Đinh Tấn Lực - Ký tên vào lịch sử
at 10/08/2013 10:27:00 AM
Đinh Tấn Lực -
Diễn Đàn Thế Kỷ hân hạnh giới thiệu cùng độc giả bài Ký Tên Vào Lịch Sử của tác giả Đinh Tấn Lực, mà chúng tôi xem như là một ĐẠI LUẬN về tình cảnh của nước Việt Nam hiện đại, trong thời điểm tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
“…Nhưng hãy sống chẳng tự xưng tự huyễn,
Sống làm sao để khi đến cuối cùng
Nghe thấu lời tương lai đang kêu gọi,
Gửi tình yêu vào vũ trụ mênh mông…”.
Boris Pasternak – (Làm người nổi tiếng)
Nguyễn Đình Đăng chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga
Борис Пастернак “Быть знаменитым некрасиво”
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Chừ thì không còn vo ve gì những lời đồn thổi khỏe/mệt/ngất/mê… như từng xập xình/rình rập trong suốt mấy năm qua.
Chừ thì anh nỏ còn phải hít vắn/thở dài gì nữa …về lãnh đạo.
Ngay cả đối với nhân dân nguyên quán thì lời cuối của anh cũng đã trọn chung vẹn thủy, bằng những yêu cầu chính quyền xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quê hương anh, rằng phải cố nêu cao trách nhiệm, ổn định đời sống bà con và giúp đỡ cho các gia đình có người bị nạn đắm đò trên sông Gianh hôm 30 Tết năm nẳm hay trong các mùa lũ liên tiếp mấy năm qua.
Mà cho dù anh không bày tỏ niềm xúc động/đau buồn và gửi lời chia sẻ tới thân nhân các gia đình có người bị nạn, thì dân mình ở đây có ai là không thương, không quý, không hãnh diện về anh mô hè?
Úi chầu chầu, trong lúc anh rất thích được gọi là anh Văn bình dị như thời Điện Biên, thì ngược lại, có ai dám gọi anh là Bọ Giáp theo kiểu mộc mạc thân tình ở quê mình mô? Có đồng hương nào ở đây dám xỏ lá tham quan nhà anh rồi hồ hởi ra về trương hình nhà cao/rau sạch/lòng nhơ/tâm nhớp lên mạng cho cả nước nguyền rủa ba đời sáu họ của gia chủ mô?
Úi chầu chầu, căn hộ xuềnh xoàng 30 Hoàng Diệu của anh rứa thì so sao nổi với các biệt thự kín lộng lẫy, các nhà thờ họ hoành tráng v.v… mà ngại mà lo dân bì/ dân oán! Nói chi tới căn nhà tranh 3 gian 2 chái bên bờ Kiến Giang thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nghèo khó của anh, dẫu chừ đã thành một cảnh quan du lịch?
Mà ngẫm cho cùng, thì trong những chuyến đi xa thế này, có ai kéo được cái rờ-mọt chở những nhà thờ họ hay biệt thự kín theo sau xe nhà vàng về bên tê mô, anh hỉ?
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Cả đời anh nỏ công du đây đó là bao. Nhưng anh lại được biết bao người nước ngoài ngưỡng mộ. Từ trắng tới đỏ, từ tả tới hữu, từ nhà báo/nhà văn tới chính khách tầm cỡ. Từ Pascal Couchepin của một Thụy Sĩ giàu có/an bình… cho tới Fidel Castro của một Cuba đã tuyên bố hai năm rõ mười là chủ nghĩa xã hội không còn xơ múi gì nữa. Từ Hugo Chavez của một Venezuela ra ngõ gặp hoa hậu… cho tới hậu duệ nhà Lý -Lý Xương Căn- của một Hàn Quốc cực kỳ hiện đại. Họ ghé nước ta là đều mong ghé thăm anh. Rứa mới thực quý, anh Văn hè!
Còn không ghé được thì họ cũng tìm đọc sách của anh viết hoặc của người khác viết về anh. Hàng trăm quyển, sắp đầy kệ, kê đầy tủ! Chứ có phải dăm ba câu thơ kiểng như cái kiểu cặp-rằn, hoạn lợn tập tễnh háy mắt/máy môi loay hoay ráp vần sáu tám mô?
Coi nào, riêng bà Lady Burton đã tự nguyện chuyển ngữ sang tiếng Anh trọn bộ 3 quyển hồi ức của anh, Chiến đấu trong vòng vây, Đường đến Điện Biên Phủ, và Điện Biên Phủ-điểm hẹn lịch sử, há nỏ phải là mênh mông một tấm lòng đó răng? Mà rứa đó anh, mênh mông tình cảm có/không là ở chỗ ni chứ nào phải là nhờ vận công dồn sức tương bố nó lên tựa sách bao giờ!
Cho chí tới bà con trong nước cũng không khác. Nhân dân ta ở quanh chùa Linh Sơn Thượng, Sầm Sơn, Thanh Hóa, tức là thuộc về quê hương của một kẻ chủ trương Thanh-Hóa-hóa mọi thứ, mà có họp nhau rèn kiếm và đúc trống đồng tặng anh, thì cũng là một cách biểu tỏ công khai trong một buổi gặp gỡ có mặt nhà báo, chứ có khuất tất mời đồng hương cơ hội đến viếng nhà chụp ảnh đâu nào?
Cũng vậy, đã có ai ở quanh Ba Đình ni từng được nhân dân quý tặng bức tranh độc nhất một chữ Thọ được viết bằng 1000 kiểu chữ khác nhau mô? Ngay cả bác Hồ nhà ni cũng chưa từng được xiển dương bằng bức trướng 6 chữ: “Thăng cửu vân – Phủ tuệ tinh” (lên chín tầng mây – chạm ngôi sao sáng), như anh, nữa là.
Tất nhiên, trong hàng trăm câu đối mừng thọ anh, nỏ ai muốn kể đến những dòng báng bổ nháp nhúa theo kiểu văn nô (dẫu thừa cúc cung nhưng vẫn kém văn hóa) của bộ nội vụ:
“Tâm sáng, Đảng tin, đời trường thọ
Trí cao, Dân mến, sử lưu danh”.
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Ai cũng rõ, trăm tuổi là trường thọ, thân tâm an lạc là trường thọ, để tiếng thơm cho đời là trường thọ… chứ cần cóc gì phải đợi “đảng tin”?
Nắn nót rứa nỏ hóa ra là cho dù một mực tin đảng, trước sau tin đảng, cả đời tin đảng, thậm chí cha/con/chồng/vợ/cháu/chắt/chút/chít cả nhà tin đảng, mà nếu sơ sẩy tư duy hay lời nói khiến đảng không tin thì là …khó thọ đó răng? Là sắp hàng thám hiểm từ Chí Hòa ra tới Sơn La; là dập mề/ê mật/cật văng/răng gãy mà khám phá mọi miền rừng thiêng với nước độc; là đoạn trường gác bút đi thồ đá vài thập kỷ; là bị vất mắm tôm/dầu cặn/phân tươi… vào cổng; là đột nhiên xuất hiện các bao cao su đã qua sử dụng trong phòng; là lãnh án “thiếu thuế cho thuê nhà”, rồi chưa kịp ra khỏi tù đã bị chồng thêm tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” ngay trong lao tù; là đảng sử có thêm một bản án “trốn thuế” khác cho người dám thách nhà nước tranh luận về bản hiến pháp hay tờ hợp đồng điện nước… đó răng?
Hay, Trả Thù là chân lý cộng sản? Là quy luật XHCN? Là mặt trái tấm thẻ đỏ? Hoặc giả, đấy là …mênh mông tình đảng? Rõ là bộ nội vụ nhà ta đểu cáng đến nỏ cần cả tấm lá nho che mặt!
Còn nhớ, có lần, một bậc thầy thư pháp xin phép ghé thăm và tặng anh một chữ Nhẫn. Cứ như thể cửu-đại-chi-đường Trương Công dâng “nhất tự biểu” lên Võ Hậu đời Đường Cao Tổ trong bộ phim tàu mị dân Nhật Nguyệt Lãng Không.
Có lẽ phải nhẫn ghê lắm ngay tại chỗ anh mới nhận món quà này. Bởi nét bút rồng lượn/phượng bay kia hiển hiện quá mức tượng hình độ phân giải nét cao HD một bộ đao sắc lẻm như mã tấu mới mài chém xả xuống bộ tâm co rúm nỏ khác con giun trườn mặt lộ.
Nỏ phải đó là hình ảnh ẩn dụ của bạo lực khủng bố răng? Nỏ phải đó là nét cọ lập thể của điều bốn hiến pháp chém xả xuống tương lai cả nước răng? Nỏ phải đó là một lối hành hình nhân dân bằng xảo kỹ liệt kháng tâm thần răng? Nỏ phải đó là mưu đồ của chừng chục rưỡi những kẻ từng chủ trương/cổ vũ/thủ đoạn cướp chính quyền bằng bạo lực, nay lại muốn dấy lên trào lưu đại trà kêu gọi/tuyên truyền/vận động cả nước thúc thủ bằng cái nhân sinh quan “mũ ni che tai” và “trùm lấy chăn riêng” cho “nhà nước dễ chăn dễ dắt” đó răng?
Có phải chữ Nhẫn đó là phiên bản của thứ kim cô thép nguội đúc hình vương miện văn nghệ cho những cái đầu có tư duy hay còn cố nghĩ?
Hoặc giả, nó là một “thông điệp chính trị” ưu ái dành riêng cho những ai đảng không vừa ý?
Mới thấy tuổi trẻ ngày nay thông minh, dũng cảm và thiết thực biết bao, khi (Trịnh Kim Kim & Paulo Thành Nguyễn) gửi một thông điệp phản biện bằng bức tranh chữ Nhẫn to đùng cả vách tường nhà, ráp bằng nội y phụ nữ, rồi trương ảnh lên Facebook cho cả đảng gục mặt cúi đầu mà chiêm ngưỡng.
