Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Xã hội dân sự trong các chế độ cộng sản đang đổi mới: Logic xuất hiện (2)

Marcia A. Weigle, Jim Butterfield
Lâm Yến dịch

Khủng hoảng có hệ thống: I

Các giá trị và vận động xã hội tự chủ, và vì thế các hạt giống của xã  hội dân sự, hình thành trong các chế độ hậu toàn trị là kết quả của một cuộc khủng hoảng có hệ thống. Cuộc khủng hoảng này có cội rễ từ chỗ các chế độ đã không thể đạt được thành công tối thiểu trong việc thực hành các chức năng tự định của mình về thiết lập giá trị và đại diện lợi ích. Trong trường hợp đầu, nỗ lực không thành công của nhà nước trong việc áp đặt gói giá trị lên dân chúng có thể được coi là thất bại về văn hóa hóa (enculturation). Touraine đã ghi nhận điểm này trong trường hợp của Ba Lan. "Ba Lan luôn có 2 mặt: một đất nước thực sự chưa bao giờ bị che đậy hoàn toàn bởi cái chính thức, một đời sống trí thức chưa bao giờ bị suy giảm [đến mức] chỉ còn lại chỉ còn ý thức hệ thống trị, và sự áp đặt của nền đa nguyên xã hội chủ nghĩa (bất kể nhà nước đã sử dụng các áp lực táo bạo thế nào để áp đặt lên dân tộc, thì nó vẫn chỉ là một hồi kịch đen tối ngắn). [1]
Rõ ràng là các giá trị do đảng-nhà nước truyền bá không được quần  chúng chấp nhận và hấp thu. [2] Cũng giống như nỗ lực của Liên Xô trong việc xây dựng một lớp người "thuộc chủng soviet", nỗ lực của các chế độ này trong việc viết lại hệ thống giá trị xã hội bằng cách sử dụng quyền lực chính trị để áp đặt một hệ thống giá trị mới đã thất bại. Báo chí và các ấn bản chính thức được viết bằng một thứ ngôn ngữ, trong khi các tranh luận trong xã hội lại được thực hiện bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác. [3] Một [trong những] giá trị cụ thể không đi vào công chúng được là chủ nghĩa quốc tế cộng sản chủ nghĩa do Soviet thống trị. Bằng chứng của thất bại này là việc mỗi nước trong khối Soviet chọn các con đường tới chủ nghĩa xã hội khác nhau sau cái chết của Stalin, và ảnh hưởng của giới trí thức dân tộc chủ nghĩa Nga lên các chính sách Cộng sản của USSR. [4]
Trong thập kỷ 60 và 70, các chế độ Cộng sản ít tập trung hơn vào tuyên truyền các giá trị xã hội chủ nghĩa. Thay vào đó, trong khuôn khổ thể chế của mình, họ tập trung củng cố tập hợp lợi ích đang ngày càng trở nên phức tạp của xã hội. Đã thất bại trong việc thay đổi hình ảnh của mình trong xã hội, các chế độ hậu toàn trị tìm cách xây dựng các nhóm ủng hộ, đặc biệt là trong số các nhà quản trị, giới trí thức, và quan trọng nhất là, giới công nhân lao động. Với việc khẳng định [rằng mình] đại diện cho các lợi ích của một xã hội đang hiện đại hóa với tốc độ ngày càng nhanh chóng, đảng Cộng sản đã tài trợ cho các tổ chức, nhằm gộp các nhóm ủng hộ này vào trong các ranh giới tổ chức của chế độ. Khi các nỗ lực định hướng sự tham dự của xã hội đã tỏ ra thất bại, sự bất tương thích giữa đảng-nhà nước với các lợi ích của xã hội đã dẫn tới các biểu hiện bất mãn công khai.
Việc chế độ kiên quyết khẳng định vai trò độc tôn trong việc đại diện cho các lợi ích và kiểm soát các kênh tham dự - trong khi khoảng cách giữa các giá trị và lợi ích của tư nhân và công cộng ngày càng mở rộng - đã dẫn đến các kêu gọi "tự vệ" cho xã hội. Đến thời điểm này, việc bác bỏ độc quyền của đảng về cả các phần hữu hình (tổ chức xã hội) lẫn vô hình (đạo đức và văn hóa) của hệ thống xã hội đã được bộc lộ rõ nét. Các hình thức tự vệ cho quyền tự chủ của cá nhân và xã hội có nhiều nét khác nhau giữa các nước, phụ thuộc vào các quan hệ thể chế và khuynh hướng văn hóa.

Trường hợp Trung Âu:

Các cấu trúc tự vệ chính thức ở Ba Lan có một lịch sử lâu dài: nhà thờ, các tổ chức xã hội ngầm, các nhóm công nhân tích cực. Trong khi phần lớn xã hội vẫn thờ ơ với các quá trình chính trị chính thức, [5] sự tồn tại của các thể chế và các nhóm xã hội độc lập tương đối chính là cái nhắc nhở rằng khẳng định độc tôn của đảng-nhà nước (về đại diện cho các lợi ích của xã hội) cùng lắm chỉ là sự khẳng định hời hợt. Nhà nước Ba Lan khoan dung cho nhiều mức độ tự chủ trong giai đoạn tự vệ [của xã hội dân sự] nhằm giữ ổn định và dung hợp. Chỉ khi chế độ buộc phải chấp thuận cho nới rộng không gian công dành cho các hoạt động công cộng trong giai đoạn cuối thập kỷ 1970, thì các diễn đàn công này mới cung cấp các phương tiện đã thiết kế sẵn cho công chúng nhằm làm suy yếu khả năng kiểm soát và tính chính đáng của đảng.
Ở Hungary và Czechoslovakia (những quốc gia phải trả giá bằng sự can thiệp của Soviet vì đã dung dưỡng các hoạt động độc lập của xã hội trong những năm 1956 và 1968), kêu gọi của giới trí thức nhằm bảo vệ các giá trị xã hội độc lập đã được hướng một cách có tính toán tới bộ phận công chúng chán ghét nhà nước ở mức độ cơ sở hơn. Vì thế, Vaclav Havel nhắc nhở các công dân Czechoslovakia rằng các hành vi công cộng nhìn bề ngoài có vẻ vô hại được thiết kế ra nhằm thỏa mãn các đòi hỏi của chế độ sẽ dẫn tới sự thoái hóa đạo đức nếu trên thực tế các giá trị của chế độ không được thực tâm công nhận. "Sống với sự thực" - hay rõ hơn là sự nhất quán giữa các giá trị cá nhân và hành vi công cộng, ngay cả khi bị chế độ trả thù - đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong công cuộc tự vệ trước sự thống trị của nhà nước-đảng. [6] Ở Đông Đức, một nhóm những người theo chủ nghĩa hòa bình cho rằng độc lập cá nhân không phải là một vấn đề đạo đức, mà là một trách nhiệm công dân. [7] Chính trong giai đoạn này, những năm của thập kỷ 1960 và 1970, khái niệm "thành bang song song" bắt đầu xuất hiện trong văn học Đông Âu. [8] Trong một số trường hợp, "thành bang song song" diễn tả sự độc lập đạo đức của công dân trước các nỗ lực xóa bỏ không gian công của các chế độ hậu toàn trị, hoặc bằng cách làm nản lòng các sáng kiến dân sự, hoặc bằng cách thiết lập và tài trợ cho các tổ chức với mục đích thu hút sự tham dự của xã hội. Thành bang song song được cư ngụ bởi các công dân không hấp thụ các giá trị của chế độ.
