Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Bằng Phong Đặng Văn Âu - Trách Nhiệm Với Non Sông (Bài II) 

Bằng Phong Đặng Văn Âu

Đợi “Ngày Quốc hận 30 Tháng Tư” qua đi để những cảm xúc buồn bã lắng xuống, tôi bắt đầu viết bài số 2 về chủ đề “Trách Nhiệm Với Non Sông” tiếp theo. Trong khi sửa soạn viết bài này, tôi dự định nói về trách nhiệm của người Miền Nam đã để cho Miền Nam rơi vào tay cộng sản thì tình cờ được đọc bài “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích” của bạn Nguyễn Thành Công đăng trên trang mạng Quê Choa. Tôi rất lấy làm tâm đắc và quý mến tác giả. Theo như lời mở đầu, sở dĩ bạn Công viết bài nêu trên là vì đọc bài viết của tôi đăng trên các trang mạng vừa rồi mà trong đó tôi nghiêm khắc quy trách nhiệm cho những vị “lão thành cách mạng”, những con người từng tự hào với quá khứ “quyết tử để dân tộc quyết sinh”, đã tận lực giúp Hồ Chí Minh xây dựng lên một cỗ máy độc tài toàn trị vừa lạc hậu vừa dã man, nhưng lại thờ ơ trước những bức bách của bọn cầm quyền. Có lẽ vì vậy mà bạn Công nghĩ rằng tôi thuộc vào loại người chống Cộng quá khích?
Lâu nay tôi luôn luôn phản đối những người quá khích trong mọi lĩnh vực như tôn giáo hay chính trị. Bởi vì sự quá khích làm cho trí óc mất đi sự sáng suốt, bình tĩnh trong suy luận để hành động xứng đáng. Thậm chí tôi đã từng viết rằng người không có khả năng trí tuệ thì mới quá khích!
Bạn Nguyễn Thành Công nói về một số lý do Miền Nam thua trận là hết sức đúng với mối âu lo của tôi từ khi Miền Nam còn tồn tại chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Chính tôi, một sĩ quan cấp Thiếu tá tuy không giữ trọng trách lớn, cũng có lỗi về sự sụp đổ Miền Nam.
Năm 1954, các thế lực quốc tế chia cắt Việt Nam thành hai nước tại  ranh giới vỹ tuyến 17: Miền Bắc là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thuộc phe cộng sản và Miền Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa thuộc phe tự do. Sau hai năm, hai nước sẽ thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử. Ông Hồ Chí Minh không tin vào thỏa ước đó, nên ông ta đã chỉ thị cho thuộc cấp chôn giấu vũ khí và cán bộ nằm im để chuẩn bị cuộc chiến tranh khuynh đảo. Ông Ngô Đình Diệm viện cớ mình không đặt bút ký vào hiệp định Genève nên không chấp nhận tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lý do ông Ngô Đình Diệm không chấp nhận là điều dễ hiểu vì dân số ở Miền Bắc có 17 triệu và Miền Nam chỉ có 14 triệu. Quan trọng hơn nữa, Công An Miền Bắc có thể cưỡng bức người dân phải lựa chọn chế độ cộng sản; nhưng Miền Nam không thể cưỡng bức người dân làm theo ý chính phủ. Sang năm 1960, Miền Bắc chính thức quyết định “thống nhất” đất nước bằng vũ lực dưới chiêu bài giải phóng dân tộc.
Những người Quốc gia làm cách mạng chống Thực Dân là do lòng yêu nước tự phát. Trái lại, ông Hồ Chí Minh là cán bộ tình báo của Mạc Tư Khoa, được đào tạo các kỹ thuật tuyên truyền (nói dối) tinh vi, kỹ thuật đấu tranh khuynh đảo và được quốc tế cộng sản ủng hộ. Ông đã tài tình giả dạng đóng vai một nhà ái quốc khiến cho người dân Việt Nam ngây thơ mà lầm tưởng ông thực lòng hô hào kháng chiến chống Thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc. Uy tín của ông Hồ lên rất cao trong quần chúng vì nhân dân không biết ông ta là một nhà chính trị đại bịp. Hôm nay với bằng chứng lịch sử rõ ràng ông Hồ là tay sai đắc lực của cộng sản quốc tế và là kẻ bán nước khi chỉ thị Thủ tướng Phạm văn Đồng ký công hàm gửi cho Quốc vụ viện Trung Cộng nhìn nhận hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Tầu. Ca ngợi công đức của ông Hồ là ca ngợi kẻ bán nước!
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, một mặt lên tiếng phê phán các nhà cầm quyền cộng sản, một mặt vẫn vái lạy Hồ Chí Minh như một ông Thánh, khiến cho tôi phải phản bác cái luận điệu trái chiều đó và nghiêm khắc lên án quý vị “cách mạng lão thành” đã thờ ơ lạnh lùng trước nỗi cùng cực của đồng bào mình dưới một chế độ hà khắc, tàn bạo do chính quý vị đã tiếp tay ông Hồ dựng lên.
Sở dĩ tình trạng dân mình chịu cảnh thảm thương, tang tóc như ngày  hôm nay cũng là cái lỗi lớn của những người Việt ở Miền Nam chống Cộng sản mà tôi sắp sửa đề cập dưới đây.
Ông Hồ Chí Minh trước khi trở thành cán bộ cộng sản, đã khẩn khoản viết đơn xin Thực dân Pháp vào học trường Thuộc địa để phục vụ đế quốc. Ông ta không phải là người yêu nước, chẳng qua bị Thực dân Pháp từ chối thì ông đi đầu quân cho đế quốc Đỏ Liên Xô dưới danh nghĩa nhà cách mạng giải phóng dân tộc.
Ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại mời làm Thượng thư Bộ Lại (tương đương chức Thủ tướng). viết bản đề nghị Thực dân Pháp cải tổ đường lối cai trị, nhưng Pháp không chấp nhận, ông từ chức để tìm đường cứu nước bằng cách khác. Vào thời điểm cực kỳ khó khăn khi đất nước bị chia đôi, vua Bảo Đại lại mời ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng. Ông Diệm miễn cưỡng nhận lời vì bị vua Bảo Đại áp lực đặt vấn đề trách nhiệm công dân tự do chống lại chủ nghĩa cộng sản. Ông Diệm nhất quyết sống chết với Đất Nước, chứ không chấp nhận đề nghị ra khỏi nước của Đại sứ Hoa Kỳ. Chỉ cần nêu vài ba sự kiện đó thôi, chúng ta cũng đủ thấy ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước, không màng danh lợi cá nhân, không tham sống sợ chết.
