Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

GẶP GỠ THÁNG TƯ 
ĐIỆN TỬ TỔ QUỐC: Minh triết của cổ nhân để đời một câu bất hủ: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Bởi vậy lịch sử dù có cuồn cuộn hay thầm lặng chảy nó cũng không bao giờ lặp lại y nguyên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Lịch sử lạnh lùng và mặc nhiên đi qua thời gian với những chứng cứ, chứng tích không thể nào bác bỏ được. Nó chính là sự thật. 
Lịch sử cũng gắn liền với mỗi cá nhân trong dòng chảy lịch sử đó. Họ là những chứng nhân lịch sử từ một góc nhìn nào đó và mỗi lần hồi tưởng là mỗi lần lật giở lại những văn bản ký ức.
Nhà báo Trần Mai Hạnh là một nhà báo có nhiều tư liệu quý về hình ảnh 38 năm về trước của giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975. Những tư liệu quý, nhiều tư liệu chưa được công bố này cũng hiếm hoi và tương đối cá biệt như số phận của ông. Những gì phải đến sẽ đến và những gì còn mãi vẫn sẽ còn mãi. Đó là quy luật và cũng là sự tán dương của thời gian…
                                                                 
*  
Buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh từ Sài Gòn điện ra, bài báo đồng thời được đăng trên Báo Nhân dân với đầu đề “Tiến vào Phủ tổng thống Ngụy”. Như một cơ duyên, 21 năm sau (1996) nhà báo Trần Mai Hạnh trở thành Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sáu năm may mắn làm việc dưới quyền ông, gặp lại ông giữa những ngày tháng tư trong cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình tôi đã hỏi ông nhiều điều mà dư luận quan tâm. Hơn một thập kỷ, kể từ “tai họa nghề nghiệp” kinh hoàng với bao hệ luỵ phải gánh chịu, đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc và trả lời phỏng vấn của một nhà báo. Được sự đồng ý của ông, nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013) xin chuyển đến bạn đọc cuộc trò chuyện này…

Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh (trái) và Tổng biên tập Báo VOV Đoàn Quang, ngày 20/4/2013, dưới chân Cột Cờ Hà Nội (ảnh: Trube)
* Đầu tiên xin hỏi, giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975 may mắn được chứng kiến và bài báo được viết ngay tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử ấy giữ vị trí thế nào trong đời sống tâm hồn ông?
Đã ba mươi tám năm. Bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy. Riêng với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng  được chứng kiến, mà còn có cả những tai họa, những bi thảm tột cùng phải gánh chịu. Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận khi vướng vòng lao lý, chính thời khắc huy hoàng trưa 30/4/1975 được chứng kiến và bài tường thuật đầu tiên của tôi về phút giây lịch sử tại Dinh Độc lập đã giúp tôi bình tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này.
* Hình ảnh đậm nét nhất trong tâm trí ông khi hồi ức về thời khắc lịch sử huy hoàng 30/4/1975 là gì?
Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập mà tôi may mắn có mặt, không hiểu sao bao giờ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi cũng là khung cảnh đêm 29/4, đêm cuối cùng của chiến tranh.
Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Văn Bảo, phóng viên nhiếp ảnh của Việt Nam Thông tấn xã bị bỏ lại quá xa vì xe máy thủng lốp, không tìm đâu ra chỗ vá xăm. Cả nghìn cây số dọc đường chiến tranh, bom rơi đạn nổ, bao hiểm nguy rình rập, bao tình huống tưởng không thể khắc phục rồi cũng vượt qua. Chúng tôi đã từng chạy bộ đẩy xe cả chục cây số dưới trời trưa nắng như đổ lửa để giúp lái xe vượt qua những trảng cát ngút ngàn. Chúng tôi đã từng vào làng mượn thuyền của dân buộc ghép lại thành chiếc phà tự tạo có một không hai, cho ô tô bò lên rồi bơi đẩy cả thuyền và xe chòng chành vượt sông khi cầu bị địch phá hủy. Chúng tôi từng hút chết giữa đêm trên “đường số 7 kinh hoàng” ngổn ngang xác địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng, khi quả bom sót lại bên đường phát nổ, khói bụi trùm phủ tất cả. Chúng tôi đã có những giờ phút cực kỳ hoành tráng khi các chiến sĩ pháo binh bất ngờ đón bằng xe bộ đàm đi trước, xe tiểu đội bảo vệ súng đạn đầy mình đi ngay phía trước và phía sau hai chiếc Uoát của chúng tôi. Các chiến sĩ đã đón nhầm anh Đào Tùng, Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã vì cứ ngỡ anh là Trung tướng Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của mình… Giờ đây, đêm cuối cùng của chiến tranh, tôi đã ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. Ai trong số hàng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí may mắn có mặt đầu tiên để bấm máy và viết bài tường thuật về Sài Gòn trong những phút giây lịch sử? Tôi thao thức, xúc động và hy vọng…

Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng (giữa) cùng hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bìa phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975
* Như vậy, ông may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu với tư cách là đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã?
Tôi đi trong đoàn công tác đặc biệt của VNTTX được thành lập ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột do đích thân TGĐ Đào Tùng dẫn đầu. Đoàn rời Hà Nội sáng ngày 2/4/1975, sau các mũi phóng viên đã xuất phát trước đó một tuần, trên hai chiếc xe Uoát của Liên Xô mới tinh, mầu nòng súng. Trước giờ xe nổ máy, ông Đỗ Phượng, Phó TGĐ VNTTX, người trực tiếp tuyển chọn, ký quyết định cử tôi đi trong đoàn anh Đào Tùng xiết chặt tay tôi dặn dò: “Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa”.
Nhà báo Trần Mai Hạnh (thứ hai từ phải sang) và các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4/1975
* Bài tường thuật đầu tiên ông viết “ra đời” như thế nào?
* 5 giờ sáng ngày 30/4 chúng tôi được lệnh lên đường, bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới trên 50km/ giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường…
Khoảng 11giờ 45 phút trưa 30/4/1975 tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng em ruột tôi, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành… đi theo sư đoàn 304 và lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975” Trần Mai Hưởng chụp được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng. Tôi tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?… rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là đại úy, trung đoàn phó trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Đinh Độc Lập)… Sau khi viết xong bài tường thuật, tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, cứ loanh quanh ở Việt tấn xã ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các đồng chí điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng- ten bắt được liên lạc tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh.
Sau này tôi được biết tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập cùng đi trong đoàn đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để anh Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh mooc từng chữ, chữ “a”, chữ “b”, chữ “c” nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”, nhưng do quá khuya nên Báo Nhân dân ra sáng 1/5/1975 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu đề là “Tiến vào Phủ tổng thống ngụy”.
* Ông ký tên thế nào dưới bài tường thuật?
Như những tin, bài viết cho VNTTX, theo qui định, tôi chỉ ghi hai chữ: “Mai Hạnh” ở cuối bài. Nhưng khi trực tiếp duyệt lại, trước khi điện chuyển tiếp về Hà Nội, TGĐ Đào Tùng đã ghi rõ ngay dưới tít bài báo: Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn. Vì vậy, bài đọc trên Đài TNVN cũng như đăng trên Báo Nhân Dân đều ghi tên tác giả đầy đủ như vậy.

Giấy công tác đặc biệt Ủy ban Quân quản TP.Sài Gòn- Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975

Phù hiệu Phóng viên tại Lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản TP.Sài Gòn- Gia Định sáng 7/5/1975
* Sau khi điện báo viên chuyển bài tường thuật, ông làm gì?
Tối 30/4/1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn. Tôi cứ trên ô tô đi hết đường này tới khu khác, say sưa ngắm Sài Gòn trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã thì đã quá nửa đêm. Sáng sớm 1/5/1975, việc đầu tiên tôi làm và kết quả thật nhanh chóng. Đó là “GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT” của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định cấp, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. “GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT” ghi cả số khẩu súng ngắn K54 mà tôi được cấp từ Hà Nội. Đó có lẽ là chiếc thẻ nhà báo đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố.
Trong lúc tôi xin “GIẤY CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT” của Ủy ban quân quản, thì theo chỉ thị của anh Đào Tùng, anh Văn Bảo đã kiếm được địa điểm làm trụ sở cho Phân xã VNTTX tại Sài Gòn. Anh cắm cờ Mặt trận vào cổng ngôi nhà đó và kiếm miếng bìa treo lên với dòng chữ viết tay của anh: “Cơ quan Việt Nam thông tấn xã tại Sài Gòn”. Nhờ biết lái ô tô, anh Văn Bảo đánh mấy chiếc ô tô cực xịn vứt bỏ quanh khu vực Dinh Độc Lập, trong đó có chiếc xe Zeep mới tinh, màu trắng chuyên làm nhiệm vụ hộ tống “tổng thống” ngụy về ngôi biệt thự mà anh vừa kiếm được và nhanh chóng “tuyên bố chủ quyền”. Cũng tại đây, ngày 1/5 tôi đã gửi một bức điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với anh Đào Tùng.

