Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bốn ông họ Lê, Phần 1 

Published on April 28, 2013 
thunhoibong-bieutinh6

“Bằng cách nào cũng phải chiếm lại Hoàng Sa” – câu nói của Lê Duẩn qua lời bà Bảy Vân, phu nhân của ông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài BBC. Cho đến nay, chưa có bất cứ lãnh đạo nào của VN thể hiện quan điểm và quyết tâm sắt đá lấy lại Hoàng Sa như Lê Duẩn. Tầm nhìn sâu sắc của Lê Duẩn về các mưu đồ đen tối của TQ đối với VN đã được lịch sử chứng minh đầy thuyết phục.
Trong khi Hồ Chí Minh với tài ngoại giao kiệt xuất của mình đã cân  bằng mối quan hệ tam giác phức tạp giữa VN, TQ và LX, làm cả hai nước “đàn anh XHCN” đều trợ giúp VN trong cuộc chiến với người Mỹ thì Lê Duẩn – không ít trường hợp, không ngần ngại bày tỏ sự không hài lòng của ông đối với các nhà lãnh đạo TQ. Ông giao thiệp với Mao một cách bình đẳng, nhận ra lối chơi chữ của Mao rất nhanh. Một lần Mao hỏi Lê Duẩn: “Có phải Việt Nam đã đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?”. Lê Duẩn đáp: “Đúng, còn đánh thắng cả quân Minh nữa” – quân Minh là người Hán, dân tộc đa số của TQ. Ý của Lê Duẩn là chúng tôi đã và sẽ đánh thắng các ông, chúng tôi không sợ các ông đâu.
Trong một lần gặp khác, chẳng biết Mao có ý gì khi nói với Lê Duẩn rằng hiện ở nông thôn TQ thì địa chủ trở lại thống trị, còn ở thành thị thì giai cấp tư sản thống trị, vì rằng các Chủ nhiệm hợp tác xã đều lấy vợ là con của địa chủ, các giám đốc Xí nghiệp đều cưới con của tư bản làm vợ? Mao rất đểu, nói theo kiểu bóng gió, ám chỉ…? Lê Duẩn rất bực, nói với Trần Quỳnh, “Cha này lý luận lang bang, lấy vợ địa chủ trở thành giai cấp địa chủ” (theo hồi ký Trần Quỳnh). Sử dụng từ “cha này” để chỉ Mao, điều đó có nghĩa là Lê Duẩn không hề coi Mao là “thần thánh” hay “lãnh tụ” gì cả. Khác với Mười Cúc Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, khi nói chuyện với Mao, thường gọi Mao là “Bác Mao” (Uncle Mao) – Thưa bác Mao! Đúng vậy, bác Mao. Như bác Mao nói…
Đối với Mao như thế, thì đối với Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình, có gì đáng ngại?
Lê Duẩn đã trách cứ Chu về việc ép VN ký Hiệp nghị Geneve, chia cắt hai miền Nam – Bắc, Chu đã phải tỏ ý xin lỗi ông. Đến năm 1972, Chu sang Hà Nội thông báo về cuộc đi thăm TQ của Nixon, Chu lại bị Lê Duẩn chất vấn, rằng TQ đưa VN ra đổi chác và Chu – lần thứ hai, lại phải xin lỗi ông. Khi Chu trở về nước, Lê Duẩn thậm chí không tiễn ông ta theo phong cách ngoại giao! Nhớ lại những năm năm mươi thế kỷ trước, Lê Duẩn hoạt động bí mật ở miền Nam, thường lánh sang Cambodia. Tại Phnôm Pênh, có những khi ông lặng lẽ quan sát dòng người vô tận Cambodia vẫy cờ hoa đón Chu Ân Lai – khi đó Chu thật nổi danh trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, ông đang đối mặt ngang hàng với Chu, kiên quyết bảo vệ lợi ích của VN.
Còn Đặng – một con người ghê gớm, đã không thể nào thuyết phục nổi Lê Duẩn đi với TQ để chống LX, dù ông ta hứa cho không VN 2 tỷ nhân dân tệ. Cú đụng đầu lịch sử giữa TQ và VN vào tháng 2 năm 1979, cũng có thể coi là giữa Đặng và Lê Duẩn, kết thúc với thất bại thảm hại của Đặng.
