Tôi tặng những dòng tâm tư này cho blogger AnhVu của Vũ Thị Phương Anh. Đọc những ký ức buồn của chị, tôi cảm thấy có chung một niềm đồng cảm sâu sắc với những người ở phía “Thua toàn tập”. Đó là nhân dân chứ chẳng phải một thế lực chính trị nào khác như có người từng nói. Và tôi, chị đều là những người thua cuộc.
30/4 - Với tôi, từ rất lâu đó chỉ là ngày nghỉ. Không phải tôi lãng quên những người đã chết trong cuộc chiến tranh này, cho dù họ là người lính hay dân thường, miền Nam hay miền Bắc. Hồi còn bé, tôi đọc “Hội chợ phù hoa” và nhớ một đoạn văn đại ý nói rằng, trong một cuộc chiến, khi người lính này đâm lưỡi dao vào ngực đối phương, thì cũng đồng thời đâm lưỡi dao đó vào ngực một người mẹ ở bên kia chiến tuyến. Thế nên tôi sớm có cái nhìn khác về những người ở “phía bên kia”. Thực lòng tôi vui mừng khi người ta nói sẽ không có tắm máu.
Chiến tranh kết thúc không có nghĩa là đau khổ đã chấm dứt. Nó rẽ sang một ngả đau thương khác. Đúng là không có tắm máu. Nhưng người ta không chết ngay bởi súng đạn, mà là chết từ từ. Cái chết này còn kinh khủng hơn nhiều. Sau này khi cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức ra đời, một người bạn trên facebook đọc đến chương “Thăm nuôi” thì nghẹn ngào thốt lên: Ui! Bao nhiêu kỷ niệm đau thương ùa về. Tiếng kêu của bạn tôi như một vết cứa vào lòng.
Tôi có đọc một vài cuốn truyện như “Người có trái tim chó” của Nga, “Sống chết ở Thượng Hải”, “Báu vật của đời” của Trung Quốc, “chuyện làng Cuội” của Việt Nam. Dường như cách hành xử của người công sản ở nước nào cũng giống nhau cả. Tôi không lạ, nhưng chắc chắn không biết được hết, cũng không thể cảm nhận được những gì mà con người vẫn còn phải chịu đựng sau chiến tranh. Không có cách gì lý giải được việc sau chiến tranh, lòng người còn tan hoang hơn cả đất nước bị tàn phá bởi bom đạn. Không chỉ người miền Nam tiếp tục rời bỏ quê hương, mà người miền Bắc cũng ra đi.
Tôi không có ý định kể lại chuyện quá khứ. Nhiều người cũng đã muốn khép lại nó. Người ta nói nhiều hơn đến hòa giải hận thù giữa bên “Thắng” và “Thua”. Nhưng thực khó khi cả hai bên vẫn còn không ít người chưa thực sự mở lòng. Bên “Thua” nhất định giương lá cờ 3 sọc, đòi xóa bỏ chế độ cộng sản đang thống trị,. Bên “Thắng” tệ hơn, cứ gần đến ngày 30/4 hàng năm là toàn bộ hệ thống truyền thông lại ra rả ca ngợi “chiến thắng”.
Có người bảo, tôi chả thích cả cờ đỏ sao vàng lẫn cờ vàng ba sọc. Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác. Tôi cũng nghĩ như vậy, cần có một màu cờ khác để dung hòa hơn là cứ ngồi tranh cãi nhau cho đến chết. Việc kẻ đang khua chiêng gõ mõ chưa hẳn là để khoe mẽ mà có khi chỉ là che giấu nỗi sợ hãi nào đó ở bên trong.
Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001