GS Hoài Lam nói chẳng sai: “Quả cân nặng chỉ một cân mà cân nổi cả ngàn cân”. Nên, mới thấy quý/thấy tội biết bao: Có mấy ai chịu thương/chịu khó mà nghiến răng/cắn lợi chịu đựng cái chữ Nhẫn chết tiệt đó hơn anh, cả đời, gần ngót thế kỷ?
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Rồi thì dâu bể cũng qua. Nỗi chịu đựng trăm đường của anh, nay cũng dứt. Kể từ đường tình duyên ban đầu với hoa khôi Quang Thái thời ra vào Hỏa Lò cùng chị Minh Khai. Rồi, tới thời bước thêm bước nữa của anh, với người bạn ăn đời ở kiếp và lo lắng chăm chút cho anh trăm bề (mà lắm kẻ chưa từng hiểu thế nào là tình yêu vẫn cứ xa gần bâng quơ/xách mé gọi là “cháu Hà” trong nháy!).
Cho tới thời chiến đấu máu lửa mà có người từng hững hờ nhận định là anh “biết tự lu mờ đi” trước những đóm sáng lập lòe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, v.v… là những kẻ tự để lộ giới hạn tầm suy nghĩ chiến lược, thông qua những tổn thất nhân mạng quá sức cao trong các trận chiến, thông qua cả những bát nháo đạp nhầu lẫn nhau để giành từng thứ bậc quyền lực.
Rồi ra, thực tiễn cũng sòng phẳng trả lời. Thực tiễn đã tự kiểm điểm để anh về nắm Bộ Quốc phòng từ tháng 8 năm 1948 đến năm 1976.
Dù vậy, vẫn có người đã trộm nghĩ một điều rất ngại nêu lên, lúc đọc bài báo tuyên truyền về diễn tiến buổi lễ anh được vinh thăng đại tướng, trong đó có đoạn bác Hồ nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và Nhân dân…” xong, bác xúc động ngừng nói, chậm nước mắt, trước khi long trọng tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”.
Lý nào bác không phân biệt được rằng đại tướng không phải chức vụ (như bộ trưởng/sư trưởng/tham mưu trưởng…) mà chỉ là một cấp bậc quân hàm?
Lý nào bác từng viết quyển sách để đời ký tên Trần Dân Tiên nức tiếng đến mức sánh hàng kim cổ kỳ quan/vang lừng quốc hội/dội tới nước ngoài… mà lại có câu tuyên bố trống trơn thiếu hẳn chủ từ như trên?
Không thể nào! Có lẽ bác chỉ thoáng diễu chơi sau cơn xúc động đến phải ngừng nói để chậm nước mắt đấy thôi, theo kiểu George W. Bush nhếch mép cười cười, bảo chiếc giày (ném hụt) đó …cỡ số mười, rồi coi như xong chuyện; chứ nào phải bác thiếu thông minh hoặc kém lễ độ, anh hỉ? Bằng không sao lại tưng tửng ngay trong một buổi lễ trang nghiêm, để gọi một chiến lược gia mà bác trịnh trọng trao cái quyền bính liên hệ đến sinh linh hàng trăm vạn binh sĩ/bộ đội/dân công …là “chú” thế này, thế khác?
Lẽ nào bác lại có thể khiếm nhã vô độ dường ấy!
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Cũng nỏ cần nhớ chi đến những thủ thuật rất kém vệ sinh mà Sáu Búa và đồng bọn đã ra sức rỉ tai từng người trong sinh hoạt “thảo luận tổ” từ đại hội III kéo qua tới đại hội V. Rằng, anh (và cả đồng chí nhạc phụ Đặng Thai Mai) là con đỡ đầu của trùm mật thám Louis Marty. Rằng, anh chưa bao giờ được kết nạp vào đảng. Rằng, anh đã sát hại nghĩa mẫu góa bụa Marty v.v…
Lại có kẻ trong đám đó quen thói ton hót, phê bình bức ảnh anh chụp chung với bác Hồ ở đầu đường kách mệnh, rằng, anh ăn mặc trịnh trọng quá: quần dài chỉn chu, sơ-mi cà-vạt tươm tất, trong lúc bác trần xì một bộ giò khẳng khiu mốc thếch, một bộ tịch rúm ró bèo nhèo trong cái quần sọt ka-ki cháo lòng nhăn nhúm… xem ra anh “lấn lướt” và “dè bỉu” bác đến tội!
Đó chỉ là những ton hót láu cá vặt, không đáng kể. Những chuyện lớn mà người ta “cố ý dè bỉu” khiến anh phải dằn gan/nén mật chính là cách diễn tồi/giải tệ những chiến công hiển hách, thông qua ít ra là sáu trận đánh lớn thuộc dạng để đời:
Một là Chiến thắng sông Lô, từng được cố nhạc sĩ Văn Cao ghi nốt lên năm dòng kẻ thành một hùng sử ca cực kỳ lãng mạn:
“Sông mờ hoen máu thực dân,
Ba ngàn quân Pháp vùi thân.
Oai hùng thay Lô giang!
Oai hùng thay Lô giang!”…
Rứa mà có lắm kẻ lau nhau/láu táu kể rằng: Ngày 7-10-1947, quân Pháp mở trận càn quét cán bộ cấp cao của nhà nước ta, giương oai cho tàu chiến chạy biểu diễn tới lui trên sông Lô, bị Trung đoàn Thủ đô của anh em Tự vệ thành Hà Nội biếu không cho một quả pháo 75 ly trực xạ, chìm lỉm. Trong lúc đó thì cán bộ cấp cao của ta chạy thoát cả, ngoại trừ học giả Nguyễn Văn Tố chậm chân, bị quân Pháp bắn lầm!
Đấy, lãnh đạo tị hiềm thầm thì bắn tiếng thế đấy, nghe mà không điếng răng?
Hai là Chiến dịch Biên giới, vào giữa tháng 9-1950, khiến quân Pháp triệt thoái toàn bộ lực lượng ra khỏi các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai. Rứa mà lại có đứa cật lực tầm chương trích cú, dẫn lời phê bình cùng chỉ thị của Mao tiên sinh đối với phúc trình quân sự của tướng tàu Trần Canh (từ quyển “40 năm hoạt động của đảng Lao Động Việt Nam” của Ban nghiên cứu Lịch sử đảng Trung ương), để dâng hết công lao ni về cho đảng CS Trung Quốc (lúc đó mới vừa toàn chiếm Hoa lục và tịch thu toàn bộ vũ khí của Mỹ viện trợ cho Trung Hoa Quốc dân đảng), rằng:
“…Đồng chí (Trần Canh) phải tiêu diệt quân địch (Pháp) ở tây nam Đông Khê một cách mau lẹ, quyết liệt và trọn vẹn. Không nên vì tổn phí nặng mà lưỡng lự. Đồng chí cũng phải dự kiến rằng một số sĩ quan của ta có thể bắt đầu sờn lòng. Trong khi đó, đồng chí phải chặn không cho địch thoát khỏi Cao Bằng và chuẩn bị đánh viện binh từ Lạng Sơn và các nơi khác đến. Nếu đồng chí có thể giải quyết đúng đắn ba vấn đề nói trên, đồng chí sẽ thắng”.
Biên tập rứa thì rõ là bọn tàu khựa bao thầu tất tật, quân ta nỏ có vai trò vị trí nào trong chiến dịch càn quét long trời lở đất để giải phóng các tỉnh dọc biên ni răng?
Hoặc giả, viết theo kiểu (ban nghiên cứu lịch sử đảng) như rứa mới tỏ rõ kỹ thuật nhại đểu lời vàng/ý ngọc bác từng ca tụng rằng đồng chí Mao đã nói thì cấm có sai chăng? Diễu vừa thôi chứ!
Ba là trận Biển người ở Vĩnh Yên: 4 tháng sau Chiến dịch Biên giới vừa kể, và được trang bị vũ khí do TQ viện trợ, quân ta tràn ngập Vĩnh Yên vào giữa tháng 1-1951, đánh nhanh rút lẹ về an toàn khu Việt Bắc. Rứa mà vẫn có kẻ bàng quan tọa thị phán rằng không rút không xong, trước trận bom napalm phủ chụp bất kể tây/ta của tay tướng sát quân Jean de Lattre de Tassigny, khiến phía ta tổn thất cả vạn rưỡi bộ đội lẫn dân công!
Lại còn nhi nhô bình luận: Chiến thuật biển người là của bọn tàu đông dân chơi cờ tướng ưa đẩy chốt sang sông; trong lúc chiến thuật rãi bom xăng đặc bất kể địch/ta là của bọn tây ít dân mà khoái tố xì phé; còn ta nằm giữa chiến trường máu xương để …nhẩn nha rút tỉa kinh nghiệm. Không ức mà được răng?
Bốn là trận Điện Biên vang lừng quân sử thế giới. Nữ sĩ Dương Thu Hương, trong 3 bài viết liên hoàn mấy năm gần đây, đã chẳng ngại ngần so sánh với trận thủy chiến Bạch Đằng và trận địa chiến Đống Đa đó sao? Tức là, chỉ một phát quét sạch giặc Pháp ra khỏi bờ cõi nước nhà, bằng một chiến lược mà đám lính Lê Dương đến hồn quy cố quốc vẫn không tài nào ngờ nổi:
1. Tài huy động sức dân (gồm 20 vạn dân công với 3 triệu ngày công).
2. Điều động 5 sư thiện chiến 304, 308, 312, 316 và 351 vào một chiến thuật tràn bờ như đã từng áp dụng ở Vĩnh Yên, nhưng lần ni tay tướng sát quân Jean de Lattre de Tassigny của thực dân Pháp đã không còn dịp chường mặt trong cái lòng chảo lịch sử ni nữa mô.
