Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ trong xã hội Trung Quốc hiện nay

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ trong xã hội Trung Quốc hiện nay 


Hứa Kỉ Lâm (Trung Quốc)
Trần Đình Sử trích dịch

….Từ sau năm 1949 trong xã hội Trung Quốc đã hình thành một xã hội tập thể chủ nghĩa chưa từng có trong lịch sử nhân loại và trong xã hội truyền thống Trung Quốc. Trong xã hội truyền thống, tuy lễ giáo nho gia có hạn chế tính tự chủ của cá nhân, nhưng giữa quốc gia và cá nhân không hề có quan hệ phi chủ khách thể.
Gia tộc và cá thể, vương triều và thần dân đều có nghĩa vụ với nhau. Trung hiếu bên này thì phải có nhân từ bên kia, quần thể và cá nhân xây dựng một quan hệ hài hòa, cân bằng và tương hỗ. Xã hội truyền thống là một xã hội xã quần chủ nghĩa chứ không phải là tập thể chủ nghĩa. Ông Michael Oakechott chỉ ra rằng: Cộng đồng nhân loại xưa nay chỉ có ba mô hình : chủ nghĩa xã quần, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể[1]. Chủ nghĩa xã quần của xã hội thời tiền hiện đại. Thân phận, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi cá nhân phụ thuộc vào địa vị của cá nhân trong cộng đồng, giữa cá nhân và xã quần có quan hệ chủ thể tương quan với nhau. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là hiện tượng chỉ lịch sử thời hiện đại mới có. Khi cá nhân dần thay thế Thượng Đế, trở thành chủ nhân của thế giới, chiếm cứ bản vị, thế là có chủ nghĩa cá nhân. Còn chủ nghĩa tập thể là một sự phản ứng lại cá nhân bản vị chủ nghĩa, là một thứ tập thể bản vị phản cá nhân, nó khác hẳn quan hệ cân bằng, hài hòa trong xã hội xã quần truyền thống. Quan niệm đạo đức của chủ tập thể là an toàn tốt hơn tự do, đoàn kết tốt hơn tiến bộ, bình đẳng tốt hơn là tự chủ. Mỗi cá nhân là một con nợ của xã hội, nó mang một món nợ mãi mãi không bao giờ trả xong đối với xã hội, xã hội cũng do đó mà trở thành một biểu tượng của món nợ tập thể mà họ phải è lưng gánh vác.
Chủ nghĩa tập thể thời Mao Trạch Đông, với tư cách là di sản của chủ nghĩa tập thể cách mạng thời chiến có một thứ hình thái ý thức về cái đại ngã mang tính chất tôn giáo. Về lí luận là chủ nghĩa cộng sản không tưởng, về thực tế là lợi ích toàn vẹn của nhà nước nhân danh “nhân dân”. Bên dưới cái đại ngã đó không hề có cá nhân, mọi ham muốn và lợi ích cá nhân bị coi là tội ác nguyên thủy (nguyên tội). Trong cái xã hội tập thể mang tính chất tôn giáo ấy cá nhân trực tiếp lệ thuộc vào tập thể của nhà nước, ngoài tập thể ra cá nhân không có một quyền lợi nào. Trong chủ nghĩa tập thể này vừa không có xã hội, vừa không có cá nhân. Cá nhân chỉ là một cái bánh xe, cái đinh ốc trong cỗ máy xã hội, cho nên làm nảy sinh ra tấn thảm kịch vô nhân đạo và phản nhân đạo. Cái chủ nghĩa tập thể tàn bạo này đi ngược lại nhân tính và tự nhiên cho nên không thể nào lâu bền được. Sau khi “Cách mạng văn hóa kết thúc, xuất hiện làn sóng bật trở lại rất mãnh liệt. Sau 1978, cùng với trạng thái “băng tan” của xã hội, người ta phát hiện lại con người cá nhân, xuất hiện lại một thời đại “giải phóng con người”. Một dấu hiệu quan trọng của phong trào giải phóng tư tưởng và tư tưởng khái sáng mới của những năm 80 là xây dựng tính chủ thể của con người.
