Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ ANH NGỌC 

ANH NGỌC: Đây là bản gốc bài viết của nhà báo Thu Huyền về tôi. Khi in trên Báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 28 – 4 – 2013, bài đã đổi tên và lược đi nhiều đoạn. Nay nhờ trang NTT công bố lại bài viết theo nguyên bản.
Trái sang: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm (ĐH Nhà Văn 1995)
Trái sang: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm (ĐH Nhà Văn 1995)

Nhà thơ Anh Ngọc – cuộc trò chuyện nhỏ trong bệnh viện

Đúng là cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ở Bệnh viện 108, nơi ông đang phải nằm điều trị bệnh. Ngay từ đầu, ông nói ông bị hiện tượng quá dễ xúc động, y học gọi là bị ‘cường giao cảm”, cứ hễ xúc động là huyết áp lên cao, – mà lúc như thế thì nhiều lắm, -  nên ông giao hẹn chỉ nói ngắn ngắn thôi, mặc dù lời giao hẹn ấy bị chính ông liên tục vi phạm. Vâng, người tôi đang được nói chuyện đó là nhà thơ Anh Ngọc, người tự nhận đặc điểm chính trong tính cách của mình là tính phức tạp và luôn tự mâu thuẫn.

Một phóng viên và  một nhà thơ
Sau khi tham gia chiến dịch Quảng Trị 1972, từ một chiến sĩ thông tin, Anh Ngọc được điều về làm phóng viên Báo Quân đội, và từ đó ông có điều kiện để đi đến khá nhiều chiến trường. Ngay từ tháng Giêng 1975, cùng với một số nhà báo quân đội, ông lên đường vào Nam để chuẩn bị theo dõi cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm ấy, và ông đã may mắn có mặt ở Sài Gòn vào những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975. Dĩ nhiên, những ngày ấy Anh Ngọc đã viết không ít về Sài Gòn, nhưng trong cuộc trò chuyện lần này, chúng tôi muốn nghe về một chủ đề khác: Đó là việc ông có mặt ở Côn Đảo ngay những ngày đầu tiên giải phóng và kết quả của nó là bản trường ca “Sóng Côn Đảo” được trao giải cao nhất của Tuần báo Văn nghệ năm 1975, cùng với các tác phẩm của Hữu Thỉnh và Văn Lê.
Với những sự kiện quá phong phú và diễn ra đã lâu, tóm tắt cho được lời ông kể hôm nay là không thể. Xin bạn đọc tạm hài lòng với ít nhiều thông tin thôi nhé:
Đang say sưa với không khí chiến thắng ở giữa mảnh đất Sài Gòn, thì Anh Ngọc được tin những người tù Côn Đảo đã nổi dậy chiếm đảo và làm cuộc tự giải phóng. Ông và một nhà báo nữa – anh Mạnh Hùng – quyết định tìm cách ra ngay đảo, bởi với mỗi người Việt Nam đã từ lâu, Côn Đảo như một hòn máu thức, một vết thương trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Nơi ấy, từ một hòn đảo xinh đẹp, thanh bình, hàng trăm năm nay, người Pháp rồi người Mỹ đã biến thành một nhà tù khét tiếng, nơi giam giữ, hành hạ và sát hại biết bao thế hệ những người con yêu nước của chúng ta. Anh Ngọc kể chuyện ông và bạn ông đã kiếm được một chiếc Honđa nữ cũ kỹ, bị đạn bắn thủng cả hộp máy, phải lấy vải nhét lại để dầu luyn khỏi phun ra ngoài, và bằng chiếc xe ấy, lần đầu trong đời ông ngồi lên một cái xe máy, chở bạn mình phóng thẳng ra  Vũng Tàu. Rồi từ Vũng Tàu theo tàu hải quân ra Côn Đảo. Đối với nghề làm báo, yêu cầu tối thượng là sự có mặt tại chỗ và kịp thời. Và việc ông có mặt ở Côn Đảo ngay lúc bấy giờ là một may mắn vô giá: Cả cái nhà tù khổng lồ này hầu như còn nguyên trạng như bao năm nay nó vẫn thế, thậm chí các tù nhân Côn Đảo được giải phóng rồi nhưng vẫn nằm nguyên trong tù, vì họ đâu có chỗ nào mà ở, dĩ nhiên là không còn bị … cùm chân (ha ha ha!