Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Bulgaria khác Mỹ thế nào?

Bulgaria khác Mỹ thế nào? 



|
barack_obama

Đầu Tháng Mười năm 2013, có hai biến cố song song, ở Mỹ và ở Bulgaria; mà hầu như ai cũng chỉ chú ý đến chuyện nước Mỹ, Bulgaria bị bỏ quên. Ở nước Mỹ chính phủ tạm thời đóng cửa, ít nhất một phần guồng máy ngưng chạy. Hơn 800,000 công chức được báo tin nhà nước không có tiền trả lương nữa, trong khi chờ Quốc Hội biểu quyết ngân sách. Tại Bulgaria, một cuộc biểu tình kéo dài trên ba tháng nay tiếp tục diễn ra, mà ngay từ đầu ít thấy báo đài nói tới, kể cả nhật báo Người Việt. Nhưng nhìn hai sự hiện đó song song với nhau, chúng ta có thể thấy hai nước Mỹ và Bulgaria khác nhau như thế nào.
Tất nhiên hai nước rất khác nhau. Nước Mỹ đông dân hơn, trên 300 triệu, trong khi Bulgaria chỉ có bẩy triệu. Thể chế dân chủ được thành lập ở nước Mỹ đã gần 250 năm, trong khi nước Bulgaria mới dân chủ hóa từ năm 1990, gần 24 năm.
Trước khi chế độ dân chủ ra đời ở Mỹ, chính quyền do vương quốc Anh áp đặt nhưng họ có một guồng máy hành chánh dựa trên luật pháp chứ không chỉ theo ý của cấp trên; cho nên họ tương đối trong sạch vì quan chức cũng bị luật pháp kiểm soát và kiềm chế. Còn ở Bulgaria, trước năm 1990 thì đảng Cộng sản cai trị hoàn toàn chỉ biết có chủ trương, chính sách của đảng và ý kiến các lãnh tụ chứ không cần đến luật lệ; vì vậy nạn tham nhũng, lạm quyền diễn ra tự nhiên.
Nhưng các biến cố song song đang diễn ra tại Mỹ và tại Bulgaria cho chúng ta một dịp so sánh những khác biệt trong đời sống chính trị của hai nước. Nhân đó, rút ra một bài học về dân chủ hóa cho người Việt Nam mình, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ (mà nó cũng sập đến nơi rồi). Trước hết, hãy nhìn vào hai biến cố ở Mỹ và ở “Bun” (người Việt ở Ðông Âu thường gọi tên nước Bulgaria là Bun).
Biến cố ở Mỹ là chính phủ tạm đóng cửa vì không có tiền trả lương công chức. Hiến Pháp Mỹ trao cho Quốc Hội quyền quyết định tiền chi tiêu cho chính phủ. Mỗi năm họ biểu quyết ngân sách, nếu họ không làm gì cả thì chính phủ không có tiền. Quốc Hội Mỹ có hai viện, mỗi viện bỏ phiếu cho một dự luật ngân sách của mình, rồi hai bên tìm cách thỏa hiệp để cùng thông qua. Năm nay hai viện bất đồng ý kiến, không ai chịu ai, đến 11 giờ 59 phút đêm 30 Tháng Mười, đạo luật ngân sách cũ hết hạn, vẫn không có ngân sách mới, từ 12 giờ sáng ngày 1 Tháng Mười, nhà nước Mỹ không có tiền nữa. Theo luật, chỉ các nhân viên an ninh, quốc phòng và tối cần thiết mới được trả lương, bà con khác được nghỉ không lương.
Những vị nấu bếp và hầu bàn ăn trong dinh tổng thống và quán ăn của Quốc Hội tất nhiên vẫn được trả lương, vì họ thuộc loại tối cần thiết.
Nhưng dân Mỹ vẫn thản nhiên đi làm, đi ăn tiệm, và lái xe quần quật suốt ngày, chẳng ai lo lắng cả; trừ những người đang có công chuyện với nhà nước thì phải tạm ngưng để chờ. Hơn 800 ngàn công chức, cùng với những nhà thầu cung cấp cho chính phủ Mỹ không được trả tiền đúng hạn, đáng lẽ họ phải đi biểu tình mới phải; vậy mà họ cứ mặc kệ!
Còn dân Bulgaria thì sao? Họ mới bầu một Quốc Hội vào Tháng Năm; Quốc Hội đã phong nhậm một chính phủ mới; sau khi dân đã đi biểu tình hàng trăm ngàn người trong Tháng Hai, khiến chính phủ cũ phải từ chức. Chính phủ cũ do đảng GERB, phe hữu đứng đầu, thủ tướng chính phủ mới thuộc đảng Xã Hội, do các đảng viên cộng sản cũ đổi tên dựng lên.