Con người trong sự lí giải của chủ nghĩa khai sáng mới là , nó vừa là một tồn tại lí tính, vừa tồn tại tình cảm , tràn đầy các loại dục vọng tự nhiên hợp lí. Con người xét theo mục đích tự thân của nó có địa vị bản thể tự nhiên không cần phải chứng minh. Không có mục đích nào cao hơn con người. Một con người như thế đứng cao hơn quốc gia, giai cấp và các quan hệ xã hội tự nhiên khác, hàm chứa nhân tính phổ biến, nó có ý chí tự chủ và năng lực tự mình sáng tạo vô hạn. Cái duy nhất nó cần là giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, trở về với bản tính tự nhiên của con người. Đó là con người trên ý nghĩa triết học, mĩ học, nhân học, con người bị trừu tượng khỏi các điều kiện của lịch sử. Sự trừu tượng như thế không phải là ngẫu nhiên, mà nhằm làm nổi bật tính chất tối cao vô thượng của bản thể con người, đột phá các thứ gông cùm mà chủ nghĩa tập thể đã chụp lên đầu nó. Từ đây chúng ta có thể phát hiện, con người cá nhân những năm 80, giống như con người cá nhân của thời Ngũ Tứ, vừa là một tiểu ngã, lại vừa là một đại ngã. Con Người “viết hoa” này vừa là con người thế tục có nhiều ham muốn tự nhiên, cũng là con người có tinh thần nhân văn, tinh thần và thể xác kết hợp hoàn mĩ. Một mặt các ham muốn tự nhiên và bản tính tự nhiên được giải phóng, có giá trị chính đáng, mặt khác tính chính đáng đó không hoàn toàn tự túc. Bên trên cái tiểu ngã vẫn có cái đại ngã, vẫn có những quy phạm tinh thần có giá trị mĩ học đạo đức, nhân học, có sự dẫn dắt của mục tiêu lịch sử là hiện đại hóa quốc gia dân tộc.
Sau những năm 90, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, xã hội thế tục hóa nhanh chóng. Trong giới tư tưởng cách hiểu về cá nhân và cái tôi cũng theo đó mà có sự đổi thay rất to lớn. Con người chủ thể vốn có sự hài hòa nội tại bắt đầu bị tan rả, Đầu tiên là sự phân liệt giữa con người tinh thần tâm hồn và thể xác thế tục, sau đó là con người trên ý nghĩa triết học trừu tượng, bị đặt trong ngữ cảnh lịch sử cụ thể, nó bị hoàn nguyên thành những con người công dân, quốc dân, thị dân có số phận, thân phận rõ ràng, trải qua thực thi chủ nghĩa phát triển, hiện đại hóa, rồi phong trào phản tư tư tưởng khai sáng, con người chủ thể bị hoài nghi, con người được xác định lại trong quan hệ tác động qua lại giữa tự nhiên, thế giới và tồn tại chung cục của nó. Trong những năm 80, đối diện với sự áp chế tinh thần và dục vọng cá nhân của cái thể chế chủ nghĩa tập quyền, sự giải phóng con người là giải phóng toàn điện. Các nhà nhân đạo chủ nghĩa tin tưởng rằng, trong một xa hội lí tưởng thuộc về con người thì con người với ý nghĩa đích thực của nó, sẽ là người tự do, được giải phóng toàn diện cả lí tính, tinh thần, ham muốn và thế tục.Thế nhưng quá trình thế tục hóa của kinh tế thị trường đã khiến cho cái lí tưởng ấy biến thành không tưởng. Sự thương mại hóa toàn diện xã hội đã giải phóng các đòi hỏi về dục vọng và vụ lợi của con người tự nhiên, đứng trước cái trào lưu thế tục cơ hồ như không thể ngăn cản được ấy giá trị tinh thần con người đứng ở đâu? Làm thế nào để hiểu và khẳng định giá trị ý nghĩa của cái Tôi tinh thần? Các nhà khai sáng những năm 80 đến những năm 90 chia rẽ nhau nghiêm trọng trên các vấn đề đó. Một bộ phận thì khẳng định con người tự nhiên, vụ lợi trong xã hội thế tục, một số khác thì phê phán gay gắt sự đánh mất giá trị tinh thần trong kinh tế thị trường, con người đã sa ngã thành đối tượng để cho vật dục sai khiến, không còn là con người nữa. Từ đó mà bùng nổ cuộc tranh luận lớn về “tinh thần nhân văn” năm 1993. Trước kinh tế thị trường lí tưởng con người hài hòa hai mặt vật chất và tinh thần đã hoàn toàn sụp đổ.