…) Người đưa ông đi thăm các trại tù Côn Đảo chính là ông Trần Trọng Tân, ông Hai Tân (sau này  là Trưởng ban Tư Tưởng và Văn Hóa trung ương). Ấn tượng ghê gớm về cuộc sống tù đày ở Côn Đảo không thể diễn tả trong mấy lời này được – chỉ cần biết đó là hình ảnh điển hình về sự chà đạp và xúc phạm những gì là quyền sống cốt lõi của con người, đúng là chữ mà Bác Hồ đã dùng một cách rất nhẹ nhàng trong “Nhật ký trong tù”: “Sống khác loài người vừa bốn tháng”, có điều ở đây không phải bốn tháng mà không biết bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm…Anh Lê Quang Vịnh sống ở Côn Đảo từ năm 1964 mà sáng 30-4-1975, lúc mọi người đến cứu, anh vẫn nằm phải trong chuồng Bò, bị kiết lỵ lê lết đến kiệt sức… Với trách nhiệm nhà báo, Anh Ngọc đã kịp viêt một bài ký dài kỳ về Lê Quang Vịnh, đăng 7 kì ở Báo Quân đội nhân dân. Kèm theo, ông còn gửi đăng trên QĐND một bản nhạc của anh Vịnh vừa sáng tác ngay ngày được giải phóng đầu tiên, bài hát có tên: Tự Do. Một điều không nhiều người biết là ngay trong những ngày tháng tù đày ấy, Lê Quang Vịnh đã viết trường ca, và Anh Ngọc đã được nghe anh đọc một số đoạn.
- Điều gì đã khiến ông không làm thơ ngắn mà lại viết trường ca, thưa ông? – Tôi cố gắng ngắt lời ông.
-  Bạn thấy đấy, với một dung lượng đời sống lớn như vậy, cả chất liệu tư tưởng và cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ như thế thì nhu cầu viết dài là tất yếu rồi. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi đã hình thành ý tưởng một trường ca. Nói là bài thơ dài thì chính xác hơn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng gọi “Sóng Côn Đảo” là thơ dài có vẻ hợp lý hơn. Nhưng thôi, sa đà vào mấy cái thuật ngữ này mệt lắm, cũng chẳng để làm gì. Tóm lại là sau khi “thằng” nhà báo trong tôi xong việc, thì đến lượt “thằng” nhà thơ trong tôi lên tiếng, và nó đã không thể làm thơ ngắn được, vì lý do như trên, nên về đến Sài Gòn là tôi đặt bút, về Hà Nội tiếp tục, và 3 tháng sau đó, tôi viết xong Sóng Côn Đảo.

Chưa bao giờ dự thi
Ông say sưa đọc thơ, đã gần 40 năm rồi mà ông vẫn nhớ và thuộc lòng Sóng Côn Đảo , còn tôi thì sợ cho cái bệnh quá dễ xúc động dấu đầy hiểm họa của ông, nên bèn lái câu chuyện thơ sang chuyện về hai lần được giải thơ báo Văn nghệ, từ Cây xấu hổ, đến Sóng Côn Đảo, từ giải nhì cuộc thi thơ năm 1972-1973 đến giải A cuộc thi thơ năm 1975, xem cảm xúc của ông thế nào. Nhà thơ Anh Ngọc trả lời ngay: Sự thực là tôi chưa từng dự thi. Chùm thơ Cây xấu hổ đến được với bạn đọc là nhờ ông Nguyễn Duy. Vốn tôi và Nguyễn Duy năm 1972 đều là lính thông tin. Tôi thì làm binh nhì nằm trong một tổ bảo vệ đường dây tận trong khe núi ở Quảng Trị, Nguyễn Duy khi ấy đã là nhà báo của binh chủng, sau khi hai thằng gặp nhau ở Quảng Trị, thì Duy về Hà Nội trước. Có lần Nguyễn Duy gọi dây nói bảo có viết được gì thì đọc cho Duy, để ông ấy gửi cho Văn Nghệ. Thế là hai thằng hẹn nhau, đúng nửa đêm, khi đường dây rỗi việc, tôi liền đọc cho Nguyễn Duy mấy bài vừa viết. Duy cứ thế gửi thẳng cho báo Văn Nghệ (thậm chí còn chép sai một vài từ!). Chắc bấy giờ Văn Nghệ đang khát bài của chiến trường nên in ngay. Rồi Báo lại còn có nhã ý trao giải! Điều ấy đến khi ra Bắc tôi mới biết. Còn Sóng Côn Đảo , tôi viết xong đưa sang báo Văn nghệ gửi cho ông Ngô Văn Phú, và Nguyễn Phan Hách, đề rõ ràng trên đầu bản thảo: Thơ không dự thi. Nhưng họ có cái lí của họ khi không thể không đưa vào dự thi và cuối cùng trường ca Sóng Côn Đảo được giải A cùng với trường ca của Hữu Thỉnh và thơ của Văn Lê. Thực lòng là tôi rất trân trọng các giải thưởng, nhưng không hiểu sao lại không hứng thú lắm với các cuộc thi thố văn nghệ…, đó có lẽ là một trong những nét “mâu thuẫn” cố hữu trong tính cách của tôi như đã nói ở trên.
