Minh Anh - Bắc Triều Tiên và chủ nghĩa sùng bái cá nhân
at 10/07/2013 09:39:00 AM
Minh Anh (RFI -Điểm báo) -
Đền đài,
lăng tẩm hay tượng đài nguy nga tráng lệ được bảo tồn kỹ lưỡng, dành cho
lãnh tụ tối cao Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Những khu « chợ chồm
hổm » của người dân ở những khu phố ngoại vi Bình Nhưỡng hòng cải thiện
đời sống và mầm mống của một tầng lớp tư sản sơ khai. Đây là những cảm
nhận của phóng viên Ursula Gauthier, đặc phái viên tuần báo Le Nouvel
Observateur nhân một chuyến tham quan Bình Nhưỡng qua bài viết đề tựa «
Chuyến tham quan tại đất nước khép kín nhất hành tinh ».
Tượng các lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành (trái)
và Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng, 15/02/2012 - REUTERS
Tác giả nhận
định Bắc Triều Tiên của thế kỷ XXI vẫn là một ví dụ điển hình cho chủ
nghĩa chuyên chế lố bịch, một kiểu vương quyền tối cao mang hơi hướng
của chủ nghĩa Staline-Mao Trạch Đông, một chủ nghĩa sùng bái điên cuồng
đối với một triều đại cai trị.
Trong một
chuyến tham quan dành cho giới báo chí tác giả bài viết đã có dịp được
đi thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy là chương trình tham
quan đó giống như là một chuyến hành hương dài dằng dặc đến các « thánh
địa » hơn là đi du lịch. Tất cả những nơi hay những gì có mang dấu ấn
của Kim Nhật Thành đều được biến thành những điểm tôn thờ, từ phủ chủ
tịch được chuyển thành Cung điện Thái Dương hay là lăng Kumsusan, bảo
tàng chiến tranh Giải phóng đất nước, cho đến khu triển lãm hoa «
kimilsungia » và « kimjongilia » - một loại hoa lan tím và một loại cây
thu hải đường được đặt theo tên hai vị lãnh tụ đã qua đời là Kim Il Sung
và Kim Jong Il.
Tại thủ đô
Bình Nhưỡng, hàng loạt công trình kiến trúc đồ sộ mọc lên tua tủa để ca
ngợi sự vĩ đại của người sáng lập Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, mất vào
năm 1994), cũng như về đảng, về những chiến thắng, về hệ tư tưởng của
ông v.v… Trên ngọn đồi Mansudae, là bức tượng dát vàng của ông cao 22m,
mới đây được kèm theo bức tượng Kim Chính Nhật, con trai ông, qua đời
năm 2011. Tổng cộng có đến 30.000 đền đài thờ phượng như vậy trên khắp
cả nước.
Và sự tôn
sùng này được thể hiện hầu như thường trực. Một nhà ngoại giao đã đưa ra
một nhận xét như sau với ký giả tờ Le Nouvel Observateur « Cả ngày
thành lập nước lẫn ngày thành lập Đảng Lao động đều không quan trọng
bằng ngày sinh của Kim Nhật Thành. Cứ như là trong một chế độ quân chủ
vậy ».
Ngay đến
việc đến viếng tượng đài cũng không được tùy nghi hành lễ. Khách đến
viếng phải kính cẩn nghiêng mình trước khi đặt bó hoa và phải rút lui
bằng cách đi lùi. Điều này cũng bắt buộc cho các du khách nước ngoài.
Việc gọi tên các nhà lãnh đạo cũng phải được « tôn trọng », nghĩa là
không được gọi tên tục như tại nhiều quốc gia khác mà phải gọi kèm theo
chức vị, chẳng hạn như « lãnh đạo tối cao Kim Jong Un ».
Tác giả lấy
làm lạ là chẳng có lấy một chút hình ảnh hay lời nói nào cho nạn đói
khủng khiếp trong những năm 1990, kết quả của một chính sách điều hành
kinh tế tồi tệ dẫn đến thảm kịch hàng triệu người chết đói. Không một
tấm ảnh nào về 150.000 tù nhân trong các trại cải tạo tàn khốc. Cũng như
là việc kiểm duyệt thông tin, lẫn tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng
đến ¼ trẻ em trong nước.
Lạ hơn nữa
là trong nội dung chương trình tham quan không có một địa điểm nào khác
cho phép người xem tìm hiểu khám phá cuộc sống thường nhật của người dân
tại chỗ.