3. Quân ta có pháo – đến những 300 khẩu đại pháo được kéo lên tận các điểm cao bao quanh vùng lũng Điện Biên.
4. Quân ta được bầu bạn TQ thời đó hỗ trợ tối đa. Theo quyển “Quân Đội Trung Quốc Thời Cận Đại…”, thì những hỗ trợ cật lực đó bao gồm cả 1 sư pháo, 100 cao xạ phòng không, hơn 2 triệu viên đạn, 1700 tấn gạo và 10.000 thùng dầu, cộng thêm các dàn hỏa tiễn phong cầm Stalin và lực lượng công binh chí nguyện quân do TQ điều về từ Triều Tiên để chỉ huy công tác đào địa đạo.
Chính từ 2 điểm bất ngờ thứ ba và thứ tư ni mà lắm kẻ sính Tàu đã dựa vào các chỉ thị của Mao thủ lãnh ban cho dàn tướng tàu Bành Đức Hoài, Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, Trần Canh, Mai Gia Sinh, Mã Tày Phu v.v… để phiên dịch lại (với cùng một trình độ ngoại ngữ tại chức và phong thái ngẫu hứng mùa thu của MC Lại Văn Sâm đương đại) thành “công lao chiến thắng” của hồng quân TQ!
Nhưng, bực rứa cũng chưa thấm gì so với một câu hỏi nhức nhối đầy tính nghịch lý khác mà lắm kẻ tỵ hiềm vẫn cứ lầm bầm/lẩm bẩm: Một núi xương sông máu như ri có xứng đáng cho cái giải pháp theo sau nó là giành được độc lập cho nửa nước hay không?
Đã thế lại còn đó đây những lời phân trần thừa nhận sự ấu trĩ chính trị và nô lệ ngoại bang thời đó chễm chệ trên ngôi:
“Đúng là chúng tôi bước ra khỏi rừng để đi sang Giơ-ne-vơ do lời mời của những bạn đồng minh của chúng tôi là Trung Quốc và Liên Xô” (Cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh).
Hoặc diễn giải cách khác, là cái viễn kiến tương lai cốt lõi đã không được định hình và ước lượng cho rõ trước khi vạch vẽ chiến lược dốc toàn lực cài răng với các chiến thuật biển người!
Mới biết lòng ganh tỵ đã bóp méo lịch sử và xuyên tạc xương máu dân ta ra răng!
Năm là, những chiến dịch tầm cỡ sau đó (Mậu Thân 68, Khe Sanh 71, Quảng Trị 72…), dù không còn yếu tố chống ngoại xâm thực sự (khi mà ta đã quyết tâm giương cao ngọn cờ đầu Quốc Tế III của tổ quốc Liên Xô bành trướng chủ nghĩa để đối đầu với đế quốc tư bản Mỹ trong một thế giới lưỡng cực), và dù rằng các quyết định chiến trường đã bị áp đảo bởi phe Lê Duẩn với Trường Chinh, người ta cũng cứ khăng khăng dựa vào câu trả lời chân phương của anh với nữ phóng viên người Ý nổi tiếng từng đoạt giải thưởng Annie Taylor (2005) là Oriana Fallaci, để quy trách nhiệm về nửa triệu bộ đội chính quy (chưa kể thanh niên xung phong và dân công các loại) đã hy sinh trong lá mục rừng già trên đường mòn mang tên bác, suốt dọc Trường Sơn cháy nám và trên các chiến trường lầy lội miền Nam, tính đến năm phỏng vấn là 1969! Không ức mà được răng?
Rồi tới chiến công “đại thắng mùa xuân”, thì cho dù anh đã chân chất trần tình bằng quyển Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng, người ta vẫn nhơn nhơn coi đó là chuyện “nhị tướng tranh công” giữa Văn Tiến Dũng với Trần Văn Trà, những kẻ chỉ thuộc hàng học trò dại khờ/bé bỏng của anh! Lại còn kê khai thêm hàng loạt quân viện lẫn kinh viện hụt hơi đuối sức của Liên Xô, cộng thêm 20.000 cố vấn, 30 vạn hồng quân TQ… để đánh nhòe đi công lao của quân đội nhân dân anh hùng của ta.
Cụ thể ra, những tiếng gáy của loài chim cu gục gù dè bĩu ở ngay bên trong hàng ngũ chiến hữu từng ngỡ (hay từng được gọi) là chí cốt của anh, chính là để quy chụp rằng anh “chỉ tham dự vào lịch sử chứ nỏ phải là người viết nên lịch sử”! Không nổi điên sao được?
Điều đáng quý nhất, và có lẽ cũng là tấm gương cho lãnh đạo các cấp xứ ni, cả những người từng kinh qua nửa thế kỷ chiến chinh khốc liệt triền miên thời đó, lẫn những kẻ “nhóng chõ thuổng xôi” hay “cỗ bàn dọn sẵn” về sau, là những lời khiêm cung tuyên bố của anh:
“Nhân Dân VN với tinh thần yêu nước mãnh liệt đã làm nên kỳ tích chứ không phải chỉ bản thân tôi”.
Không sai vào đâu được: Lòng dân chính là chiến lũy kiên cố nhất của đất nước. Nhất dân viết hữu – Bát đảng viết vô. Không có dân nức lòng xả thân giành độc lập, thì dẫu có tới tám cái đảng độc tài gian ác ni cũng …kể bỏ, anh hỉ?
Sáu là, chẳng bao lâu sau hai trận chiến khốc liệt sau cùng, cả tây-nam lẫn chính-bắc, trong thời hậu thống nhất mà cả nước cứ tưởng đã hòa bình, hầu hết lãnh đạo ta đều bị rọ mõm nín khe trước một Bắc Kinh vừa là kẻ thù ngàn đời hung hiểm vừa là nội tổ muôn vàn kính yêu, nên ít ai khóe cạnh gì anh; nhưng xem ra cũng chỉ là cách để làm mờ nhạt vai trò vị trí của một danh tướng ở tầm quốc tế như anh.
Há nỏ phải đó là một kỹ xảo tinh vi khác về lề thói đạp nhầu lẫn nhau của dàn lãnh đạo lắm tài ganh tỵ xứ ta đã biến một tập quán kéo dài nhiều đời thành truyền thống?
Chứ không mà cụ Tử An Trần Lê Nhân đã chẳng tự tay viết tặng anh mấy dòng tâm đắc:
“Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau”.
Chớ tàn hại nhau! Nghe mà ngậm ngùi cho cả quá khứ lẫn tương lai của đất nước và dân tộc mình ê ẩm toàn thân/ê chề toàn diện với cái “sứ mệnh” quốc tế bị mông má thành phi cầm phi thú mà dàn lãnh đạo ni đã hạ quyết tâm ôm lấy.
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Cái còn lại là sự quý trọng thật lòng của hai danh tướng từng là đối thủ của anh. Một là Tướng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương (1951-1953) Raoul Salan. Hai là Tướng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam (1968-1972) William Westmoreland.
Cái còn lại chính là tên tuổi của anh, vị võ tướng tên Văn của một cõi Đông Nam châu Á được giới sử gia quân sự Âu Mỹ nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II. Không tin cứ thử Google danh tính của anh, và đếm lượng báo đài ngoại quốc truyền đi cái hung tin ni, khắc rõ.
Cái còn lại, chắc chắn không thể và không phải là cái chức vụ Chủ tịch Ủy ban Sinh đẻ có Kế hoạch mà lãnh đạo cầm quyền cố tình làm nhục anh từ năm 1983. Chính họ đã tự làm nhục lấy họ, thông qua một chiêu tối ám đối với một vị tướng đã làm rạng danh cả đảng của họ đấy chứ!
Kể cũng đáng thương cho dàn lãnh đạo, từ thời đó cho chí thời nay, đã liên tục làm cho lợi gan riêng họ, nỏ sá gì quốc thể. Họ vẫn ngỡ cứ như ri là tắt đèn, là đóng nắp, là khằn hũ, là hạ nhục được anh… không ngờ rằng chiêu thức đó chính là cái biểu hiện huy hoàng hoành tráng nhất mớ lòng ti tiện cùng cực của họ cho thế giới bĩu môi về cả một chế độ tàn hung.
Mà kể cũng đáng thương cho dân mình nữa. Lẽ ra điều đáng cười đáng mắng là cái lề thói ăn ấy đái bát của lãnh đạo đảng, thì ngược lại, những con người chân chất bình dị với ruộng đồng của ta cứ hồn nhiên nghe theo lời mõ tuyên truyền, khư khư đi nhạo báng cá nhân anh, cũng là một nạn nhân của đảng y hệt như họ. Thậm chí còn là một nạn nhân nhiều tầng thê thảm hơn cả chính họ nữa.
Cái còn lại, liệu người ta có thể tiện tâm/đoản ý đến đâu để mà nhắc tới chiếc ghế Chủ tịch Cty FPT và khối tài sản có một không hai ở VN của (cựu) nghĩa tế Trương Gia Bình của anh, như lắm kẻ tỵ hiềm vẫn vin vào để giải thích về sự nhẫn nhục của anh kéo dài cho tới tuổi phục viên vào năm 1991. Không thể đánh đồng một giuộc theo kiểu châm ngôn thời đại của dàn lãnh đạo ngu/tham là “hy sinh đời bố củng cố đời con” rứa được.
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Dẫu gì thì anh cũng đã chu tất bổn phận của một đảng viên khi tỏ rõ cho cả nước nghiền ngẫm về cái vụ án chính trị siêu nghiêm trọng trong đảng mà lãnh đạo ở cấp cao nhất ở đây đã cất công dồn sức che dấu từ thời đại hội VI đến nay. Bao gồm cả 3 tầng nấc:
1. “Điển hình nghiêm trọng là vụ Tổng cục II thuộc Bộ quốc phòng”;
2. “Đặc biệt nghiêm trọng là vụ Sáu Sứ diễn ra cuối khóa VI trước thềm Đại hội VII”; và
3. “Nghiêm trọng hơn nữa là vụ T4 mà bộ chính trị khóa VIII đã bàn giao lại cho bộ chính trị khóa IX”.
