Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Lan man tháng tư và những dòng thơ sáu chữ 


Vũ Thị Phương Anh

Tặng các bạn của tôi, nhất là những người mà trong cuộc chiến đau thương ấy số phận đã đặt đứng ở bên kia chiến tuyến đối với tôi. 

Entry này rất dài, tôi đã bắt đầu viết từ hôm qua mà đến giờ, bước sang ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 dài 5 ngày tôi vẫn chưa viết xong. Vì viết xong lại xóa, xóa xong lại viết, trở đi trở lại nhiều lần. Chưa có bao giờ tôi viết blog lại khó khăn đến thế.Ban đầu, thực ra tôi chỉ định viết về thơ sáu chữ thôi, là loại thơ mà tôi rất thích, để nối tiếp chủ đề “Thơ lục ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn”  mà tôi đã đăng lên cách đây hai ngày. Vì viết về thơ sáu chữ nên tôi  định bụng thế nào cũng giới thiệu bài thơ “lục ngôn tứ tuyệt” (ừ thì cũng cho tôi dùng tiếng Hán chút cho nó… oách chứ) vào năm tôi 15 tuổi, một bài dở òm nhưng tôi viết với đầy cảm xúc, vào những ngày tháng Tư cách đây 38 năm. Vâng, bài thơ sáu chữ đầu tiên mà có lẽ cũng là duy nhất của tôi đã được làm vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vào tháng Tư năm 1975.
Tất nhiên bài thơ ấy ắt phải có liên quan đến cuộc chiến, dù rất gián  tiếp. Nên trong những ngày này, khi những ký ức của cuộc chiến tranh ấy ùa về một cách vô thức, thì tôi không thể không nhớ và nghĩ về cuộc chiến, dù ký ức ấy chẳng vui gì. Vì vậy, bài viết của tôi ban đầu chỉ muốn nói về thơ, nhưng cuối cùng lại trở thành một bài lan man những ký ức tản mạn về tháng Tư và về cuộc chiến đau thương, dù trước đó tôi đã tự nhủ rằng năm nay tôi sẽ không viết vể tháng Tư nữa. Vì gì muốn nói có lẽ tôi cũng đã nói hết rồi.
Cuối cùng, tôi quyết định chiều theo sự đẩy đưa của trí nhớ, để ký ức dẫn mình đến đâu thì mình sẽ viết đến đấy. Nên bài viết của tôi có cái tựa “lan man”, là như vậy.
Tờ lịch tháng Tư của VN có ngày lễ lớn 30/4. Cũng như mọi năm, năm nay dù có kỳ nghỉ dài hiếm hoi đến 5 ngày nhưng tôi chẳng đi đâu, vì nhiều lẽ. Thông thường, bao giờ cũng thế, tôi thường tránh đám đông, nên các ngày nghỉ chỉ ở nhà nghỉ ngơi đọc sách nghe nhạc, hoặc viết lách làm thơ, chứ ít khi đến những nơi vui chơi đông đúc.
Riêng dịp 30/4 thì tôi còn một lý do quan trọng khác, đó là đối với gia đình tôi (và nhiều người thuộc bên thua cuộc khác) đây không thể là một dịp để ăn mừng, vui chơi, hay sung sướng gì cả.  Đơn giản là vì ở miền Nam, những ngày này có quá nhiều kỷ niệm đau buồn, chết chóc, những điều cần suy nghĩ và tranh luận, về những sai lầm của quá khứ và cả những hy vọng cho tương lai, nếu bạn còn giữ được chút lạc quan rất cần để sống ở VN.
Những suy nghĩ và thói quen về dịp 30/4 của tôi bắt đầu từ hồi tôi còn ở nhà với bố mẹ ruột. Tôi lập gia đình cuối năm 85 (khoảng gần 2 tháng sau ngày đổi tiền),  nên cho đến khi lấy chồng thì tôi đã trải qua 10 dịp “lễ” 30/4 với bố mẹ và các em. Trong 10 năm ấy, gần như đã trở thành truyền thống, cứ đến trưa ngày 30/4 gia đình tôi lại tụ họp đông đủ vì ai cũng được nghỉ; mẹ tôi sẽ nấu một món ngon, có chất hơn ngày thường. Rồi trong bữa ăn, vô tình hay hữu ý, câu chuyện thế nào cũng dẫn đến những ký ức không bao giờ quên được của ngày 30/4, ngày mà bố mẹ tôi phải hoàn toàn chia tay hai đứa con lớn vì anh chị tôi đã đi di tản vào chiều ngày 29/4/1975, chỉ nửa ngày trước khi miền Nam “được hoàn toàn giải phóng”.
