BÌNH LUẬN VỀ VIỆC BÁO CHÍ VN VÀ QUỐC TẾ ĐƯA TIN ĐẠI TƯỚNG TỪ TRẦN
Điểm báo : trong 24 giờ, "toàn dân" và "cả thế giới" biết tin
-- báo "Nhân Dân" im lặng
-- báo "Nhân Dân" im lặng
Tin
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
qua báo chí Việt Nam và quốc tế
qua báo chí Việt Nam và quốc tế
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đã từ trần tại
Bệnh viện trung ương Quân đội (108), Hà Nội, vào lúc 18g09 ngày thứ sáu
4.10.2013. Tính theo tuổi ta, ông thọ 103 tuổi : Võ Giáp (tên thật)
sinh ngày 25.8.1911.
Trong hồ sơ tiểu sử soạn
sẵn của các
tòa soạn và cơ quan thông tấn quốc tế, hai hồ sơ Nelson Mandela và Võ
Nguyên Giáp chắc chắn đã sẵn sàng từ lâu. Lãnh tụ Nam Phi, ở tuổi 95
(kém tướng Giáp 8 tuổi), đã nhiều lần thập tử nhất sinh, nhập viện hàng
tháng. Đại tướng, từ hơn hai năm nay, đã liên tục an dưỡng ở bệnh viện
108.
Một giờ sau khi vị tổng tư
lệnh của hai
cuộc kháng chiến tạ thế, các báo mạng và blog "lề dân" trong nước đã
đưa tin, tiếp theo là các hãng thông tấn quốc tế, và trang mạng các báo
Mỹ, Pháp, Đức...
Suốt 24 giờ, báo chí
"chính thống" ở
Việt Nam hầu như hoàn toàn im lặng. Vietnam+, một chi nhánh của Thông
tấn xã Việt Nam, dành
cả một trang chuyên đề "VÕ NGUYÊN GIÁP Danh tướng huyền thoại" vào lúc
21g19, đăng nhiều bài và hình ảnh, nhưng tuyệt nhiên không đưa tin từ
trần. Hai tờ báo "trung ương" duy nhất đã "phá rào" có lẽ là VietnamExpress
(20g42) và Thanh
Niên (20g45). Tuổi
Trẻ, báo "địa phương", đi liền ngay sau đó (20g50).
Hơn một ngày sau (18g53
ngày 5.4), Nhân
Dân,
cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, mới đưa tin bằng một
"thông cáo đặc biệt", chính thức thông báo sẽ tổ chức quốc tang trong
hai ngày 12 và 13 tháng 10.
Sớm hơn "báo Đảng" mấy
giờ, Quân
đội Nhân dân, cơ quan của Quân đội mà tướng Giáp đã thành lập
cách
đây 69 năm, đưa tin ông từ trần (14g24). Bản tin mở đầu bằng một câu
đáng ghi vào lịch sử văn chương báo chí :
"QĐND
Online - Dẫu không
muốn, nhưng tin Đại tướng VÕ
NGUYÊN GIÁP từ trần đã được toàn dân Việt Nam và cả thế giới biết đến."
Vô hình trung, tác giả bài
viết thừa
nhận "toàn dân Việt Nam
và cả thế
giới biết đến" tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần (20
giờ
trước đó) -- không nhờ đọc "Nhân Dân" và "Quân đội Nhân dân", tất
nhiên. Khó hiểu là ba chữ "dẫu
không
muốn".
Ai không muốn ? Nếu "nhân dân" (và "cả thế giới") không muốn, là không
muốn "người anh hùng của Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân" từ giã
cõi đời (đúng hơn, người ta tiếc thương, đau buồn, chứ mấy ai muốn
cưỡng lại quy luật tử sinh của tạo hóa). Vậy "không muốn" đây là không
muốn "toàn dân Việt Nam và cả thế giới" được thông tin. Và người
"không muốn" đó là ai, nếu không phải là "tổng biên tập" của 700 tờ báo
"lề Đảng", hay những người đứng tên dưới "Thông cáo đặc biệt" nói trên ?
Nghiêm chỉnh hơn, câu hỏi
đặt ra là :
tại sao có sự chậm trễ 24 giờ như vậy ? Giải thích duy nhất hợp lí là
sự lấn cấn của Bộ chính trị ĐCSVN trước một tình huống mà lẽ ra họ phải
dự liệu và quyết định ứng xử từ mấy năm nay rồi : quốc tang hay không
quốc tang ? Ít nhất từ năm 2010, khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh công khai đặt vấn đề : "Chuyện hậu
sự Đại
tướng Võ Nguyên Giáp : Phải đối xử với Đại tướng Tổng tư lệnh đúng với
vai trò một khai quốc công thần" (đăng trên mạng Bauxite
Việt
Nam, được
mạng của Nguyễn
Xuân Diện đăng lại ngay buổi tối 4.10.13). Hai lão tướng yêu
cầu tổ
chức quốc tang vì biết rằng "có
quy định Quốc tang chỉ tiến hành đối với 4 chức danh: Tổng bí thư BCH
TW Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ"
nghĩa là vô tình hay cố ý, gạt bỏ đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông không
thuộc "diện tiêu chuẩn" đó.
