"Prisoners" ra mắt lần đầu tiên trong Liên Hoan Phim
Telluride 2013 (2013 Telluride Film Festival) ngày 20 tháng 8 năm 2013,
sau đó được công chiếu tại Bắc Mỹ ngày 20 tháng 09 năm 2013. Ngân qũy
dàn dựng chỉ có $46 triệu mỹ kim, tính đến nay đã thu về hơn $48 triệu,
hiện đang có tên trong danh sách top ten tại các rạp ciné. Tác phẩm điện
ảnh tâm lý hình sự này do Alcon Entertainment sản xuất, Warner Bros.
phát hành, Denis Villeneuve đạo diễn, cùng với ê-kíp tài tử lừng danh
Hugh Jackman, Jake Gyllenhaal, Viola Davis, Maria Bello, Dylan
Minnette...v.v... "Prisoners" được xếp hạng thứ hai, được trao giải "Blackberry People’s Choice Award"
trong Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto 2103 (2013 Toronto International
Film Festival). Tài tử Jake Gyllenhaal đóng vai thám tử Loki, được chọn
trao giải thưởng Tài Tử Phụ Xuất Sắc Nhất trong năm, tại Liên Hoan Phim
Hollywood ("Best Supporting Actor of the Year Award" at the 2013 Hollywood Film Festival). "Prisoners" có khả năng được đề cử tranh giải Oscars 2013.
Mở đầu phim là bối cảnh bữa ăn trong Ngày Lễ Tạ Ơn của hai gia đình
Dovers và Birches tại Pennsylvania. Cuộc vui tàn mọi người hoảng hốt, vì
Anna Dover và Joy Birch – hai người con gái nhỏ của cả hai gia đình
bỗng dưng mất tích. Ông bố Keller Dover (Hugh Jackman) là chủ một xưởng
mộc không khấm khá lắm và là người có niềm tin tôn giáo sâu sắc, rất lo
lắng cho sự an nguy của con gái, nhất là sau khi cảnh sát tìm ra chiếc
xe RV cũ nát đậu bên ngoài một trạm xăng gần rừng. Cảnh sát thẩm tra,
nhưng chủ nhân của chiếc xe là Alex Jones (Paul Dano) – một người trí
khôn chỉ bằng đứa trẻ mới mười tuổi. Không có đủ chứng cớ phạm tội, Alex
được thả; điều này khiến Kelly tức giận vì trực giác cho anh biết Alex
có liên quan đến vụ bắt cóc. Mất niềm tin vào khả năng của thám tử Loki
(Jake Gyllenhaal), một người còn trẻ, thờ ơ khi làm việc luôn xem thường
mọi chi tiết, Kelly âm thầm bắt Alex, mục đích tra hỏi xem con gái của
anh bị giam giữ ở đâu. Những lời nửa hư nửa thực, nửa điên nửa tỉnh của
Alex khiến Kelly càng lúc càng trầm uất, đau khổ, lẫn lộn giữa đúng và
sai, giữa phải và trái, khi con gái của anh bặt vô âm tín. Đó cũng là lý
do khiến Alex bị Kelly và Franklin (Terrence Howard) - cha của Joy -
đánh đập mỗi ngày nhiều lần. Nhưng rồi Franklin cảm thấy việc tra khảo
Alex không đúng, đã bỏ mặc Kerry không can dự nữa.
