Những chứng từ có ý nghĩa của người Pháp trên báo Mediapart về Tướng Giáp
Nguyễn Hữu Tấn Đức dịch
(bài của Vingtras, Mediapart 05 oct 2013)
[* Đối
với người Pháp, tên tuổi của Raymond Aubrac (1914-2012) gắn liền với
‘tinh thần kháng chiến’ của Pháp chống Đức quốc xã trong thời Thế chiến
II. Người Việt cũng cần biết ông từng là bạn của Hồ Chí Minh và từng
bênh vực cuộc đấu tranh của Việt Nam trong hai cuộc chiến (1946-1975).
ND]
Trong nhiều cuộc trao đổi giữa tôi [tác giả
Vingtras] và Raymond Aubrac khi chúng tôi chuẩn bị làm loạt phim tư liệu
về phong trào giải phóng thuộc địa mà sau cùng Đài truyền hình Pháp bỏ
qua không cho xúc tiến, chúng tôi thường nhắc tới nhân vật xuất chúng Võ
Nguyên Giáp.
Aubrac từng gặp Giáp mỗi lần qua Việt Nam và không ngớt khen ngợi ông tướng này...
Con
nhà quan, Giáp được đào tạo tại trường trung học Pháp Hà Nội, sau đó
theo học Sử, Luật và Kinh tế tại trưòng Quốc Học Huế và hoàn tất cuộc
đời học vấn tại Đại học Đông Dương và tại nhà tù Lao Bảo từ 1930 đến
1932 như một chiến sĩ cộng sản.
Là một người mác
xít chính hiệu, ông mang một mối thù thâm sâu đối với chế độ thuộc địa
mà ông tố cáo đã giết người vợ đầu tiên của ông và người chị vợ, bà này
bị chính quyền Pháp chém đầu trong Khám lớn Sài Gòn (1).
Khi
Đảng Cộng sản vừa thành lập phong trào Việt Minh, Giáp được Hồ Chí Minh
giao cho trách nhiệm tổ chức du kích để chống Nhật và sau đó, năm 1944,
đặt nền xây dựng Quân đội Giải phóng Nhân dân Việt Nam.
Dù
không hề học trường Võ bị nào, ông luôn nghiền ngẫm những chiến trận
tiêu biểu của Cách mạng Pháp như Valmy, Fleurus, Jemmapes, v.v. Và, theo
Raymond Aubrac kể, ông phục sát đất cuộc hành quân của Napoléon trên
đất Pháp năm 1814. Ông có khả năng làm sống lại những trận đánh lẫy lừng
ấy và giảng lại rành rọt cho các lớp sĩ quan Việt Cộng.
Trên
thực tế, cái mô hình ‘người lính-công dân’ mà ông đã hấp thụ trong Cách
mạng Pháp được ông chuyển thành mô hình ‘người lính-đồng chí’ trong bối
cảnh Việt Nam.
Nhờ đó trong suốt ba thập
niên ông đã nắm vận mệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân trong tay để đánh
bại Quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 và buộc Quân đội
Mỹ của Westmoreland phải bỏ miền Nam Việt Nam năm 1975.
Là
một nhà quân sự lỗi lạc đồng cảm với Saint-Just [Louis Antoine Léon de
Saint-Just (1767 – 1794), nhà lãnh đạo quân sự và chính trị trong cách
mạng Pháp, một trong những nhà lãnh đạo chính của nền Đệ nhất Cộng hoà
Pháp – BVN] , Rossel [Louis-Nathaniel Rossel (1844-1871), sĩ quan
và nhà chính trị Pháp, tham gia Công xã Paris, giữ chức Bộ trưởng Quốc
phòng – BVN] và Che Guevara, không những ông có một bộ óc thông
minh xuất chúng mà còn trên hết là con người của một niềm tin. Một nhà
cách mạng gương mẫu và một chiến sĩ của tự do.
