Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Bằng cách nào, họ đến được đất tự do? (phần 1) 

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2013-04-29
000_APP2000052916857-305.jpg
Những người Việt Nam vượt biển được đưa vào bờ biển của Malaysia năm 1978
AFP photo
 Nghe bài này

Tải xuống - download
Biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân Việt sống trong giai đoạn này, ít nhiều đều bị cuốn vào vòng xoáy của thời cuộc, của những biến đổi đau thương.
Cũng từ đây, lịch sử hiện đại Việt Nam phải ghi nhận thêm một sự kiện đau đớn của dân tộc khi hàng triệu người dân chấp nhận làm thân phận của kẻ ly hương, rứt ruột rời xa gia đình, xa xóm làng, xa tất cả những gì thân quen nhất để tìm đường đến đất tự do.
Chuyến ra đi của mỗi người là một câu chuyện rất riêng, không ai giống ai, nhưng tất cả đều là một hành trình không quên trong cuộc đời của họ, dù thời gian hơn 30 năm đã trôi qua.

Tháng 4 định mệnh

Đào Nguyễn, hiện là một chuyên viên tài chánh đang sống tại Houston thuộc tiểu bang Texas, rời Việt Nam vài ngày 29 Tháng Tư năm 1975, khi vừa tròn 10 tuổi.
Theo Đào, chuyến đi định mệnh của cô “tương đối trôi chảy và ít nước mắt hơn so với rất nhiều người Việt khác”:
“Lúc bấy giờ tôi còn là một đứa nhóc tì nên hoàn toàn không có quyết định gì. Ai biểu đi thì đi, xách thì xách, khiêng thì khiêng.
Chiều ngày 29 tháng Tư năm ấy, ba tôi đưa gia đình đến bãi Sau Vũng Tàu để rời Việt Nam cùng với một số gia đình khác.
Nhìn hình ảnh của ba tôi từ từ nhỏ lại, xa dần, mờ dần rồi khuất hẳn, tôi cứ ngỡ ba sẽ đi sau bằng một chiếc tàu khác. Nhưng không ngờ ba tôi đã quyết định ở lại chọn con đường nghĩa khí cho riêng ông.
Tàu rời bến lúc 7 giờ chiều và đến 4 giờ sáng thì loa phóng thanh báo tin tàu bị bể bơm nước và kêu gọi đàn ông thanh niên phụ tát nước. Trời còn tối đen, lúc đó mọi người lo lắng tàu sẽ đắm.
Các bà thi nhau đọc kinh cầu nguyện như ri. May mắn lúc đó có một chiến hạm của Mỹ đi qua và cho tất cả lên tàu.
Nghĩ đến những người đi vượt biên rồi bị cướp bóc, hãm hiếp, hoặc bị rớt xuống biển tôi thấy đau xót quá bởi tự do của họ đã phải đổi bằng một giá quá lớn.- Đào Nguyễn, Texas
Từng người một leo lên cái thang dây trong tiếng la hét, khóc lóc. Một số bà mẹ, trong đó có mẹ của tôi réo gọi con cái mang theo hành lý leo lên.
Bây giờ nghĩ lại cũng còn ngán vì một tay phải nắm vào thang dây, còn tay kia thì xách đồ nặng. Rồi lại còn phải leo xuống để lấy thêm đồ trong lúc người ta từ dưới đang đi lên và lính Mỹ thì không cho xuống, mà mẹ tôi thì cứ la um sùm.
Tôi còn nhớ khi tôi nói: 'thôi mẹ ơi, bỏ lại tất cả đi!' tôi bị mẹ 'bộp' cho một cái đau điếng nên im luôn cho tới mấy ngày.
Chuyện đến đất tự do của tôi chỉ có vậy thôi. Nhưng nghĩ đến những người đi vượt biên rồi bị cướp bóc, hãm hiếp, hoặc bị rớt xuống biển tôi thấy đau xót quá bởi tự do của họ đã phải đổi bằng một giá quá lớn!”

