Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Ngọc Lê - ’Công bộc nhân dân’ phải biết buồn như Bộ trưởng Luận

Ngọc Lê - ’Công bộc nhân dân’ phải biết buồn như Bộ trưởng Luận 


Ngọc Lê

Mấy ngày gần đây, trên báo chí, các diễn đàn hay trang mạng xã hội dường như đang có một trào lưu nhìn nhận, đánh giá vai trò, năng lực của người đứng đầu các Bộ ở nước ta hiện nay. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tất nhiên đã vô cùng nổi tiếng với những phát ngôn đanh thép và hành động kiên quyết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được thương yêu vì thật thà và giàu cảm xúc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì nói giỏi làm nhanh...

Tuy nhiên, còn một nhân vật vô cùng quan trọng mà dường như mọi người đã mắc phải thiếu sót lớn vô cùng khi không đề cập đến đó là bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Nhắc đến bộ trưởng Luận không ít người sẽ nghĩ ngay đến một vị bộ trưởng với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và đặc biệt là có tình thương bao la với rất nhiều đối tượng trong xã hội. Là vị lãnh đạo quản lý lĩnh vực giáo dục đào tạo, ngành có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội của nước ta, bộ trưởng Luận dường như đã không ngại cụ thể hóa tình thương của mình bằng các văn bản.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: VNE

