Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Tổng Thống Obama và nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn

Tổng Thống Obama và nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn 


Mark Landler | The New York Times
Ngọc Hoà dịch

WASHINGTON – Mang theo một bản sao của lá thư Hồ Chí Minh gửi Cựu tổng thống Mỹ Harry S. Truman, vị Chủ tịch nước Việt Nam gặp gỡ Tổng thống Obama vào thứ Năm để cam kết tăng cường mối quan hệ về thương mại và quân sự với Hoa Kỳ, ngay cả khi họ lúng túng trên vấn đề nhân quyền.


Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã tạo được “niềm tin chiến lược” tại Phòng Bầu dục? (Ảnh: Pete Souza/Nhà Trắng).

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam đến Nhà Trắng trong thời kỳ chính quyền Obama, và đón nhận được sự cộng hưởng lớn hơn về mặt chiến lược, khi ông Obama quyết tâm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á.
Nhưng chuyến thăm của vị Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, diễn ra sau một giai đoạn đầy khó khăn, khi chính phủ Cộng sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp ở trong nước, bỏ tù các blogger, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến; siết chặt luật lao động; và một lần nữa nắm quyền kiểm soát về những gì mà một chuyên gia Việt Nam gọi là “những đỉnh cao chỉ huy” đối với nền kinh tế.
Ông Obama viện dẫn một cách nhẹ nhàng về những hành vi lạm dụng đó, và nói: “Tất cả chúng ta phải tôn trọng những chủ đề như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn về những tiến bộ mà Việt Nam đang theo đuổi và những thách thức còn tồn tại.”
Ông Sang, ngồi bên cạnh ông Obama trong Phòng Bầu dục, đề cập đến di sản cuộc chiến tranh Việt Nam và nói rằng “chúng ta vẫn có những khác biệt” trên hồ sơ nhân quyền của đất nước ông ta.
Những người ủng hộ nhân quyền và các nhà lãnh đạo công đoàn phàn nàn rằng, trước tình hình nhân quyền đang trở nên xấu đi ở Việt Nam, ông Sang không xứng đáng được mời đến thăm Phòng Bầu dục, đặc biệt là khi nó kéo dài một giờ 15 phút, dẫn đến việc ông Obama phải trì hoãn chuyến bay của ông ta đến Jacksonville, bang Florida, nơi ông ta sẽ nói về chương trình nghị sự kinh tế tại cảng biển của thành phố.
“Chính quyền hy vọng rằng việc mở ra các cuộc đàm phán thương mại và đối thoại quân sự sẽ là một động lực để Việt Nam thay đổi, để làm giảm sự độc tài của nước này”, ông John Sifton, giám đốc của tổ chức nhân quyền quốc tế tại châu Á, cho biết. “Rõ ràng là hy vọng đã được đặt không đúng chỗ. Họ nên tự hỏi: Vì sao họ lại gắn bó với một chiến lược đã không đạt hiệu quả?”
Các nhà lãnh đạo giới lao động, trong đó có ông James P. Hoffa, chủ tịch Công đoàn Teamsters, kêu gọi ông Obama đình chỉ đàm phán về một hiệp định thương mại tự do khu vực cho đến khi Việt Nam hứa sẽ cải thiện cách đối xử với người lao động. Còn một nhóm các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và Dân chủ kêu gọi tổng thống gây sức ép mạnh hơn nữa về nhân quyền đối với Việt Nam.
Biểu dương hình ảnh các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị đánh đập bởi các nhà chức trách Việt Nam, nghị sỹ Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa bang California, chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết hôm thứ Ba, “Ở Việt Nam, Chính phủ tiếp tục vây bắt bất cứ ai tiếp tục nói đến từ “dân chủ” hay nhắc đến từ “nhân quyền”.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cho biết, sẽ có ý nghĩa hơn đối với ông Obama khi nêu lên vấn đề nhân quyền một cách riêng tư trong lúc hội ý sau cuộc họp, mà họ cho biết rằng ông đã thực hiện, hơn là từ chối vị lãnh đạo của một quốc gia có vai trò trung tâm trong chính sách tái cân bằng ở Châu Á.
Chính quyền sử dụng một lý lẽ tương tự để biện minh cho lời mời của ông Obama dành cho Tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein, đến thăm Nhà Trắng vào tháng Năm. Mặc dù có bằng chứng về sự thụt lùi trong cải cách dân chủ của các nhà lãnh đạo Miến Điện kể từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm ngoái, các quan chức cho biết Tổng thống Obama đã thúc giục vị tổng thống đó phải làm nhiều hơn nữa.
