Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Vấn đề đối lập chính trị ở Việt Nam

Kami
2013-05-01
000_Hkg8376704-305.jpg

    Hôm 14/3/2013, những người biểu tình tưởng nhớ 64 thủy thủ thiệt mạng hôm 14 tháng 3 năm 1988 trong cuộc chiến chiếm đảo Gạc Ma của Trung Quốc
    AFP photo
    Có người bạn bảo tôi rằng "BBC đã làm thay việc của báo Nhân dân", đánh giá đó được rút ra sau khi anh ta đọc bài "Đảng CS không đối thủ vì đối lập yếu" của tác giả Quốc Phương. Bài viết được tác giả dựa trên cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh để rút ra nhận định này. Cá nhân tôi thì nghĩ khác, BBC đã đánh giá khá chính xác về thực trạng của lực lượng đối lập trong nước.
    Nếu ở đây ta dùng từ lực lượng đối lập để thay cho từ đối lập có lẽ cũng là vượt quá thực tế hiện tại, vì thực chất ở trong nước hiện nay chỉ tồn tại dạng các đối lập dưới hình thức cá thể - ít hơn 2 người. Cũng vì "không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập" như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Công an Toàn quốc ngày ngày 17 tháng 12 năm 2012. Thực chất đây là sự chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an cần phải đấu tranh cương quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống phá và đi ngược lợi ích của đất nước và nhân dân. Điều đó cho thấy hiện nay, việc Đảng CS không đối thủ vì đối lập yếu cũng là một điều dễ hiểu.
    Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi rằng các lực lượng tham gia biểu tình chống Trung quốc, Nhóm Kiến nghị 72... xuất hiện thời gian vừa qua có thể coi là đối thủ đối lập của đảng CSVN hay không? Trả lời câu hỏi này thì theo ông Cao Lập, một trong những người đã từng công khai chống lại chế độ Sài Gòn và đã từng chịu tù tội vào những năm thập niên 70 cho rằng "Trước hết xin khẳng định chúng tôi không phải là những người đối lập với Đảng và nhà nước. Chúng tôi chỉ là những người chống lại sự xâm lấn một cách trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc mà thôi.". Hay như ông Lê Hiếu Đằng, một người đã mang án tử hình bới chế độ VNCH cũng cho biết về vấn đề “tổ chức chính trị đối lập” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nó tới rằng "Chúng tôi chẳng phải đối lập gì cả mà chỉ phản ảnh nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Nói như vậy thật ra chỉ lấy cớ để đàn áp chúng tôi thì không được bởi vì chúng tôi làm theo luật, công khai minh bạch, không lén lút. Nếu chúng tôi chống phá thì phải lén lút tổ chức, nhưng không phải!".

    000_Hkg8239642-250.jpg  
    Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích đánh dấu kỷ niệm lần thứ 83 ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội hôm 03 tháng 2 năm 2013. AFP photo

