Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Thục Quyên - Bên đang thua cuộc

Thục Quyên 
Còn có lối thoát nào cho dân tộc Việt Nam hay không?
Ngày 28/12/2012 Thông tấn xã Việt Nam đã đăng một bản tin tóm gọn một sự thật lịch sử có lẽ có tính cách quyết định về số phận dân tộc Việt Nam. Bản tin hoàn toàn có giá trị chính thức vì TTXVN được định nghĩa "Là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, TTXVN thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước." (1). Xin trích một phần bản tin như sau (2):
Chiều 28/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Trung tướng Bondarev Viktor Nikolaevich, Tổng Tư lệnh Không quân Liên bang Nga, sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.”
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam mãi mãi trân trọng và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ chí tình, trong sáng về vật chất và tinh thần mà nhân dân và các lực lượng vũ trang Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc...
Trung tướng Bondarev Viktor Nhikolaevich khẳng định rằng hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong đó có trao đổi đoàn của Quân chủng Phòng không - Không quân hai nước và hợp tác đào tạo giữa hai Bộ Quốc phòng, bao gồm đào tạo quân nhân Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Không quân Nga...
Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Thiếu tướng Wang Yi Sheng(Vương Nghĩa Sinh), Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhân dịp sang thăm và dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.”
Tại buổi tiếp Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng Việt Nam mãi mãi trân trọng và biết ơn sâu sắcsự giúp đỡ chí tình, trong sáng về vật chất và tinh thần mà nhân dân và các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc; trong đó có trao đổi đoàn của Quân chủng Phòng không-Không quân hai nước và hợp tác đào tạo giữa hai Bộ Quốc phòng, bao gồm đạo tạo quân nhân Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Không quân Trung Quốc.

Lòng mãi mãi biết ơn và trân trọng

Không biết ngôn từ TTXVN xử dụng trong bản tin bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Nga ra sao, chỉ biết trong các bản tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, tiếp theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng bộ quốc phòng, cũng đã tiếp rước riêng hai viên tướng Nga và Trung Hoa kể trên, và ngỏ lời mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự chặt chẽ về nhiều mặt, đặc biệt là đào tạo quân nhân Việt Nam.
Những bản tin ngọai ngữ này đều bắt đầu bằng những lời nhấn mạnh lòng biết ơn vô tận của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như long trọng xác nhận sự có mặt và đóng góp quan trọng của quân đội Nga và Trung Quốc trong cuộc nội chiến vì ý thức hệ tại Việt Nam vừa qua, điều mà đảng cộng sản Việt Nam luôn gián tiếp phủ nhận trong suốt cuộc chiến cho đến nay, để có thể mô tả sự có mặt của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam như một sự xâm lăng lãnh thổ một nước nhược tiểu bởi một cường quốc trước dư luận thế giới.
Đáng để ý là bản tiếng Pháp được kết thúc bằng câu Il a demandé aux forces armées russes et chinoises de rechercher et de fournir des documents relatifs à leur soutien au Vietnam pendant la guerre/Ông ta (Phùng Quang Thanh) đã yêu cầu quân đội Nga và Trung Quốc tìm kiếm và cung cấp tài liệu về sự hỗ trợ của họ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hình thức xác nhận rõ ràng và tuyên dương công trạng hai quân đội Nga và Trung Quốc bởi cả vị Phó tổng thống lẫn vị Bộ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam, sau 38 năm vênh vang chiến thắng vĩ đại chỉ bằng sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương (3) cho thấy những "chính phủ và nhân dân các nước XHCN anh em" không cho phép đảng CSVN quên ơn họ và đang nhắc nhở đòi nợ.
Lời yêu cầu của đại tướng Phùng Quang Thanh không rõ sẽ được các đồng chí các nước đàn anh hiểu như một lời vô ơn bạc nghĩa ám chỉ sự hổ trợ của họ không đáng kể nên Việt Nam không hề có tài liệu liên quan, hay chỉ là một lời biện bạch ấu trĩ lý do đảng CSVN lỡ "quên" không ca tụng "sự giúp đỡ chí tình, trong sáng về vật chất và tinh thần" của họ bao nhiêu năm nay.
Nhưng chắc chắn các đồng chí đàn anh sẽ tiếp tục kiên trì trong vấn đề thu nợ.

Mạng lưới Trung Cộng


Rõ ràng chỉ có dân tộc Việt là Bên đang thua cuộc. (Tranh minh họa sưu tầm trên net.)
Đằng đẵng 38 năm Trung Cộng đã thu nợ bằng đủ mọi cách và dưới đủ mọi hình thức. Người dân Việt Nam đã được mài dũa bằng những huyền thọai chiến thắng thực dân và quân xâm lăng để không còn đủ bén nhậy nhận định mối nguy. Ngày nay tỉnh dậy thấy "thực dân Vàng" là Trung Cộng đã nắm trọn đời sống kinh tế đất nước, quân xâm lăng vì không mắt xanh mũi lõ nên đã tràn ngập quê hương, từ kín đáo tới lộ liễu, mà đã không gây "sốc".