Cho tới nay là buổi tàn thu/cận đông của khóa XI mà vẫn chưa một ai nhận lãnh trách nhiệm giải trình, chưa nói tới giải quyết, cả ba vụ việc siêu nghiêm trọng và cực cấp thiết đó.
Đã mấy thập kỷ trôi qua rồi mà cái kim vẫn còn trong bọc là bởi mô? Phải chăng là đám dây mơ rễ má loài ký sinh vẫn còn quấn chân trói tay mấy đời bộ chính trị? Phải chăng những kẻ giật dây đàng sau các vụ Sáu Sứ với Năm Châu, hoặc những kẻ đạo diễn âm mưu vu khống một cuộc lật đổ chính quyền để quy tội cho anh cùng một số tướng lãnh khác (“cầm đầu một lực lượng cơ hội”) hiện vẫn còn đó, và vẫn còn đủ quyền lực khuynh đảo cả bộ chính trị?
Hay là cả bộ chính trị qua mấy triều đại vừa rồi không thể khui nắp khạp mắm thối cường quyền tham nhũng và tàn hại lẫn nhau mà mỗi đứa đều có dự phần?
Chứ không thì răng người ta, đang ở cấp lãnh đạo cả nước, lại nhơn nhơn dùng tiền thuế của dân để nuôi dưỡng những lực lượng chỉ chuyên đi rình rập, đào bới dữ kiện của nhau hầu kềm tỏa lẫn nhau; hoặc dựng đứng ra những điều tệ hại hoang đường để vu oan/khủng bố/khuynh đảo/khống chế người khác?
Chứ không thì răng lại có cả tay tổng bí thư nửa nhiệm kỳ của đảng toa rập cùng bọn bộ hạ B-quay mà dám hài tội một danh tướng lẫy lừng đến những 6-7 điểm tổng cộng, kể cả tội làm con nuôi của mật thám Louis Marty, tội cầm đầu vụ án Xét Lại, tội bán bí mật quân sự cho Đại sứ Liên Xô Serbakov, tội chui rúc ở trong hầm thời Điện Biên, tội cho giải ngũ 8 vạn quân, sau cùng và buồn cười nhất là tội hủ hóa với cô giáo dạy dương cầm?
Và thật ra, với một tập thể chuyên nghề tàn hại lẫn nhau mà không hề nghĩ tới hệ quả tàn hại nhân dân cả nước như rứa, thì liệu có đáng để anh kiến nghị với mục tiêu “bảo vệ chính trị nội bộ” hay không? Có đáng để anh chống đỡ cho dàn lãnh đạo triền miên bét nhè đó không:
“Đại hội VI chọn ông Nguyễn Văn Linh đã không đúng. Ông ấy không phải là người đổi mới. Ông Linh chọn ông Đỗ Mười cũng không đúng. Ông Mười chọn Lê Khả Phiêu cũng không đúng. Đến khi chọn Nông Đức Mạnh thì sai” (Nguyễn Văn An, do Huy Đức ghi lại trong sách Bên Thắng Cuộc).
Rõ là, cho dù có trung thành với lý tưởng trong sáng ban đầu đến mấy, có đời nào anh mong cầu bảo vệ một tập đoàn ngu muội, tham lam, nhu nhược và hèn hạ tới mức ri mô?
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Rồi thì cũng đến lúc phải chấm dứt những lời trách hờn/chì chiết. Chính bản thân anh còn phải ngậm đắng nuốt cay dường ấy, qua suốt ngần đó năm dài non nửa thế kỷ, thì lấy gì mà anh có thể đòi hỏi phục hồi công bằng và danh dự cho những bằng hữu chí cốt như quý ông Vũ Đình Huỳnh, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính… hay những thuộc hạ cận kề của anh như tướng Đặng Kim Giang cùng các sĩ quan cấp tá như Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa… cho dù là họ đã từng vào sinh ra tử với anh từ đận Điện Biên?
Nghĩ cho cùng thì cái gút mắc của bất công/bội nghĩa/hung tàn là chính cái guồng máy đảng, được bôi trơn bằng đặc quyền đặc lợi để vận hành theo chỉ thị của lãnh đạo nó, biến thành một cối xay thịt khổng lồ nhân danh Mác-Lê-Mao mà sẵn sàng nghiền nát bất cứ ai không theo ý chúng.
Chứ chẳng phải là ngay cả bác Hồ cũng nỏ cản được vụ xử bắn vị nữ ân nhân cách mạng Nguyễn Thị Năm mà cả nước nghe tên biết tiếng là bà Cát Hanh Long, người đã cất công che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo/công thần Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản… trong thời gian cái đảng thổ tả chết tiệt này còn hoạt động bí mật. Rồi về sau, chính bác Hồ cũng đã từng bị cái guồng máy phi nhân đó bịt mồm khóa mõm từ giữa thập niên 60 cho đến lúc đột ngột “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” mà bỗng dưng chuyển qua từ trần nhân ngày “quốc khánh” 1969 đó răng?
Thế thì kể chi là anh, kể chi là những nạn nhân Xét Lại, Nhân Văn, Giai Phẩm, Cải cách Ruộng đất, Cải tạo Tư thương v.v…
Cho nên, nếu chưa làm ruỗng được cái cỗ máy đó mà lại đi trách móc từng cá nhân (cũng từng là nạn nhân của nó), cả về tính dũng cảm lẫn tình đồng đội, thì liệu rằng mớ chì chiết đó nỏ là thiếu công bình và kém rốt ráo lắm răng?
Cũng vậy, nếu chưa cắt cầu dao cái cỗ máy xay thịt đó, thì công bằng chỗ mô nếu có người trách móc anh, ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, tưởng như mênh mông quyền lực, mà chẳng ngăn chận/giảm thiểu được chút nào tính tàn khốc của cuộc trả thù long trời lở đất dành riêng cho hàng chục vạn sĩ quan quân đội miền Nam (bị tước mất cả niềm hy vọng cực mạnh được gặp lại vợ con) sau ngày thống nhất đất nước, so với đội quân chiến bại mắt xanh mũi lõ từng được đối đãi rất “người” và rất “đúng điệu Geneva” năm 1954?
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Mà nào có phải anh bất đồng/bất động/bất mãn/bất phục/bất tuân/bất chấp/bất kể… quyết phủi sạch trơn mọi thứ cho cam! Anh vẫn thường xuyên theo dõi, cập nhật thời sự, và cũng đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo đương quyền đó chứ. Lớn nhỏ các vấn đề thượng vàng hạ cám đủ cả. Từ xã hội, chính trị, qua tới kinh tế, môi sinh… không thiếu thứ chi.
Gần nhất là các đề nghị lãnh đạo ngưng lại dự án xây mới Hội trường Ba Đình; đề nghị TW đảng, chính phủ, quốc hội cùng kiểm điểm vụ PMU-18; đề nghị dừng dự án thép ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa; và 3 lần, vâng, ba lần anh viết thư cực lực phản đối nhà nước tiến hành dự án khai thác quặng bôxít ở trên đỉnh chiến lược cái nóc nhà của ba nước Đông Dương…
Chứng tỏ rằng ở bất kỳ vị trí/độ tuổi nào anh cũng chỉ mong đóng góp. Có báo còn đóng khung/tô nền cả lời nhận định của lãnh đạo là những kiến nghị của anh đã được “tiếp thu và đánh giá cao!” nữa.
Chỉ phiền/chỉ bực là những “đánh giá cao” đó không cao bằng túi tham tư lợi của nó. Chỉ tội/chỉ thương là những điều mà nhân dân và cả anh nhận ngược lại chỉ rặt một thứ tai họa tàn khốc và dài lâu.
Cứ thử duyệt lại những quyết định lớn của đảng và nhà nước ta đi! Chỉ cần tạm tính trong khoảng trận chiến tây-nam đưa đến trận chiến biên giới phương bắc và 10 năm cấm vận, khắc biết hậu quả xương máu nhân dân và nền kinh tế cả nước đã thiệt hại biết bao, cho một thứ viễn kiến tương lai XHCN trời ơi đất hỡi dường nào. Quả tình: “Không có lá cờ nào đủ lớn để che đậy hết nỗi xấu hổ của việc giết hại những người dân vô tội” (Howard Zinn). Hay gần hơn, chỉ cần duyệt qua từ vụ xây nhà máy lọc dầu Dung Quất, qua tới tập đoàn đóng tàu Vinashin, tổng Cty Vinalines… đến dự án khai thác bôxít Tây Nguyên… là mọi thứ ba bảy hăm mốt/rõ như ban ngày.
Nếu không có bảng sắp hạng/dự phóng rằng VN cần non hai thế kỷ nữa để đạt chuẩn Singapore hiện giờ, thì quả thật, không một ai đếm nổi tổng số hệ lụy của các quyết định tăm tối đầy nô lệ tính đó đã nhấn chìm đất nước vào cõi miên lưu/coma/hôn mê kéo dài trong suốt mấy thập kỷ qua.
Không một ai thống kê nổi bao nhiêu tỷ USD đã bị rút ruột, thông qua các dự án lớn nhỏ xưa giờ. Không một ai tính được hệ quả nông nghiệp và kinh tế toàn quốc, khi đất ruộng lần lượt biến thành sân golf/rì-sọt trên cả nước. Không một ai có thể đong đếm cho đủ các món tiền cán bộ xà xẻo mọi loại ngân quỹ/chương trình cứu trợ dân nghèo.
Không một ai mường tượng ra được cái văn hóa đảng đã méo mó đến tận cùng dị dạng như rứa. Chỉ cần điểm lướt qua những vụ việc từ năm 2008 tới nay, khắc rõ:
Chưa bao giờ đất nước mình có thứ lãnh đạo chủ tâm lắp tim cho tượng Ngựa Thánh Gióng nhập thần, và tẩm tắm máu trâu cho tượng Bác Hồ chập vong, như một thứ nỗ lực tiếp nối toàn chuỗi kế hoạch Ăn Dần món lương khô Hồ Chí Minh, dưới dạng Cỗ Đầu Trâu phong tước thành hoàng.
