Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Đào kép cải lương với điện ảnh

Đào kép cải lương với điện ảnh 


Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-07-27
h-cuong-t-nga-305.jpg
Nghệ sĩ Hùng Cường và Thanh Nga trong phim Nắng Chiều.
File photo

Lạm phát hãng phim

Thời kỳ trước 1975 có một dạo một số đào kép cải lương được các hãng phim mời đóng phim và tình trạng đã gây nên khủng hoảng cho nhiều đoàn hát, có một số đoàn phải chịu rã gánh, do bởi đào kép chánh rời khỏi đoàn. Ngay cả các anh hề của sân khấu cải lương và thoại kịch, chưa một kinh nghiệm nào trong lãnh vực điện ảnh, bỗng phút chốc trở thành tài tử đứng trên sàn quay. Vậy hiện tượng trên do đâu mà có? Người ta tìm hiểu và đi đến kết luận: Do lạm phát hãng phim!
Thật vậy, lúc bấy giờ ở Sài Gòn và tính luôn cả nước có đến hơn 50 hãng phim được cấp giấy phép hoạt động, nhưng thực tế thì chỉ trên dưới 10 hãng là có sản xuất phim mà thôi. Lúc bấy giờ nhà sản xuất phim quá thừa, trong khi tài tử lại hiếm và lãnh “cát sê” quá thấp, đó là những điều ghi nhận được về tình trạng của nền điện ảnh Việt Nam lúc ấy.
Chính sự lạm phát nhà sản xuất đã đưa đến việc tài tử cải lương nhảy sang điện ảnh, trong số khoảng chừng 40 tài tử chuyên nghiệp lúc đó so với con số hãng phim nhiều như vậy. Do đó các nhà sản xuất phim bắt buộc phải “mượn đỡ” đào kép cải lương qua điện ảnh rất có lợi, người ta có thể lợi dụng ngay tên tuổi của đào kép đó như Hùng Cường, Thanh Nga v.v... Dù vậy, với sự tranh nhau xin giấy phép rầm rộ cũng làm cho phong trào sản xuất phim ảnh vùng lên.
Vấn đề diễn xuất tuy có sự khác nhau giữa “sân khấu” và “ống kính” nhưng nhiều đào kép thông minh chỉ cần nhắc sơ là có thể đóng phim ngay được. Thêm vào đó ở Việt Nam đa số dân chúng bình dân rất dễ dãi khi xem chiếu bóng, vì vậy sự có mặt của đào kép cải lương sẽ làm tăng số khán giả loại này rất nhiều.
Nếu như gặp thời gặp vận thì đào kép hát cải lương rất dễ trở thành tài tử điện ảnh, sự nghiệp lên như diều, được người đời trọng vọng và đặc biệt là những lúc có dịp trở lại thăm đoàn hát cũ, thì được mọi người trong giới nhìn mình với cặp mắt thán phục, thèm thuồng...
Do hiện tượng đào kép cải lương nhảy sang đóng phim, nên đầu thập niên 1970, vườn hoa điện ảnh nở rộ, phong trào sản xuất phim ảnh lên cao. Nhiều cuốn phim màu với màn ảnh rộng ra đời thu hút ngày một nhiều khán giả, khiến cho giới thương mại đã không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào khinh doanh nghệ thuật điện ảnh.
Nhận thấy làm phim kiếm ăn được nên có nhiều tay chẳng biết gì về điện ảnh cũng nhảy ra lập hãng phim để hốt bạc. Và đây tôi xin kể ra một trường hợp:
Một trong số những người có vốn đã nhạy bén bước vào làm ăn thật sự là bà Nguyễn Thị Thân, bà đã nhanh chân đi xin giấy phép thành lập hãng Kim Thân Film. Dù chưa từng làm ăn trong lãnh vực điện ảnh bao giờ, bà Nguyễn Thị Thân đã dám bỏ ra số vốn lớn khai thác thị trường phim ảnh, một thị trường được coi như rất dễ có lời lúc bấy giờ. Kim Thân Film đã thực hiện một cuốn phim với các tài tử chánh là đào kép cải lương, hãng phim này đã thành công theo như nhận định của giới am tường về thị trường phim ảnh thời đó.
Tuy nhiên, một thắc mắc được đặt ra về phương thức kinh doanh của Kim Thân Film là: căn cứ vào yếu tố nào để một người chưa từng có một kinh nghiệm gì trong địa hạt điện ảnh, lại dám bỏ ra số tiền lớn lao để làm phim? (Nghe nói thì trên cả chục triệu tiền vốn bỏ ra).