Có ai, cơ quan nào đã lưu tâm tìm cách xác định con số những người Trung Hoa đang chính thức và không chính thức có mặt tại Việt Nam hay không?
Chiếu bản đồ, Việt Nam "là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo  Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Việt Nam phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông và phía nam giáp biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Chính phủ việt Nam xác định gần gấp ba lần diện tích đất liền (khoảng trên 1 triệu km²)". (4)
Theo nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh:
"nếu tính tất cả các vi phạm lớn nhỏ, tính từ 1949 đến 1979 phía Trung Quốc (tức Trung Hoa cộng sản) đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung". Như vậy không thể nói là quan hệ Việt-Trung chỉ xấu đi trong giai đoạn 1979-1989. Ngay từ giữa thập niên 1950, nghĩa là giữa lúc tình cảm cộng sản Việt-Trung còn nồng thắm, đã bắt đầu hình thành những mầm mống xấu, những âm mưu đen tối...
Trong khi nhiều vị trí hiểm yếu ở vùng biên giới Việt-Trung đã trở thành “chợ trời biên giới” (ví dụ: cửa khẩu Tân Thanh), trong khi hai bên đang tích cực thúc đẩy sự ra đời của các “khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới” thì bản đồ chi tiết về vùng biên giới Việt-Trung vẫn còn là “bí mật quốc gia”, thông tin về vùng này vẫn là thông tin một chiều, mù mờ và không có giá trị khoa học. Người ta có cảm tưởng các cấp có thẩm quyền vẫn tìm cách che giấu, không muốn cho ngýời dân hiểu biết rõ ràng, cụ thể về tình hình đường biên giới mới. Việc vội vã nhổ bỏ các cột mốc cũ để đưa vào “viện bảo tàng” lại càng làm tăng thêm sự nghi ngờ đó.(5)
Theo Chân Mây trong bài Diễn Biến Sự Kiện Thủ Tiêu Cột Mốc Biên Giới Việt Nam Trung Quốc (6) Khi bộ văn bản “Trung Việt Lục Địa Biên Giới Điều Ước” hoàn thành, hai bên Trung-Việt tiếp  tục đi vào công tác giải tỏa các khu vực gài mìn, tức là những vùng đất biên giới trên lãnh thổ Việt Nam. Một cách tự nhiên, những vùng trong qui hoạch gỡ mìn được dựng bảng bằng tiếng Trung và người dân trong khu vực trở thành công dân Trung Quốc.
Trong thực tế, dọc theo biên giới Trung Quốc - Việt Nam phía Bắc gần như là vùng bỏ ngỏ, nơi sự qua lại buôn bán tại các chợ trời hay chợ biên giới như Mừờng Nhé,hòan tòan dễ dàng không kiểm sóat giấy tờ. Điều này cắt nghĩa nạn buôn người mà theo tin Quốc hội Âu Châu (7) có khỏang 4.500 đàn bà và trẻ em đã bị bắt cóc hoặc mua từ Việt Nam đem qua Trung Quốc trong khỏang thời gian từ 1998 cho tới đầu năm 2010. Cho tới nay các báo trong nước vẫn tiếp tục đều đặn đăng tin về những đường dây mãi dâm và ma túy, nhưng có vẻ câu hỏi về sự vắng mặt hay bất lực của công an cảnh sát Việt Nam không được đặt ra. Hay không dám đặt ra?
Và lẽ dĩ nhiên không ai nhắc tới sự thâm nhập của người Hoa vào đất Việt. Sự kiện không được nhắc tới, những người dân biết suy nghĩ không được lên tiếng, nên nhà cầm quyền Việt Nam rảnh tay thi hành chương trình mãi mãi trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với Trung Hoa.
Phía Tây, Việt Nam giáp Lào và Campuchia (Cam Bốt).
Song song với việc xâm nhập Việt Nam, theo tin tức quốc tế (8) Trung Quốc đã biến Lào thành một nước chư hầu, hay gần như một tỉnh của họ. Trung Quốc là nước đứng hàng đầu trong danh sách các nước đầu tư vào Lào trong nhiều ngành và nhiều nơi, như quặng mỏ, đập thủy điện, nông nghiệp...Thượng tuần tháng 11/2012 đúng thời điểm hội nghị Á - Âu (ASEM) lần thứ 9 tại Lào, Trung Hoa cho loan tải tin cho Lào vay 7tỉ USD để lập tuyến đường xe lửa cao tốc 400 cây số xuyên qua rừng núi Lào, nối tiếp đường cao tốc Trung Hoa từ Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) để tới Viên Chăn (Vạn Tượng), do công ty Hoa và công nhân Hoa đảm nhận. Vì lên tiếng báo động nhà cầm quyền Lào áp bức dân phải nhượng đất với giá rẻ mạt trong vùng xây đường sắt, ngòai những nhân vật người Lào bị mất tích, ngay chính giám đốc của Helvetas, một tổ chức phi chính phủ NGO Thụy Sĩ đã bị trục xuất, chỉ trong thời hạn 48 tiếng sau khi được loan báo.