Nhiều khi sự tự vệ của xã hội lại diễn ra dưới hình thức tổ chức. Ðó  là khi các nhà hoạt động xã hội tạo ra các nhóm độc lập, nhằm thúc ép nhà nước thực hiện các cam kết mà nó đã hứa hẹn với các nhóm xã hội hay xã hội nói chung. Các nhóm xuất hiện trong những năm 1970 như Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) và Phong trào Bảo vệ các Quyền Dân sự và Con người (ROPCiO) ở Ba Lan, và Ủy ban Bảo vệ Người bị Ngược đãi (VONs) và Hiến chương 77 ở Czechoslovakia. KOR được thành lập với mục đích giúp đỡ công nhân và gia đình họ trước phản ứng tàn bạo của chế độ chống lại những người tham gia bãi công. ROPCiO và Hiến chương 77 là các nhóm do trí thức thiết lập, nhằm buộc chế độ phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết về bảo vệ các quyền dân sự và con người, đưa vào hợp pháp ở các nước này, và với tư cách là những bên tham gia ký kết hiệp định Helsinki. Khuynh hướng viện đến hình thức tổ chức trong hoạt động tự vệ xã hội phụ thuộc vào mức độ đồng cảm với chế độ, [9] mức độ thỏa mãn về kinh tế, sự độc lập của giới trí thức và tính quen thuộc của xã hội với hoạt động tổ chức. Vì thế, các nhóm hoạt động mạnh nhất đã xuất hiện ở Ba Lan. Hungary là nơi các cá nhân tin vào giới lãnh đạo nhiều hơn, mức sống cũng cao hơn, và sự chia rẽ giữa trí thức trong và ngoài đảng không sâu sắc như ở Ba Lan và Czechoslovakia, do vậy, kêu gọi tự vệ cũng bị giới hạn hơn. [10]
Trong những năm 1970, các thảo luận về "thành bang song song" tập trung vào sự độc lập đạo đức (với tư cách là cái thay thế cho sự độc tôn của chế độ trong các giá trị xã hội chính thức và việc đại diện cho các lợi ích) hơn là các kênh thể chế cho sự tham dự. Không ai đặt ra vấn đề thay thế sự lãnh đạo của đảng, thậm chí không ai đặt ra chuyện phải chấp nhận các phương pháp đại diện lợi ích mới. Các nhóm độc lập giới hạn hoạt động của mình trong việc, hoặc là giúp đỡ các nhóm xã hội khi bị nhà nước đàn áp (KOR), hoặc đòi nhà nước thực thi các trách nhiệm xã hội mà nó đã tuyên bố (Hiến chương 77 và ROPCiO). Nhà nước không thừa nhận quyền được công bố các yêu sách của các nhóm này, mặc dù trong một số trường hợp, các nhóm này được cho phép tồn tại nếu có lượng thành viên hạn chế và các mục tiêu đủ hạn hẹp (tức là không đặt vấn đề nghi vấn về tính chính đáng của chế độ). [11]

Trường hợp Liên Xô: Bảo vệ Tính Độc lập

Dấu hiệu về một xã hội dân sự tự vệ ở Liên Xô xuất hiện không muộn hơn những dấu hiệu ở Trung Âu, thông qua bất đồng và các cố gắng bảo vệ sự độc lập về pháp lý và đạo đức, trước thâm nhập mạnh mẽ của nhà nước vào mọi dạng của đời sống xã hội. Các điều kiện bắt đầu cho một xã hội dân sự tiềm tàng đã được thiết lập, giống như ở Trung Âu, từ sự khủng hoảng có hệ thống. Đảng-nhà nước không thể loại trừ hoàn toàn hoặc kiểm soát mọi hình thức độc lập của xã hội, phần lớn vì nó đã bị chứng tỏ không hiệu quả trong việc khẳng định vai trò đại diện phổ quát. [12] Các nhóm độc lập xuất hiện hoặc để phản ứng lại các lợi ích bị nhà nước phớt lờ (trong trường hợp Liên Xô, phần lớn là vấn đề truyền bá thông tin), hoặc hối thúc nhà nước có trách nhiệm với các chính sách của nó. Hoạt động tự vệ trước sự thống trị của nhà nước được thực hiện dưới hình thức các phong trào bất đồng.
Mặc dù các nhà bất đồng chính kiến chia rẽ sâu sắc với nhau trong quan điểm về các mục tiêu của công cuộc đổi mới nhà nước Liên Xô, [13] họ đều đồng ý trên một điểm: nhà nước chẳng có quyền pháp lý và đạo đức nào để tước đoạt quyền [tổ chức/tham gia] các hoạt động độc lập và tự chủ của các cá nhân cũng như các nhóm. Trong khi đại bộ phận trí thức tiến bộ phấn khởi trước triển vọng những cuộc cải cách của Khrushchev hướng tới nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động xã hội (trong những năm cuối thập kỷ 1950), rất nhanh sau đó người ta nhận ra rằng việc phi tập trung hóa của nhà nước, và việc giải phóng các hoạt động xã hội, sẽ đe dọa chính cái cốt lõi nhất của sự thống trị của đảng (và vì thế, các đặc quyền đặc lợi chính thức). Đến đầu những năm 1960, bất cứ hình thức hợp tác dài hạn nào giữa đảng-nhà nước và khu vực cải cách của xã hội Liên Xô đều đã trở nên bất khả thi. [14]
Trong điều kiện bị đàn áp giữa những năm 1960, các nhà cải cách hoặc chọn cách sử dụng các cấu trúc bày tỏ quan điểm và tham dự một cách hạn chế mà nhà nước cho phép, hoặc chọn cách chuyển sang hoạt động ngầm. Những người chuyển sang hoạt động ngầm xác định mục tiêu của họ là chống lại sự thống trị của nhà nước bằng cách bảo vệ sự tự chủ về đạo đức của cá nhân và xã hội. Ví dụ vào năm 1973, một thành viên của nhóm bất đồng chính kiến nhỏ có tên là Phong trào Dân chủ, ông Dmitrii Nelidov, đã mô tả các mục tiêu của nhóm này là "bày tỏ tính nhân văn trong một môi trường mà bản chất người đã bị xuyên tạc và đàn áp... [Phong trào này] mong muốn chuyển thành phong trào đấu tranh cho con người, cho các giá trị nhân cách người. Nó nỗ lực tự tách mình ra khỏi hệ thống cơ chế nhồi sọ ý thức hệ qua con đường vô thức." [15] Để phục vụ quá trình này, và để bù đắp lại việc nhà nước không nhìn nhận các nhu cầu chính đáng của xã hội, Phong trào Dân chủ đã xuất bản bản tin ngầm, Bản tin Sự kiện Thời sự (xuất hiện lần đầu vào tháng 4 năm 1968). [16]