Ngày mà sau đó thì anh chị em chúng tôi khi đi thi đại học, xin học, chuyển/ nhập hộ khẩu, xin việc làm thì dường như đều khó khăn hơn người khác, chỉ do một cái tội: con cái của ngụy quyền!
Câu chuyện trong bữa ăn trưa ngày 30/4 của gia đình tôi sau đó đưa  đẩy đến số phận những con người bà con, hàng xóm của gia đình tôi, đặc biệt là những người vắng mặt – vắng vì đã chết trong chiến trận thì ít, mà vắng vì đi học tập cải tạo, đi vượt biên đã thoát sang một nước thứ ba hoặc còn đang ở trong trại tị nạn ở Thái Lan, Indo, Singapore, v.v. thì nhiều, thậm chí có cả những người vắng vì mất tích (= chết mất xác), vắng vì đang ở trong tù do bị bắt giữ khi vượt biên… Và cuối cùng, câu chuyện trong bữa ăn bao giờ cũng là những lo toan cho cuộc sống hiện tại, và tương lai bất định đang đợi chờ chúng tôi trong những ngày ấy.
Cái không khí ấy của 10 đầu sau năm 75 sống chung với bố mẹ ruột đã hình trong tôi một “truyền thống” hay đúng hơn là một nếp gấp trong ký ức về một không khí ảm đạm, đau buồn, lo lắng trong dịp lễ 30/4, dù không bao giờ là thù hận. Bởi vì không giống với một số người khác, bố mẹ tôi rất cố gắng không làm gì để tạo cho con cái một sự oán ghét đối với chế độ mới.
Những khó khăn của cuộc sống hàng ngày hầu như bố mẹ tôi không bao giờ nói ra cho chúng tôi biết, không bình phẩm gì về chế độ mà chỉ giữ thái dộ ôn hòa, còn nếu bao giờ nói gì thì chỉ cố gắng chỉ ra những mặt tốt hoặc tất yếu của những quyết định của “chính quyền cách mạng” mà thôi. Sau này tôi hiểu, bố mẹ tôi làm điều đó vì ý thức rằng tạo cho con cái sự oán hận đối với cuộc đời thì điều đó có hại cho chính chúng tôi trước, vì không ai có thể sống và phát triển bình thường với một tâm hồn chất chứa đầy oán hận.
Nhưng chúng ta hãy quay trở lại với thơ sáu chữ. Chẳng hiểu sao, đối với tôi, nhắc đến chiến tranh VN và những ngày xa xưa thời VNCH, thì tôi lại nhớ ngay đến thơ sáu chữ. Nói một cách văn vẻ thì thơ Đường luật đối với tôi là biểu tượng cho sự phát triển cực thịnh của thời phong kiến, với những bài thơ với niêm luật chặt chẽ, đọc lên nghe cổ kính, trang nghiêm dù luôn phảng phất một chút buồn của một thời dã qua; thơ lục bát là biểu tượng của văn hóa dân gian VN với tất cả sự linh hoạt, nhẹ nhõm và  bền vững của nó, thì thơ sáu chữ chính là biểu tượng của thời VNCH, dù tại sao như thế thì tôi không rõ.
Có thể những người có hiểu biết sâu sắc về thơ văn như anh GNLT hẳn sẽ phân tích được cho tôi biết cảm nhận mà tôi sắp tả có đúng chút nào với lý luận hoặc nghiên cứu văn học hay không. Nhưng với tôi thì thơ sáu chữ luôn gợi cho tôi một cái gì đó còn dở dang, chưa hoàn tất, một ước vọng mơ hồ, như có như không, một sự khôn nguôi nuối tiếc…
Cũng có khi tôi có cảm giác đó là do chính nội dung của những bài thơ sáu chữ mà tôi đã được đọc. Bài thơ sáu chữ xuất sắc nhất của tiếng Việt (theo ý tôi) thì tôi đã đăng lên trong bài viết vừa rồi, bài Tình sầu, nói về một cuộc tình dở dang chưa trọn. Tôi cũng đã đọc được một bài thơ sáu chữ khác gồm nhiều khổ, nhưng thời ấy tôi chỉ là một đứa trẻ con, đọc được bài thơ thì thích nhưng không chép lại, cũng không chú ý tên tác giả hoặc tựa bài thơ, nên giờ đây tôi không còn cách nào để tìm ra được nữa.
Chỉ còn lại trong trí nhớ khốn khổ của tôi một khổ thơ cuối cùng của bài thơ, cũng nói về cái chết, lần này là cái chết của người lính Việt Nam Cộng Hòa, chết trận trong cuộc chiến khốc liệt ấy:
Một ngày rồi con sẽ về
Bên rừng cây già thương lá
Xác chôn mà hồn quặn thắt
Người giờ đã mất như mơ…