Với
cái chết của ông, dân tộc Việt Nam mất đi một người ‘bạn dân’ lớn, một
‘núi lửa phủ dưới tuyết’ theo cách nói văn hoa của nhà báo Jean
Lacouture.
Là hậu duệ của “Người lính Năm II”
tiêu biểu của Cách mạng Pháp (1793), ông Giáp cũng là anh hùng của chúng
ta: người đã đập tan con vật ghê tởm là chính sách thuộc địa.
Chào vĩnh biệt tướng lĩnh-đồng chí !
(1) Vợ đầu tiên của ông Giáp là Nguyễn Thị Quang Thái, em của Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy Nam kỳ.
Chiếc giường tre của tướng Giáp
(phản hồi của Jean-Paul Bourges về bài viết trên của Vingtras 05/10/2013)
Trên đây là một bài điếu xứng đáng tặng một con người xuất chúng.
Cách
đây ba năm khi đi thăm một người mà tôi gọi là "đứa con gái Việt của
chúng tôi" (mười năm trước, cô bé này đã trú ở nhà chúng tôi khi nó sang
du học ở Lyon), vợ chồng chúng tôi nhất định đi một chuyến lên Điện
Biên Phủ. Tôi có người anh cả từng là phi công lái máy bay DC3 trong
chiến tranh Đông Dương: anh là người cuối cùng đã cất cánh thoát khỏi
lòng chảo dưới mưa đạn phòng không của Việt Minh.
Khi
đi viếng nơi mà ông Giáp điều khiển trận đánh, tôi đã chụp một số hình
kỷ niệm trong đó có tấm hình chiếc giường tre mà ông nằm nghỉ. [Một chứng từ nhỏ về sự cảm mến của một độc giả Pháp đối với Tướng Giáp ở khía cạnh khác. ND]
Chiếc giường tre của ông Giáp trong mái nhà lá © Jean-Paul Bourgès
Một cuộc gặp gỡ với Giáp
(bài của Benjamin Stora*, Mediapart 06.10.2013)
[*Giáo
sư Sử và Xã hội học Đại học Paris, chuyên nghiên cứu về phong trào giải
phóng ở các nước cựu thuộc địa như Algéríe, Việt Nam, thành viên Trường
Viễn đông Bác cổ]
Tướng Giáp vừa qua đời ở tuổi
102. Tôi từng gặp ông khá lâu tại nhà ông ở Hà Nội cùng với phu nhân.
Hôm đó là ngày mùng 1 tháng 5 năm 2004 nhân cuộc hội thảo đánh dấu 50
năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Với Alain Ruscio chúng tôi là hai sử
gia Pháp được mời dự hội thảo, tập trung vào việc đối chiếu những quan
điểm khác nhau về trận chiến Điện Biên Phủ và tiếng vang của nó trong
vùng và trên quốc tế. Hồi qua đây công tác lần trước (1995-1996) mặc dù ở
lâu hơn tôi đã không được dịp gặp ông (về thời gian công tác này xin
xem tác phẩm của tôi Voyages en postcolonies [“Du hành các nước cựu thuộc địa”], Nxb Stock 2012).