Bên Cam Bốt, sau khi Thủ tướng Lý Bằng đem 150 "doanh gia"cán bộ của hệ thống kinh tế Trung Quốc qua Việt Nam tham dự đại hội đảng CS thứ 8 năm 1996, qua năm sau, giới đầu tư Đài Loan tại Cam Bốt cũng bị đẩy ra ngoài và Trung Quốc tiến sâu vào mặt trận kinh tế nắm hòan tòan ảnh hưởng chính trị tại nước này.(9)
Từ 2010 Bắc Kinh đã tiến vào giai đọan 2, tích cực viện trợ quân sự  cho Cam Bốt với khỏan tiền hàng năm lên tới trên 5 triệu USD. Năm 2012, Bắc Kinh cam kết đầu tư 8 tỷ đôla vào nước này, một lượng tương đương 2/3 toàn bộ nền kinh tế xứ Chùa Tháp. Đầu năm 2013 các quan chức cao cấp của Bộ Hỏa xa Trung Quốc đã ký thỏa thuận thiết kế, cấp vốn và xây dựng một cảng biển và đường xe lửa dài 404km nối Đền Preah Vihear (nơi cuộc tranh chấp biên giới Cam Bốt - Thái Lan còn đang tiếp diễn)
Với tỉnh Koh Kong trên bờ Vịnh Thái Lan, giáp ranh với Hà Tiên. Người Hoa đã tràn ngập những thành phố và xây cả nhà máy, xửơng cưa trong rừng tại vùng này.
Dọc theo biên giới Việt - Cam Bốt, người Hoa nắm vững trong tay họ những sòng bạc, những ổ mãi dâm, và lác đác lại có những cuộc tấn công "bắn nhầm" người Việt.
Âm mưu bành trướng về phía Nam của Trung Quốc đã đạt tới mục tiêu ôm dọc theo trọn chiều dài của Việt Nam từ Bắc xuống cực Nam ra tới biển. Và với Biển Đông đang dậy sóng vì hàng ngàn tàu bè trung cộng tung hoành ngang dọc, thì bất cứ lúc nào thế gọng kềm này cũng có thể xiết lại.
Trong khi đó nhiều vùng đất trên lãnh thổ Việt đã lọt vào tay người Hoa:
Mười tỉnh (10) Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương đã cho các các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha, trong đó các doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới, bất kể đến vấn đề an ninh quôc phòng.
Tại Nghệ An có đường 7 và 8 sang Lào. Ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Cam Bốt..
Tài nguyên khóang sản Việt Nam phân bố rải rác khắp nước, từ than, apatít, bauxít, titan, đất hiếm, tới vàng, chì – kẽm, thiếc, vonfram, sắt, đồng, antimon, fluorít, cát thuỷ tinh, cao lanh, graphít, mangan, barít, niken, fenspat, điatomit, bentônít,……phần lớn được khai thác bởi các công ty và công nhân Hoa.
Theo bài NHỮNG ĐIỂM NÓNG MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC MỎ Ở VIỆT NAM (11) Các khoáng sản được khai thác chủ yếu là than, quặng sắt, titan, đồng; đá cát sỏi làm vật liệu xây dựng; nguyên liệu hoá chất, công nghiệp như apatit, pyrit,… Số lượng mỏ đang được khai thác một số khoáng sản chủ yếu bao gồm: than (53), than bùn (21), sắt (22), thiếc (12), vàng (11), mangan (10), chì kẽm (8), titan (17), đá vật liệu xây dựng thông thường (433), đá xi măng (37), đá ốp lát (27), đá phụ gia xi măng (5), sét gạch ngói (88), cát, sỏi xây dựng (81), sét xi măng (13), đôlômít (8), cao lanh (14),…
Và câu hỏi cấp bách là con số người và ảnh hưởng của Trung Quốc trong những vùng này trầm trọng tới mức nào? Có bao nhiêu tiếng kêu báo động của người dân đã tắt nghỉm như trường hợp đất Sa Vĩ, địa đầu tổ quốc, bị công ty Hoa thuê 50 năm làm sân Golf?
Ông Dương Văn Cơ, Phó Chủ tịch Thường trực Thành phố Móng Cái nhẩm tính, trên địa bàn đã có 25 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đạt gần 300 triệu USD. Trong đó, có tới 3/4 là dự án này của các nhà đầu tư Trung Quốc, còn lại là hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư Trung Quốc và doanh nghiệp tại địa phương.