Bản lưu của điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng nhận bức điện do phóng viên Trần Mai Hạnh đánh đi từ Sài Gòn chiều 1/5/1975
* Mới 32 tuổi ông đã chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, ngay sáng hôm sau đã nghĩ tới việc xin “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban quân quản, rồi kiếm trụ sở và ngay chiều 1/5/1975 đã điện đi từ Sài Gòn bức điện cũng rất đặc biệt. Ông có còn lưu và có thể cho biết nội dung bức điện đó?
* Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập VNTTX cùng đi trong đoàn được anh Đào Tùng giao đã lưu giữ suốt 31 năm, và trao lại cho tôi đúng sáng ngày 30/4/2006, tại cuộc gặp mặt cán bộ, phóng viên TTXVN từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do ông Đỗ Phượng, nguyên TGĐ TTXVN chủ trì. Bức điện do điện báo viên TTXGP nhận, viết tay trên giấy đã ố vàng, bút tích có ghi:
“Hỏa Tốc.
Kg Anh Hai Đào
Nhận lúc 16 h , 1 – 5
Đã gọi điện ngay sang B22
để b/c điện này song o liên lạc đc”
Bức điện ở thời điểm lịch sử ngày ấy, hiện tôi đang lưu giữ, nội dung như sau:
“Điện anh Hai Đào Tùng
Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng
và xin được 3 xe ô tô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư
ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ
nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm… về ở cả
đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh
cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1, 2 ngày
tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân.
Sài Gòn 1 – 5 – 75
Mai Hạnh”
* Ông biết bài tường thuật của mình được báo, đài sử dụng thời điểm nào, và trong bối cảnh nào?
Trưa 1/5/1975, tôi và Văn Bảo với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau bản tin đặc biệt của TTXGP: “Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”, Đài đã đọc trang trọng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của tôi. Âm thanh rađiô được mở hết cỡ, bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa chào đón của Sài Gòn giữa trưa nắng đẹp chan hoà của ngày Quốc tế lao động 1/5 đầu tiên đất nước thống nhất.
 * Sau giải phóng, ông ở lại Sài Gòn bao lâu?
Chỉ hơn một tháng, ngày 6/6/1975 tôi đã tạm biệt Sài Gòn về Hà Nội.
Thời điểm ấy mọi người háo hức tìm cách vào Sài Gòn, chuyển hẳn gia đình vào đó sinh sống, sao ông lại vội vã trở ra Hà Nội?
* Phân xã VNTTX tại Sài Gòn được thành lập ngay sau ngày giải phóng. Anh Phạm Vỵ  cùng đi trong đoàn anh Đào Tùng với tôi được cử làm Trưởng phân xã. Tôi và Trần Mai Hưởng, em ruột, cùng là phóng viên VNTTX, cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 nên Bộ biên tập quyết định Mai Hưởng khi đó mới 24 tuổi, chưa lập gia đình ở lại làm phóng viên Phân xã VNTTX tại Sài Gòn, còn tôi ra nhận nhiệm vụ mới ở Tổng xã Hà Nội.