Chưa bao giờ lãnh đạo xứ này sử dụng cấu hình cơ chế để giải quyết vấn đề xung đột nhân sự, đến mức bắt giam thuộc hạ của nhau; đến mức thừa nhận BCT bất lực, phải mang chuyện đấu đá nội bộ ra trước cơ phận ngoại vi là QH; hoặc, đến mức xách mé lẫn nhau trên báo đài và chỉ có thể gọi tên nhau bằng ẩn số “X”…
Chưa bao giờ khoảng cách giữa đảng với dân xa hơn và rõ hơn lời xác quyết xấc láo của Phạm Quang Nghị trong cơn mưa úng ngập lịch sử ở Hà Nội là dân mình “ỷ lại vào nhà nước quá”.
Hay bởi những PGS/TS, thậm chí, cả tổng bí thư, từng ngạo mạn đánh giá VN mình chưa xứng đáng hưởng nền dân chủ đa đảng như các nước khác là bởi …dân trí thấp. Cũng rứa, lại thêm một đại biểu QH dõng dạc tuyên bố: Việt Nam “Không cần Luật Biểu tình vì dân trí ta còn thấp!”. Chẳng lẽ cái nền dân trí thấp đó chỉ có giá trị chèn chân cỗ pháo/lắp lỗ châu mai/dựng bia biển người… là hết mức, và cũng là mục tiêu để nhà nước kéo lùi chính sách giáo dục về thời bộ lạc?
Chưa bao giờ các danh hài của ta có thể diễu cợt vui nhộn hơn cái quyết định của bộ công an thả súng vào va-li hành khách tại phi trường để kết tội khủng bố, rồi bộ tư pháp hồn nhiên tuyên bố tha bổng; cái quyết định “vui cười là liều thuốc bổ” của bộ y tế bắt đo vòng ngực để định chuẩn lái xe; cái định nghĩa nôm na “quản lý là quản có lý” của ngài bộ trưởng 4T; cái phát biểu đầy trách nhiệm thức/ngủ canh chừng nền hòa bình thế giới của chủ tịch nước; cái phân trần đầy thuyết phục của một ngài thứ trưởng rằng khó bắt lắm vì “đám chạy chức chạy quyền có báo đâu mà biết?”; cái tuyên bố phấn khích quốc hội đồng tình xây dựng đường sắt cao tốc, dù chưa họp; cái lý luận rau muống rằng các nước IQ cao đều “xây đường sắt cao tốc cho trẻ em đi học, bà mẹ đi làm”; cái trần tình mũi lòng của chủ tịch QH là “bắt hết cán bộ phạm luật thì bầu sao kịp?”; cái khẳng định chắc nịch của một ngài bộ trưởng khác, rằng “hồ chứa bùn đỏ là tuyệt đối an toàn, trên lý thuyết”; cái diễn văn bay bướm ca ngợi thánh Gióng về trời thanh thản vui thú điền viên; cái thành tích rực rỡ “51 năm theo đảng” và sẽ kiên trì tiếp tục triển khai mọi sứ mạng mà đảng giao phó; cái lo lắng mất ngủ “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”; cái nguyên nhân khách quan đập thủy điện bị vỡ là bởi va nhằm xe tải; hay, bộ công an trân trọng loan báo “thêm 1 tên khủng bố sa lưới”, ngay sau khi đã đưa đương sự lên tận cửa máy bay về Úc…; rồi tiếp tục đưa thêm một Ủy viên Trung ương của một đảng “khủng bố” thù địch hai lần đột xuất lên phi cơ về Mỹ; hay, QH cật lực thi đua văn nghệ cây nhà lá vườn bằng tiết hài đầu năm Tỵ có tên là “tứ đại ngu”…
Chưa bao giờ đảng viên triệt để áp dụng tư duy “đảng là tao” của 3Duẩn nhuần nhuyễn hơn Nguyễn Thế Thảo, thông qua tuyên bố bắn mây ngăn mưa mấy ngày đại lễ mừng quốc khánh nước bạn; hay, lời định nghĩa cực kỳ xúc tích và tượng hình về ý niệm “tự do C.C.C.” lừng danh năm châu bốn bể của một tay lãnh đạo công an thành phố họ Hồ.
Chưa bao giờ lề lối giải quyết việc nước tùy tiện ở mức chạm đáy của địa tầng vô học và vô hậu như ri, thông qua các quyết định biến đổi thánh địa thành công viên, công viên thành khách sạn, ruộng vườn thành sân golf, sông ngòi thành bãi thải, cao nguyên thành tử địa, nhà trường thành nhà thổ, nhà thương thành nhà xác, nhà riêng thành nhà tù…
Chưa bao giờ ở nước ta có cái xu thế phát huy toàn cực về việc thả nổi cho công an giết dân tàn bạo trên cả nước, đến mức nhân dân bức xúc phải phá cổng dinh tỉnh ủy để hỏi cho ra lẽ, trong lúc thái tử họ Nông, ở vị trí chuẩn bí thư đầu tỉnh, cứ ung dung nhậu thịt bò tót do đầu bếp điều về từ thủ đô để đảm trách sứ mệnh nấu nướng.
Chưa bao giờ đảng và nhà nước ni, dù biết rất rõ là bắt không hết người/giam không đủ chỗ, vẫn phải tìm cớ (và ngụy tạo kịch bản/chứng cứ) để hạch sách/trấn áp/bắt lại/quản thúc/bỏ tù/khám nhà… những ai có lòng với nước nhưng khác ý với đảng (Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng , Đoàn Huy Chương, Trần Thị Thúy, Dương Kim Khải, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Phạm Minh Hoàng, Vi Đức Hồi, Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, và rất đông những thanh niên Công giáo/Tin Lành ở Vinh và Trà Vinh v.v…) mà điển hình tiêu biểu là blogger Điếu Cày, trước khi kịp thả lúc mãn hạn cái án tù khôi hài “thiếu thuế” trước đây thì đã bị chuyển trại giam tiếp về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Hay trường hợp TS Cù Huy Hà Vũ bị ghép cùng một tội danh vừa kể, với chứng cứ là “hai bao cao su đã qua sử dụng”, xuất hiện ngay khi CA bất ngờ ập vào phòng trọ để “kiểm tra hành chính”? Hay thời sự nhất là trường hợp LS Lê Quốc Quân, mới hai hôm trước đây?
Chưa bao giờ lịch sử xứ ta có chuyện bắt cóc người yêu nước biểu tình chống thế lực ngoại xâm (Bùi Minh Hằng, Nguyễn Hoàng Vi, Hư Vô, Đinh Nhật Uy…), để chứng minh hết lòng với giặc, bằng cách quăng họ vào viện tâm thần/trại phục hồi nhân phẩm/nhà tù, hay đánh đập và lục soát chỗ kín của phụ nữ (để gọi là làm nhục họ mà hóa ra là làm nhục lãnh đạo đê hèn).
Chưa bao giờ lãnh đạo VN phải khấu đầu với bắc triều bằng cách bắt cóc công dân về 2 tội Làm thơ chống giặc và Không mua hàng TQ (Nguyễn Phương Uyên & Đinh Nguyên Kha), rồi trang trọng loan tin: “Khi nào tìm thấy tội sẽ gửi công văn về gia đình!”.
Chưa bao giờ thế giới bàng hoàng cực sốc như khi chiêm ngưỡng bức hình công an bịt miệng linh mục (Nguyễn Văn Lý) trước tòa; hay nghe tin phóng viên (Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương…) khui tin tham nhũng để bị vào tù thay cho tham nhũng; nghe thứ trưởng bộ thông tin (Đỗ Quý Doãn) đòi quản lý bloggers, thậm chí, nghe tổng bí thư than phiền “Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ”…
Chưa bao giờ trên thế giới có chuyện Ban tuyên giáo TW hay đích thân thủ tướng phải nhiều lần chỉ thị cho toàn bộ báo đài chấm dứt đưa tin hối lộ (từ Năm Cam tới Huỳnh Ngọc Sĩ); chấm dứt đưa tin tiêu cực nội bộ (vụ Nông Đức Hải/Kim Anh hoặc Sầm Đức Xương/Nguyễn Trường Tô); chấm dứt đưa tin về vụ bắt giữ các tổng giám đốc ngân hàng hay tập đoàn kinh tế (Bầu Kiên/Dương Chí Dũng)… Trong lúc chính tay thủ tướng đó hồn nhiên đốt cháy lời tuyên bố hùng hồn sẽ tận diệt tham nhũng trong ngày nhậm chức, rồi hồn nhiên tự quảng cáo là thủ tướng xuất sắc (của khu vực) trên cơ quan ngôn luận của các Cty rác nước ngoài.
Cũng chưa bao giờ/ở đâu có tướng công an hân hoan báo cáo công trạng ăn cắp mật khẩu, đọc trộm/khống chế/chiếm đoạt trương mục email, đánh sập 300 trang mạng/blogs của dân… ngay trong đại hội nhà văn (Vũ Hải Triều): Lãnh đạo thơ thới và hãnh tiến với sứ mệnh/vai trò/vị trí tin tặc là một phần không thể thiếu của quốc tặc? Cũng chưa bao giờ/ở đâu có một hội đồng (dốt như chuyên tu/ngu như tại chức lại có quyền) đặc cách cung cấp hàm tiến sĩ tình báo và giáo sư tình báo cho lực lượng vũ trang. Hay, cho dù “Báo chí luôn sát cánh cùng lực lượng công an” vẫn bị công an lớn tiếng văng tục giữa chợ: “Đéo mẹ mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi!”. Rồi còn long trọng khoe trình của quý là riêng Hà Nội đã quy tụ hơn 900 Dư Luận Viên có sứ mệnh chống lại làng bloggers dân báo. Hay long trọng khẳng định: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.