Đôi khi không phải là cả bài thơ sáu chữ, mà chỉ là những câu sáu lọt trong một bài thơ tự do, chỉ một câu thôi nhưng đối với tôi câu sáu vẫn luôn đem lại một cảm giác rất riêng, và luôn là một cảm giác dở dang chưa trọn. Ví dụ như trong bài Thi khúc say của Hà Thúc Sinh mà tôi rất thích, vì bài thơ viết về những người lính VNCH, với giọng thơ rất ngang tàng, rất “lính”, và tinh thần chán ghét chiến tranh, phản chiến là rất rõ:
Hành quân qua bến đò Mỹ ThuậnGặp bạn đánh chén say mèm ..

Cửu Long giang xa bến
Sẽ chẳng trở về đây
Chiến tranh hề gặp gỡ
Có chắc lần thứ hai?

Mai mỗi thằng mỗi ngả

Thằng Năm Căn, Cà Mau
Thằng Bình Dương, Bình Giả
Thằng địa ngục, thiên đường …

Hãy cười như họng súng
Bắn cuộc đời vỡ toang
Ha ha ha / như họng súng
Ha ha ha / đời vỡ toang … 

Những ngày tháng Tư năm 75 ấy, những đứa bé 15 tuổi như tôi cũng đã cảm nhận được vừa rất rõ nhưng cũng rất mơ hồ những gì đang diễn ra quanh mình. Trước đó, trong tháng Ba thì những trận đánh ở miền Trung, Tây Nguyên diễn ra dồn dập, và người dân ở miền Trung “chạy loạn” lũ lượt kéo nhau chạy về Sài Gòn. Mỗi ngày đi học, thầy cô giáo lại dừng lại nói với chúng tôi vài tin tức thời sự, để lại cho chúng tôi chút ít lo âu. Nhìn xung quanh, thấy mọi việc thật hỗn loạn.
Tôi vẫn nhớ ngày 8/4 lúc phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập (người mà mới đây đã có bài phỏng vấn trên báo SGTT với một sự thành thật hiếm có và đáng khâm phục), bọn tôi đang học ở trong lớp học thì nghe cô giáo bàng hoàng thông báo cho biết tin ấy (hình như là cô Diệp dạy Hóa học, tôi cũng không nhớ rõ nữa), và cô có nói: “Chỉ cần sai tọa độ một chút xíu thì trái bom ném vào Dinh Độc Lập hoàn toàn có thể rơi xuống trường mình và thầy trò đã chết sạch cả rồi”.
Rồi cô lặng đi một lúc khá lâu, và rất lạ là chúng tôi vốn thường ồn ào như chợ vỡ mỗi lần có thời gian chết, mà hôm ấy cả lớp cũng lặng đi theo cô, mỗi người như lo âu, toan tính một điều gì đó.
Lúc ấy chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của học kỳ hai thời lớp 9, mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi – của tôi – là khi lên lớp 10 sẽ chọn học ban gì. Lúc ấy, tôi học khá đều, vừa giỏi văn, ngoại ngữ mà cũng giỏi toán, còn ở nhà thì chia làm hai phe. Anh tôi thì muốn tôi học ban Toán, vì sau đó dễ chọn ngành nghề để đi làm, nhưng chị tôi lại muốn tôi học ban Văn, vì “hợp với nữ, nhẹ nhàng, không vất vả”, và tôi cũng thiên về phía chị tôi hơn vì tôi cũng rất thích (viết) văn, (làm) thơ.