    Vậy cần phải có những điều kiện nào chung nhất để khẳng định đó là một tổ chức đối lập chính trị? Câu trả lời là tổ chức đối lập trước hết phải có tính cách tập thể của một tập hợp các thành viên, có chính kiến bất đồng với đảng cầm quyền và tồn tại một cách hợp pháp. Trong đó các chính kiến bất đồng ấy phải được cương lĩnh hóa theo một tiêu chuẩn chính trị. Tựu chung lại đối lập có ba đặc điểm: sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận. Ở hoàn cảnh Việt nam hiện nay, có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, do vậy nó là vấn đề mấu chốt, phải trở thành mục tiêu đấu tranh trước mắt. Bằng mọi cách phải đạt được, vì khi chính quyền đã thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự do chính trị. Trường hợp mà chúng ta vẫn thường thấy có một số người ở ngoài đời hay trên mạng internet thích nói chuyện chính trị, với một thái độ đả phá hay chống đối đường lối, chủ trương của nhà nước ở Việt nam hiện nay. Đó chỉ là những cá nhân chống đối, không phải là đối lập. Đặc biệt trong điều kiện ở Việt nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Dũng cho rằng công an cần phải đấu tranh “không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập” đã cho thấy đây chính là một tử huyệt của chế độ. Do đó, điều này là một trong những thách thức hàng đầu đối với những ai có mong muốn đòi hỏi cần có một tổ chức đối lập.
    Trên thực tế, chính quyền Việt nam đang từng bước nới lỏng sự kìm kẹp đối với các nhà hoạt động chính trị dưới danh nghĩa các nhân vật bất đồng chính kiến, nếu hoạt động của các cá nhân này còn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền và đặc biệt là các hoạt động của các cá nhân đó không mang tính liên kết hay tập thể. Do đó các nhân vật bất đồng chính kiến như các ông, bà BS Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân... họ vẫn được thể hiện quan điểm của mình bằng cách viết bài hay trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông nước ngoài. Chúng ta có thể thấy các trường hợp này khác với trường hợp của LS. Lê Quốc Quân. Nhưng điều đáng nói họ cũng chỉ dừng lại ở mức là những cá nhân bất đồng chính kiến. Và nhiều khi các nhân vật kể trên lại là các con bài cần thiết không thể thiếu được của chính quyền, để sử dụng trong việc đàm phán vấn đề nhân quyền của Việt nam đối với các quốc gia phương tây. Và số lượng các nhân vật này luôn được chính quyền giới hạn ở mức cần thiết, đây chính là lý do vì sao có một số trường hợp các cá nhân chống phá nhà nước một cách hết sức quyết liệt, nhưng dường như được chính quyền lờ đi không xử lý. Bởi vô tình các nhân vật này không biết rằng, họ đang làm cho bức tranh nhân quyền ở Việt nam thêm sắc màu và trở nên càng sinh động hơn trong con mắt người phương tây. Điều này hoàn toàn có lợi cho chính quyền.
    Đảng CSVN và chính quyền đang đối diện với nguy cơ đe dọa, mà theo họ gọi là tự diễn biến và diễn biến hòa bình của các đối tượng là lực lượng cán bộ đảng viên "thoái hóa", lực lượng dân oan và lực lượng các bloggers. Các lực lượng này được đánh giá là nguyên nhân sống còn đối với chế độ hiện tại. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng qua các bài viết chính luận, phòng chống diễn biến hòa bình hay bình luận phê phán trên hai tờ báo hàng đầu của chế độ. Đó là tờ báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của đảng CSVN và tờ Quân đội Nhân dân - Cơ quan của Quân ủy TW và Bộ Quốc phòng. Hai tờ báo này được mệnh danh là thước đo và chỗ bộc lộ sự lo sợ của chính quyền đối với sự tồn vong của chế độ. Một khi đã biết chính quyền lo sợ đối với lực lượng nào và tử huyệt của họ là gì thì việc viết một kịch bản giải thể thể chế chính trị hiện tại một cách đồng bộ đối với các chính trị gia có trình độ kiến thức và hiểu biết chính trị sát với điều kiện thực tế ở Việt nam là một việc hoàn toàn không khó. Một khi có một kịch bản hoàn chỉnh, mang tính khả thi có khả năng tạo nên các chuyển biến tích cực, đáng kể có khả năng gây sức ép lên đảng cầm quyền. Khi sức ép đủ mạnh để buộc chính quyền phải nhượng bộ, thì cũng là lúc hình thành một tổ chức đối lập hợp pháp sẽ được phép hoạt động công khai. Đây sẽ là bước đột phá cơ bản trong việc tiến hành cải cách chính trị trong tương lai.

    000_Hkg8245986-250.jpg  
    Một sạp bán áo cho khách du lịch ở SG, ảnh minh họa. AFP photo

    Rất nhiều người trong số chúng ta chưa hiểu hết vấn đề thế nào là đối lập chính trị, tổ chức chính trị đối lập là gì? Kể cả về nội dung và hình thức, chính điều đó đã làm cho nhiều người đã sai lầm khi nghĩ rằng hành động chửi bới, nói xấu nhà nước hay kẻ cả kích động bạo loạn lật đổ của họ là việc làm của những cá nhân đối lập với đảng CSVN. Nên hiểu rằng những cái đó chỉ là biểu hiện chống đối chính quyền, và nó càng không phải là hành động góp phần cho công cuộc vận động dân chủ.
    Nếu nhìn nhận một cách thật khách quan, thì ở bối cảnh chính trị Việt nam hiện nay, khi mà lý thuyết về Chủ nghĩa Marx-Lenine chỉ là lời nói xuông mang tính hình thức. Nhưng trên thực tế về kinh tế, xã hội, đối ngoại của chính quyền thì khác hoàn toàn 180 độ. Điều đó cho thấy công cuộc vận động dân chủ ở Việt nam có những thuận lợi đáng kể, nếu so sánh với một nước mang đậm màu sắc cộng sản như Bắc Triều tiên. Điều đó cho thấy cần phải có các bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, đi từ sự liên kết của các cá nhân đối lập cho đến sự hình thành một tổ chức chính trị đối lập hoàn thiện. Để đạt được điều đó chắc chắn sẽ phải đối diện với sự mất mát, chịu sự bắt bớ đó là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Song phải tin tưởng rằng, tre già thì măng mọc, lớp sóng sau sẽ kế nối tiếp lớp sóng trước là một quy luật tất yếu. Căn bản nhất là mõi cá nhân bất đồng chính kiến cũ và mới phải dứt khoát không sợ bất cứ điều gì, kẻ cả nguy hiểm đến tính mạng. Có như vậy thì mầm cây "tổ chức đối lập" mới có khả năng hình thành, tồn tại và phát triển.
    Đối lập không hoàn toàn có nghĩa là chống đối mà đối lập sẽ phát huy vai trò của nó trong việc hợp tác với chính quyền trên tin thần xây dựng. Nếu đảng CSVN nhận ra điều đó thì chắc chắn họ sẽ phải tự thay đổi, chấp nhận sự tồn tại của tổ chức đối lập và tổ chức đối lập đóng vai trò hợp tác với chính quyền trong việc kiểm tra để tạo điều kiện cho họ tự điều chỉnh.
    nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/blogs/blog-05012013-kami-05012013154916.html
    =====================================================================
    Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
              Sẽ xóa những comment nói tục
              Thinhoi001

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
    Sẽ xóa những comment không phù hợp
    Thinhoi001