“Đối với người Việt Nam, ý tưởng về chuyến thăm của vị chủ tịch nước của họ tới Nhà Trắng và gặp gỡ Tổng thống Obama là một sự kiện rất lớn”, ông Thomas J. Vallely, cựu giám đốc chương trình Việt Nam tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy tại Đại học Harvard cho biết. “Ông Obama gây ảnh hưởng đến cách Việt Nam sẽ phải suy nghĩ lại về việc nước này sẽ trở thành một đất nước hiện đại như thế nào.”
Cam kết của chính phủ Mỹ với Việt Nam được khuếch trương bởi Ngoại trưởng John Kerry, một cựu chiến binh Việt Nam đã đến đó nhiều lần kể từ khi xảy ra cuộc chiến. Hôm thứ Tư, ông Kerry mời ông Sang ăn trưa tại Bộ Ngoại giao, ở đó, ông ta cho biết ông Sang là một nhà lãnh đạo du kích ở phía Nam Sài Gòn vào năm 1969, trùng thời điểm ông Kerry khi đó là một sĩ quan Hải quân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với chính quyền, cái bóng lởn vởn đằng sau tất cả những sự việc này là Trung Quốc, những cái vòi của nó đang vươn ra toàn châu Á. Để tìm cách tái khẳng định vai trò của Mỹ, Nhà Trắng đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do khu vực gọi là Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam và tám quốc gia khác, nhưng không bao gồm Trung Quốc.
Cả Ông Obama và ông Sang đều cam kết sẽ hoàn tất hiệp ước vào cuối năm nay, một mục tiêu mà một số chuyên gia thương mại nói là đầy tham vọng trước việc Nhật Bản vừa mới gia nhập nhóm.
Hoa Kỳ cũng đã nhúng tay vào những bất đồng ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác về các đảo gây tranh chấp ở Biển Đông. Chính quyền Mỹ khẳng định rằng Bắc Kinh và các nước láng giềng cần giải quyết các tuyên bố chủ quyền của họ theo luật quốc tế.
Hôm thứ Năm, ông Sang cảm ơn Tổng thống Obama về “sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường của chúng tôi trong vấn đề này.”
Vòng tay của ông Obama dành cho nhà lãnh đạo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, các quan chức chính quyền cho biết, khi nhà lãnh đạo Mỹ đã từng bỏ ra hàng giờ đồng hồ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra hồi tháng trước ở California. Trong khi Trung Quốc vẫn là tâm điểm cho sự tham gia của Mỹ ở châu Á, Nhà Trắng vẫn xác định xây dựng các mối quan hệ khác trong khu vực.
Mặc dù tuân thủ đúng các yêu cầu về nghi thức trong Phòng Bầu dục, vẫn xảy ra những khoảnh khắc không có trong kịch bản. Khi thông dịch viên của chính quyền cho biết ông Obama đã chấp nhận lời mời của ông Sang qua thăm Việt Nam, ông Sang đã chỉnh lại anh ta, nói ông Obama hứa sẽ “cố gắng hết mình” để đến thăm.
Khi các phóng viên hét lên những câu hỏi trong một buổi chụp ảnh chung, người ta nghe được ông Obama đã nói với ông Sang rằng, “phóng viên ở đâu cũng như nhau”, theo lời một phóng viên có mặt tại Phòng Bầu dục.
Trước khi hai người chia tay, ông Obama đề cập đến lá thư mà ông Sang đã cho ông ta thấy. Trong thư đó, tổng thống nói, Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn với Tổng thống Truman rằng Việt Nam có thể hợp tác với Hoa Kỳ.
“Chủ tịch Sang chỉ ra rằng nếu ngay cả khi đã 67 năm trôi qua, vẫn là một điều tốt khi chúng ta đang có những tiến triển”, ông Obama nói.


Lá thư của Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu hỗ trợ trong các cuộc đàm phán với Pháp, ngày 28 tháng 2 1946 (Ảnh: NARA/Internet).
[*] Một phiên bản của bài viết này xuất hiện trong bản tin ngày 26 Tháng Bảy 2013, trên trang A8 của tờ New York Times với tiêu đề: Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết thúc đẩy mối quan hệ sâu rộng hơn, dù có những khác biệt về nhân quyền.
Nguồn: MARK LANDLER, “Obama and Vietnam’s Leader Pledge Deeper Ties”, The New York Times, ngày 25 Tháng 7 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 28/07/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130728/tong-thong-obama-va-nha-lanh-dao-viet-nam-cam-ket-thuc-day-quan-he-sau-rong-hon
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001