Tiếc thay! Một số người dân Miền Nam cho rằng ông Diệm là tay sai của Mỹ giống như cha con Nguyễn văn Tâm, Nguyễn văn Hinh là tay sai của Pháp. Và ông Hồ được đánh giá là nhà ái quốc đấu tranh giành độc lập!
Sau ngày chia đôi Đất Nước, tình hình Miền Nam hết sức hỗn độn. Ông Diệm về chấp chánh mà quân đội Quốc gia, Công An và ngân sách quốc gia thì nằm trong tay Thực dân Pháp. Ông Diệm hoàn toàn không có dưới tay những cán bộ chính trị hay quân sự hết lòng phụng sự lý tưởng tự do. Bọn Pháp thực khốn nạn, chúng bám lấy Việt Nam cho đến ngày thua cộng sản, rồi lại xúi tay chân bộ hạ quấy rối chính quyền của ông Diệm, thuộc phe Tự Do. Cái phe bị gọi là Tư Bản (trong đó có Pháp) mà cộng sản đòi chôn sống! Pháp ủng hộ những giáo phái nổi lên chống ông Diệm. Tướng Bảy Viễn, chủ nhân sòng bạc Đại Thế Giới và động điếm Bình Khang đặt cho ông Diệm những yêu sách không thể thỏa mãn.
Phái bộ Hoa Kỳ sang giúp ông Diệm lại nghe lời bọn Thực dân Pháp, cũng chống ông Diệm. May mà có ông Landsdale làm bản báo cáo gửi về Tòa Bạch ốc kịp thời, khiến cho Tổng thống Eisenhower thay đổi quyết định, nhờ đó ông Diệm mới đứng vững. Ông Diệm được Mỹ ủng hộ tối đa và trong một thời gian ngắn ông Diệm đã ổn định tình hình mà người ta tưởng chừng như một phép lạ. Giải quyết thành công vấn đề định cư cho gần một triệu người Miền Bắc tỵ nạn Cộng sản trong tình hình hỗn độn như thế, không phải ai cũng làm được!
Một mặt lo xây dựng Miền Nam từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, một mặt lo triệt hạ những cơ sở nằm vùng của Việt Cộng, ông Diệm còn bị sự chống đối của các đảng phái chính trị. Đáng lý ra hai đảng lớn là Việt Nam Quốc Dân đảng và Đại Việt phải đoàn kết giúp ông Diệm để tiêu diệt kẻ thù chung thì mới phải. Trong một bài viết ngắn ngủi, tôi không thể kể ra hết cái tội của hai đảng lớn vừa nêu.
Vì nghĩ rằng muốn chống Cộng hữu hiệu thì phải tham gia vào một tổ chức có truyền thống Chống Cộng, tôi đã tuyên thệ vào Đại Việt từ khi còn rất trẻ mà không biết Đảng trưởng là ai, chỉ biết cái bí danh là Anh Cả. Do trẻ tuổi bồng bột, lại thiếu thông tin, tôi chống ông Diệm. Vì ở trong cái Đảng chống ông Diệm, nên tôi cũng tưởng rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị. Sau này tôi ăn năn hối lỗi thì đã muộn!
Cùng thờ Đảng trưởng Trương Tử Anh (đã bị Cộng sản thủ tiêu), các lãnh tụ kế thừa như các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng văn Sung (anh của tôi), Bùi Diễm, Nguyễn Ngọc Huy, Hà Thúc Ký thay vì đoàn kết nhau để tiêu diệt cộng sản hầu báo thù cho Nước và cho Đảng trưởng, lại phân hóa lẫn nhau. Bên Quốc Dân Đảng cũng vậy, chia năm xẻ bảy thành nhiều hệ phái gồm các ông Vũ Hồng Khanh, Trần văn Tuyên, Nguyễn Tường Tam …
Tôi không dám quả quyết kết tội ông Trí Quang và Phe nhóm là cộng sản, vì không có tài liệu cụ thể. (Tôi dùng cụm từ “Trí Quang và Phe nhóm” để người đọc đừng hiểu lầm tôi đồng hóa Trí Quang với Phật giáo. Trí Quang và Phe nhóm còn gây rối trường kỳ và liên tục các chính quyền sau khi ông Diệm đổ, đủ cho ta thấy họ đấu tranh không vì nguyên nhân ông Diệm đàn áp tôn giáo, mà vì cố tình giúp cho sự xâm lăng của cộng sản Miền Bắc sớm thành công. Bọn chính trị gia xôi thịt, cơ hội dựa thế lực Nhóm Trí Quang để nhảy vào chính trường kiếm chác địa vị, tiền bạc; chứ không thèm nghĩ tới sự tồn vong của Miền Nam.
Tôi có thể khẳng định Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải là nhà độc tài ác ôn, một tín đồ Công giáo cuồng tín đàn áp Phật giáo như lời tuyên truyền của cộng sản cùng với sự phụ họa của bọn chính trị gia xôi thịt, vô trách nhiệm. Bằng cớ là:
1/ Hà Mạnh Trí ám sát Tổng thống Diệm ở Ban Mê Thuột không bị xử tử hình. “Anh Cả” Hà Thúc Ký âm mưu giết ông Diệm, lập đài phát thanh bài xích ông Diệm, đem quân ra chiến khu Ba Lòng chống ông Diệm, khi bị bắt cũng không bị ông Diệm xử tử hình,:ông Diệm còn lệnh cho y sĩ riêng của mình là bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh đến tận nhà lao để chăm lo sức khỏe cho ông Hà Thúc Ký và sai thuộc cấp đến giúp đỡ cuộc sống vật chất của bà Hà Thúc Ký (hiện còn sống ở San Jose có thể xác minh sự kiện này). Thế mà bộ máy tuyên truyền cộng sản kết tội ông Diệm là nhà độc tài khát máu và được các phe chống ông Diệm ở Miền Nam phụ họa.