Với tấm lòng yêu thương và trân trọng sâu sắc những đóng góp của các mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Luận đã có một hành động đền ơn đáp nghĩa vô cùng thực tế và thuyết phục là quy định cộng 2 điểm ưu tiên cho các mẹ khi đi thi đại học. Cụ thể, ngày 4/7 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên dự thi đại học, cao đẳng chính quy, trong đó có điều khoản bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03 (cộng 2 điểm thi đại học), gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng;Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013.
Trong khi cả xã hội bị căn bệnh hình thức bủa vây, làm gì cũng là để cho có, kể cả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa vô cùng cần thiết, thì bộ giáo dục đã đi đầu trong việc có những hành động rất cụ thể.
Tuy nhiên, đúng 12 ngày sau đó, chiều 16/7, Bộ GD&ĐT lại ra Thông tư số 28 thông báo bãi bỏ đối tượng ưu tiên thi tuyển sinh là 3 nhóm đối tượng trên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2013. Đến lúc này người ta còn nhận ra ở Bộ trưởng Luận một phẩm chất vô cùng đáng quý mà không nhiều vị lãnh đạo nước ta hiện nay có thể sở hữu được đó là 'luôn lắng nghe, mới nghe đã hiểu' khi nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía dư luận về sự ưu tiên này, mà sau khi nhận được phản ứng, bộ trưởng đã không 'cãi chày cãi cối', hứa hẹn rồi để đấy mà giải quyết ngay sự việc.
Trong khi bộ giáo dục hướng tới những hành động cụ thể để thiện lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng thì dư luận lại chỉ nhìn vào tính khả thi của quy định, có sự vênh nhau trong cách nhìn nhận vấn đề ở đây nên mới gây ra dư luận gay gắt xung quanh việc cộng điểm chứ thật ra quy định này là rất rõ ràng, với mục đích tốt.
Bên cạnh việc thể hiện lòng biết ơn, ghi nhận với các mẹ Việt Nam anh hùng, bộ trưởng Luận còn dành một tình thương yêu vô bờ bến với các em học sinh. Đây có thể nói là phẩm chất vô cùng đáng quý bởi làm giáo dục là tiếp xúc với học sinh sinh viên, nếu không yêu thương, quan tâm lo lắng cho những thế hệ tương lai của đất nước thì không thể có những chính sách thiết thực và hiệu quả, mang lại điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên.
Vậy biểu hiện của tình thương ấy ở đâu nhỉ? Nó được thể hiện rất rõ ràng trong các quy định, chỉ đạo chống tiêu cực của ngành giáo dục nói chung và Bộ trưởng nói riêng. Bộ trưởng không chỉ thương học sinh sốc nên không dám cho các em nghe về hiện tượng tiêu cực trong thi cử, trong môi trường dậy và học bởi điều đó không khác nào có hành động làm vấy bẩn vào tâm trí của các em vốn vẫn trong sáng như tờ giấy trắng. Đấy là còn chưa kể đến mục đích của việc chống tiêu cực là để các em được hưởng một môi trường giáo dục công bằng, loại bỏ hoàn toàn gian lận, dối trá.
Tình yêu thương ấy hàng năm còn được thể hiện rất rõ ràng qua các chương trình 'Nói không với tiêu cực trong thi cử' được tổ chức rầm rộ vào mỗi mùa thi và kết quả tỷ lệ tốt nghiệp chỉ được giảm chứ không được tăng bằng việc 'ép' thành tích đậu tốt nghiệp xuống các trường các tình năm sau không được cao hơn năm trước.
Một biểu hiện nữa của tình thương lớn trong lòng bộ trưởng Luận đó là việc khi trường tư gặp khó khăn, kêu cứu Bộ giáo dục đã không ngại khó, ngại khổ ra tay giúp đỡ ngay lập tức như ban hành đề dễ để học sinh có điểm cao nhằm nâng đầu vào cho các trường tư hay có thế giảm bớt các trường đại học và giảm thuế cho các trường...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng được ghi nhận là lãnh đạo ngành chăm chỉ, nhiệt tình gửi tâm thư giãi bày cảm xúc nhất. Từ thư cảm ơn ngay sau khi nghe tin các em thí sinh ở Thái Nguyên được đưa đến địa điểm thi bằng xe thiết giáp, thư biểu dương tinh thần dũng cảm lao xuống hồ nước sâu cứu được 5 em nhỏ khỏi chết đuối, hay thư thăm hỏi, động viên, chia buồn đến các gia đình giáo viên, thân nhân bị nạn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra với đoàn tham quan, nghỉ hè của tập thể cán bộ Trường Tiểu học Hòa Phước 2...
Lá thư thể hiện tình cảm, ý nguyện của Bộ trưởng không chỉ có người nhận được nó cảm kích mà ngay cả dư luận cũng cảm thấy được động viên phần nào. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, Bộ trưởng Luận đang hướng thế hệ học sinh đang ngày càng vô cảm quay trở về tình cảm uống nước nhớ nguồn có từ lâu của người Việt Nam.
Có thể gần đây đang có một thực tế là không ít người dân đã và đang bày tỏ sự thất vọng lớn đối với ngành giáo dục nói chung cũng như chất lượng giáo dục nước ta nói riêng, tuy nhiên, chúng ta không thể vì như thế mà phủ nhận sạch trơn vai trò cũng như những đóng góp to lớn của bộ trưởng Luận. Bộ trưởng dường như đang ngày càng khẳng định mình là một nhà chuyên môn, nhà hoạch định chính sách mà thể hiện tình thương yêu và tâm huyết với ngành một cách lặng thầm chứ không như các chính sách lúc nào cũng phát biểu, hứa hẹn thật nhiều để lấy lòng dân rồi lời hứa cứ theo gió bay ngay sau đó.
Có lẽ chính vì nỗi buồn khó giãi bày ấy mà ngay sau khi nghe kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội không được cao, với 177 phiếu tín nhiệm thấp, 86 phiếu tín nhiệm cao và 229 phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Luận đã không giấu được nỗi buồn, đi bộ một mình ra sau hội trường và từ chối trả lời phỏng vấn nhà báo...
Mặc dù chịu thiệt thòi khi không như các chính khách thực thụ cả khả năng giành được tình cảm từ phía dư luận nhưng Bộ trưởng Luận vẫn luôn nhiệt tình, âm thầm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nhằm xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, vững mạnh. Chính vì vậy, bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu 'Công bộc Nhân dân'.
Ngọc Lê
nguyen_y_van gửi hôm Thứ Ba, 30/07/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130730/ngoc-le-cong-boc-nhan-dan-phai-biet-buon-nhu-bo-truong-luan
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001