Ba năm suy nghĩ và 24 giờ
thảo luận,
nếu không nói là dằng co giữa một bên là ý muốn không làm quốc tang
(với tất cả những nguy cơ bùng nổ trong lòng dân và quân đội) và bên
kia là "dẫu không muốn",
cũng
phải nghe theo lời hai lão tướng. Cuối cùng thì các vị trong Bộ chính
trị đã chọn lựa giải pháp thứ nhì. Với hệ quả nhãn tiền là thời hạn 24
giờ đã phơi bày bản chất của nền báo chí chính thống, hàng ngày (thậm
chí hàng giờ) phải thi hành chỉ thị của Ban tuyên giáo qua điện thoại
và SMS. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn có lý khi ông dùng chữ "suy thoái tư tưởng",
tuy ông nhầm
địa chỉ. Gắn liền với hệ quả ấy, là sự thừa nhận vai trò của xã hội dân
sự, với những trang mạng và blog độc lập mà nghị định 72 của thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng muốn trấn áp.
Trong hai mươi bốn giờ nặn
ra bản
"thông cáo đặc biệt", như đã nói trên, toàn thế giới đã nhận được thông
tin qua các hãng thông tấn và phương tiện truyền thông đại chúng toàn
cầu.
Các hãng thông tấn AP, AFP
đã đưa tin
nhanh chóng, với tiểu sử đầy đủ của "Anh hùng của sự nghiệp độc lập",
"Napoléon Đỏ"... mà nhiều nhật báo, thiếu chuyên gia, đã đăng lại toàn
văn.
Hai nhật báo lớn của Mỹ, New
York Times và Washington
Post, đã đưa những bài viết khá dài. Rất tiếc là tác giả bài
báo
Washington Post, Bart Barnes, chủ yếu đã lặp lại những thông tin và
phân tích sai lầm của Cecil B. Currey trong cuốn Victory at
Any Cost :
The Genius of Vietnam's general Giap (Chiến thắng bằng
mọi giá
: Thiên tài của tướng Giáp - Việt Nam). Chỉ nhìn tựa đề cuốn sách dày
400 trang này cũng đủ biết tác giả không hề biết quyết định "thiên tài"
(đổi cách đánh) của tướng Giáp ngày 25.1.1954 là thế nào. Nghiêm trọng
hơn, Barnes (viết theo Currey) khẳng định tướng Giáp là "nhạc trưởng"
của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Họ không biết rằng ngày tết
năm ấy, "nhạc trưởng" đang "chữa bệnh" ở Bupapest (xem Huy Đức),
Cụ Hồ
phải tìm cách kéo ông về để sửa chữa những nốt nhạc chói tai của hai
ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Joseph R. Gregory, nhà báo New York Times,
cẩn trọng hơn, ông để Westmoreland và Bigeard chịu trách nhiệm khi họ
khẳng định rằng Võ Nguyên Giáp "nướng quân không thương tiếc" (trong
khi đương sự được tướng sĩ mến phục vì hết sức tiết kiệm sinh mạng bộ
đội). Nhưng lại đưa ra những thông tin và phân tích to đùng về Mặt trận
Quảng Trị năm 1972 : Gregory đổ hết những sai lầm của Lê Duẩn, Lê Đức
Thọ, Văn Tiến Dũng lên đầu Võ Nguyên Giáp, rồi tiện tay cách chức tổng
tư lệnh của ông ngay sau "mùa hè đỏ lửa".
Sự cẩu thả của hai nhà báo
này chắc do
tuổi trẻ : họ chưa từng theo dõi cuộc chiến và nghiên cứu sau đó, đọc
một hai cuốn sách rồi vội vã làm tô mì ăn liền cho bạn đọc. Cho nên lí
thú nhất không phải là hai bài báo (cũng rất thiện chí) của họ, mà là
cả trăm cái "còm" của độc giả NYT và WP đăng ở dưới bài. Qua đó, nếu
không hiểu gì về chiến tranh Việt Nam, thì cũng hiểu hơn não trạng của
người Mỹ 40 năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ưu điểm bài
báo của Jean-Claude Pomonti
(báo Le Monde) là trải nghiệm của tác giả về chiến tranh và con người
Việt Nam. Bài báo khá trung thực và toàn diện. Với một sai sót nghiêm
trọng khi ông khẳng định xanh rờn rằng sau khi Lê Đức Thọ chết (tháng
10.1990), tướng Giáp muốn "nắm lại Đảng và thất bại". Cũng không nên
trách Pomonti đã nghe lõm bõm vụ "Năm Châu - Sáu Sứ" (1991) mà không
được đọc chương sách của Huy Đức mà Diễn Đàn vừa đăng lại toàn văn.
Kết luận phần điểm báo Âu
Mỹ sơ sài này
là một câu hỏi : bao giờ Bên Thắng Cuộc
được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp ?
Và trở lại chủ đề của bài
báo này : để
trả lại cho Võ Nguyên Giáp cái gì của Võ Nguyên Giáp, và lấy lại từ đại
tướng những gì người ta đã gán oan cho ông. Tôi dùng chữ đại tướng. Vì
đúng như nhận xét của nhà báo Lê Phú Khải (Bauxite
Việt Nam), trong tiếng Việt hiện đại, khi người ta nói "đại
tướng"
trống không, là người ta không nghĩ tới mấy chục ông mang lon đại tướng
nào khác, mà chỉ nghĩ tới một người. Duy nhất.
Kiến Văn
Nguồn: Diễn Đàn
Được đăng bởi Tễu vào lúc 10:15
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/10/binh-luan-ve-viec-bao-chi-vn-va-quoc-te.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001