2/ Trong nội các của chính phủ ông Diệm đa số Bộ trưởng có tín ngưỡng Phật giáo. Dưới thời ông Diệm, nhiều chùa chiền bị đổ nát do chiến tranh được trùng tu. Phật tử muốn xây chùa là được xây chùa, muốn lập khuôn hội Phật giáo là được lập, muốn mở thêm trường Bồ Đề là được mở. Thế mà lời hô hoán của Trí Quang và tay chân bộ hạ kết tội Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo lại được quần chúng nghe theo.
3/ Đức Cha Lê Hữu Từ yêu cầu ông Diệm cho phép Đức Cha được quyền duy trì lực lượng quân sự của khu Công giáo tự trị Bùi Chu – Phát Diệm di cư vào Miền Nam. Nhưng ông Diệm từ chối vì ông Diệm không muốn thấy tình trạng một Quốc gia trong một Quốc Gia. Ông Diệm chỉ muốn có một Quân đội duy nhất để bảo vệ Tổ Quốc. Vì vậy ông Diệm sáp nhập các lực lượng giáo phái khác vào Quân Đội Quốc Gia không phải vì độc tài.
Xây dựng một quốc gia tiến tới nền dân chủ khi dân trí còn thấp, lãnh tụ đôi khi cần phải có những biện pháp độc tài. Trường hợp Lý Quang Diệu của Singapore, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Phác Chính Hy của Đại Hàn v… v… là thí dụ điển hình. Hoa Kỳ là nước dân chủ trên thế giới đã lập trại tập trung nhốt tất cả những người Mỹ gốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, không ai có thể kết án chính phủ Hoa Kỳ độc tài. Việt Nam Cộng Hòa đang có chiến tranh với bọn xâm lược Miền Bắc, công tác triệt hạ cơ sở hạ tầng của địch, bắt bớ cán bộ cộng sản nằm vùng và bọn ký giả lợi dụng quyền tự do báo chí để hỗ trợ Cộng sản là đương nhiên.
Cái sai lầm lớn nhất của Tổng thống Ngô Đình Diệm là không chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ đưa quân vào Miền Nam vì sợ lịch sử lên án cái tội nô lệ ngoại bang. Về nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia là đúng, nhưng về mặt thực tiễn là sai. Tướng lãnh Miền Nam do Thực dân Pháp đào tạo được ông Diệm nâng cấp lên Tướng để chỉ huy các đại đơn vị, họ chỉ có khả năng đánh những trận lẻ tẻ của du kích quân, nhưng không thể thắng trận địa chiến của đối phương với lính chính quy. Tướng lãnh cộng sản có thể kém về phương diện văn hóa, trình độ học thức, nhưng lại thiện chiến trong đánh giặc nhờ từng trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, còn có một yếu tố khác. Nói ra thì đau lòng, nhưng sự thật cần phải nói ra.
Động cơ thúc đẩy thanh niên thời Cách mạng Mùa Thu năm 1945 là do tinh thần yêu nước, chống Thực dân Pháp giành độc lập. Họ là những người có lý tưởng, nhưng đáng thương cho họ là bị Hồ Chí Minh dẫn dắt vào con đường tà đạo mà trở nên u tối, không nhận ra Đất Nước sẽ đi về đâu sau khi chiến thắng. Có lý tưởng dân tộc (mà không biết mình bị phỉnh gạt) nên người chiến sĩ “cộng sản” tự hào chấp nhận gian khổ, chấp nhận quyết tử. Họ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh hận thù, sẵn sàng giết kẻ địch khác lý tưởng không nương tay, dù cùng nòi giống. Trong khi ấy Quân Đội Quốc gia được Pháp thành lập, gồm phần lớn là những người phải đi quân dịch (miễn cưỡng) hoặc tình nguyện vì cần có một cái nghề để sinh nhai, như thể đi làm thầy giáo hoặc kỹ sư. Giống như bản thân tôi, tình nguyện vào Không Quân để làm phi công, dù thù ghét cộng sản, nhưng không hề mang ý tưởng chém giết, mà khởi thủy vì nguyên nhân lãng mạn do ước muốn được tung mây lướt gió giữa không trung. Cho nên nhiều khi phải xả những tràng đạn xuống địch quân để giải vây một đồn bạn bị tấn công, mà lòng tôi cứ xót xa quặn thắt vì cuộc huynh đệ tương tàn. Tính nhân bản đó trong chiến tranh là đã làm mình tự suy yếu. Hầu hết quân nhân trong Quân Lực VNCH không thể ác như cộng sản cũng là một trong những lý do khiến cho Miền Nam thua trận!
Tổng thống Ngô Đình Diệm cương quyết giữ chủ quyền quốc gia mà không ý thức rằng Miền Nam muốn sống còn thì phải chấp nhận yêu sách của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ là nguồn tiếp liệu vũ khi và kinh tế. Người Mỹ giúp Miền Nam không phải vì yêu dân Việt Nam, mà vì họ muốn dùng Miền Nam làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng Đỏ do chủ thuyết Domino. Hai bên đều có nhu cầu và quyền lợi giống nhau thì trở thành Đồng Minh, chứ chẳng vì ai thương ai. Ở phía nhược tiểu mà đi ngược lại chủ trương của họ, tất nhiên họ phải thay ngựa dọc đường thôi! Nếu Tổng thống Diệm đừng cố chấp vì cái nguyên tắc “chủ quyền” cứng nhắc đó thì người Mỹ sẽ không “gợi ý” cho Trí Quang và Phe nhóm mượn cớ đàn áp Phật giáo để gây bất ổn chính trị và không mua chuộc các Tướng lãnh làm đảo chánh. Cái dở của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là quá yếu về phương diện tuyên truyền. Nếu Tổng thống lên đài phát thanh nói rõ sự thật cho đồng bào hiểu rằng Miền Nam bị khối Cộng sản dùng Quân đội Miền Bắc xâm lăng, Quân lực Miền Nam không đủ khả năng kháng cự. Chúng ta cần Quân đội Hoa Kỳ giúp bảo vệ giống như họ đã bảo vệ Âu Châu trong Đệ nhị Thế chiến chống Liên Minh Đức – Ý. Quân đội Hoa Kỳ không phải là Thực dân như đế quốc Pháp. Họ đã giải phóng Âu Châu, nhưng họ không đặt nền thống trị trên các quốc gia Âu Châu giống như Liên Xô đã và đang thống trị các quốc gia Đông Âu. Tôi tin chắc rằng đồng bào sẽ hiêu sự hiện diện của Quân Đội Hoa Kỳ là chính đáng, là cần thiết.