Ra đi, vì không được học đại học


unhcr-250.jpg
Những người Việt vượt biển. Photo courtesy of UNHCR

Chị Jennifer Nguyễn, ngoài 50 tuổi, đang sống tại thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, nhớ mãi kỷ niệm về các chuyến đi vượt biên của mình vào năm 1979, sau khi không được chấp nhận vào trường Cao Đẳng Sư Phạm với lý do “có thân nhân đi nước ngoài.”
Chị Jennifer kể:
“Sau khi học xong lớp 12 khoảng Hè năm 1979, tôi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm nhưng bị đuổi học vì có thân nhân đi nước ngoài. Thế là ba tôi bắt tôi phải vượt biên vì không còn tương lai nếu chỉ có bằng tú tài.
Tôi đi chuyến đầu chung với mấy anh chị, hết thảy là 6 người. Chuyến đó ở nhà có bao nhiêu nữ trang của Má tôi chết để lại đem chung một mớ cho người tổ chức.
Sau khi ngủ một đêm trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu, tất cả bị công an ập vào bắt chở vào trại giam Vũng Tàu và bị tịch thu hết phần nữ trang còn lại.
Lần đó, mấy chị em tô bị tù một tháng, trong đó có một chị ruột và một chị dâu tôi đang mang thai khoảng 6, 7 tháng.
Tôi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm nhưng bị đuổi học vì có thân nhân đi nước ngoài. Thế là ba tôi bắt tôi phải vượt biên vì không còn tương lai.- Jennifer Nguyễn. Seattle
Sau chuyến đó, tôi không muốn đi nữa vì quá hãi hùng chuyện ở tù,  nhưng ba tôi không chịu thua và thuyết phục tôi đi cho bằng được.
Tôi tiếp tục đi chuyến thứ 2, thứ 3, vẫn không thành công nhưng hên là không bị bắt mà trở về nhà an toàn.
Đến lần thứ 4 vào khoảng cuối năm 1979, chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi ra đi ngay tại thành phố Mỹ Tho, nơi tôi ở.
Đi một mình, không có ai tiễn đưa vì sợ bị lộ. Tôi chỉ cần đi bộ ra vườn hoa mất khoảng 15 phút từ nhà, rồi bước qua bờ tường của vườn hoa là xuống tới ghe.
Ghe này là ghe chính, giả dạng đi đánh cá, từ từ đi ra cửa biển. Khi gặp tàu đi tuần thì tôi phải thục đầu xuống vì da tôi trắng không giống dân đi đánh cá. Ghe thì nhỏ mà có đến 76 người, ngồi chật như xếp cá mòi vậy.
Ghe vượt sóng ra cửa biển, đi chưa bao lâu thì bị công an rượt. Chủ  ghe xả hết tốc độ, thoát được công an, nhưng ghe lại bắt đầu lạc phương hướng.
Chưa hết, đến lúc mọi người tìm nước uống thì chỉ thấy toàn là dầu thôi. Thì ra vì gấp rút lúc đổ người và tiếp liệu vào tàu chính, thùng để nước và dầu nằm lẫn lộn, mở thùng nào cũng toàn là dầu chứ không tìm thấy nước, thế là bà con bắt đầu dành nước uống, chửi lộn nhau chí chóe.
Đi không biết bao lâu thì thấy vài chiếc tàu nhỏ, nhưng ban đêm nên không dám ra hiệu cầu cứu mà phải chờ đến trời sáng nhìn cho kỹ rồi mới dám đốt vải để xin tiếp cứu thì họ lại làm lơ.
Mọi người vừa nản vừa lo vì lương thực mang theo chỉ có một bao gạo do chủ ghe đem theo nấu cháo phát cho mọi người, ăn sắp hết, nước thì lộn với dầu…
Sau 3, 4 ngày lênh đênh trên biển thì nhìn thấy dãy núi ở xa xa, bà con mừng như chết đi sống lại vậy. Thế là chủ ghe và một số người bàn là phải phá ghe và vứt máy xuống biển thì nó mới cho ghe mình vào. Sau vài giờ dằn co thì ghe được vào gần đến bờ, mọi người phải nhảy xuống biển và tự lội vào.
Khi vào bờ rồi thì mọi người mới biết mình đến bờ biển Mã Lai, phải ngủ trên bờ biển một đêm, đến chiều ngày hôm sau mới có tàu của Cao Ủy Tị Nạn chở sang đảo Pulau Bidong.
Những ngày trên trại thì hết đi xin quần áo cũ thì xin đồ ăn hộp của những người đi định cư trước để ăn thêm phần ăn do Cao ủy phát. Tôi ở trại khoảng hơn 6 tháng.
Đến ngày ra cầu Jetty để đi định cư, được nghe ca sĩ Lệ Thu hát trên đài bài “Ngày Mai em đi…” nghe vui cho mình nhưng cũng không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người quen trên đảo bị rớt phỏng vấn không biết đến bao giờ mới tới phiên họ đi định cư..”
(còn tiếp)
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-arrived-in-freeland-p1-04292013145642.html
======================================================================
Bằng cách nào, họ đến được đất tự do? (phần 2)


Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2013-04-30
image.jpg
Một người tị nạn Việt Nam đã cố gắng tự tử để chống lại lệnh hồi hương, được cảnh sát kéo đi tại một trại tị nạn ở Philippines hôm 17/3/1995
AFP photo
 Nghe bài này

Tải xuống - download
Biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc Việt Nam. Cũng từ đây, lịch sử hiện đại Việt Nam phải ghi nhận thêm một sự kiện đau đớn của dân tộc khi hàng triệu người dân chấp nhận làm thân phận của kẻ ly hương, rứt ruột rời xa gia đình, xa xóm làng, xa tất cả những gì thân quen nhất để tìm đường đến đất tự do.

Không thể quên

Chuyến ra đi của mỗi người là một câu chuyện rất riêng, không ai giống ai, nhưng tất cả đều là một hành trình không quên trong cuộc đời của họ, dù thời gian hơn 30 năm đã trôi qua.
Sơn Trần, một kỹ sư điện toán đang sống tại San Jose, miền Bắc California, đặt chân đến phi trường Los Angeles vào một đêm mùa thu năm 1984, cũng không quên 3 chuyến vượt biên của mình khi đang còn là sinh viên đại học Bách Khoa Sài Gòn.
Sơn kể dưới sự móc nối của ba má anh từ miền Trung ra Vũng Tàu, anh vượt biên năm 1983, lúc đang học đại học bách khoa ở Sài Gòn.
Không kể vài lần xuống nhà tay tổ chức nằm cả đêm rồi sáng hôm sau lại mò về thành phố vì bị “bể” thì lần vượt biên thành công là lần thứ 3, sau 2 lần thực sự bước lên tàu rồi quay về. Cả ba lần anh đều đi ở Bà Rịa.
Theo lời anh Sơn, một lần tàu chạy ra khỏi cửa biển Vũng Tàu nửa ngày rồi phải quay trở lại vì tàu vô nước và tay tài công đầy kinh nghiệm không chịu đi tiếp vì biết chắc là đi là chết.
Một lần khác khi anh đã trèo lên tàu và tàu rời bãi nhưng 'dân đi hôi' bám theo bát nháo quá khiến người tài công sợ, ôm la bàn nhảy xuống lội vô bờ chạy trốn. Anh Sơn cùng với những người còn lại trên tàu cũng chạy tán loạn.
Lần đó trời gần sáng anh mò lên đường cái đón xe đò Bà Rịa về lại Sài Gòn mà túi không có một đồng. Người lơ xe ngó thấy anh chân và ống quần bết bát bùn biết ngay là dân vượt biên không thành. Người lơ xe thấy tội nghiệp nên kêu anh trèo lên nóc xe ngồi.
Tuy nhiên, anh Sơn cho rằng số anh hên, đi lên đi xuống Sài Gòn-Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều lần vậy mà không lần nào bị tóm.
Lần vượt biên cuối cùng cũng như mơ.
Qua mấy ngày lênh đênh trên biển mửa thốc mửa tháo tới mật xanh, rồi thì tàu cũng ra tới hải phận quốc tế và được tàu hàng Pháp đi ngang bắt gặp vớt vô Singapore.
Sơn ở Singapore hơn 3 tháng, được đưa qua Galang Indonesia học Cultural Orientation 6 tháng, rồi được đưa về lại Singapore để đi Mỹ vì có người anh bên Mỹ bảo lãnh.
Sơn Trần tâm sự:
“Tôi bước xuống LAX một đêm Mùa Thu năm 84. Anh chị tôi đi đón. Trời bên ngoài tối đen nhưng đèn đường và đèn xe sáng rực. Tôi biết cuộc đời sẽ thay đổi khá hơn từ đó, vì dù bóng đêm có bao phủ cả bầu trời nhưng đây đó vẫn có những bóng đèn đường rọi sáng những bước chân dọ dẫm làm lại cuộc đời, và nhất là mình biết chắc ngày mai bình minh sẽ trở lại.”
Nếu như hầu hết những người liều mình đi tìm hai chữ “tự do” không thể rời Việt Nam từ thời điểm 30 Tháng Tư thì phần lớn đều chọn con đường vượt biên, bất chấp mọi hiểm nguy. Nhưng với ông Franklin Đắc Nguyễn, cư dân thành phố Anaheim ở miền Nam California, thì câu chuyện tị nạn cộng sản của ông khi đang là bộ đội đóng quân tại Battambang ngay sát biên giới Cambodia và Thái Lan, cũng khiến người ta phải suy nghĩ.