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc lập sáng 7/5/1975, sau Lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản TP.Sài Gòn- Gia Định
* Ông trở ra Hà Nội bằng đường không hay đường bộ? Chuyến đi có gì đáng nhớ?
Không, tôi trở ra bằng đường biển, trên tầu Đồng Nai, và đó là chuyến tầu biển đầu tiên chạy từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng. Sở dĩ ra đường biển vì khi đó anh Đào Tùng muốn chở chiếc xe Zeep màu trắng, mới tinh của phủ “Tổng thống” ngụy mà anh Văn Bảo thu được về Hà Nội vừa để phục vụ cơ quan vừa lưu lại một kỷ  vật đáng nhớ của chiến dịch lịch sử này. Mọi thủ tục an ninh và hải quan tại Thương cảng Sài Gòn đã hoàn tất, nhưng trong văn bản cuối cùng xác nhận những thiết bị, phương tiện tôi được phép mang theo do Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn- Gia Định Phạm Kim Thảo ký ngày 30/5/1975, chiếc xe Zeep bị gạch khỏi danh mục. Những giấy tờ liên quan ngày ấy, hiện tôi vẫn lưu giữ. Trong bản kê khai hải quan đồ dùng cá nhân của tôi ngày ấy ghi rõ và chi tiết đến mức: “1 đài bán dẫn HITACHI, 1 máy ghi âm SONY, 1 máy chữ xách tay ROYAL, 2 áo trẻ con, 4 quần lót phụ nữ… ”. Hồ sơ, tài liệu thu thập được trong chiến dịch, trong đó có cả nghìn lá thư để đầy một ba lô.
* Ông có thể nói thêm về chiếc máy chữ và tài liệu thu thập được trong chiến dịch?
Đó là chiếc máy chữ xách tay xinh xắn còn mới nguyên, hiệu ROYAL của Mỹ tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tôi đã dùng để đánh tin, bài những ngày ấy, kể cả việc giúp TGĐ Đào Tùng khởi thảo Diễn văn khai mạc và bế mạc của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn- Gia Định đọc tại Lễ mít tinh và diễu binh lịch sử mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn. Ngày ấy, máy chữ xách tay cực hiếm và là mơ ước của những người làm báo, viết văn. Giấy chứng nhận của Bộ biên tập VNTTX cho phép tôi mang ra Hà Nội và sử dụng chiếc máy ROYAL, số máy NC 8053843 tôi còn giữ, nhưng máy chữ hiện không còn. Nguyên do năm 1981, do hàng xóm bất cẩn làm can xăng hơn 20 lít bốc cháy, hỏa hoạn thiêu rụi nhà tôi, đồ đạc cháy sạch, trong đó có cả bản thảo tôi viết tay bài tường thuật đầu tiên hoàn thành lúc 14 giờ chiều 30/4/1975 và hơn 1000 lá thư của binh lính Sài Gòn và nhiều gia đình trong các thành thị miền Nam viết ngay trong những ngày đó mà suốt chặng đường chiến dịch bám sát các binh đoàn chủ lực từ Huế vào tận Sài Gòn tôi đã sục sạo, thu thập được. Họa vô đơn chí, đúng lúc ấy vợ chồng tôi mất cắp cả hai chiếc xe đạp, tôi đành lòng bán chiếc máy chữ ROYAL kỷ vật của mình mà chỉ đủ tiền mua chiếc xe đạp Thống Nhất.
Tài liệu thu thập, chỉ riêng những bức thư tên thật, người thật phản ảnh cả nghìn số phận, tâm trạng thật của con người trước một biến cố trọng đại của lịch sử, nếu không bị thiêu cháy thì tập hợp, chọn lọc và biên tập đã được một cuốn tiểu thuyết giá trị. Một số tác phẩm văn học của tôi đã xuất bản: “TÌNH YÊU VÀ ÁN TỬ HÌNH” (NXB Thanh Niên), “SỤP ĐỔ VÀ TỰ THÚ”, “NGÀY TẬN THẾ” (NXB QĐND). Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA” tôi đã cơ bản hoàn thành, năm 2000 tiểu thuyết được báo Văn nghệ đăng nhiều kỳ và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc dài kỳ trong buổi đọc truyện đêm khuya. Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, tôi bị vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại.
* Hai anh em ruột cùng là phóng viên VNTTX tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam,  Trần Mai Hưởng em ruột ông trước khi nghỉ hưu là TGĐ TTXVN – hãng thông tấn chiến lược của nhà nước. Nghề báo mang lại cho ông và gia đình nhiều vinh quang?
* Nhiều vinh quang nhưng cũng không ít cay đắng. Sau “tai họa” năm 2002, trong những cuộc gặp mặt, giao lưu với các phóng viên từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài lời kể của anh Văn Bảo về chuyến đi của hai anh em tôi, không ai nhắc đến số phận của bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút trọng đại vào trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập nữa. Nhân tình, thế thái và xã hội đã nhiều đổi thay. Có những thời điểm, con người không những chỉ cần phải im lặng mà còn cần phải biết cách im lặng thế nào, và có những điều phải im lặng đến suốt đời.
Nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà báo Trần Mai Hưởng chụp tại Huế sáng 4/4/1975