Tác giả cho
hay phải đánh lừa người thông dịch viên kiêm giám sát để có thể đến xem
một khu cửa hàng bán toàn các sản phẩm được cho là cao cấp như đồ chơi,
giày dép, chén dĩa … đến từ Trung Quốc. Tại đây, người xem đông hơn
người mua vì giá một món hàng tương đương mấy tháng lương của một anh
giáo viên.
Xa hơn nữa,
trong những khu phố ngoại vi, với những tòa nhà cũ kỹ dưới những đoạn
đường nối, một chiếc cầu là cả một khu chợ « chồm hổm ». Chính tại đây,
người nông dân trên chiếc xe đạp cà tàng hay xe kéo tựu về để tiêu thụ
một phần hoa lợi riêng được nhà nước cho phép giữ lại. Nhưng ngay khi có
một tín hiệu nhỏ của người gác, ngay lập tức khu chợ này « bốc hơi ».
Điều nghịch
lý là khu chợ đen này lại là nơi phát sinh ra một tầng lớp giàu có mới
nhờ vào sự thông đồng của một bộ phận quan chức hám lợi. Nhiều quán cà
phê sang trọng, những quán bia nhà, hay những phòng spa đang nở rộ tại
Bình Nhưỡng, phục vụ những kẻ tư bản sơ khai như nhận xét của Le Nouvel
Observateur.
Phát triển du lịch tại Fukushima để chống quên lãng
Tại Nhật
Bản, một nhóm các nhà trí thức đề ra một dự án, biến trung tâm hạt nhân
Fukushima bị tai nạn sóng thần và động đất thành một điểm du lịch, như
là Tchernobyl đang làm. Mục đích là nhằm lưu truyền ký ức về thảm họa
tàn khốc đó cho các hậu thế. Về chủ đề này, Courrier International trích
dịch lại bài viết đăng trên tờ Aera ở Tokyo qua hàng tựa « Tại
Fukushima, du lịch chống lại sự quên lãng ».
Theo tờ báo
Nhật, ông Hiroki Azuma, một nhà phê bình và triết gia, đang lên kế hoạch
xây dựng một khu phức hợp du lịch rộng lớn tại một khu làng cách khu
trung tâm hạt nhân bị tàn phá 25 km. Tham gia dự án còn có sự ủng hộ của
nhà xã hội học Hiroshi Kainuma, cũng thuộc vùng Fukushima, các kiến
trúc sư, nghệ sĩ và nhiều ký giả khác.
Tờ báo cho
hay, nhân chuyến đi thăm trung tâm hạt nhân Tchernobyl hồi tháng tư năm
nay (2013), nhóm làm việc Azuma và Kainuma đã nảy sinh ra ý tưởng trên.
Trong quá trình tham quan, hai ông đã có dịp trao đổi với người dân địa
phương, sống xung quanh khu vực thảm họa và nhận thấy nỗi ám ảnh của họ
lo sợ thảm họa hạt nhân sẽ đi dần vào quên lãng.
Đối với
người dân vùng Tchernobyl, chính việc gợi nhắc kinh nghiệm đau đớn mà
người dân tại những khu vực bị thảm họa tàn phá cảm thấy được xoa dịu và
tìm lại được sự tồn tại.
Từ những
cuộc trao đổi đó, mà mô hình du lịch có liên quan đến thảm họa hạt nhân
đã nảy sinh trong tâm trí ông Azuma. Đối với ông, « Không nên để cho ký
ức về thảm họa hạt nhân bị lu mờ ». Ông nhấn mạnh rằng, chính thông qua
các chuyến tham quan đó, người xem có thể theo dõi được tiến triển của
tình hình, họ có thể yên tâm là công tác giảng dạy về thảm họa sẽ được
truyền đạt cho các thế hệ nối tiếp.
Các cuộc
trao đổi giữa ông với người dân Ukraina đã cho thấy một lý lẽ rất rõ
ràng là « cần phải lĩnh hội tai nạn Fukushima qua cái nhìn tổng thể. Nếu
không, tai nạn này sẽ trôi vào quên lãng và thảm kịch sẽ lại tiếp diễn
».
Nhật Bản : cải tiến công nghệ bằng mọi giá
Tuần báo
L’Express cũng quan tâm đến Nhật Bản, nhưng trên lãnh vực công nghệ. Kể
từ châu Á mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, Nhật Bản vô hình chung
bị kềm kẹp giữa các đế chế công nghiệp mới như Hàn Quốc và Trung Quốc,
đến mức mà khi nhắc đến công nghệ tiên tiến, người ta nghĩ ngay đến
Samsung, Lenovo, Hoa Vi và nhiều tập đoàn lớn khác nữa.