Lê Duẩn – tất nhiên, không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp, song ý kiến của ông trong nhiều chiến dịch rất sắc sảo. Ông đã trực tiếp viết một bức điện gửi Văn Tiến Dũng, đại diện A.75, trong trận Buôn Ma Thuột: “Hai ngày nay tôi không ngủ được vì các anh đánh phân tán – Ba”. Nhưng thế nào là “đánh phân tán” thì ông không chỉ ra.
Sau trận Buôn Ma Thuột, tình hình phát triển quá nhanh làm các nhà lãnh đạo Bắc VN quyết định chiếm miền Nam trước mùa mưa. Thấy đã chắc ăn, Lê Đức Thọ bèn xin Lê Duẩn vào Nam và được Lê Duẩn đồng ý với lời dặn dò: lần này vào, nếu có gì trắc trở, hãy ở lại, giải phóng miền Nam xong rồi mới về.
Ngày 28.3.1975, Lê Đức Thọ đến Buôn Ma Thuột. Các lực lượng tại đấy nhận lệnh gấp rút chuẩn bị cuộc đón tiếp. Một địa điểm được chọn là căn cứ Trung đoàn 45 ở phía Đông thị xã, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo bí mật và khang trang hơn nơi khác. Gần trưa, mọi công tác chuẩn bị đón tiếp tạm xong thì một tiếng nổ long trời vang lên, làm rung chuyển các cánh cửa chớp rồi xen kẽ là các tiếng nổ khác. Hóa ra, một kho đạn súng bộ binh nằm ngay cạnh phòng khách phát nổ. Thế là lại phải chạy nháo nhào tìm một địa điểm khác đón Lê Đức Thọ.
Đây không phải là lần đầu tiên Lê Đức Thọ vào Nam. Năm 1949, ông là Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ mà Bí thứ là Lê Duẩn. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và cuối năm đó, ông được bầu bổ sung vào Bộ chính trị. Trong cuộc tổng tấn công năm 1968, ông cũng vào Nam chỉ đạo nhưng đến tháng Năm, tình hình gần như không còn chút hy vọng gì vào một chiến thắng quân sự nữa, ông được gọi trở về Bắc để làm Cố vấn đặc biệt cho Đoàn đại biểu VNDCCH tại cuộc đàm phán Pari về VN. Ông có mặt ở nhiều sự kiện nổi bật của lịch sử VN, song hãy nghe Lê Duẩn nhận xét, “anh lạ thật… Những khi nào cần nổi danh là anh cứ xin tôi, đi Pari, rồi đi miền Nam khi sắp giành chiến thắng…”.
Và giờ đây, Lê Đức Thọ – người được giải thưởng Nobel Hòa bình với Kissinger, đang tiếp tục di chuyển vào Nam Bộ theo đường 14 với mục tiêu “giải phóng miền Nam”. Công binh được lệnh phải rà phá kỹ bom mìn, lại phải đưa nhiều xe tải chở đầy gạo chạy trước mở đường, tất cả tuyệt đối không đi chệch khỏi vệt bánh xe, khi nghỉ chỉ đứng giữa đường. Từ trạm đón tiếp của Trung ương Cục, một chiếc Honđa chở Lê Đức Thọ tới nơi làm việc của Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng đang nóng lòng đón đợi.