Vậy mà giữa Tháng Sáu, dân lại đi biểu tình ở thủ đô, có lúc lên mấy chục ngàn người. Họ đòi chính phủ mới phải từ chức. Họ được dân Bun khắp nơi hoan nghênh. Các vị đại sứ Pháp, Ðức và Anh cũng đưa ra các lời tuyên bố ủng hộ các nguyện vọng của dân Bun. Dân biểu tình mỗi buổi tối (ban ngày còn bận đi làm hay đi học), kéo dài gần bốn tháng nay rồi!
Nước Mỹ và nước Bun khác nhau thật. Tại sao lại khác như vậy? Vì chế độ dân chủ ở Mỹ có thật, đã thử nghiệm mấy trăm năm. Còn chế độ dân chủ ở Bulgaria thì còn mới quá, chưa thể coi là dân chủ thật; vì các di sản của chế độ cộng sản cũ để lại còn quá nặng nề.
Các nhà chính trị Mỹ cứ theo luật mà chơi. Dân chúng Mỹ biết các nhà chính trị hiểu luật chơi và người dân cũng tin tưởng các chính khách luôn tôn trọng luật chơi. Bởi vì ai phạm luật thì sẽ “biết tay nhau,” đến kỳ bỏ phiếu tới dân đuổi ra ngoài sân banh. Tinh thần trọng pháp đó là thước đo của chế độ dân chủ.
Trong cuộc chơi ngân sách hiện nay, các đại biểu và nghị sĩ Mỹ đều làm đúng “thủ tục” của trò chơi chính trị. Mỗi viện Quốc Hội có quyền biểu quyết ngân sách riêng, đó là luật. Bất đồng ý kiến lớn nhất khiến họ không thể thỏa hiệp, là các dân biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện muốn luật ngân sách bao gồm cả lệnh tạm hoãn một năm việc thi hành đạo luật cải tổ y tế của Tổng Thống Obama, thường gọi là Obamacare. Thượng Viện, đảng Dân Chủ của ông tổng thống chiếm đa số, nhất định không đồng ý. Chỉ có thế thôi nên họ không thể thỏa hiệp với nhau được.
Nhiều người sẽ hỏi: Luật ngân sách hàng năm của chính phủ, tại sao lại đem chuyện Obamacare vào đó? Nhưng đó là luật chơi. Các đại biểu Quốc Hội Mỹ có quyền đề nghị bất cứ điều gì để ghi thêm vào một dự luật mà họ biểu quyết. Luật chơi này có từ hai trăm năm nay rồi; trong mỗi dự luật người ta có thể ghi thêm những điều không ăn nhằm gì tới dự luật đó cả mà không sợ “lạc đề.” Chuyện đó vẫn xảy ra thường xuyên, không ai phàn nàn gì cả. Các nghị sĩ Dân Chủ ở Thượng Viện bác bỏ dự luật của Hạ Viện không phải vì nó “lạc đề,” mà vì họ không đồng ý việc hoãn thi hành luật Obamacare, như các đại biểu Cộng Hòa yêu cầu.
Luật Obamacare đã được Quốc Hội thông qua mấy năm rồi, Tổng Thống Obama và đảng Dân Chủ coi đó là một thắng lợi lớn, thực hiện chủ trương mà họ đã theo đuổi từ mấy chục năm nay; là làm sao tất cả mọi công dân Mỹ đều có bảo hiểm y tế. Ðảng Cộng Hòa không đồng ý, vì coi việc bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm là xúc phạm quyền tự do mua bán của dân. Năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ đơn kiện đòi xóa luật Obamacare. Sau khi thua keo này, đảng Cộng Hòa dùng chiến thuật mới là tìm cách hoãn không thi hành mấy điều khoản quan trọng; tức là làm cho nó vô hiệu.
Họ có thể tiếp tục cuộc chiến này, vì theo các cuộc nghiên cứu dư luận thì đa số dân Mỹ không ưa đạo luật Obamacare. Nhưng dân Mỹ không đi biểu tình hàng trăm ngàn người, hết đêm này qua đêm khác, để đòi bãi bỏ luật Obamacare. Bởi vì họ tôn trọng luật chơi dân chủ. Một đạo luật đã được Quốc Hội biểu quyết thì để cho Quốc Hội xóa đi hoặc sửa lại. Tất cả mọi người cứ theo Hiến Pháp và luật pháp, tất cả đều dùng luật để đấu với nhau. Ðó là cuộc sống tự do dân chủ.