Khi hình thái ý thức chủ nghĩa tiêu dùng vật dục hóa bắt đầu bao trùm xã hội, nó cũng tham gia cải tạo lại con người. Hình thái ý thức chủ nghĩa tiêu dùng không chỉ là quan niệm và phương pháp đặc biệt về tiêu dùng, mà còn là ý thức về sự hình thành cái tôi, là nhân sinh quan, giá trị quan và lí tưởng thẩm mĩ phổ biễn đồng nhất với cải tôi. Hình thái ý thức chủ nhĩa tiêu dùng đã tạo thành một con người cá nhân hoàn chỉnh của cả thời đại thế tục: Nó có tràn trề dục vọng, tưởng tượng, nó có khát vọng vật dục vô bờ, đồng thời nó cũng có năng lực và tiền bạc để thực hiện các dục vọng đó. Từ dục vọng vô bờ đến thỏa mãn vô bờ là hình tượng con người cá nhân mà ý thức chủ nghĩa tiêu dùng đã nhào nặn nên. Cùng với sự phát triển đô thị, rồi phát triển các tầng lớp thị dân mới, một chủ nghĩa cá nhân vật dục, ích kỉ, một sự tưởng tượng mới về cá nhân đã được nhất trí khá phổ biến trong tầng lớp thị dân.
Cái chủ nghĩa cá nhân ích kỉ thế tục đó đã được khoa kinh tế học chứng minh. Những người làm kinh tế những năm 80 họ vừa làm kinh tế, vừa làm đạo đức, chính trị. Còn từ những năm 90 các nhà kinh tế chỉ còn làm kinh tế thuần túy. Những con người trong xã hội thị trường đó đã có được các “công cụ lí tính” kinh tế rất phát triển. tức là cái công cụ lí tính mà Max Weiber đã nói đến, nghĩa là anh ta biết rõ cái mục đích và lợi ích của anh ta ở chỗ nào, biết lợi dụng các thủ đoạn có hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu lợi ích lớn nhất, chiếm hữu càng nhiều các tài nguyên, của cải, miễn là không làm tổn hại đến lợi ích người khác, mà thực hiện mục tiêu làm lớn lên khối lợi ích của cải của mình. Đó là thứ chủ nghĩa cá nhân mà B. Macpherson gọi là chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu[2]. Trong xã hội thị trường chiếm hữu ấy, bản chất của con người cá nhân được hiểu là kẻ sở hữu chính mình. Không phải kẻ sở hữu đạo đức, không phải là bộ phận của tổ chức xã quần nào, mà hắn ta chính là hắn ta, thông qua mình và tài sản chiếm hữu của mình để chứng tỏ mình. Xã hội là do những cá nhân như thế tổ chức lại. Trước kia con người được coi là đồng nhất với tôn giáo, đạo đức, triết học, văn học, nhưng trong thời đại thế tục hóa, nó biến thành một khái niệm trong tri thức kinh tế học, chính trị học, trở thành chủ thể của quyền lực và của cải, thuộc tính bản chất của con người gắn liền với chiếm hữu và sự khống chế. Mà xã hội thế tục hóa là một xã hội thị trường lấy quyền lực và tiền tài làm trục lõi, được tổ chức bởi các người làm kinh tế giàu năng lực chiếm hữu. Các cá nhân bị nguyên tử hóa thời xã hội thế tục đều là những con người có lí tính kinh tế tràn đầy khát khao vật dục, vừa không có lịch sử, không có tinh thần. Hắn ta cô đơn đối diện với toàn thế giới, mà thế giới bên ngoài đó là thế giới thị trường lấy lợi ích làm trục lõi, thiếu tình cảm ấm áp, cũng không có ý nghĩa. Quan hệ giưa cá nhân và cáí thế giới thị trường này chỉ là quan hệ vật dục và lợi ích, cũng tức là các quan hệ phi nhân cách như trao đổi, mua bán, chiếm hữu và khống chế.