Chưa bao giờ cả thế giới nhìn về VN như một cửa hiệu bình dân buôn phụ nữ với lời chào hàng tiếp thị buông tuồng/suồng sã mồi chài khuyến mãi của ngài chủ tịch nước (Nguyễn Minh Triết) khi sang Mỹ; với chánh sách quota xuất khẩu đàn bà sang Hàn Quốc, Đài Loan… ở dạng ma-cô dắt mối cấp quốc gia; với hàng vạn thiếu nữ trần truồng sắp hàng cho khách nước ngoài lựa chọn; với những chi nhánh buôn người quảng cáo “chân dài VN” trên mạng eBay… Còn trong nước, nữ sinh bị hiệu trưởng (Sầm Đức Xương) cống nạp lên cho lãnh đạo …giải khuây, đến khi chuyện vỡ lở, lãnh đạo thì hạ cánh, còn nạn nhân bị hạ ngục.
Chưa bao giờ cả thế giới nhìn về VN như một xứ sở ăn cắp đại trà toàn phương vị, thông qua dàn phi công và tiếp viên hãng hàng không quốc gia VNA; thông qua các lãnh đạo PMU 18; thông qua những món tiền hối lộ nhiều triệu USD đàng sau các dự án sử dụng viện trợ ODA; thông qua cả đường dây đại tá tình báo (không làm báo, chỉ làm …hot-boy) trong quy trình in tiền polymer; thông qua các quỹ học bỗng bôi trơn gói thầu; thông qua bản án dành cho phóng viên tường trình tin tham nhũng; thông qua thành tích vô tiền khoáng hậu của nữ hoàng 6 ngón Kiều Trinh vang danh VTV; thông qua tin tức xà xẻo những đợt cứu trợ lũ lụt hay hỗ trợ dân nghèo… Và cả lời phân bì của lãnh đạo địa phương với nhau: “Nó đã có từng đó cửa khẩu mà lại còn được thêm lũ lụt nữa”… Lại còn có thứ lãnh đạo biến hàng cứu trợ thành giẻ lau ô-tô; hay thứ lãnh đạo ngay sát cạnh quê quán của anh: phó chủ tịch xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã nổi nóng và đuổi đoàn cứu trợ ra khỏi xã, vì đoàn tự động tặng quà trực tiếp cho dân mà không chịu chuyển vào kho của xã để “kiểm kê”…
Chưa bao giờ dân ta phải góp thuế hàng chục ngàn tỷ đồng để nhà nước đình đám rộn ràng tổ chức đón rước ngọn đuốc thế vận của bọn bá quyền bành trướng một cách “an toàn và trọng thị”, theo lệnh thủ tướng, nhằm giúp cho bọn tàu khựa được độc quyền trương cờ giương bảng thị oai và khạc nhổ ngay giữa lòng thành phố mang tên bác, và suýt chuyển đuốc ngang qua các đảo Trường Sa/Hoàng Sa, trước khi vào chặng cuối quy hồi về cái tổ quạ ở Bắc Kinh.
Chưa bao giờ hàng chục vạn tỷ đồng tiền thuế của dân bị tư túi và lãng phí vào các công trình nhân danh “ngàn năm Thăng Long”, theo chỉ thị của các vua tập thể, chỉ để chào mừng 60 năm hữu nghị với láng giềng, chọn ngay đúng vào ngày quốc khánh của nó, trong lúc trẻ em ở Tây Nguyên phải đu dây cáp hay lội qua sông để đến trường.
Chưa bao giờ hàng triệu tỷ đồng tiền nợ cả nước (~ 1.300.000.000.000.000đ) được hình thành rồi bốc hơi khẩn cấp bởi một nhúm lãnh đạo có vai vế thân thuộc với quan tể tướng, và sau đó cả chính phủ hồn nhiên cười trừ. Ngay cả cái “chủ trương lớn” ở nóc nhà Tây Nguyên mà chính anh đã ba phen đích thân trần tình ngăn cản, phân tích hệ quả khủng khiếp về cả hai mặt kinh tế lẫn quốc phòng của nó, hiện cũng đã thủng sàn/phá sản, chỉ còn lại trơ mỗi chảo bùn đỏ hàng trăm triệu tấn treo lơ lửng trên đầu nhân dân Nam bộ.
Chưa bao giờ quốc thể nước ta bẹp dí đến mức lãnh đạo dang cả hai tay ôm chầm lấy bàn tay thằng giặc; tàu thăm dò của ta bị nó mấy lần cắt cáp mà vẫn phải toe miệng cười rằng “cáp ta bị đứt” bởi chân vịt tàu lạ; lại nhất định cấm tiệt các bản tin nêu rõ quốc tịch các tàu sắt đâm chìm tàu cá của ngư dân ta… Ngay cả một bài viết dự đoán rằng “các nước Đông Nam Á sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp vùng biển” cũng bị tháo xuống lập tức, chỉ vì… sợ nó giận.
Chưa bao giờ ngư phủ của ta khốn đốn hơn hôm nay, khi ra khơi đánh cá trên vùng biển quê nhà mà lại thuộc ngư trường “nước lạ”, đến độ bị uy hiếp, bị bắt giam (Sói biển Mai Chung Lưu bị bắt đến 4 lần), bị hành hạ, bị đâm chìm tàu, bị đòi tiền chuộc… mà lãnh đạo ta sò câm miệng hến. Có mỗi bộ trưởng bộ nông nghiệp lên tiếng “trao đổi” thì chỉ xin nước lạ đừng bỏ đói ngư dân Việt! Cả khi 9 ngư dân Lý Sơn trên tàu cá QNg-66478-TS được thả, hải quân VN anh hùng vẫn không thể đón, vì không dám điều tàu vào vùng biển Đông đã bị ngầm công nhận là thuộc hải phận lưỡi bò của giặc.
Chưa bao giờ, ngay vào lúc bọn giặc tiến hành công tác Quy hoạch các hạng mục xây dựng mạng thông tin thành phố Tam Sa, thì Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN lớn tiếng “khẳng định tình đoàn kết giữa quân đội hai nước” … “Việt Nam không còn bất cứ băn khoăn gì khi hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, giải quyết với Trung Quốc mọi bất đồng” (Nguyễn Chí Vịnh); hoặc, ngay vào lúc báo chí chính quy VN loan tải: “TQ lại hoành hành ở biển VN” thì cũng là lúc Tể tướng nước ta hân hoan nâng cốc ở Hội chợ triển lãm CAEXPO và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư-thương mại CABIS tại thành phố Nam Ninh. Đồng thời, tổ chức các tiết mục văn nghệ sexy nhố nhăng ngoài trời để lấy cớ ngăn chận các cuộc tuần hành của người yêu nước phản đối thái độ hung hăng của TQ.
Chưa bao giờ nhà nước cố tình bẻ cong lịch sử, cố tình xóa bỏ/lãng quên một cuộc chiến tranh tự vệ hào hùng của dân quân nước Việt (mà chính bản thân anh đã cật lực dự phần), đến mức không dám gọi tên bọn bá quyền gây ra cuộc chiến; không dám truy điệu/tưởng niệm những người lính đã xả thân giữ vững bờ cõi trước sự hống hách đòi “giáo trừng” của Trung cộng; thậm chí, phóng tay đàn áp cả những người tự nguyện tỏ lòng tri ân những anh hùng ngăn giặc vào mỗi dịp 17 tháng 2… Chỉ bởi lãnh đạo đã chính thức và công khai nhận giặc làm thầy, hay vẫn tự bịt mắt bưng tai bằng thứ lập luận mà ngay cả anh nghe qua cũng phải sôi máu:
“Dù TQ có bành trướng có đánh ta thế nào, cũng vẫn cùng phe XHCN!” (Nguyễn Văn Linh).
Cũng chưa bao giờ lịch sử ta có những trang ô nhục gục đầu câm nín của lãnh đạo trước nạn ngoại xâm lấn đất/chiếm đảo/dọn rừng và tự tiện khai quặng như hôm nay. Ô nhục và ti tiện đến độ phải ra tay đàn áp cả những tâm tư quả cảm Trần Quốc Toản trên đường phố, cho vừa lòng ngoại bang. Tức là chẳng ngần ngại phô trương thanh thế vừa hèn với giặc vừa ác với dân; chẳng ngần ngại mang tiếng trả thù đê tiện những người yêu nước báo động phải cảnh giác bắc triều (Lê Chí Quang), thách thức thủ tướng chính phủ tranh luận (Lê Công Định) hay kiện thủ tướng chính phủ vi luật (Cù Huy Hà Vũ); cũng chẳng ngần ngại đẩy dân vào thế chống trả bằng đạn hoa cải (Tiên Lãng), bằng gạch bẻ đôi (Văn Giang), bằng giẻ tẩm xăng (Dương Nội), hay bằng súng Colt (Kỳ Bá-Thái Bình).
Và sau rốt là chưa bao giờ nhân dân biểu hiện sự coi thường lãnh đạo ở tầm đại trà đến mức tận cùng khinh bỉ như hiện nay. Không chỉ đáng khinh, mà là đáng tởm. Hiện tượng công khai đánh giá và thẳng mặt phản biện bài lên lớp cực kỳ ngây ngô/ngờ nghệch/ngu ngơ/ngớ ngẩn của TBT Nguyễn Phú Trọng ở Vĩnh Phú ngày 25/2/2013 về nhận định quy chụp rằng những góp ý đa diện của nhân dân (trong tiến trình thu thập ý kiến sửa đổi hiến pháp – không vùng cấm) là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”… Hàng nghìn status update và comment phê bình gần như đồng loạt tràn ngập trên Facebook và các blogs là một biểu hiện rõ nét mức độ xuống cấp thảm hại của TBT đảng nói riêng và cả đảng nói chung, về cả cách ứng xử/thực chất/tư cách/trình độ/hình ảnh trong mắt nhân dân (Trọng Chuốc Kinh). Rồi ngay sau đó, biện pháp kỷ luật của tòa soạn báo Gia Đình & Xã Hội đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, tác giả bài viết “Vài lời với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng”, lại khoắng lên một đợt khinh bỉ đại trà khác về thói lật lọng bỉ ổi và tính trả thù đê tiện của dàn thái thú ở Hà Nội.