Mặc dù một số thành viên của nhóm này cổ súy cho các cải cách kinh tế tận gốc rễ (tài sản tư nhân), cho tự do dân sự (tự do phát biểu ý kiến và tự do báo chí), và cho việc thừa nhận các nhu cầu dựa trên chủ nghĩa dân tộc (tự quyết), Phong trào Dân chủ nói chung lại thừa nhận đặc quyền của đảng-nhà nước trong việc thực thi các thay đổi, và vì thế bắt đầu họ đã hướng các nỗ lực của mình vào việc thuyết phục đảng-nhà nước tự đổi mới. [17] Trong nỗ lực này, Phong trào Dân chủ chỉ là một ví dụ về các hoạt động bất đồng chính kiến xuất hiện ngày càng nhiều -mặc dù vẫn còn rời rạc- trong những năm cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970. Mục đích của các hoạt động bất đồng chính kiến này là đòi nhà nước phải chịu trách nhiệm với các tiêu chuẩn pháp lý của chính họ. Một số người trong giới trí thức tư cách bảo vệ quyền tự quyết trong các hoạt động của họ bằng cách thách thức chế độ tôn trọng các tiêu chuẩn chính nó đặt ra về "tính hợp pháp xã hội chủ nghĩa". Chiến lược này được thiết kế với mục đích gây áp lực lên nhà nước, nhằm buộc nó phải tôn trọng các quy tắc pháp lý chính thức. Các nhà vận động cho chiến lược này hoạt động như thể các lãnh đạo đảng và nhà nước bị ràng buộc bởi luật pháp -mặc dù mọi người đều hiểu rằng thực ra không phải như vậy. [18] Thực ra, vì các lãnh đạo đảng và nhà nước không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn pháp lý chính thức, những người sử dụng tính hợp pháp xã hội chủ nghĩa để tự vệ không thể trông cậy vào các yêu sách của mình [sẽ được giới lãnh đạo đáp ứng]. Tuy nhiên, các nhóm độc lập với cấu trúc chặt chẽ đã được hình thành, nhằm buộc nhà nước phải công khai chịu trách nhiệm trước các cam kết mà nó thừa nhận chính thức trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Các ví dụ bao gồm Nhóm Quan sát Helsinki, Ủy ban vì các Quyền Con người, Quỹ Xã hội Nga Ủng hộ các Tù nhân Chính trị và Gia đình họ, và Nhóm Làm việc để Bảo vệ các Quyền Lao động, Kinh tế và Xã hội. [19]
Khi các chính quyền tăng đàn áp lên các nhóm bất đồng chính kiến trong những năm 1970, một số lượng lớn thành viên của họ bị bỏ tù, đuổi khỏi nơi cư trú hoặc ép phải lưu vong. Bị mất tinh thần, một số trong các nhà vận động còn lại quay sang cổ súy cho việc giải tán các nhóm hoạt động vì các nhóm này đã không hiệu quả trong việc khuyến khích và khởi xướng đổi mới. Tuy nhiên, những cá nhân nòng cốt lập luận rằng thay đổi chính sách bản thân nó không phải là mục tiêu chính, và nhấn mạnh nhu cầu tự vệ xã hội trước sự can thiệp của nhà nước, ít nhất trên lĩnh vực đạo đức -nếu không phải là trên lĩnh vực lập chính sách. Ví dụ Nelidov đã nhấn mạnh rằng sự thất bại ngày càng rõ của Phong trào Dân chủ trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, chính trị và xã hội không thể [là bằng chứng] bác bỏ ảnh hưởng của nhóm này tới "cuộc đấu tranh vì sự tự do tinh thần". Chính sự tập trung vào quyền tự chủ đạo đức, sự thừa nhận các giá trị độc lập và các hiệp hội tự do trước sự thống trị của nhà nước đã khiến chúng tôi [muốn] so sánh quá trình tự vệ của xã hội dân sự ở Liên Xô và Trung Âu.
Tuy nhiên, bất đồng chính kiến nở rộ không giải thích thỏa đáng nền tảng cho sự phát triển của xã hội dân sự, đặc biệt là trường hợp Liên Xô. Trong khi ở Trung Âu, đại bộ phận dân cư trốn chạy khỏi đời sống công cộng, thái độ thỏa mãn đa phần là kết quả từ việc không thể thay đổi một cách hiệu quả chế độ được Moscow hậu thuẫn. Có một số các giá trị cùng được mọi người chia sẻ, bao gồm sự phẫn nộ bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc trước các chế độ bị Liên Xô thống trị, giữa các nhà bất đồng hoạt động tích cực với đám đông công dân thụ động -cái sẽ trở thành nền tảng cho các hoạt động đối lập có tổ chức trong các giai đoạn sau. Ở USSR, tình cảm chống chế độ không được đông đảo người chia sẻ như vậy. Sự phát triển bản địa của chủ nghĩa Mác-Lê nin, sự gặp gỡ giữa lợi ích của Liên Xô và lợi ích của dân tộc Nga, và các thành tựu đạt được dưới  thời Stalin (công nghiệp hóa và vị trí siêu cường) đã khiến chế độ Cộng sản Liên Xô có được tính chính đáng [với dân chúng Liên Xô] nhiều hơn các đảng anh em của nó ở Trung Âu. [20] Ðiều này, đi kèm với việc thiếu vắng một truyền thống đối lập công khai, khiến cho việc khoảng cách giữa các nhà bất đồng chính kiến hoạt động tích cực với quần chúng nói chung ở USSR lớn hơn nhiều so với ở Trung Âu.
Chất chỉ định cho kết luận này chính là sự thực rằng phong trào bất đồng chính kiến đã thu nạp được một bộ phận dân cư rất hạn chế ở Liên Xô. Thực ra, hầu hết các công dân đã không đồng cảm với những giá trị của nó. [21] Không những nó không thể lấp đầy khoảng cách xã hội trên các mặt [thu hút] thành viên và cảm tình viên, [22] mà còn có vẻ như không có một sự chia sẻ nào về giá trị giữa các thành viên trí thức của phong trào bất đồng chính kiến và quần chúng nói chung. [23] Với khoảng cách này, sẽ là cẩu thả nếu chúng ta cho rằng phong trào bất đồng chính kiến là nguồn gốc duy nhất của một xã hội dân sự đang được thai nghén ở Liên Xô. Làm thế nào để lấp đầy khoảng cách giữa số lượng nhỏ các nhà bất đồng chính kiến với đám đông các nhà hoạt động xã hội (những người sẽ hình thành nên nền tảng cho một xã hội dân sự)? Câu trả lời được tìm thấy trong các hình thức tham dự được hình thành dưới thời Brezhnev.
Từ cách mạng 1917, các lãnh đạo Soviet đã tìm cách lái sự tham dự của xã hội qua các tổ chức do đảng thống trị và tài trợ. Đa phần những người quan sát hiện tượng "tham dự [do bị] động viên" này đều đồng ý rằng nó phục vụ cho mục đích nêu cao tính chính đáng của chế độ, sự một xác nhận mang tính lễ nghi về vai trò lãnh đạo và quyền kiểm soát mọi hoạt động xã hội của đảng. Người ta không đồng ý nhiều với nhau về vấn đề hiệu quả của chiến lược này, cả từ giác độ nhà nước lẫn góc độ của các công dân tích cực. Dù thế nào, mọi thứ cũng trở nên rõ ràng, rằng các tổ chức này (các soviet đa phương, các tổ chức nghề nghiệp, các nhóm thanh niên) đã không phản ứng được với những lợi ích đang thay đổi của một xã hội Soviet đang được hiện đại hóa. Các học giả Soviet mô tả các hình thức tham dự này là đã trở nên lố bịch, quan liêu quá đáng, và bị hướng quá nhiều vào việc duy trì các lợi ích quan liêu và tha hóa, hơn là phản ứng với các nhu cầu mà xã hội tự bày tỏ. [24] Khi các kênh tham dự do đảng tài trợ càng trở nên vô hiệu bao nhiêu, thì các nhà hoạt động xã hội càng hướng tới các hình thức hiệp hội và tự tổ chức không chính thức.