Con người cá nhân của xã hội Trung Quốc đương đại có ý thức về quyền lợi cá nhân hết sức rõ ràng, nó cũng học được cách thức biểu đạt nguyện vọng của mình và cách khuếch trương quyền lợi của mình. Nhưng do thiếu đời sống công cộng cho nên nó cũng thiếu ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng. Con người sở dĩ thiếu tinh thần trách nhiệm phổ biến là do Trung Quốc đương đại thiếu các cộng đồng xã hội, tôn giáo, văn hóa. Nhà nước thời đại Mao Trạch Đông đã hủy hoại các quan hệ cộng đồng như gia tộc, địa vực, tín ngưỡng. Sau thời cải cách mở cửa tuy các cộng đồng tôn giáo, gia tộc đã có xu thế khôi phục lại, nhưng không thể có địa vị chính đáng trong thể chế xã hội, không thể có khả năng tham gia tổ chức xã hội. Mặt khác, theo đà phát triển của kinh tế thị trường, thị dân chiếm tỉ lệ dân số lớn ngày càng gia tăng, nhưng không hình thành một tầng lớp có tổ chức, có thị dân mà không có xã hội thị dân, có công dân mà không có tổ chức công dân. Khi Nhà nước rút khỏi lĩnh vực tư nhân, mà lĩnh vực công cộng của xã hội chưa được hoàn toàn mở cửa, con người trong lĩnh vực tư nhân được tự do như chưa bao giờ có, làm nảy sinh ý thức quyền lợi cá nhân, họ bắt đầu biết rằng: tôi muốn gì, tôi có quyền lợi như thế nào, nhưng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng thì mãi vẫn chưa có được. Trong lĩnh vực tư nhân do pháp luật điều chỉnh, do thiếu quyền lợi công cộng tương ứng, cái gọi là trách nhiệm và nghĩa vụ cũng trở thành một khẩu hiệu suông. Các cá nhân do các khối cộng đồng xã hội tan rã ném ra ngoài, nhất là các thế hệ thanh niên, thực hiện việc lấy cái tôi của mình làm trung tâm, nhưng không tìm thấy mối liên hệ với các xã đoàn công cộng, đời sống công cộng, do đó cũng không trở thành sự gánh vác tương ứng mà xã hội cần, và thế là trở thành các cá nhân “vô công đức”.
Sự cạnh tranh tàn khốc của xã hội thị trường khiến cho các cá nhân bị giải thể, lại bị ném vào xã hội, trở thành những cá nhân nguyên tử hóa cô đơn không nơi nương tựa. Các cá nhân đó mất đi mọi sự bảo hộ của các cộng đồng, không thể độc lực đối diện với mọi áp lực đến từ xã hội, mà mọi vấn đề xã hội cũng bị giản lược hóa thành vấn đề sinh tồn cá nhân, để cá nhân một mình gánh vác. Trong những năm 80 các cá nhân độc lập từng được coi là một lực lượng đáng được hâm mộ, còn bây giờ thì đã thành một áp lực lớn gồm những con người cá nhân yếu đuối thảm hại. Những năm 80 những cá nhân giải phóng đem lại cho người ta niềm hưng phấn và niềm giải thoát phổ biến. Đến giữa những năm 90 về sau họ lại trở thành lực lượng khiến xã hội lo âu và bất an. Sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ làm cho xã hội mất đi cảm giác về sự an toàn và sự xác định. Sau khi các cộng đồng xã quần đóng vai trò bảo hộ con người bị thủ tiêu hết, con người chỉ còn biết tự bảo vệ mình. Kết quả của sự tan rã của cái đại ngã (cái tôi lớn nằm trong các cộng đông) thì các cái tôi nhỏ bé tự nó tha hóa. Cái tôi bé biến thành chủ nghĩa cá nhân vật dục và ích kỉ.