Anh nói đúng. Anh đã trải qua tất cả, và tất cả đã toát ra lắm điều đáng ngẫm:
1. Trước tiên, mọi thứ chủ nghĩa/tư tưởng/triết thuyết… cho dù bất kỳ một ai (có quyền hành cao tới trời mà) cảm ra là nó tốt (như sao bắc đẩu/kim chỉ nam đi nữa), thì cũng chỉ nên để nó trên bàn mổ (cho mọi người luận bình/phản biện/chọn lựa) thay vì tự sơn màu ưu việt rồi trịnh trọng đặt trên cùng bàn thờ với “mấy ông kia kìa”, (choán mất cả bài vị tổ tiên, và bắt giam hết những ai không chịu vái lạy nó, về tội …tuyên truyền chống phá nhà nước hay lợi dụng quyền dân chủ). Huống gì tự thân các thứ tư tưởng trời ơi đất hỡi đó đã cật lực chứng minh 165 năm chưa nhấc chân lết được bước đầu?
2. Hai là, từ độ khập khiễng ý thức/mê muội tư duy đó, cùng với tay nghề chơi bài tráo/bạc giả chuyên nghiệp, mọi quyết định của đảng và chính phủ ni đều là những vẽ voi ra chuột/treo dê bán chó: tùy tiện, sai trái, trật vuột, loạn chiêu, vi hiến, vi luật, hoặc chắp vá/đối phó tình thế… để phục vụ cho tư lợi/ghế ngồi/quyền hành… nên chẳng dính dáng gì nhau, chẳng khớp được với nhau theo bất kỳ kế hoạch nào, và, thảm hại thay, chẳng cái nào nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân.
3. Ba là, cũng từ mớ nhang khói ưu việt thêm mùi bản sắc đặc trưng trên cái bàn thờ săm lốp huyền ảo đó, mọi tuyên bố của dàn tiên chỉ đều trịch thượng như nhau theo kiểu “đảng là tao, luật cũng là tao”, coi nhân dân không bằng cây cỏ, coi trí thức như thứ vất đi, coi báo chí như sọt chứa rác… hoặc, mọi phán quyết đều đầy tính diễu cợt/chớt nhã… hay, rậm rật chỉ thị liên tục cho thuộc hạ đảng viên cả nước thực thi những điều bất cập, bất nhân, bất khả lẫn bất nghì. Với hệ quả cụ thể đong đếm được là treo trên đầu nhân dân những quả bom bùn đỏ, nợ công, và nợ nước ngoài.
4. Bốn là, thái độ câm nín của lãnh đạo trong dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới phía bắc, cùng thói vĩ cuồng mượn danh đại lễ ngàn năm Thăng Long để ăn mừng quốc khánh bắc triều, cộng thêm các loại phản ứng mềm nhũn mỗi lần ngư dân ta bị bức hại… còn để cho thằng cún con Vương Hàn Lĩnh hồn nhiên tuyên bố ngay giữa lòng đất Việt: “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”, rồi thản nhiên lên lớp: “nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, mấy người sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh”… Hoặc để cho thằng vện Tôn Quốc Tường công khai huấn thị/bảo ban/đe nẹt: “Hợp Tác Sẽ Phát Triển, Đấu Tranh Sẽ Thất Bại”! Tất cả đã phản ảnh toàn bộ chủ trương chiến lược quyết tâm khấu đầu trước bọn tàu bá quyền bành trướng, bất kể những thiệt thòi lãnh thổ, môi sinh, và tính mạng lẫn tương lai của nhân dân, bất kể cái hiểm họa Tân Cương/Tây Tạng đã cận kề…
Ngần đó có lẽ quá đủ, để nếu có người thân ái gửi đến anh vài câu phỏng vấn “như một lời chia tay”, thì hẳn, anh cũng thều thào được đôi lời tóm tắt về cái vấn nạn hệ trọng bậc nhất sản sinh ra hàng nghìn thứ hệ trọng bậc “n” khác ở đây, anh hỉ?
Mà nếu đúng như ri, thì, phải chăng, trọng tâm của các kiến nghị mọi loại, thay vì nhắm vào từng dự án hạ tầng, đều nên nhắm vào các nhược điểm thượng tầng (hệ trọng bậc nhất) đó để thay đổi/hoán chuyển/tái cấu/làm mới/điều phối/cách tân/giáo dục lại toàn bộ lãnh đạo (cả đảng lẫn nhà nước) cho đỡ ốt dột và thôi mất tính người?
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
Nỏ ai biết chính xác ngày giờ sinh của anh hầu chấm một lá tử vi để đời, hay để xem thử bởi răng mà số anh từ đầu chí cuối chỉ kỵ mỗi (cái không gian ba chiều viết túm gọn thành) con số 3D: Khởi là 3Duẩn. Kết là 3Dũng. Tầm như Duẩn thì dù sao cũng còn chút “môn đăng hộ đối” của một kẻ đồng lứa/cùng thời. Nhi nhô cỡ như Dũng mới thật tức cười. Bởi vào lúc anh bình định trận Điện Biên vang lừng quân sử Á-Âu, thì nỏ ai biết nhóc tì 3Dũng đang búng thun/đá dế/tạt hình/ đánh đáo/quay vụ chốn nào…
Vậy mà ở tuổi chín mấy, anh vẫn không ngại gửi kiến nghị đến hắn.
Chẳng lẽ cái cơ chế, cái guồng máy của ta định hình và đặt cược bởi cái thứ giang hồ thập loại nhi nhô/nhăng nhố/nhì nhằng đó sao?
Chẳng lẽ câu chuyện con ngựa già của chúa Trịnh từ nửa thế kỷ trước đã là chuyện có thật, hoặc là một tiên tri linh nghiệm như sấm giảng?
Chắc là chẳng một ai nỡ lòng ráp nối một chuyện đáng buồn ở tầm cao cả nước như rứa vào những ngày cuối đời của anh, coi sao phải!
Và cũng nỏ ai nghi ngờ rằng anh chưa từng đọc hay từng ngẫm đến một điều tương tự như các luận điểm của ông Hà Sĩ Phu trong bài Tư Tưởng Và Dân Trí Là Nền Móng Xã Hội:
Rằng, nếu Việt Nam ta “không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:
1. không có cuộc đánh Pháp 9 năm
2. không có cuộc ‘Nam Bắc phân tranh lần thứ 2’ dẫn đến cuộc đánh Mỹ
3. không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
4. không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
5. không có lý do gì phải tiến hành cuộc ‘đổi mới hay là chết’
6. không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước tòa cho thiên hạ xem, vân vân…
Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc…”.
Rằng, quả là bất hạnh, không chỉ riêng anh, mà là cả nước, đã trắng xương ngập máu cho một lũ vô lại cắm cúi/cặm cụi triển khai cái cương lĩnh vô loài đầy tính nô lệ/tay sai:
“Mình thì chỉ loanh quanh mấy nước xã hội chủ nghĩa, anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc” (Trần Quang Cơ).
Càng bất hạnh hơn nữa là lũ vô lại ấy một mặt gác bỏ bao lời tâm huyết của anh, mặt khác vẫn lợi dụng tên tuổi cho tới cả hình ảnh của anh trên giường bệnh ở tuổi đầy trăm, quyết lấy cái hào quang Điện Biên ngày xưa của cả dân tộc để che đậy cái chủ trương thần phục bắc triều ngày nay của bọn chúng. Không khác kiểu lấy mật gấu bằng kim tiêm, mỗi ngày.
*
Rứa cũng xong, anh Văn hè!
“Phải sống đẹp lắm mới dám yên tâm về cái chết của mình”. GS Hoài Lam bảo rứa.
Phần anh đã xong. Gì thì gì, đối với cả nhân loại, anh đã hiên ngang ký tên vào trang bìa quyển quân sử cận đại của thế giới. Còn đối với nhân dân ta cũng không khác, anh đã lừng lững ký tên vào dòng sử Việt.
Phần anh đã xong. Cho dù ngay chính anh chưa hề và chẳng bao giờ thực tâm chờ đợi một hệ quả lịch sử trái ngược lòng dân như ri. Ngay chính anh cũng chưa hề và chẳng bao giờ nghĩ rằng có ngày sẽ phải nhìn lại để thấy chính mình vừa là nạn nhân vừa là tòng phạm của cái lịch sử đoạn trường cả nước đó. Thảm thay, một khi đã lột truồng được đám lãnh đạo vô học và vô hậu từng dìm anh và cả đất nước ta triền miên trong nỗi nhục, thì cái huân chương 70 năm phục vụ kia mang ý nghĩa âm tính nhục nhằn/cay đắng đến dường nào?
Phần anh đã xong. Tấm huân chương 70 tuổi đảng của anh đã nối liền chảo lửa Điện Biên với chảo bùn Tây Nguyên. Nó bắt đầu từ một hiển hách không tiền khoáng hậu, và chấm dứt như một đánh đổi hay cả vú lấp miệng (mà tiếng nôm na của dân vẫn gọi là “đấm mõm”). Tấm huân chương giờ đây lọt thỏm trong lòng bàn tay, song trọng lượng của nó tương đương với (không biết bao nhiêu) triệu mét khối bùn đỏ treo trên đầu đồng bào lục tỉnh, hỏi có còn cái khổ nào lớn hơn không?
Phần anh đã xong. Cho dù anh đã nhẩn nha chứng nghiệm qua gần một thế kỷ nay, rằng, không một ai trong đại khối người VN yêu chuộng tự do nhân bản mong muốn lịch sử bố thí cho họ cái thứ lãnh đạo ngu tối/cực tồi/đầy tội như ri. Không một ai lựa chọn đám nông nô quốc tế đó. Không một ai chấp nhận nổi cái hậu quả cả nước gánh chịu do bởi những thứ thượng thổ hạ tả mà họ tự ý ôm về và áp đặt vào hiến pháp, nhấn đè lên dân tộc.
