn 1 nghìn tỷ đồng cho 1 năm dừng phát điện)"- Bài báo viết.
Phân tích sửa chữa sự cố rò rỉ thân đập vì “dễ xử lý khắc phục”, “ít tốn kém cho việc khắc phục, “dễ phát giác” ông Tuấn cho rằng, với  "sự cố nứt hầm dẫn nước, nếu mấy cán bộ nhà nước mà không nói ra thì chỉ có “trời mới biết” bởi nó là công trình ngầm nằm sâu trong núi, và nó luôn chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện trong suốt quá trình sử dụng sau này. Thực tế đến nay sự cố nứt vỡ hầm dẫn nước này vẫn đang bị “nhóm lợi ích” ém nhẹm".
Đây là một phát hiện mới và nếu đúng như vậy thì quá nguy hiểm. Sự cố “rò rỉ đập Sông Tranh 2 đã gây ồn ào dư luận, phải đưa ra chất vấn công khai ở quốc hội, nhưng tại sao  sự cố “nứt hầm dẫn nước” vẫn bị ém nhẹm?
"Câu trả lời đơn giản là: chỉ vì rò rỉ đập không thể bưng bít được, còn sự cố nứt hầm “đã được bưng bít” một cách có hệ thống của các nhóm lợi ích trực tiếp từ dự án, họ là những cán bộ viên chức nhà nước, là đảng viên Đảng CSVN, họ đã chỉ đạo rằng: các đồng chí phải tìm cách bưng bít nó lại, tung tóe ra là chết cả lũ, cứ đưa vào sử dựng, có sập hầm thì cũng phải vài ba năm nữa, khi đó không còn là trách nhiệm của chúng ta. Họ cho rằng hậu quả của nứt hầm cùng lắm là sập hầm mà biểu hiện của nó chỉ là tắc nước, dừng phát điện chứ không chết người đổ nhà mà sợ" - ông Tuấn kết luận.
Kết luận
Từ chuyện vỡ đập thủy điện Đak Rông 3 vì bê-tông trộn đất và gỗ mục như là một thí dụ điển hình. Rút ruột công trình, làm chất lượng không đảm bảo các tiêu chuẩn phải có, như là đề tài muôn thưở trong ngành xây dựng hiện tại của Việt Nam. Người ta ước tính phải đến 30% trị giá công trình lọt vào túi riêng từ rút ruột.
Sông Tranh 2, nếu không chết vì sập hầm dẫn nước thì cũng sẽ vỡ đập do động đất hoặc là chính bàn tay của những kẻ xây cất sẽ là bàn tay phá vỡ đập. Sinh mạng của hàng chục vạn dân chưa biết sẽ ra sao. Và cuộc sống cứ thế thấp thỏm, hoang mang với thảm hoạ kinh hoàng.
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
nguồn:http://www.rfavietnam.com/node/1544
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001