Tại nhà ông Giáp, Hà Nội tháng 5/2004
Lúc
đó ông Giáp chỉ còn ba tháng nữa là lên tuổi 93 mà vẫn tỏ ra sáng suốt
và lanh lợi lạ thường. Chúng tôi đã trao đổi trong hơn hai tiếng đồng
hồ. Ông niềm nở bước tới đón chào tôi. Dưới cái tạng nhỏ người và mảnh
khảnh, ông tỏ vẻ rất tự tin trong cuộc trao đổi, cách lý luận và cách
đặt câu hỏi. Đầu óc linh động của ông luôn mở ra để tìm hiểu mọi sự
việc. Chúng tôi không cần thông ngôn. Hoàn toàn lưu loát tiếng Pháp –
cũng như phu nhân –, tướng Giáp đã thoải mái thả mình vào một chuyến du
hành dài về quá khứ. Có lúc tôi tưởng ông sẽ quay lại đề tài chính của
cuộc hội thảo đang diễn tiến, là sự thất bại quân sự của Pháp ở Điện
Biên Phủ…
Nhưng khi một chiến sĩ lão luyện đầy
oai phong và một sử gia gặp nhau, cho dù chỉ một buổi thăm viếng xã
giao, thì cả một pho sử được mở rộng. Chúng tôi thao thao bàn về lịch sử
Pháp với những nhân vật điển hình của Cách mạng Pháp như Mirabeau,
Robespierre…, về lịch sử Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Nhật, việc xây
dựng Đảng Cộng sản trong bóng tối, và dĩ nhiên về chiến trận Điện Biên,
về cuộc giải thoát thuộc địa. Nửa thế kỷ sau biến cố, chiến trận Điện
Biên vẫn là mối ưu tư lớn đối với ông. Mặc dù tuổi tác, ông vẫn nhớ rõ
cuộn phim diễn biến chiến trường. Trong buổi trao đổi, ông thẳng
thừng phê bình khoa sử học Trung Hoa. Ông phủ bác luận điểm của các sử
gia Tàu cho rằng sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là
do sự giúp đỡ quý giá của quân đội Trung Quốc hơn là công lao của phía
Việt Nam. Đây là một trang sử gây tranh luận về Điện Biên Phủ mà
ít người Âu châu biết. Người Trung Quốc thường tuyên bố rằng họ đã đóng
vai trò quyết định trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Giáp khẳng định với tôi: “Điện Biên Phủ là do quân đội Việt Nam làm nên, đó là cuộc chiến thắng của Việt Nam”. Và ông đặt trọng tâm vào việc phải nhắc lại điều này “với tư cách tác nhân và thầy dạy sử”. [ND tô đậm]
Trước
mặt tôi, một sử gia về cuộc giải thoát thuộc địa, là một trong những
tác nhân quan trọng nhất của thời đại chuyển hướng trong lịch sử thế kỷ
XX. Ông từng bị phê phán là đã quá nặng tay đàn áp những đối lập chính
trị nội bộ và đánh giá thấp khả năng của quân đội Pháp trong giai đoạn
đầu cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhưng công trạng chính của ông là đã
thành công trong việc biến quân du kích thành một quân đội chính quy.
Một quân đội mà ông đào tạo để sẵn sàng đấu tranh với một kế hoạch chính
trị. Điều này chứng tỏ ông không chỉ là một tướng lãnh giỏi chiến thuật, mà còn là một nhà chiến lược cả trên mặt quân sự và chính trị[ND tô đậm]
được các đối thủ của ông thời đó khâm phục như tướng Raoul Salan, Tổng
tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp (ông này sẽ chống đối tổng thống de
Gaulle về vấn đề Algérie với cuộc đảo chính hụt tháng Tư 1961).
Sau
đó chúng tôi hướng cuộc trao đổi sang đề tài Algérie. Trước mặt một
người chuyên về lịch sử chiến tranh Algéríe và thoát ly thuộc địa, ông
Giáp không thể không đọc lại giai đoạn lịch sử này với nhãn kính của
ông. Ông nhắc nhiều lần tên tuổi những chiến sĩ Algérie mà ông coi là
gương mẫu. Ông đánh giá cao sự can đảm của họ. Ở Điện Biên Phủ, quân đội
Pháp là một đạo binh viễn chinh lạc vào một vùng đất xa xôi. Ở Algérie,
quân đội giải phóng Algérie (ALN) phải đương đầu với một đội binh hùng
mạnh hiếm có. Vì đã gặp một số lãnh tụ FLN/ ALN khi họ sang viếng Việt
Nam, ông còn nhớ tên nhiều người. Ông hỏi tôi tin tức về các lãnh tụ ấy
như thể chính tôi quen biết họ. Ông đặc biệt hỏi han về Benyoucef
Benkhedda (đã chết hồi tháng 2/2003, 15 tháng trước thi tôi gặp ông
Giáp) và về Ahmed Ben Bella.