nguồn:http://ttxva.org/bon-ong-ho-le-phan-1/
======================================================================
Bốn ông họ Lê, Phần 2 

Published on April 29, 2013  
leduan-trungquoc

Tại rừng Lộc Ninh, Trung ương Cục, Quân ủy Miền với sự chỉ dẫn chi tiết từ Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, đang gấp rút vạch kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Trời mưa, đường sá lầy lội, ông Thọ lo lắng tốc độ hành quân bị chậm lại trong những vần thơ:
Nghe chim tu hú gọi
Rừng Lộc Ninh sáng rồi
Suốt đêm qua không ngủ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Lo cho anh bộ đội
Lầy lội quãng đường dài
Xem ra, qua thơ ca, Lê Đức Thọ “lo cho anh bộ đội” không chỉ một lần. Nhân chuyến thăm biên giới phía Bắc, Tết năm 1983, Lê Đức Thọ có bài thơ nổi tiếng Điểm tựa:
Hàn thử biểu chỉ độ không
Đêm nay trời rét lắm
Cái rét biên thuỳ lạnh buốt thịt da
Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya
Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ
Trằn trọc mãi thâu đêm chẳng ngủ
Thương anh nhiều anh chiến sĩ của tôi ơi
Những người lính VN nơi biên giới gần như “phát khóc”, bởi họ thấy cấp trên thấu hiểu cặn kẽ cuộc sống và chiến đấu của mình đến thế. Nếu “cụ” Thọ hiểu hoàn cảnh của mình nghĩa là Đảng sẽ hiểu. Và một khi Đảng đã hiểu thì Đảng sẽ có cách giải quyết – họ luôn tin tưởng điều đó.
Đây là cuộc sống của người lính:
Gạo sấy khoai mỳ, “bát canh toàn quốc”
Và “nước chấm đại dương” đỡ lúc đói lòng
Cũng có khi “thịt ấm chân răng”
Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng
Hãy đọc thêm hai câu:
Đời chiến sỹ còn nhiều khổ cực
Quần áo mong manh, cơm có bữa chưa no
Hai câu thơ thật đơn giản, cũng chẳng có nhiều chất thơ lắm. Nhà thơ Vũ Quần Phương bình luận: hai câu thơ ấy “đủ lay động tâm hồn toàn quân và toàn dân ta. Cái hay của thơ ở đây không để rung đùi mà để dẫn tới hành động…đó là cái hay ở một cách nhìn, một thái độ đối với hiện thực, đó là cách nhìn tôn trọng hiện thực, tôn trọng hiện thực vì yêu thương con người”. (?!).
Dù sao phải thừa nhận, Điểm tựa là một hiện tượng thời ấy, người ta thảo luận, bàn tán, khen ngợi rất sôi nổi. Nếu không phải tác giả của nó là Lê Đức Thọ, người khác viết như thế là “chết liền” – vào thời điểm ấy. Có lẽ, cái đặc sắc nhất là ở chỗ nó nói lên được sự gian khổ của người lính nơi biên giới.
Năm sau, đón xuân ở Minh Hải, mảnh đất cuối cùng của đất nước, trong cảnh nắng ấm, nhà thơ lại nhớ về “anh bộ đội” đang chịu cảnh rét mướt ở biên thùy phía Bắc:
Đường lên biên giới đâu xa lắm
Nhưng khó thăm anh lại một lần
Mở đài nghe báo tin thời tiết
Đợt rét mùa này rét rét thêm
Tôi ở miền Nam tràn nắng ấm
Ước gì nắng ấm cả vùng biên
Ba từ “rét” của đoạn thơ ở đây cũng khá hay đấy chứ. Ý tưởng của tác giả, xem ra vẫn là “gửi nắng ra ngoài ấy”…
Thời ấy, các nhà lãnh đạo Bắc VN, phải vào sinh ra tử, không có điều kiện học hành bài bản, song họ am hiểu rất nhiều lĩnh vực. Và nhiều nhà lãnh đạo còn làm thơ, thích làm thơ. Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và tất nhiên – Tố Hữu, thường làm thơ và có không ít những vần thơ khá hay. Còn Lê Duẩn thì sao? Thật thú vị khi biết ông đã đọc bài thơ của mình tặng bà Bảy Vân (Nguyễn Thụy Nga) trong đám cưới của họ năm 1948 mà Lê Đức Thọ làm ông mai, Phạm Hùng làm chủ hôn:
Hỡi cô con gái Đồng Nai
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương
Hôm nay trời tạnh mây quang
Gió xuân đầm ấm mùi hương đậm đà
Tự tình ta lại với ta
Say sưa bao xiết là ta với mình
Cho hay là giống hữu tình
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi
Phải chăng đây là bài thơ duy nhất của Lê Duẩn? Nghe như thơ của  Nguyễn Bính vậy. Hình như Lê Duẩn thích thơ Nguyễn Bính. Trong một lần Pháp càn vùng Đồng Tháp Mười, cơ quan phải di chuyển. Trần Bạch Đằng và Lê Duẩn cùng đi trên một chiếc xuồng ba lá, ông Đằng bơi lái, ông Duẩn bơi mũi, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa, bơi đêm, để quên mệt, ông Trần Bạch Đằng đọc bài “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Ông Lê Duẩn bảo đọc to lên một chút. Ông vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng bình: hay. Gần sáng, đến nơi an toàn, ông bảo Trần Bạch Đằng đọc lại lần nữa và ông gật gù: Tay Nguyễn Bính này giỏi thật.