Mạng lưới Liên Bang Nga

Cho tới cuối năm 1991 Việt Nam luôn coi sự có mặt của Liên Xô là đối trọng chống lại mọi đe dọa tiềm tàng từ phía Trung Quốc. Sau khi Liên Xô tan rã, Liên Bang Nga đã phải trải qua nhiều giai đoạn khủng hỏang chính trị, và nền kinh tế suy thoái không cho phép Nga duy trì ảnh hưởng cũ tại những nước đàn em. Tại Việt Nam đã có một sự cắt giảm quân đội cụ thể và năm 2002 thì Nga rút nốt số quân ít ỏi còn lại tại vịnh Cam Ranh.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, Nga đã tạm đi vào ổn định, phục hồi và trên đường phát triển. Với nhãn quan chính trị chiến lược, với kinh nghiệm dày dặn của một cựu sĩ quan tình báo KGB, Putin đẩy mạnh tham vọng lấy lại vị thế và tiếng nói của Liên Bang Nga trong khu vực và cao hơn nữa có thể là việc trở lại vị thế của Liên Bang Xô viết trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới.
Gần đây Putin công khai tuyên bố ưu tiên thể hiện vai trò của Nga trong khu vực phát triển năng động của châu Á-Thái bình Dương. Đồng thời Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin tin tưởng sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng sẽ đưa Nga trở lại vị thế của một nước công nghiệp hàng đầu. (12)
Tham vọng của Putin rất phù hợp với ước mơ của Việt Nam trở lại thế tam giác Việt - Trung Quốc - Liên Xô ngày xưa và trong bối cảnh hiểm nghèo hiện nay của giấc mơ bá quyền Trung quốc, Việt Nam đã mừng rỡ chào đón Nga với hàng loạt hợp đồng lớn mua vũ khí (13) và trở thành khách hàng lớn thứ 3 trên thế giới của Nga, sau Ấn Độ và Venezuela.
Đầu năm 2009, Nga đã ký với Việt Nam hợp đồng trị giá gần 400 triệu USD cung cấp 8 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 không có vũ khí kèm theo. Tháng 2/2010, hai bên ký hợp đồng thứ hai cung cấp 12 Su-30MK2 kèm theo vũ khí hàng không, trị giá gần 1 tỷ USD. Hợp đồng này còn cung cấp vũ khí hàng không và phụ tùng cho lô Su-30MK2 đầu tiên đặt hàng năm 2009. Cuối năm 2009 trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Liên bang Nga, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm Kilo 636 với giá 2 tỷ USD. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga.
Năm 2011, Việt Nam cũng lần lượt nhận 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Hợp đồng này trị giá 350 triệu USD được ký vào năm 2006. Vào năm 2010 và 2011, Việt Nam đã nhận được 2 hệ thống tên lửa phòng thủ ven bờ tiên tiến K-300P Bastion-P. Nga đáp lại tấm thạnh tình của Việt Nam bằng lời hứa hẹn sẽ (14)
"Ưu tiên đơn đặt hàng tàu ngầm của Việt Nam". Chuyên gia quân sự Victor Litovkin, biên tập viên tờ "Quan sát quân sự độc lập" của Nga quảng cáo: “Thật khó đánh giá hết ý nghĩa của những tàu ngầm này đối với Việt Nam. Với sự tham gia của tàu ngầm Kilo, Việt Nam sẽ bảo vệ hiệu quả hơn nữa lãnh hải và vùng biển kinh tế, các hải đảo và giàn khoan ngoài khơi.
Và những ký kết giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2012:
... Hai Bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.Hai Bên ghi nhận rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự và quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng phát triển, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và góp phần cùng nhau đối phó với các thách thức và nguy cơ an ninh mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương...xây dựng một trật tự thế giới mới, dựa trên các nguyên tắc đa phương, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia...
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố ủng hộ đường lối chiến lược của Lãnh đạo Nga nhằm không ngừng củng cố vị thế của Liên bang Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì lợi ích hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực này.
Hai Bên ủng hộ việc thành lập ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh mở, minh bạch, bình đẳng và hợp tác, được xây dựng trên các quy định của luật pháp quốc tế, nguyên tắc không liên minh và tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các nước...
Cách loan tin của bộ ngọai giao Việt Nam nhằm quảng bá tình hình giao thiệp "không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp" giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhất là việc "nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" đang cố gắng gây hiệu lực tuyên truyền mạnh lên niềm tin của người dân Việt vào sự sáng suốt của chính phủ Việt Nam trong đường lối và chính sách đối ngoại, đặc biệt liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điển hình cho hiệu lực tuyên truyền này là số lượng bài trên các báo lề phải cũng như lề trái và cả trên mạng loan tin về sức mạnh quân sự cũng như công nghiệp phòng không của Nga. Những bài về những tranh chấp khi xưa giữa Liên Xô và Trung Cộng cũng đang được chú tâm khai thác với dụng ý nêu cao sức mạnh quân sự của Nga vượt xa Trung Quốc. Để đi tới kết luận gián tiếp là sự có mặt của Nga tại Việt Nam trong mọi lãnh vực là một lọai bảo hiểm để đối đầu với sự tràn ngập Việt Nam của Trung Quốc.
Nhưng đối diện với mộng bá quyền và ảnh hưởng kinh tế vũ bão của Trung Quốc trong thế giới, Việt Nam cần chấm dứt thái độ tự ru ngủ và tỉnh táo nhận định khả năng cùng thế đứng của Nga để kịp thời tìm lối thóat cuối cùng.

