Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Không thể lấy toà án làm công cụ bảo vệ chế độ

Không thể lấy toà án làm công cụ bảo vệ chế độ 


Mẹ Nấm (RFA blog) - Chính quyền Việt Nam có thể sử dụng nhiều lý do để biện minh cho việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Nhưng rõ ràng là để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh (như báo chí thường nói), để chứng minh uy tín trên đường gia nhập vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không thể lấy toà án và công an để làm công cụ để bảo vệ chế độ như hôm nay...

*

Hôm nay ngày 2 tháng 10 năm 2013, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên xét xử Luật sư Lê Quốc Quân với tội danh: trốn thuế. 

Ls Lê Quốc Quân được biết đến như một người bất đồng chính kiến, quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội và đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.

Theo khoản 2, điều 161 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung quy định như sau: 

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Cũng theo thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán quy định:

Điều 1. Về tội trốn thuế (Điều 161 BLHS) 

1. Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được qui định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được qui định tại Điều 161 của BLHS. 

2. Phạm tội trốn thuế trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác qui định tại khoản 3 Điều 161 của BLHS được hiểu là trường hợp tuy số tiền trốn thuế có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng, nhưng người phạm tội đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập, như: đưa hối lộ; chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý thuế. Trường hợp các hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì ngoài tội trốn thuế, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Trên đây là những quy định pháp luật được đưa ra, trên thực tế luật pháp đã được sử dụng để áp đặt trong trường hợp của LS Lê Quốc Quân?

1. Hãy xét tới hoàn cảnh bắt giam (từ ngày 30/12/2012) và thời gian tạm giam cùng việc hoãn xử phiên toà lần đầu (ngày 9/07/2013). Tổng cộng Ls Lê Quốc Quân bị giam giữ hơn 9 tháng.

Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 120 BLTTHS và phụ thuộc vào từng loại tội, cụ thể như sau:

- Nếu tội phạm được điều tra là tội nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá 3 tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng, lần thứ hai không quá 1 tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội nghiêm trọng là 6 tháng.

- Nếu tội phạm được điều tra là tội rất nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá 4 tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam điều tra một vụ án về tội rất nghiêm trọng là 9 tháng.

Thông tin trên báo Công an Nhân dân cho hay: “...Chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với 9 chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty này đã trốn là hơn 437 triệu đồng.” (1)

437 triệu đồng, thuộc khoản 2 điều 161 BLHS.

Vấn đề nghiêm trọng hơn nhưng thường xuyên gặp trong rất nhiều vụ án xét xử những người bất đồng chính kiến ở đây là: người “được cho là có tội” theo kết luận của cơ quan công an điều tra bị phán xét và kết án trên các phương tiện truyền thông trước ngày xét xử.

Điều 72, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.

Điều 9, Bộ Luật Tố tụng Hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Các cơ quan truyền thông nhà nước đã làm gì với Ls Lê Quốc Quân?
Các bài viết, phóng sự được phát đi trong thời gian ông bị bắt giam và trước phiên toà cho thấy tội trốn thuế thực sự rất nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị để làm gương.

Và ở ngày xét xử sơ thẩm Lê Quốc Quân, một phiên toà công khai thì người mẹ già của ông không được tham dự. Công an, an ninh và các lực lượng dân phòng, bảo vệ chặn đường, quây kín các ngã dẫn đến toà án. Bên cạnh đó, rất nhiều bloggers “được” vận động không tham dự phiên toà, và đã có người bị cản trở khi đến tham gia phiên toà.

Động thái này cho thấy điều gì? 

Chính nhà nước Việt Nam, cụ thể là chính quyền thành phố Hà Nội đã tạo ra sự liên kết về động cơ chính trị với tội danh trốn thuế của Ls Lê Quốc Quân chứ không phải ai khác.

Nếu ông Quân có tội, hãy để pháp luật phân xử, tại sao lại áp dụng đủ mọi biện pháp công kích cá nhân trên truyền thông, đồng thời lợi dụng quyền lực để ngăn trở quyền được tham dự phiên toà công khai của thân nhân và người dân?

Blog và mạng xã hội nếu có đưa thông tin sai sự thật về việc Ls Lê Quốc Quân trốn thuế, thì việc xét xử công khai và trưng ra các bằng chứng với công luận trong phiên toà sơ thẩm hôm nay là cơ hội tốt nhất để Việt Nam chứng minh rằng không có chuyện đàn áp người bất đồng chính kiến.

Trả lời trước diễn đàn quốc tế, chính quyền Việt Nam luôn cho rằng “không có chuyện bắt giam những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam” bởi lý do bị bắt là “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Đây không phải lần đầu tội danh “trốn thuế” được sử dụng. Trước đó để bắt giam blogger Điếu Cày với cáo buộc trốn nộp thuế thuê nhà và bỏ qua phần đưa ra chứng cứ của hai luật sư tham gia bào chữa, để rồi sau hơn 30 tháng tù giam, không có lấy một ngày tự do, nhà nước Việt Nam lại tiếp tục giam cầm blogger này với bản án nặng nề cùng tội danh vi phạm điều 88 BLHS.

Cũng liên quan đến tội danh trốn thuế, ngày 27/09/2013, báo An ninh Thủ đô đưa tin: “Trốn thuế hàng chục tỷ đồng, đại gia Bắc Ninh bị xử án treo”. Số tiền thuế bị thất thu ở đây lên tới hơn 11 tỷ đồng. (2)

Dù muốn hay không, người ta không thể không liên tưởng việc chính quyền muốn sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu để trừng trị những người bất đồng chính kiến.

Việc một cá nhân có tội hay không không chỉ phụ thuộc vào sự kết luận của cơ quan điều tra và hệ thống truyền thông. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam, điều này hoàn toàn ngược lại. 

Trong điều kiện truyền thông chịu sự quản lý của nhà nước một chiều, với thực tế người bị bắt giam chưa được pháp luật bảo vệ thực sự theo cơ chế tam quyền phân lập, thì việc định tội danh và mức án phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan điều tra như hiện tại đã phản ánh được thực trạng của xã hội Việt Nam. 

Chính quyền Việt Nam có thể sử dụng nhiều lý do để biện minh cho việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Nhưng rõ ràng là để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh (như báo chí thường nói), để chứng minh uy tín trên đường gia nhập vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không thể lấy toà án và công an để làm công cụ để bảo vệ chế độ như hôm nay.




nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/khong-lay-toa-lam-cong-cu-bao-ve-che-o.html#.Uk65OlPKEjI
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001