Khi từ giã ông, tôi
có cảm tưởng Tướng Giáp sẽ đứng vào hàng ngũ những nhân vật quan trọng
đã làm nên lịch sử, ngay từ lúc này, trước khi ông biến mất. Sinh ngày
25/8/1911, chết ngày 4/10/2013 ông đã sống trọn hầu hết thế kỷ XX. Là
một tướng lãnh quân đội, ông đã tham gia nhiều cuộc chiến và thắng nhiều
trận. Ông đã đánh và thắng các quân đội Nhật, Pháp và Mỹ là ba quân đội
hùng mạnh nhất của thế kỷ XX! Và tuy đã về hưu, ông vẫn tham gia vào
những quyết định quân sự trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm
lược năm 1979. Những chiến trận khốc liệt đã xảy ra giữa hai quân đội
khi quân Trung Quốc tấn công vào cái hang mà Hồ Chí Minh từng ẩn náu
trong thời kháng chiến chống Nhật và chống Pháp – một địa thế mang giá
trị tiêu biểu. Tất cả những chiến trận ấy trên các chiến trường khác
nhau cộng lại vẽ lên rõ nét hình ảnh của Tướng Giáp: một nhà chiến lược
quân sự của thế kỷ XX.
Trong lịch sử những chiến
trận lớn, ông là người biết chuẩn bị chu đáo lực lượng pháo binh. Bám
chặt vào các đồi bao vây lòng chảo Điện Biên Phủ, chuyên chở lên đó từng
mảnh, từng bộ phận của hàng trăm khẩu pháo trên lưng người… đòi hỏi
nhiều can đảm và kiên nhẫn. Điện Biên Phủ đã vang lên như một chiến trận
động trời. Một trong những chiến công lừng lẫy nhất của lịch sử quân
sự. Trên mặt lịch sử, nó đánh dấu sự thất bại quân sự đầu tiên của một
Đế chế thuộc địa. Hậu quả mãnh liệt của nó tràn lên tất cả các nước
thuộc địa và các nước thuộc thế giới thứ ba. Theo lời của nhà lãnh tụ
kháng chiến Algérien Ferhat Abbas khi ông đánh giá chiến công quyết định
này, Điện Biên Phủ quả là “trận Valmy* của những dân tộc bị trị”.
[*
Sau khi lật đổ chế độ quân chủ, quân đội Cách mạng Pháp đã chận đứng
quân đội Prusse (Đức) đang tiến về Paris để phục hồi quân chủ. Trận đánh
xảy ra ngày 20/9/1792 tại Valmy (tên một làng nhỏ miền
Champagne-Ardenne, phía đông Paris) đánh dấu cuộc chiến thắng đầu tiên
và quyết định của Cách mạng Pháp. Chứng kiến nhãn tiền chiến trận này,
đại văn hào Goethe (người Đức) đã thốt lên câu để đời: “Ngày này và nơi đây bắt đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới.” ND]
------------------------------------------------------------
Lời người dịch
Tương phản với nhận định trên là luận điểm của trang mạng Baidu dưới đây của Trung Quốc (dù không chính thức):
Baidu:
Theo các nguồn tư liệu Trung Quốc, ông Giáp đã bị mất quyền
tháng 2/1980 vì ông chống lại chính sách chống Trung Quốc của
Hà Nội khi đó. Tướng Giáp đặt vấn đề về cuộc can thiệp quân
sự của Việt Nam tại Campuchia. Năm 1990 ông Giáp đã đi dự cuộc
thi thể thao Asian Games ở Bắc Kinh và đó là biểu hiện của nỗ
lực cải thiện quan hệ Việt-Trung. Truyền thông Trung Quốc gọi
Tướng Giáp là một người bạn của Trung Quốc.