Khả năng cùng thế đứng của Nga

Nga không còn là Liên Xô nhưng cũng đã không trở thành một nước dân chủ tự do phù hợp với ước mơ cải cách của đầu thập niên 90. Các quan chức Nga chủ trương đường lối tạm gọi là "dân chủ định hướng" (démocratie souveraine, sovereign democracy), nghĩa là dân chủ tùy thuộc những đặc tánh văn hóa và lịch sử của Nga theo định nghĩa của Vladislav Surkov, người được coi là "kiến trúc sư" đường lối chính trị hiện tại của Moscow.
Trong bài báo với tựa đề "Putin tìm cách đưa Nga trở lại vị trí một cừơng quốc trong thế giới", (15 )Alexander Gabuev, ký giả của tờ "Kommersant" một tờ nhật báo hàng đầu của Nga, và cũng là một giảng viên tại Viện Nghiên cứu Moscow về Á và Phi Châu, phân tách cho thấy tình trạng thật của Nga hòan tòan không phù hợp với hình ảnh đưa ra bởi hệ thống tuyên truyền Putin.
Theo Gabuev, kế hoạch thành lập một Liên Minh Âu Á năm 2015 cho thấy tham vọng của Putin muốn đứng ngang hàng với Liên minh châu Âu, cũng như tìm cách hướng sự chú ý trong và ngòai nước vào những cố gắng khôi phục lại vinh quang cũ của Moscow chỉ để khỏa lấp những khó khăn hiện tại, như tình trạng tham nhũng và tình hình đầu tư yếu kém.
Chính sách ngọai giao Nga dựa trên tứ trụ là sức mạnh quân sự (thứ 2 sau Mỹ), xuất khẩu dầu mỏ, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa như một công cụ quyền lực mềm, và sự có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đang yếu thế vì tứ trụ bị lung lay. Quân đội Nga đang yếu dần. "Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương" mỗi năm một vượt xa Nga hơn về mặt kỹ thuật.
Trung Quốc trong thập niên 90 còn phần lớn dựa vào khí giới nhập cảng từ Nga nay đã phát triển nhanh chóng. Các cấp lãnh đạo và cựu sĩ quan tư lệnh Nga trong những cuộc trao đổi không chánh thức đã cho biết trong trường hợp khẩn cấp Nga chỉ có thể dựa vào vũ khí hạt nhân, và chính loại vũ khí này hiện nay cũng chưa phát triển đúng mức.
Giấc mộng là một siêu cường về năng lượng của Nga đã tan vỡ năm 2008 khi giá dầu hỏa không đứng vững. Các nước châu Âu bớt lệ thuộc Gazprom nhờ Khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquefied Petroleum Gas LPG) đến từ các nước Ả Rập vùng Vịnh.
Về khía cạnh "quyền lực mềm" những nước trong khối Liên Xô cũ đã quay lưng và đuổi theo mô hình có vẻ rất thành công của Trung Quốc. Nga đã đổ hàng triệu Mỹ kim để xây dựng một hệ thống tuyên truyền nhưng vẫn không đánh bóng được hình ảnh theo ý muốn. Trong nước, những hệ thống tuyên truyền dựng lên những mối đe dọa từ phía ngoài để đánh mạnh vào lòng ái quốc, nhưng không che dấu được tình trạng tham nhũng tràn lan và người dân đã có rất nhiều cuộc biểu tình để tỏ thái độ bất mãn.
Thế đứng trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là lý do chính giữ cho Nga vẫn còn được coi là một cường quốc trong thế giới. Chiến thuật của Moscow là ủng hộ những quốc gia hiếu chiến như Iran và Syria để bảo vệ những hợp đồng bán vũ khí cho các nước này hoặc những ưu đãi khác.
Năm 2011 đánh dấu một khúc quanh quan trọng: Vì những lợi tức buôn bán với các nước châu Âu và Mỹ vượt hẳn những hợp đồng với Libya, Moscow đã không phủ quyết cuộc can thiệp quân sự vào Libya. Lần đầu tiên trong lịch sử, những lý do kinh tế cũng đẩy Nga vào thế yếu đối với Trung Quốc, và Moscow vì cần trao đổi thương mại đã mất đi tính độc lập trong các quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của Trung Quốc trong tòan cầu.
Trong khi Việt Nam đặt hy vọng vào Nga như một trọng lực đối đầu với Trung Quốc thì Nga và Trung Quốc đang có hàng lọat những cuộc đàm phán hợp tác mà lần họp thứ 8 vừa xảy ra ngày 9/01/2013 tại Peking. Kể từ khi tái nhận chức vụ tổng thống ngày 7/5/2012, Putin đã chính thức tuyên bố mở rộng hợp tác với Trung Cộng, gián tiếp chấm dứt chiều hướng kết thân với Âu Châu của Boris Jelsin từ 1991.(16)
Theo tin của Radio Stimme Russlands, Nga đang có tối thiểu 3 tầu ngầm thuộc loại "Borei" và phần lớn số lượng tầu Jasen (Severodvinsk) trụ tại Thái Bình Dương đồng thời trong năm 2012 Nga đã ký hợp đồng bán 4 tàu ngầm diesel-điện loại 1650 Amur cho Trung Cộng để xử dụng trong mộng bá quyền của nước này tại Biển Đông. (17)
Điều cần nhớ là Trung Quốc và Liên Bang Nga là hai thành viên sáng lập chính của "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" (Shanghai Cooperation Organisation SCO). SCO được hình thành theo sáng kiến của Bắc Kinh năm 1996 dưới tên "Nhóm Thượng Hải 5" với nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô(cũ) gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan.