Gần đây, trong bài viết của mình, một Tổng biên tập công khai bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ về tài năng viết báo cũng như làm báo của ông và nói từ lâu nung nấu ý định viết về ông. Nhưng chưa thấy bài báo đó?
Tôi rất cảm động cám ơn đồng chí Tổng biên tập đó, nhưng nghĩ rằng cần phải biết chờ đợi thêm nữa.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn báo chí?
Đúng vậy, mười năm qua tôi lặng lẽ sống, làm việc với chức phận và tâm thế của một cán bộ hưu trí.
* Ông vẫn viết báo, viết văn?
Sau “tai họa” 2002, tôi viết báo với bút danh Trần Nhật Thi. Nhiều bài được dư luận quan tâm: “Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu” (Lao Động); “Nụ cười, nước mắt nông dân”, “Cảm động một dòng chảy thông tin”, “Hãy xử sự vì lợi ích xã hội” và nhiều bài khác trên Báo Tiếng nói Việt Nam, nay là Báo VOV… Tên “Trần Mai Hạnh” ký dưới các bài báo và sáng tác văn học được tôi dùng lại từ 2010.
* Trải nhiều sóng gió thăng trầm, điều ông chiêm nghiệm là gì?
Cái còn lại mãi là sự tử tế và tình người. Giữa những ngày tháng tư, lại ngồi trò chuyện với anh về thời khắc huy hoàng 38 năm trước, tôi không khỏi bùi ngùi. Anh Đào Tùng, thủ trưởng kính mến của tôi, anh Văn Bảo, anh Lâm Hồng Long, anh Lam Thanh và nhiều phóng viên VNTTX từng cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nay không còn nữa. Con gái đầu lòng mới 2 tuổi khi tiễn tôi đi chiến dịch ngày ấy, giờ đã là một nữ nhà báo trưởng thành được Chủ tịch nước gửi Thư khen và được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vợ tôi khi ấy là một nữ sinh Văn khoa Hà Nội mới ra trường, nay đã là cô giáo về hưu, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Thời gian trôi chảy, tàn phai, không ai níu kéo mãi được. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai…
Ông có thể nói đôi lời về “tai họa” đã qua, cũng như về Báo Tiếng nói Việt Nam năm nay tròn 15 tuổi mà ông là người sáng lập?
* Xin anh vui lòng để câu chuyện này tới một dịp thích hợp khác.
TTXVN gắn bó với đời làm báo của ông. Kỷ niệm nào sâu nặng nhất, thưa ông?
30 năm gắn bó, kể từ ngày rời mái trường Đại học Tổng hợp Văn, TTXVN với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Trong Lời cuối cuốn tiểu thuyết lịch sử “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA” đã hoàn thành đăng Báo Nhà Báo & Công Luận tháng 4/2011 tôi đã bày tỏ tới cố TGĐ TTXVN Đào Tùng và nguyên TGĐ TTXVN Đỗ Phượng – thủ trưởng kính mến trực tiếp, vừa là người anh vừa là người thầy trong nghề báo của tôi lòng biết ơn sâu sắc nhất. Tháng 7/2011 khi tìm lại được Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng và Giấy giới thiệu công tác của tôi do đích thân đồng chí Hồ Hữu Phước, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ký ngày 7/12/1969 gửi Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã được lưu giữ và bảo quản vĩnh viễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, tôi đã chạy thẳng tới báo cáo ông Đỗ Phượng và ông Đinh Trọng Quyền, Bí thư  chi bộ đảng Tổ phóng viên VNTTX tại chiến trường Quảng Đà thời ấy. Ông Quyền là người giới thiệu và đọc quyết định kết nạp tôi vào Đảng. Ông Đỗ Phượng, ông Đinh Trọng Quyền đã ôm tôi rất chặt, những giọt nước mắt tôi tưởng mình không bao giờ khóc được nữa đã lặng lẽ rơi.
Ông có thể nói kỹ hơn về câu chuyện đáng quan tâm này?
* Trong bài “Máu và nước mắt còn đây” đăng trên Báo Văn nghệ tháng 9/2012, được Đài TNVN phát lại, được Báo Điện tử Tổ Quốc và Báo NB&CL giới thiệu trong mục “Bài báo được dư luận quan tâm”, tôi đã viết về câu chuyện này. Tôi nghĩ, nói như vậy là đủ.
* Ông là sinh viên Đại học Tổng hợp Văn, với gần 50 năm làm báo nhiều sóng gió thăng trầm, đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, xin hỏi ông: “Danh ngôn nào của các nhà tư tưởng – văn hóa ông tâm đắc nhất?”
Tôi nghĩ, sự thật là tài sản quý giá nhất. Jose Hernandez, nhà thơ lớn của Achentina nói rằng: ”Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu xa rằng, sự thật dù có bé nhỏ, mảnh mai như một sợi tóc cũng không dễ xóa bỏ.
* Xin cám ơn ông đã mở lòng trong cuộc trò chuyện thân tình này!

ĐOÀN QUANG
Tổng biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam (VOV)
nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/04/28/gap-go-thang-tu/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001