“Từ phi trường Phụng Dục, Buôn Mê Thuột, nhóm chúng tôi được lệnh không vận bằng những chuyến bay thổ tả thời Liên Xô xưa cũ để lại. Cứ thế sau vài giờ bay, chúng tôi đã có mặt tại Siem Reap vào đầu mùa mưa cuối Thu 1979. Cả một thệ hệ tuổi trẻ của chúng tôi 18, 19 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng 'sinh Nam tử Camp' thì cầm chắc trong tay. Biết thì biết thế, nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác hơn!
Những ngày sống trên đất Miên là những ngày chúng tôi bị bủa vây bởi sự chết chóc, lo sợ, kinh hoàng. Sống trong cảnh màn trời chiếu đất nơi rừng thiêng nước độc, ngày chiến đấu, đêm về di động, hoán chuyển vị trí. Chúng tôi có cảm tưởng mình như loài thú hoang ghẻ lạnh, sống lây lất bên lề xã hội chờ ngày Chúa Phật gọi về.”
Theo ông Franklin, tình hình chiến sự mỗi ngày một căng thẳng, ông  lại được điều động về Battambang, sát biên giới Thái, nơi trận chiến  đang xảy ra khốc liệt. Nhóm của ông tất cả 7 người đồng lòng với quyết định táo bạo là cố tìm sự sống trong cái chết đang rình rập đợi chờ. Mọi người tự nguyện ra đầu thú với nhà chức trách Thái Lan sau một ngày đêm băng rừng vượt suối trực diện với nhiều hiểm nguy bên mình. Đến được đồn lính biên phòng của người Thái là họ đã biết mình bước những bước đầu tiên đến đất tự do.
Ông Franklin nhớ lại:
“Cả một khu vực biên giới Thái-Miên náo động lên vì sự xuất hiện của chúng tôi, cả hai bên đều ngần ngại, sợ, nghi ngờ nhận diện lẫn nhau. Họ bắt buộc chúng tôi, ngay lập tức trở lại biên giới để vứt bỏ những vũ khí mà chúng tôi lỡ mang theo để phòng thân và quay trở lại gặp họ điều tra tiếp.
Sau vài tuần thanh lọc, điều tra và với lòng thành tâm, thiện chí của  chúng tôi, họ đã liên lạc với ủy ban Liên Hợp Quốc nhờ can thiệp và giúp đỡ, hợp thức hóa ý nguyện của chúng tôi.
Trong một thời gian ngắn, 7 đứa chúng tôi đã thay da, lột xác trở thành người tị nạn cộng sản như vài ngàn người Việt, Miên, Lào hòa mình trong trại tị nạn NW9, cạnh biên giới Thái-Miên, chờ ngày nhận lãnh đi một đệ tam quốc gia.
Tất cả 7 đứa chúng tôi đồng lòng xin đi Mỹ định cư dù thời gian phải chờ đến thiên thu cũng chấp nhận.”
Nhưng ông Trời không phụ lòng người có kiên trì chờ đợi, chỉ chừng sáu tháng sau đó, tất cả 7 người trong nhóm ông Franklin được chấp nhận cho sang Mỹ định cư qua chương trình bảo lãnh của các hội từ thiện bên này.
Sự tự do là vô giá, họ đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu vong linh, xương máu của bạn bè, của nhân dân, của những người kém may mắn nằm lại. Hơn 30 năm qua đi, thời gian cứ mãi đong đưa. Nhiều đêm về, nhiều người trong số họ thực sự không rõ mình đang ở đâu trong cõi đời này. Có những người cảm thấy hạnh phúc, quên đi những năm tháng cơ cực ám ảnh đã qua. Có những người, nỗi ám ảnh của những ngày đen tối nhất cuộc đời cứ dai dẳng, đeo đuổi trong suốt quãng đời còn lại.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-arrived-in-freeland-p2-nl-04302013103845.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001