SCO chính thức được thành lập sau khi kết nạp thêm Uzbekistan và có 25% dân số thế giới.Cho tới nay SCO đã có hơn hai mươi dự án quy mô lớn liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông, và tổ chức các cuộc họp thường xuyên về an ninh, quân sự, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, và những cuộc tập trận chung giữa các quốc gia thành viên.
Tháng 7/2005, trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 tại Kazakhstan, với sự tham dự lần thứ nhất của những quốc gia quan sát viên Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan, tổng thống Nursultan Nazarbayev đã tuyên bố "Các nhà lãnh đạo của các quốc gia đang ngồi ở bàn đàm phán này là đại diện của một nửa nhân loại".
Năm 2009, những thành viên của SCO đã quy định "chiến tranh không gian mạng phổ biến thông tin có hại đến lĩnh vực tâm linh, đạo đức và văn hóa của các nước khác" được coi là một "đe dọa an ninh", và SCO đã ký một thỏa thuận tuyên chiến về thông tin để ngăn chận "bị một quốc gia khác làm suy yếu trong hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội".
Truyền thông tây phương cho rằng một trong những mục đích chính của SCO là để đối trọng với NATO và Hoa Kỳ, đặc biệt để tránh những xung đột mà sẽ cho phép Hoa Kỳ can thiệp vào khu vực biên giới của hai nước Nga và Trung Quốc. Và mặc dù không phải là một quốc gia thành viên, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã được phép sử dụng diễn đàn SCO để tấn công Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã bị từ chối vị trí quan sát SCO vào năm 2006. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản TQ khi tường thuật về SCO đã viết:
"tín hiệu đáng chú ý nhất được đưa ra bởi Hội nghị thượng đỉnh là các nước thành viên SCO có khả năng và trách nhiệm để bảo vệ an ninh của khu vực Trung Á, và các nước phương Tây nên rời khỏi Trung Á."
Mạng StopNATO.org tấn công mạnh mẽ hơn: "không thể quy chụp một mô hình phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa ,đạo đức hay một hệ thống nghị viện đã phát minh ra ở quần đảo Anh thế kỷ trước, hay một nền văn minh tiêu thụ, một nền văn hóa giả tạo thiết kế tại Madison Avenue và Hollywood, lên 88% của nhân loại sống bên ngoài thế giới Âu châu - Đại tây dương. Đại sứ Nga Viktor Chernomyrdin tại Ukraina đã khẳng định Nga không ủng hộ NATO hay bất cứ một thành viên Liên Xô (cũ) nào gia nhập NATO. Trong cuộc thăm viếng Kremlin năm 2008 của tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko, Putin đã không ngần ngại đe dọa "Thật là khủng khiếp khi nghĩ rằng Nga có thể phải nhắm hệ thống tên lửa của mình vào Ukraina..."
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights - FIDH) một trong những tổ chức nhân quyền quốc tế thành lập lâu đời nhất trên toàn thế giới và ngày nay đã có 164 tổ chức thành viên tại hơn 100 quốc gia, đã kết án SCO là một "công cụ" cho những vi phạm nhân quyền. (18)

Việt Nam, bên đang thua cuộc

Bên cạnh tình trạng tham nhũng trầm trọng hiện nay đang đưa đến những cuộc cách chức, thanh tóan nhau trong quân đội cũng như chính phủ Liên Bang Nga, còn có những tin lọt ra ngòai màng lưới tuyên truyền liên quan đến vấn đề kỹ thuật và chất lượng kém của vũ khí Nga, như tàu ngầm Nerpa bị cháy khi chạy thử nghiệm và gây tử vong cho 20 nhân viên, khiến việc giao tàu cho Ấn độ bị ngưng trệ. Hoặc những máy bay chiến đấu MiG bị trả về vài tháng sau khi được đưa vào xử dụng tại Ấn Độ. (19)
Cuối năm 2012 kinh hạm tàng hình tối tân nhất của Nga, Project 20380 Steregusbchy class, cũng đã thất bại trong việc thử nghiệm tên lửa phòng không mới Redut (20) và tháng 2 vừa qua, sau cuộc báo động tập trận quy mô nhất của Nga từ 20 năm nay, Tổng tham mưu trưởng Waleri Gerassimow đã công nhận là hai phần ba tổng số máy bay quân đội Nga xử dụng không trong tình trạng hòan hảo, xe tăng BMD-2 qúa mòn cũ, loại mới BMD-4M cũng như các máy bay trực thăng Mi-9 và Mi-24, máy bay chiến đấu Su-25, và cả thiết bị vô tuyến điện đều có yếu kém kỹ thuật.(21)
Tuy nhiên trong tình hình tranh chấp ngày càng cao độ giữa các quốc gia trên thế giới, điển hình là cuộc tranh chấp tại Biển Đông, chất lượng yếu kém không gây vấn đề cho ngành doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga. Lý do là phần lớn các nước khách hàng vì không có thiện cảm hay chống Mỹ nên không có giải pháp thay thế.