Nhân chuyến
tham quan hội chợ Ceatec tại Tokyo vừa kết thúc ngày 05/10 - hội chợ
công nghệ cao châu Á lớn nhất hành tinh - phóng viên tờ báo có bài nhận
định đề tựa « Nhật Bản canh tân bằng mọi giá ».
Đơn giản,
gọn nhẹ, tùy nghi sử dụng theo mục đích và dễ kết nối với các tiện ích
khác là những mục tiêu nghiên cứu mới của các nhà sản xuất thuộc lãnh
vực công nghệ cao hiện nay tại Nhật Bản. Hầu hết các loại thiết bị công
nghệ cao đều tập trung nghiên cứu vào việc thu nhỏ kích cỡ, ngoại trừ
màn hình tivi là càng ngày càng lớn. Bài viết đơn cử trường hợp nhà sản
xuất hiệu Panasonic.
Theo giải
thích của ông Eric Novel, tổng giám đốc Panasonic France, ngoài việc
tăng kích cỡ màn hình rộng ra (mức trung bình hiện nay là 50 inch), chất
lượng hình ảnh không ngừng được cải thiện. Hiện tập đoàn đang nghiên
cứu nâng chất lượng hình ảnh từ Full HD (độ phân giải cao) hiện nay lên
thành UHD (Ultra high definition), nghĩa là độ phân giải cực cao. Điểm
thuận lợi của công nghệ mới này là cho phép nhìn màn ảnh rộng ở khoảng
cách gần không có rủi ro gây rối loạn thị giác, và cuối cùng là cho phép
xem hình ảnh ba chiều không cần kính.
Việc phát
triển công nghệ còn lan sang cả lãnh vực đồ điện gia dụng. Các thiết bị
này có khả năng nhận biết giọng nói và có thể kết nối với các dữ liệu
trên mạng. Như vậy các trang bị nhà bếp tương lai sẽ phải hiểu được cách
sống, theo được nhịp sống của chúng ta và dự đoán trước được các nhu
cầu của con người. Dĩ nhiên, mẫu mã thiết kế của sản phẩm phải được bám
sát với văn hóa của từng quốc gia.
Trung Quốc kiểm soát hệ thống báo chí tại châu Phi
Không chỉ
tăng cường kiểm soát thông tin trong nước, Trung Quốc đang dần nắm luôn
cả quyền kiểm soát mạng báo chí tại các quốc gia châu Phi có quan hệ đối
tác với Bắc Kinh. Courrier International trích đăng lại một bài viết
của tờ « The Globe and Mail » ở Toronto (Canada) cho hay ảnh hưởng của
Bắc Kinh lên ngành truyền thông đang được củng cố đặc biệt là tại Kenya,
Nam Phi và Zimbabwe. Giới nhà báo tại các quốc gia này không còn quyền
chỉ trích cả Trung Quốc lẫn nhà nước của họ.
Như hàng tựa
nhận định của bài viết, « Trung Quốc đang hình thành mạng báo chí của
mình tại châu Phi », tác giả cho hay Bắc Kinh đang ồ ạt đầu tư vào ngành
truyền thông của châu Phi. Vào tháng Tám vừa qua, một hãng báo Nam Phi
tại Nairobi đã được bán cho Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc, một tập
đoàn nhà nước.
Bài viết cho
rằng chính sách này nằm trong một chiến dịch dài hạn nhằm củng cố quyền
lực mềm « soft power » của Bắc Kinh, thông qua các chương trình trợ
giúp quốc tế, các đối tác giữa các doanh nghiệp, học bổng, những chương
trình đào tạo tại các trường đại học và ở các hãng báo.
Các khoản
đầu tư đó cho phép Bắc Kinh thúc đẩy các tham vọng truyền thông tại châu
Phi nhờ vào các chương trình phát sóng đương nhiên về thương mại và văn
hóa với một giọng điệu tôn trọng và ca ngợi đối với nhà cầm quyền, mà
phớt lờ mọi vấn đề có liên quan đến nhân quyền và những phản ứng xấu đối
với thế mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Theo lời
thuật của nhiều phóng viên làm việc cho đài CCTV châu Phi, các nhà báo
nhận được lệnh là chỉ đăng những thông tin có lợi cho Trung Quốc, gạt bỏ
những thuật ngữ xấu như « chế độ » chẳng hạn và phớt lờ các quốc gia
nào có quan hệ mật thiết với Đài Loan. Những chủ đề thời sự nóng như nhu
cầu ngà voi ngày càng lớn tại Trung Quốc hiện đang gây tranh cãi về nạn
săn bắn lậu tại châu Phi bị cấm đề cập đến.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/10/minh-anh-bac-trieu-tien-va-chu-nghia.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001