Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

“GÁC TRỊNH” – MỘT ĐỊA CHỈ TRỊNH CÔNG SƠN TẠI HUẾ 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn ở ngôi nhà cũ của mình trên đường Nguyễn Trường Tộ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn ở ngôi nhà cũ của mình trên đường Nguyễn Trường Tộ

SÔNG HƯƠNG: Số nhà 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (tầng 2, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ) một không gian văn hóa Trịnh Công Sơn đã chính thức được khai trương với tên gọi Gác Trịnh.  Gác Trịnh cũng chính là căn nhà cũ  mà nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã sống và sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình trong thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. 

Trong những ngày này, Huế cứ ngập tràn trong những tầng bậc của cảm xúc của bao người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn. Nơi thì tổ chức thật hoành tráng như ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh vào đêm 31/3. Nơi chỉ gói gọn lại trong những địa điểm nho nhỏ dễ thương như tại nhà của nữ họa sĩ Tô Trần Bích Thúy (Kim Long, TP Huế) hay ở những phòng trà, những ngôi nhà ấm cúng của một số văn nghệ sĩ  khác của Huế, hoặc là nhiều khi chỉ là một bãi cỏ công viên nào đó trong lòng thành phố, nơi mà chúng tôi bắt gặp những lứa tuổi đôi mươi đang say sưa hát những bài hát không thể nào quên của Trịnh. Tất cả là một không khí nhẹ nhàng, đằm thắm cứ như linh hồn người nhạc sĩ tài danh đang hóa thân vào một cái gì đó, một thứ gì đó mà quấn quýt, mà chia sẻ biết bao nỗi đời nỗi người mang mang, những nỗi đời nỗi người như chính trong những ca khúc vẫn đang sống mãi đến hôm nay của ông.
Và có một nhóm văn nghệ sĩ Huế đã thể hiện sự tri ngộ của mình đối với người nhạc sĩ mà tên tuổi của ông đã như gắn chặt vào hồn Huế ấy, bằng một tấm lòng chung nơi căn gác nhỏ từng là một chốn đi về của ông thời kỳ ông còn sống và sáng tác ở Huế vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam ấy vào đúng ngày 01/4 năm nay đã lại mở cửa đón những người yêu mến Trịnh, yêu mến nhạc Trịnh đến với một không gian khác, một không gian đầy hoài niệm nhưng cũng là một không gian mở để mọi người  có thể đến trong các hoạt động giao lưu, triển lãm, giới thiệu tác phẩm mới…mà kể từ đây sẽ được nhóm văn nghệ sĩ  đứng ra tổ chức thường xuyên.
Gác Trịnh hôm nay
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – TBT Tạp chí Sông Hương – giới thiệu về Gác Trịnh
Những hình ảnh tư liệu liên quan đến cuộc sống và bạn bè  của Trịnh Công Sơn
Mặc dù những kỷ vật, những tư liệu hiện nay chưa phải là nhiều nhưng gác Trịnh đã nhận được những tín hiệu vui từ những người bạn của Trịnh Công Sơn và những người yêu mến Trịnh Công Sơn trong và ngoài nước, đó là họ sẽ vận động, sẽ chia sẻ những tư liệu, những hiện vật quý liên quan đến người nhạc sĩ tài hoa, trong đó có cả những tài liệu vẫn còn rất ít người biết đến,  và tất cả đều chung nhau một ước muốn rồi đây sẽ có một bảo tàng nho nhỏ, góp chung trong một không gian văn hóa Trịnh ở mảnh đất  này.
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận mặc dù bị bệnh phải ngồi xe lăn nhưng cũng về chung vui
Nghệ sĩ Camille Huyền đang thể hiện  những ca khúc của Trịnh Công Sơn
Để thành lập và đưa vào hoạt động của Gác Trịnh nho nhỏ ấy thôi, nhóm văn nghệ sĩ tính ra đã phải bỏ hàng chục triệu thuê mặt bằng hàng năm. Thôi thì cũng vì tấm lòng yêu mến Trịnh mặc dù chẳng ai là khá giả. Không quy mô cỡ như Đề án Không gian văn hóa Trịnh Công Sơn đã được gửi lên các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên – Huế  rộng 9 ha tại đồi Bàu Hồ ven sông Hương, thuộc làng Nguyệt Biều, TP Huế…nhưng Gác Trịnh vẫn cần sự quan tâm của những tấm lòng yêu mến Trịnh và chung tay góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần của mọi người để có thể duy trì lâu dài một gác nhỏ tri ngộ bên đời, một không gian tin thần thấm đẫm chất Huế và tương lai là một địa chỉ văn hóa không thể bỏ qua của mảnh đất Cố đô.
Sau đây là một số hình ảnh khác:
Nhà văn Bửu Ý thắp một ngọn nến tưởng nhớ cố nhân
Đông đảo phóng viên báo chí đến đưa tin
Rất nhiều văn nghệ sĩ đã đến với không gian Gác Trịnh
Từ Gác Trịnh nhìn ra là cả một không gian xanh mát
nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/04/28/gac-trinh-mot-dia-chi-trinh-cong-son-tai-hue/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001