Một góc xã hội Việt Nam qua hình tượng tướng Giáp
Từ vài chục năm nay tướng
Giáp không còn tiếng nói tác động trực diện tới các vấn đề thời sự trong
và ngoài nước mà thế hệ chúng tôi quan tâm. Việc bỗng dưng một số báo
chí đổ bài nói về ông là điều không cân xứng với xã hội đương đại, khiến
tôi có cảm giác có cái gì đó không ổn.
Người lính
Nhiều mỹ từ được dùng để mô
tả tướng Giáp như một thống lãnh tài tình và một người cộng sản liêm
khiết. Trong nhóm mỹ từ ấy có ghi nhận ba lá thư ông viết phản đối đại
dự án bô-xít ở Tây Nguyên.
Danh tiếng của tướng Giáp hình thành cùng các chiến tích đặt nền móng
cho sự tồn tại của thể chế hiện nay, nhưng có vẻ như các đồng chí của
ông chưa bao giờ cho phép ông thoát khỏi vai người lính để trở thành
chính trị gia.
Mặt khác, bản thân tướng Giáp cũng chấp nhận mãi mãi làm “người
lính cả”. Khó tìm được chứng cớ cho thấy ông từng có tham vọng chính
trị so với những người đồng chí luôn dè chừng và kèn cựa với ông.
Một mặt tướng Giáp có chỗ đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản, mặt
khác đồng đội bằng vai phải lứa của ông chưa bao giờ quá hồ hởi với ông
sau khi đã đạt được mục đích chính trị là thống lĩnh toàn Việt Nam.
Trung thành
Những ý kiến nói tướng Giáp là nhân vật cấp tiến trong nội bộ
đảng mang nhiều lý do để người quan sát ngờ vực. Chưa bao giờ tướng Giáp
đặt dấu hỏi về vai trò độc quyền cai trị đất nước của đảng cộng sản mà
ông là thành viên. Ông hành xử êm hiền tới nỗi chẳng bao giờ lên tiếng
bênh vực những người yêu nước đòi bảo vệ lãnh thổ. Lòng trung thành với
đảng cộng sản của ông Giáp là rõ ràng, trong khi lòng trung thành với
đất nước, với dân tộc lại rất không rõ ràng.
Vì thế, với quá trình trung thành hỗ trợ đảng cộng sản độc quyền
thống trị Việt Nam mà ông Võ Nguyên Giáp lại được nâng lên thành hình
tượng „con người Việt Nam mẫu mực” có nhiều điều không ổn, chứng tỏ
người tâng bốc ông muốn hoặc a) tách ông với đảng cộng sản để dễ bề nâng
ông lên hàng “xuất chúng” bất chấp nguyện vọng của ông, hoặc b) bất
chấp sự thật chỉ để nhào nặn qua loa cho có một biểu tượng mà dùng, miễn
sao đáp ứng nhu cầu tìm thần tượng trong xã hội quá nhiễu ương tại Việt
Nam. Theo dõi dư luận những ngày qua, tôi thấy cả hai hiện tượng này
đều xuất hiện.Trách nhiệm
Tướng Giáp được xưng tụng là người được lòng dân, như thể ông đã
làm gì đó vượt qua khuôn khổ bình thường của một đảng viên cộng sản.
Nhưng nhìn vào thực tế ông chẳng làm gì khác hơn đảng của ông trong các
đề tài cấm kị như tù nhân chính trị, Phật Giáo Thống Nhất, tự do tín
ngưỡng, thiết lập đa đảng hay tam quyền phân lập… Kể cả khi tỏ ra phá lệ
để đề cập tới Bô-xít hay chủ quyền thì ông vẫn không phủ nhận vai trò
độc tôn của đảng cộng sản trên quê hương nơi ông từng khiến bao quân vào
sinh ra tử.
Bởi vậy, nếu có „xuất chúng” thì đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn xuất
chúng trong khuôn khổ, chứ ông không hề đem mình ra bảo vệ những đòi
hỏi cấp thiết và sống còn của dân tộc. Ông đã không dùng hàm đại tướng
của mình để làm không gian sống cho các cụm từ „cấp tiến” hay „đặt quyền
lợi người dân lên trên” mặc dù đã có cả mấy chục năm để làm việc đó.
Tương tự như vậy với ý thức của ông về chiến tranh. Cũng như các
đồng chí khác, ông không thấy có nhu cầu phải nói gì về trận Mậu Thân
tàn bạo do quân đội Bắc Việt gây ra. Ông ắt có lý do để im lặng mà đảng
cộng sản của ông cũng hành xử tương tự.
Thần tượng? Rất có thể vị đại tướng cộng sản mới từ trần sẽ được biến thành biểu tượng bên cạnh Hồ Chí Minh cho thêm phần sinh động, rất cần để tô vẽ chính thể “ưu việt” tại Việt Nam.
Việc một số người cả già cả trẻ và cả bloggers trong nước tâng bốc
tướng Giáp cho thấy có một góc xã hội người Việt đang khắc khoải tìm
thần tượng trong đường hầm tăm tối, còn đảng cộng sản thì phải dùng tới
nhân vật mà họ không hoàn toàn tín cẩn như ông Giáp để chi phối người
dân.
Đó dĩ nhiên là hệ quả của độc tài và bưng bít thông tin, chứ không
phải vì người Việt thiếu thần tượng. Bằng cớ là những nhân vật như linh
mục Nguyễn Văn Lý hay Hòa Thượng Thích Quảng Độ đều là những tên tuổi
biểu dương cho sự đối kháng bền bỉ và lẫm liệt dẫu bị nhà nước chủ yếu
lôi các tên tuổi đó ra mà đe dọa.
Vô số ảnh, bài đăng trên báo chí ghi nhận ngàn người xếp hàng viếng
tướng Võ Nguyên Giáp thế nào, con đường làng đưa tiễn ông lần cuối được
chuẩn bị gấp rút ra sao… khiến tôi bùi ngùi nghĩ tới ngày Hòa Thượng
Thích Huyền Quang viên tịch. Tôi rất nhớ những dòng người đã bị công
an ngăn cản thô bạo khi viếng Hoà Thượng và các báo thường ngày chăm chỉ
tìm kiếm thần tượng cho giới trẻ đã im lặng sau cái chết của nhân vật
đã nhiều lần được đề cử Nobel Hoà Bình. Lại bao cảnh vật lộn, xô đẩy
trong những đám tang „quan tài diễu phố” thúc nhắc tôi về một xã hội bất
công mà những người như ông Giáp đã cố tình rũ bỏ trách nhiệm của người
quyền chức.
Tôi không biết phải nói thế
nào với các bạn trẻ trót tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng
đáng được nâng niu. Nhưng nếu các bạn đã quyết chịu tang ông thì hãy đốt
nén hương cho cả những người đã bỏ mạng trong thời bình vì chính sách
mà ông Giáp chưa bao giờ phản đối.
Các bạn cũng đừng
quên bao người hiện vẫn còn hưởng án tù oan sai vì cất lên tiếng nói bảo
vệ đất nước, công lý và tự do. Họ bị án oan vì những người như ông Giáp
không thấy có liên quan hay trách nhiệm với họ. Vậy người trực tiếp
chịu trách nhiệm phải là tất cả những ai đang cố gắng đi tìm hình tượng
đẹp cho Việt Nam.
Warszawa, 11 tháng 10 năm 2013
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80418/mot-goc-xa-hoi-viet-nam-qua-hinh-tuong-tuong-giap/2013/10
=======================================================================
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80418/mot-goc-xa-hoi-viet-nam-qua-hinh-tuong-tuong-giap/2013/10
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001