Khi các cộng đông xã hội lần lượt bị phế bỏ, đánh mất năng lực bảo hộ, cá nhân chỉ một mình đối diện với sức mạnh Nhà nước. Cơ sở xa hội quyền lực kiểu Hobbes là chủ nghĩa cá nhân ích kỉ (egoism). Lúc đó nhà nước không còn là cái tôi lớn của mỗi người, không có bất cứ giá trị ý nghĩa nào cả, mà chỉ là một tồn tại có tính chất công cụ, chỉ là nơi để cho các cá nhân phân tán tranh giành quyền lợi riêng tư mà thôi. Nhà nước này khác hẳn một trời một vực với cái nhà nước kiểu Mao Trạch Đông còn có ý nghĩa thiêng liêng. Cái xã hội của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ cũng cần một con quái “ Leviathan”[3] hung dữ để duy trì ổn định và trật tự, không đến nỗi rơi vào tình trạng chiến tranh tất cả mọi cá nhân chông lại mọi cá nhân. Macferson phân tích cho thấy: chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu là một cách hiểu về con người: cá nhân về bản chất là kẻ chiếm hữu bnar thân nó và các năng lực của nó, cá nhân không phairlaf một bộ phận tổ chức của chỉnh thể xã hội. Nó chỉ là một kẻ tự tư tự lợi, tìm mọi cách để gia tăng các mối lợi ích của nó. Bản chất nhân tính của con người là tham lam, còn tất cả mọi vật bao gồm cả năng lực của con người đều là hàng hóa mà giá trị của chúng được hình thành trong thị trường chiếm hữu. giá trị của con người tuy thuộc vào giá trị của nó trên thị trường. Trong lí thuyết của Thomas Hobbes chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu được thể hiện một cách điển hình nhất. Vì thế mà ông đòi hỏi phải có một kẻ uy quyền tuyệt đối là Leviathan dùng để duy trì trật tự công cộng giữa các cá nhân.
Chủ nghĩa quyền uy kiểu Hobbes dựa vào tiền đề một xã hội chủ nghĩa cá nhân tư lợi, ích kỉ. Triết học chính trị của ông lấy nhân tính làm cơ sở. Khát vọng sinh tồn là bản tính của con người, bảo toàn tính mệnh là quyền lợi tự nhiên hàng đầu. Động vật chỉ có khát vọng đối với khách thể hữu hạn, còn con người thì dục vọng chiếm hữu vô cùng tận. Để tránh việc các cá nhân ích kỉ đấu tranh tàn sát nhau rồi tiêu diệt nhau, con người đành đem lợi ích của mình giao cho kẻ có chủ quyền để duy trì trật tự xã hội. Nhưng các công dân bước vào xã hôi chính trị không hề đổi thay bản tính của nó, mà vẫn là những kể ích kỉ thông qua phạm vi luật pháp để duy trì lợi ích mình. Trong phạm vi luật pháp các công dân có thể làm giàu trong lĩnh vực tư nhân, kẻ chủ quyền cũng có trách nhiệm đại biểu dân sinh, bảo hộ quyền lợi riêng của công dân, nhưng các công dân mãi mãi không bao giờ có thể mong chia xẻ được quyền thống trị về mặt chính trị, đó là chủ quyền đại biểu công dân độc chiếm tuyệt đối không thể chia xẻ. Trong xã hội leviathan như thế, không có tôn giáo, không có đạo đức, càng không có xã hội, mọi người có quan hệ với nhau chỉ vì lợi ích riêng. Còn thị trường và quyền lực trở thành phương tiện để mọi người giao dịch vì lợi ích riêng tư. Chủ nghĩa quyền uy và chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu kiểu Hobbes dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, trở thành một loại hình “tính hiện thực” đang được thực hiện trong xã hội thế tục.
Sống ở Vương triều tháng Bảy nước Pháp thế kỉ 19 Alexis de Tocqueville[4], sau khi cảm nhận được sự trỗi dậy của xã hội thế tục chủ nghĩa cá nhân ích kỉ và chủ nghĩa quyền lực có quan hệ câu kết gian trá: Đến lúc đó sẽ xuất hiện vô số người giống nhau, bình đẳng, suốt ngày chạy chọt để hưởng thụ các món lợi nhỏ. Mỗi người trong họ đều tách đàn sống riêng, không hề quan tâm số phận của nhau….nếu họ có một cái gia đình có nghĩa là họ không có Tổ Quốc nữa. Trên đám người đó dựng lên một nhà đương cục có tính chất giám hộ có quyền lực cực lớn chịu trách nhiệm bảo đảm cho các cá nhân hưởng lạc suốt đời. Toàn thể bộ máy quyền lực đương cục đó là tuyệt đối, bao quát mọi điều từ nhỏ đến lớn, rất nhận chân và biết nhìn xa. Hơn nữa lại hết sức tốt bụng. Nó chỉ muốn cho công dân của mình hưởng lạc, cho rằng chỉ cần hưởng lạc là đủ, nó muốn làm phúc cho công dân, nhưng lại muôn là người trọng tài và là người thay mặt duy nhất để làm phúc cho công dân.
