Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Hùng Tâm/Người Việt - Trung Quốc, trung tâm mâu thuẫn quốc tế

Hùng Tâm/Người Việt - Trung Quốc, trung tâm mâu thuẫn quốc tế 

   at 7/31/2013 10:08:00 AM
Hùng Tâm/Người Việt

Từ chuyện nay đến chuyện xưa, Trung Quốc là huyền thoại

Trong tuần qua, truyền thông Hoa Kỳ ít chú ý đến hai biến cố Á Châu có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến tình hình Việt Nam. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ nói đến chuyện đó để trở về nhận thức phổ biến của chúng ta về Trung Quốc ngàn đời.


Biến cố thứ nhất xuất phát từ Ấn Ðộ, một cường quốc bán đảo có biên giới tiếp cận - và vì vậy có mâu thuẫn về chủ quyền - với Trung Quốc. Biến cố thứ hai đến từ Nhật Bản, cường quốc quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh nhận là của mình và gọi là Ðiếu Ngư. Hai biến cố ấy khiến chúng ta trở lại định nghĩa “Trung Quốc là gì,” một câu hỏi rất đáng quan tâm tìm hiểu.

Nhật-Ấn và Trung Quốc

Trước hết, hôm Thứ Tư 24 vừa qua, Nội các Ấn Ðộ của Thủ Tướng Manmohan Singh phê chuẩn việc thành lập thêm một Quân Ðoàn Sơn Cước (Mountain Strike Group) để bảo vệ vùng biên giới Ðông-Bắc với Trung Quốc, thuộc bang Arunachal Pradesh là nơi mà Bắc Kinh đòi là chủ quyền của mình trên một diện tích là hai phần ba của tiểu bang. Quân đoàn này có cấp số là hơn bốn vạn binh, chưa kể các đơn vị tác chiến hiện hữu, để phòng thủ biên cương trên một dải đất hẻo lánh hiểm trở giáp ranh với Trung Quốc.

Từ năm 2009, những mâu thuẫn và xung đột Ấn-Hoa ở tầm cỡ nhỏ thường xuyên xảy ra mà ít được dư luận quốc tế chú ý. Việc New Delhi quyết định lập ra một quân đoàn thứ tư để phòng thủ vùng biên vực này là biến cố đáng quan tâm. Quân đoàn mới thành lập sẽ bổ sung cho sức phòng thủ biên giới của Ấn Ðộ vì ba quân đoàn kia đã có nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới tiếp giáp với Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan và được Bắc Kinh chiếu cố khi yểm trợ chính quyền Pakistan.

Ðó là khu vực từng có xung đột vì tranh chấp Ấn-Hồi về chủ quyền tại Kashmir, và lên tới vùng Ladakh của Ấn, tiếp cận với xứ Paksitan và đang được Bắc Kinh nhòm ngó.Việc Ấn Ðộ lập thêm một quân đoàn thứ tư, chuyên về tác chiến trên miền núi để ứng phó với Trung Quốc, là điều gì rất đáng chú ý.

Biến cố thứ hai là cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện Nhật Bản hôm Chủ Nhật 21, với đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) của Thủ Tướng Shinzo Abe thắng lớn và từ nay đến 2016 coi như kiểm soát được lưỡng viện Quốc Hội để đẩy mạnh việc cải cách kinh tế mà ông Abe đã đề nghị từ tháng 11 năm ngoái. Sau khi lên làm chủ tịch đảng LDP mà người Nhật gọi là đảng Tự Dân, ông Abe thắng cử tại Hạ Viện vào tháng 12 và lên làm thủ tướng từ cuối năm. Nhưng ông chỉ có thể rộng tay đẩy mạnh cải cách như đã chủ trương nếu giành lại đa số tại Thượng Viện.

Việc ấy đã xong và dân chúng Nhật tạm tín nhiệm đảng Tự Dân cùng chính sách cải cách đầy tham vọng lẫn khó khăn của ông Abe. Nhật Bản có thể ra khỏi tình trạng ù lì đình đọng từ hơn hai chục năm là nhờ kế hoạch cải tổ của Shinzo Abe. Thế giới chú tâm theo dõi chuyện ấy với nhiều kỳ vọng từ một nước có nền kinh tế đứng hạng ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nào ngờ lại có tiếng cú lạc điệu của Bắc Kinh.

Lãnh đạo Trung Quốc và truyền thông quốc doanh của họ không che giấu được sự thất vọng và ác cảm khi Shinzo Abe thắng lớn. Từ báo chí của đảng và quân đội đã có những bài đả kích Nhật Bản với rất nhiều thậm từ, như “uống độc dược cho đã khát” (!)

