Lien Hoang - Chủ nghĩa Apartheid ở đô thị Việt Nam
Lien Hoang
Bản dịch của Lê Thiên Hà
Bản dịch của Lê Thiên Hà
Năm ngoái, khi tôi từ Mỹ quay trở lại thành phố này, tôi phải trả 25USD mỗi tháng để được sống tại một căn phòng đơn trong một dãy phòng nằm dọc theo một con ngõ hôi hám và thường ngập lụt. Dãy phòng cho thuê thấp lè tè với bệ xí bệt và những bức tường bong tróc nằm trong một khu công nghiệp ở ngoại vi thành phố. Nhưng tôi chịu đựng điều ấy để được sống gần một người bà con từ miền Trung vào trước đó. Tôi nhập vào hội bạn bè của anh ta trong ngõ, phần lớn họ gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ cảnh ngộ là người nơi khác đến đây tìm việc.
Điều mà tôi đã không nhận ra lúc đó là một số trong đám kia lại đến thành phố một cách bất hợp pháp, vi phạm một chính sách còn sót lại từ thời kỳ trước khi Việt Nam tự do hoá nền kinh tế trong thập niên 1980.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới mà ở đó người dân phải sống tại những nơi mà họ đã đăng ký hay phải xin phép chính quyền để được cư trú.
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới mà ở đó người dân phải sống tại những nơi mà họ đã đăng ký hay xin phép chính quyền để được cư trú. Hệ thống hộ khẩu này chủ yếu vay mượn từ khái niệm hukow của Trung Quốc, vốn ra đời trong những năm sau khi cộng sản lên nắm quyền năm 1949. Tương tự, bắt đầu từ thập niên 1950, giới cai trị cộng sản tại Việt Nam cũng đòi hỏi người dân phải kê khai danh sách thành viên gia đình trong sổ hộ khẩu của mình, bao gồm cả tuổi, nghề nghiệp và dân tộc, nhằm theo dõi sự di chuyển của người dân.
Chiến tranh kết thúc, ngay sau khi Việt Nam tái thống nhất năm 1975, những luật lệ về hộ khẩu được mở rộng ra toàn quốc. Nhiều người dân vẫn ở nguyên một chỗ trong suốt giai đoạn hậu chiến 1975-1986. Lúc bấy giờ, Việt Nam là một nền kinh tế kế hoạch hoá; nhà nước phân phối lương thực và bố trí việc làm trên cơ sở hộ khẩu.
Mặc dù Việt Nam không còn phân phối lương thực nữa song nó vẫn duy trì chính sách hộ khẩu, với hy vọng đẩy lùi hiện tượng bùng nổ dân số ở các đô thị. Chính sách này không chỉ thất bại với mục đích đó, mà còn tạo ra – ngay trong một đất nước tự tuyên bố là phi giai cấp – một nhóm công dân hạng hai.
Trong hệ thống thị trường tự do có kiểm soát mà nay đã thay thế phần lớn hệ thống trợ cấp trước kia, người Việt Nam dựa dẫm vào nhà nước ít hơn để có các dịch vụ và hàng hoá cơ bản và do vậy họ có thêm rất nhiều động lực để đi đến những nơi có việc làm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không yêu cầu hộ khẩu khi tuyển dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Xoan (Trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Tp HCM) thì không có số liệu thống kê nào về số lượng người nhập cư không có giấy tờ. Nhưng bà Hồng Xoan, người từng viết luận án tiến sỹ về đề tài hộ khẩu, lại cho tôi hay rằng phần lớn mọi người không thay đổi giấy tờ khi họ di chuyển. Và theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì số lượng người nhập cư ròng từ nông thôn vào thành thị là 1,4 triệu trong giai đoạn 2004-2008. Con số này 770.000 người trong giai đoạn 5 năm cho đến trước thời điểm diễn ra cuộc tổng điều tra 2009.
Sự chuyển dịch dân số học này đang ảnh hưởng đặc biệt đến Hà Nội. Khoảng 6,5 triệu người sinh sống ở thủ đô năm 2009, so với mức chỉ khoảng 2,7 triệu một thập kỷ trước đó – tăng 240%. Trong cùng khoảng thời gian đó, dân số Việt Nam chỉ tăng 12%.
Tuy nhiên, nhiều người nhập cư lại gặp phải nhiều thách thức ở các thành phố hơn những gì mà họ chờ đợi. Trong khi những cư dân được thừa nhận chính thức ở các thành phố có quyền sở hữu tài sản và được tiếp cận với trường học và dịch vụ y tế công thì những người mới đến lại không được. Những người từ nơi khác đến phải trả gấp đôi chi phí điện nước vì họ không được hưởng một số ít chính sách trợ cấp còn sót lại, vốn đòi hỏi hộ khẩu. Họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, và các quan chức địa phương thường đổ lỗi cho họ về tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng và vệ sinh môi trường ngày càng xấu đi.
Để góp phần thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng này, một báo cáo của LHQ năm 2010 đã khuyến nghị là cần “bãi bỏ yêu cầu về hộ khẩu khi người dân tiếp cận các dịch vụ”. Song các nhà hoạch định chính sách lại diễn giải dòng người đổ về thành phố theo cách để hàm ý rằng họ phải mạnh tay hơn nữa với người nhập cư và tái củng cố chính sách hộ khẩuKể từ tháng này trở đi, những người sống ở Hà Nội sẽ được cấp hộ khẩu thường trú chỉ khi họ đã sống ở đây được 3 năm, có công việc trong bộ máy nhà nước, có nhà riêng hay chuyển tới sống chung với gia đình người thân có hộ khẩu thường trú.
Hiện nay, ở phần còn lại của đất nước, người nhập cư cần chứng minh là họ đã sống ở đâu đó chỉ một năm để xin cấp hộ khẩu thường trú ở đó. Song một số người lại lo ngại rằng chính sách ngặt nghèo ở Hà Nội có thể thôi thúc Tp HCM và các thành phố khác noi theo.
Những người chỉ trích nói rằng hệ thống đăng ký hộ khẩu sẽ không ngăn chặn được sự dịch chuyển chỗ ở nhiều hơn chút nào so với quá khứ. Trong khi đó, hệ thống này lại ngăn cách người sở tại với người từ địa phương khác đến và tạo ra một hình thức của chủ nghĩa apartheid ở đô thị.
Lien Hoang
Bản dịch của Lê Thiên Hà
* Lien Hoang là cây bút chuyên viết về khu vực Đông Nam Á.
(Defend the Defenders)
nguyen_y_van gửi hôm Chủ Nhật, 28/07/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130728/lien-hoang-chu-nghia-apartheid-o-do-thi-viet-nam
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001