Có những xã hội chủ nghĩa cá nhân khác nhau. Cái mà xã hội dân chủ tự do dựa vào là một xã hội chủ nghĩa cá nhân (individualism)có tinh thần công dân, có truyền thống tự trị, quan tâm lợi ích của nhau. Còn xã hội chủ nghĩa cá nhân ích kỉ (egoism) khi muốn hình thành trật tự thì chỉ muốn có một chính trị quyền lực tuyệt đối.
Từ cổ xưa đến hiện đại trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc có hai luồng tư tưởng cá nhân. Một là cá nhân trong đó cái tiểu ngã và đại ngã, vật dục và tinh thần hài hòa, ý nghĩa của cá nhân sẽ có được trong một thế giới cao hơn. Từ quan niệm cá nhân của nho gia đến quan niệm cá nhân thời Vãn Thanh và Ngũ Tứ đều là như thế. Một loại cá nhân khác là cá nhân thoát khỏi ràng buộc của đại ngã, từ cá nhân ích kỉ kiểu Dương Chu[5] cho đến chủ nghĩa cá nhân vật dục mới xuất hiện gần đây trong xã hội thị dân hiện đại, bên trên cái tiểu ngã không có đại ngã nào hết, ý nghĩa đích thực của cá nhân xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa hưởng lạc thỏa mãn tức thời. Trong phần lớn thời gian lịch sử giá trị chủ lưu của con người cá nhân ích kỉ đó trong xã hội không có tính chính đáng. Sau thời cận đại do cái đại ngã không ngừng được kiến tạo lại, ngày càng thế tục hóa, xét từ các mặt thiên lí, công lí, nhân loại, xã hội cho đến nhà nước hiện đại, đều tan rã hết. Điều đó làm cho cái tiểu ngã dần dần mất đi sự quy phạm của cái đại ngã, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ kiểu Dương Chu cuối cùng bước ra mặt tiền sân khấu xã hội, trở thành tình cảnh tinh thần của Trung Quốc đương đại. Từ lịch sử mà nhìn ngược lại hiện đại người ta không thể không hỏi: Nếu như xã hội chủ nghĩa cá nhân quả đúng là định mệnh của tính hiện đại, thế thì chúng ta cần một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân nào?
(Trích dịch từ bài viết trên Tập san khoa học xã hội Trung Quốc, Đại học Phúc Đán xuất bản, số Xuân 2009, số 26. )
[1] Michael Oakeschott. Bài giảng về đạo đức và chính trị ở châu Âu cận đại, tại Đại học Haverd, Cố Mai dịch, Thượng Hải, 2003. tr. 16 – 28.
[2] B. Macpherrson. Lí luận chính trị của chủ nghĩa casnhaan chiếm hữu.: từ Hobbes đến Locke. Nxb Thương vụ, 2001. tr. 93 – 142.
[3] Con quái Leviathan là nhân vật quyền lực trong Kinh thánh, được Hobbes dùng làm biểu tượng cho nhà nước độc quyền, độc tài.
[4] Tocqueville (1805 – 1809), nhà tư tưởng, nhà chính trị Pháp.
[5] Dương Chu, nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu chiến Quốc, tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân hưởng lạc, ích kỉ, duy ngã. Ông ta nói, dù nhổ một cái lông mà có ích cho thiên hạ ông cũng không làm.

nguyen_y_van gửi hôm Thứ Hai, 29/07/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130729/su-troi-day-cua-chu-nghia-ca-nhan-ich-ki-trong-xa-hoi-trung-quoc-hien-nay
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001