- Đã có nhiều người khen Sóng Côn Đảo có những câu thơ thật hay, có những câu xuất thần, ông có đồng ý với nhận xét ấy không?
- Tôi mà nói thực lòng thì  chắc lại tiếp tục bị cho là “chảnh” đây. Ai chả thích được khen, nhưng nếu nói thực lòng, tôi chỉ thấy trường ca này được một số đoạn, một số câu thôi, trong đó phần “Đảo và Biển” là được hơn cả. Ông Hữu Thỉnh thì thích câu “cây trái nôm na, đất đai mộc mạc” (ông Thỉnh vốn là phù thủy chữ nghĩa mà), còn ông Vương Trọng thì thích câu “đêm rùng mình trên lưng đen cá mập” và “sóng lay động nửa phần chìm của đảo” – đó là những câu chính tôi cũng ưng ý. Tuy nhiên, ưu thế lớn nhất của nó chỉ là xuất hiện kịp thời. Người ta cho giải cao vì đề tài, vì hoàn cảnh và nhất mình lại là người đi và viết ở chiến trường.  Nếu bạn đã đọc Người tù khổ sai Papillon, bạn sẽ thấy một thằng tù vốn không biết chữ, ra tù mới tập viết mà viết hay đến thế. Đến khi xem bộ phim lại càng cảm động. Trong khi, với một chất liệu đời sống vĩ đại như Côn Đảo mà mình viết thô sơ như thế thì làm sao mà vừa lòng được. Những chuyện này nói mãi rồi, ai cứ thế nào vẫn cứ thế mà nói, nhưng tôi hy vọng chính ở các bạn trẻ, sẽ có một ai đó đến với những số phận con người và số phận dân tộc qua hình ảnh Côn Đảo, rồi ra sẽ có những trang viết, cả thơ và văn, thực sự có giá trị xứng đáng với mảnh đất này. Bạn hãy thử chơi thật thân với một người tù Côn Đảo mà xem,  đằng sau những thứ ngôn từ đã thành công thức khô xác, cuộc đời mỗi người tù còn biết bao nhiêu chuyện, phải, trái, đúng, sai, không dễ gì tách bạch, không thiếu gì người thế nọ, thế kia, không thiếu gì những nhầm lẫn, những thành kiến, những  nghi kị từng gây ra biết bao bi, hùng và cả hài kịch… Tóm lại, văn chương còn nợ Côn Đảo nhiều lắm.