Dân Bulgaria không nghĩ như vậy. Họ kéo nhau đi biểu tình vào Tháng Hai năm nay, sau khi chính phủ tăng giá điện. Các cuộc biểu tình được hàng trăm ngàn người tham dự, có bảy người đã tự thiêu để bày tỏ ý chí chống đối! Người ta có thể nào tự thiêu vì tiền điện tăng hay không? Chắc chắn không ai lại tự hy sinh vì một lý do đơn giản như vậy. Các cuộc biểu tình bắt đầu vì giá điện tăng, nhưng sau đó bao nhiêu nỗi bất mãn của người dân được tập trung lại, và thể hiện bằng hành động phản đối. Dân Bulgaria phẫn uất vì cả hệ thống quan quyền chứ không riêng gì việc tăng giá điện.
Ðến Tháng Sáu, các cuộc biểu tình bắt đầu sau khi chính phủ mới bổ nhiệm Delyan Peevski, một đại gia trẻ tuổi, làm giám đốc cơ quan an ninh và tình báo. Ai cũng biết Peevski vốn làm ăn với các băng đảng mafia, chuyên hối lộ và lũng đoạn thị trường cho nên mới giầu có, làm chủ nhiều báo và đài truyền thanh, truyền hình, luôn luôn ủng hộ các chính phủ thuộc bất cứ khuynh hướng nào. Việc bổ nhiệm anh ta cho thấy là những người cầm quyền mới vẫn khinh thường dư luận, không đếm xỉa gì đến dân, giống hệt nhóm cũ. Một ngày sau khi dân bắt đầu biểu tình, Peevski phải từ chức, nhưng dân vẫn không chịu ngưng. Bởi vì việc bổ nhiệm anh ta chứng tỏ các nhà chính trị, các đại gia và băng đảng tội phạm cấu kết với nhau, họ lũng đoạn cả các cuộc bầu cử lẫn việc ấn định và thi hành đường lối quốc gia. Nó khiến người dân hoàn toàn mất tin tưởng vào tất cả các nhà chính trị, dù họ thay phiên nhau cầm quyền. Họ chỉ lợi dụng các định chế và cơ cấu chính quyền để thu lợi vào một thiểu số đại gia (oligarchs), giống như đã diễn ra ở Nga và mấy nước Trung Á, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Dân Bulgaria đi biểu tình đòi chính phủ từ chức, nhưng tự căn bản họ đang đòi thay đổi luật chơi chính trị. Một em bé 13 tuổi cứ đi học về là lại tới dự biểu tình. Em nói với nhà báo: Chúng tôi muốn được sống trong một xứ sở bình thường, với những người dân bình thường và người lãnh đạo bình thường. Ðây là ước mong của tôi cho tương lai chính mình, vì vậy những người trẻ như tôi cũng đi biểu tình.
Dân Bulgaria tụ họp nhau quanh tòa nhà Quốc Hội đêm này qua đêm khác. Họ dựng mấy chục cái lều, đem tới cả hai cái dương cầm (piano), đàn hát với nhau, có đêm họ diễn kịch. Nhiều thanh niên mang máy vi tính laptop đến ngồi làm việc, các sinh viên học bài, làm bài.
Không biết tình trạng ở Bulgaria sẽ đi tới đâu từ nay đến cuối năm. Nhưng rõ ràng xứ này là hình ảnh tiêu biểu của một chế độ dân chủ hình thức nhưng không có nội dung. Một xã hội chính trị đã ra đời nhưng không có nền nếp dân chủ, đã bị các đảng viên cộng sản cũ cùng các nhà tư bản mới, và băng đảng mafia lũng đoạn. Dân chúng bị gạt ra bên lề, vì các quyết định trong hậu trường của giới chính trị hoàn toàn mờ mịt, dân không được biết. Xã hội chính trị đã tách ra khỏi xã hội của các công dân. Những cuộc biểu tình cho thấy là xã hội công dân thức dậy và lên tiếng. Có những ông già trên 70 tuổi, cho đến các thiếu nhi 13 tuổi; không ai có ý muốn lật đổ chính phủ để lên cầm quyền. Không khí các cuộc biểu tình không gay go, căng thẳng. Nhiều người tới đó rồi tập yoga. Ít nhất thể chế chính trị mới đã tạo cơ hội và cho phép xã hội công dân được lên tiếng. Tất cả đều hy vọng sẽ thay đổi đất nước họ, sẽ tiến lên thành một quốc gia tự do dân chủ thực sự.
Các cuộc biểu tình đang xảy ra ở Bulgaria là một bài học về sự chuyển biến thể chế, từ cộng sản sang dân chủ; mà người Việt Nam không thể nào không nghiên cứu để biết mai mốt mình cần làm gì và phải tránh những gì khi chế độ cộng sản sụp đổ. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn hơn trong một bài khác.
© Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80193/bulgaria-khac-my-the-nao/2013/10
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001