Chứng
từ của một số người Pháp cho thấy tinh thần thượng võ của Tây phương
đối với Tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt chứng từ của Benjamin Stora qua
cuộc trao đổi kể trên cũng cho những người nghiên cứu thấy rõ cái mâu
thuẫn căn bản, thâm sâu giữa Tướng Giáp và Trung Quốc về cách đánh giá
có tính chiến lược đối với chiến thắng Điện Biên Phủ. Với tất cả sự khôn
ngoan, ông đã bảo vệ Quân đội Nhân dân Việt Nam khỏi sự cướp công của
Trung Quốc trước lịch sử, và quan điểm chiến lược này rất có ý nghĩa đối
với Việt Nam, để thế giới nhìn nhận chính Việt Nam mới là người làm
thất bại chính sách thuộc địa của Pháp chứ không phải Trung Quốc. Đồng
thời điều này cũng làm cho các sử gia thế giới thấy rõ cái tầm của Tướng Giáp không chỉ là người chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những tư liệu về việc Tướng Giáp quyết định ngày đánh, cách đánh ở Điện
Biên Phủ, sao cho “chiến thắng lớn nhất với số người phải hy sinh nhỏ
nhất”, chứ không theo chiến thuật ‘biển người’ để áp đảo như Đoàn cố vấn
Trung Quốc muốn, càng xác định tính độc lập của ông trên cái tầm của
người trí thức hiểu biết thế trận quân sự và cái tâm của ông đối với
người lính. Một quân đội bị nướng quân sau chiến thắng đã tàn tạ, rã rời
không gượng lên được thì làm sao tiếp tục bảo vệ đất nước? Lợi cho ai?
Có
lẽ đây mới là nguyên nhân ẩn số chi phối chính trường Việt Nam dẫn đến
sự thất sủng của Tướng Giáp và khiến ông mất dần quyền lực sau khi Trung
Quốc đã lợi dụng chiến thắng của Việt Nam để chi phối thế giới và nội
bộ Việt Nam, tạo ra cái mưu thâm chia cắt Việt Nam. Tuy có những lúc ông
không đồng ý với nhiều người lãnh đạo khác về chiến thuật, nhưng về
chiến lược ông đã có cái nhìn xuyên suốt để bảo vệ quyền lợi lâu dài của
Việt Nam một cách đúng đắn, khôn ngoan, cả về quân sự lẫn chính trị.
Nhất là việc ông ra lệnh tiếp thu các đảo Trường Sa từ Việt Nam Cộng Hoà
ngay năm 1975, kế thừa chủ quyền lãnh hải của Việt Nam qua mấy
thế kỷ. Gần đây hơn là việc ông phản đối dự án khai thác bôxít ở Tây
Nguyên có ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh quốc gia, v.v.
Là
người Việt quốc gia, dù không theo chủ nghĩa cộng sản, tôi cũng kính
trọng những đóng góp ý nghĩa của Tướng Giáp đối với quyền lợi của dân
tộc Việt Nam. Tôi nghĩ những thế hệ trẻ Việt Nam càng phải nhớ và hiểu
những lời dặn dò của Tướng Giáp “với tư cách là một tác nhân và thầy dạy
Sử”.
Thái độ độc lập của Đại tướng Võ Nguyên
Giáp trên những quan điểm, những quyết định để bảo vệ quyền lợi chiến
lược của Việt Nam, ngày nay có còn được những người lãnh đạo tiếp tục
hay không, trước những xảo kế ngày càng tinh vi của Trung Quốc để ly
gián cái nhìn của thế giới đối với Việt Nam vẫn tiếp tục ?
N. H. T. Đ.
Paris 9.10.2013
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:26
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/10/nhung-chung-tu-co-y-nghia-cua-nguoi.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001