Hiện nay chỉ có Ấn Độ đang chuyển hướng mua vũ khí của các hãng Mỹ, Pháp và Israel.
Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp chính các loại vũ khí quân sự cho cả hai bên, nên có tòan quyền quyết định tiếp tục hay ngưng cung cấp cho một bên, tại một thời điểm nào đó, khi có tranh chấp khủng hoảng giữa hai nước, với bất cứ một lý do trắng trợn hay giả tạo nào. Ngòai ra so sánh với TQ, Việt Nam không có khả năng bảo trì những vũ khí đã mua, không có kỹ nghệ sản xuất những phụ tùng thay thế, và nhất là không có sức mạnh kinh tế để ảnh hưởng sự chọn lựa của Nga. Đã nhiều lần từ năm 2011, Nga đã chứng tỏ chỉ đặt lợi tức kinh tế lên trên hết, và chuyện đối đầu với Trung Quốc để bênh vực Việt Nam là khôngtưởng.
Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc để tranh dành ảnh hưởng với Hoa Kỳ và Âu Châu cho thấy trong vấn đề Việt Nam sẽ có sự thỏa thuận chia chác giữa hai nước này.
Điều này cắt nghĩa thái độ của TQ mà nhà bình luận Li Jiang mô tả trong tờ Huanqiu-Shibao là bình thản, khi được tin Nga trở lại Cam Ranh thay vì Mỹ như tin tức dự đóan.(22) Ký giả Wasilij Kaschin của tờ Stimme Russlands đã thẳng thắn nhận định "Peking thừa biết là những cố gắng hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Việt Nam không mảy may hy vọng sánh kịp sức mạnh của lực lượng TQ, và nếu không mua của Nga, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, một điều không lợi ích cho cả Nga lẫn TQ" (23)
Ngoài ra TQ cũng thừa biết bên cạnh những làn sóng tuyên truyền tâng bốc các vũ khí mới của Nga, có một làn sóng phê bình gay gắt ngay chính tại nước này, là ngành công nghiệp quốc phòng Nga hòan tòan lỗi thời.(24)
Chuyên gia quân sự Alexander Golt chỉ trích những cái được chào mừng là "phát trình mới" không có gì hơn là "phiên bản hơi hiện đại hóa" của các dự án đã được phát triển cách đây 30 năm, và chế diễu các nhà máy quốc phòng của Nga chủ yếu là các nhà máy "đảm bảo công ăn việc làm". Ý định của Bộ Quốc phòng Nga mua tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp cũng như mua giấy phép để tự đóng bốn chiếc tàu Mistral cho thấy ngành công nghiệp Nga không đủ sức tự hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình. Năm ngóai khi Bộ Quốc phòng Nga đặt mua một chục chiếc máy bay do thám không người lái của công ty Do thái Israel Aerospace Industries, tạp chí Vremya Novostei Moscow tìm cách biện bạch "không có quốc gia trên thế giới nào có thể tự đáp ứng nhu cầu vũ khí của mình" để mong xoa dịu những lời chỉ trích.
Tình trạng kinh tế eo hẹp của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã khiến Nga dù sợ bị TQ sao chép vẫn phải bán những lọai vũ khí TQ chưa tự sản xuất cho nước này.
Nga cũng khẳng định chỉ bán cho Việt Nam khi được trả tiền mặt, tuy nhiên theo GS Thayer, Việt Nam phải trả không những bằng tiền mặt mà bằng cả dầu hỏa lẫn "món nợ lệ thuộc như thời Liên Xô"(25)
Trong tình thế nặng nề kể trên, mấy ai, ngay cả người dân Việt Nam, để ý tới bên cạnh cảng Cam Ranh,cả một vùng rộng lớn tại Ninh Thuận đã được rào kín cấm dân lai vãng, vì nhà cầm quyền Việt Nam đã giao cho Nga xây nhà máy điện hạt nhân, đi ngược lại dòng văn minh thế giới.
Nếu sáng suốt nhận định thái độ một bên chỉ bán vũ khí lấy tiền mặt và bên kia sự "rộng rãi" của thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 11/ 2012 nói rằng Moscow sẽ dùng tiền nhà nước (10 tỷ) để cho vay xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thì người dân Việt Nam phải hiểu tình trạng đến hồi nguy kịch, không chần chờ được nữa.