Trong những năm 1970, các học giả Soviet ghi nhận sự xuất hiện của các lợi ích xã hội khác với những lợi ích do Đảng Cộng sản đại diện, và [sự xuất hiện này] bắt đầu làm xói mòn dần tính vững chắc của các quá trình xã hội hóa do đảng tài trợ. Thanh niên xa lánh các tổ chức thanh niên chính thức, và lập/tham gia vào các hiệp hội không chính thức, [25] cuộc "cách mạng khoa học kĩ thuật" nuôi dưỡng các lợi ích của công nhân tay nghề cao và các nhóm quản lý, vốn không được đại diện một cách thỏa đáng bởi các tổ chức kinh tế và thương mại chính thức [26] , và một bộ phận ngày càng đông các cư dân có học và được đô thị hóa, đã quay về với các quan hệ/hiệp hội phi chính thức, nhằm thỏa mãn các quyết tâm cá nhân và nghề nghiệp. [27] Nghiên cứu thực nghiệm do các học giả phương Tây thực hiện khẳng định rằng có một bộ phận đáng kể trong công chúng Liên Xô đã quay lưng lại với các kênh phát biểu lợi ích và tham dự chính thức để tham gia vào những dạng hoạt động "không chính thức", không được tài trợ, thậm chí bất hợp pháp. [28] Sự bảo vệ tính tự chủ một cách tích cực từ phía các nhà bất đồng chính kiến trong những năm 1960 và 1970 trùng hợp với sự tự vệ ít tính đối kháng hơn bằng cuộc dịch chuyển các lợi ích nghề nghiệp và cá nhân từ phía công chúng. Trong khi cái thứ hai không tìm cách đối lập với hệ thống hoặc chế độ, sự kết hợp giữa hai yếu tố này đã tạo thành lực lượng nhà hoạt động xã hội sẵn sàng phản ứng lại với thách thức của Gorbachev về tăng cường hoạt động xã hội vào giữa những năm 1980.
Nền tảng của xã hội dân sự, vì thế, đã được hình thành qua hoạt động độc lập ngoài các kênh chính thức của cấu trúc chính trị và xã hội. Việc bảo vệ tính tự chủ, phong trào hướng tới các lợi ích tự xác định, và tự tổ chức, được duy trì hoặc chủ động bởi các nhà bất đồng chính kiến, hoặc thụ động bởi các cá nhân chỉ muốn có một cuộc sống tốt hơn nằm trong hệ thống, đã tạo nên giai đoạn "tự vệ" trong diễn trình phát triển của xã hội dân sự ở USSR.
[1] Alain Touraine, Solidarity: The Analysis of a Social Movement, Poland 1980-1981 (Cambridge: Cambridge University Press, 1983), p. 15.
[2] Xem Kasimierz Wojcicki, "The Reconstruction of Society," Telos, 47 (1981), 102-103, and Vaclav Benda, et al., "Parallel Polis or an Independent Society in Central and Eastern Europe: An Inquiry," Social Research, 55 (Spring-Summer 1988), 211-246; Ivan Volges, "Political Socialization in Eastern Europe," Problems of Communism, 23 (January-February 1974), 55.
[3] Xem Stephen White, "Propagating Communist Values in the USSR," Problems of Communism, 34 (November-December 1985), 1-17; Vladimir Shlapentokh, Public and Private Life of the Soviet People: Changing Values in Post-Stalin Russia (New York: Oxford University Press, 1989).
[4] Alexander Yanov, The Russian Challenge and the Year 2000 (Oxford: Basil Blackwell, 1987).
[5] David Mason, Public Opinion and Political Change in Poland, 1980-1982 (Cambridge: Cambridge University Press, 1985), p.47.
[6] Vaclav Havel, Living in Truth (London: Faber and Faber, 1986), pp.36-122.
[7] Vladimir Tismaneanu, "Nascent Civil Society in the German Democratic Republic," Problems of Communism, 38 (March-June 1989), 102.
[8] Benda et al. Nhà xã hội học người Hungary, Elemer Hankiss, đã phát triển khái niệm "xã hội thứ hai."
[9] Xem Janina Frentzel-Zagorska, "Civil Society in Poland and Hungary," Soviet Studies, 42 (1990), 763, để có thống kê về lòng tin và sự ủng hộ đối với giới lãnh đạo Ba Lan và Hungary.
[10] Xem Ferenc Miszlivetz, "Civil Society in Eastern Europe? The Case of Hungary," World Futures, 29 (1990), 91, để có các giải thích tại sao quá trình này ở Hungary lại khó khăn hơn. Một trong những lý do quan trọng nhất là khoảng cách ngày càng rộng giữa giới trí thức Hungary và công chúng, đặc biệt là công nhân. Xem thêm Timothy Garton Ash, "The Hungarian Lesson," New York Review of Books, Dec. 5, 1985, pp. 5-9.
[11] Teresa Rakowska-Harmstone, "Nationalism and Integration in Eastern Europe: The Dynamics of Change," in Teresa Rakowska-Harmstone and Andrew Gyorgy, eds., Communism in Eastern Europe (Bloomington: Indiana University Press, 1981), pp. 320-321.
[12] Reddaway nhấn mạnh rằng một lý do đưa đến thất bại này là sự bất khả thi trong việc kéo dài mãi cái xã hội bị nguyên tử hóa của Stalin. Peter Reddaway, ed., Uncensored Russia: Protest and Dissent in the Soviet Union (New York: American Heritage Press, 1972), p. 39.
[13] Xem, ví dụ, cuộc bút chiến Sakharov-Solzhenitsyn trong Vladimir E. Maximov, ed., Kontinent (New York:Anchor Press/Doubleday, 1976), pp. 1-23.
[14] Reddaway, p. 18.
[15] Dmitrii Nelidov, "Ideocratic Consciousness and Personality," in Michael G. Meerson-Aksenov and Boris I. Shragin, eds., The Political, Social and Religious Thought of Russian 'Samizdat' (Belmont: Nordland Publishing Co., 1977), p. 290.
[16] Meerson-Aksenov and Shragin, p. 228.
[17] K. Zhitnikov, "The Decline of the Democratic Movement," in Meerson-Aksenov and Shragin, eds., pp. 237-238.
[18] Đây là giới hạn tự vệ của Andrei Amalrik, ví dụ, trong Involuntary Journey to Siberia (London: Harcourt Brace Jovanovich, 1970).
[19] Skilling, Samizdat and an Independent Society in Central and Eastern Europe, p. 203.
[20] Ferenc Feher, Agnes Heller, and Gyorgy Markus, eds., Dictatorship over Needs (New York: St. Martin's Press, 1983), pp. 137-155.
[21] Roy A. Medvedev, On Soviet Dissent (London: Constable, 1980), cited in David Lane, State and Politics in the USSR (New York: New York University Press, 1985), p. 271.
[22] Peter Reddaway, "Soviet Dissent," Problems of Communism, 32 (November-December 1983), 14; Jeffrey W. Hahn, Soviet Grassroots; Citizen Participation in Local Soviet Government (Princeton: Princeton University Press, 1988), pp. 285-287.