Lẽ ra thì bọn tôi phải làm đơn đăng ký để chọn ban cho lớp 10, nhưng hình như sau ngày 8/4 đó mọi việc diễn biến rất nhanh và lạ lùng, và ký ức của tôi về trường, lớp của những ngày cuối tháng 4 hoàn toàn mất sạch, chỉ còn chứa những hình ảnh của lần “chạy loạn” cuối cùng vào ngày 30/4 mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.
Bài thơ sáu chữ duy nhất của tôi được làm vào những ngày cuối cùng ấy của VNCH, có thể vào đúng ngày bỏ bom Dinh Độc Lập. Tôi nhớ hôm ấy ba tôi đi làm về, có hỏi mẹ tôi có muốn làm hồ sơ xin đi di tản không, hình như ba tôi có thông tin từ tổ chức Caritas có thể đưa dân đi tỵ nạn chiến tranh (thì cuộc chiến ấy đang diễn ra ngay tại Sài Gòn rồi còn gì). Cuộc trao đổi giữa bố mẹ tôi có vẻ rất nghiêm trọng, với nhiều tiếng thở dài, và tôi nhớ có ai đó – không biết là mẹ tôi hay bố tôi – có nhắc đến ông nội còn ở ngoài Bắc…
Tôi cũng nhớ trước đó sau khi có Hiệp định Paris “chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình tại VN”, “ai ở đâu ở đó” (tức Việt cộng và VNCH phải ngưng bắn, mỗi người cai quản vùng mình đã kiểm soát được, không được xâm phạm nhau), bố tôi có một nhóm bạn trí thức đã có nhiều lần họp tại nhà tôi để tìm một giải pháp về “kinh tế thời hậu chiến” cho VN, trong đó tôi nhớ nhất là phải phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, v.v.
Tiếc rằng ước mơ hòa bình của VNCH chẳng kéo dài được bao ngày thì chiến trận lại trở nên khốc liệt đến tận cùng, đến nỗi có lúc đã có lệnh tổng động viên tất cả đàn ông VN (miền Nam) từ 17 tuổi đến 43 tuổi, mà năm ấy thì bố tôi đúng 43 còn anh tôi thì 17 tuổi! May quá là miền Nam lúc ấy không quyết định tử thủ, chứ nếu không thì cuộc chiến khốc liệt núi xương sông máu có lẽ vẫn còn dài!!!!
Quay lại bài thơ. Tối hôm sau ngày 8/4 ấy, tôi trằn trọc mất ngủ, như tôi thường xuyên mất ngủ. Mà mỗi lần mất ngủ vu vơ như vậy, thì tôi làm thơ! Tôi làm nhiều thơ, nhưng chủ yếu là thơ 7 chữ hoặc 8 chữ, còn nếu không thì làm thơ tự do tức là hoàn toàn tự do, câu dài ngắn tùy ý. Nhưng không hiểu sao lần ấy tôi lại làm một bài thơ sáu chữ, lần đầu tiên và là lần duy nhất cho đến giờ. Bây giờ đọc lại thấy nó rất dở, nhưng lúc ấy tôi đã làm nó với rất nhiều cảm xúc. Bài thơ ấy tôi làm cho cậu em út, vào năm 75 mới hơn 1 tuổi mà tôi rất thương và có khuôn mặt bầu bĩnh giống tôi hồi nhỏ, tên của cậu lại có lót tên tôi (Anh Tuấn) nữa chứ. Nói thêm, vì nhà tôi có đến 5 đứa con trai, nên lúc ấy mẹ tôi lúc nào cũng lo sợ các con lớn lên thì phải đi lính nếu cuộc chiến kéo dài.
Bài thơ ấy như thế này (và, các bạn còn nhớ luật đọc thơ trên bloganhvu không nhỉ, tôi xin nhắc lại nhé: “chỉ được khen, không được chê” – ngay cả khi chủ nhân của nó đã nói là “rất dở”).