Hoa Kỳ cũng sai lầm khi tưởng rằng thay thế Tổng thống Ngô Đình Diệm thì họ sẽ điều khiển chiến tranh một cách hữu hiệu hơn. Như ở trên tôi đã nói, các Tướng lĩnh VNCH được đào tạo từ Thực dân Pháp, tinh thần quốc gia thấp kém, không nhìn thấy hiểm họa Cộng sản trước mắt, nên cứ liên tục tranh quyền đoạt lợi bằng các cuộc đảo chánh, chỉnh lý khiến cho tinh thần chiến đấu hăng say của người lính càng ngày càng suy sụp. Một sai lầm chiến lược khác của Hoa Kỳ là khi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam với chủ trương không quyết đánh bại kẻ địch. Kéo dài cuộc chiến dằng dai khiến cho nhân dân Mỹ mất kiên nhẫn. Người lính Mỹ bị trói tay; Mỹ không thua trên chiến trường, mà Mỹ thua tại nước Mỹ!
Nếu tôi là người dân Mỹ, tôi cũng sẽ là kẻ phản chiến. Tại sao? Tại vì tôi không thể để cho con em của mình đến hy sinh cho một xứ sở có những lãnh đạo chính trị, quân sự tồi, chỉ ham tranh giành quyền lợi và quần chúng thì biểu tình đòi đuổi Mỹ về nước. Bọn Ngụy hòa Việt Nam như cái loại Ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Huỳnh Tấn Mẫm… là bọn gian lận rất đáng khinh bỉ, chúng chỉ là đầy tớ cho Cộng sản vì chúng mượn danh nghĩa yêu chuộng hòa bình, chấm dứt chiến tranh. nhưng chỉ đòi Miền Nam buông súng. Chúng tôi, những chiến binh ngoài chiến trường mới thực sự là những kẻ phản chiến đích thực, vì khát khao hòa bình, mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt. Nếu chiến tranh càng kéo dài, cơ may sống sót càng hiếm. Ai chẳng tham sống, sợ chết? Vì giặc đến nhà nên phải đánh, chứ đâu phải là Thần Thánh mà không sợ chết?
Tướng Moshe Dayan nổi tiếng khắp thế giới sau khi đánh tan Liên quân Á Rập trong vòng 6 ngày vào năm 1967. Sau đó ông Dayan được làm Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Ngoại giao mà trong lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra xuất sắc. Khi thôi chức, ông Dayan sang thăm Việt Nam trong tư cách phóng viên của đại nhật báo Do Thái. Ông tháp tùng quân đội Mỹ đi thị sát các cuộc hành quân và tìm hiểu tình hình quần chúng tại nhiều nơi. Trước khi ông rời Việt Nam, một nhà báo Việt hỏi liệu ông có một lời khuyên nào để Miền Nam chiến thắng cộng sản. Không một chút do dự, Tướng Dayan trả lời bằng một câu ngắn gọn: “Miền Nam hãy thua cộng sản trước đi đã, rồi sẽ thắng”. Lúc bấy giờ báo chí Sài Gòn có những bài đả kích Tướng Dayan, vì họ cho rằng lời phát biểu của ông ta nhằm chủ đích xúi Hoa Kỳ bỏ rơi Miền Nam để dồn nguồn lực tài chánh viện trợ Do Thái.
Tôi có suy nghĩ khác với báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhân dân Miền Nam không có ý chí sống còn như dân Do Thái. Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng sản quyết tâm xóa bỏ trên bản đồ thế giới giống như Do Thái bị các quốc gia Hồi giáo chung quanh quyết tâm tiêu diệt. Với kinh nghiệm đau thương từ vụ Holocaust, dân Do Thái ngày nay đã dồn hết mọi nỗ lực để bảo vệ xứ sở của họ. Tướng Moshe Dayan nhận định rằng dân Miền Nam không “thấy” cái khủng khiếp của Cộng sản, nên phải bị Cộng sản đánh bại, bị đối xử  tàn tệ, rồi mới mở mắt. Giá như quân dân Miền Nam từ mọi tầng lớp biết cái ác, cái man rợ, cái lưu manh, cái ngu dốt của cộng sản thì chắc chắn họ đã đoàn kết một lòng tiêu diệt Cộng sản. Được vậy, Miền Nam đã không mất! Sẽ không có những trại tù khổ sai để nhốt quân cán chính Miền Nam bị quy là Ngụy! Sẽ không có vùng kinh tế mới để đày đọa dân lành! Sẽ không có nạn vượt biên, vượt biển gây chết chóc cho hàng trăm ngàn nạn nhân làm chấn động lương tâm nhân loại!
Cái ngày Miền Nam sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian, vì nhân dân không ý thức sự quý báu của Tự Do. Khi nào bị Cộng sản “đô hộ”, các thứ như nhân phẩm, nhân quyền, nhà cửa, đất đai đều bị mất sạch thì lúc đã quá muộn. Nghe tiếng than thở của người Miền Bắc vào Nam sau Tháng Tư năm 1975 “Chúng tôi tưởng các anh ra giải phóng chúng tôi; không ngờ các anh lại thua thì cả nước sẽ biến thành nhà tù vĩ đại”, tôi càng thấy cái tội của mình càng lớn hơn, Nhiều đêm tôi đã khấn nguyện vong linh nhà ái quốc Ngô Đình Diệm tha tội cho mình.