[23] Walter D. Connor, Socialism's Dilemma: State and Society in the Soviet Bloc (New York: Columbia University Press, 1988), p. 45.
[24] I. Zhukova et al., "Samodeiatel'nyie initsiativy: Neformal'nyi vzglad" ("Independent Initiatives: Informal View"), Kommunist, 9 (1988), 98.
[25] V. G. AlekXemva, "Neformarnye gruppy podrostkov v usloviiakh goroda" ("Informal Youth Groups in Urban Conditions"), Sotziologicheskie issledovania, 3 (1977), 60-70, khảo sát các nhóm thường niên tại các vùng đô thị và kêu gọi các nhà giáo dục phải tận tụy hơn trong việc xã hội hóa sinh viên.
[26] Tatiana I. Zaslavskaia, "Creative Activity of the Masses: Social  Reserves of Growth," Problems of Economics, 29 (March 1987), 11.
[27] O. N. Ianitskii, Grazhdanskie initsiativy i samodeiatel'nost' mass (Citizen Initiatives and the Spontaneous Activity of the Masses) Moskow: Znanie, 1988).
[28] Philip G. Roeder, "Modernization and Participation in the Leninist Developmental Strategy," American Political Science Review, 83 (September 1989), 859-884; Donna Bahry and Brian D. Silver, "Soviet Citizen Participation on the Eve of Democratization," American Political Science Review, 84 (September 1990), 821-847.
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 28/04/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130427/xa-hoi-dan-su-trong-cac-che-do-cong-san-dang-doi-moi-logic-xuat-hien-2
======================================================================
Xã hội dân sự trong các chế độ cộng sản đang đổi mới: Logic xuất hiện (3)

Marcia A. Weigle, Jim Butterfield
Lâm Yến dịch

Khủng hoảng có hệ thống: II

Việc công dân Trung Âu và USSR ngày càng quay lưng lại với các giá trị và các kênh tham dự chính thức cho thấy rõ thất bại của đảng-nhà nước trong việc khẳng định vai trò độc tôn trong việc đại diện lợi ích và giá trị. Những thất bại này xuất hiện trong thời kỳ mà chúng tôi gọi tên là "giai đoạn tự vệ" trong diễn trình phát triển của xã hội dân sự. Chúng đã xóa đi mọi hy vọng về tính chính đáng dựa trên nền tảng là sự trung thành [của dân chúng] với chế độ (quá trình này ở Trung Âu đã diễn ra nhanh hơn do quan hệ giữa chế độ ở mỗi nước với sự thống trị của Liên Xô).
Vì thế, các chế độ này đã quay lại các "yêu cầu tiên quyết về chức năng" của hệ thống, hay nói đơn giản hơn là quay lại dựa vào các thành tích kinh tế và chính trị. Khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng tính chính đáng không thể được duy trì trên nền tảng các giá trị được chia sẻ hoặc các lợi ích chung, thì các chế độ buộc phải phát minh ra các "khế ước xã hội" mà theo đó công dân được hưởng một phần lợi từ hệ thống, [đồng thời khiến họ] phụ thuộc vào việc bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng và việc duy trì trật tự xã hội. Đây là một chiến lược có tính toán của Kadar ở Hungary, [1] được Brezhnev của USSR [2] và Husak của Czechoslovakia sao chép lại trong những năm cuối thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, được giới lãnh đạo Gierek ở Ba Lan thực hiện suốt cả thập kỷ 1970. [3] Theo thuật ngữ khế ước xã hội, chế độ bảo đảm tăng dần mức sống và phong phú hóa chủng loại/số lượng hàng tiêu dùng, cung cấp phúc lợi cho công chúng, tăng lương và các biện pháp khuyến khích khác cho công nhân. Đổi lại, các cá nhân phải chấp nhận sự thống trị của đảng trên toàn xã hội, gồm cả việc họ phải rút lui khỏi các hoạt động chính trị và các hiệp hội công cộng không được nhà nước cho phép.
Tuy nhiên, mặt kinh tế của khế ước này không đủ để giải thích cân bằng tương đối ở Trung Âu, vì, như Stephen White đã chỉ ra, trong các giai đoạn kinh tế suy thoái ở Hungary, Czechoslovakia, Romania và Yugoslavia, người ta đã không thấy bất kỳ một đe dọa nghiêm trọng nào đối với khả năng kiểm soát của chế độ. [4] Thực ra, khế ước này đã sản sinh ra một hệ quả chính trị: nhờ việc nới lỏng tương đối sự kiểm soát về chính trị (đặc biệt là đối với các thành viên được tin tưởng trong giới trí thức ngoài đảng, tầng lớp ưu tú văn hóa và nghề nghiệp, và các nhà khoa học tự nhiên) mà các cá nhân này có nhiều khoảng tự do nghề nghiệp hơn khi chấp nhận quyền lãnh đạo của đảng. [5] Trong khi có nhiều phiên bản khác nhau về kiểu và các điều kiện của khế ước xã hội ở mỗi nước trong khu vực Trung Âu và USSR, các quy định chung đã cung cấp sự ổn định tương đối và ngăn ngừa được các hoạt động độc lập quy mô lớn trong suốt thập kỷ 1970.
Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ này, nền tảng trên đó các chế độ thiết kế nên các khế ước xã hội đã bắt đầu đổ vỡ. Không chỉ chuyện nền kinh tế tập trung liên tục gặp khó khăn, mà chi phí cho việc bao cấp các thua lỗ của hệ thống khiến chế độ không thể thực hiện được các thỏa thuận kinh tế. Với việc cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, các chế độ không còn khả năng dựa vào sự ủng hộ của những nhóm cảm tình viên truyền thống, đặc biệt là công nhân. Về mặt chính trị, các lãnh đạo nhận ra rằng khó mà nhượng bộ tự do từng phần cho các nhóm được ưu đãi trong xã hội mà không chịu rủi ro bị chỉ trích về các chính sách của chính họ và các áp lực tiếp tục giải phóng. [6] Cuộc giải phóng về chính trị do chế độ khởi xướng đã tạo ra các sức ép mới bằng việc nuôi dưỡng một môi trường đa nguyên nhất định về lợi ích trong xã hội, trong khi [môi trường ấy] vẫn tiếp tục phê phán nghiêm khắc sự cai trị ngày càng kém hiệu quả của bộ máy đảng-nhà nước.