- Xin được phản biện ông một chút: chúng ta cũng đã có biết bao những tập hồi kí, những câu chuyện được kể lại, người thực việc thực hẳn hoi nhưng vẫn không ai nhớ nổi. Người Việt Nam mình thích thơ, và người ta dễ dàng nhớ những câu thơ như thế này trong  “Sóng Côn Đảo”: Nơi con người sống trong chuồng thú dữ / Và thú dữ lên chiếm chỗ con người/ Nơi trăm năm không có tiếng cười/ Chỉ có tiếng gầm gừ dã thú/ Lời thù hận tím bầm môi thiếu nữ/ Nét già nua trên gương mặt trẻ con/ Không có tình yêu nhạt nhẽo những chiếc hôn/ Tay hái quả là bàn tay đao phủ/ Máu đổ tề vấy lên cành phượng đỏ/ Cây trong vườn xuân nở đóa kẽm gai/ Nơi người tù thức dậy mỗi ban mai/ Nghe chim hót ở trên đầu cọc bắn/ Mới nhớ mình vừa mất thêm người bạn/ Mà trời vẫn xanh/ Mà biển vẫn xanh/ Đứng cô đơn như cái bóng của chính mình/ Côn Đảo…
- Cám ơn bạn. Không phải tất cả những gì chúng ta đã từng viết ra đều vứt đi cả đâu. Chúng ta đã viết rất nhiều, và đôi lúc còn rất hay về một nửa của cuộc sống. Nhưng còn một nửa nữa thì vừa thiếu lại vừa yếu – điều này ngay trong chiến tranh thì có thể tha thứ, nhưng gần 40 năm sau chiến tranh, khi con người đã gần như trở lại được làm những con người bình thường như muôn thuở, thì sự khiếm khuyết này là không thể tha thứ. Tôi nhận ra điều này từ lâu lắm rồi, thậm chí từ năm 1969, chẳng hạn ngay lúc chiến tranh đang ác liệt, lúc tôi còn chưa đi lính, trong bài thơ nhan đề Hoa Dành tôi viết tặng Lưu Quang Vũ, đã có những câu như thế này: Hoa Dành ơi, hoa là nỗi hồn nhiên, điều không thể nói lại là điều không thể giấu/ Hoa trung thực như tình người đi chiến đấu/ Quần áo ngụy trang nhưng tâm hồn không một bóng ngụy trang. Tôi cũng ca ngợi người lính của chúng ta đấy, nhưng cái mà tôi ca ngợi vừa có tính nhất thời vừa có tính vĩnh cửu, mang thuộc tính của con người trong mọi nơi, mọi lúc, con người của muôn thuở.
Côn Đảo chưa có tượng đài?

Có tới 4 trường ca: “Sóng Côn Đảo”, “Sông núi trên vai”, “Sông Mê Công bốn mặt” và “Điệp khúc vô danh”,  nhà thơ Anh Ngọc là một trong số ít nhà thơ thành công với thể loại trường ca. Ông nói: Tại sao giai đoạn đó chúng tôi viết được trường ca, vì chúng tôi là thế hệ đã đi từ đầu đến cuối cuộc chiến. Cùng với chiều dài và tầm vóc của cuộc kháng chiến, người viết cũng trưởng thành dần lên, đến độ chín muồi, vì vậy càng về cuối cuộc chiến, và cả sau khi chiến tranh kết thúc một thời gian, nhiều người viết đều có nhu cầu viết trường ca. Viết trường ca như tác chiến hợp đồng binh chủng, giống như mình đã đánh từ tiểu đội lên đại đội, rồi trung đoàn, sư đoàn và cuối cùng đánh Sài Gòn là cả 4 cánh quân, đổ về từ 4 hướng. Với tôi Sóng Côn Đảo và Sông núi trên vai vẫn còn là trường ca ngắn. Khi viết Sông Mê Công bốn mặt và Điệp khúc vô danh  tôi ra quân rất nhiều hướng, nói từ chuyện chung của đất nước,  của thế giới, về với gia đình, quê hương, đến chính bản thân mình, từ ngôn ngữ chính luận đến ngôn ngữ trữ tình, vận dụng rất nhiều thể thơ, rất nhiều thủ pháp v.v… Viết trường ca có nghĩa là huy động tất cả vốn sống, vốn kinh nghiệm và vốn kỹ thuật.
Nhân nói về tầm quan trọng của tính tư tưởng trong thơ, nhà thơ cho rằng: Trong thơ, đặc biệt là thơ phương Đông, tính triết lí phải toát lên từ hồn vía và chi tiết của đời sống thực. Tư tưởng và cảm xúc của thơ phải sống trong thể xác của thơ. Tựa  như một cô hoa hậu, phải có từ vòng một, vòng hai, vòng ba, chiều cao, cân nặng, rổi cả gương mặt nữa… đạt chuẩn mực, rồi  mới thể hiện đến trí thông minh, vẻ duyên dáng và quyến rũ v.v… Chứ dù bạn duyên dáng đến đâu mà chỉ lùn một mẩu thì cũng không thành hoa hậu được.