Lê Duẩn cũng rất am hiểu các vấn đề văn hóa. Một hôm, Trần Độ, bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương được gọi lên báo cáo với Tổng bí thư về vấn đề văn hóa để chuẩn bị cho Đại hội V. Ông hy vọng đây là dịp tốt để có thể trình bày với Tổng bí thư toàn bộ quan điểm đổi mới về văn hóa theo kinh nghiệm của LX. Thế nhưng, Trần Độ mới trình bày được mươi phút thì Lê Duẩn đã ngắt lời và nói luôn một mạch cho đến hết buổi sáng. Nói về văn hóa nhưng cách diễn đạt của Lê Duẩn đượm màu sắc triết học làm Trần Độ hết sức ngạc nhiên và thích thú. Và như thế, suốt cả buổi sáng, Trần Độ không nói thêm được một câu nào. Ông Duẩn hẹn chiều làm việc tiếp trong sự phấn khích. Trần Độ hy vọng buổi chiều sẽ tìm cách trình bày cho được ý kiến của mình. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, chưa uống hết ly nước, ông Duẩn đã bắt đầu nói một mạch hơn cả tiếng đồng hồ. Nhân lúc ông Duẩn dừng lại uống nước, ông Độ chen vào nói, nhưng cũng chỉ được mươi phút, khi ông Độ dừng lại nhìn vào sổ tay, ông Duẩn “chiếm lại diễn đàn” và cứ thế nói cho đến hết cả buổi chiều.
Mặc dù không trình bày được ý tưởng của mình, song Trần Độ rất thán phục sự am hiểu về văn hóa của Lê Duẩn.
Theo Lê Mai
nguồn:http://ttxva.org/bon-ong-ho-le-phan-2/
======================================================================
Bốn ông họ Lê, Phần 3

Published on April 29, 2013 
lekhaphieu-nguyentandung

Con người ta khác nhau là ở phong cách. Người nào không có phong cách riêng, phải thấy rằng người đó không có gì hết. Nếu như phong cách của Trường Chinh là từ tốn, nghiêm trang, nói năng cân nhắc thận trọng, ít khi ngắt lời người khác thì phong cách của Lê Duẩn lại sôi nổi, mạnh mẽ, quyết đoán. Một khi ông đã định làm gì là làm ngay hoặc cho phép làm ngay.
Lê Duẩn có một cái đầu luôn luôn suy nghĩ, sáng tạo, ông đánh giá sự vật, hiện tượng một cách sắc sảo, có tầm nhìn xa.
Tháng 8 năm 1975, phát biểu tại cuộc họp trù bị của Hội nghị Trung  ương lần thứ 24, Lê Duẩn đã có cái nhìn rất thoáng đối với nền kinh tế miền Nam:
“Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lầm. Vì vậy, nay có được miền Nam là để chúng ta thấy lại cho rõ hơn. Tại sao chúng nó là tư bản, chúng nó bóc lột người ta dữ mà năng suất lao động vẫn cao”.
“Tại sao người thợ ở ngoài này không bằng người thợ ở trong kia? Mình trả lời làm sao? Anh là chủ nghĩa xã hội mà tại sao anh không được bằng trong kia, anh trả lời làm sao?”
“Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức…Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy. Miền Nam bây giờ anh không để cho giai cấp tư sản phần nào đấy, mà nông dân thì phần nào hóa tư sản rồi, anh mà làm sai đi thì công nông không liên minh được đâu. Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã”.