Sự tan rã của các khế ước xã hội đặt ra câu hỏi về tính chính đáng của chế độ dựa trên bảng thành tích kinh tế và chính trị [nghèo nàn]. Các cuộc khủng hoảng tính chính đáng đang tiềm tàng đẩy chế độ vào việc lựa chọn một chiến lược mà, dựa trên nhiều tình huống khác nhau, trở nên phổ biến tại các nước Trung Âu và Liên Xô. Chiến lược này, hoặc được phỏng đoán dựa trên áp lực xã hội, hoặc được thừa kế bởi giới lãnh đạo có đầu óc cải cách, là nhằm tạm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng đang treo lơ lửng bằng cách nới rộng không gian hợp pháp cho các hoạt động công cộng độc lập. Bằng việc thừa nhận một phạm vi rộng rãi hơn cho các hoạt động độc lập, bất kể là chính sách chủ động (proactive) hay thụ động (reactive) với thực tế, các chế độ đã vô tình tạo ra một không gian cho xã hội dân sự phát triển. Tại những nơi các cuộc khủng hoảng kinh tế đóng vai trò chất xúc tác cho chính sách này, mục đích của chế độ thông qua chính sách này là nhằm chuyển một phần gánh nặng của cái đáng nhẽ ra là cải cách kinh tế của nhà nước sang vai các nhà hoạt động xã hội độc lập. Tại những nơi nổ ra các khủng hoảng chính trị, các chế độ này thấy cần phải giảm bớt các phong trào quy mô lớn có thể nổ ra bằng cách nhìn nhận tính hợp pháp của các nhóm độc lập. Trong cả hai trường hợp, các chế độ này đều hy vọng làm giảm căng thẳng bằng cách chấp nhận một số mức độ hoạt động độc lập giới hạn, trong khi tìm cách mở rộng cơ sở ủng hộ cho mình và giữ vững hệ thống cũng như quyền lực của Đảng Cộng sản. [7]
Chính sách này đem lại cơ hội cho các nhà hoạt động xã hội và các nhóm tham gia vào không gian công, công khai bày tỏ các quan tâm của họ và các lộ trình cải cách. Đến thời điểm này, quá trình bảo vệ tính tự chủ của cá nhân và nhóm đã chuyển sang quá trình xuất hiện của xã hội dân sự, bùng lên với việc đảng-nhà nước cải cách nhượng bộ cho các nhà hoạt động độc lập tính chất bán-hợp pháp.

Sự xuất hiện của xã hội dân sự: Trung Âu

Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của một xã hội dân sự tự tổ chức và độc lập ở khối Cộng sản là sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào năm 1980. Phong trào này được hình thành bởi một liên đoàn các ủy ban đình công được tổ chức và ủng hộ bởi công nhân và trí thức, và trình diện với giới lãnh đạo đảng như là một fait accompli (thực tế không thể đảo ngược). Vào đầu năm 1981, có khoảng trên 8 triệu người Ba Lan đã tham gia Công đoàn Đoàn kết, gồm cả một phần ba số đảng viên Cộng sản. [8] Chương trình của Công đoàn Đoàn kết bao gồm các mục tiêu kinh tế như giao quyền tự quản lý cho các doanh nghiệp và phi tập trung các quá trình kinh tế, các mục tiêu chính trị như hạn chế việc kiểm duyệt và mở rộng tự do dân sự, bao gồm cả tự do báo chí. [9] Bộ khung cho hoạt động tự tổ chức này đã được Adam Michnik phát triển vài năm trước đó (ông là một nhân vật nổi bật trong cả KOR lẫn Công đoàn Đoàn kết). Chủ nghĩa tiến hóa mới của ông là một chiến lược làm tăng hoạt động tự tổ chức của xã hội (cái sẽ "empower" -đem lại quyền lực cho- xã hội) trong khi vẫn chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng đối với các chức năng của nhà nước và với việc hoạch định kinh tế dài hạn. [10]
Chiến lược này khuyến khích "[các cuộc] đổi mới và cách mạng hướng tới việc mở rộng tự do dân sự và các quyền con người", bắt nguồn không phải từ các nhóm đổi mới trong đảng, mà từ hoạt động của xã hội "hướng tới đối tượng là công chúng độc lập..." [11] Nhà nước và cuộc cải cách lấy đảng làm trung tâm (dựa cả trên sự thay đổi trong đảng và các kêu gọi của giới trí thức yêu cầu đảng-nhà nước mở rộng các quyền dân sự) đã được chứng minh là thất bại ở Ba Lan, Hungary, và Czechoslovakia. "Chủ nghĩa tiến hóa mới" khác với các nỗ lực của các nhà cải cách ở giả định của nó về tính "không thể tự đổi mới" của đảng, và đặt "niềm tin vào quyền lực của giai cấp lao động" như là con đường duy nhất để gây áp lực đòi dân chủ hơn. Chiến lược mới này của lực lượng đối lập là nhượng bộ quyền lực của Đảng Cộng sản Ba Lan (được sự hậu thuẫn của Liên Xô) trên lĩnh vực các chức năng của nhà nước; trong khi khuyến khích xã hội đẩy lùi các đường biên kiển soát của đảng-nhà nước bằng cách chủ động đấu tranh đòi mở rộng tự do dân sự, tự do phát biểu ý kiến và tự chủ trong hành động.
Sự phát triển về tổ chức của Công đoàn Đoàn kết -với tư cách là một chủ thể hoạt động có khả năng thâm nhập vào không gian công và tìm cách ảnh hưởng (có thể là đưa ra) chính sách- đã đặt ra câu hỏi về sự xuất hiện của xã hội dân sự cùng tồn tại với đảng-nhà nước. "Chủ nghĩa tiến hóa mới" giả định rằng một phong trào xã hội độc lập có thể đạt được các mục tiêu của mình trên các lĩnh vực như công nhân tự quản trị (worker self-management) và công dân tự quản lý (citizen self-government), trong khi vẫn thừa nhận quyền lực của nhà nước đối với nền chính trị quốc gia (bao gồm, ban đầu là nomenklatura [nhóm quyền lực quan liêu]- quyền tự chọn lựa các nhân vật lãnh đạo chủ chốt không qua bầu cử dân chủ), hoạch định đường lối kinh tế, và các công cụ bạo lực. Cách tiếp cận tân-Gramsci này xuất hiện trong điều kiện mà khế ước giữa một xã hội độc lập và một nhà nước mềm mỏng đã trở nên không khả thi. Một khế ước như vậy sẽ phải gồm các bảo đảm thể chế cho hoạt động xã hội độc lập và các diễn đàn độc lập để phân xử những vi phạm khế ước. Cả hai yếu tố này sẽ xâm phạm vào các đặc quyền truyền thống của đảng trong việc duy trì sự lãnh đạo của mình. Với việc đảng nắm độc quyền đàn áp và mối đe dọa luôn hiển hiện từ phía Liên Xô, một xã hội độc lập tự tổ chức chấp nhận vai trò bá chủ của Đảng Cộng sản là cái tốt nhất có thể hy vọng đến, trong "thế giới của những điều có thể". [12]
Trong khi xác định lại mục tiêu của các cuộc đổi mới và ở một mức độ nào đó, định nghĩa lại ý nghĩa của "quyền lực", những ảnh hưởng ban đầu của Công đoàn Đoàn kết có thể đã thấp hơn nhiều nếu không có sự thừa nhận chính thức từ phía nhà nước về sự tồn tại hợp pháp của nó. Stanislaw Kania, người đã thay thế Gierek năm ngày sau khi các hiệp ước Gdansk được ký kết vào tháng Tám năm 1980, đã buộc phải đưa ra sự thừa nhận pháp lý này vì tầm quan trọng của công nhân đối với sự ổn định xã hội và tính chính đáng của chế độ. Bộ máy lãnh đạo Kania muốn đưa Công đoàn Đoàn kết vào trong cấu trúc đảng-nhà nước đã tồn tại từ trước, buộc nó phải chia sẻ gánh nặng của các giải pháp khắc khổ không được quần chúng ủng hộ, mà không cho phép nó tích lũy bất cứ quyền lực nào trong cả quá trình đó. [13] Ở Ba Lan, khủng hoảng kinh tế cuối thập kỷ 1970 đã buộc đảng phải nhượng bộ một vũ đài rộng rãi hơn cho sự tham dự độc lập (nhưng có kiểm soát) của công chúng, nhằm ngăn chặn thảm họa kinh tế và tan rã xã hội. [14]
Ở Hungary và Czechoslovakia, nơi các chế độ được thiết lập sau chính biến năm 1956 và 1968 đã loại trừ một cách hiệu quả các hoạt động độc lập ở quy mô lớn, yếu tố đưa đến sự ra đời của xã hội dân sự là các cuộc khủng hoảng tính chính đáng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. [15] Sự khuyến khích của Gorbachev về "hoạt động sáng tạo của đám đông [của chính ông ta]" cũng như việc Liên Xô cắt bớt viện trợ cho các chế độ Cộng sản Trung Âu đã làm xói mòn vai trò lãnh đạo của chế độ gia trưởng Kadar ở Hungary và các chiến lược đàn áp của Husak ở Czechoslovakia, đem đến các động lực mới cho các nhà hoạt động xã hội độc lập.