Ru em ngủ giấc yên lành

Như màu lá mới còn xanh
Mai này rồi em khôn lớn
Xin cho đừng thấy chiến tranh …

Vâng, bài thơ chỉ có vậy thôi, mộc mạc và thô thiển, nhưng là của một đứa bé 15 tuổi của một đất nước khốn khổ với cuộc nội chiến tính đến lúc ấy đã là 21 năm. Một bài thơ phản chiến, và là một bài thơ sáu chữ. Sau này, tôi còn có một lần sử dụng kiểu thơ 6 chữ ấy một lần nữa khi dịch bài thơ “Ước mộng chưa thành” của Langston Hughes:
Sẽ là gì, những ước mộng chưa thành?

Sẽ như hoa lá úa tàn
Gượng cười trong nắng cuối xuân?

Sẽ như vết thương chưa lành
Còn đầy mủ máu hôi tanh?

Sẽ như chảo mứt qua đêm
Váng đường đóng dày trên mặt?

Hay chỉ là bao gạo nặng

Lặng yên nằm bẹp góc nhà?

Hay nổ tung thành bụi cát bay xa?

Bài thơ này cũng vậy, có chút gì bi quan, “ước vọng chưa/không thành”. Và bài thơ được viết (well, dịch) bằng những câu thơ sáu chữ, chỉ trừ câu đầu và câu cuối. Có phải nhịp điệu của thơ 6 chữ là bi quan không nhỉ? Tôi tự hỏi. Và có phải tại vì như thế mà tôi nghĩ đến nó như loại thơ đặc trưng cho VNCH chăng, dù tại sao thế thì tôi cũng hoàn toàn không biết!
Vâng, đây chỉ là một entry lan man của tôi vào cuối tháng Tư. Chúc  các bạn hữu của tôi, và cả những bạn vãng lai vào đây đọc blog, những lời chúc tốt đẹp nhất, và mong những ngày cuối tháng tư của VN trong tương lai sẽ chẳng có triệu người vui hay triệu người buồn nữa, mà chỉ có hàng triệu người thương nhau và cùng hát những bài hát mà TCS đã viết cách đây mấy chục năm rồi, ngay trong giữa cuộc chiến tranh máu đổ thịt rơi ấy:

Ta cùng lên đường, đi xây lại tình thương …

Các bạn nhỉ?

PS: Các bạn nghe bài hát mà tôi nhắc đến ở trên của TCS – Dựng lại người, dựng lại nhà – ở đây nhé:  
https://www.youtube.com/watch?v=2GtHUnY12WE

V.T.P.A.
Nguồn: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/04/lan-man-thang-tu-va-nhung-dong-tho-sau.html
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/46631
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001