Tiếc rằng, những tư tưởng đó không được phát triển, có thể bị chìm đi trong không khí say sưa vì thắng lợi và mười năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế VN xuống dốc thê thảm, lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Những sai lầm, khuyết điểm đó, “anh Ba là người chủ trì có trách nhiệm lớn” – Võ Nguyên Giáp.
Có thể nhận xét, Lê Duẩn là “nhà cách mạng thành công, người xây dựng thất bại” hay không?
Tư tưởng về chiến tranh của Lê Duẩn bao giờ cũng sâu sắc. Một lần, Lê Duẩn gọi Lê Trọng Tấn và Lê Đức Anh lên chỉ thị, cố gắng giải phóng xong Cambodia sớm rồi rút quân về Nam Bộ làm ruộng. Lúc bấy giờ, trong Trung ương cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chiến lược tại Cambodia. Nhưng rồi trên thực tế, VN đã ở lại Cambodia hơn mười năm với 200 ngàn quân, 4 Ủy viên Bộ chính trị, 9 Ủy viên Trung ương, 2 Phó thủ tướng, 30 Thứ trưởng, 54 Thường trực tỉnh ủy đã từng có mặt và trực tiếp làm nhiệm vụ tại Cambodia (theo Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Cambodia).
Ngày 25.12.1978, VN sử dụng một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, hải quân, không quân, xe tăng, thiết giáp….tổng tấn công Cambodia. Tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch. Còn Lê Đức Thọ, đại diện của Bộ chính trị, giám sát tổng quát cuộc hành quân, trực tiếp chỉ đạo toàn bộ việc giải quyết cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Với sức mạnh quân sự tuyệt đối của VN, Cambodia nhanh chóng sụp đổ.
Sau khi giải phóng Cambodia, Lê Đức Thọ là “Toàn quyền” Cambodia, Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện VN và Lê Khả Phiêu là Phó Tư lệnh chính trị quân tình nguyện. Ba ông họ Lê đóng vai trò quan trọng nhất tại Cambodia, tất nhiên, dưới sự chỉ đạo tối cao của một ông họ Lê khác từ Hà Nội – Lê Duẩn.
Hơn mười năm quân đội VN ở Cambodia là một trong những giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất trong lịch sử VN hiện đại, để lại nhiều vấn đề mà cho đến nay cũng chưa thể đánh giá hết được.
Chúng ta đều biết, trong thời gian tướng Lê Đức Anh chỉ huy quân tình nguyện VN đã xẩy ra sự kiện Xiêm Riệp, phản ánh sự ấu trĩ không thể tin nổi của quân báo VN tại Cambodia. Bọn Pol Pot, được các cố vấn TQ bày mưu, bèn cho một tên Trung đoàn phó ra trá hàng nhằm đánh phá từ bên trong. Đáng ngạc nhiên là quân báo VN lại mắc mưu trá hàng của tên này một cách dễ dàng. Hàng loạt cán bộ bị bắt. Xe của bộ đội VN đi đến đâu là ở đó khiếp sợ. Cho đến khi một cán bộ cao cấp của Cambodia tự sát để phản đối, VN mới nhận ra sai lầm.
Tướng Lê Đức Anh cho rằng, khi xẩy ra vụ Xiêm Riệp, ông ta đang chữa mắt ở Liên Xô, Lê Đức Thọ điện gọi về gấp. Bộ chính trị họp xét vụ này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phê phán rất gay gắt và đề nghị một mức kỷ luật rất nặng đối với toàn bộ cán bộ chủ chốt của Bộ tư lệnh mặt trận 479 và 719 có liên quan đến vụ việc. Sau khi bàn bạc, Bộ chính trị giao cho Lê Đức Anh xử lý. Vấn đề là có chuyện tướng Hồ Quang Hóa đã ra Hà Nội báo cáo “cấp trên”. Vậy “cấp trên” đó là ai? Lê Đức Anh đã khéo léo đề nghị chỉ xin xử lý “những việc cụ thể” và “những con người cụ thể”, Bộ chính trị đồng ý. Rốt cuộc, chỉ có tướng Hồ Quang Hóa và Tư Thanh bị kỷ luật, mỗi người bị hạ một cấp và cho về nước. Bộ chính trị lại cử Chu Huy Mân sang xin lỗi đảng Cambodia.