"Chủ nghĩa tiến hóa mới" ảnh hưởng tới các hoạt động không chỉ của Công đoàn Đoàn kết cả trước và sau thiết quân luật của Jaruzelski năm 1981, mà còn của FIDESZ (Liên Đoàn các Nhà Dân chủ Trẻ) và HDF (Diễn Đàn Dân chủ Hungary), Phong trào vì Tự do Dân sự ở Czechoslovakia, và các nhóm hòa bình ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào cuối thập kỷ 1980. [16] Trong mỗi trường hợp, số lượng các nhà hoạt động xã hội ngày một đông đã cố gắng một cách có ý thức nhằm tham gia vào các diễn đàn công cộng độc lập. Các nhóm độc lập được thành lập nhanh chóng nhằm biểu đạt các giá trị và lợi ích ngoài đảng (vốn đã được nêu ra một cách ngần ngại trong thời kỳ tự vệ) hoặc hành động theo các giá trị và lợi ích này. Các nhóm vốn chỉ đưa ra các yêu sách hạn chế trong giai đoạn tự vệ thì nay mở rộng chúng. Họ cũng thiết lập các kết nối tổ chức với các nhóm khác, nhằm biến mình thành những phương tiện truyền tải sự tham dự rộng rãi của xã hội. [17] Cùng lúc, các yêu sách của họ ngày càng trở nên tập trung vào chính trị khi đòi hỏi phạm vi rộng rãi hơn cho các hoạt động độc lập và được quyền tham dự vào các quá trình lập chính sách (trước đây vốn là độc quyền của chế độ Cộng sản phi hiệu quả).
Ví dụ như ở Hungary, nhóm Danube đã được thành lập năm 1984 nhằm phản đối việc xây dựng đập nước Danube, hoạt động trên giả định rằng các mục tiêu về môi trường là phi chính trị. Cho đến năm 1988, các bộ phận của nhóm này đã đi đến kết luận rằng sự thay đổi xã hội không thể đến nếu không có một cuộc đấu tranh chính trị công khai chống lại đảng. [18] Cũng trong giai đoạn này, các nhóm độc lập ở Hungary bắt đầu tiến hành các chiến lược thừa nhận quyền lãnh đạo của đảng, nhưng kêu gọi sự hình thành một xã hội độc lập. Năm 1987, tạp chí đối lập Hungary Beszelo cho xuất bản một chương trình "đổi mới chính trị" theo đó "công nhận quyền lãnh đạo của đảng như là đã định trước" nhưng tiến tới một "nền đa  nguyên được đưa vào luật". [19] Chỉ trong một năm, nhiều kêu gọi cấp tiến hơn bởi các nhóm độc lập Hungary được nêu ra cho công chúng độc lập, dựa trên nền tảng là "xã hội có trách nhiệm tham gia vào việc hình thành bản sắc của chính nó," vì "sự bảo đảm cao nhất và nơi chứa đựng dân chủ chính là một xã hội dân chủ, đã thức tỉnh về chính trị, chứ không phải nhà nước." [20] Ở Czechoslovakia, Phong trào vì Tự do Dân sự (HOS) hướng các kêu gọi của họ tới công chúng chứ không phải tới nhà nước. Họ lập luận rằng chính công chúng phải tham dự vào vũ đài chính trị vì "các chính quyền toàn trị" không có khả năng thực hiện các thay đổi chính trị và kinh tế cần thiết để đem lại sức sống mới cho sự tồn tại của đất nước. [21]
Khi xã hội ngày càng phản ứng lại với thách thức, các nhà hoạt động xã hội độc lập càng xuất hiện rõ, và các hoạt động của họ cũng ngày càng sôi nổi (hoặc thông qua các nhóm xã hội, hoặc trong các cuộc biểu tình quy mô lớn), và các mục tiêu đấu tranh của họ ngày càng được chính trị hóa. Trong khi các đảng Cộng sản cầm quyền buộc phải nhượng bộ, họ cũng cố gắng phá hoại hoạt động độc lập tại mọi ngả rẽ, bằng cách trì hoãn việc đăng ký pháp lý, không cho tiếp cận các nguồn lực (Ba Lan và Hungary), hoặc đàn áp và bắt giam các nhà hoạt động nổi bật nhất (Czechoslovakia). Chính sách hai mặt, vừa đối thoại vừa đàn áp này đã gây hiệu ứng ngược lại tới các đảng [cầm quyền] vì sự chia rẽ nội bộ bắt đầu phát sinh trong việc xác định chiến lược nào có lợi nhất, đàn áp hay tăng cường tự do. Sự chia rẽ này dẫn đến việc từ chức hàng loạt từ đủ mọi thứ bậc trong đảng (Ba Lan năm 1980), và tăng cường sức mạnh của bộ phận cải cách trong các Đảng Cộng sản -những người muốn đàm phán với lực lượng đối lập bất kể mong muốn của các thành phần cứng rắn (Hungary và Czechoslovakia). [22] Sự chia rẽ trong các đảng cầm quyền đem lại lợi thế cho lực lượng đối lập -những người đang gây áp lực lên các chế độ này qua các phương tiện như Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, các nhóm có tổ chức ở Hungary, và các cuộc biểu tình rầm rộ ở Czechoslovakia, đòi tăng tốc độ cải cách. Cuối cùng, điều này đã đóng góp vào quá trình giải thể các chế độ cộng sản.
Ở Ba Lan, Hungary và Czechoslovakia, các nền tảng cho một xã hội dân sự độc lập được xây dựng trên cơ sở các sáng kiến xã hội từ bên dưới, được thiết kế nhằm đem lại quyền lực cho xã hội trong điều kiện Cộng sản thống trị toàn bộ các chính sách quốc gia. Chiến lược của các nhà hoạt động xã hội là chấp nhận vị trí độc tôn của đảng, trong khi lại tạo dần ra một vương quốc tự chủ được nhìn nhận là hợp hiến và hợp pháp bởi chính cái nhà nước vẫn đang bị thống trị bởi một đảng duy nhất. Ẩn ý là hoạt động độc lập sẽ phải tự giới hạn trong khi tìm kiếm các mục đích của mình, sao cho không đe dọa đến quyền lực quốc gia của đảng.