Khán giả có cảm tình


h-cuong-k-chinh-250.jpg
Kiều Chinh và Hùng Cường trong phim Chiếc Bóng Bên Ðường. File photo.

Báo chí lúc bấy giờ kéo nhau đi tìm hiểu, họ được một trong những người thân cận với bà chủ hãng phim tiết lộ rằng, bà Nguyễn Thị Thân là nhà thương mại, nên có cái nhìn thực tế. Bà đã quan sát thị trường một cách thận trọng trước khi bỏ vốn làm ăn. Sau vài lần đi coi phim “Loan Mắt Nhung” nhận thấy khán giả rất có cảm tình với Thanh Nga, mà phần lớn lại là khán giả cải lương, thành phần mà xưa giờ chẳng mấy khi coi hát bóng. Kế đó khi đi coi phim “Chân Trời Tím”, bà Thân biết rõ Hùng Cường là mục tiêu mua vé của số khán giả vẫn thường đến rạp Quốc Thanh coi các tuồng hát của đoàn Dạ Lý Hương, do đó mới quyết định làm phim và nhắm ngay vào 2 nghệ sĩ cải lương đương thời nói trên để mời.
Hợp đồng của Hùng Cường và Thanh Nga cao gấp đôi lần đóng phim trước, nên 2 nghệ sĩ này mới khước từ tất cả các hãng phim đang mời mọc để về đóng phim “Mãnh Lực Đồng Tiền” cho hãng Kim Thân Film. Muốn cho vững vàng thêm, hãng đã thương lượng mời ca sĩ thuộc hàng ngũ nhạc kích động Mai Lệ Huyền, bởi thời điểm đó Hùng Cường và Mai Lệ Huyền cũng là thần tượng của giới trẻ yêu nhạc rock. Còn các nghệ sĩ Bích Thuận, Việt Hùng, Tám Vân, Bà Năm Sa Đéc thì cũng một thời được khán giả biết tên biết mặt, cùng với những Lý Quốc Mậu, Vương Vũ, Mã Dũng, Việt Châu thì làm giàn bao. Đồng thời để gây sự hiếu kỳ cho khán giả, hãng Kim Thân đã không ngại tốn kém mời thêm một tài tử Mỹ chính cống tên Gardner có mặt trong phim cho nó lạ.
Về chuyện phim thì chọn tiểu thuyết xã hội “Mãnh Lực Đồng Tiền” của nhà văn Anh Vũ – Lê Ngọc Lê, đang được đăng trên một tờ tuần báo có nhiều người đọc. Còn phần dàn dựng thì giao cho đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một đạo diễn kỳ cựu có nghiên cứu tâm lý khán giả miền Nam.
Tóm lại về phần nhân sự thì hãng Kim Thân đã không ngại việc nâng cao chi phí để có thể hội đủ càng nhiều yếu tố “ăn khách” càng tốt. Sợ để chậm trễ biết đâu tình thế sẽ đổi khác, nên kế hoạch đâu đó xong xuôi hãng Kim Thân xúc tiến ngay việc thu hình với thời gian kỷ lục, để phim “Mãnh Lực Đồng Tiền” kịp ra mắt khán giả vào Tháng Chín, 1971.
Từ ngày bắt đầu việc thu hình, hãng Kim Thân đã nghĩ ngay đến vấn đề quảng cáo. Cho nên họ đã nhanh chóng mời các ký giả kịch trường đến quan sát viết bài, và khi phim sắp sửa hoàn thành thì tung ra đợt quảng cáo mạnh mẽ với hình ảnh Hùng Cường, Thanh Nga, Mai Lệ Huyền xuất hiện trên nhiều tờ báo.
Một tuần lễ trước ngày chiếu ra mắt, hãng đã mời quan khách cùng rất đông ký giả kịch trường tham dự. Nhiều nhựt báo, tuần báo đã cùng lúc viết bài nói về cuốn phim này, do đó mà trong tuần lễ khai trương phim “Mãnh Lực Đồng Tiền”, 4 rạp lớn ở Đô Thành: Rex, Đại Nam, Văn Hoa (Sài Gòn) và Văn Hoa (ĐaKao) đã đông nghẹt người đi coi. Hãng thu lại tiền vốn khá nhanh chóng.
Cũng theo lời những người thân cận tiết lộ thêm thì Kim Thân Film hãng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để chọn thời điểm cho ra mắt cuốn phim. Trước tiên, film được chiếu ở Sài Gòn vào Tháng Chín, tháng này hiếm khi mưa chiều và ban ngày, mà đến quá nửa đêm mới có mưa, do đó chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đối với người đi coi hát. Hai tháng sau thì phim được đưa đi tỉnh chiếu đúng vào mùa lúa đang thu hoạch, nhà nông rảnh tay ra chợ mua sắm thì rất khó bỏ qua việc coi phim, nếu như thấy những hình ảnh Thanh Nga, Hùng Cường được treo trước rạp. Rồi thì phim được chiếu ở những rạp từng đón tiếp các đoàn hát cải lương, và chiếu dài dài cho đến Tết Nguyên Đán là thời gian các gánh cải lương đều hốt bạc.
Đây là một sự tính toán có kế hoạch hẳn hòi, và sự thành công của hãng Kim Thân đã lôi kéo theo sự thành công của số đào kép cải lương, gặp thời vừa tiếp tục làm nghệ thuật mà thu nhập lại còn nhiều hơn lúc còn phục vụ chỉ có sân khấu cải lương thôi. Phim “Mãnh Lực Đồng Tiền” thời đó được coi là một trong những phim có chi phí cao, thành công về tài chánh, nhưng không phải là một phim thành công về nghệ thuật trong lãnh vực điện ảnh.