Bây giờ những người suốt đời tận tụy cho “lý tưởng cộng sản” nhìn nhận rằng Ngày 30 Tháng Tư là ngày Miền Nam giải phóng Miền Bắc ra khỏi sự u tối, tôi nhận thấy mình đồng ý với lời tiên tri của Tướng Moshe Dayan trước 1975 là đúng! Nhạc sĩ Tô Hải là một “cách mạng lão thành” mà tôi đánh giá rất cao vì ông dám công khai nhìn nhận mình hèn vì sợ hãi cái chủ nghĩa bất nhân, dám công khai kết tội Hồ Chí Minh, dám xuống đường cùng đi biểu tình với giới trẻ trước Tòa Lãnh sự Trung Cộng chống sự xâm lăng của kẻ thù. Vừa rồi, tôi kêu gọi quý vị “lão thành cách mạng” hãy đến lăng ông Hồ để xé thẻ Đảng, xé sổ hưu … không phải vì tinh thần Chống Cộng quá khích. Tôi chỉ muốn quý vị ấy ít nhất phải có hành động như nhạc sĩ Tô Hải để làm ngọn đuốc cho giới trẻ tiến lên. Cái thứ như nhạc sĩ Phạm Tuyên có bố là nhà văn hóa Phạm Quỳnh bị Cộng sản chôn sống mà lại muối mặt làm bài ca “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng” thì nền đạo lý của dân tộc chẳng còn gì!
Quý vị “lão thành cách mạng” hãy nhớ câu than thở của Lê Duẩn: “Chúng ta đánh Pháp, đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” để đừng bao giờ tự hào cái quá khứ oai hùng đánh Pháp, đánh Mỹ nữa. Càng mang cái hãnh diện hão đó, càng chứng tỏ tư cách đầy tớ của mình thôi! Lê Duẩn cũng ý thức thân phận đầy tớ của mình, nhưng tại vì cái “vòng kim cô xã hội chủ nghĩa” quấn chặt quá, ông ta không gỡ ra được mà thôi!
Tôi không bao giờ coi Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành là Cộng sản. Họ chỉ lợi dụng cái lý thuyết “công bằng xã hội” hoang tưởng của Marx để xây nên một chế độ cai trị chuyên chính. Bởi vì Marx từng nói: “Chỉ có loài cầm thú mới lo chăm chút cho bộ lông của chúng và quay lưng lại trước nỗi bất hạnh của đồng loại”. Dựa vào tiêu chuẩn đó, những “Tay Tổ” nêu trên không thể là người cộng sản như Marx nghĩ, họ còn tệ hại hơn cầm thú vì chính họ gieo rắc nỗi bất hạnh, chết chóc trên đồng loại một cách khủng khiếp, chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Cộng sản là một “hư từ” để đánh tráo khái niệm, đã bị nhân loại kết án. Bằng cớ là những người cộng sản quyền cao chức trọng trong cuộc hội thảo do giáo sư Trần Phương chủ trì mà không một ai hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. Ai mất công đi chống cái không hiện hữu? Tôi chống là chống lại sự man rợ, lưu manh, lừa đảo bất cứ từ đâu tới để xây dựng một xã hội lương thiện, tôn trọng phẩm giá Con  Người. Tôi thúc giục quý vị “lão thành cách mạng” hãy tích cực dấn thân để bênh vực cho những cựu chiến binh dưới quyền mình như bạn Nguyễn Thành Công bị chế độ cướp đất cướp nhà, chứ không phải ngồi nhà viết Kiến Nghị với lại Thư Ngỏ ... Kính gửi những nhà lãnh đạo vô liêm sỉ. Thản nhiên vô cảm trước sự việc luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bỏ tù vì yêu cầu nhà cầm quyền tuyên dương công trạng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và những chiến sĩ của Quân Đội Nhân Dân đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa là một sự vô cảm hết sức đáng bị lên án. Vô cảm trước nỗi oan ức của con cái đồng chí mình, vô cảm trước vong linh chiến sĩ hy sinh bảo vệ Tổ Quốc là cái tội không thể tha thứ được! Đó là sự tội đồng lõa với bọn cầm quyền manh tâm bán nước cho giặc thù truyền kiếp của giống nòi, bất xứng với cái danh nghĩa “quyết tử”.
Mới đây đọc bài thơ "Đất nước những tháng năm thật buồn " của ông Nguyễn Khoa Điềm, tôi cảm thấy … buồn cười! Một người khi đảm nhiệm chức vụ Tuyên Giáo Trung Ương thì đề ra những chỉ thị cấm đoán các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, nay thì lo lắng ngọn Cờ Đỏ có còn thắm như xưa? Có lẽ thi sĩ không ý thức được rằng vì mình chiến đấu dưới ngọn Cờ Đỏ ấy mà Đất Nước lâm vào cảnh điêu linh ngày hôm nay? Bản thân trót a tòng với tội ác, tốt hơn hết ông Điềm phải có trách nhiệm tố cáo tội ác để trừ khử nó đi, chứ sao lại than thở như “thương nữ bất tri vong quốc hận” để còn mãi ca khúc “hậu đình hoa” một cách ủ dột và thê lương như thế? Tôi mong ông Nguyễn Khoa Điềm đọc bài này để nhận thức lại nhằm có hành động xứng đáng với dòng dõi Nguyễn Khoa danh tiếng của Đất Thần Kinh. Như Ngài Nguyễn Khoa Nội Táng, như Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Theo tôi, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ca tụng ông Hồ, một kẻ bán nước tàn ác giết hại nhân dân mình, là một hành động lăng mạ nghiêm trọng trên vong hồn những nhà ái quốc chân chính Việt Nam như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, bà Nguyễn thị Năm…! Làm sao nhân dân Việt Nam có thể nổi dậy để tiêu diệt cái đám cầm quyền lưu manh, gian ác, bất nhân này được, khi còn những người như Tướng Vĩnh cứ miệt mài ca tụng ông Hồ là một bậc Thánh có công giải phóng dân tộc? Sau những bài viết của tôi đăng trên mạng, cụ Vĩnh còn khuếch đại âm thanh cái bài tụng ca chát chúa về ông Hồ thì rõ ràng hết thuốc chữa. (You can not teach the old dog a new trick, ngạn ngữ Hoa Kỳ). Tình trạng người dân Việt ngày nay bị tước đoạt nhân phẩm, tài sản, đất đai khiến cho tôi đau xót, thù hận ông Hồ, kẻ đã đưa Đất Nước xuống hầm tai vạ, lại càng tức tối thêm những người vô trách nhiệm với Non Sông như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
Ý thức rằng chúng ta cần đoàn kết để có sức mạnh lật đổ một bạo quyền nhơ nhớp, tham nhũng, lưu manh, nhưng thú thực tôi không thể đoàn kết với những người có đầu óc như Tướng Vĩnh. Tôi triệt để chống lại những kẻ tòng phạm dựng lên một Nhà Nước chuyên chính, mà nhất định không chịu nhận lãnh trách nhiệm của mình, lại còn tuyên dương kẻ ác như Cha Già Dân Tộc. Đó là quyết tâm của tôi; chứ không phải quá khích! Mong bạn Nguyễn Thành Công hiểu như vậy để chúng ta có thể bắt tay nhau trong hành trình giải phóng dân tộc mau chóng thoát ra khỏi tình cảnh nô lệ Tầu do bọn cầm quyền, hậu duệ của ông Hồ, tiếp tục bán nốt phần đất còn lại của cha ông chúng ta.