Lịch sử cho chúng ta thấy rằng chiến lược "chủ nghĩa tiến hóa mới"  không thể tồn tại lâu dài. Các phong trào độc lập, bất kể sự xâm lấn của họ vào các chức năng nhà nước bị giới hạn đến đâu, vẫn không thể tự giới hạn mình trong bối cảnh các tiêu chí của đảng về tính chính đáng. Các đảng Cộng sản theo khuynh hướng cải cách và đang bị chia rẽ không thể chấp nhận các ẩn ý về hoạt động thực sự độc lập. Cân bằng quyền lực vì thế nhất thiết chỉ mang tính tạm thời. Bên nào sẽ là người chiến thắng phụ thuộc phần lớn vào các bối cảnh quốc tế và chính sách nội bộ của USSR.
Năm 1981, lãnh đạo Jaruzelski ở Ba Lan đàn áp Công đoàn Đoàn kết khi phong trào này bắt đầu động viên, không chỉ các thành viên của họ, mà còn dân chúng nói chung. Sau khi Gorbachev giải thích rõ các điều kiện mới cho quyền lực của các đảng cầm quyền và sự can thiệp của Liên Xô trở nên ngày càng ít khả năng, ở Ba Lan (1988), Hungary (1988-89) và Czechoslovakia (1989) đã có sự bùng lên của xã hội dân sự, và nó nhanh chóng động viên để tiến tới lật đổ các chế độ Cộng sản đã suy yếu. Không có sự hậu thuẫn của Liên Xô, các chế độ vốn đã suy yếu giờ đây phải đối mặt với một xã hội độc lập -mà trong đó các thành viên của nó lúc này đã có thể lựa chọn trung thành với bên nào. Các nỗ lực hời hợt ban đầu nhằm kiềm chế một xã hội dân sự tự tổ chức và độc lập -cái đang tìm kiếm một tạm ước với chế độ- đã đem lại cuộc động viên của các nhà hoạt động xã hội; và những cuộc động viên này lần lượt lật đổ các chế độ ở từng nước một. Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển sang bàn về trường hợp của Liên Xô và so sánh các hình mẫu của diễn trình phát triển xã hội dân sự trong các giai đoạn hình thành của nó.
[1] Bennett Kovrig, Communism in Hungary from Kun to Kadar (Stanford: Hoover Institution Press, 1979), p. 361.
[2] Peter Hauslohner, "Gorbachev's Social Contract," Soviet Economy, 3 (1987), 56-60.
[3] Jack Bielasiak, "The Party: Permanent Crisis," in Abraham Brumberg, ed., Poland: Genesis of a Revolution (New York: Random House, 1983), p. 19.
[4] Stephen White, "Economic Performance and Communist Legitimacy," World Politics, 38 (April 1986), 462-482.
[5] Ibid.
[6] Kovrig, p. 362, and Erik P. Hoffmann and Robbin F. Laird, Technocratic Socialism: The Soviet Union in the Advanced Industrial Era (Durham: Duke University Press, 1985), pp. 163-164.
[7] Xem, ví dụ, Gabor Demszky, "Initiatives for Hungary," East European Reporter, 3 (Autumn 1988), 49-54, and East European Newsletter, 3 (March 22, 1989), 2.
[8] Mason, p. 94.
[9] Ibid., pp. 112-115.
[10] Ví dụ, trong thỏa hiệp tháng Tám năm 1980 của Gdansk, Công đoàn Đoàn kết sẵn lòng chấp nhận vai trò lãnh đạo của PUWP đối với nhà nước, ngụ ý rằng quyền lực của đảng phải được hạn chế trong phạm vi các chức năng của nhà nước và hành chính. Xem Timothy Garton Ash, The Polish Revolution: Solidarity (New York: Scribner, 1984), p. 69. Trong một diễn biến tương tự, lực lượng đối lập Hungary năm 1987 chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng chỉ trong "phần được quy định bởi hiến pháp trong khung pháp lý của nhà nước." Xem "A Social Contract: Conditions for Political Renewal," Beszelo (June 1987), in East European Reporter, 3 (October 1987), 57.
[11] Adam Michnik, Letters from Prison and Other Essays, (Berkeley: University of California Press, 1985), p. 142.
[12] Để biết các ảnh hưởng của doanh nghiệp tư trong việc nuôi dưỡng không gian công, xem Timothy Garton Ash, "Reform or Revolution?," New York Review of Books, Oct. 27, 1988, pp. 47-48.
[13] Ash, The Polish Revolution: Solidarity, p. 12.
[14] Các nguyên nhân trong trường hợp của Ba Lan phức tạp hơn nhiều, bao gồm từ rạn nứt sâu xa giữa nhà nước và xã hội khi cảnh sát Ba Lan bắn vào các công nhân biểu tình năm 1970, chuyến viếng thăm của giáo hoàng năm 1979, và thực tế rằng nhà thờ Catholic đã phát triển một triết lý xã hội, theo đó nó có trách nhiệm bảo vệ các quyền bất khả chia lìa của mọi người Ba Lan (một trách nhiệm mà nhà nước đã không thực hiện. Ibid., pp. 20, 30-1.
[15] Các động cơ kinh tế được phân tích trong Janos Kris, "Why Be  Afraid?," East European Reporter, 3 (Autumn 1988). 51, and R. W. Apple, Jr., "Prague's Shaky Bargain: The Government Xemks to Stop the Decline in Industry before It Leads to a Rebellion," New York Times, Nov. 16, 1989, p. 1.
[16] Tismaneanu, p. 102.
[17] Sự xuất hiện của xã hội dân sự, vì thế, được mô tả bởi sự đoàn kết xã hội ngày một chặt chẽ, là kết quả của tăng cường trao đổi về các giá trị được chia sẻ, như cách diễn đạt của Timothy Garton Ash, "từ các giá trị tự chủ tới việc phát biểu các giá trị được chia xẻ." Không gian hoạt động công được mở rộng cũng cho phép xã hội hình thành một "sự thức tỉnh về các giá trị được chia xẻ của nó." Ash, The Polish Revolution, p. 30.
[18] Miszlevitz, p. 89.
[19] "A Social Contract: Conditions for a Political Renewal," Beszelo (June 1987), in East European Reporter, 3 (October 1987), 56-57.
[20] Tuyên bố đầu tiên trong "Network of Free Initiative" vào tháng  Ba năm 1988 "Call to Action," tuyên bố thứ hai bởi FIDESZ. Cả hai được trích dẫn trong Miszlevitz, pp. 90 and 94.
[21] "'Democracy for All:' The Manifesto of the Movement for Civil Liberties," East European Reporter, 3 (Spring-Summer 1989), special section, after p. 38.
[22] Với tình hình chia rẽ trong Đảng Cộng sản từ khi có cuộc lật đổ Janos Kadar vào tháng Năm 1988, nhà cải cách Imre Poszgay đã đấu tranh cho chính sách đối thoại với lực lượng đối lập, chống lại các nhóm bảo thủ ban đầu do Karoly Grosz làm thủ lĩnh. Ở Czechoslovakia tháng Ba 1989, Lãnh đạo Cộng sản Ladislev Adamec ủng hộ đàm phán với đối lập mặc cho mong muốn của bộ phận cứng rắn của Jackes trong đảng. Xem Eastern European Newsletter, 3 (March 22, 1989), 2.
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 28/04/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130427/xa-hoi-dan-su-trong-cac-che-do-cong-san-dang-doi-moi-logic-xuat-hien-3
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001