Hãng phim Thẩm Thúy Hằng


t-t-hang-250.jpg
Thẩm Thúy Hằng trong phim Sóng Tình. File photo.

Và tiếp sau đây xin nói về hãng Việt Nam phim của Thẩm Thúy Hằng, cũng mời đào kép cải lương về hãng của mình.
Giữa thập niên 1960, cái thời kỳ đất nước luôn trong tình trạng sôi động, xáo trộn với những cuộc đảo chánh, xuống đường, giới nghiêm... thì người ta thấy trên chính trường xuất hiện một chính khách được báo chí nói đến nhiều: Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Và đồng thời báo chí cũng trao tặng cho ông biệt danh “người đấm bóp thời cuộc”.
Sang đầu thập niên 1970, ông Oánh lại thêm một lần nữa cũng nổi tiếng không kém, báo chí cũng đề cập nhiều, nhưng lần này thì ông đóng vai “đấm bóp người đẹp”. Ông thành hôn với nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, cô đào chiếu bóng được người đời tặng cho mỹ danh “người đẹp Bình Dương”, dù rằng cô ta chẳng dính dáng gì đến cái tỉnh có nhiều trái cây sầu riêng, măng cụt ở vùng Lái Thiêu, hay đồn điền cao su ngút ngàn dọc theo Quốc lộ 13.
Đám cưới của ông Nguyễn Xuân Oánh và minh tinh Thẩm Thúy Hằng tổ chức lớn tại nhà hàng khách sạn Caravelle, khách tham dự phần lớn là những nhân vật chính quyền tại chức, chính khách đương thời và giới điện ảnh có tầm cỡ. Có điều người ta không ngờ người đẹp Bình Dương từng thành danh nhờ điện ảnh, thế mà vừa được cấp môn bài làm chủ hãng phim, Thẩm Thúy Hằng lại nhắm vào việc mời đào kéo cải lương đảm nhận các vai trong phim của mình, và người ta đã thấy một giàn nghệ sĩ cải lương: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Ngọc, Thanh Tú xuất hiện trong cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”.
Đây là cuốn phim với lời đối thoại do nghệ sĩ Năm Châu viết, chuyện phim ở mức tầm thường. Báo chí lúc bấy giờ phê bình rằng nội dung phim là chuyện xã hội Việt Nam không phản ảnh được gì nếp sống của người Việt Nam đương thời nên phim này không thành công về mặt nghệ thuật nhưng thành công về tài chánh. Lý do? Nhờ sự có mặt của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng, phim đã lôi kéo số khán giả cải lương thuần túy đi coi do đó mà phim “Chiều Kỷ Niệm” hốt bạc khá nhiều, chiếu ra mắt tuần đầu đã thu vào trên 10 triểu, Thẩm Thúy Hằng lời to!
Người đẹp Bình Dương từng nói: Lấy tiếng cũng phải lấy tiền là vậy.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/traditional-music-0727-nm-07262013133829.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001