Chỉ vì song song với chủ trương kích thích kinh tế và cải cách xã hội, ông Abe còn chiều theo đa số quần chúng Nhật mà đề nghị một chính sách đối ngoại cương quyết hơn: gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng khả năng can thiệp của lực lượng tự vệ và không nhượng bộ thái độ hung hãn của Trung Quốc trong vùng tranh chấp chủ quyền Senkaku/Ðiếu Ngư.

Vì vậy, cường quốc mới nổi lên là Trung Quốc đang có vấn đề và gây phản ứng từ hai nước lân bang vùng Tây Nam là Ấn Ðộ và Ðông Bắc là Nhật Bản. Khi nhớ đến tranh chấp ngoài Ðông hải của Việt Nam và Ðông Nam của Trung Quốc, người ta phải tự hỏi rằng Trung Quốc là gì?

Vì Người Việt TV đã có một chương trình giải ảo của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này, “Hồ Sơ Người Việt” xin được bổ túc như sau.
Ảo tưởng về Trung Quốc

Ngược với nhận thức của nhiều người trên thế giới, kể cả các học giả lẫn chiến lược gia, Trung Quốc như chúng ta biết ngày nay chưa từng là trung tâm của thế giới, hay của lục địa Âu-Á. Nếu có những lúc quốc gia này gây chấn động gọi là “toàn cầu” thì đấy là do các sắc tộc khác đã thống trị người Hoa trong nhiều thế kỷ.

Trong ngàn năm vừa qua của Trung Quốc, từ 960 đến 1911, Hán tộc bị các dị tộc khuất phục trong khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng và đấy là khi Trung Quốc thủ vai đại cường!

Trước hết là nhà Ðại Tống, trên danh nghĩa thì trị vì Trung Quốc từ năm 960 đến 1279.

Thật ra, đấy là khi mà lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các triều Khất Ðan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Từ năm 960 đến 1279, nhà Ðại Tống nhượng đất cho dân Khất Ðan, rồi Tây Hạ, rồi nhà Kim, thuộc tộc Nữ Chân, là nguyên thủy của Mãn tộc sau này. Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị chia hai thành Nam-Bắc Tống và phải triều cống các chư hầu vẫn bị Hán tộc khinh thường

Sau đó là thời của Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một lãnh thổ bát ngát của cả Trung Quốc lẫn các sắc tộc khác từ Á sang Âu. Nhà Nguyên Mông hoàn toàn làm chủ đại cường Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368 và Hán tộc là công dân hạng dưới của người Mông. Gần trăm năm dưới ách Nguyên Mông, Hán tộc chỉ có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, một triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.

Trong nửa đầu 276 năm cai trị của Minh triều, loạn lạc là cơm bữa, tính trung bình mỗi năm lại có một cuộc chiến. Nhà Minh nổi tiếng vì củng cố Vạn Lý Trường Thành khi khu vực Trung Nguyên của Hán tộc bị các dị tộc Mông, Mãn tấn công. Và quay vào trong để nhường đại dương cho thế giới. Lý lẽ ngoại giao là trở lại khuôn phép Khổng Nho là không tranh đua với thiên hạ. Lý do thật là vì kho lẫm kiệt quệ sau khi bị xuất huyết từ 20 năm chinh chiến với Ðại Việt.

Dù đã xây thành đắp lũy, Hán tộc dưới đời Minh vẫn lại bị dị tộc khuất phục. Và Trung Quốc mở rộng lãnh thổ như ngày nay là Mãn tộc, dưới triều Ðại Thanh.

Nhà Ðại Thanh cai trị Trung Quốc từ năm 1644 đến 1911 và đúng là đại cường Ðông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Ðiện. Vết nhơ trên hào quang của họ là việc bị Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại. Dưới triều Thanh, Hán tộc mới là loại phó thường dân nằm dưới trong nhiều thế kỷ.

Trong một giai đoạn dài đến gần ngàn năm, Trung Quốc bị ngoại thuộc tới hơn 600 năm và ngày nay, khi lãnh đạo Bắc Kinh lấy chiến công chinh phục của dị tộc như Mông, Mãn, Tạng, để nói về chủ quyền của họ từ vùng Mãn Châu qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ muốn đánh lừa thế giới và cạo sửa địa dư. Vì những khu vực nằm bên ngoài Vạn lý Trường thành không thể là lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhớ lại chuyện xưa, chúng ta hiểu ra thái độ của Nhật Bản và Trung Quốc.

Kết luận ở đây?

Chúng ta không hiểu ra thái độ của Hà Nội.

Trong ngàn năm uy hùng thật giả của Hán tộc và Trung Quốc, con dân Ðại Việt luôn luôn có mặt với các chiến công lẫy lừng, từ đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đến thời Thanh.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/hung-tamnguoi-viet-trung-quoc-trung-tam.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001