Phần anh đã xong. Cho dù người ta hiểu anh đã biểu hiện sự nhẫn nhục cùng cực trước những kẻ thù kêu bằng đồng chí, đến mức phóng viên Tim Karr của Mỹ dẫu cố gắng tối đa cũng không dấu được niềm thất vọng: “Trong nhiều phỏng vấn của ông Giáp mà tôi được đọc trong vòng 20 năm qua, hiếm khi, nếu muốn nói là không khi nào, tôi thấy ông nói lệch quan điểm chính thống… Trong cuộc phỏng vấn của tôi với ông, tôi đã không thể có được lời ứng khẩu nào từ ông cả”.
Phần anh đã xong. Cho dù còn đó (không biết bao nhiêu) người chờ trông/mong đợi ở anh một hành động chính giác/khác thường trong những ngày tinh hoa chắt lọc một đời thành huệ nhãn huệ nhĩ (như Boris Pasternak đã viết là) “nghe thấu lời tương lai đang réo gọi”: Giá mà anh nắm cả cái huệ tâm huệ trí, vất trả thẻ đảng, trước ống kính truyền hình, vào những dịp đám ngố lau nhau đến tận giường bệnh mời anh tham dự đại lễ ngàn năm, hay gắn huy hiệu 70 tuổi đảng… thì, Võ Nguyên Soái chẳng những ký tên vào Việt sử, mà còn ký tên vào cả chương kết quyển hùng sử của trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, làm ngòi dẫn thanh toán nốt (ít ra là một trong số đếm trên đầu ngón tay) mấy cái sọt chủ nghĩa bá vơ còn sót lại ni.
Phần anh đã xong. Anh biết. Chúng tôi biết anh biết: Không đời nào một người suốt đời chỉ mong kê vai làm bệ phóng cho đất nước, như anh, lại có thể căng người làm bàn đạp tiền tài danh vọng, song song với cái bàn đạp hiến pháp cưỡng dâm, cho bọn cơ hội suốt đời chỉ quơ quào đong đếm coi đất nước đã phục vụ được những gì cho chúng, trong lúc mỗi người dân oằn lưng một gánh nặng bình quân trên dưới 20 triệu đồng nợ công, bởi chúng. Và anh tiếc nhất là đã để cho điều đó xảy ra. In hệt như đã chảy máu mắt ngồi nhìn chúng rao bán đất nước ở Hội nghị Thành Đô.
Phần anh đã xong. Anh biết. Chúng tôi biết anh biết: Chẳng còn bao lâu nữa là kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ. Chúng ta đã từng có một Điện Biên lẫy lừng ở Lai Châu, 1954. Chúng ta cũng đều đặn hàng năm giương cờ/gióng trống nhắc đời một trận đấu khốc liệt khác, gọi là Điện Biên trên không ở Hà Nội, 1972. Chúng ta chỉ thiếu một trận Điện Biên êm ái giữa hội trường Ba Đình, trong khoảng 1991-2013. Và anh cũng tiếc nhất là đã để cho điều đó không xảy ra.
Phần anh đã xong. Anh biết. Chúng tôi biết anh biết: Chúng ta từng huy động nhiều vạn dân quân bao quanh lòng chảo Điện Biên để làm nên lịch sử 1954. Non 6 thập niên sau, chỉ một khẩu súng hoa cải ở Tiên Lãng cũng đã đưa người nông dân Đoàn Văn Vươn hay Đặng Ngọc Viết ở Kỳ Bá-Thái Bình (cả hai không một ngày đảng tịch) vào mốc điểm lịch sử như chiếc đồng hồ đánh thức toàn bộ dân tộc. Sự khác biệt đó quá lớn, so với hàng sư pháo và tấm huy chương 70 năm tuổi đảng của anh, nhưng, đau đớn thay, và đáng tiếc dường nào, là mọi người đều biết dù chẳng ai nói ra.
Gì thì gì. Phần anh đã xong.
Phần còn lại, hãy để chúng tôi thanh thỏa món nợ đời nặng lãi như ri với hậu thế.
Phần còn lại, hãy để chúng tôi phủ lấp hoa đào/hoa ban/hoa sen/hoa mai/hoa nhài/hoa sim… lên toàn cõi thủ đô và khắp nước.
Lịch sử từng là nước đẩy thuyền.
Lịch sử muôn đời vẫn luôn là nước đầy/sóng cả rứa anh à!
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy đấy, là bởi nhân dân đã nhận diện ra hết cả tinh túy tham/ngu/xảo/ác trong từng xăng-ti-mét cái tâm (địa) và cái tầm (phào) của lãnh đạo đương thời trước một nguy cơ diệt vong rõ ràng là có thật. Ở chiều ngược lại, anh cũng thấy đấy, nhân dân đã chẳng công khai tưởng niệm/ tri ân những chiến sĩ hải quân quân lực VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa của Việt Nam ta từ thời 1974 đó sao?
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy đấy, là đã ngày càng đông những đảng viên được tắm gội Sự Thật, và biết rất rõ rằng “bảo vệ sinh mệnh chính trị” của mình có nghĩa là đồng lõa với tội ác nhấn chìm sinh mệnh chính trị/xã hội/kinh tế của đồng bào cả nước. Sáu năm vào WTO đã chuyển hóa VN từ giấc mơ con rồng châu Á thành con giun châu huyện (của tàu), chính là nhờ vào ưu tiên “bảo vệ sinh mệnh chính trị” của bộ chính trị. Mà ngay cả chuyện BCT thực hiện nghị quyết của chính họ đề ra cho định hướng đó cũng bị lật tẩy qua nhiều nhiệm kỳ. TS Lê Đăng Doanh nói: “Lừa được người ta nhưng mà không lừa được thực tiễn đâu”. GS Đào Xuân Sâm nói:“Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ”. Bà Phạm Chi Lan nói: “Bây giờ viết vậy, họ tin thế thật à?”. GS Trần Phương bảo: “Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác!”. Kinh tế gia Phạm Chi Lan lại nói: “Quả đấm thép không đấm vào đối thủ mà lại đấm ngay vào chính ta”.
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy đấy, là cũng với Sự Thật, thông qua làng dân báo cùng các “còm sĩ” trên mạng, không ai là không nhìn ra sự bất lực triền miên (toàn phương vị, ngay trên sân nhà) và chuỗi phản ứng cuối mùa của lãnh đạo, ở mức độ mà người bình dị vẫm nôm na là “chó cùng cắn dậu/chuột chạy cuối sào”. Ngay cả hệ thống công an “còn đảng-còn mình”, những tưởng là trụ cột vững chắc nhất để bảo vệ chế độ, cũng đã lộ nguyên trạng bê tông cốt tre, thông qua chiêu thức tổ chức đánh ghen ở khách sạn để bắt người bất đồng chính kiến, hay giả dạng côn đồ để trả thù nhân dân. Còn các cựu chiến binh, ngược lại, đã đớn đau trăn trở với một lựa chọn: “Luôn trung thành với Tổ quốc. Và chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng với điều đó” (Mark Twain).
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy đấy, là khi nhân dân vượt qua nỗi sợ, như đã viết trên nóc nhà “tự do hay là chết”; đã đạp sập cánh cổng dinh tỉnh ủy Bắc Giang; đã cầm chắc nguyên lý “phải đòi mới được”; đã nắm vững cái “sức mạnh của số đông”; và nhận chân ra rằng trong đấu tranh có cả niềm vui liên đới, với nhau, trên từng chiến thắng nho nhỏ tiếp nối ở mỗi chặng đường.
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy đấy, là khi dàn báo chí trong luồng thui chột bởi lệnh lạc của tuyên giáo, trong lúc làng dân báo càng ngày càng nhộn nhịp/rộn ràng với nhau và với Sự Thật lóng lánh long lanh, không dấu diếm các thành quả được mùa ảnh hưởng cả những phát biểu quyết liệt (yêu cầu truy cứu trách nhiệm/bỏ phiếu tín nhiệm) cùng các ngón tay bấm nút (bác dự án đường sắt cao tốc) của đại biểu quốc hội; hoặc, thái độ chính thức phủ nhận/bác bỏ vai trò thủ tướng (cựu chiến binh Vi Toàn Nghĩa); hay gần đây nhất, thẳng thừng từ chối bằng khen của thủ tướng, chỉ vì “không muốn treo trong nhà cái chữ ký của một kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” (NSUT Kim Chi)… Như những chứng thực hiện tiền của một xã hội dân sự son trẻ đang từng bước trưởng thành. Như những chứng thực rằng, đích thị “Bất đồng chính kiến là hình thức cao nhấtcủa lòng yêu nước” (Anand Singh).
Lịch sử sẽ phải sang trang, anh thấy cả đấy, là khi khát vọng của nhân dân không chỉ là tự do mà còn là tiến trình cất đi nỗi nhục nhược tiểu/lạc hậu của một đất nước không thiếu tài nguyên, một dân tộc không hiếm người hiền, một lớp trẻ không hề cam chịu thua kém lân bang. Nhất là không thể chấp nhận thua cả Cao Miên và Miến Điện.
Lịch sử sẽ phải sang trang. Việt Nam sẽ phải cất cánh.
Anh hãy chứng cho: Dân ta không để như ri mãi. Đường ray đang được “bẻ ghi” cho đoàn tàu lịch sử tiến về ga cuối, anh ạ!
Anh vẫn đang nghe tiếng reo hò của tương lai ở mức đến trước mặt đấy, phải không?
Chúc anh an lòng yên nghỉ, đời đời.
04-10-2013 – Kỷ niệm sinh nhật thứ 93 của Tố Hữu; 56 năm tàu vũ trụ Spunik-1 của Liên Xô cũ thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo trái đất; và tròn 2 năm vỡ hồ bùn đỏ Ajka tại Hungary.
Blogger Đinh Tấn Lực
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/inh-tan-luc-ky-ten-vao-lich-su.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001