Trong khi đó thám tử Loki phát giác Alex bị mất tích. Nghi ngờ Kelly
giam giữ Alex và muốn ngăn ngừa anh phạm tội, Loki theo dõi Kelly bất
ngờ tìm ra xác chết trong tầng hầm nhà của một mục sư. Khi bị thẩm vấn,
mục sư nói ông không biết tên người đàn ông, cũng không biết vì sao anh
ta lại chết dưới tầng hầm, nhưng anh ta từng đến xưng tội đã giết 16 trẻ
em, và còn muốn giết người nữa… Thám tử Loki vừa phải tìm cho ra danh
tánh của kẻ chết, vừa phải theo dõi Bob Taylor (David Dastmalchian), một
kẻ bị tình nghi mới. Đứng trước bức tường vẽ đầy những hình ảnh mê
cung, quần áo trẻ em đẫm máu, những rương sách bí hiểm, những con rắn,
và trước ý định tự sát của Bob, không chỉ Lori thật điên đầu mà người
xem cũng thấy ngạt thở. Rồi Joy được tìm thấy trong tình trạng mê man,
nói rằng từng nghe thấy tiếng của Kelly ở nơi bị giam giữ. Đó là nhà của
Holly Jones (Melissa Leo) – người tự xưng là dì của Alex, nơi Kelly
từng đến để dò tìm thủ phạm bắt cóc hai cô gái nhỏ. Số phận của Anna như
thế nào? Điều gì xảy ra với Kelly, khi anh cứ đi truy tìm thủ phạm? Câu
trả lời sẽ có, khi coi hết bộ phim dài hai tiếng rưỡi.
Kịch bản của "Prisoners" do nhà văn Aaron Guzikowski viết,
gần như nhận chìm khán giả trong câu chuyện hình sự pháp lý rối ren, có
quá nhiều nghi phạm. Ba nhân vật chính là Kelly - người cha có con gái
mất tích; Lori - thám tử theo dõi sự việc; Alex giữ nhiều đầu mối nhưng
lại là người phát triển chậm..., đã làm nổi bật những câu hỏi vô cùng
day dứt về tội lỗi, về tội phạm, và hình phạt. Tưởng như đạo diễn Denis
Villeneuve và nhà văn Aaron Guzikowski cùng hợp tác, tạo ra những ẩn dụ
về "chiến tranh khủng bố" đang khiến cả thế giới lo lắng, bằng bộ phim "Prisoners."
Để chống lại sự tuyệt vọng là cơn thịnh nộ. Kelly và Franklin - hai ông
bố của hai cô con gái bị mất tích đã manh nha ý tưởng khủng bố, hay một
điều gì đó cần phải nhanh chóng thực hiện; ý tưởng này đặc biệt ám ảnh
Kelly. Sự đánh giá hời hợt, cách suy luận máy móc không hề đặt giả thiết
hay nghi vấn, khiến các quan chức thi hành pháp luật bỏ qua vai trò của
Alex, bỏ qua những tội ác của Holly. Kết quả cho thấy toàn bạo lực;
những hình ảnh mô phỏng bạo lực rất gần với phong cách Châu Âu, hơn là
giòng nghệ thuật điện ảnh chính thống của Hollywood.
Cuối cùng "Prisoners" muốn diễn tả điều gì? Đó là cái nhìn
về sự tra tấn. Dù ở trong bất cứ tình huống nào và vì bất cứ lý do gì,
tra tấn không bao giờ có giá trị, nếu không muốn nói đó là hành động hết
sức tồi tệ, luôn bị lên án về mặt đạo đức. Nỗi lo âu của Franklin và
Kelly khi con gái mất tích, đẩy họ vào tình thế phải tra khảo Alex, đã
khiến nội tâm của cả hai người bị dằn vặt vì cảm giác phạm tội. Hình ảnh
tiêu điều, chán nản của Lori khi chưa tìm ra thủ phạm của vụ án này đã
phát giác ra một vụ án khác, cho thấy những mắt xích ràng buộc từng diễn
biến trong "Prisoners," khiến các nhân vật và khán giả đều
phải sống trong ác mộng, một cơn ác mộng kinh hoàng về khủng bố và tra
tấn. Ở nơi chốn đáng sợ ấy hình như chỉ là bóng tối, biên giới giữa sự
lành và sự dữ, giữa tội ác và hình phạt hình như không có. Kết thúc của
bộ phim trái ngược hẳn với mô típ quen thuộc, càng khiến "Prisoners" thêm dị thường. Đây chính là nội dung bàng bạc trong từng thước phim truy tìm thủ phạm. Hoàng Nhất Phương 8:58pm Thứ Bảy ngày 05 tháng 10 năm 2013
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Hai, 07/10/2013 nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131007/hoang-nhat-phuong-prisoners-truy-tim-thu-pham ======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress Sẽ xóa những comment không phù hợp Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001