Việc tướng Lê Đức Anh cho xây dựng tuyến tuần tra biên giới, biệt danh là K5, dài tới 800 cây số, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng K5 tốn kém và không cần thiết.
Tướng Lê Đức Anh là người khá sáng tạo khi chấp hành lệnh của cấp trên. Sau Hiệp định Pari, lệnh của trên là lui quân về vùng U Minh để củng cố, bấy giờ ông là Tư lệnh Quân khu IX cho rằng, nếu lui là mất đất, mất dân và ra lệnh cho Tham mưu trưởng cho quân ở yên, không có lui gì hết. Tại Cambodia, ông không chấp nhận bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội, dù Đại tướng cố vấn Liên Xô nói, đồng chí không chấp hành là không mácxít. Ông đáp, đồng chí hãy chỉ cho tôi, cả bản tiếng Nga và bản tiếng Việt, chỗ nào Mác nói trong quân đội không cần chế độ đảng ủy thì tôi nhận là sai và xin chấp hành. Bộ chính trị sau đó họp ở Sài Gòn nhất trí với ý kiến của ông.
Năm 1974, Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, đến năm 1984, ông đã là Đại tướng. Sau khi hai Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mất đột ngột, Lê Đức Anh lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước Đại hội VII, ngày 24.6.1991, Lê Đức Anh gửi thư cho “anh Linh, anh Tô, Bộ chính trị, Ban bí thư”: “Xin Đảng cho phép tôi, phân công cho tôi chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh…và xin được rút khỏi danh sách đề cử vào Bộ chính trị Trung ương khóa VII”. Thế nhưng, Lê Đức Anh vẫn trúng cử Trung ương, Bộ chính trị và năm 1992, Quốc hội đã bầu Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước.
Đạo đức cộng sản như vậy, chớ đâu phải như đạo đức phong kiến.
Trước mắt tôi là cuốn Tam Quốc chí, kể chuyện Tào Phi (con cả Tào Tháo) phế bỏ vua Hiến Đế. Các “cố vấn” của Phi ép vua Hiến Đế phải thảo chiếu nhường ngôi cho Phi. Tào Phi nghe xong chiếu, muốn nhận ngay. Song, Tư Mã Ý can rằng, chớ nên nhận vội, điện hạ hãy dâng biểu nói nhún mà từ đi, để bịt miệng thiên hạ dèm chê. Phi nghe lời, sai làm bài biểu, nói nhún rằng đức mình mỏng lắm, xin cầu người đại hiền khác để nối vào ngôi trời. Vua xem xong, trong bụng nghi hoặc, hỏi quần thần, Ngụy Vương khiêm tốn không chịu nhận, thì làm thế nào? Hoa Hâm tâu, bệ hạ phải giáng chiếu lần nữa, Ngụy Vương tất phải nghe. Phi tiếp được tờ chiếu, mừng rỡ lắm, bảo Giả Hủ, tuy rằng hai lần có chiếu, nhưng vẫn còn ngại đời sau chê cười ta thoán thiết, thì làm thế nào? Hủ thưa, việc ấy cực dễ, hãy sai Hoa Hâm nói với vua làm một cái đền thụ thiện, chọn ngày lành tháng tốt, hội cả công khanh lớn nhỏ đến hết ở dưới đền, để thiên tử nhường ngôi cho điện hạ, như thế thì không còn ai nghi việc gì, mà bịt được mồm thiên hạ. Tào Phi lên ngôi vua như thế đấy.
Năm 1997, Lê Đức Anh thôi chức Chủ tịch nước và cùng năm đó, một ông họ Lê khác trở thành Tổng Bí thư trong một Hội nghị Trung ương chứ không phải Đại hội Đảng – Lê Khả Phiêu.
Theo Lê Mai
nguồn:http://ttxva.org/bon-ong-ho-le-phan-3/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001