Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước  


Phương Bích 

Hôm đọc bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của bác Nguyễn Khoa Điềm, tôi nghĩ bác ấy đã nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi. 

Bấy lâu nay tôi cũng như nhiều người chỉ biết than thở với bạn bè, mượn câu trong bài học ngày xưa, rằng chúng ta “sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Những tưởng chiến tranh qua lâu rồi thì đất nước thái bình, yên vui, cuộc đời sẽ ấm no hạnh phúc. Vậy mà hễ cứ “mở mắt” ra là thấy tin cướp, giết, hiếp. Lên mạng nghe toàn chuyện buồn như đâu đâu cũng thấy dân bị cưỡng chế đất sinh nhai, đi kêu oan bị bỏ tù. Chuyện dân bị công an đánh chết cả ngoài đường lẫn trong đồn. Chuyện công an ngang nhiên nhận mãi lộ. Chuyện người ta đua nhau chạy dự án làm công trình thế kỷ này nọ để kiếm lời, bỏ qua chuyện không xa thủ đô, dân vẫn phải qua sông bằng đò kéo dây. Người nghèo ở các vùng sâu nghèo không thể nghèo hơn… Ti tỷ những nỗi buồn. 

Ngẫm ra người Việt Nam mình đi ra ngoài thế giới cũng đâu có kém cỏi gì, vậy sao lại bất lực ngay trên quê hương mình đến thế? Trước còn đổ tại chiến tranh liên miên khiến đất nước kiệt quệ, không thể phục hồi ngay được. Giờ chiến tranh kết thúc đã quá lâu, đất nước có bị tàn phá cũng không thể tàn khốc hơn Nhật Bản sau chiến tranh. Vậy mà ì ạch mãi vẫn chưa thoát nghèo. Có những số phận tưởng chừng như có độc lập hay không độc lập chả khác gì nhau, không thấy ấm no và hạnh phúc hơn chút nào. 

Đâu phải không có câu trả lời. Có quá nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng nếu như con người ta có thể tự do lựa chọn cho mình thì chả phải bàn. Không biết có ai ít nhất một lần trong đời, chưa từng đặt ra cho mình một câu hỏi, là tại sao ta lại không được quyền tự do chọn lựa không? 

Ai cũng hiểu phương pháp bẻ bó đũa. Một trong những giải pháp để đất nước lớn mạnh là tất cả người Việt cũng phải trở thành một bó đũa lớn như thế. Vì vậy, tư tưởng xóa bỏ hận thù đã được manh nha từ lâu ngay trong lòng thế hệ người Việt lớp trước. Một bài học lớn về lòng vị tha của người Mỹ đối với nhau sau chiến tranh. Một bài học khác về sự tàn ác, vô nhân đạo giữa con người với con người là cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Hai bài học đó quá đủ cho dân ta nhận thấy, con đường nào mình nên chọn. 

Thưc ra sau chiến tranh, không phải tất cả người Việt ở 2 phía đều căm thù nhau. Nếu không có chuyện phân biệt kẻ thắng người thua, không có chuyện “trừng phạt” dẫn đến thảm cảnh hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, gây nên oán thù suốt mấy chuc năm qua làm chia rẽ lòng người, thì nước Việt ta biết đâu sẽ lớn mạnh chả kém gì nước Nhật, hay Mỹ? 

Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau. 

Đây hoàn toàn không phải là sự thỏa hiệp. Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc. Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình. 

Trên mạng mới đây xuất hiện một clip do một nhóm trẻ thực hiện, nói về sự hòa giải. Ý nghĩa tích cực của clip này rất đáng được lắng nghe. Chắc chắn nhiều người sẽ rất mừng khi thấy lớp thanh niên ngày nay, vẫn còn nhiều người đang sống có trách nhiệm với tương lai như thế. 

*Chuyện ngoài lề: 

Hôm sang Văn Giang nhân kỷ niệm một năm cưỡng chế đất (ngày 24/4), trời rất nắng. Tôi đang kêu nóng quá thì mấy bà mấy bác bảo, ăn thua gì, năm ngoái khi cưỡng chế còn nắng nóng hơn thế này. Thế mà “bọn nó” phải mặc áo giáp dày hự chạy hùng hục trong làng, mồ hôi mồ kê túa ra đầm đìa. 

Tôi cười bảo, thực ra họ cũng khổ chứ chả riêng dân mình. Có oán là oán cái kẻ ra lệnh, chứ bản thân họ cũng chẳng có sơ múi gì từ mảnh đất này. Còn đương nhiên cũng có những kẻ có máu côn đồ trong đó, mới có gan đánh đập bà con nông dân mình như thế chứ. 

Mấy bà mấy bác đều bảo, ừ đúng rồi, chúng nó cũng chỉ là thằng lính thôi.
nguồn:http://quechoa.vn/2013/04/28/hoa-giai-dan-toc-cung-la-chuyen-cua-nguoi-viet-trong-nuoc/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001