Bằng Phong Đặng văn Âu
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 05/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130505/bang-phong-dang-van-au-trach-nhiem-voi-non-song-phan-ii
======================================================================
Nguyễn Thành Công - Thư trao đổi gửi ông Đặng Văn Âu và các bạn của ông 

Nguyễn Thành Công
Cựu chiến binh QDND Việt Nam
Thưa ông Đặng Văn Âu, ông là thiếu tá quân lực VNCH, vậy thì ông phải biết các nguyên tắc quân sự cơ bản như: nguyên tắc bảo vệ mình, tiêu diệt địch, nguyên tắc tập trung binh lực ưu thế tiêu diệt từng bộ phận quân địch… Trong đấu tranh chính trị cũng có những nguyên tắc cơ bản tương tự, như nguyên tắc “thêm bạn bớt thù”, nguyên tắc tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu… Về việc này, lịch sử cho ta nhiều bài học. Mũi nhọn cần tập trung tiến công trong giai đoạn này là các nhóm lợi ích đang lũng đoạn đảng và đất nước.


Hãy tin vào nhân dân, vì nâng thuyền hay lật thuyền vẫn là dân
Tôi đọc trên Dân Luận bài "Trách nhiệm với non sông phần II" của ông. Cảm giác đầu tiên tôi thấy ông là người thật thà, thẳng thắn và tương đối phục thiện. Ông công nhận những lý do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thua trận, đồng thời nói thêm về tình hình miền Nam trước đây mà ông biết. Ông nói đến cách nhìn của ông về 2 nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, đồng thời nói đến cách đánh giá của ông đối với các lão thành cách mạng đương thời. Tôi rất kính trọng ông, vì vậy xin có lời trao đổi lại với ông và các bằng hữu đáng quý của ông.
Trước hết, xin nói về 2 nhân vật lịch sử. Ở miền Bắc từ trước đến nay luôn đề cao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của cách giáo dục này, cả miền Bắc đều gọi là Bác Hồ, và nếu nói không quá, nhiều người dân miền Nam cũng gọi là Bác Hồ. Bác Hồ đã trở thành biểu tượng sáng chói, là niềm tin cho nhiều chiến sĩ trẻ trên đường ra trận. Sau năm 1975, một số thông tin “cung đình” lộ ra ngoài, hình ảnh Bác Hồ có khác đi trong dư luận. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở miền Bắc, hình ảnh Bác Hồ vẫn là hình ảnh đẹp. Đấy là chuyện thực tế. Cho đến tận bây giờ, nhiều thông tin về Bác Hồ vẫn trong vòng bí mật. Cách đây hơn chục năm, tôi có dịp trò chuyện với bậc đàn anh của tôi là anh Hoàng Kỳ, con trai nhà thơ Hoàng Cầm. Anh Kỳ cho biết: Nhà nghiên cứu Đào Phan (Đào Duy Dếnh) có viết một quyển sách dài 2000 trang tên là Bi kịch Hồ Chí Minh. Sách chưa thể xuất bản nên ông Đào Phan gửi nhà thơ Hoàng Cầm giữ hộ. Lúc đó tôi muốn mượn xem nhưng anh Hoàng Kỳ không cho mượn. Bây giờ cả nhà thơ Hoàng Cầm và anh Hoàng Kỳ đều qua đời nên tôi không biết bản thảo quyển sách đó ở đâu. Điều mà tôi muốn nói đến ở đây là: Bây giờ chưa phải lúc đánh giá toàn diện, đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy để cho lịch sử sau này phán xét. Tất nhiên, cần bỏ cách nhìn “thần thánh hóa” lãnh tụ, đưa Bác Hồ trở lại với đời thường.
Về Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi được biết qua một số ấn phẩm xuất bản trước năm 1975 ở Sài gòn. Theo tôi, ông là một người yêu nước đáng kính. Sau này, nhà văn Hữu Mai có viết quyển Ông Cố Vấn kể về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Trong quyển sách này, hình ảnh Ngô Tổng thống hiện lên rất đẹp. Đọc sách, những người trẻ như chúng tôi biết thêm về gia đình họ Ngô, cũng hiểu thêm vì sao Ngô Tổng thống rút cuộc lại thất bại.
Thưa ông, trong bài trước tôi có nói đến một nguyên nhân thất bại của VNCH là ở lòng dân. Trong cuộc chiến vừa qua, nguyên nhân thắng bại có rất nhiều, nhưng ở một bài ngắn tôi không thể kể hết được. Mà thật ra cũng không nên kể hết, vì các nguyên nhân có nặng nhẹ khác nhau, giá trị từng giai đoạn khác nhau. Tôi nhắc đến nguyên nhân có tính quyết định, giá trị lâu dài suốt cuộc chiến là lòng dân. Điều này thì chính ông đã biết. Miền Bắc thời chiến tranh là một xã hội kín, khá thuần nhất, tương đối đoàn kết, trong khi miền Nam là một xã hội chia năm xẻ bẩy, nhiều đảng phái, nhiều nhóm hoạt động xã hội tranh chấp nhau ác liệt. Ngô Tổng thống không sao thống nhất ý chí, thống nhất lực lượng được thì nói gì đến chiến thắng? Còn một nguyên nhân khác cũng cần phải nói đến: VNCH thua hoàn toàn về chính trị.