Từ nhiều năm qua sự tham nhũng cao độ trong "Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga" ROSATOM đã gây tình trạng sản xuất chất lượng thấp đưa đến khiếm khuyết thiết kế. Hàng trăm trục trặc lớn nhỏ trong nước được ém nhẹm hữu hiệu nhờ một chính sách thiếu tự do báo chí (theo Index Press Freedom 2013, Nga hạng 148, Việt Nam 172, Trung Quốc 173, trên tổng số 179 nước). Trong khi đó hàng kém chất lượng xuất cảng bị những nước có khả năng kiểm soát thí dụ như Trung Quốc đã gởi trả nhiều ngàn tấn thiết bị thiếu chất lượng tập đoàn Rosatom định dùng để xây nhà máy điện hạt nhân ở Tian-Wang (26).
Nga làm gì với nhiều ngàn tấn thiết bị thiếu chất lượng này?
Ai là người ở Việt Nam chịu trách nhiệm và có khả năng chịu trách nhiệm về an tòan hạt nhân và việc xử lý chất thải mà toàn thế giới chưa một quốc gia nào có giải pháp?
Việt Nam đang nằm trong thế kẹt dường như không lối thoát.
Tình trạng dân trí còn thấp, dễ bị tuyên truyền hướng dẫn sai lầm, cộng thêm thiếu tự do thông tin nên người dân không thể nắm bắt được tình hình đa chiều thế giới.
Sức mạnh cho phép dân tộc Việt chống lại ngọai xâm để tồn tại cho tới ngày hôm nay là sự đòan kết, hiện giờ cũng qúa suy yếu. Vì chúng ta vẫn không ngừng loay hoay với những tranh luận thua thắng từ 40 năm trước nên chúng ta chưa thể kết hợp được, để đồng lòng nhất quyết dành phần quyết định số mạng dân tộc Việt vào tay ngừơi dân Việt.
Rõ ràng chỉ có dân tộc Việt là Bên đang thua cuộc.
Thục Quyên
____________________________________________
(1) Giới thiệu Thông tấn xã Việt Nam (VietNam +)
(2) Tăng cường hợp tác không quân với Nga, Trung Quốc (VietNam +)
(3) ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN: 40 NĂM CHIẾN THẮNG "HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG" (Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)
(4) Việt Nam (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
(5) Mai Thái Lĩnh - Sự thật về Thác Bản Giốc (Phần II) (Dân Luận)
(6) Diễn Biến Sự Kiện Thủ Tiêu Cột Mốc Biên Giới Việt Nam Trung Quốc (Việt Thức)
(7) Anfrage zur schriftlichen Beantwortung an die Kommission Artikel 117 der Geschäftsordnung Filip Kaczmarek (PPE), Betrifft: Menschenhandel in Vietnam (Europäisches Parlament)
(8) Laos Could Bear Cost of Chinese Railroad (The New York Times)
Neue Eisenbahnlinie für China Öl-Express via Laos (Süddeutsche Zeitung)
(9) Chinese Companies to Invest Billions on Cambodia Projects (The New York Times)
China to Train Cambodia Military (Radio Free Asia)
TQ tăng trợ giúp quân sự cho Campuchia (BBC)
(10) CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THUÊ ĐẤT TRỒNG RỪNG: NUÔI ONG TAY ÁO (futureown.com)
(11) NHỮNG ĐIỂM NÓNG MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC MỎ Ở VIỆT NAM (Cie.net)
(12) Armee als Garantie zur Erhaltung der Staatlichkeit (Radio Stimme Russlands)
(13) Nga ’hái ra tiền’ từ xung đột biển Đông (PhuNuToDay)
(14) Báo Nga: ‘Ưu tiên đơn đặt hàng tàu ngầm của Việt Nam (Tiền Phong)
(15) Wie Putin Russland wieder zur Weltmacht machen will(Süddeutsche Zeitung)
(16) Russlands neue Außenpolitik: Putins Pakt mit China (Spiegel.de)
(17) Russland und China verstärken ihre Marine (Radio Stimme Russlands)
(18) Group Says SCO 'Vehicle' For Rights Abuses (Radio Free Europe)
(19) Russland schmiedet der Welt Waffen (Handelsblatt)
(20) Kinh hạm khủng của Nga thử nghiệm tên lửa thất bại (Kiến Thức)
(21) Russlands Kriegstechnik versagt bei überraschendem Übungsalarm: defekt und verschlissen (Ria Novosti)
(22) China verfolgt aufmerksam Pläne russischer Marine (Radio Stimme Russlands)
(23) Russland soll Vietnam mit U-Booten beliefern: Wie wird China reagieren? (Radio Stimme Russlands)
(24) Russlands Rüstungsindustrie kennt keine Krise (Eurasischesmagazin.de)
(25) Oil and debt underpin Russian submarine sales to Vietnam (Defense & Security Intelligence & Analysis: IHS Jane's)
(26) Thục Quyên - Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau - Rosatom là gì? (BauxiteVN)
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Năm, 07/03/2013 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130307/thuc-quyen-ben-dang-thua-cuoc
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001