Câu chuyện về đời và thơ trong quá khứ của chúng tôi cũng đã khá dài. Tôi rất muốn ông nói một đôi điều gì đó về ngày hôm nay, về lúc này chẳng hạn. Và nhà thơ Anh Ngoc dường như không phải nghĩ ngợi gì, trong ông đã luôn sẵn một cái đầu với những suy nghĩ thường trực. Ông chỉ vào cái áo bệnh nhân trên mình và nói: Bạn thấy đấy, chúng ta đang ngồi trong bệnh viện. Thế hệ chúng tôi – trừ những người rất khỏe như nhà thơ Hữu Thỉnh chẳng hạn (nói trộm vía ông ấy một tý, hì hì…), – thì nói chung là sức khỏe bắt đầu giảm sút rất nhiều, cả sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần. Tôi nhớ có lần khi được hỏi công việc hàng ngày là gì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể ra một số việc quan trọng, và cuối cùng ông cười, nói tiếp: “Tôi tập yôga !” Thế đấy, có thể một lúc nào đấy công việc quan trọng của một vị Đại tướng là tập thể dục dưỡng sinh. Cho nên bạn hỏi tôi còn viết trường ca nữa không ư, thì có thể đáp ngay là “không”. Nhưng thơ thì khác: Có thể có mà cũng có thể không. Thơ không phải là văn xuôi. Có buộc chân bạn vào bàn ra lệnh ngồi viết, bạn cũng không thể viết được. Thế rồi có lúc bất chợt một ngày đẹp trời, trong mười lăm phút là  bạn có ngay được một bài, và chưa chừng đó lại là bài vẽ đúng chân dung tinh thần của bạn nhất, chẳng hạn bài thơ sau đây, tôi viết năm 2010 và in trên số Tết báo Văn nghệ năm ấy, bạn nghe nhé: Buổi chiều nhân thếTa thích mình vì mình nói ít/ Mình thích ta vì ta nói nhiều/ Một người nói nhiều, người nói ít/ Ngồi lại bên nhau thành buổi chiều/ Buổi chiều có hàng cây cơm nguội/ Không biết đông về lá cứ xanh/ Có con sông chảy như mơ ngủ/ Mơ ngủ như ta ngồi với mình/ Buổi chiều nhân thế mây đi vắng/ Có người vừa nhẩm mấy câu kinh/ Mình ơi, mình nói gì đi chứ/ Sao để riêng ta chuyện một mình?
            Tôi biết là bạn chưa đến tuổi thích những bài thơ như thế, nhưng hãy cứ đợi đấy!… Rồi ra chưa biết bản trường ca 1000 câu và bài thơ 10 câu, cái nào sống lâu hơn cái nào đâu.
Vâng, cả buổi trò chuyện với ông là những câu chuyện đại loại như thế. Rất vui nhưng không bông phèng. Trở lại với chủ đề về Côn Đảo, nhà thơ cho biết từ năm ấy đến nay ông chưa một lần quay lại Côn Đảo, nhưng trong ông thì hình ảnh Côn Đảo mãi mãi không phai mờ. Ông thực lòng ngạc nhiên và tiếc nuối khi không hiểu sao đến bây giờ mà trên đất Côn Sơn vẫn chưa có một bức tượng đài để làm bất tử một hình ảnh vốn đã từ lâu đau đáu trong lòng mỗi người Việt Nam, bởi chính ông, từ gần 40 năm trước, ông đã từng hình dung về một bức tượng đài như thế trong thơ mình khi kết thúc bản trường ca. Ông nhắm mắt lại và đọc thật chậm và thật vang lên những dòng cuối cùng của bản trường ca “Sóng Côn Đảo” thay cho một lời tâm sự và nhắn gửi:
Điệp khúc này sóng hát với mênh mông
Pho tượng lớn thiên nhiên vừa phác thảo
Lấy đỉnh núi Côn Sơn làm chất liệu
Tự Do bay trên đôi cánh tượng đài
Đạp xích xiềng, đầu vươn tới Tương Lai!

                                 THU HUYỀN thực hiện.
nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/04/28/tro-chuyen-voi-nha-tho-anh-ngoc/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001