Tôi sẽ cố gắng làm rõ cái thua này vì theo tôi đây là cái thua gốc rễ của chính quyền miền Nam trước người anh em miền Bắc. Cái thua về lòng dân còn có thể đổ lỗi cho khách quan vì những người đứng đầu miền Nam đôi khi không tác động vào được lòng dân, nhưng cái thua về chính trị thì không đổ lỗi được cho ai, vì nó thuộc về hành động chủ quan của lãnh đạo miền Nam.
Để giành chính nghĩa về mình, miền Bắc giương cao ngọn cờ chống xâm lược, như báo chí miền Bắc thường gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Như ông biết, chính trị luôn dẫn đường cho kinh tế, vì vậy lãnh đạo miền Bắc tuyên truyền phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thời đó người dân nhìn vào các nước XHCN Đông Âu mà hi vọng. Ông thấy đấy, nhiều lớp thanh niên miền Bắc được trang bị tinh thần chống Mỹ cứu nước, hi vọng sau chiến thắng sẽ được hưởng cuộc sống no đủ như các nước Đông Âu, họ lại không có những mối lo lớn về gia đình vì đã được nhà nước “lo hộ” thông qua chính sách hợp tác xã. Những khó khăn thiếu thốn đều được giải thích do hoàn cảnh chiến tranh nên người lính thanh thản ra trận, và đương nhiên là họ “chỉ biết có tiến công”. Về phía miền Nam, các nhà lãnh đạo giương ngọn cờ “chính nghĩa quốc gia”, nhưng chính nghĩa quốc gia là cái gì vậy? Cơ quan tuyên truyền miền Bắc sẽ bảo chính nghĩa quốc gia là độc quyền làm tay sai, giết hại đồng bào, bóc lột lao động của nhân dân…Chính nghĩa quốc gia tỏ ra hết sức yếu ớt trước ngọn cờ chống Mỹ cứu nước mà miền Bắc đang giương cao. Các bạn ở miền Nam không nhìn ra sức mạnh tập hợp lực lượng của ngọn cờ chống Mỹ cứu nước trên tầm quốc tế. Tôi nhắc lại một sự kiện này là ông hiểu: Cuối năm 1972, khi Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội rất nhiều nhân sĩ, trí thức trên thế giới phản đối Mỹ, thậm chí có người còn đề nghị những người nổi tiếng đến Hà Nội đứng dưới bom. Có thể nhiều người sẽ chết, nhưng chính phủ Mỹ nhất định phải chùn tay!
Để tập hợp lực lượng dân tộc trong một cuộc chiến tranh, những người lãnh đạo một tổ chức, một quốc gia phải biết giương cao ngọn cờ chính trị, giành chính nghĩa về mình, tổ chức lực lượng vũ trang đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đáng tiếc là những người lãnh đạo ở miền Nam không làm nổi điều đó. Tôi nhắc lại một chuyện: Tướng Nguyễn Cao Kỳ từng tuyên bố ông ta rất ngưỡng mộ Hít-le, miền Nam cần người như Hít-le(?). Tuyên bố như vậy thì thật là …vô chính trị hết biết, vì Hít-le là người bị cả thế giới ghét. Người lính miền Nam nghe ông Kỳ nói thế chắc là…không còn muốn chiến đấu nữa, nếu thực sự họ là người có nhân bản. Ở miền Bắc đã từng thực hiện chính sách rất mất lòng dân, như việc cải cách ruộng đất. Tôi không nhắc lại những tổn thất ghê gớm của chính sách này, nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính sách đó đem lại ruộng đất cho rất nhiều người. Số người hưởng lợi nhờ chính sách đó lớn hơn số người bị thiệt hại vì chính sách. Đấy là lý do giải thích vì sao cuối cùng chính quyền vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nói trên. Ở miền Nam, có chính sách tương tự gọi là “cải cách điền địa”. Tôi thấy chính sách cải cách điền địa của TT Ngô Đình Diệm rất nhân bản, ông mua lại đất của địa chủ để giao cho nông dân. Theo ông, làm như vậy không gây ra mâu thuẫn trong xã hội mà vẫn giải quyết được vấn đề “người cày có ruộng”. Ý tưởng thật là hay! Nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào? Theo từ điển Wikipedia, ông Diệm nhờ cố vấn Đài Loan vạch kế hoạch, rồi ông hạn định cho mỗi chủ đất được giữ không quá 100 ha. Đây là con số lớn hơn nhiều so với chính sách cải cách điền địa ở Nam Hàn, Đài Loan…những nước có hoàn cảnh giống Việt Nam. Do đó, chính sách của ông chỉ tác động được đến khoảng 1/3 số người sử dụng đất, và thực tế diễn ra là chính phủ thu lại số đất mà nông dân nghèo được giao để trao cho lớp người giầu. Có thể thấy quá trình thực hiện đã làm hỏng ý tưởng ban đầu. Cải cách điền địa thất bại nên đến năm 1970 chính quyền VNCH phải tiến hành cải cách điền địa lần thứ hai. Đấy là thất bại của chính sách cụ thể, nhưng tôi muốn nói đến thất bại sâu xa hơn, thất bại về mặt chính trị. Người nông dân sẽ mất niềm tin với chính phủ VNCH, nếu họ có ủng hộ chính quyền Việt Minh, người đã đem lại quyền lợi thiết thân cho họ thì cũng không đáng ngạc nhiên. Nhiều chính sách khác của chính quyền VNCH cũng giống như thế, nghĩa là rất hay trên giấy tờ, nhưng khi thực hiện thì hỏng. Có thể nói đến quốc sách ấp chiến lược của cố vấn Ngô Đình Nhu. Nhìn thử vào lịch sử chúng ta thấy gì? Vào thời Tam Quốc ở Trung Hoa cổ, Tào Tháo vận dụng chính sách đồn điền đã xây dựng một nước Ngụy hùng mạnh ở phía Bắc. Tôn Quyền theo đề nghị của Cố Ung cũng dùng đến chính sách này để xây dựng nước Ngô ở phía Nam. Chính quyền Thục Hán áp dụng chính sách đồn điền, là người thực hiện kém nhất trong 3 nước nhưng nhà văn La Quán Trung lại quy công lao đó cho Gia Cát Lượng. Chính sách đồn điền chậm thực hiện, không giúp Khương Duy cứu được nước Thục. Thời phong kiến nước ta, các triều vua áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, điều đó bảo đảm cho triều đại phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Thời hiện đại, chính quyền Ix-ra-el áp dụng mô hình xây dựng các kíp-bu, tạo thế đứng vững trước uy hiếp của khối A-rập đông đảo. Bên cạnh Việt Nam, chính quyền Mã Lai vận dụng thành công chính sách “tát cá ra khỏi nước”, quét sạch du kích cộng sản. Ông Ngô Đình Nhu học tập Mã Lai, thiết kế quốc sách ấp chiến lược, hi vọng đẩy cộng sản ra khỏi vùng chiến lược nông thôn. Quốc sách ấp chiến lược của ông Nhu là một chính sách hay, nhưng ông thất bại khi áp dụng nó, do đó không có hậu thuẫn của lực lượng nông dân đông đảo. Các tướng lĩnh miền Nam sau này không có tầm nhìn chính trị như ông Nhu, chỉ biết cầm súng đánh nhau (đánh cộng sản và đánh lẫn nhau), thua trận là điều tất nhiên.
