Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Vàng chẳng phải là chanh 


Tiểu Lý-SGTT 

Hơn 12 tấn vàng được ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường qua 11 phiên đấu thầu. So với giá vàng ở bên ngoài, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch quá cao. Nếu so với mức 400.000 đồng một lượng, mục tiêu cũ mà thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố, chênh lệch giá vàng giữa trong và ngoài nước cao gấp năm lần, có lúc tới 15 lần. 

Từ diễn biến thị trường vàng, có hai câu hỏi lớn được đặt ra. Thứ nhất, vì sao vẫn có chênh lệch như vậy? Thứ hai, vì sao chênh lệch lớn mà doanh nghiệp vẫn phải mua? 

Nếu trước đây mục tiêu của chính sách vàng là chống đầu cơ, bình ổn giá, thì ở quyết định 16 do Thủ tướng ký ban hành ngày 4.3.2013, quy định rõ là “ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước”. Từ sau khi có quy định này, ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu. 

Do quy định kỹ thuật về thời hạn nộp tiền và lượng tối thiểu đặt mua, ước tính cần có trên 40 tỉ đồng, mới có thể tham gia dự thầu. Quy định như vậy loại bỏ không ít doanh nghiệp tham gia dự thầu. Lẽ thường trong giao dịch ít có cạnh tranh, giá sẽ khó lòng bị đẩy cao. Nhưng thực tế các phiên đấu thầu, giá chào bán còn cao hơn giá thị trường. Vậy vì sao vẫn có người mua? 

Tất cả các câu hỏi này đều có chung một đích đến: chỉ có ngân hàng Nhà nước mới đủ năng lực trả lời. Dường như, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ này cũng hiểu rõ thị trường, khi trên Tuổi Trẻ ngày 25.4, một quan chức ngân hàng Nhà nước mạnh dạn dự đoán rằng “thị trường vàng trong nước sẽ bình ổn sau ngày 30.6”. 

Ở vị thế người bán, ngân hàng Nhà nước hoàn toàn biết rõ các ngân hàng nào đang cần phải mua một lượng vàng để đến hạn 30.6.2013, hạn chót sau nhiều lần gia hạn. Bởi thông tin trạng thái này được bảo mật ở ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, người bán cũng hiểu rõ, để mua một lượng lớn như vậy trong điều kiện nguồn cung nhập khẩu cấp duyệt theo hạn ngạch, sẽ dễ dẫn tới một đợt sốt giá. Cuối cùng, người bán thừa hiểu, chỉ có một nguồn cung để đáp ứng nhu cầu như vậy. 

Về người mua, do không có nhiều lựa chọn và thời hạn cuối cũng sắp hết, dù giá cao cũng phải mua. Điều đáng nói, thua lỗ từ kinh doanh vàng của ngân hàng, ngoài lỗi của người kinh doanh khi tính toán sai, có phần đến từ thay đổi chính sách. 

Một trong những nguyên nhân khiến giao dịch bất thành trên thị trường là thông tin không tương xứng. Chỉ có người trồng chanh mới biết mình trồng giống gì, ở đâu, phân tro và chăm sóc thế nào, còn người mua, ngoài nhìn vỏ, cũng không biết rõ. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu dùng cái tên “thị trường chanh” để chỉ tình trạng thông tin không tương xứng, để từ đó có giải pháp phù hợp. Với thị trường vàng ở Việt Nam, ngân hàng Nhà nước phát triển thêm luận đề trong thị trường chanh, có lợi thế độc quyền từ thông tin đến nguồn cung, chắc chắn thắng. Và trong số người thua kể trên, có thêm kẻ thiệt – những người vì nhu cầu nhất định, phải mua vàng miếng giá cao. 

Tuy nhiên, các biện pháp của ngân hàng Nhà nước, theo bài trình bày của tiến sĩ Võ Trí Thành tại hội thảo Mùa xuân của uỷ ban Kinh tế (Quốc hội) diễn ra tại Nha Trang tháng 4 năm nay, là “góp phần làm ổn định giá vàng, chứ không phải là ổn định thị trường vàng, do hơi thiên về tạo sự bất định đối với việc nắm giữ vàng”. 

Vậy sau ngày 30.6, thị trường vàng trong nước có bình ổn đúng như dự báo của một quan chức ngân hàng hay không vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
nguồn:http://quechoa.vn/2013/04/28/vang-chang-phai-la-chanh/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001