Thưa ông Đặng Văn Âu, ông là thiếu tá quân lực VNCH, vậy thì ông phải biết các nguyên tắc quân sự cơ bản như: nguyên tắc bảo vệ mình, tiêu diệt địch, nguyên tắc tập trung binh lực ưu thế tiêu diệt từng bộ phận quân địch… Trong đấu tranh chính trị cũng có những nguyên tắc cơ bản tương tự, như nguyên tắc “thêm bạn bớt thù”, nguyên tắc tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu… Về việc này, lịch sử cho ta nhiều bài học. Nếu ông đọc sách, chắc ông biết khi mới khởi nghĩa, quân của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ giương cao ngọn cờ “hoàng tôn Dương” để tập trung mũi nhọn vào quyền thần Trương Phúc Loan chứ không chĩa mũi nhọn vào chúa Nguyễn, mặc dù chúa Nguyễn là kẻ thù chính. Khi bị chúa Trịnh và chúa Nguyễn đánh kẹp 2 đầu, Nguyễn Nhạc rất nhanh chóng “xin hàng” chúa Trịnh, nhận làm tiên phong đánh quân Nguyễn. Nhờ đó, Nguyễn Nhạc có thể tập trung toàn lực giải quyết chúa Nguyễn ở phía Nam rồi mới đối đầu với chúa Trịnh ở phía Bắc. Thời cộng sản, ông Hồ Chí Minh cho ta nhiều bài học hay. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ông Hồ Chí Minh ra chỉ thị tập trung vào kẻ thù chủ yếu là phát-xít Nhật và liên minh tạm thời với Pháp. Sau khi cướp được chính quyền, chính phủ ông Hồ Chí Minh đối diện với nhiều kẻ thù, trong đó có quân Pháp đang theo chân quân Anh vào nước ta, quân Tầu Tưởng cũng vào miền Bắc. Ông Hồ Chí Minh xử lý bằng cách chấp nhận đàm phán với Pháp để đuổi quân Tầu Tưởng đi, loại bớt kẻ thù nguy hiểm. Đoàn kết với mọi lực lượng có thể đoàn kết được, dù chỉ là tạm thời để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất trước mắt là một nguyên tắc lớn trong đấu tranh chính trị, bất kể thời nào.
Tôi xin quay về với tình hình hiện nay ở Việt Nam. Hiện nay chính quyền cộng sản đã lộ rõ bộ mặt bán nước, dâng đất, dâng biển cho Trung Quốc, bên trong thì đàn áp nhân dân phục vụ cho các nhóm lợi ích. Nhân dân khắp nơi trong nước đang đấu tranh với chính quyền, yêu cầu chính quyền phải tuân thủ pháp luật, tiến tới thực hiện dân chủ, công bằng để xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, đủ sức tự bảo vệ trước nguy cơ xâm lược của bá quyền phương Bắc. Cuộc đấu tranh này đang thức tỉnh tất cả những người yêu nước, kể cả những đảng viên cộng sản trung kiên của đảng. Mũi nhọn cần tập trung tiến công trong giai đoạn này là các nhóm lợi ích đang lũng đoạn đảng và đất nước. Vì vậy, mỗi tiếng nói góp vào cuộc đấu tranh đều đáng quý. Nếu đấy là tiếng nói của những đảng viên chân chính của đảng cộng sản thì càng đáng quý hơn nữa, vì nó có tác dụng cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các đảng viên trẻ đang còn phân vân trước cuộc đấu tranh. Chính vì vậy, chúng tôi ủng hộ những lời tâm huyết của đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô-xít ở Tây nguyên, thư của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù những ý kiến của các vị không được Đảng tiếp thu. Điều đó sẽ làm rõ bộ mặt thật của nhóm lợi ích trước dư luận trong và ngoài nước. Các vị lão thành cách mạng khi góp ý tất nhiên phải nêu cao ngọn cờ Hồ Chí Minh, trong thực tiễn vẫn còn giá trị động viên nhiều tầng lớp nhân dân. Chúng tôi cho rằng phủ nhận ý kiến của các bậc lão thành cách mạng lúc này là việc làm quá khích, chỉ gây mất đoàn kết, không mang lại lợi ích gì. Hãy để cho các loại ý kiến đều được phát biểu công khai, thẳng thắn, nhân dân sẽ lựa chọn xem ý kiến nào đúng và ủng hộ. Hãy tin vào nhân dân, vì nâng thuyền hay lật thuyền vẫn là dân, thưa ông Đặng Văn Âu.
Khách gửi hôm Thứ Ba, 07/05/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130507/thu-trao-doi-gui-ong-dang-van-au-va-cac-ban-cua-ong
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001